J. Krishnamurti collection
#1
Star 
TỰ TRI
Self-Knowledge 
J. Krishnamurti


Những vấn đề của thế giới quá to tát rộng lớn, quá phức tạp khó khăn, mà muốn hiểu và giải quyết những vấn đề ấy, người ta cần phải đi đến những vấn đề ấy một cách giản dị và trực tiếp; và sự giản dị, sự trực tiếp không phải tùy thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài, cũng không phải tùy thuộc vào những thành kiến và trạng huống đặc biệt nào đó. Như tôi đã trình bày, không thể tìm sự giải quyết vấn đề trong những hội nghị, những chương trình kế hoạch hay trong sự truất phế những người lãnh đạo cũ để thay bằng những vị lãnh đạo mới, vân vân. Nhất định sự giải quyết vấn đề chỉ nằm trong chính người tạo ra vấn đề, người tạo ra dối trá ác tâm, hận thù và ngô nhận to tát giữa những con người. Người khai sinh ra điều gian manh, khai sinh ra những vấn đề chính là cá thể, chính các ngài và tôi, chứ không phải thế gian, như chúng ta thường tưởng thế. Thế gian, thế giới này là sự giao tương giữa người này với người khác. Thế gian không phải là một thực thể ly cách các ngài và tôi; thế gian, xã hội chính là liên giao mà chúng ta đã thiết lập hay tìm cách thiết lập để cảm thông nhau.

Thế thì các ngài và tôi là vấn đề, chứ không phải thế giới, không có vấn đề thế giới tách biệt ra ngoài chúng ta, mà thế giới chỉ là sự phóng rọi ra bên ngoài những gì thầm kín bên trong tâm hồn chúng ta; do đó, muốn tìm hiểu thế giới, chúng ta phải tìm chính chúng ta. Thế giới không phải tách lìa xa lạ với chúng ta; chúng ta chính là thế giới, và những vấn đề của chúng ta chính là những vấn đề của thế giới. Có nên lặp lại rằng chúng ta quá biếng nhác trong tâm tưởng, biếng nhác đến nỗi chúng ta nghĩ rằng những vấn đề thế giới không phải là việc của chúng ta và cho rằng chỉ Liên Hiệp Quốc mới lo việc giải quyết những vấn đề ấy. Hoặc những vấn đề ấy chỉ có thể giải quyết như thay đổi những vị lãnh tụ cũ bằng những lãnh tụ mới. Chỉ có những đầu óc khờ dại nông cạn mới nghĩ như vậy, vì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về thảm trạng đau đớn hãi hùng hiện nay, phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn hiện tại ở thế giới, trận thế chiến luôn luôn đe dọa sắp nổ. Muốn chuyển hóa thế giới, chúng ta phải bắt đầu chuyển hóa bản thể chúng ta; khi bắt đầu chuyển hóa mình, điều quan trọng là ý định chủ hướng, ý định chủ hướng phải là tự tri, tự giác, tự hiểu biết mình và không để người khác tự chuyển hóa họ hoặc mang đến một sự đổi thay cải cách bằng cách mệnh theo tả phái hoặc hữu phái. Một điều quan trọng là hiểu rằng đó chính là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của các ngài và trách nhiệm của tôi. Bởi vì dù thế giới ta đang sống có nhỏ bé đến đâu đi nữa, mà nếu chúng ta có thể tự chuyển hóa mình, tự tạo tác ra một quan điểm khác biệt triệt để trong đời sống thường nhật thì lúc ấy chúng ta sẽ ảnh hưởng điều phục cả thế giới lớn rộng, toàn thể thế giới này, trọn vẹn tương giao mở rộng với những người khác.

Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta đang tìm hiểu tiến trình tri kiến bản thân, một tiến trình hỗ tương, chứ không phải là một tiến trình đơn độc cô lập. Tiến trình tự tri, tự kiến , tự hiểu mình không phải bắt đầu từ việc chối bỏ thế gian, từ bỏ cuộc đời để rút lui về ẩn náu trong sự cô lập nào đó ; không, không phải thế, vì các ngài không thể nào sống trong sự cô lập ấy. Hiện tính là tương quan; không có gì là một cuộc hiện sinh cô lập. Chính vì đánh mất tương giao chính đáng cho nên mới xảy ra những sự xung đột va chạm, nạn khốn cùng kiệt quệ và sự tranh chấp đấu tố; dù thế giới của chúng ta có nhỏ bé thế nào đi nữa tương giao của chúng ta trong thế giới nhỏ hẹp ấy thì việc ấy không khác gì một ngọn sóng dâng tràn tiếp nối rộng lớn ra bên ngoài mãi mãi không bao giờ dứt. Hiểu được như vậy, tôi nghĩ rằng đó mới là điều quan trọng, chúng ta phải hiểu rằng thế giới là mối tương giao của chúng ta, dù là tương giao nhỏ hẹp đi nữa, đó cũng vẫn là tương giao; mà nếu chúng ta có thể mang đến sự chuyển hóa trong sự tương giao ấy, một sự hóa thân biến chuyển toàn triệt, chứ không phải hời hợt, nếu chúng ta có thể làm được như thế thì chúng ta đã bắt đầu tích cực chuyển hóa cả thế giới. Cuộc cách mạng thực sự không thể nào được thiết lập trên bất cứ một mẫu mực đặc biệt nào, dù là mẫu mực hữu phái hoặc tả phái. Cuộc cách mạng  thực sự phải là cuộc cách mạng của những giá trị , thay đổi toàn triệt những giá trị cảm thức thành ra những giá trị thực sự, những giá trị không xuất phát từ cảm quan hay không bị qui định, tạo tác do những ảnh hưởng hoàn cảnh chung quanh. Muốn tìm ra những giá trị thực sự để đem đến một cuộc cách mạng toàn triệt, một sự chuyển hóa triệt để hoặc một sự hồi sinh trọn vẹn, con người phải cần tự hiểu mình. Tự tri là bước đầu của đạo lý và đó mới là bước đầu của sự chuyển hóa hoặc phục sinh. Muốn tự hiểu mình, chúng ta cần phải có ý định chủ hướng là muốn hiểu – đó là sự khó khăn đầu tiên. Mặc dù hầu hết chúng ta đều bất mãn, hầu hết chúng ta đều muốn chuyển biến, chuyển hóa lập tức, nhưng sự bất mãn của chúng ta chỉ đưa đến việc tìm tới một kết quả nào đó ; vì bất mãn, chúng ta đã đi tìm một việc làm khác hay chỉ thụ động ngã quỵ với hoàn cảnh. Sự bất mãn, thay vì thổi lửa trong lòng ta, xui khiến ta đánh dấu hỏi trước đời sống, tra vấn trọn vẹn tiến trình của đời sống, thay vì thế, bất mãn đã uốn nắn qui tụ lại trong hướng đi khuôn khổ cạn hẹp; do đó, chúng ta trở thành tầm thường hời hợt, đánh mất nguyên động lực, đánh mất lửa tâm tư, sự mãnh liệt nội tâm để khám phá ý nghĩa trọn vẹn của đời sống con người. Vì lý do ấy, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là phải khám phá ra mọi sự bằng chính bản thân chúng ta, bởi vì sự tự tri, tự giác, không thể nào thành tựu được qua trung gian của một người khác, chúng ta không thể tìm được tự tri trong bất cứ một quyển sách nào. Chúng ta phải khám phá, mà muốn khám phá thì phải có ý định khám phá, tìm kiếm, khảo sát. Khi nào mà ý định chủ hướng muốn khám phá, tìm hiểu, khảo sát sâu xa hãy còn quá yếu ớt hoặc không xuất hiện trong tâm trí mình thì việc tìm hiểu mình chẳng có ý nghĩa gì cả, vì chúng ta chỉ nói suông hoặc chỉ có ý muốn nhất thời thôi.

Thế thì mọi sự chuyển hóa thế giới chỉ có thể thực hiện được bằng sự chuyển hóa bản thân, chuyển hóa ngay nơi tâm tư của mình, vì bản ngã là sản phẩm và là thành phần của toàn thể tiến trình của đời sống con người. Muốn tự chuyển hóa , chúng ta phải cần tự hiểu mình; không tự hiểu mình, không hiểu được bản chất mình thì tư duy chính xác đã mất nền tảng; không tự hiểu mình thì sự chuyển hóa tâm thức không thể nào thể hiện được : mình phải hiểu mình là gì, không phải hiểu như muốn mình phải là gì, vì nếu muốn như thế thì chỉ là một lý tưởng, nghĩa là huyền ảo không thực; chỉ có những gì là hiện thể, đang là thì mới có thể chuyển hóa được, chứ không phải những gì mình muốn nó biến thể theo ý muốn của mình. Muốn hiểu rõ mình là thế nào, đúng theo bản chất thông thường trung trực của mình thì phải cần có một trí óc linh hoạt nhanh nhẹn, sống động phi thường, bởi vì những gì đang là hiện thể thì thường xuyên biến dạng hóa thân từng giây phút, luôn luôn thay đổi, mà muốn rõi theo sự thay đổi linh động ấy một cách nhanh nhẹn, nhất định tâm trí mình không bị ràng buộc theo một tín điều hay một tín ngưỡng đặc biệt nào, trong bất cứ khuôn mẫu hành động đặc thù nào. Nếu các ngài muốn theo bất cứ sự vật gì mà phải bị vướng buộc triền phược thì không thể nào thành tựu được. Muốn hiểu thực chất, thực tính của mình, chúng ta phải ý thức, trí óc phải được tự do, trí óc phải nhanh nhẹn, thức thời linh động, chỉ có trí óc như vậy mới được tự do, không bị ràng buộc trong tất cả tín ngưỡng, trong tất cả hệ trình ý niệm, bởi vì những tín ngưỡng và những lý tưởng chỉ cho các ngài một sắc thái nào đó và làm phân tán bại hoại trực kiến chân chính. Nếu các ngài muốn biết bản chất trung trực của các ngài, các ngài không thể nào tưởng tượng hình dung hay đặt tín ngưỡng vào một sự thể nào đó mà không phải là bản thể của các ngài. Nếu tôi tham lam, đố kỵ, tàn nhẫn bạo động, phũ phàng mà lại chỉ muốn vươn tới lý tưởng bất bạo động, ly dục : việc vươn tới lý tưởng ấy chẳng có một mảy may giá trị nào cả. Nhưng hiểu biết rằng mình là kẻ tham lam, đố kỵ, hoặc bạo động, muốn biết và hiểu như vậy đòi hỏi chúng ta phải có một sự trực nhận bén nhạy, phải thế không ? Đòi hỏi chúng ta phải thành thực, chính trực, sáng sủa minh bạch trong tư tưởng, trái lại việc chạy đuổi theo một lý tưởng nào đó để trốn sự thực thì chỉ là một việc thoát ly thực tại, chạy trốn thực tại, việc ấy ngăn chận các ngài và không để các ngài khám phá và hành động trực tiếp để chuyển hóa bản chất các ngài.


