Tố Chân (Nguyễn Mộng Giác)
#1
[Image: tc.jpg]
Photo Phạm Hoài Nam

Có phải không Tố Chân?
Lời yêu nhau đầu tiên là nước mắt!
Lòng tin nhau đầu tiên là sự thật!
Trong suốt hồn ta
Như một bài hoan ca
Của tiếng họa mi gọi mừng buổi sáng
Và tâm hồn em
Thực vô cùng sáng láng
Maria Tố Chân
Anh yêu em vô cùng!
  
Chàng thầm đọc mấy câu thơ cũ khi nhận được lá thư của nàng. Nàng không ghi tên người gởi, không có địa chỉ. Hai con tem trên góc phải một con dán xuôi một con dán ngược. Nét chữ run run, nhưng không thể lầm được, đúng là nét chữ của nàng. Chàng hồi hộp không dám xé thư đọc vội. Chuyện cũ đã trên mười năm rồi, tại sao hôm nay lại có bức thư này? Đã đành thời thân phụ chàng qua đời, nàng có gởi một lá thư ngắn: "Biết tin Bác mất, tôi rất bùi ngùi. Xin chia buồn cùng anh chị và cầu chúc linh hồn Bác được tiêu diêu nơi lạc phúc" Ngoài hai chữ LẠC PHÚC mà thời còn yêu nhau hai người rất ưa dùng, lá thư không còn chút dấu tích lưu luyến hoặc hờn giận nào. Còn gì để lưu luyến hay hờn giận nhau? Cả hai đều đã lập gia đình, cả hai đều đã có con cái, và kỷ niệm cũ như một chỗ bẻ ghi trên đường rầy xe lửa, chỗ bẻ ghi không ở trước mặt mà đã bỏ lại mất hút đằng sau lưng. Gần đây chàng không mở cuộc triển lãm tranh nào, không gởi thơ đăng ở các tạp chí, xa lánh bạn bè thui thủi một mình để rán tìm ra nguyên do sự thay đổi trong tâm hồn chàng. Tự nhiên chàng thấy bao nhiêu bức tranh đã vẽ xưa nay, từ các bức nổi tiếng vẽ nàng từ phía sau lưng với chiếc cổ thiên nga và hai suối tóc mềm phủ đôi vai ấm, cho đến các bức trừu tượng từng gây tranh luận ồn ào, tất cả các tác phẩm cũ đột nhiên trở nên dối trá, trơ trẽn, như một cô gái già hết duyên còn làm bộ thơ ngây. Chàng thử tìm màu sắc mới, bố cục mới. Vẽ rồi xóa, xóa rồi vẽ, bao nhiêu tiền vải và sơn dầu đã hao phí để kết quả là tuyệt lộ. Chàng đổ thừa cho đời sống trì trệ của Huế. Thành quách rêu phong, dòng sông trầm lặng, những ngày mưa thê thiết, những tà áo trắng bay bay trên cầu sắt, những khu vườn um tùm chim lạ kêu giữa đám cây dại làm nhớ giọng Nam Bình... Khung cảnh ấy chỉ thích hợp với người ưa ôm ấp quá khứ như một niềm kiêu hãnh. Còn chàng? Chẳng lẽ cứ thế này mãi sao? Chẳng lẽ cứ tán hươu tán vượn mãi trên cuộc đời những Chagall, Van Gogh, Cézanne, Modigliani, Buffet, Rousseau, dày vò màu sắc, mổ xẻ đường nét, xẻ nát khung tranh ra mà nhặt từng hạt cơm đỏ. Chàng tự khinh rẻ mình đến nỗi suốt hai năm ròng sống ở Huế, bạn bè cũ ở Sàigòn tưởng chàng đã mất tích lâu rồi. Thế mà lại có bức thư này? Vì sao?

Chàng nhìn quanh căn phòng hẹp làm xưởng vẽ. Những bức tranh cũ bán ế đã cột lại thành kiện, bên ngoài chêm bằng bao bố. Đống ống sơn dầu dùng hết hoặc lở dở chưa kịp cho vào hộp nằm lăn lóc trong xó. Mấy cái khung gỗ cũ đã bắt đầu mọt. Bản phác thảo trên giấy croquis ám khói, chỉ còn lờ mờ một triền đồi có rừng thông thưa, cỏ lau hoa trắng phơ phất và một thiếu nữ mặc áo dài cố nắm lấy vạt trước để gió chiều khỏi đưa tạt lên phía tòa biệt thự hoang phế. Sư vật quanh chàng ẩm mốc, cũ kỹ, ngổn ngang. Tâm hồn chàng cũng vậy. Tại sao nàng gởi lá thư này? Trách móc chăng? Chuyện cũ đã ẩm mốc ám khói như bản phác thảo của chàng. Khơi lại đống tro lạnh để tìm một đóm lửa chăng? Tìm cho ai? Cuộc đời hai người đã an bài, như hai con đường rầy song song không bao giờ gặp nhau nếu định mệnh không cố ý đặt một trạm bẻ ghi. Không dằn được nữa, chàng xé thư ra đọc.

"Đã hơn mười năm qua mà em vẫn không quên được mối tình cũ kỹ. Sao suốt hai năm nay không thấy anh triển lãm? Hôm được tin thầy mất, em có gởi lá thư, anh có nhận được không? Hiện em bị bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi. Chúc anh ở lại được hạnh phúc. Em có dặn nhà khi khâm liệm nhớ bỏ theo cho em bức tranh anh vẽ em dạo nọ, không biết chồng con em có nhớ cho không. Em không hề giận anh. Vĩnh biệt."

Bên dưới lá thư nàng vẫn dùng chữ ký thời xưa hai người dùng chung, có ghép tên tắt của nhau.

Chàng choáng váng vì bất ngờ. Chàng không thể tưởng tượng được suốt bao năm qua Tố Chân vẫn theo dõi từng bước cuộc đời chàng. Thật vậy, sau khi cha mất. không còn gì giữ chàng ở lại cái thành phố biển ấy nữa. Mấy đứa em gái chàng đã lấy chồng. Mẹ chàng đã về Vĩnh Long sống với người chị cả của chàng để gần gũi lũ cháu ngoại mồ côi cha. Chàng âm thầm xin đổi về Huế: Nơi chàng tưởng đủ khuất gió để sống trọn với màu sắc. Đến các bạn thân ở Sài gòn cũng không biết chàng đã về dạy trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Nhưng tại sao Tố Chân biết địa chỉ mới của chàng? Nàng sợ không qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo nên viết thư vĩnh biệt? Bây giờ chàng mới hiểu ý nghĩa hàng chữ run run và hai con tem dán vội ngoài bì. Chàng xúc động đến nghẹn thở. Vừa hãnh diện thụ hưởng một tình yêu thuần khiết vừa đau xót da diết vì xấu hổ. "Em không hề giận anh". Lời viết giản dị ngắn ngủi nhưng đủ gợi lại bao nhiêu chuyện phức tạp khó hiểu trên mười năm trước. Đã từng nhiều lần chợt nghĩ chuyện cũ, chàng vội tìm một cớ biện hộ, tha thứ cho mình. "Ồ, chuyện trẻ con!"

Mà trẻ con thật! Hai người quen nhau tận hồi chàng còn học đệ nhị, còn nàng đệ tứ. Chàng ở trọ nhà chú theo học trường cấp ba ở thành phố để vừa đỡ tiền cha mẹ vừa dạy kèm cô em gái con chú học thêm toán lý hóa. Chàng vốn kém các môn khoa học nên việc dạy học khá vất vả, bù lại, nhờ có hoa tay nên chàng trang trí, viết đề bài giùm cho cô em thật đẹp. Chẳng bao lâu cô em đem cả vở các bạn cùng lớp về nhà mượn chàng vẽ thêm. Còn việc nào hấp dẫn, còn dịp nào "sáng tạo" những tác phẩm nghệ thuật đầu đời đáng mơ ước hơn! Chàng nắn nót kẽ chữ, chăm chút cẩn thận trang trí những trang vở lạ còn hơn cả tự làm cho mình. Dưới nhan đề bài sử Đinh Bộ Lĩnh, chàng vẽ ngay 12 cậu bé tóc còn để chỏm mặc quần ló rốn cầm cờ lau. Bài địa lý về Mưa có tranh ba cô gái mặc ái dài chen chúc nhau núp dưới một cái dù Nhật Bản. Cũng có khi chàng phải vẽ theo đơn đặt hàng: hai con bướm vờn trên một cụm hoa cúc, một đóa hướng dương, chùm hoa Forget-me-not với một chấm than và một chấm hỏi, một cô bé tuổi 13, 14 tóc thắt bím có đôi mắt thật lớn và đôi lông mày thật cong, hai chú thỏ tai vểnh ngồi ngắm chị Hằng với một áng mây vắt ngang hình chữ Z... v.v...

Một hôm em chàng nhờ chàng trang trí cho một cuốn vở 100 trang hoàn toàn mới. Chàng nhớ rõ cuốn vở hiệu Cyclo máy ba bánh bìa nâu nhạt. Toa đặt hàng khá đặc biệt. Tên: Maria Tố Chân . Muốn vẽ gì ở trang đầu cũng được. Vở Đại số học. Chàng thích quá! Trước hết là thích cái tên Maria Tố Chân. Chàng thấy cái tên Tố Chân tròn trĩnh mũm mĩm do khi phát âm chữ Tố, cái miệng tròn lại. Tưởng tượng xa hơn, chàng thấy đôi mắt tròn xoe thán phục và đôi môi no đầy chu lại kêu lên: "Ôi chao là đẹp". Cô bé đệ tứ chàng chưa hề biết mặt tính lại dễ dãi, biết trọng thiên tài. "Muốn vẽ gì ở trang đầu cũng được." Có thế chứ. Chàng rất ghét bị bó buộc. Nhưng vẽ gì cho cuốn vở đại số đây, khi chàng ghét cay ghét đắng môn đại số. Chàng cũng rất chán những cô bé thắt bím mày ngài mắt phượng. Cuối cùng chàng phác thảo được bức tranh về sau tạo sự nghiệp cho đời chàng: bức tranh một cô gái cổ cao quay lưng với môn đại số. Chàng giải thích như thế cho em gái chàng. Không biết em gái giải thích tô vẽ với Tố Chân thế nào mà hôm sau, chàng nhận được một mảnh giấy học trò bị quăn góc có hàng chữ nghiêng ốm yếu "Tố Chân cũng thích được quay lưng với cái môn rắc rối ấy. Cảm ơn anh. Maria Tố Chân."

Mảnh giấy ấy chàng giữ được thật lâu coi như lá thư tình đầu tiên nhận được trong đời. Xin đừng vội nghĩ rằng ngay sau đó chàng nhận được liên tiếp "lá thư" thứ hai, thứ ba... Chàng mới lớn cả thẹn, không dám mở miệng hỏi em gái về Tố Chân. Em gái chàng thì dường như quên bẵng một "biến cố long trời lở đất" như vậy. Vẫn có nhiều đơn đặt hàng đấy, nhưng toàn là hoa bướm, thỏ giỡn trăng, và những cô bé choai choai tóc bím. Chàng thất vọng dần, nhiều hôm định xé lá thư tình thứ nhất đi. Chàng cũng không có nhiều thì giờ dành cho thất vọng. Tuy kém toán, chàng phải học ban B vì trường không có ban nào khác. Năm đó chàng lại phải gắng học thật dữ để thi tú tài bán phần. Những cái hôn âu yếm cho thơ và họa đành bắt chước Xuân Diệu hẹn đến sang năm, (à quên, sang năm còn phải vất vả gấp bội với cái toàn phần), hẹn đến sang năm nữa, lúc chàng đã xin vào được trường mỹ thuật. Cuối tháng 5, đứa con trai út của chú chàng đột ngột mất vì bị sài uốn ván. Chàng cáng đáng hầu hết việc tang ma. Nhiều cô bé đệ tứ A2 đến chia buồn với em gái chàng, một số bạn thân đưa quan tài ra đến tận bãi tha ma. Một nắm đất mới vừa vun lên bên cạnh những ngôi mộ cũ cỏ áy. Gió biển thổi cát bay mù nhưng không lấp được tiếng khóc tỉ tê của thím chàng và đứa em gái. Một cô bạn đến nâng em gái chàng dậy, thì thầm gì đó, rồi cả hai đến gần cái mộ bia cao thắp nguyên cả bao hương lớn. Sau đó hai cô gái chia nhau đi cắm hương lên các ngôi mộ. Chàng xúc động mãnh liệt trước hành động từ ái đơn sơ ấy. Em gái chàng mặc áo tang cô bạn mặc áo dài trắng. Gió đưa tà áo họ bay cao trông như những đôi cánh thiên thần. Chàng quan sát cô bé kỹ hơn, thấy cô không đẹp lắm. Khuôn mặt hơi ốm, đôi mắt buồn, mũi hơi lớn so với đôi môi mỏng và nhỏ như môi đàn bà Nhật. Chiếc cổ cao khiến chàng hy vọng vu vơ nhưng mái tóc uốn ngắn vô ý phô đôi vai gầy và hẹp. Chàng cảm thấy vừa thương xót vừa hối tiếc. Nếu gặp cô bé ở một nơi đông đúc vui vẻ như sân trường giờ ra chơi, trước rạp chiếu bóng, sân thể thao, có lẽ chàng không thể chú ý đến cô. Nhưng ở nơi mồ mả đìu hiu quạnh quẻ này, hình như hình dáng yếu đuối và đôi mắt buồn ấy, đôi tà áo trắng chơi vơi giữa gió lộng ấy, việc đi chia sớt chút từ tâm lên những vong hồn bơ vơ ấy, tự nhiên có cái gì thiêng liêng trinh khiết quá. Chàng nghĩ đến hình ảnh Đức Mẹ. Cho nên khi em gái chàng cho biết người bạn chí tình tên Tố Chân, chàng chợt nhớ đến tên thánh Maria trên "lá thư tình đầu tiên". Chàng thật sự yêu nàng từ đó!

Những bài toán hình học không gian, lượng giác, đại số... tàn nhẫn vùi dập tình yêu mới nhú của chàng. Tố Chân Δ = b² - 4ac Tố Chân sin x chia cos x Maria Tố Chân Δ = 4ac - b² Tố Chân sin x Tố Chân tang x Tố Chân cotang x... Thôi thôi, rắc rối quá rồi. Không chấm dứt từ đây thì đừng hòng lấy được cái bằng bán phần tú tài hạng vớt. Đành tạm biệt Maria Tố Chân vậy.

Δ trở lại bằng b² - 4ac; sin x chia cho cos x lại bằng tang x. Đậu xong tú tài bán phần ban B hạng thứ (may mắn nhờ kịp mời Tố Chân ra khỏi tâm tưởng chàng khỏi có tên trên bảng đậu vớt) chàng phải vào Sài gòn học tiếp đệ nhất. Và chàng cũng chưa nói được với Maria Tố Chân câu nào. Còn cô bé nghĩ thế nào về chàng? Xin chịu!

Lên đệ nhất, môn toán thêm nặng tay dày vò chàng! Ngoài những kẻ thù quen thuộc như đại số, lượng giác, hình học, lại có thêm những kẻ thù mới: số học, thiên văn học, phép họa hình... Một tuần đến những 9 giờ tất cả. Chàng sợ giáo sư toán còn hơn sợ cọp, trong khi các cuộc triển lãm tranh, những sách hội họa in tuyệt đẹp bày bán ở các quầy sách cũ ở đường Lê Lợi không bỏ lỡ cơ hội quyến rũ mê hoặc chàng. Chàng khốn khổ như anh chàng hai vợ mà yếu đuối. Maria Tố Chân trở thành một cơn gió thoảng. Nhớ lại kỷ niệm năm trước, chàng cảm thấy lâng lâng, không phân biệt được vui hay buồn, thế thôi.

Gần Tết, chàng nhận được thư cô em gái con chú. Em chàng dặn nếu về thăm nhà thì nhớ ghé Nha Trang để mua giùm cho em một đôi guốc Đa Kao mang Tết. Lá thư dài viết thật lộn xộn và rất tùy hứng. Cuối thư em chàng hỏi: "Anh còn nhớ Maria Tố Chân không? Quên mất rồi chứ gì. Cái con bé ôm ốm anh vẽ giùm cái hình quay lưng trên cuốn vở đại số đó. Nó thường nhắc đến anh luôn. Mừng chưa? "Nhớ lựa mua đôi guốc nào gót không bị vẹt hoặc nhằm chỗ gỗ mắc, đi dễ mất gót lắm. Quai thì anh tùy ý chọn thế nào cho nhã, cho mỹ thuật và cho... cho đỡ tốn tiền (vì em biết anh chi tiền trước cũng hơi kẹt cho anh. Phải sắm Tết nhiều thứ phải không?) Em tin tưởng ở đôi mắt hội họa của anh nên khỏi cần dặn nhiều. Họa sĩ tài ba của cả lớp em mà! À, Tố Chân hỏi anh đã xin học Mỹ Thuật chưa? Đã xem hết tranh ở Sài gòn chưa? đã hết quay lưng với môn toán chưa? Nó hỏi đủ thứ về anh. Em đoán có một câu nó muốn lắm mà chưa dám hỏi. Đố anh biết câu gì? Hình như nó cứ thắc mắc tại sao anh "quay lưng" với Nha Trang, lâu nay không thư từ gì hết. Đừng quên đôi guốc Đa Kao của em à nheng!..."

Trong xấp thư lưu niệm, chàng xem lá thư "đầu Ngô mình Sở" ấy như lá thư tình thứ nhì của Tố Chân. Bây giờ thì chàng biết cô bé thiên thần ấy đã từng hỏi đến chàng. Chẳng những có hỏi, mà còn hỏi nhiều nữa. Hỏi đủ thứ chuyện. Nhiều câu hỏi "hữu ý" lắm. Quên Nha Trang? Quay lưng với Nha Trang? Quay lưng, quên thế nào được. Chàng ngây ngất không học được chữ nào suốt tuần lễ, lúc thì ngồi bần thần; lúc thì đạp xe đi quanh thành phố với lòng nô nức. Chính vào thời gian này, chàng đã viết được bài thơ tình thứ nhất:

Có phải không Tố Chân?
Lời yêu nhau đầu tiên là nước mắt.
Lòng tin nhau đầu tiên là sự thật.
Trong suốt hồn ta
Như một bài hoan ca
Của tiếng họa mi gọi mừng buổi sáng.
Và tâm hồn em
Thật vô cùng sáng láng
Maria Tố Chân
Anh yêu em vô cùng!

Chàng viết một mạch từ đầu đến cuối, chỉ sửa chữ CHÀO ở câu thứ sáu thành chữ MỪNG Vì như thế đúng với tâm trạng nô nức của chàng hơn. Nhưng khi chấm dấu than vào sau chữ CÙNG ở câu thứ mười, chàng chợt nghĩ: Có thật Tố Chân đã hỏi về mình không? Hay con em gái muốn chàng khỏi quên mua guốc, đã đặt điều cho mình vui lòng? Có thể lắm! Nó tinh ranh hết sức. Mỗi lần thấy mình ngập ngừng muốn hỏi đến Tố Chân, nó giả vờ như không hay biết gì. Nó biết rõ mình yêu Tố Chân, nên đem cô bé ra làm mồi nhử. Lại còn cố ý viết lơ mơ như vô tình! Khéo và ranh thật! Nếu thế đã chắc gì chuyện Tố Chân hỏi han mình đã có thật! Bài thơ viết chưa ráo mực đã trở thành chứng tích của ngu ngơ, khờ dại, nông nổi... Chàng thấy trước con em gái trề môi ngún nguẩy cười chàng: "Nghèo mà ham". Chàng toan xé bài thơ, nếu không vội nghĩ: "Nó nói thật thì sao? Việc gì phải đặt điều nói dối? Giá một đôi guốc Đa Kao có đáng là bao nhiêu mà phải bố trí kỹ càng như vậy? Thôi thôi, mình lẩm cẩm quá rồi. May thật. Suýt chút nữa xé mất một bài thơ tình! Không, một lá thư tình.

Tết năm đó, chàng ghé Nha Trang để mang cho cô em gái đôi guốc Đa Kao kèm theo một lá thư thơ. Cô em gái tròn xoe mắt vui mừng ôm guốc đi khoe với bạn bè khi chàng còn ấp úng chưa lấy đủ can đảm và bàn tay phải âm thầm cuống quít mân mê lá thư thơ gấp tư. Nó đi biệt suốt cả buổi sáng, rồi buổi trưa. Chàng nóng ruột chờ đợi. Không hiểu tại sao chàng cứ nghĩ Tố Chân ở đường Yersin nên mượn xe ông chú đạp không biết bao nhiêu vòng trên con đường biệt thự sang trọng ấy. Nhà nào cũng có khuôn viên cây xanh, nhà để xe du lịch, thảm cỏ, lối đi trải sỏi, vườn hoa. Càng ngắm đời sống thượng lưu ở thành phố biển du lịch này chàng càng chùn bước. Chàng lại toan xé thư. Lúc trở về chàng được cô em gái đón tận ngoài cổng để tíu tít khoe:

