Ca sĩ Phương Dung: ‘Chồng mất để lại trong tôi khoảng trống khó
#1
Phương Dung: ‘Chồng mất để lại trong tôi khoảng trống khó lấp đầy’
March 8, 2018 

[Image: hqdefault.jpg]

Danh ca “Nỗi buồn gác trọ” chia sẻ nỗi trống vắng khi người chồng gắn bó với bà hơn nửa thế kỷ đã qua đời ở tuổi 88 tại Australia.

– Cuộc sống của bà hiện thế nào từ sau khi chồng qua đời vào tháng 8/2017?
– Dịp Tết vừa qua, tôi từ Australia về lại Việt Nam, tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng gia đình một người con trai cho đỡ hiu quạnh. Tôi vẫn sống, đi hát, tham gia game show như trước khi chồng qua đời nhưng trong lòng giờ luôn thấy sự trống vắng.

Chồng tôi ra đi rất nhẹ nhàng. Hôm đó, ông đi khám bệnh định kỳ. Sau khi khám xong, ông rửa mặt, ngồi nghỉ mệt rồi gục xuống và qua đời. Trước đó không lâu, ông còn gọi điện về nước, động viên tôi chuẩn bị thật tốt cho đêm nhạc mừng sinh nhật. Thật ra, từ lâu tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc phải sống mà không có chồng bên cạnh vì ông đã cao tuổi. Sống trên đời, ai rồi cũng phải đến và đi. 

Không chỉ riêng tôi, con cái trong nhà cũng chấp nhận sự thật ông đã mất. Nếu còn điều gì day dứt, thì đó là giờ đây, tôi không còn bên mình một khán giả từng nguyện nghe tôi hát đến cuối đời.


[Image: phuong-dung-2-5846-1520267635.jpg]
Danh ca Phương Dung sinh năm 1946.

– Trước khi mất, chồng bà gửi gắm tâm nguyện gì?
– Lúc sinh thời ông thường dặn tôi: “Khi nào anh nằm xuống, em thay anh trông nom các con, để anh em tụi nó luôn gắn kết, hòa thuận”. Tính ra, tôi và chồng đã sống cạnh nhau 52 năm, có với nhau tám đứa con: sáu trai và hai gái. Tôi quen ông trong một dịp sang Bangkok, Thái Lan biểu diễn. Một năm sau, chúng tôi kết hôn rồi sang Australia định cư. Mấy chục năm qua, ông thay tôi chăm sóc các con, từ việc ẵm bồng, tắm cho con, đưa chúng đi học, đi chơi… rồi dựng vợ, gả chồng khi chúng khôn lớn.
Những lúc tôi xa nhà, ông quan tâm đến sức khỏe tôi lắm. Ông hay gọi điện thoại dặn tôi nhớ về Australia để khám sức khỏe định kỳ ba tháng một lần vì lo ngại chứng cao huyết áp của tôi.

– Kỷ vật nào về chồng bà vẫn còn giữ bên cạnh mình?
– Tôi giữ nhiều thứ lắm, như cây gậy ông hay chống, chiếc túi màu xanh ông thường đeo. Thậm chí, dụng cụ để thử máu, uống thuốc của ông tôi vẫn giữ lại. Đó cũng là tâm nguyện của con cái tôi. Các con bảo mẹ đừng vứt đi, cứ giữ chúng để gia đình cảm nhận được hơi ấm của ông vẫn còn đâu đây.
Mỗi lần về nhà bên Australia, tôi cảm thấy ông xã vẫn ở bên cạnh mình. Tôi nhớ bóng dáng ông ra vào, tiếng ông gõ cửa kính nhờ tôi mở mỗi khi đi đâu trở về. Ngày trước, chúng tôi hay ra ngoài đi ăn với nhau lắm. Thỉnh thoảng ở nhà, ông hay đòi tôi nấu món canh chua, giá xào tôm, gà kho gừng, cá kho sả ớt, mắm chưng…

[Image: phuong-dung-3-8060-1520267635.jpg]
Phương Dung và con gái – ca sĩ Phương Vy – song ca trong một chương trình.

– Sau khi chồng mất, bà trở lại với công việc ca hát ra sao?
– Xưa nay, tôi luôn độc lập, tự chủ trong công việc. Với nhiều nữ ca sĩ, chồng thường là người trợ giúp, quản lý tài chính giúp họ, còn ông xã tôi chỉ là người quan sát từ xa chứ không can dự vào nghề hát của tôi. Những lần tôi về nước quay game show, ông theo dõi qua tivi mới biết vợ tham gia những chương trình gì. Các con tôi cũng sợ mẹ đơn độc, lẻ loi nên thường xuyên gọi điện hỏi thăm, giục tôi về nhà để con cái chăm sóc.


– Điều gì khiến bà tự hào nhất về các con của mình?
– Điều tôi vui mừng là các cháu hiện đã thành đạt cả. Trong tám đứa con, chỉ có con gái Phương Vy là theo nghiệp mẹ. Còn lại, có người làm quản trị xí nghiệp, có người làm bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… Thuở trước, tôi và ông xã không ép buộc con phải theo con đường nghệ thuật mà chỉ khuyến khích các con tự do phát triển đúng khả năng của mình.


– Hơn 60 năm đi hát, hiện bà cảm nhận thời gian, tuổi tác ảnh hưởng đến giọng ca ra sao?
– Ở tuổi này, chất giọng tôi đã sút giảm, nhất là ở làn hơi cuối câu khi hát. Ngày xưa, tôi hát với tất cả nội lực. Dẫu vậy, một người con gái 14- 15 tuổi không thể hát dạt dào tình cảm bằng một người đã chín về tuổi nghề, tuổi đời. Càng về già, tôi hát càng đậm đà, tha thiết, giọng ấm thêm, biểu cảm cũng hay hơn.

Suốt những năm đi hát, nhiều lần tôi từng bị khán giả chê bai giọng hát, nhưng đó là chuyện bình thường. Với tôi, chỉ cần trên 60% khán giả công nhận đã là sự thành công. Mỗi người một gu nhạc, có người thích Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, thì cũng có người quý mình.


[Image: phuong-dung-2-1-8847-1520267636.jpg]
Phương Dung và danh ca Thái Châu (phải) thường ngồi chung ghế giám khảo.

– Ở tuổi ngoài 70, vì sao bà vẫn miệt mài đi hát, làm giám khảo game show?
– Nghề hát với tôi giống như một báu vật đầy hoài niệm mà tôi phải gìn giữ. Một người đam mê ca hát từ lúc năm, sáu tuổi như tôi, chỉ có mơ ước duy nhất là trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Đến giờ, tôi vẫn có thể chảy nước mắt khi nghe các thí sinh hát các tình khúc xưa. Tôi muốn tiếp tục được đi hát, gặp lại khán giả và đứng trên sân khấu.

Trong cuộc đời mình, tôi có nhiều diễm phúc khi sống được với đam mê và chung nhịp đập với trái tim những người viết nhạc cho mình. Tôi chỉ ước ao một, hai năm tới, nếu sức khỏe đi xuống, không hát được nữa, tôi vẫn còn đủ thời gian làm thiện nguyện. Tôi không còn khát khao phải làm liveshow nọ kia, bởi giờ đi hát, có bao nhiêu tiền, tôi dành để làm từ thiện cả, chỉ giữ lại cho mình một phần ít.

Danh ca Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946. Bà nổi tiếng năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công bài hát Nỗi buồn gác trọ (Mạnh Phát và Hoài Linh sáng tác). Bà tiếp tục được biết đến với các ca khúc Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm…Bà còn có biệt danh là “Nhạn trắng Gò Công” do thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà tặng.

Ngoài ca hát, Phương Dung còn được biết đến là người có tấm lòng nhân ái. Bà là một trong những người thành lập hội See The Light chuyên giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo tại Việt Nam mổ mắt, xây nhà, trường học. Hiện Phương Dung và danh ca Thái Châu đang làm giám khảo game show Hãy nghe tôi hát mùa ba.
Reply