Hiểu bản chất của mình, dù bản chất ấy là gì đi nữa, dù xấu hay đẹp, dù hung bạo hay tàn nhẫn, hiểu bản chất mình một cách ngay thẳng là sự bắt đầu của nhân đức. Nhân đức rất cần thiết cho chúng ta vì nó mang đến tự do. Chỉ trong nhân đức các ngài mới có thể khám phá rằng các ngài đang sống, chứ không phải trong việc tôi luyện một đức hạnh nào đó, việc tôi luyện ấy chỉ tạo ra sự kính trọng, chứ không tạo ra giao cảm và tự do. Một người có nhân đức khác hẳn một người muốn trở nên nhân đức. Nhân đức chỉ xuất hiện khi chúng ta hiểu cái đang , hiện thể, thực thể, trái lại muốn trở thành nhân đức chỉ là triển hạn trì hoãn che đậy khuất lấp cái đang là hiện thể, thực thể mà mình muốn nó chuyển hóa theo lòng tham dục của mình. Vì thế khi muốn trở thành kẻ nhân đức, các ngài đã tránh hành động trực tiếp để chuyển hóa thực tại, hiện thể, cái đang . Tiến trình trốn lánh thực tại , trốn lánh cái đang qua sự khuôn đúc tôi luyện lý tưởng thì được mọi người coi như là nhân đức; nhưng khi các ngài khảo sát một cách kỹ lưỡng hơn, một cách trực tiếp hơn, các ngài sẽ thấy rằng đó chẳng phải nhân đức gì cả. Đó chỉ là sự triển hạn lần lữa không chịu đối mặt với hiện thể, chạm mặt với cái đang . Nhân đức không phải là trở thành cái không là bây giờ, trở thành một cái gì nghịch lại hiện thể, bản chất trung thực của mình ; nhân đức là hiểu cái đang , lãnh hội thực tại, viên thông với thực thể, và nhờ đó được tự do giải thoát, không còn bị ràng buộc trong hiện tại, trói buộc trong hiện thể. Nhân đức rất cần thiết chính yếu cho một xã hội đang bị tàn rữa nhanh chóng. Muốn tạo ra một thế giới mới, một cơ cấu mới khác hẳn với nề nếp cũ, chúng ta phải có tự do thoải mái để khai phá, khám phá; và muốn được tự do thì phải có nhân đức, vì không có nhân đức thì không thể nào có tự do được. Có thể nào một người thất đức muốn trở thành nhân đức mà biết được nhân đức ? Người thất đức thì không thể nào được tự do, và không thể nào hắn có thể khám phá ra thực tại. Thực tại chỉ có thể tìm thấy trong việc lĩnh hội, tiếp nhận, giao cảm, hiểu được cái đang ; muốn hiểu được cái đang thì phải có tự do, tự do và thoát khỏi nỗi niềm sợ hãi thực tại, sợ hãi cái đang , sợ hãi những gì đang xảy ra trong hiện tại.

