Trí huệ vĩ đại trong cổ văn - Lời tựa bộ sách “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh
#1
Trí huệ vĩ đại trong cổ văn - Lời tựa bộ sách “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh


[Image: thuoc-1-1.jpg]
Vào khoảng năm 210 sau Công Nguyên, Trương Trọng Cảnh, một danh y cuối thời Đông Hán, đã viết mười sáu tập sách “Thương hàn tạp bệnh luận” (Fotolia)



Văn dĩ tải Đạo – những thư tịch Trung Hoa cổ đại uẩn tàng văn minh trí huệ qua hàng ngàn năm – thao lược trị quốc, giáo dục lễ nhạc, văn học và hội họa, địa lý thiên tượng… Có rất nhiều những bí ảo về vũ trụ và sinh mệnh chứa đựng trong đó. 



So với Hán ngữ hiện đại, Hán văn cổ điển (Classical Chinese) giản ước, tinh luyện, với vô số tác gia và kiệt tác tản phát vẻ đẹp của ngôn ngữ, âm vận, cũng như lực truyền cảm của vi ngôn đại nghĩa (từ ngữ cô đọng nhưng ý nghĩa, nội hàm thâm sâu) của cổ văn. Khi chúng ta đề xướng khôi phục lại truyền thống, không nên bỏ qua Hán văn cổ điển – cội nguồn của văn hóa Hán ngữ. Trong thời đại đầy biến động và nông nổi ngày nay, tâm cảnh điềm đạm và tư duy triết lý thâm sâu mà các giai tác cổ văn triển thị, chính là điều mà con người hiện đại cần đến.



Vào khoảng năm 210 sau Công Nguyên, Trương Trọng Cảnh, một danh y cuối thời Đông Hán, đã viết mười sáu tập sách nổi tiếng “Thương hàn tạp bệnh luận”, hay còn gọi là “Thương hàn tốt bệnh luận”. Bộ tác phẩm này là kinh điển đầu tiên trong lịch sử Trung y với các lý (nguyên tắc), pháp (phương pháp), dược (đơn thuốc) hoàn bị, xác lập nguyên tắc Lục kinh biện chứng luận trị, được truyền thụ bởi các y học gia qua các thời đại lịch sử, được giới y học trong và ngoài Trung Quốc tôn sùng, suy tôn là “chúng phương chi tông, quần phương chi tổ”, nghĩa là tổ tông của y học đại chúng. 



Trong lời tựa hơn 600 chữ, Trương Trọng Cảnh đã mô tả về đạo dưỡng sinh, y đạo và Thiên đạo. Ngày nay khi ôn dịch lưu hành, thật là đúng thời điểm để chúng ta đọc tác phẩm này. Mở đầu lời tựa, ông viết: “Dư mỗi lãm việt nhân nhập quắc chi chẩn, vọng tề hầu chi sắc, vị thường bất khái nhiên thán kì tài tú dã. Quái đương kim cư thế chi sĩ, tằng bất lưu thần y dược, tinh cứu phương thuật, thượng dĩ liệu quân thân chi tật, hạ dĩ cứu bần tiện chi ách, trung dĩ bảo thân trường toàn, dĩ dưỡng kì sanh, đãn cạnh trục vinh thế, xí chủng quyền hào, tư tư cấp cấp, duy danh lợi thị vụ; sùng sức kì mạt, hốt khí kì bổn, hoa kì ngoại nhi tụy kì nội, bì chi bất tồn, mao tương an phụ yên?” 「余每覽越人入虢之診,望齊侯之色,未嘗不慨然歎其才秀也。怪當今居世之士,曾不留神醫藥,精究方術,上以療君親之疾,下以救貧賤之厄,中以保身長全,以養其生,但競逐榮勢,企踵權豪,孜孜汲汲,惟名利是務;崇飾其末,忽棄其本,華其外而悴其內,皮之不存,毛將安附焉?」



