Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY TRONG HÔN NHÂN
1. TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY TRONG HÔN NHÂN
(Linh mục Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S., tiến sĩ thần học tín lý đại học giáo hoàng Gregoriana, Roma, dạy đại chủng viện Thần Học (Washington DC), đại chủng viện và đại học giáo hoàng St. Mary’s (Baltimore), Học Viện Đại Kết (Baltimore), trường thần học Oblate School of Theology (San Antonio, TX), thành viên ban giám đốc đại chủng viện Assumption, San Antonio TX, tác giả hàng trăm bài viết, thuyết giảng nhiều đại hội giáo lý và đại học, cộng tác với nhiều tờ báo, đài phát thanh và truyền hình Công Giáo tại Hoa Kỳ.)
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
I. Giới thiệu
Gia đình là đơn vị căn bản của xã hội, là giáo hội thu nhỏ.[1] Khi gia đình hạnh phúc thì xã hội bình an. Khi gia đình gặp khủng hoảng thì xã hội cũng gặp loạn lạc.[2] Nhận ra những khủng hoảng trầm trọng của hôn nhân và gia đình trong hiện tại, đức thánh cha Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Roma từ ngày 4 đến 19 tháng 10 năm 2014 nhằm tìm ra một giải pháp mục vụ hữu hiệu cho tín hữu.[3]
Trong bài này, chúng ta tìm hiểu tính bất khả phân ly của hôn nhân. Và để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cần hiểu một vài từ ngữ và ý tưởng trước khi đào sâu bài viết.
Cụm từ tính bất khả phân ly được dùng để chỉ ràng buộc hôn nhân không thể bị tiêu hủy hay chia cắt.[4] Khả năng này chỉ được áp dụng và hiểu cách đúng nghĩa cho những trường hợp tái hôn sau khi ly dị mà thôi: liệu hôn nhân với người đang còn sống (mà đã chia tay) có còn hiệu lực/ ràng buộc không? Nếu hôn nhân bất hạnh phải kết thúc trong ly dị (về mặt luật đời hay theo phong tục, tập quán địa phương) mà hai người không tái hôn, thì tính bất khả phân ly không là một vấn nạn. Với Giáo Hội, ly dị được chấp nhận theo luật xã hội không xoá đi tính bất khả phân ly của hôn nhân, và vì thế, mọi tái hôn đều bị coi là vô hiệu trước mặt Giáo Hội.[5]
Thứ hai, nếu theo đúng thần học và giáo luật Công Giáo, tính bất khả phân ly ở đây được áp dụng cho những bí tích hôn nhân có hiệu lực và thành sự mà thôi, nghĩa là, những hôn nhân đúng theo giáo luật giữa hai người đã chịu phép rửa tội (Công Giáo, hay một Công Giáo và một Tin Lành v.v….) đồng thuận và đã “trở nên một xương một thịt” (theo nghĩa là đã có giao hợp xác thịt với nhau). Nói theo ngôn ngữ của Giáo Hội là những hôn phối thành nhận và hoàn hợp - ratum et consummatum - thì bất khả phân ly.[6]
Tuy nhiên, khi bàn đến tính bất khả phân ly của hôn nhân trong bài này, tôi không chỉ nói đến giáo luật và giáo lý hiện tại áp dụng cho những hôn nhân Công Giáo từ sau công đồng Trent (thế kỷ 16) khi xác định hôn nhân là một trong bảy bí tích (đã được nói đến từ thời thánh Thomas Aquinas thế kỷ 13), mà còn truy tìm lịch sử của tính bất khả phân ly trong lịch sử Giáo Hội, tìm hiểu sự hình thành và biến thể của những giải thích về tính bất khả phân ly này. Tôi cũng sẽ nói đến lập luận của hai nhóm người (thuận và chống) lời dạy này, và kết thúc bài tìm hiểu với lời dạy hiện nay của Giáo Hội.
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
Củng chính vì giáo hội CG không cho phép li dị ...mà Anh Giáo xuất hiẹn .
Anh Giáo (Anglican Communion) do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho Nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh La Mã (Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly di để lấy vợ khác.
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
II. Những Đoạn Kinh Thánh Đáng Chú Ý
Bài viết sẽ nhắc đi nhắc lại nhiều lần vài đoạn Thánh Kinh cần thiết tìm thấy trong Đệ Nhị Luật 24:1-4, Mark 10:2-12, Matthew 5:31-32, 19:3-12, Luke 16:18 và 1 Cor 7:10-16. Nhưng để giúp người đọc không phải mở Kinh Thánh nhiều lần, tôi xin trích một vài câu quan trọng để dễ đối chiếu:
Sách Đệ Nhị Luật: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. (24:1)
Mark 10:2-12 “Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.
Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Matthew 19:9 “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”
Matthew 5:32 “Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Luke 16:18 “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
1 Cor 7: 10-15 “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” Còn với những người khác, thì tôi nói -chính tôi chứ không phải Chúa-: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng..... Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau!”
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
III. Nguồn Gốc Kinh Thánh
Kinh Thánh nói gì đến tính bất khả phân ly của hôn nhân và việc tái hôn? Trước hết, ta bàn đến tính bất khả phân ly. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại trong thời Cựu Ước, ly dị và tái hôn được chấp nhận.[7] Khi li dị, người chồng trao cho vợ chứng thư li dị, và người vợ được tự do đi lấy chồng khác (Deut 24:1-4).[8] Chiếu theo luật này, chỉ người chồng mới có quyền li dị, và người vợ chỉ nhận chứng thư li dị chứ không có quyền ly dị người chồng.
[9]
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Kitô hữu quen thuộc với lời dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Đọc Tin Mừng Luke 16:8, Mark 10:2-12, Matthew 5:32 và 19:3-9, các nhà kinh thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu chắc hẳn đã đi ngược lại truyền thống của Do Thái lúc bấy giờ khi kêu gọi con người không được ly dị và tuyên bố tính bất phân ly của hôn nhân vợ chồng.
Tin Mừng Mark và Matthew kể khi những người Pharisiêu đến chất vấn Chúa Giêsu về việc luật Môsê cho phép ly dị và tái hôn (Mk 10:2-12; Mt 19:3-12), Ngài đã nhắc cho họ nhớ rằng ngay từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (Gen 1:27), và ý định của Thiên Chúa là kết hợp hai người nên một, mỗi người phải từ bỏ cha mẹ mình để đến với nhau (Gen 2:24). Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ vì “các ông lòng chai dạ đá, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19:8).
Không chỉ từ chối ly dị, Chúa Giêsu còn dạy thêm “ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngọai tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng đế lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mk 10:11-12).[10] Đây được xem là bằng chứng rõ ràng nhất, mà hầu hết các nhà chú thích Kinh Thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân.
Dù biết luật Môsê cho ly dị hợp pháp, Chúa Giêsu cảnh cáo những ai ly dị vợ để lấy người khác là phạm tội ngoại tình, mà tội này chỉ có thể được hiểu khi ràng buộc hôn phối vẫn còn.[11] Nói cách khác, dù hợp pháp khi ly dị, luật đạo của Thiên Chúa vẫn không cho phép.[12] Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ khi con người yếu đuối, nhưng không thể thay thế luật Thiên Chúa đã có ngay từ ban đầu, đó là “cả hai nên một… và không được phân ly”(Mk 10:9; Mt 19:4-6).
Thêm vào đó, phản ứng rất ngạc nhiên của các môn đệ càng củng cố tính chính xác của những lời dạy quá nghiêm khẳc của Chúa Giêsu, nếu không nói là táo bạo, vì đi ngược với lối sống bấy giờ: “Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19:10). Không trực tiếp trả lời câu hỏi các môn đệ, Chúa Giêsu nói đến ơn sống độc thân: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19:11-12).
Thánh Phaolô cũng xác nhận lời Chúa Giêsu dạy qua thư gởi tín hữu Côrintô: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cor 7:10-11). Việc xác nhận này giúp các nhà chú thích Kinh Thánh và thần học quả quyết rằng chính Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly trong hôn nhân.[13] Trong đoạn trích trên, thánh Phaolô không nói đến lý do ly dị, nhưng cho dù có lý do chính đáng, Ngài vẫn kêu gọi không tái hôn. Lời dạy này được nhắc một nữa trong thư gởi tín hữu Roma: “Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình” (Rm 7:3).
Tóm lại, các Tin Mừng Matthew, Mark, Luke và thư của Phaolô cho ta cơ sở vững chắc để tin rằng Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly của hôn nhân.
Thứ hai, về việc tái hôn. Truyền thống Do Thái giáo cho phép tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, hay ta thường nói “cho đến khi sự chết chia lìa chúng ta.” Tính bất khả phân ly được trân trọng không có nghĩa là sự gắn bó muôn đời với một người, mà chỉ bao lâu người đó còn sống mà thôi. Kitô hữu tin rằng cả Chúa Giêsu cũng không lên án việc các bà goá tái giá (trong câu chuyện một người đàn bà lấy 7 anh em làm chồng – Lk 20:29-31), nhưng Ngài chỉ nói đến con người sau khi sống lại trong nước Thiên Chúa thì sinh hoạt như thiên thần, và việc dựng vợ gã chồng không còn nữa (Mk
12:25).
Thánh Phaolô cũng có cùng kết luận chấp nhận vợ lấy chồng khác khi người chồng chết (Rm 7:2-3; 1 Cor 7:8-9). Và khi giảng dạy về thời kỳ sau hết (tức thời kỳ thánh Phaolô tin là Ngài đang sống và đang chuẩn bị đón Đức Kitô trở lại lần thứ hai), thánh nhân nhắn nhủ con người ưu tiên chuyên tâm cầu nguyện, chay tịnh, sửa mình… hơn là lo dựng vợ gã chồng (điều này áp dụng cho người goá cũng như độc thân). Tuy nhiên, thánh Phaolô cũng rất thực tế khi chấp nhận việc dựng vợ gã chồng như một điều kiện bất đắc dĩ cho những ai “nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt” (1 Cor 7:9).
Hiểu được tính yếu đuối của con người, trong thư gởi cho Timôtê,[14] thánh Phaolô đã có những lời khuyên hợp lý cho từng hoàn cảnh cá nhân (1Tim 5:11-16). Ngài cũng khuyên các goá phụ còn trẻ nên tái giá để tránh những dịp tội khác: “vậy tôi muốn các bà goá trẻ hãy tái giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà; đừng để cho đối phương có dịp bới móc” (1 Tim 5:14).[15]
Điều đáng chú ý ở đây là dù tái hôn được phép, nhất là trường hợp người phối ngẫu đã chết, nhưng những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên vẫn ưu tiên chọn những người không tái hôn làm lãnh đạo. Trong thư gởi cho Timôtê, tác giả đưa tiêu chuẩn cho người giám quản cộng đoàn (tương đương với giám mục ngày nay) là “người chỉ một đời vợ” (1 Tim 3:2), và những người tự nguyện phục vụ giáo hội (trong nhóm các bà goá) là những người “vợ của một chồng” (1 Tim 5:9). Thánh Phaolô thì cho rằng “nếu chồng chết rồi, thì vợ được tự do muốn lấy ai thì lấy… nhưng theo ý tôi, người ấy có phúc hơn nếu cứ ở vậy” (1 Cor 39-40).
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
IV. Các Giáo Phụ Với Tính Bất Khả Phân Ly
Giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả phân ly trong hôn nhân được coi là rõ ràng và mang tính liên tục, nghĩa là, truyền thống Giáo Hội để lại cho thấy lời dạy về tính bất khả phân ly thật sự đến từ Chúa Giêsu, qua các tông đồ, và luôn được Giáo Hội gìn giữ tính xác thực của nó.
Với các giáo phụ trong những thế kỷ đầu, đã có nhiều ý kiến trái chiều khi diễn dịch ý tưởng này. Thánh Gregory chấp nhận tái hôn: “Hôn nhân đầu tiên là hợp hoàn toàn với luật, hôn nhân thứ hai được dung thứ bởi ân xá, hôn nhân thứ ba là nguy hiểm. Và hôn nhân thứ tư khiến con người như con heo.”[16] Thần học gia Athenagoras (thế kỷ II) viết: “Ai mà bỏ vợ, ngay cả khi đã chết, để lấy vợ khác là ngoại tình trá hình vì vi phạm điều Thiên Chúa đã sắp xếp, vì từ đầu Thiên Chúa tạo dựng chỉ một nam một nữ.”[17]
Trong tập giáo huấn Vị Mục Tử Của Hermas (cuối thế kỷ I - đầu thế kỷ II), một tác phẩm được coi là tiêu chuẩn giáo lý và giáo luật cho Kitô hữu trong hai thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã dạy: “Hãy để cho người chồng ly dị bà và để người chồng sống độc thân. Nếu chồng ly dị vợ và lấy người khác, người đó phạm tội ngoại tình”[18] Justin Martyr (100-165?) cũng dạy những lời tương tự.[19] Origen (184-254?) khi chú giải Tin Mừng Matthew viết: “Một người đàn bà ly dị và lấy chồng khác trong khi người chồng trước còn sống là người ngoại tình, và người đàn ông đến với người đàn bà ly dị này không phải là kết hôn, nhưng theo lời Chúa chúng ta, ông này đang phạm tội ngoại tình với bà kia”[20]
Công đồng miền Elvira (năm 300) dạy rằng những bà nào bỏ chồng và ở với người khác sẽ không được rước lễ ngay cả khi sắp chết (canon 8). Cả trong trường hợp người chồng ngoại tình, người vợ cũng không được tái hôn. Ai tái hôn thì không được phép Rước Lễ cho đến khi xa lìa người chồng mới này (canon 9). Và nếu một người chồng ngoại (không có rửa tội) bỏ vợ mình mà không có lý do chính đáng để lấy một Kitô hữu, người vợ Kitô hữu này không được phép lấy người đàn ông đó vì như thế là chia rẽ gia đình họ. Nếu Kitô hữu lấy người ngoại đó, người vợ Kitô hữu này không được Rước Lễ, ngay cả khi nguy tử (canon 10).