Muốn hiểu được tiến trình ấy, chúng ta cần phải có ý định chủ tâm, muốn hiểu, muốn biết cái đang là, theo đuổi mỗi một tư tưởng, mỗi một cảm giác và mỗi một hành động; hiểu được cái đang là thì thực sự vô cùng khó khăn, bởi vì cái đang thì không bao giờ đứng yên một chỗ, không bao giờ tĩnh chỉ, không bao giờ tĩnh chết, cứng đọng, cái đang thì luôn luôn di chuyển, vận hành, chuyển động thường xuyên. Cái đang là chính các ngài, bản chất của các ngài, hiện thể của các ngài, đó là bản tính thực sự của các ngài, chứ không phải lý tưởng, hình ảnh xa vời mà các ngài muốn trở nên; nó không phải là lý tưởng bởi vì tất cả lý tưởng đều huyễn hoặc, không có thực, nhưng những gì đang xảy ra hiện nay, những gì đang thì chính là những gì các ngài đang làm, đang nghĩ và đang cảm thấy từ giây phút này đến giây phút khác. Cái đang là cái đang xảy ra, đang hiện thực, và muốn hiểu hiện thực thì cần phải có một trí óc sáng suốt, ý thức bốc cháy, nhanh nhẹn, tỉnh thức thường xuyên. Nhưng nếu khi chúng ta bắt đầu phê phán biến thể cái đang , nếu chúng ta bắt đầu đổ lỗi và chống chế nó, bấy giờ chúng ta sẽ không còn hiểu được sự vận hành của nó nữa. Nếu tôi muốn thông cảm một người nào đó, tôi không thể nào phán xử kết án hắn được : tôi phải quan sát, khảo sát hắn. Tôi phải thương yêu sự thể mà tôi đang khảo sát nghiên cứu. Nếu các ngài muốn tìm hiểu thông cảm một đứa trẻ, các ngài phải thương yêu và không phán xử khiển trách nó. Các ngài phải chơi đùa với đứa trẻ ấy, ngắm nhìn những cử động, những nét độc đáo của tính nết, những lề lối cư xử của đứa bé; nhưng ngược lại, nếu các ngài chỉ xử phạt khiển trách, cưỡng chống hoặc qui trách đứa trẻ thì không thể nào nói là các ngài đã chịu tìm hiểu cảm thông đứa bé nhỏ. Cũng thế, mỗi khi muốn tìm hiểu lý giải tất cả những gì đang , đang xảy ra, đang hiện thể, mình phải xem xét, chú ý, chú tâm, chiêm nghiệm tất cả tư tưởng , ý nghĩ, cảm giác và hành động của mình từ lúc này đến lúc khác, từng khoảnh khắc từng giây phút. Đó là hiện thực, thực thể, hiện thể. Bất cứ hành động nào khác, bất cứ lý tưởng hay bất cứ sự vận động ý thức hệ nào khác, cũng đều không phải là hiện thực, thực tế; đó chẳng qua chỉ là hoài vọng nhất thời, một ý muốn thèm khát huyễn hoặc, muốn trở nên một cái gì khác cái đang là, cái đang xảy ra, đang hiện thực.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
[-] The following 1 user Likes anattā's post:
  • TiểuHồLy
Reply
#2
Muốn hiểu được cái đang là, chúng ta cần phải có một tâm trạng thoải mái, không vướng bận với sự đồng hóa hay sự phán xử khiển trách, tâm trí mình phải hoạt bát, mẫn tiệp, lanh lợi, nhưng dù nhanh nhẹn như thế, vẫn thụ động, cởi mở đón nhận một cách vô vi tiêu cực. Chúng ta chỉ có thể đạt tới trạng thái ấy khi chúng ta thực sự khao khát muốn tìm hiểu một sự thể nào đó.; khi chúng ta thực sự chuyên tâm, chuyên chú một cách hứng khởi mãnh liệt thì nhất định trạng thái tâm tư ấy xuất hiện ngay lập tức. Lúc mình thực sự say sưa tìm hiểu cái đang , trạng thái thực của tâm hồn hiển nhiên mình không cần phải cưỡng chế, bức bách, khắc phục hoặc kiềm chế nó; ngược lại, mình phải linh hoạt, thức thời, mẫn tiệp một cách thụ động vô vi tiêu cực. Trạng thái ý thức linh hoạt ấy chỉ xuất hiện khi mình nhanh nhẹn, lanh lợi, say sưa hứng thú trong ý định chủ tâm tìm hiểu, thể nhận, lý giải sự thể.

Sự tự hiểu mình, sự tự tri căn bản ấy không thể nào thành tựu được nếu mình chỉ trông cậy vào kiến thức, kiến giải, hoặc vào sự chứa chất, tích lũy của những kinh nghiệm, đó chỉ là việc tôi luyện trí nhớ thôi. Mình chỉ có thể hiểu mình trong mỗi một khoảnh khắc, từ giây phút này đến giây phút khác. Nếu chúng ta chỉ chồng chất tích lũy kiến thức về bản ngã, chính kiến thức ấy sẽ ngăn chận lại sự giao cảm thâm trầm, sâu sắc; bởi vì kiến thức và kinh nghiệm chứa chất ấy trở thành trung tâm để cho tư tưởng tập trung qui hướng mà phát hiện. Thế giới không khác chúng ta và không khác những hoạt động của chúng ta, vì chúng ta là thế nào thì chúng ta tạo ra những vấn đề thế giới như thế ấy; nỗi khó khăn, đối với phần đông mỗi người, là không hiểu mình một cách trực tiếp, thay vì thế, mình lại tìm kiếm một hệ thống ý thức, một phương pháp, một lề lối hành tác để giải quyết bao nhiêu vấn đề nhân loại.

Thế thì có chăng một phương tiện, một hệ thống để mà mình có thể tự hiểu mình ?

Bất cứ một người khéo léo, bất cứ một triết gia nào cũng có thể sáng lập một hệ thống, một phương pháp; nhưng điều quá rõ ràng ai cũng thấy, việc chạy theo một hệ thống nào đó rốt cuộc cũng lại chỉ đạt được kết quả do chính hệ thống ấy tạo ra, phải thế chăng ? Nếu tôi theo một phương pháp đặc biệt nào đó để tìm hiểu mình,, bấy giờ tôi sẽ đạt được kết quả mà chính phương pháp, hệ thống ấy đã khuôn định, nhưng hiển nhiên kết quả ấy chẳng phải là sự tự hiểu mình, tự tri, tự ngộ.

Nói cho rõ ràng, khi khuôn rập theo một phương pháp, một hệ thống nào đó, một phương tiện nào đó để mà tìm hiểu mình thì tôi đã hun đúc uốn nắn tư tưởng tôi, hành động tôi, đúng theo một mẫu mực nào đó; nhưng việc tự tri, tự tìm hiểu mình, nhất định không thể nào là việc khuôn đúc ăn rập theo một mẫu mực nào đó.

Vậy thì chẳng có một phương pháp nào để tự tìm hiểu mình được. Đi tìm kiếm một phương pháp nào đó vẫn chỉ luôn luôn ngụ ý tiềm tàng lòng khát vọng đạt tới một kết quả nào đó, hầu hết chúng ta đều muốn như vậy. Chúng ta tuân theo quyền thế, quyền uy, nếu không là quyền thế uy lực của một người nào đó thì lại là uy thế của một hệ thống ý niệm nào đó, một ý thức hệ nào đó : bởi vì chúng ta muốn đạt đến một kết quả nào đó khả dĩ thỏa mãn được lòng mình, khả dĩ mang đến sự an ninh bình an tâm hồn. Thực ra, chúng ta không hề muốn tự hiểu mình, hiểu những rung động, những phản ứng nội tâm, toàn thể tiến trình tư tưởng chúng ta, ý thức cũng như vô thức; thay vì thế, chúng ta lại đuổi theo một hệ thống ý niệm, một hệ thống nào đó có thể bảo đảm một kết quả nào đó cho chúng ta. Nhưng sự đuổi theo một hệ thống vẫn luôn luôn là hậu quả của lòng khát vọng muốn được an ninh, an bình, muốn được cố định dứt khoát; hiển nhiên, kết quả không phải là sự tìm hiểu mình. Khi chúng ta tuân theo một phương pháp, phương sách, chúng ta cần phải nhờ vả quyền uy thế lực (uy thế của bậc tôn sư, sư phụ, đấng cứu thế, bậc đại sư) để bảo đảm hứa hẹn cho chúng ta tất cả những gì chúng ta mong muốn; nhất định đây không thể nào là con đường đưa dẫn tới tự giác được.

Phải chăng quyền uy thế lực ngăn chận tất cả tự giác, tự tri ? Ẩn núp dưới chiêu bài quyền uy thế lực, nương náu dưới trướng một kẻ dẫn đạo, các ngài có thể tạm thời có cảm giác rằng mình được an ninh, an lành tinh thần, nhưng điều đó không thể nào đưa đến sự lãnh hội trọn vẹn tiến trình nội tâm của bản thân . Vì thế, uy lực, trong tự thể của nó, chận đứng tất cả ý thức trọn vẹn về bản thân và rút lại phá hủy tự do; chúng ta chỉ có thể tìm được tinh thần sáng tạo, óc sáng tác, trong tự do mà thôi. Chỉ khi nào mình hiểu được thì mới có thể sáng tác, sáng tạo. Hầu hết chúng ta không bao giờ có được tinh thần sáng tạo trong đời sống; chúng ta chỉ là những máy lặp đi lặp lại một cách vô ý thức, những đĩa hát chơi hoài, trổi mãi những điệu nhạc buồn tẻ của kinh nghiệm, lặp đi lặp lại một số kết luận nào đó hoặc một số hồi tưởng nào đó của chính mình hay của kẻ khác. Sự lặp đi lặp lại ấy không thể là hiện thể sáng tạo, đó chỉ là những gì chúng ta mong muốn thôi. Bởi vì chúng ta mong muốn được an toàn trong nội tâm, chúng ta cứ mải miết đi tìm những phương pháp, phương tiện, để được an bình, an ninh, an toàn, thế rồi chúng ta đã tạo ra quyền thế uy lực, sùng bái thờ lạy một kẻ nào đó, việc ấy đã phá hủy sự giao cảm lãnh hội, phá hủy sự thanh bình trầm lặng tự nhiên của tâm thức, chỉ có sự thanh bình trầm lặng ấy mới có thể đưa chúng ta đến tâm thái sáng tạo trước đời sống.