Ý nghĩa của đoạn văn này là: Tôi mỗi lần đọc (ghi chép trong sách sử) đến đoạn, người Tần Việt tại nước Quách đã trị bệnh cho thái tử, tại nước Tề nhìn thấy sắc mặt Tề Hầu, liền biết sự tích bệnh hoạn của ông ta, [tôi] không lần nào không cảm động mà tán thán tài nghệ đột xuất của ông ấy. Tôi cảm thấy kỳ quái đối với một hiện tượng: Người đọc sách trong xã hội đương đại dường như không mong chú trọng y dược, không tinh tâm nghiên cứu y phương y thuật, để trên có thể trị bệnh cho quân vương và thân nhân, dưới có thể giải cứu người bần khốn khỏi nỗi khổ bệnh tật, còn có thể giúp thân thể khỏe mạnh trường cửu, bảo dưỡng sinh mệnh. [Trái lại], họ chỉ cạnh tranh nhau, truy cầu vinh hoa quyền thế, kiễng chân tìm kiếm nhà giàu có quyền quý, chỉ muốn truy cầu danh lợi; Họ tôn sùng và chăm chút những gì ít quan trọng nhất đối với bản thân họ, nhưng lại coi thường, thậm chí vứt bỏ cái căn bản; khiến bản thân họ bề ngoài thì hoa lệ, nhưng bên trong thì tiều tụy. Da không còn, thì tóc bám vào đâu để mọc?



[Image: R_g2gphIkfGOyItHdrlovLcxraT7Mi25JvRqIW7K...HI62yQ.png]
Lời tựa của bộ sách “Thương hàn tạp bệnh luận” viết: “Tôi mỗi lần đọc (ghi chép trong sách sử) đến đoạn, người Tần Việt tại nước Quách đã trị bệnh cho thái tử, tại nước Tề nhìn thấy sắc mặt Tề Hầu, liền biết sự tích bệnh hoạn của ông ta, không có lần nào không cảm động mà tán thán tài nghệ đột xuất của ông ấy…” Sơ đồ, bức tranh thể hiện một phần bức tranh “Đọc sách tại Hội Sơn quán” do Lưu Tùng Niên thời Nam Tống vẽ (phạm vi công cộng)



Trương Trọng Cảnh nói về giai thoại của thần y, sau đó phân tích các vấn đề xã hội mà ông quan sát được. Trong lời văn của mình, ông phê bình việc truy danh cầu lợi, ngưỡng mộ quyền thế, nhìn có vẻ như không liên quan đến bệnh tật, nhưng tác giả lại cho rằng đó chính là then chốt của dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe. Đối với việc truy cầu vinh hoa, nó không chỉ hao phí tinh lực, dẫn đến suy đồi đạo đức, thậm chí còn tổn hại đến thân thể. Loại quan điểm này liên kết vấn đề sức khỏe với đạo đức, chính là minh họa tính nhất chí giữa vật chất (thân thể) và tinh thần (phẩm cách).



Đoạn nguyên văn đọc lên có khí thế cao thấp nhịp nhàng, so với giải thích bằng văn bạch thoại, càng tỏ ra tinh giản và thanh khiết hơn. Nguyên nhân chủ yếu là văn ngôn đa phần dựa vào biểu ý đơn tự (từ đơn) (đặc biệt trước thời Tây Hán), mà Hán ngữ hiện tại đa phần dựa vào lưỡng tự (từ ghép). Ví dụ: “mỗi lãm” trong cổ văn có nghĩa là “mỗi lần duyệt đọc” – hai từ đã biến thành bốn từ trong văn bạch thoại. Còn nữa, tính hoạt dụng của từ cũng bị giảm thiểu, chẳng hạn: trong văn tự cổ, tính từ được sử dụng như động từ: từ “quái 怪” chỉ “đối với gì đó hoặc ai đó cảm thấy kỳ quái”, từ “hoa 華” chỉ “khiến ai đó biến thành hoa lệ”.



Ngoài ra, trật tự từ của Hán tự cổ điển rất linh hoạt, có thể làm nổi bật được tâm tình của tác giả và khí thế của câu văn. Ví dụ, “Duy danh lợi thị vụ” là một câu văn ngược điển hình, trình tự bình thường nên là “duy vụ danh lợi” (duy chỉ truy cầu danh lợi). Kết cấu “duy… thị” đặt tân ngữ ở trước, đặt từ “danh lợi” ở trung tâm, tựa hồ như phê bình sự quái dị của thói đời “xả bổn trục mạt” – đánh mất bản thân, truy cầu dục vọng nông cạn.