Công đồng miền Arles (năm 314) dạy: “Với những ai còn trẻ và trung thành nhưng phát hiện vợ mình ngoại tình, công đồng chỉ thị rằng họ không thể tái giá bao lâu người vợ còn sống, ngay cả khi vợ ngoại tình” (canon 11).[21]
Thánh Basil Cả (330-379) viết: “Một người cưới vợ của một người khác sau khi hai người không còn ở với nhau vẫn bị coi là phạm tội ngoại tình.”[22]
Thánh Ambrose thành Milan (337-397) nghiêm cấm ly dị, và nếu vì lý do chính đáng mà ly dị thì hai người không được tái hôn khi người bạn đời kia còn sống.[23] Ngài nhắc lại con người không được phân ly việc gì Thiên Chúa đã kết hợp.[24]
Thánh Jerome (347-420) cũng nhắc đến vợ chồng không được tái hôn sau khi chia tay nhau,[25] ngay cả khi vợ phạm tội ngoại tình, người chồng vẫn không được tái hôn khi vợ mình còn sống.[26]
Thánh Gioan Kim Khẩu (349-407), khi chú thích Tin Mừng Matthew đã khẳng định nguyên tắc nghiêm khắc của Chúa Giêsu về tính không phân ly trong hôn nhân, viết: “Theo nguyên tắc tạo dựng và theo luật được ban cho (con người), Đức Giêsu Kitô dạy rằng người nam phải ở với người nữ luôn, và không chia tay nàng.”[27] Ngài khuyên Kitô hữu giữ mình, không tái giá ngay cả khi chồng chết (và được phép) vì như thế họ bất trung với người đã qua đời.[28]
Đức giáo hoàng Innocent I (trị vì 401-417) trong thư viết năm 408 dạy: “Chúng ta coi một phụ nữ là ngoại tình nếu bà lấy chồng lần thứ hai trong khi người chồng kia còn sống, và sẽ không cho bà đó được hưởng ân xá đền tội cho đến khi một trong hai người đàn ông qua đời.”[29]
Đến cuối thế kỷ thứ tư, thánh Augustine (354-430) nói rằng khi người chồng rẫy vợ vì vợ ngoại tình, và lấy một người vợ khác thì không chỉ người vợ mang tội ngoại tình mà cả người chồng cũng mang tội ngoại tình nữa. Ngài còn đi xa hơn và nói rằng cả người (vợ sau) lấy người chồng này cũng mang tội ngoại tình. Với những người chồng, nếu họ ly dị vợ dù với lý do tội gian dâm chính đáng hay chỉ tìm cớ ly dị để lấy người khác, cả hai đều mang tội ngoại tình, nhưng người ly dị vợ vì gian dâm ít tội hơn mà thôi.[30]Ngài cũng cắt nghĩa rằng một phụ nữ sẽ không là vợ của một người đàn ông khác cho đến khi nàng chấm dứt làm vợ người chồng trước… và đó là khi “chồng chết chứ không phải khi chồng phạm tội gian dâm. Một người có thể bị chia lìa (ly thân) bởi tội gian dâm, nhưng ràng buộc hôn nhân vẫn còn.”[31]
Tóm lại, ta có thể thấy được rằng các giáo phụ trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội lên án việc ly dị và tái hôn, và lời dạy các Ngài được củng cố qua lời dạy các công đồng và các giáo hoàng.[32] Điều nhiều người đặt câu hỏi ở đây là liệu các giáo phụ lên án tái hôn vì tính bất khả phân ly của hôn nhân hay vì yếu tố luân lý của hôn nhân? Nói cách khác, trong các bài viết, các giáo phụ không nói đến tính bất khả phân ly mà chỉ nói đến tội khi ly dị và tái hôn, vậy tội các ngài nói đến là tội từ cám dỗ xác thịt hay tội vi phạm ràng buộc tính bất phân ly của hôn nhân.[33]
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
V. Tranh Luận Xét Lại Tính Bất Khả Phân Ly
[34]Từ ngày 5-19 tháng 10 năm 2014 vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục họp ở Roma về đề tài Hôn Nhân và Gia Đình nhằm tìm hiểu những khó khăn gia đình đang đối diện, và hy vọng tìm ra những đáp ứng mục vụ thích
hợp. Có nhiều ý kiến đối nghịch nhau được bàn luận trong cuộc họp đến nỗi sau cuộc họp, nhiều báo chí trên thế giới đã thổi phồng là Thượng Hội Đồng có sự chia rẽ giữa hai nhóm bảo thủ và cấp tiến.[35]
Điều đáng chú ý có liên quan đến bài viết này là khi đức hồng y Walter Kasper, người được đức thánh cha Phanxicô chọn để thuyết trình đề tài chính cho Thượng Hội Đồng, đưa ra đề nghị cho phép những người li dị và tái hôn được rước lễ. Lời đề nghị của Ngài được xem là quá cởi mở và đi ngược lại với lời dạy hiện tại của Giáo Hội, nên có nhiều chống đối cũng như ủng hộ, và cũng chính là trọng tâm của những khác biệt trong tranh luận.