Thực quá rõ ràng, nỗi khó khăn của hầu hết chúng ta là đã đánh mất cảm thức sáng tạo. Có được tinh thần sáng tạo sáng tác không có nghĩa là chúng ta phải vẽ tranh hay làm thơ và trở nên nổi tiếng nổi danh nhờ những tác phẩm của mình. Đó không có gì là sáng tạo cả : thực ra đó chỉ là khả năng diễn đạt một ý tưởng nào đó mà quần chúng ca ngợi hay bỏ quên, hững hờ không biết đến. Chúng ta đừng bao giờ nhầm lẫn khả năng và tinh thần sáng tạo. Khả năng, tài năng không phải là tinh thần sáng tạo. Óc sáng tác, tinh thần sáng tạo là một trạng thái hoàn toàn khác hẳn, phải thế không ? Đó là một trạng thái mà bản ngã vắng mặt, mà tâm trí không còn là nơi tập trung những kinh nghiệm của chúng ta, những tham vọng, những sự tra tìm và những lòng khát vọng của chúng ta. Tinh thần sáng tạo không phải là một trạng thái liên tục, nó mới lạ từ giây phút này đến giây phút khác, nó di động biến chuyển, trong sự vận hành ấy không thể tìm thấy cái “tôi”, bản ngã, và tư tưởng không bị qui hướng tập trung về một cứ điểm kinh nghiệm đặc biệt nào, về bất cứ tham vọng, thành tựu, mục đích và động lực nào cả. Chỉ khi nào bản ngã không có ở đó thì mới phát hiện tinh thần sáng tạo, chỉ có tình trạng ấy mới chứa đựng thực tại, thực thể sáng tạo vạn hữu. Nhưng chúng ta không thể nào ý niệm được, hội ý, hay tưởng tượng hình dung trạng thái ấy, chúng ta không thể đặt phương trình hoặc ghi chép, cóp chép nó, chúng ta không thể nào đạt tới trạng thái ấy qua trung gian của một hệ thống qua trung gian của bất cứ một triết lý nào, qua trung gian của bất cứ kỷ luật nào; trái lại, trạng thái ấy chỉ có thể xuất hiện qua sự lãnh hội toàn thể tiến trình bản thân.

Tự tri bản thân không thể là một kết quả, một sự hội thành, tập đại thành; tự tri là thấy mình, nhìn thấy mình từ giây phút này đến giây phút khác trong lăng kính của tương giao, tương hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự vật đối với con người và đối với những ý tưởng, nhưng chúng ta cảm thấy quá khó khăn trong việc giữ tâm trí mình được linh hoạt nhanh nhẹn tỉnh táo để thức tỉnh, để ý thức sáng suốt, và chúng ta lại muốn làm tê liệt nhàm chán tâm trí chúng ta bằng cách chạy theo một phương pháp nào đó, bằng cách chấp nhận những quyền uy thế lực, những mê tín dị đoan và những lý thuyết khả dĩ làm thỏa mãn tâm hồn chúng ta; vì thế tâm trí chúng ta đã trở nên khắc khoải, mệt nhọc, chán chường, thờ ơ, lãnh đạm, vô tri giác. Tâm trí như thế thì không thể nào nói đến trạng thái sáng tạo. Tâm thái sáng tạo chỉ đến với ta khi nào bản ngã, nghĩa là tiến trình tri nhận và tích lũy không còn liên tục nữa; bởi vì, tựu chung, ý thức chính là bản ngã, là trung tâm của thị nhận, và thị nhận chỉ là tiến trình của sự tích lũy kinh nghiệm. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ hãi khi biết mình không là gì cả, bởi vì chúng ta đều muốn trở nên cái gì đó. Con người nhỏ nhoi thì muốn trở thành người to lớn, người thất đức thì muốn trở thành kẻ nhân đức, kẻ ốm yếu ngu muội thèm khát quyền thế, địa vị và uy lực. Đó là hành động liên tục của tâm trí. Kẻ nào có tâm trí như thế thì không thể nào trầm lặng được và không thể nào hiểu được tâm thức sáng tạo.

Muốn chuyển hóa thế giới chung quanh ta, chuyển hóa sự khốn khổ chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hóa chính bản thân mình. Cuộc cách mạng phải bắt đầu được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng nào hay ý thức hệ nào, bởi vì cách mạng xây dựng trên một ý tưởng, hay khuôn đúc theo một mẫu mực đặc biệt nào đó thì chẳng có gì là cách mạng cả. Muốn đem lại một cuộc cách mạng từ căn rễ trong tâm hồn mình, mình phải hiểu được toàn thể tiến trình tư tưởng và cảm giác mình trong sự giao du hỗ tương. Đó mới là sự giải quyết duy nhất cho tất cả vấn nạn, tất cả vấn đề; không còn phải tuân theo những kỷ luật nào nữa, không còn tín ngưỡng nào, không còn ý thức hệ nào, không còn tôn sư thầy dạy nào nữa. Khi nào chúng ta có thể tự hiểu mình đúng như mình đang là từ giây phút này đến giây phút khác mà không phải vướng trong tiến trình tích lũy, chỉ lúc ấy chúng ta mới thấy được sự trầm lặng thư thái hiện đến, sự trầm lặng ấy không phải là sản phẩm của tâm trí, sự trầm lặng thanh bình an tĩnh không phải do tưởng tượng, cũng không phải do nỗ lực tôi luyện. Chỉ khi nào mình đạt được tâm thái tĩnh lặng ấy thì tâm thức sáng tạo mới được bừng dậy.


Trích The First and Last Freedom:  Self-Knowledge -- 
Phạm Công Thiện dịch.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
[-] The following 1 user Likes anattā's post:
  • TiểuHồLy
Reply
#3
VỀ KIẾN THỨC 
(On Knowledge)

HỎI : Theo những gì tôi được biết rõ về ngài thì ngài cho rằng học vấn và kiến thức là những chướng ngại. Vậy chướng ngại cái gì ? 

J. KRISHNAMURTI : Cố nhiên kiến thức và học vấn làm chướng ngại cho việc hiểu biết sự mới lạ, điều phi thời gian , sự vĩnh cửu. Phát triển một kỹ thuật hoàn thiện không làm các ngài trở nên sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách vẽ vời một cách tuyệt diệu, các ngài có thể học được kỹ thuật nhưng các ngài không thể là một họa sĩ sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách làm thơ, về mặt kỹ thuật có thể tuyệt mỹ ; nhưng các ngài không thể là thi sĩ được. Phải chăng muốn là thi sĩ ngụ ngầm ý nghĩa rằng có khả năng đón nhận điều mới lạ ; biết nhạy cảm để đáp ứng lại sự đời mới lạ, tươi tắn. Đối với phần đông chúng ta , kiến thức hoặc học vấn đã trở thành thói quen bén rễ, và, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có được tinh thần sáng tạo nhờ sự hiểu biết. Bất cứ một tâm trí nào nhét đầy ứ những sự kiện , nặng nề đóng chẹt trong kiến thức thì tâm trí ấy còn có khả năng đón nhận sự đời một cách mới lạ, bất ngờ, đột phát ? Nếu tâm trí các ngài chỉ nhét đầy những sự vật quen biết ; thì làm gì còn chỗ trống trong ấy để đón nhận sự việc xa lạ ? Chắc chắn kiến thức luôn luôn thuộc về lãnh vực của điều quen biết, chúng ta lại cố gắng tìm hiểu sự lạ qua phạm trù của sự quen thì làm gì có sự thành công được, vì sự lạ là sự thể vượt qua sự đo lường. 

Chẳng hạn, hãy lấy một sự vật tầm thường xảy ra trong đời sống phần đông chúng ta : những kẻ tu hành (có thể hiểu nhất thời là “tu hành” – để gọi thế cho tiện việc) , cố gắng hình dung bản chất của Thượng đế hoặc cố gắng nghĩ về bản thể của Thượng đế . Họ tụng vô số sách, họ đọc về những kinh nghiệm của những bậc thánh khác nhau, những bậc đạo sư, những bậc đại thánh vân vân , và họ cố gắng hình dung hoặc cố gắng cảm nghĩ về bản chất của kinh nghiệm kẻ khác, nói rõ hơn, qua phạm trù của sự vật quen biết, các ngài lại cố gắng đi tới sự mới lạ. Các ngài có thể làm thế ? Các ngài có thể nghĩ về một sự thể bất khả tri ? Các ngài chỉ có thể nghĩ về điều gì các ngài quen biết thôi. Nhưng hiện nay ở thế giới đang lan tràn hiện tượng sa đọa lạ thường : chúng ta quan niệm rằng chúng ta sẽ hiểu biết nếu chúng ta thâu lượm được nhiều kiến thức, nhiều sách vở, nhiều sự kiện, nhiều ấn phẩm. 

Muốn có trực thức về một cái gì mà không là sự phóng hiện của điều quen biết , mình phải xóa bỏ tiến trình của sự quen thuộc bằng sự giao cảm. Tại sao tâm trí vẫn bám víu vào điều quen thuộc ? Phải chăng bởi vì tâm trí vẫn thường xuyên tìm kiếm sự nhất định, chắc chắn, an ninh ? Chính bản chất của tâm trí đã được cố định trong điều quen thuộc, trong thời gian ; làm thế nào một tâm trí như thế có thể có kinh nghiệm về điều phi thời gian, khi chính nền tảng của tâm trí vẫn được đặt trên quá khứ , trên thời gian , tâm trí có thể ý niệm, tạo dựng, hình dung về điều mới lạ, nhưng việc ấy quả thực là phi lý. Điều mới lạ chỉ có thể thành hình khi mình hiểu được, giải tan, xua qua một bên tất cả những gì mình quen biết, quen thuộc. Điều này vô cùng khó khăn, bởi vì vừa lúc các ngài có được kinh nghiệm về bất cứ việc gì thì ngay lúc ấy trí óc liền diễn dịch kinh nghiệm ấy qua phạm trù quen biết và giản lược nó vào trong quá khứ. Tôi chẳng biết các ngài có bao giờ để ý rằng tất cả mọi kinh nghiệm đều lập tức bị diễn dịch lại bằng những gì mình quen biết , bị đặt tên, sắp loại và ghi lại. Vì thế sự vận hành của điều quen biết chính là kiến thức, và cố nhiên kiến thức , học vấn theo loại ấy thì đúng là một chướng ngại. 

