Bác Sĩ Trần Mai Khanh ứng cử viên Hạ Viện Liên Bang
#1
Star 
Bác Sĩ Trần Mai Khanh ứng cử viên Hạ Viện Liên Bang
By Đinh Yên Thảo –
February 19, 2018


Đến Mỹ lúc 9 tuổi năm 1975, Bác Sĩ Trần Mai Khanh theo học tại Viện Đại Học Harvard cùng các ĐH Ivy League và UCLA trước khi tốt nghiệp bác sĩ Nhi Khoa.  Cư ngụ và làm việc tại Quận Cam, Nam California hiện nay, BS Mai Khanh đã quyết định ra tranh cử vào Hạ Viện Liên Bang Hoa Kỳ tại địa hạt cử tri 39 tại California trong cuộc bầu cử giữa mùa vào tháng 11 năm 2018 này, qua tư cách một ứng viên thuộc đảng Dân Chủ. Trong những ngày cuối năm Âm Lịch, BS Mai Khanh đã dành cho chuyên mục một cuộc phỏng vấn đặc biệt về hành trình cùng mục tiêu của mình. Xin mời các bạn cùng theo dõi trên số báo Tất Niên hôm nay.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh3.jpg]
Đinh Yên Thảo (DYT): Mỗi người tị nạn hay di dân đều có một câu chuyện của riêng mình. Hành trình và câu chuyện một người tị nạn gốc Việt theo học các đại học Ivy League, trở thành bác sĩ rồi ra tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ của chị như thế nào? Điều gì quan trọng nhất đã giúp cho chị đạt đến những gì đang có?

Bác Sĩ Trần Mai Khanh (BS TMK): –  Câu chuyện của Mai Khanh cũng không mấy khác so với những câu chuyện của các gia đình tị nạn Cộng sản trên đất nước Hoa Kỳ này. MK đã rời Việt Nam trong những ngày cuối tháng Tư 1975 trên chuyến bay được nhiều người biết đến là “Baby Lift” dành cho các trẻ nhỏ sơ sinh cho tới vị thành niên. Sau đó MK mới được đoàn tụ với gia đình cha mẹ anh chị em và định cư tại tiểu bang Oregon. Trong thời gian đầu khó khăn như bao gia đình di dân khác, mọi thành viên trong nhà đều đóng góp làm những công việc tay chân để mưu sinh. MK nhớ rất rõ ba mẹ và MK đã đi làm ngoài đồng hái trái berry. Không những vậy họ còn làm nhiều việc tay chân khác để lo cho các con có điều kiện học hành thăng tiến. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, MK đã làm nhiều công việc khác nhau như giúp phụ việc, làm vệ sinh để trang trải chi phí cho việc học.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh2.jpg]Trần Mai Khanh và song thân ngày tốt nghiệpTừ những hình ảnh đầu tiên các người lính TQLC Mỹ đã săn sóc tận tụy cho các em nhỏ trên chuyến bay Baby Lift đến những hình ảnh thế hệ ba mẹ đã làm lụng từ sáng sớm cho đến tối mịt với vốn liếng tiếng Anh quá ít ỏi và phát âm nặng đã thôi thúc MK phải chăm chỉ học hành, tạo cho mình một kiến thức vững vàng cũng như tài chánh để MK có thể trả ơn cưu mang bằng cách tham gia các công tác từ thiện phục vụ trẻ em kém may mắn từ trong nước Mỹ cho tới các quốc gia như Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân hay ở Châu Phi. Và hơn hết phục vụ cộng đồng trong các dịch vụ khám bệnh miễn phí cho các gia đình lợi tức thấp đến các cụ cao niên.

ĐYT: –  Cảm ơn chị, quả đó là một hành trình đầy ý chí và mang đầy tâm thức phục vụ từ lâu. Theo Pew Research Center thì từ sau cuộc bầu cử Tổng thống 2016, số phụ nữ quan tâm đến chính trị đã tăng cao hơn. Tạp chí Time ngày 29 Tháng Một cũng  vừa đưa hình chị trong số nhiều phụ nữ thuộc đảng Dân Chủ sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử giữa khóa năm nay. Lý do nào chị ra tranh cử và muốn tham gia vào con đường chính trường đầy gai góc này?

BS TMK: – Với nhiều thay đổi áp chế cho các dự luật bảo hiểm y tế và di dân sau cuộc bầu cử 2016, MK quyết định tham gia giòng chính vì những thay đổi này sẽ gây ảnh hưởng nặng đến nhiều cộng đồng thiểu số, trong đó có cộng đồng người Việt của chúng ta.  Nhiều gia đình sẽ không có bảo hiểm hay nếu có thì nhiều dịch vụ sẽ không được hỗ trợ. MK thiết nghĩ chỉ có cách để thay đổi và phục vụ người dân tốt hơn là phải ngồi trong bàn nghị hội và phải  có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ  quyền lợi cho người dân không phân biệt tôn giáo, phái tính hay chủng tộc.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh1.jpg]
Trong một chuyến công tác thiện nguyện ĐYT: – Khẩu hiệu tranh cử đăng trên trang mạng của chị là “Time to stand up for our values” -“Đến lúc để bảo vệ các giá trị của chúng ta”. Đó là những giá trị gì và tại sao, thưa chị Mai Khanh?

BS TMK: – Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một quốc gia khá non trẻ trên thế giới nhưng rất thành công về kinh tế, khoa học… Ðây là do nỗ lực của người di dân từ khắp nơi trên thế giới đến định cư nơi đây từ thời lập quốc.  Chúng ta không thể quay mặt với những người di dân kém may mắn hơn chúng ta.  Sự thành công của nước Mỹ là do đóng góp của nhiều thế hệ di dân của các cộng đồng thiểu số khác nhau, trong đó có cộng đồng người Việt chúng ta. Gốc di dân là giá trị của nhiều gia đình trong chúng ta, là nền tảng của sự thành đạt trong học đường, là nỗ lực phấn đấu thành công trong các ngành nghề từ khoa học nhân văn đến khoa học xã hội.  MK rất tin tưởng vào sự công bằng. Khi một người di dân lậu phạm pháp, họ sẽ bị chế tài bởi luật pháp và sẽ bị trục xuất về quê quán. Nhưng còn những người di dân lậu khác không hề phạm pháp,  họ nên được hưởng cơ hội quy chế để trở thành công dân Mỹ.

Giá trị thứ hai MK muốn đề cập đến là quyền bình đẳng (là một trong đệ tứ quyền trong Hiến Pháp quy định). Nước Mỹ luôn luôn là tiên phong trong việc tôn trọng nhân quyền, quyền bình đẳng không kỳ thị tôn giáo, sắc tộc. Quyền bình đẳng MK muốn nói tới là sự bình đẳng phái tính trong lãnh vực nghề nghiệp. Trong thời gian gần đây nhiều tin tức được phổ biến rộng rãi về sự chênh lệch lương bổng giữa phái nam và nữ với khác biệt là 21% cho cùng một công việc tương tự. Ðây là thống kê do tờ báo Business Insider phát hành. Ðó là một trong những bất công cần được thay đổi. MK sẽ là một trong những tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh, đòi hỏi những công ty nên xem lại và giám định mức lương bình đẳng cho nhân viên mà  không phân biệt phái tính hay sắc tộc.  Nhưng những gì xảy ra sau cuộc bầu cử 2016 đã đi ngược hoàn toàn các giá trị nêu trên.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh.jpg]Tham gia vinh danh cựu quân nhân – – nguồn twitterĐYT: – Đó là cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn, tùy thuộc vào góc nhìn, quan điểm chính trị của mỗi người mà những dân biểu sẽ thay mặt cử tri để lên tiếng tại nghị trường. Trở lại cuộc tranh cử hiện nay thì theo như tin tức báo chí, dân biểu đương nhiệm và kỳ cựu Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa đã tuyên bố không tái tranh cử trong địa hạt bầu cử quốc hội 39 mà chị đang ra tranh cử. Vậy chị đánh giá về các ứng viên còn lại và đặc tính nhóm cử tri địa hạt cùng cơ hội thành công của chị như thế nào?

BS TMK: –  Ða số các ƯCV Dân Chủ đều là những gương mặt mới trong chính trường. MK là người phụ nữ gốc Á Châu duy nhất  trong các ƯCV Dân Chủ và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên ra tranh cử chức vị Dân Biểu Liên Bang tại Quận Cam, thủ đô của người Việt Tị Nạn,  cũng là bác sĩ Nhi Khoa duy nhất tham gia trong cuộc tranh cử cho Ðịa Hạt 39. Trong địa hạt 39 này thì tổng dân số là 711,645 người, bao gồm  50.3% phụ nữ và 49.7% nam giới. Về sắc tộc thì 55.1% người Mỹ trắng, 28.3% Á Châu, 2.4% Mỹ Phi Châu và 34.6% người Mỹ La Tinh. MK tin tưởng rằng mỗi lá phiếu rất quan trọng trong các cuộc tranh cử.

ĐYT: – Vậy thì chị có sự hậu thuẫn nào trong cuộc vận động tranh cử này nói chung và từ cộng đồng cử tri gốc Việt nói riêng?