Ý nghĩa của một số từ trong tiếng Trung cổ điển khác với cách sử dụng hiện đại. Ví dụ: từ “tằng 曾” trong “tằng bất lưu thần y dược” (không mong chú trọng y dược) được phát âm là “zeng”, có nghĩa là “không mong”, nghĩa hiện đại là “đã từng”; Từ “đãn 但” trong “đãn cạnh trục vinh thế” (chỉ quản việc cạnh tranh giành vinh hoa quyền thế) có nghĩa là “chỉ quản”, nghĩa hiện đại là “nhưng”.



Lời tựa còn viết: “Phu thiên bố ngũ hành, dĩ vận vạn loại, nhân bẩm ngũ thường, dĩ hữu ngũ tàng; kinh lạc phủ du, âm dương hội thông; huyền minh u vi, biến hóa nan cực. Tự phi tài cao thức diệu, khởi năng tham kì lí trí tai.” 夫天布五行,以運萬類,人稟五常,以有五藏;經絡府俞,陰陽會通;玄冥幽微,變化難極。自非才高識妙,豈能探其理致哉。



“Phu” là một cách diễn đạt phổ biến trong Hán văn cổ, được đặt ở đầu câu, tác dụng của nó là bắt đầu nghị luận và dẫn dắt phần sau. Đại ý của đoạn văn này là, đại tự nhiên phân bố khí của ngũ hành, lấy sự vận chuyển của nó mà hóa sinh ra vạn vật. Nhân thể thừa hưởng thường khí ngũ hành, mới sinh ra công năng sinh lý của ngũ tạng [tâm, can (gan), tỳ, phế (phổi), thận]. Kinh, lạc, phủ, du, âm dương giao hội quán thông, huyền diệu, uẩn tàng, thâm u, bí ảo, biến hóa khôn cùng, giả sử nếu không phải là người có tài học cao siêu, kiến thức tinh diệu, làm sao có thể thấy được đạo lý và ý vị trong đó.   



Đoạn văn này so sánh và liên thông sự vận hành của vũ trụ với những biến hóa ảo diệu của cơ thể người, là biểu tượng cho trí huệ bác đại tinh thâm của y học truyền thống liên quan đến sinh mệnh quan của Trung Hoa cổ đại. Một điểm đáng chú ý nữa: nguyên văn chỉnh thể của từ “Ngũ Tạng 五藏” (âm cáng), thì trong tiếng Trung Quốc giản thể đã bị biến thành “ngũ zāng 五脏”, sự biến dị này không chỉ xáo trộn biểu ý của lý luận “Tạng tượng 藏象” của Trung y, mà chữ “脏” còn có thể chỉ sự “dơ bẩn”, nó thực sự làm sai lệch bản ý, chính ý của văn tự cổ.



Bộ sách “Thương hàn tạp bệnh luận” đã cứu sống vô số người, và lời tựa ngắn gọn và súc tích của nó vẫn còn tỏa sáng tứ phương sau hơn ngàn năm. Ngày nay, đối diện với những loạn tượng thời loạn thế, người ta thường nói: Xã hội này bệnh hoạn rồi. Thuốc gì có thể chữa khỏi? Ôn dịch hoành hành, người dân hoang mang bất an, đâu là lương pháp? Kỳ thực, các bậc thánh hiền cổ đại đã lưu lại những lời cảnh huấn, đạo lý và dược phương để tế thế, tu thân và dưỡng sinh. Văn hóa truyền thống có thể khai thông cánh cửa quang minh cho chúng ta.



[Image: image-132.png]

Kỳ thực, các bậc thánh hiền cổ đại đã lưu lại những lời cảnh huấn, đạo lý và dược phương để tế thế, tu thân và dưỡng sinh. Văn hóa truyền thống có thể khai thông cánh cửa quang minh cho chúng ta. Hình ảnh cho thấy một phần của “Thư viện Liên Trì” của Trương Nhược Trừng thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)




Tác giả Cao Thiên Vận
Hương Thảo biên dịch

dkn
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply