Vấn đề sửa lời ca khúc trước 1975
#1
Vấn đề sửa lời trong các ca khúc sáng tác trước 1975 

Nguyễn Văn Tuấn


Hôm qua, ghé nhà anh bạn chơi và tôi nghe cô ca sĩ hát bài Cánh Thiệp Đầu Xuân, mà trong đó có câu “Để người anh YÊU DẤU quay về gia đình / Tìm vui bên lửa ấm.” Tôi ngạc nhiên và tưởng mình nghe lầm, nhưng không phải; cô ấy sửa lời ca! Câu chuyện sửa lời ca làm tôi liên tưởng đến nhiều ca khúc khác (sáng tác trước 1975) bị, chẳng biết do lí do gì, sửa lời ca. Có khi người ta sửa luôn nhan đề!

‘Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi’

Chúng ta đã nghe đến trường hợp ca sĩ Tuấn Ngọc sửa lời ca khúc Tình Bơ Vơ của Lam Phương. Ca khúc đó được Lam Phương viết cho ca sĩ Bạch Yến, người mà ông thương thầm nhớ trộm. Theo một phỏng vấn, những ca khúc như Phút Cuối, Chờ Người, Xin Thời Gian Qua Mau, Thu Sầu đều viết cho Bạch Yến. Năm 1961, Bạch Yến đi học thanh nhạc ở Pháp. Sau một thời gian du học, Bạch Yến có dịp về thăm Việt Nam, nhưng rồi lại quay về Paris. Nghe tin đó, Lam Phương viết Tình Bơ Vơ [1], trong đó có câu:

"Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi".
Anh ca sĩ Tuấn Ngọc sửa câu đó khi hát ở Việt Nam thành:
‘Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi’.

Sự việc tuy nhỏ, nhưng cũng làm cho nhiều người mê nhạc Lam Phương khó chịu. Điều làm khán giả ngạc nhiên là anh ấy rất nghiêm túc với âm nhạc, vậy mà lại sửa lời một ca khúc nổi tiếng như thế. Chắc chỉ có Tuấn Ngọc mới biết tại sao anh ta làm như vậy. Có bạn giải thích rằng mùa thu rất nhạy cảm ngày nay, nên những sáng tác viết về mùa thu (như của Phú Quang, Phạm Duy) đều chịu số phận long đong. [Image: 1f642.png]

‘Hẹn ngày về quê hương tôi’

Nhưng Tuấn Ngọc không phải là ca sĩ duy nhứt sửa lời ca của các tác giả trước 1975. Chị Giao Linh cũng từng làm như vậy đối với ca khúc Mùa Sao Sáng. Bài này do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (không phải là tín đồ đạo Công giáo) sáng tác vào năm 1967, tức là trong thời gian mà chiến tranh Quốc – Cộng diễn ra rất khốc liệt. Do đó, trong các khúc có những câu như [2]:

Giặc tràn về quê hương tôi
giặc diệt niềm tin Ki-tô
Lớp lớp đàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao

Thế nhưng khi trình diễn ở Việt Nam, Giao Linh sửa những câu đó thành [3]:
Hẹn ngày về quê hương tôi
Rạng ngời niềm tin Ki-tô
Lớp lớp đàn chiên sáng danh Chúa trên trời
Phải nói là những câu do Giao Linh sáng chế ra trật bối cảnh và cũng không hay chút nào. Mà cũng hơi vô duyên. Cần nói thêm rằng Giao Linh là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

"Để người anh yêu dấu quay về gia đình"

Một ca khúc bất hủ về xuân là Cánh Thiệp Đầu Xuân của nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ sáng tác vào năm 1963. Có thời gian sau 1975, ca khúc này bị cấm lưu hành vì có những câu [4]:

Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh lính chiến quay về gia đình
Tìm vui bên lửa ấm.
Thế nhưng, chẳng biết ai đó đã sửa câu đó thành "Người anh yêu mến" hay "Người anh yêu dấu":
Để người anh yêu mến quay về gia đình
Tìm vui bên lửa ấm.
hay:
Để người anh yêu dấu quay về gia đình
Tìm vui bên lửa ấm.

[Image: image-2.png]

"Đón xuân trên mọi miền"

Một ca khúc xuân cũng rất phổ biến và nổi tiếng thời trước 1975 là Câu Chuyện Đầu Năm của Hoài An sáng tác vào năm 1964, trong thời chiến tranh. Xin nói thêm rằng Hoài An cũng là tác giả các ca khúc nổi tiếng Ngày Xuân Thăm NhauTâm Sự Ngày Xuân. Trong ca khúc Câu Chuyện Đầu Năm, có câu [5]:


Đón thư nơi trận tiền
Viết thư thăm bạn hiền.
Một lời nguyền xin chớ quên.
Ấy thế mà ai đó đã sửa "trận tiền" thành "mọi miền" [6]:
Đón xuân trên mọi miền
Viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyền xin chớ quên.



[Image: image-3.png?w=629]

Rừng Xưa của Lam Phương

Phuong Dung hát và giựt mình té ghế
Người về đâu hỡi người về đâu?
Đây ước mơ của Miền Nam mến yêu
Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình
tìm hạnh phúc ngày qua


Phương Dung hát sửa thành:

Đây ước mơ của người thương mến yêu

Rừng xưa được Lam Phương viết năm 1963 có ý nghĩa “an ủi tinh thần” cho những người Miền Nam đi tập kết ra Bắc 1954. Rõ ràng trong khổ nhạc sau:
Rồi mùa thu thương tiếc quá
Anh nỡ đi trong lòng hoa xác xơ
Ôi thắm thoát trôi qua mười năm quá xa rồi
Mà tình mãi còn vương!


Bài nhạc kêu gọi những người con trở về với tấm lòng Miền Nam rộng mở (tức ‘chiêu hồi’ đó mà):


Đây ước mơ của Miền Nam mến yêu
Tha thiết đến tin anh về bên mái gia đình
Tìm hạnh phúc ngày qua


Rừng Xưa từng bị cấm hát ở Việt Nam. Ngày 15/4/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc gồm Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương) và Đừng gọi anh bằng chú (Diên An). Tuy vậy, có người phàn nàn rằng quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua là “chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội”.

Trúc Đào thành "Ngọn trúc đào"


Năm 1973, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (lúc đó mới 21 tuổi) sáng tác bài thơ Trúc Đào để ghi lại mối tình vô vọng thời học trò với một cô gái gốc Bắc tên Hoàng Thị Oanh (do đó, mới có bài "Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ"). Cuối thập niên 1980, nhạc sĩ Anh Bằng (lúc đó định cư ở California) phổ bài thơ này thành ca khúc Trúc Đào. Tuy nhiên, ca khúc Trúc Đào chỉ lấy ý chứ không phổ từng câu của bài thơ Trúc Đào. Ca khúc này rất nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì lời ca mượt mà và giai điệu phổ thông. Bốn câu đầu của ca khúc:


Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Chiều thu gió lạnh êm đềm
Vàng sân lá đổ cho mềm chân em


So với bài thơ:
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là… ngơ ngẩn nhìn


Bản gốc của ca khúc ghi rõ ràng là "Trúc Đào" [7]. Thế nhưng chẳng hiểu vì lí do gì mà sau này có khá nhiều ca sĩ và các trang web, báo chí sửa nhan đề ca khúc thành “Ngọn trúc đào”. Có lần tôi góp ý cho một cô chuyên dạy ca hát trên Youtube về sai sót này, nhưng cô ấy khẳng định “Ngọn trúc đào” là nguyên bản và xóa bình luận.


Việc sửa lời ca không phải là mới. Ngày xưa (thời thập niên 1980 ở hải ngoại) tôi nhớ lúc ca sĩ Elvis Phương hát ca khúc "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà" trên sân khấu Thúy Nga PBN, anh ấy sửa câu "Nàng có ba người anh đi bộ đội" thành "Nàng có ba người anh đi quân đội". Nhạc sĩ Vũ Thành An, sau một thời gian suy nghiệm cuộc đời, cũng tự "biên tập" câu


“Này em hỡi, con đường em đi đó,
con đường em theo đó, sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng, có làm em khóc,
có làm em nhớ, những khi mình mặn nồng”.


thành:
“Này em hỡi, con đường em đi đó,
con đường em theo đó, đúng đấy em ơi.
Nếu chúng mình đã thành đôi lứa,
chắc gì ta đã, thoát ra đời khổ đau.”
Những ca khúc nổi tiếng và đi vào tâm trí của hàng triệu người mà bị đổi lời ca thì thật đáng ngạc nhiên. Tôi thiết nghĩ khi nhạc sĩ viết ra một lời ca cũng là cách bày tỏ suy tư của họ vào cái thời điểm đó ở vào hoàn cảnh đặc thù đó. Lời nhạc cũng phản ảnh lịch sử vậy, như ca khúc "Chuyện một chiếc cầu đã gãy" của Trầm Tử Thiêng. Trong những trường hợp như vậy, sửa lời cũng có thể là sửa lịch sử.


***

[1] Ca khúc Tình Bơ Vơ: https://www.datviet.com/hat-o-sai-gon-tu...lam-em-oi/
[2] Nguyên văn ca khúc Mùa Sao Sáng: https://hopamviet.vn/sheet/song/mua-sao-sang/W8IUIB0F.html
[3] Mùa Sao Sáng bị đổi lời: https://www.youtube.com/watch?v=gS7iHkMgKSs&feature=youtu.be
[4] Nguyên văn ca khúc Cánh Thiệp Đầu Xuân: https://hopamviet.vn/…/canh-thiep-dau-xuan/W8IU0FD7.html
[5] Nguyên gốc: https://hopamviet.vn/…/cau-chuyen-dau-nam/W8IU0FCW.html
[6] Ca khúc Câu Chuyện Đầu Năm bị sửa lời ca: https://youtu.be/cSg6HegBQ40?si=UkCJJ8K6Jk2Y6eWw
[7] Bản gốc của ca khúc Trúc Đào: https://hopamviet.vn/sheet/song/truc-dao/W8IU0FAW.html
[8] Bài thơ Trúc Đào của Nguyễn Tất Nhiên:
Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng
Quên người – nhất quyết tôi quên
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là… ngơ ngẩn nhìn
Thế rồi trăng sáng lung linh
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ
Sang năm mười bảy không ngờ
Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày
Chiều nay ngang cổng nhà ai
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?

--------------------------------------------------------------------------------------------

Khách quan mà nói thì khg phải lúc nào việc hát sai lời cũng do ca sĩ cố ý sửa lời nguyên tác mà chỉ là vấn đề tam sao thất bổn, nhớ lộn, nhớ lầm. Nhưng mấy trường hợp như ông Tuấn Ngọc, bà Giao Linh... nhất là bà Giao Linh, chỉ trong vòng ba câu ngắn mà bả cắt, sửa nhiều chữ thì khó có thể thông cảm là nhớ lộn được.
[-] The following 1 user Likes TNNA's post:
  • dulan
Reply