Với nhóm (tạm đặt tên là bảo thủ) đề cao tính bất khả phân ly thì li dị và tái hôn vi phạm điều luật bí tích hôn phối, và theo lời dạy hiện hành thì họ sống trong tội. Nếu Giáo Hội cho phép họ rước lễ thì chứng tỏ chúng ta không còn tôn trọng tính bất khả phân ly trong hôn nhân.
Với nhóm (tạm đặt tên là cấp tiến) nhắm đến tinh thần mục vụ giúp đỡ người ly dị thì dù việc tái hôn vi phạm bí tích hôn phối (vì tái hôn mà không có phép tiêu hôn của Giáo Hội), nhưng họ thật sự sống trong yêu thương, trong cam kết và có trách nhiệm với con cái nên không thể xem họ là sống trong tội lỗi được.[36]
Vậy, căn cứ vào đâu mà đức hồng y Walter Kasper có những ý kiến đó? Liệu ý kiến đó có đi ngoài lời dạy Giáo Hội không? Hay đã có trong lịch sử Giáo Hội trước đây?
Trong phần này, chúng ta tìm hiểu lịch sử và lý do những người muốn xét lại tính bất khả phân ly.
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
1. Giáo Hội Sơ Khai Với Ly Dị và Tái Hôn
Khác với những người tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, trong phần này chúng ta nói đến những người ly dị và tái hôn khi người phối ngẫu còn sống. Những người bênh vực lý do tái hôn sau ly dị thường lấy trường hợp thánh Phaolô cho phép tín hữu Corintô như một ví dụ.
Thánh Phaolô đưa ra trường hợp những anh chị em trở thành Kitô hữu trong khi vợ hay chồng vẫn là người ngoại đạo, hay những Kitô hữu lấy người ngoại đạo, mà nếu người phối ngẫu (ngoại đạo) bằng lòng sống với Kitô hữu, thì họ không được phép ly dị. Trái lại, nếu người ngoại đạo muốn bỏ Kitô hữu, thánh Phaolô phán quyết là Kitô hữu được phép bỏ chồng hay vợ ngoại đạo: “Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc” (1Cor 7:15). Lý do Ngài đưa ra là để Kitô hữu bảo vệ đức tin và được sống bình an trong Chúa.
Điều đáng chú ý ở đây là ta không thấy thánh Phaolô nói thêm về việc tái hôn trong trường hợp này (vì người phối ngẫu vẫn còn sống), nhưng sự im lặng của Ngài đã tạo ra nhiều diễn dịch đối nghịch nhau. Một số cho rằng Ngài không cho phép tái hôn khi vợ hay chồng kia vẫn còn sống (1 Cor 7:39). Một số khác cho rằng không thấy thánh Phaolô ngăn cấm những Kitô hữu ly dị người phối ngẫu ngoại đạo và muốn tái hôn, dù thánh nhân chỉ khuyên họ tốt hơn là không tái hôn mà thôi (1 Cor 7:8, 40).
Khi cộng đoàn Kitô hữu phát triển, và các sách Tin Mừng bắt đầu hình thành (từ những năm 70-90 AD), có hai điều ta nên chú ý. Thứ nhất, nếu chỉ dựa vào Thánh Kinh mà thôi, người ta có thể diễn dịch nhiều ý nghĩa khác nhau của những lời dạy về ly dị và tái hôn, hoặc của Chúa Giêsu, hoặc của Giáo Hội. Thứ hai, những lời dạy về ly dị và tái hôn được kiện toàn qua lịch sử của Giáo Hội khi Kitô giáo đến những vùng đất mới và phải đối thoại với những thử thách mới của văn hoá, tập tục địa phương.[37]
Ví dụ, thánh Matthew đã không ngần ngại thêm một cụm từ vào lời Chúa Giêsu dạy “không được ly dị ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 19:9). Cụm từ “ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” này được thêm, theo các nhà Kinh Thánh, là vì nhu cầu mục vụ của cộng đoàn thánh Matthew với nhiều người gốc Do Thái nay trở thành Kitô hữu nhưng họ vẫn còn sùng mộ và giữ luật Do Thái bao gồm cả luật ly dị (Deut 24:1-4).[38] Hay khi Phaolô và Mark nói đến trường hợp người vợ ly dị chồng (Mk 10:11-12; 1 Cor 7:11), độc giả ngày nay biết rằng chuyện này không thể xảy ra trong Do Thái giáo nhưng có thể xảy ra trong vùng văn hoá Hi lạp và Roma (nơi vợ có thể ly dị chồng).[39]
Với các giáo phụ, phản ứng về ly dị và tái hôn không đồng nhất, và không có một hệ thống thần học hay luật pháp nào rõ rệt. Tái hôn ngay khi người phối ngẫu còn sống được chấp nhận cách bất đắc dĩ thời Origen.[40]
Luật khoản 8 của công đồng Nicea (năm 325) nói đến những người lấy vợ, lấy chồng lần thứ hai (digamoi) khi người phối ngẫu còn sống là phạm trọng tội, và họ cần làm một số những việc đền tội và hình phạt cần thiết trước khi được hoà giải lại với Giáo Hội.[41]
Thánh Basil Cả (330-379) khi viết thư cho giám mục vùng Caesarea, nhắc đến trường hợp một người đã ly dị vợ và lấy vợ khác, nhưng sau bảy năm thật lòng ăn năn, sám hối, ông đã được Giáo Hội tha thứ và cho phép trở lại sinh hoạt trong Giáo Hội mà không phải từ bỏ người vợ thứ hai này. Thánh Basil nói đến “đáng được tha thứ” và “sự tha thứ sẽ được ban cho ông để ông tái hội nhập với Giáo Hội.”[42] Lý luận của thánh Basil Cả trở thành nền tảng cho những cắt nghĩa thần học của giáo hội Đông Phương khi họ chấp nhận cho việc ly dị và tái hôn như hiện nay.[43]
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
Vậy căn cứ vào đâu mà có những giải thích khác nhau về việc cho phép ly dị và tái hôn này?
2. Chú Giải Lời Dạy Chúa Giêsu
Như đã nói trên, hầu hết các nhà Kinh Thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu không chấp nhận ly dị, và dạy tính bất khả phân ly trong hôn nhân.[44] Tuy nhiên Matthew nhắc đến hai lần “không được ly dị ngoại trừ porneia” (tiếng Việt dịch là “ngọai trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 5:32 và 19:9). Việc Matthew nhắc hai lần “ngoại trừ” này khiến các nhà chú thích Kinh Thánh đặt câu hỏi: liệu đây là những trường hợp “bất hợp pháp” hay “những trường hợp không giữ được lời hứa.”[45]
Với nhóm người có khuynh hướng xét lại tính bất khả phân ly, họ chú thích lời Chúa Giêsu với một phương thức khác. Họ tin rằng lời Ngài dạy cần được hiểu tường tận dựa theo bối cảnh Ngài giảng dạy, nghĩa là, chúng ta không thể trích một câu trong toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu để đem ra làm tiêu chuẩn cho luật cho tín lý hay luân lý vì như thế là “mù quáng theo nghĩa đen.”[46]
Lời Chúa Giêsu dạy trong Matthew được cắt nghĩa như sau: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:31-32). Lời dạy này nằm trong bối cảnh chương 5, khi Chúa Giêsu đang đưa ra những tiêu chuẩn lý tưởng trong đời sống Kitô hữu qua bài giảng Trên Núi (thường gọi là Tám Phúc Thật), như kim chỉ nam cho đời sống con người.[47] Nếu đem so sánh lời Chúa Giêsu dạy trong chương này, ta có thể tìm ra sáu tương phản giữa luật Môsê (M) và luật mới của Chúa Giêsu (G), điều mà họ cho là thực tế khác với lý tưởng.[48]
M. dạy (1) không giết người; G. dạy: không được giận; (2) M: không ngoại tình; G: không được ngay cả nhìn và ước muốn phạm tội (3) M: cho phép li dị; G: không được li dị (4) M: không được thề gian; G: không được thề gì cả (5) M: được trả thù; G: không được trả thù (6) M: yêu người thân, ghét kẻ thù; G: yêu cả kẻ thù (Mt 5:21-47).
Sự tương phản trên nói lên thực tế cuộc sống còn quá thấp so với đòi hỏi lý tưởng của Kitô hữu. Chìa khóa của những lời dạy này được đúc kết trong lời mời gọi: “Các con phải nên trọn lành như cha trên trời là đấng trọn lành” (Mt 5:48), dĩ nhiên một điều không ai có thể làm được.
Nhóm giải thích những đòi hỏi trên cho rằng nếu chúng ta chỉ trích câu nói và tách khỏi toàn bộ bối cảnh này để đặt thành luật (như không được giận người khác chẳng hạn...), thì không chỉ phiến diện mà không lột tả được ý Chúa Giêsu muốn dạy, hay nói đúng hơn, làm như thế chúng ta không phân biệt được đâu là lý tưởng (nên làm) đâu là tiêu chuẩn (cần làm).
Những người chú giải này còn muốn liên kết toàn bộ chương 5 của Matthew với những lời trong Matthew 18:6-9 (trong Luke 17:1-2 và Mark 9:42-50) khi Chúa Giêsu dạy ai làm cớ cho một người bé nhỏ vấp phạm thì cột cối đá vào cổ và ném xuống biển, hay nếu tay/ mắt làm cớ cho ta phạm tội thì thà chặt tay/ móc mắt mà được vào Nước Trời còn hơn. Câu hỏi đặt ra là: tại sao chúng ta không theo sát nghĩa đen của những lời dạy này? Liệu ta có hiểu “giận hờn” tương đương với “giết người”, hay “nhìn một người phụ nữ mà ước muốn phạm tội” tương đương với “ngoại tình” (Mt 5:21-42) không? Vậy tại sao ta chỉ áp dụng cách tuyệt đối câu “không được li dị” trong đời sống mà thôi? Như thế chúng ta có quá nghiêm khắc với những lời dạy này trong khi coi nhẹ những lời dạy khác không?[49]
Các nhà giải thích này cũng nói thêm rằng Chúa Giêsu rao giảng triều đại Thiên Chúa Đã Có và Sẽ Đến, nghĩa là không chỉ nhắm đến ngày cánh chung (sau hết) mà còn thời điểm Ngay Bây Giờ. Vì thế, Chúa Giêsu đòi hỏi mọi Kitô hữu phải sống trong hiện tại với những đòi hỏi của ngày cánh chung, điều mà họ cho là lý tưởng mà thôi. Nhóm giải thích này cũng nói thêm là những điều kiện sống trong triều đại Thiên Chúa (như không giận, yêu kẻ thù, không ly dị....) chỉ là những mời gọi lý tưởng (đòi hỏi tính tối đa), chứ không là luật (đòi hỏi tính tối thiểu).
Nói tóm lại, nếu những ai theo dõi bài nói chuyện của đức hồng y Walter Kasper phát biểu trong cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục về đề tài Hôn Nhân và Gia Đình (năm 2014) thì hiểu rằng (1) đức hồng y Kasper không hề kêu gọi cho những ai ly dị được phép tái hôn, nhưng (2) Ngài đề nghị cho những người đã ly dị và tái hôn mà chưa có phép tiêu hôn của Giáo Hội được rước lễ vì lập luận của Ngài dựa trên (nhưng dĩ nhiên không hoàn toàn giống với) lý luận của những người cho rằng những người này cần được tha thứ hơn là trừng phạt, vì họ không sống được “lý tưởng Kitô giáo” chứ không phải là họ không theo được những đòi hỏi tối thiểu (hay còn gọi là Luật) trong Kitô giáo.[50]
Giáo hội Đông Phương (Chính Thống giáo) và anh chị em Tin Lành cũng chấp nhận ly dị và tái hôn dựa trên những chú giải Kinh Thánh có tính cách mở rộng này. Vì thế, với những ai quen thuộc với chú giải thần học trong lịch sử thì biết được tư tưởng của đức hồng y Walter Kasper đến từ đâu, và tư tưởng đó không hoàn toàn mới (đối với Tin Lành và Chính Thống giáo) dù nghịch lại lời dạy Giáo Hội Công Giáo hiện tại.
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
VI. Giáo Hội Công Giáo Với Tính Bất Khả Phân Ly
Tính bất khả phân ly chúng ta nói đến trong bài viết này nhắm đến những bí tích hôn nhân thành nhận và hoàn hợp. Chúng ta có thể bắt đầu với lời dạy của Giáo Hội trong giáo lý Công giáo số 1614: “Sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy:“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6)” và số 1615: “Khi Ðức Kitô nhấn mạnh rõ ràng hôn nhân là bất khả phân ly…. [Ngài] đã không đặt cho các đôi vợ chồng một gánh quá nặng không thể mang nổi.”
Giáo luật số 1056 dạy: “những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly.”
Giáo huấn hiện tại của Giáo Hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân là kết quả thừa kế trực tiếp lời Chúa Giêsu dạy, qua các tông đồ và được truyền lại cho đến ngày nay. Đây không là một tạo phẩm của Giáo Hội hiện đại mà bắt đầu từ Chúa Giêsu, dù có nhiều diễn dịch khác nhau qua nhiều thời kỳ nhưng trọng tâm lời dạy không thay đổi.
Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Vậy đâu là lý do khiến Giáo Hội Công Giáo giải thích lời dạy về ly dị và tái hôn khác với Chính Thống giáo hay các giáo phái Tin Lành?
Có nhiều điểm đã được nói ở trên. Ở đây tôi chỉ nhắc lại một vài điểm tóm tắt.
Thứ nhất, hầu hết các nhà Kinh Thánh đều cho rằng lời dạy của Chúa Giêsu không cho phép ly dị (để tái hôn) được kể lại trong tin Mừng Mark vừa đơn giản, vừa trực tiếp: “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Cụm từ trừ trường hợp porneia được coi là sự hiệu đính của Matthew cho hợp với hoàn cảnh mục vụ, nhưng câu này không thấy trong Mark và Luke.
Thứ hai, thái độ sửng sốt của các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu nói đến tính bất khả phân ly: “nếu như thế thà không kết hôn thì hơn” (Mt 19:10), nói lên lời dạy này hoàn toàn nghịch với những gì các ông đang sống và quan sát, và có thể quá lý tưởng đối với con người. Chính thái độ sửng sốt này càng làm ta tin hơn tính lịch sử của lời dạy Chúa Giêsu. Nói cách khác, nếu lời Chúa Giêsu không quá mới mẻ và táo bạo, thì các môn đệ đã không có những phản ứng đáng chú ý đó.
Thứ ba, thánh Phaolo khi dạy về ly dị cũng nói chính Chúa Giêsu không cho phép ly dị và tái hôn: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cor 7:10-11).
Thứ tư, truyền thống của Giáo Hội ngay từ những ngày đầu tiên đã trân trọng tính bất khả phân ly của hôn nhân, và lên án những tái hôn sau khi ly dị khi người phối ngẫu còn sống. Điều này được các Kitô hữu coi như đòi hỏi của đời sống theo Chúa Kitô.[51]
Thứ năm, lịch sử của Giáo Hội chứng minh tính liên tục và đồng nhất qua giáo huấn của các công đồng (chung cũng như miền), và của các đức giáo hoàng. Ta không tìm thấy những lời dạy nghịch lại với quan điểm này.
Thứ sáu, điều đáng chú ý là công đồng Trent (1545-1563) dạy hôn nhân là một trong bảy bí tích, và Sắc Lệnh về Bí Tích Hôn Nhân (11-11- 1563) khẳng định rằng Thiên Chúa thiết lập hôn nhân có tính cách trường cửu, và không được phép ly dị (xem điều luật số 1, 5 và 7), cho dù công đồng Trent không dùng những từ ngữ để giải thích tính bất khả phân ly của hôn nhân cách tỏ tường như ta hiểu trong giáo luật hiện nay.
Sau cùng, công đồng Vatican II tái xác định lời dạy truyền thống này, và tất cả được đúc kết trong sách giáo lý Công Giáo (những lời dạy không sai lầm vì được các giám mục trên toàn thế giới hiệp nhất với giám mục Roma - đức giáo hoàng- cùng đồng nhất dạy): “Sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6)” (số 1614).
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
VII. Kết Luận
Tính bất khả phân ly trong hôn nhân là lời dạy của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều giám mục, thần học gia, chuyên gia Kinh Thánh, giáo luật… bắt đầu lên tiếng muốn xét lại tính bất khả phân ly này. Chúng ta cần hiểu rằng những câu hỏi này không nhằm xét lại lời dạy của Chúa Giêsu, vì lời dạy của Ngài mang tính tuyệt đối, nhưng nhằm xét lại cách thức diễn dịch lời Chúa trong quá khứ và hiện tại khi áp dụng vào đời sống Kitô hữu. Câu hỏi là liệu những lời Giáo Hội dạy về hôn nhân có thể được thay đổi không? Và nếu có (hay không) thì căn cứ vào những bằng chứng nào? Và nếu con người sa ngã vì yếu đuối, không sống theo lý tưởng Chúa Giêsu kêu gọi, đâu là những đường lối mục vụ của Giáo Hội đối với “những con chiên lạc” này?
Chúng ta sẽ còn tiếp xúc nhiều với những tranh luận nóng bỏng này trong thời gian tới. Liệu có gì mới trong kết luận của Giáo Hội liên quan đến Năm Gia Đình sau cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ vào tháng 10 năm 2015?
Veni Sancte Spiritus!
Posts: 407
Threads: 23
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
2
(Mathew:19)
1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.2 Dân chúng lũ lượt đi theo Người, và Người đã chữa họ ở đó.3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? "4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ",5 và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt."6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."7 Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? "8 Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình."
|