BS TMK: –  Mai Khanh là người Mỹ gốc Việt đầu tiên ra tranh cử chức vị Dân Biểu Liên Bang tại Quận Cam, thủ đô của người Việt Tị Nạn. MK cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ tài chánh cho đến thiện nguyện viên của  một số hội đoàn xa gần trong nước Mỹ. Một số vị dân cử địa phương cũng như các tiểu bang xa đã tích cực liên lạc, ủng hộ và cố vấn giúp ý kiến.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh4.jpg]Trong một talkshow nói về việc giữ an toàn và duy trì sức khỏe tốt nhất trong mùa cúm – nguồn twitterĐYT: – Câu chuyện của  chị và nữ dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy Ngọc-Dung tại Florida vừa trở thành Dân biểu  Quốc Hội Hoa Kỳ trong năm qua cũng có những điểm tương đồng, chị có nghĩ rằng tìm kiếm sự liên kết, chia sẻ các kinh nghiệm tranh cử với nhau sẽ ít nhiều giúp thêm vào chiến dịch tranh cử của chị hiện nay hay không?

BS TMK: – Mai Khanh và nữ dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy Ngọc-Dung tại Florida có rất nhiều nét tương đồng vì chúng tôi là những phụ nữ thật bình thường, là mẹ của con chúng tôi, coi sóc chúng và nhìn chúng lớn từng ngày. Chúng tôi có cùng một lo âu là liệu ngày mai bọn trẻ trưởng thành có một môi trường lành mạnh không? Xã hội bọn trẻ phát triển có công bình và bác ái không? Ðó là những thôi thúc để MK cũng như những người phụ nữ bình thường khác như Murphy, Bee Nguyễn, Kathy Trần (Chú thích của KTT: các nữ dân biểu đã đắc cử cấp Liên Bang hay Tiểu Bang) dấn thân tranh cử vào dòng chính. MK luôn luôn cần kinh nghiệm và ý kiến của nhiều anh chị em dân cử người Việt đi trước để học hỏi và làm tốt hơn.

ĐYT: – Xu hướng giới trẻ gốc Việt tham gia vào chính trường Hoa Kỳ ngày càng nhiều hơn. Chỉ tháng 12 vừa qua đã có đến bốn dân biểu gốc Việt, bao gồm ba phụ nữ mà chị vừa kể tên, đắc cử vào Hạ Viện các tiểu bang và thành phố lớn nước Mỹ. Chị có thể chia sẻ vài suy nghĩ của mình về xu hướng này thưa chị?

BS TMK: – Cộng đồng người Việt hải ngoại càng ngày càng lớn mạnh và phát triển mọi mặt, trong đó có việc tham gia chính trường. Ðây là một hướng đi đúng. Một cộng đồng mạnh cần có nhiều người đại diện từ các cấp như thành phố, quận hạt, tiểu bang và liên bang để có tiếng nói mạnh, đem lại nhiều phúc lợi cho cư dân nói chung và cộng đồng nói riêng.

[Image: bac-si-tran-mai-khanh5.jpg]
Một buổi vận động bầu cử ĐYT: – Đúng vậy thưa chị, đó là tín hiệu đầy hứa hẹn và chúng ta vẫn cần thêm những khuôn mặt tích cực dự phần vào chính trường. Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn này thì nhân dịp chúng ta đang đón chào cái Tết Mậu Tuất 2018, chị  có tâm tình gì thêm để riêng gởi đến giới trẻ gốc Việt và đồng hương nói chung hay không thưa chị?

BS TMK: –  Là thế  hệ một rưỡi, Mai Khanh rất hãnh diện những sự thành công mà Cộng Ðồng Người Việt Tị Nạn CS đã gặt hái được suốt 42 năm qua. Cuối năm 2017, chúng ta đã có nữ Dân Biểu Liên Bang người Mỹ gốc Việt đầu tiên từ tiểu bang Florida. Nhưng chúng ta chưa có ai ra ứng cử chức vị Liên Bang tại Quận Cam, nơi đông đảo người Việt sinh sống nhất trên thế giới ngoài VN. Cộng đồng người Việt của chúng ta cần có tiếng nói mạnh mẽ đại diện và MK rất mong nhận được sự tin tưởng của quý vị đồng hương. Gởi đến các bạn trẻ, chúng ta thành đạt trên nước Mỹ là nhờ những sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Họ đã tạo những viên gạch trên con đường bằng phẳng để chúng ta được thành công dễ dàng hơn. Và vì vậy chúng ta có trách nhiệm tiếp tục xây đắp cho các thế hệ tiếp nối thành công hơn, phát triển cộng đồng vững mạnh hơn. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải tích cực hơn tham gia vào các công tác xã hội hay chính trường.

ĐYT: – Vâng, xin cảm ơn bác sĩ Trần Mai Khanh đã dành thời gian quý báu của mình cho cuộc trò chuyện cuối năm này. Chúc chị sẽ thành công trong cuộc tranh cử này, cũng như trong ý nguyện phục vụ xã hội và cộng đồng về lâu dài.
Reply