2022-10-15, 10:51 PM
Đô la ngang giá euro: Du khách Mỹ hưởng lợi khi đến Pháp
Vào mùa hè năm nay, du khách Pháp nào có lên kế hoạch đi Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, do euro cứ liên tục bị mất giá. Lần đầu tiên kể từ hai thập niên qua, đồng euro và đô la có giá xấp xỉ nhau trong nhiều ngày liền. Giá euro xuống thấp so với đô la lại tạo thêm sức mua cho du khách Hoa Kỳ. Thành phần dân Mỹ thuộc vào hạng có tiền đang trở lại Pháp đông đảo, sau hơn hai năm không được đi chơi xa vì dịch Covid.
Theo tạp chí Géo Voyage, ghé ngang dãy phố La Tinh hay khu vực Marais ở trung tâm Paris, người ta sẽ thấy có đông đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ tại nhiều tiệm ăn, quán cà phê vỉa hè, cửa hàng quần áo hoặc bán đồ lưu niệm ….. Cho dù lạm phát đang ảnh hưởng đến giá sinh hoạt, cũng như sức mua của nhiều hộ gia đình tại Pháp, dường như điều đó không làm cho du khách Mỹ chùn bước. Họ chịu mua sắm nhiều hơn trước, vì trong mắt họ, giá cả hiện thời đều rất phải chăng. So với mùa hè năm 2008, khi một euro thời ấy đổi lấy 1,6 đô la, rõ ràng là bây giờ du khách Mỹ đến Pháp với cùng một túi tiền lại có nhiều sức mua hơn.
Theo ông Vangualis Panayotis, giám đốc văn phòng tư vấn MKG Consulting, tỷ giá euro/đô la gần như ngang bằng nhau rõ ràng có tác dụng kích cầu, nhất là trong ngành khách sạn hạng sang. Số du khách đến từ Hoa Kỳ có chiều hướng tăng mạnh tại những khách sạn cao cấp, đặc biệt là tại Paris và các đô thị lớn. Còn theo ông Didier Arino, giám đốc công ty chuyên về dịch vụ du lịch Protourisme, Paris vẫn là một trong những điểm đến nổi tiếng về mua sắm, lượng du khách Mỹ có sức mua cao bù đắp lại phần nào cho sự thiếu vắng của nguồn khách đến từ Nga, Nhật Bản hay Trung Quốc trong mùa hè năm nay.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn ông Jean-François Rial, tổng giám đốc tập đoàn du lịch Voyageurs du Monde, có doanh thu lên tới gần 500 triệu euro trong năm 2019, cho biết từ trước tới nay, thành phần du khách Mỹ đến Pháp thường là dân có tiền và nhất là sẵn sàng mở hầu bao để chi tiêu. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi euro ngang giá đô la, họ lại càng có thêm sức mua trong mùa hè này. Thậm chí, trong trường hợp euro có tăng giá một chút trở lại, có lẽ du khách Mỹ vẫn không tiếc tiền mua sắm.
Hiện tượng nhiều du khách Mỹ đang trở lại Pháp nhân dịp mùa hè năm nay được thấy rõ trong số khách đặt vé máy bay trong hai tháng 6 và 7 năm 2022 đã tăng thêm 15% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó tựa như một cơn gió lạc quan thổi vào ngành du lịch Pháp còn đang trên đà phục hồi, sau hơn hai năm bị cạn nguồn du khách đến từ phương xa vào mỗi dịp hè về.
Luồng sinh khí mới cho ngành du lịch đang phục hồi
Theo nghiên cứu của Viện GfK thực hiện hồi tháng 06/2022, mỗi du khách Mỹ chi trung bình khoảng 400 đô la một ngày khi có mặt tại Pháp. Tính tổng cộng, dân Mỹ sẽ chi gần 7.650 euro trong 10 ngày, bao gồm luôn tiền lưu trú, ăn uống, mua sắm, di chuyển và giá vé máy bay. Một con số cực kỳ ấn tượng vì cao gấp nhiều lần so với ngân sách trung bình của du khách đến từ các quốc gia châu Âu, trong đó có du khách Đức (2.320 euro), du khách đến từ Anh (1.740 euro) hay từ Bỉ (1.630 euro).
Cũng theo khảo sát của Viện GfK, khách du lịch nước ngoài và đặc biệt là dân Mỹ không chỉ dừng lại ở thủ đô Paris, mà còn đến thăm các địa danh, tỉnh thành khác của nước Pháp. Trong số những điểm đến quan trọng trong chương trình du lịch của khách Mỹ, sau Paris, có Lyon và Boredeaux nổi tiếng về mặt ẩm thực, hai thành phố ở miền Nam là Marseille và Nice cũng được khách Mỹ quan tâm nhiều. Trong số các điểm tham quan không thể bỏ qua, lâu đài Versailles cũng như công viên giải trí Disneyland Paris luôn được nhắc tới.
Theo tờ báo địa phương La Provence, sau thủ đô Paris, ngành du lịch ở vùng PACA (Provence Alpes Côtes d'Azur) cũng đang có dấu hiệu khởi sắc. Vào mùa hè năm nay, du khách đến từ Mỹ sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trở lại nền kinh tế ở khu vực các bờ biển miền nam của Pháp, chủ yếu sống nhờ khách du lịch quốc tế nói chung, và cũng từng được xem là thiên đường nghỉ dưỡng của giới tài phiệt Nga nói riêng.
Tâm lý mua sắm để bù lại những ngày không được đi xa
Theo báo cáo của Phòng Thương mại tỉnh Alpes-Maritime có trụ sở đặt tại thành phố Nice, sự kiện các du thuyền hạng sang của Nga không còn được cập bến các trạm nghỉ mát ven bờ biển Côtes d'Azur, cũng như số du khách Trung Quốc không còn được đi tour ở miền Nam nước Pháp, khiến cho vùng này bị thất thu cả trăm triệu euro. Trước mắt, ngành du lịch tại vùng Côtes d'Azur có vẻ khả quan hơn dự báo.
Lượng du khách Mỹ đổ về miền Nam chẳng những tìm lại mức trước đại dịch mà còn tăng mạnh hơn nhiều so với ba năm trước. Tại các thành phố nổi tiếng ở miền Nam như Nice, Antibes, Cannes hay Saint-Tropez ….. trước khi có đại dịch, du khách Nga chiếm khoảng 20% lượng khách đặt phòng trong 3 tháng hè tại Côtes d'Azur. Năm nay, lượng khách này đã được thay thế bởi dân Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 06/2022, tỷ lệ du khách đến từ Hoa Kỳ chọn Côtes d'Azur làm điểm đến đã tăng thêm khoảng 40% so với cùng thời kỳ năm 2019.
Bên cạnh sức mua gia tăng, còn có thêm yếu tố tâm lý. Trong hơn hai năm qua, người Mỹ không được đi du lịch, cho nên mùa hè này, họ càng có xu hướng chi tiêu mạnh hơn, mua sắm thả ga khỏi lo về giá, để bù đắp lại cho bao ngày bị hạn chế. Trong thời gian có lệnh phong tỏa, ngoài chuyện thăm gia đình, người dân tại một số bang không được đi đâu xa, cuối tuần cứ quanh quẩn ở trong nhà. Việc sẵn sàng chi trả thêm cho những chuyến du lịch nhiều ngày chính là cách để vớt vát lại khoảng thời gian thoải mái, vô tư đã mất. Riêng đối với ngành du lịch, đó cũng là điều đáng mừng, các công ty chủ yếu sống nhờ du khách nay có cơ hội bù đắp thua lỗ, gỡ gạc thất thu.
Theo các số liệu chính thức của Sở Du lịch Paris, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy làn sóng du khách Mỹ trở lại đang gia tăng đều đặn trong suốt mùa hè này và có thể kéo dài thêm cho tới mùa nghỉ lễ cuối năm nay. Ngành du lịch tại Pháp nói chung hy vọng sớm tìm lại mức khả quan trước đại dịch, với gần 4,7 triệu du khách Mỹ đến thăm nước Pháp vào năm 2019, trong đó có hơn một triệu rưỡi khách tham quan chỉ riêng trong ba tháng hè.