Giả thử như các ngài chưa từng đọc bất cứ quyển sách nào về tôn giáo hoặc về tâm lý , và các ngài lại phải tìm ý nghĩa của đời sống. Vậy các ngài sẽ bắt đầu thế nào ? Giả thử như không có bất cứ vị đạo sư nào hiện hữu trên đời, không có bất cứ tổ chức tôn giáo nào, không có Phật, không có Chúa, và các ngài lại phải bắt đầu lại ngay từ đầu. Vậy các ngài sẽ làm sao ? Trước tiên, các ngài phải hiểu tiến trình tư tưởng của các ngài, phải thế không ? Chứ không phải tự vẽ vời phóng ảnh, tự phóng hiện bản thân mình ra bên ngoài , phóng ngoại tư tưởng các ngài trong tương lai và tạo ra một thượng đế khả dĩ thỏa mãn được mình, làm như vậy thì quá trẻ con. Trước tiên các ngài phải lý hội tiến trình suy tư của các ngài. Đó là đường lối duy nhất để khám phá bất cứ sự mới lạ nào. Phải thế không ? Khi chúng ta nói rằng học vấn hoặc kiến thức là một trở lực, một sự chướng ngại, chúng ta không kể cả kiến thức có tính cách kỹ thuật chuyên môn – như việc học cách lái xe, học cách sử dụng máy móc – hoặc không kể đến hiệu năng mà kiến thức ấy đã mang đến cho con người. Lúc nói về kiến thức và học vấn , chúng ta muốn nói đến mộc điều khác hẳn : chúng ta muốn nói đến cảm thức về một thứ hạnh phúc sáng tạo mà dù có kiến thức thông thái uyên bác tới đâu đi nữa cũng không thể mang đến niềm hạnh phúc ấy cho ta được. Có được tinh thần sáng tạo, đúng nghĩa là sáng tạo, là giải thoát khỏi quá khứ trong từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác, vì chính quá khứ đã thường xuyên ám bóng hiện tại. Chỉ đeo bám vào tin tức, vào kiến thức thông tin, vào những kinh nghiệm của kẻ khác, vào những gì người ta nói, dù người ta có vĩ đại đến đâu đi nữa ; đeo bám vào lời nói của họ, rồi cố gắng qui hướng hành động mình y theo lời nói, lời dạy ấy – tất cả những thứ này là kiến thức phải thế không ? Nhưng muốn khám phá bất cứ sự mới lạ nào, các ngài phải bắt đầu ngay tại bản thân ; các ngài phải lên đường hoàn toàn trần truồng trơ trụi, nhất là trơ trụi về kiến thức, bởi vì muốn có kinh nghiệm qua kiến thức và tín ngưỡng là một việc quá dễ dàng ; nhưng những kinh nghiệm này chỉ là sản phẩm của sự phóng hiện bản thân, do đó không thực và sai lầm. Nếu các ngài phải tự khám phá cho chính mình để hiểu bản chất của sự mới lạ, việc tích trữ chồng chất những điều quen cũ kỹ, nhất là kiến thức, là một việc vô ích phù phiếm, dù đó là kiến thức của ai đi nữa, của vĩ nhân đi nữa thì cũng hoàn toàn phù phiếm. Các ngài đã dùng kiến thức như là một phương tiện để tự phòng vệ, tìm an ninh, và các ngài muốn vững tâm rằng các ngài cũng có những kinh nghiệm y hệt đức Phật hoặc đấng Christ hoặc đấng X nào đó. Nhưng kẻ nào cứ mải miết tự phòng thủ bảo vệ bằng kiến thức thì kẻ ấy tất nhiên không phải là kẻ tìm chân lý. 

Không có con đường nào dẫn đến sự khám phá chân lý. Các ngài phải lao vào trùng dương xa lạ, chưa ai thám hiểm, hành động như thế mà không ngã lòng, không phiêu lưu ngớ ngẩn. Khi các ngài muốn tìm đến sự lạ, khi các ngài đang hiện nghiệm bất cứ điều gì, tâm trí các ngài phải rất trầm lặng phải thế không ? Nếu tâm trí các ngài chen chúc đầy ứ những sự kiện , kiến thức thì chính những thứ ấy sẽ tác động làm chướng ngại , không cho sự lạ xuất hiện ; đối với phần đông chúng ta , điều khó khăn không thể vượt qua hiện nay là trí óc đã trở nên quá quan trọng , quá trọng đại đến nỗi trí óc luôn luôn có thể thiệp quấy rối bất cứ điều gì mới lạ, với điều lạ nào có thể xảy ra đồng lúc với điều quen thuộc. Thế là kiến thức và học vấn là những chướng ngại đối với những kẻ thiết tha đi tìm sự lạ, đối với những kẻ thao thức muốn hiểu sự thể vượt ra bên ngoài thời gian.

Phạm Công Thiện dịch.
(The First and Last Freedom)


*******

There can be right action and and therefore radical, lasting transformation, only when the mind is free of ideas, not superficially, but fundamentally. 
And freedom from ideas can take place only through self-awareness and self-knowledge.

J. Krishnamurti -- On Relationship 

***
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply