China: Lo ngại "mắt thần" Trung Quốc
#1
Lo ngại "mắt thần" Trung Quốc 
09/02/2018 06:46 GMT+7



Bắc Kinh đã lắp đặt 170 triệu camera giám sát khắp nước và đặt mục tiêu lắp thêm 400 triệu camera trong 3 năm tới


Những người đến nhà ga tàu cao tốc ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc để về quê ăn Tết năm nay ngạc nhiên trước sự xuất hiện của những cảnh sát đeo loại kính đặc biệt.


Không có đối thủ

Được trang bị phần mềm nhận biết khuôn mặt, kính này được kết nối với máy tính bảng, cho phép cảnh sát truy tìm những đối tượng bị truy nã tại nhà ga trong dịp đi lại đông đúc. Sau khi quét khuôn mặt hành khách, thiết bị kích hoạt phần mềm để đối chiếu với một cơ sở dữ liệu. Tính đến ngày 6-2, theo trang cnrail.net, cảnh sát đã phát hiện 7 người bị truy nã và 26 trường hợp sử dụng chứng minh giả nhờ mắt kính công nghệ cao.

Trong khi đó, chính quyền TP Trùng Khánh đang sử dụng công nghệ nhận biết khuôn mặt để ngăn người dân sử dụng tên giả để đăng ký kết hôn. Theo tờ South China Morning Post, những cặp đôi mới cưới phải đặt thẻ căn cước lên một chiếc máy để nó so sánh khuôn mặt của họ với thông tin trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.

[Image: 15-chot2-1518100348838488626212.jpg]
[i]
Hình ảnh thu thập từ hệ thống camera giám sát ở Bắc Kinh và được phân tích bằng công nghệ nhận biết khuôn mặt Ảnh: THE WASHINGTON POST

[/i]


Những tính năng trên là một phần của hệ thống giám sát sâu rộng đang được ứng dụng tại Trung Quốc. Tại TP Quý Dương ở miền Tây Nam Trung Quốc, phóng viên John Sudworth của đài BBC đồng ý bổ sung hình ảnh chụp mặt mình vào cơ sở dữ liệu của cảnh sát địa phương và để hệ thống đánh dấu mình là "nghi phạm" nhằm thử nghiệm xem ông có thể đi lại tự do ngoài đường phố bao lâu. Rốt cuộc, ông chỉ "trụ" được 7 phút sau khi rời khỏi chiếc xe ở trung tâm thành phố.

Kết cục này có thể không gây nhiều ngạc nhiên nếu người ta biết rằng Trung Quốc đã cho lắp đặt 170 triệu camera giám sát khắp nước và đặt mục tiêu lắp thêm 400 triệu camera trong 3 năm tới. Kết hợp với công nghệ nhận biết khuôn mặt tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI), Bắc Kinh có trong tay một hệ thống theo dõi không có đối thủ về quy mô trên thế giới.

Nhận diện khuôn mặt là công nghệ đang nóng ở Trung Quốc. Các ngân hàng, sân bay, khách sạn và ngay cả nhà vệ sinh công cộng đều cố gắng xác minh danh tính người dân bằng cách phân tích khuôn mặt. Trong đó, lực lượng an ninh và cảnh sát hăng hái nhất. Cảnh sát TP Trùng Khánh cho biết với sự hỗ trợ của công nghệ tại một khu căn hộ, họ có thể nhận biết người lạ, phân tích thời gian ra vào của họ, ai đã ở qua đêm và bao nhiêu lần để từ đó xác định những đối tượng khả nghi.

Kế hoạch đầy tham vọng

Cuộc thử nghiệm nói trên là một phần nhỏ trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm kết nối các camera giám sát tại các con đường, trung tâm mua sắm và trung tâm giao thông với camera tư nhân tại các khu phức hợp, tòa nhà rồi tích hợp vào một hệ thống giám sát, chia sẻ dữ liệu toàn quốc. Hình ảnh thu thập được sẽ qua quá trình phân tích để phục vụ nhiều mục đích: theo dõi kẻ tình nghi, phát hiện hành vi đáng ngờ và thậm chí dự đoán khi nào tội ác sắp xảy ra; điều phối hoạt động của các dịch vụ khẩn cấp; giám sát sự đi lại của 1,4 tỉ người dân… - theo các tài liệu chính thức và báo cáo của ngành công nghiệp an ninh.

[Image: 15-chot1-15181003488372074050086.jpg]
[i]
Một cảnh sát mang mắt kính tích hợp công nghệ nhận biết khuôn mặt tại nhà ga tàu cao tốc ở TP Trịnh Châu hôm 5-2 Ảnh: VCG

[/i]


Hệ thống còn khai thác một cơ sở dữ liệu rộng lớn - chứa đựng đủ loại thông tin về mọi người (hồ sơ tội phạm, y tế, mua sắm trực tuyến và thậm chí các bình luận trên truyền thông xã hội) và được liên kết với thẻ căn cước, khuôn mặt của họ. Bắc Kinh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ sở hữu mạng lưới giám sát video hoàn chỉnh trên toàn quốc, tích hợp các công nghệ khai phá dữ liệu, phân tích video và hình ảnh.


Trung Quốc dĩ nhiên không phải là quốc gia đầu tiên thử nghiệm những công nghệ mới nói trên. Hệ thống nhận dạng thế hệ mới (NGIS) của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có thể so sánh hình ảnh từ hiện trường vụ án với ảnh chân dung nghi phạm trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Bà Monica Wang, nhà phân tích cao cấp của hãng IHS Markit ở Thượng Hải, cho rằng với khoảng 62 triệu camera giám sát vào năm 2016, nước Mỹ thực tế có tỉ lệ camera giám sát tính trên đầu người cao hơn Trung Quốc (khoảng 172 triệu camera).

Dù vậy, phạm vi và mục tiêu sử dụng ứng dụng khiến Trung Quốc trở nên khác biệt. Trong lúc các cơ quan thực thi pháp luật phương Tây có khuynh hướng sử dụng công nghệ nhận biết khuôn mặt để nhận biết nghi phạm, Bắc Kinh lại muốn thống trị ngành công nghiệp AI toàn cầu, ứng dụng dữ liệu lớn để siết chặt quản lý mọi khía cạnh của xã hội và duy trì việc giám sát người dân hiệu quả hơn bao giờ hết.

Tham vọng trên có sự giúp sức của ngành công nghiệp công nghệ trong nước. Bên trong phòng trưng bày của một số công ty cung cấp công nghệ nhận diện ở Trùng Khánh và Bắc Kinh, video được trình chiếu trên những màn hình lớn và những khuôn mặt được nhận diện từ đám đông để so sánh với khuôn mặt của đối tượng truy nã. Camera trên đường phố tự động phân loại thông tin của người đi đường theo giới tính, quần áo và thậm chí là chiều dài mái tóc.

Ngoài nỗi lo về nguy cơ xâm phạm riêng tư, không có gì bảo đảm công nghệ này không có sai sót (nhận biết sai người) hoặc bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc nhấn mạnh công nghệ nhận biết khuôn mặt của họ có tỉ lệ chính xác cao hơn nhiều lần so với FBI. Theo các chuyên gia, tuyên bố này không có gì quá bởi họ có thể thoải mái dựa vào số lượng hình ảnh khổng lồ từ kho dữ liệu của chính phủ để cải thiện thuật toán mà không cần quá bận tâm về vấn đề riêng tư.


https://www.npr.org/2013/01/29/170469038/in-china-beware-a-camera-may-be-watching-you
Reply