PhongVien007
Unregistered
13 tháng 2, 2018
CSVN dừng phát hành hồi ký của người Hà Nội ‘đi tù vì hát Nhạc Vàng’
Ảnh : Một Thế Giới
Nhà cầm quyền CSVN vừa ra lệnh đình chỉ phát hành cuốn hồi ký của ông Nguyễn Văn Lộc, người có nghệ danh Lộc Vàng, nổi tiếng vì dám hát Nhạc Vàng ngay trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Hành động này khiến cho ông và ba người bạn âm nhạc phải lãnh những án tù từ 10 tới 15 năm dưới chế độ cộng sản Miền Bắc.
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba 13/02 đưa tin, công ty sách Sống vừa thông báo tạm dừng mọi hoạt động phát hành và quảng bá cho cuốn hồi ký mang tựa đề “Cung Đàn Số Phận” của ca sĩ Lộc Vàng, do hai người viết Kim Dung và Kỳ Duyên chấp bút. Thông báo cho biết, Cục Xuất Bản In Và Phát Hành “yêu cầu xem xét lại tính xác thực của một số chi tiết” trong cuốn sách.
Ca sĩ Lộc Vàng Người đi tù vì hát 'nhạc vàng'
Ca sĩ Lộc Vàng (tên thật Nguyễn Văn Lộc) kể từ thập niên 1960 là người gắn bó với dòng nhạc tiền chiến qua những ca khúc lãng mạn, người đã "tạo nên" vụ án âm nhạc ở miền Bắc khi đất nước còn bị chia cắt.
Ông Lộc sinh năm 1945 tại Hà Nội, vì yêu “nhạc vàng” nên nhiều người thường gọi là Lộc Vàng. Gọi là "nhạc vàng” bởi nó có vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa xấu mà người ta gán cho nó dạo nào. Ông thừa hưởng cái gien nghệ thuật từ người bố giỏi về tuồng, chèo, cải lương, tân nhạc… nên đã yêu âm nhạc từ rất sớm và có giọng hát rất hay. Ông đam mê những cung bậc mượt mà của những giai điệu tuyệt vời gợi lên từ dòng nhạc trữ tình êm ái. Ông sinh hoạt với các bạn cùng sở thích là Phan Thắng Toán (guitarist nổi tiếng) và Nguyễn Văn Đắc; nhiều khi tụ họp với nhau nghêu ngao ca hát trên căn gác xép những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Lâm Tuyền, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý…
Do nhà cầm quyền cộng sản thời đó chủ trương hủy diệt dòng nhạc mà họ gọi là “Nhạc Vàng” này, ông Lộc và hai người bạn âm nhạc bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị kết tội “truyền bá văn hóa đồi trụy”. Ông Lộc bị 10 năm tù giam, ông Phan Thắng Toán bị 15 năm tù, và ông Nguyễn Văn Đắc bị 12 năm tù.
Cuốn hồi ký này kể lại những đoạn đời bi thương của ba người yêu âm nhạc trữ tình dám dấn thân cho đam mê của họ. Khi cuốn hồi ký “Cung Đàn Số Phận” chuẩn bị ra mắt người đọc, nhiều báo trong nước đưa tin và phỏng vấn ca sĩ Lộc Vàng, người cuối cùng còn sống trong ban nhạc ba người.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Một Thế Giới, ông Lộc Vàng nói: “Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục, những bản nhạc này được hát lên tivi. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.
Huy Lam / SBTN
PhongVien007
Unregistered
Giọng ca vàng thuở ấy… bây giờ: Lộc Vàng ở tù vì hát nhạc 'vàng'
05:53 - 02/03/2016 22 THANH NIÊN
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán từng bảo rằng có lẽ giọng ca nhạc 'vàng' của Hà Nội từ những năm 60 thế kỷ trước giờ chỉ còn sót lại ông Lộc Vàng mà thôi.
Nghệ sĩ Lộc Vàng hiện nay - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Vì ông mê nhạc “vàng” và có giọng ca trữ tình đúng chất dòng nhạc này nên nhiều khán giả Hà Nội và anh em văn nghệ sĩ thường gọi ông là Lộc Vàng. Trước khi tìm gặp ông, tôi đã được biết tiếng quán cà phê Lộc Vàng nằm ven hồ Tây, nơi giới văn nghệ sĩ khắp trong nam ngoài bắc vẫn thường xuyên ghé qua và thu hút khá đông khán giả yêu mến giọng hát của ông.
Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc tại miền Bắc. Từ khoảng thời gian này đã xuất hiện dòng nhạc mang màu sắc trữ tình, thường mang chủ đề tình yêu, trong đó có nhiều tên tuổi nhạc sĩ nổi bật như Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… Dòng nhạc này vào những năm 1950 - 1960 ở miền Bắc hay được gọi là nhạc “vàng”.
“Hồi ấy, người Hà Nội rất thích nghe dòng nhạc này, bởi hầu hết đó đều là những bản nhạc trữ tình về tình yêu, cuộc sống”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Cho đến năm 1954, thủ đô được giải phóng, tinh thần chiến đấu được đề cao trong âm nhạc, nhạc “vàng” bỗng bị ghẻ lạnh, hắt hủi.
Ông Lộc Vàng kể, dù biết là không được phép hát nhạc “vàng”, nhưng vì mê quá nên cứ tối tối ông và bạn bè lại ngồi trong nhà hát những ca khúc yêu thích. “Chúng tôi mỗi người làm một công việc, tôi thì lái xe cho công ty vận tải. Hồi đó, ai cũng nghèo, nhưng mọi người dành dụm tiền mua gói chè, bao thuốc để ngồi hát với nhau thâu đêm”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Năm 1968 là ngã rẽ cuộc đời của ông Lộc Vàng, nhóm nhạc của ông bị bắt. Ông kể bị kết tội vì hát nhạc “vàng”, trong đó có bài Chuyển bến của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Hồi ấy, vì biết Lộc Vàng mê nhạc và quý giọng hát của ông nên nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã tặng ông một số ca khúc của mình. Giữ trong lòng tình cảm với người anh Đoàn Chuẩn, đến lúc bị bắt, ông Lộc Vàng nhất quyết không chịu khai tên tác giả của ca khúc đã hát.
8 năm sau, năm 1976, ông được trả tự do. “Tôi sướng quá, đi bộ đường rừng 30 km từ trại giam ra đến TX.Lào Cai. Lúc ra đến ga Lào Cai, trời đã sẩm tối, tôi ngớ người ra vì các quán cà phê, hàng nước ở đó đều mở băng cối nhạc “vàng” do người miền Nam hát. Tôi vào quán ngồi mà không dám ngồi cạnh cái đài vì trước đây cũng vì hát những bản nhạc này mà tôi bị tù. Ra đến Hà Nội thấy ngạc nhiên vô cùng vì quán cà phê nào cũng mở dòng nhạc này”, ông nhớ lại. Tuy vậy, dòng nhạc này chỉ thực sự được nhìn nhận đúng giá trị bắt đầu từ năm 1987, khi có chính sách khôi phục lại các tác phẩm văn học nghệ thuật trước năm 1954 và được gọi là nhạc tiền chiến.
Quote:Mỗi lần nhắc đến người vợ quá cố, ông Lộc Vàng đều rơm rớm nước mắt vì thương bà. “Có những ngày nhìn trời mưa, tôi lại nhớ bà ấy. Khi biểu diễn những ca khúc mà bà ấy thích tôi cũng lại nhớ bà”, ông nói. Ông kể, khi nhạc “vàng” đã được khôi phục, ông được mời đi hát. Cứ mỗi lần như vậy vợ ông lại đưa cả con đi theo. Người bạn của Lộc Vàng mới hỏi: “Trời mưa gió rét mướt thế này, mày bế con đi làm gì, ở nhà nghe thằng Lộc hát suốt rồi không biết chán à? Nó có giai gái gì đâu mà theo nó?”. Vợ ông bảo: “Anh ạ, không phải em đi theo để nghe nhà em hát đâu, mà sợ chẳng may nhà em bị bắt một lần nữa thì em còn biết đường đi tiếp tế”.
Bán nhà vì yêu nhạc
Sau năm 1987, người ta hát nhạc tiền chiến ở khắp nơi, trong quán cà phê, trong các chương trình ca nhạc. Ngay như tại “ngôi nhà” của giới văn nghệ sĩ số 51 Trần Hưng Đạo, chương trình biểu diễn ca khúc trữ tình cũng được tổ chức thường xuyên. Nghệ sĩ Khắc Huề - người chỉ đạo nghệ thuật chương trình đã tìm ông Lộc Vàng - lúc đó đã là giọng ca quen thuộc ở nhiều quán cà phê để mời hát. Ông Lộc cho biết dù vậy ông không đi hát để kiếm tiền, ông làm đủ thứ việc từ bán bánh mì, quét vôi, thầu xây dựng... để nuôi gia đình. Ông hát chỉ vì thích được hát cho mọi người nghe.
Có lần, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đến nghe chương trình có Lộc Vàng hát. Lúc kết thúc phần biểu diễn, nhạc sĩ lên tặng hoa, ôm lấy Lộc Vàng đôi chân như khuỵu xuống. Ngày hôm sau gặp lại, Đoàn Chuẩn mới nói: “Hôm qua anh sướng lắm! Chú có biết vì sao không? Anh đã cho chú mấy bài hát nhưng chú không khai. Điều đó anh rất quý, rất trân trọng chú. Không giá trị nào bằng tiếng hát của chú vang lên bản nhạc của anh”.
Ông Lộc Vàng giờ đã ở tuổi 72, nhưng vẫn giữ nguyên nét hào hoa, phong nhã của chàng trai Hà Nội. Cách đây 8 năm, ông mở một quán cà phê ở ven hồ Tây. “Mục đích của tôi là để giữ gìn dòng nhạc này”, ông Lộc Vàng tâm sự. Ông vay mượn khắp nơi để mở quán, nhưng vì chỉ biết hát mà không biết làm kinh doanh, nên quán bị lỗ. Sau này ông phải bán ngôi nhà ở Kim Mã để trả nợ, rồi mua căn nhà nhỏ hơn để ở. Rồi cứ thế, ông phải bán hết nhà đi để bù lỗ cho quán, đến giờ ông không còn ngôi nhà nào để bán nữa. Ông bảo giờ ở luôn tại quán. Chỗ ngủ của ông trên căn gác xép nhỏ, ngay cạnh bàn thờ gia tiên và người vợ đã khuất.
PhongVien007
Unregistered
Lộc Vàng đến Little Saigon
October 1, 2016
Lộc Vàng từ Hà Nội sang, trước tiên là đi dự đại hội Hội Thơ Tài Tử của nhà thơ Lê Quang Sinh và Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng tổ chức. Sau đó được bè bạn đưa đi thăm viếng chỗ này chỗ nọ ở Little Saigon và nhiều nơi khác. Nhân tiện ông gặp nữ danh ca Tâm Vấn, và bà “rủ” ông đến Hội Quán Lạc Cầm đêm nay để “cùng hát cho nhau nghe.”
Theo danh ca Tâm Vấn và Hoàng Trọng Thụy kể lại, Lộc Vàng là một người nghệ sĩ đã hy sinh cả đời trai trẻ của mình, một người mê nhạc vàng đến độ phải bị ở tù mười năm ở Hà Nội trước năm 1975, chỉ vì nỗi đam mê âm nhạc. Và ông mê nhạc từ lúc mà nhiều người khác chưa biết ‘nhạc vàng’ là gì. Và theo ông Lộc Vàng, ngày xưa, tại Hà Nội không có nhạc tiền chiến, mà chỉ có nhạc vàng mà thôi.
“Tại sao không gọi là nhạc tiền chiến mà gọi là nhạc vàng?”, Hoàng Trọng Thụy đặt câu hỏi.
“Theo tôi hiểu, trước năm 1954, những nhạc sĩ Việt Nam mới bắt đầu viết những bài tân nhạc vì được thừa hưởng nền âm nhạc của người Pháp dạy cho họ, mà chỉ có những người con của nhà giàu mới được học, và học những nốt nhạc như Đồ, Rê, Mi… Thời gian sau đó, các ông mới bắt đầu sáng tác những bài nhạc Việt Nam. Và những nhà nhạc sĩ đó mượn danh những nốt nhạc mà người ta quý như vàng, cho nên các ông đặt tên là dòng ‘nhạc vàng’, tại vì vàng là vật rất quý giá. Nhưng đến sau 1954, từ chính phủ này đổi sang chính phủ kia, thì các ông trong chính phủ miền Bắc định nghĩa vàng là vàng vọt, vàng là màu lá úa, vàng là ủy mị,” Lộc Vàng trả lời.
Ông cho biết thêm, “Ở miền Bắc, nhạc từ trước năm 1945 chỉ có vài bài thôi. Và sau năm 1945 đến năm 1954 thì có nhiều bài nhạc Việt ra đời. Cho nên nhiều người bảo rằng, nhạc tiền chiến có trước chiến tranh, là tại vì họ đã cộng những bài nhạc đó cho đến năm 1954, mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Ở một đất nước, người ta thích đặt tên nào thì mọi người nghe theo cái tên đó, nhưng theo tôi, đó là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, được quý như vàng, chớ không có nhạc tiền chiến hay hậu chiến gì cả.”
Tiếng hát của Lộc Vàng trong bài “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, một bài nhạc rất quen thuộc với những người thích dòng ‘nhạc vàng,’ lời bài nhạc được ông thả hồn theo tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Huy Cường. Lời nhạc trữ tình qua dòng nhạc êm dịu, gọi là dòng ‘nhạc vàng’ thật đúng theo ý nghĩa của nó.
“Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Theo lời yêu cầu của khán giả, Lộc Vàng hát thêm một bài nữa của Đoàn Chuẩn, là bài “Tâm Sự Người Yêu.” Theo Lộc Vàng, bài nhạc này gần như là tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông sáng tác năm 1956, nhưng không xuất bản.
“Trước năm 1968, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã cho tôi bài này, tôi thấy bài này là đỉnh cao cuối cùng trong những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, vì nói lên tâm trạng của nhạc sĩ yêu bà Thanh Hằng, bà ngày xưa cùng hoạt động với Đoàn Chuẩn trong một đoàn ca nhạc ở Hà Nội. Ông rất yêu bà, nhưng vì nghe lời bà Thanh Hằng nên cuối cùng ông phải ở lại Hà Nội. Mãi đến năm 1956, thì ông sáng tác bài nhạc này để tặng riêng cho người mình yêu,” Lộc Vàng kể lại.
Lộc Vàng hát bài này rất hay, vì có lẽ ông hát thay nỗi đau quặn thắt của Đoàn Chuẩn, khi đã bắt đầu yêu Thanh Hằng.
“Khi mùa Thu đến nhanh
Hoa Phù Dung im cành
Từng đàn bướm trắng bay nhanh, mong manh
Tiếc nhớ thương vay giận hờn bướm trắng có hay
Yêu có khác gì lúc chàng say
Thuở ấy, tâm hồn chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xóa niềm tin
Đôi môi chưa gợn men ân ái
Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh
Rồi có hôm nào không nhớ rõ
Hình em đến tận đáy lòng anh
Hoa kia không ngủ trăng thao thức
Bướm đã vướng mình, chim cứ bay…”
Rồi ông tiếp tục hát như lời tâm sự của một chuyện tình bị dở dang, đã khiến Đoàn Chuẩn ở lại trong khung trời Hà Nội để còn gặp người mình yêu.
“Em muốn nói gì lúc về Thu
Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai
Nên anh ghê sợ cho đôi mắt
Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai.”
Đoàn Chuẩn vì yêu nên không thể rời xa Hà Nội, để rồi có một hôm nào không nhớ rõ, thuyền xưa đã rời bến mà đi… Lộc Vàng kết thúc đoạn cuối của một mối tình lãng mạn và đã tan vỡ của người nhạc sĩ tài hoa.
“Rồi có những chiều im tắt nắng
Người ta nhớ lại quãng ngày đi
Hoa xưa phong nhụy sen trong trắng
Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi?”
Lộc Vàng nói với Người Việt, ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, lý do người ta gọi ông là “Lộc Vàng” là từ năm 1954, tại Hà Nội bị cấm hát nhạc vàng. Thời đó, ở miền Bắc chỉ có một dòng nhạc gọi là dòng nhạc cách mạng, và còn được dân gian gọi là “nhạc đỏ.”
“Nhưng mà chúng tôi gồm vài anh em bạn cứ tụ tập với nhau hát ở trong nhà và hát toàn những bài nhạc trước năm 1954. Đến tai nhà nước và họ bắt bọn tôi, vì họ bảo bọn tôi là tuyên truyền chủ nghĩa trụy lạc của đế quốc. Rồi sau đó tôi bị ở tù 10 năm vì tội hát nhạc vàng. Sau khi ở tù về còn phải chịu bốn năm mất quyền công dân nữa,” Lộc Vàng chia sẻ.
Cũng theo ông, đến năm 1987, thì nhà nước bắt đầu cho hát lại một số bài nhạc trước năm 1954, mà người ta còn gọi là nhạc tiền chiến, gồm những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý…
Lộc Vàng cho biết thêm, “tại Hà Nội, năm 1991, tôi mở một quán cà phê ca nhạc, bị cấm. Đến năm 1994 tôi mở thêm một quán nữa, cũng bị cấm. Đến 1997 mở một quán nữa thì cũng bị họ cấm. Tại vì tất cả quán cà phê phải có giấy phép của nhà nước, và họ không cấp giấy phép cho tôi mở quán là vì quán của tôi chỉ toàn hát nhạc vàng. Mãi đến năm 2008, thì tôi bắt đầu tiếp tục mở thêm một quán cà phê nữa ở Hồ Tây, và tôi lấy tên quán là quán cà phê Lộc Vàng, vì một số nhạc vàng đã được cho phép hát. Thế từ đó cho đến bây giờ, quán Lộc Vàng vẫn mở và mỗi tuần gồm ba buổi tối có ca nhạc cho mọi người nghe, mà chủ đề chỉ có hát nhạc vàng mà thôi.”
Theo ông Lộc Vàng, quán cà phê này do ông thuê chỗ. Từ ngày mở quán cho đến nay đã tám năm, ông bị lỗ sạch vốn, và phải bán nhà để bù đắp lại cho những chi phí của quán cà phê này. Lý do ông lỗ vốn là những ngày thường thì vắng khách, chỉ có khách vào những đêm ca nhạc, và chỉ lấy giá rất bình dân, vì lấy giá cao thì khách không đến.
Quán này là chỉ để có nơi cho ông được thỏa niềm đam mê âm nhạc, vì thế, ông không có ý kinh doanh vào tiếng hát của mình, mà chỉ muốn tạo một “sân chơi” cho những ai thích nghe những dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là nhạc vàng hoặc nhạc tiền chiến.
|