VN: Khách tố mất 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank ở Hà Nội
#1
23/02/2018 - 08:13:30
Phó giám đốc Eximbank cuỗm $13 triệu, đang ở Mỹ, sắp bị bắt

[Image: eximbank.jpg]


SÀI GÒN - Nếu biết Lê Nguyễn Hưng đang ở đâu thì hãy báo cho công an tại Việt Nam biết. Lý do là ông Hưng đang bị truy nã tội ăn cắp hơn 301 tỷ đồng của khách hàng và trốn biệt đi mất, có thể là đang ở Mỹ. Số tiền 301 tỷ tương đương với $13 triệu Mỹ kim.

Vào ngày thứ Năm, 22 tháng 2, ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) đã có thông báo chính thức về vụ lường gạt khách hàng xảy ra tại chi nhánh Sài Gòn.

Trước đó, Bộ Công An cũng đã ban lệnh truy nã Lê Nguyễn Hưng. Ông này được 47 tuổi, quê Bình Dương, cựu phó giám đốc Eximbank, chi nhánh Sài Gòn. Ông Hưng đã biến mất từ tháng Hai năm ngoái, tức là một năm, và đến nay công an mới tiết lộ tin này cho báo chí trong nước được biết, có lẽ là không muốn ông Hưng biết diễn tiến của cuộc điều tra. Giờ này ông ta đang ở đâu thì chắc chỉ có công an biết, mà có thể là ở Mỹ dưới tên tuổi khác.

[Image: LeNguyenHung-Eximbank.jpg]
Lê Nguyễn Hưng đang bị truy nã (CTV)

Nạn nhân trong vụ án này là bà Chu Thị Bình, một nữ đại gia trong ngành thủy sản, và là khách hàng thân quen nhiều năm của Eximbank. Từ năm 2014 đến đầu 2017, phó giám đốc Hưng lợi dụng sự tin tưởng bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, đã cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi.

Ông Hưng lợi dụng bà Chu Thị Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên ba người được ủy quyền, gồm bà Nguyễn Thị Hồng Lê (người thân của vợ ông Hưng), ông Nguyễn Minh Huân và một người chưa rõ danh tính (người này và ông Huân là đối tượng kinh doanh vàng) để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình. Bà Bình không biết cả ba người này là ai.

Mặt khác, ông Hưng còn ra lệnh cho cấp dưới xác nhận giao dịch không đúng quy định của Eximbank, chi trả tiền không đúng người gửi. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của bà Bình.

Vào tháng 2, 2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam. Thời điểm này, bà Bình nghi ngờ mình bị lừa đảo nên kiểm tra số dư ba sổ tiết kiệm, trong đó một sổ $10.5 triệu, một sổ $2.15 triệu và một sổ $237,000. Bà khám phá hết thảy 301.4 tỉ đồng ($13.2 triệu) đã biết mất.

Giám đốc Eximbank chi nhánh Sài Gòn, bà Bùi Thị Thiện Tâm, cho biết bà Bình được mệnh danh là “người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đầu tiên,” là một người kín đáo, chỉ giao tiếp với ông Hưng vì không muốn người khác biết bà có số tiền lớn.

Lê Nguyễn Hưng làm việc cho Eximbank hơn 20 năm và rất được nhân viên và cấp trên tin tưởng.
Khi công an mở cuộc điều tra, đại diện giám đốc ngân hàng đã nhìn nhận sự thiếu kiểm soát chặt chẽ trong việc quản trị rủi ro về tiền gửi; xử lý trách nhiệm các lãnh đạo, nhân viên liên quan đến vụ mất tiền của bà Bình.

Để giải quyết quyền lợi của khách hàng, Eximbank cho biết sẽ khởi kiện ông Lê Nguyễn Hưng; và ban hành nghị quyết cam kết trả tiền cho bà Chu Thị Bình sau khi có phán quyết của tòa án.

Ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, đã xác nhận bà Chu Thị Bình mất hàng triệu Mỹ kim là có thật. Ông này cũng cho biết, theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đang ở Mỹ và đã bị công an Việt Nam thông báo truy nã quốc tế.

Tuy nhiên, sau một năm xảy ra vụ việc, ngân hàng vẫn chưa hoàn trả tiền cho bà Bình, viện lý do “chờ phán quyết của tòa án.”

Từ nhiều năm trước, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng trăm ngàn lên hàng triệu đô (khách hạng VIP). Theo đó, khách VIP thường không đến ngân hàng để giao dịch mà ủy quyền cho các giám đốc là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế họ thực hiện hầu hết việc giao dịch gửi, rút tiền.

Vì có sự lơ là trong việc giám sát, một số cán bộ ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở này. Đây không là vụ lường gạt, gian lận mới nhất trong lãnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Reply
#2
Thương gia mất $10 triệu từ chối nhận tiền ‘tạm ứng’ hơn $640,000 từ Eximbank

[Image: ChuThiBinh.jpg] Bà Chu Thị Bình . Ảnh: Pháp Luật Online

Bà Chu Thị Bình, thương gia bị một giới chức ngân hàng Eximbank trộm số tiền gửi hơn 10 triệu Mỹ kim, quyết định từ chối nhận số tiền “tạm ứng” 14.8 tỉ đồng (hơn 640,000 Mỹ kim) do ngân hàng này đề nghị.

Báo Pháp Luật Online hôm Thứ Bảy 3/3 dẫn lời bà Bình giải thích rằng, sở dĩ bà không nhận tiền “tạm ứng”, là vì Eximbank không đề cập gì tới tổng số tiền bà bị mất. Ngoài ra, bà Bình cho biết ngân hàng còn ra điều kiện là bà phải “bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng”, và đây cũng là điều kiện bà không chấp nhận. Bà Bình nói với tờ Pháp Luật Online rằng, khách hàng “đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật?”.

Được biết vào sáng ngày 27 tháng 2 vừa qua, bà Bình đã có buổi làm việc với hội đồng quản trị Eximbank để tìm cách giải quyết việc bà bị trộm số tiền lớn gửi tại ngân hàng này. Theo tờ Pháp Luật Online, số tiền “tạm ứng” mà Eximbank đưa ra trùng với con số hơn 14.8 tỉ đồng trên giấy ủy nhiệm chi, mà cảnh sát điều tra của Bộ Công An đã xác định là mang chữ ký giả của chủ trương mục lẫn người được ủy quyền. Về số tiền còn lại, ngân hàng nói sẽ chờ phán quyết của tòa.

Từ năm 2013, nữ thương gia Chu Thị Bình gửi tiền tại Eximbank chi nhánh Sài Gòn. Do số tiền gửi rất lớn, nên bà được đối xử theo tư cách VIP. Tất cả các giao dịch với bà Bình cho đến đầu tháng 2 năm 2017 đều do phó giám đốc chi nhánh Eximbank Sài Gòn là ông Lê Nguyễn Hưng trực tiếp thực hiện. Ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình ủy quyền cho ông trong mọi giao dịch, để làm văn bản rút tiền từ trương mục của bà trong suốt những năm qua. Ông này đã bỏ trốn khỏi Việt Nam hồi năm ngoái. Do cuộc điều tra của ngân hàng và công an kéo dài cả năm không đi tới đâu, bà Bình hồi tháng 2 quyết định công bố vụ mất trộm tiền gửi ngân hàng cho báo chí . 

Huy Lam / SBTN
Reply
#3
Khách tố mất 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank ở Hà Nội 

06/03/2018 10:33 GMT+7

TTO - Vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng tại Sài Gòn chưa kịp lắng xuống thì một khách hàng tố đã bị “bốc hơi” 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank ở Hà Nội, dù vẫn còn giữ sổ.

[Image: ngan-hang-15203057406791752098011.jpg]
Bà Loan vẫn đang giữ sổ tiết kiệm 3 lượng vàng nhưng ngân hàng nói đã trả vàng - Ảnh: CHÂU ANH

Trong khi đó, Eximbank khẳng định đã chi trả số vàng này cho khách hàng từ năm 2013 nhưng... quên thu lại sổ tiết kiệm.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, bà Bùi Tố Loan cho biết đã gửi hai sổ tiết kiệm vàng tại Eximbank chi nhánh Hà Nội vào tháng 4-2010, trong đó một sổ hơn 10 lượng vàng và 1 sổ 3 lượng vàng.

Sổ 10 lượng vàng đã được bà Loan tất toán từ ngày 10-12-2013 còn sổ tiết kiệm còn lại với 3 lượng vàng, bà Loan tiếp tục gửi lại ngân hàng theo hình thức giữ hộ (do thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước không còn cho phép các ngân hàng huy động vàng).

Do sinh sống tại nước ngoài cùng chồng, đến ngày 25-8-2017 bà Loan mới đem giấy chứng nhận gửi vàng đến ngân hàng làm thủ tục nhận 3 lượng vàng.

Tuy nhiên, bà Loan được nhân viên ngân hàng thông báo bà đã tất toán và nhận số vàng này cùng thời điểm khi bà tất toán sổ 10 lượng vàng, dù bà vẫn cầm sổ trong tay và chưa bao giờ báo mất sổ cũng như làm giấy nợ sổ vàng này tại ngân hàng.

"Khi tôi khiếu nại cho rằng mình chưa nhận số vàng này, ngân hàng đưa ra hàng loạt phiếu chi có chữ ký của tôi để chứng minh tôi đã nhận vàng. Điều đáng nói là toàn bộ các phiếu chi và thu đều do kế toán và thủ quỹ ghi các nội dung, tôi không ghi mà chỉ có chữ ký. Chưa kể phiếu chi 3 lượng vàng này không hề có tỉ lệ lãi như trong giấy chứng nhận gửi vàng" - bà Loan cho biết.

Trong các đơn khiếu nại gửi đến Eximbank, bà Loan cho rằng khi bà làm thủ tục tất toán 10 lượng vàng, phía ngân hàng tự động tách thành 3 phiếu chi với tổng cộng 10 lượng. Do có rất nhiều phiếu chi và thu, tạo ra sự rắc rối khó kiểm soát cho bà khi ký nhận.

Trong thư trả lời khiếu nại của bà Loan, Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng việc tách sổ 10 lượng vàng là theo quy định của ngân hàng.

Theo đó, chứng chỉ vàng được tách ra: 50% sổ chứng chỉ vàng được hưởng lãi suất 2,5%/năm và 50% sổ vàng giữ hộ mất phí giữ hộ vàng 0,01%/năm.

Về sổ 3 lượng vàng mà bà Loan gửi, chỉ có lãi suất 0,03%/năm cho năm đầu tiên. Những năm sau không có lãi và mất phí giữ hộ. Nhân viên ngân hàng chưa trả lãi, treo lại để thu phí giữ hộ.

Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng bảng kê thu và chi đều có ghi rõ số tiền bằng số và bằng chữ và bà Loan đã đọc, ký và ghi rõ họ tên trên bảng kê.

Eximbank khẳng định cho dù bảng kê do nhân viên ngân hàng làm hộ cho khách nhưng khi bà Loan đã ký tức là bà đã đọc và xác nhận đúng nội dung trên bảng kê. Việc này đủ cơ sở kết luận bà Loan đã nhận đủ tiền, vàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho biết sở dĩ xảy ra sự việc khách hàng "đã nhận vàng" nhưng vẫn còn giữ sổ gốc là do thời điểm chi vàng, nhân viên ngân hàng đã cho khách nợ sổ mà không đề nghị có chữ ký xác nhận, do bà Loan có quan hệ với cán bộ ngân hàng nên nhân viên đã dễ dãi cho khách nợ sổ rồi... quên không đòi sổ.

Cũng theo vị này, ngân hàng đã gửi Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát yêu cầu giám định các chứng từ liên quan đến giao dịch trên của bà Loan.

Ngày 23-2, Viện Khoa học hình sự đã có thông báo gửi ngân hàng với nội dung rằng chữ ký và chữ viết của khách hàng trên chứng từ giao dịch so với mẫu đăng ký là do cùng một người ký và viết ra.

Không có sự lừa đảo?

Theo lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội, ngân hàng này đã trả lại vàng cho bà Loan, không có sự lừa đảo bởi quy trình chi vàng của ngân hàng phải có nhiều bộ phận như kế toán, thủ quỹ...

Nếu không có người gửi đến nhận vàng, ngân hàng không thể chi được.

"Khi khách hàng nhận vàng mà không đem sổ, nhân viên đã trình lãnh đạo nhưng lãnh đạo là người quen của bà Loan nên đã đồng ý linh động. Đến nay lãnh đạo này cũng đã nghỉ tại Eximbank" - vị này nói.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Loan không đồng ý với trả lời của Eximbank và cho rằng còn quá nhiều điều cần phải được làm rõ.
Reply