- Tụi bạn em đứa nào cũng chu mỏ lại kêu lên: "Ồ, tuyệt quá. Mua ở đâu chỉ cho tao với." Em nói dối mua ở đường Độc Lập. Tụi nó vội vòi tiền mẹ đạp xe đi ngay. Em chờ nghe chúng chửi sa sả mà lòng vẫn cứ vui. Chờ nghe chửi nên mới về chậm như vậy. Mỗi đứa khen theo một cách. Con Lý khen mầu guốc nhã. Con Thương khen dáng đôi guốc sang. Con Liện chê gót hơi nhọn không hợp tuổi học trò nhưng tấm tắt khen mãi cái quai bền. Con Diệu mê nhất hàng đinh chắc chắn không sợ đứt. Con Thanh Vĩnh thích cái hoa hướng dương vì theo lập luận khôi hài của nó, cánh hoa xòe ra che được móng chân cái đóng đầy ghét... .

Chàng thất vọng não nề. Sao không có người đẹp ở đường Yersin? Đứa em gái "thiếu tế nhị" lại chỉ huyên thiên toàn chuyện đâu đâu. Nó lo đi chợ sửa soạn cơm chiều. Thôi thế là xong. Biết thế này thà... Chàng tiu nghỉu, lấy sách đại số ra làm bài tập để trả thù. Đang nóng đầu vì cái phương trình hóc búa, con em gái se sẽ bước đến sau lưng chàng, cười ranh mãnh hỏi nhỏ:

- Anh chờ lâu lắm phải không?

Chàng hơi mừng nhưng vẫn cố ý gắt gỏng:

- Cái gì đâu mà chờ!

Em gái chàng cười phá lên:

- Thôi đừng làm bộ. Em biết anh nóng ruột, nhưng phải chờ đi chợ mới ăn gian được tiền me.

Nó nói gì thế này? Chàng không dám hiểu theo cái nghĩa thông thường. Nửa lúng túng xấu hổ, nửa giận, chàng lớn tiếng:

- Em xem thường anh vừa thôi chứ. Giá đôi guốc chỉ vài chục bạc...

Em gái chàng thôi cười, nét mặt kẻ cả:

- Nhưng anh cần tiền để mua ngay thứ gì đó. Anh tệ thật. Ngố nữa! Chẳng lẽ em phải viết huỵch toẹt là phải mua cả hai đôi giống nhau. Có viết như thế Tố Chân nó cũng không chịu, tụi em vẫn thường đưa thư riêng cho nhau đọc. Hôm trước em viết nhiều và rõ hơn kia, nhưng nó bắt buộc em viết lại.

Từ vực sâu thăm thẳm của tuyệt vọng tăm tối, trong một thoáng, chàng được thánh Phêrô đón vào thiên đường! Chàng choáng váng tim đập liên hồi. Hai thái dương căng thẳng không nói được lời nào.

Em gái tưởng chàng hồ nghi, nói thêm:

- Em không dám lại đường Trần Quí Cáp khoe đôi guốc. Anh lấy tiền em đi mua cho em đôi guốc khác, rẻ tiền thôi. Guốc mộc quai nhựa cũng được. Em chỉ ăn gian được có 40 đồng. Còn đôi guốc Đa Kao, để tặng cho Tố Chân.

Từ đó chàng trở thành kẻ ngoan ngoản nhu mì dưới lời sai khiến của em gái. Nó dẫn chàng xuống đường Độc Lập để chọn guốc. Đến ngả năm công viên trước ga xe lửa, nó ngập ngừng. Chàng hỏi:

- Cái gì thế?

Nó lo âu đáp:

- Em định đi tắt đường Trần Quí Cáp cho nhanh hơn, nhưng sợ Maria nó thấy.

Chàng lấy bạo nói:

- Cứ đi đường tắt cho nhanh.

Em gái liếc mắt nhìn chàng, cười. Chàng hồi hộp chờ. Chàng biết trước đứa em ranh mãnh sẽ không chỉ nhà Tố Chân cho chàng, nhưng nếu theo dõi kỹ vẻ mặt và hướng nhìn của nó, chàng có thể đoán được lắm. Hai anh em qua hết đường Trần Quí Cáp, rẽ về phía đường Độc Lập. Nét mặt em gái chàng nghiêm nghị một cách khó hiểu, mắt nhìn thẳng tới trước như lo bị đám xe cộ những ngày áp Tết va phải. Chàng nuốt hận. Phải chờ vòng về thôi! Họ chọn đôi guốc thật nhanh vì chàng còn đủ tiền bù vào để mua cho em gái đôi guốc khá đẹp và chắc. Cũng có gắn hoa hướng dương đấy, nhưng không được quai da như guốc Đa Kao. Quai nhựa mầu nâu nhạt. Hoa vàng mầu hoàng yến. Em gái chàng có vẻ tiếc rẻ, nhưng vẫn cố gượng vui an ủi:

- Đôi guốc nó phải đẹp hơn, lại chính hiệu Đa Kao Sài gòn, nó mới thấy thích.

Buổi tối hôm ấy, chàng do dự mãi mới dám rủ em gái đi dạo phố Tết, xem thử Tết Nha Trang có vui như ở Sài gòn không?Em gái chàng cười nhỏ rồi đáp:

- Dĩ nhiên không đông đúc tấp nập bằng Sài gòn, nhưng năm nay chắc chắn phải vui hơn.

Chàng cười chữa thẹn. Em gái chàng rủ qua Trần Quí Cáp. Chàng vội từ chối:

- Đi với anh qua ngả rạp Tân Tân cho anh mua mấy tờ báo.

Chàng làm như vô tình hỏi bất chợt khi câu này, khi câu khác. Em chàng cũng làm như hờ hững trả lời nhát gừng. Ghép lại bấy nhiêu câu đáp rời rạc, chàng biết đại khái lý lịch của Maria: con gái đầu của một gia đình công chức hỏa xa theo đạo Thiên Chúa, cha người Quảng Nam mẹ người Huế. Có ba đứa em gái và một em trai út. Ít thích ra khỏi nhà tuy ở thật sát phố chính. Căn nhà thuê lâu năm được giá hời, vì cách bố trí thất cách trái ngoe: cửa trước ăn thông với nhà chủ nên bị xây kín lại ra vào phải đi qua cửa nhà bếp ăn thông ra đường Trần Quí Cáp. Kín đáo hỏi kỹ hơn một chút chàng chỉ biết nhiều lần ba Tố Chân sai mấy chị em mua sơn sơn lại tấm cửa gỗ tạp sắp bị mối đục, nhưng người này nạnh hẹ người kia, cuối cùng cánh cửa vẫn xập xệ như cũ. Một cánh cửa ván tróc sơn bắt đầu bị mối? Trời hỡi! Làm sao tìm ra đây? Hỏi địa chỉ cho chính xác thì chàng chưa đủ can đảm. Phải gắng lấy tất cả ý chí "kẻ làm trai", lẩm nhẩm đọc lại tất cả những bài thơ học thuộc lòng của Nguyễn Công Trứ năm đệ nhị, chàng, mới đủ bạo ấp úng đưa bài thơ cho em gái và dặn nhỏ qua hơi thở gấp:

- Đưa luôn bài thơ này để Maria đọc cho vui. Dặn cô ấy đọc xong xé đi.

Em gái chàng đòi xem. Chàng dứt khoát từ chối. Nó đành kẹp bì thư dán kín bằng keo và đôi guốc mang đi, nét mặt phụng phịu (Về sau Tố Chân trách chàng: Anh thật vô ý. Ai đời lá thư viết rõ như thế mà không chịu dán kín lại. Báo hại con Dung cứ chọc em hoài.)

Sau Tết năm đó họ bắt đầu viết thư cho nhau, tuy ở Nha Trang hai người chưa dám gặp nhau hoặc nói với nhau được một câu ngớ ngẩn nào. Thư của Tố Chân và của chàng đều ngắn, vô thưởng vô phạt, và dĩ nhiên thuộc loại "phụ bản đính kèm" theo "lá thư chính thức " gửi cho Tường Dung. Bạn cùng chung nhà trọ với chàng khâm phục chàng ra mặt, cật vấn cái cô Tường Dung Nha Trang ấy bao nhiêu tuổi, đẹp xấu thế nào. Chàng thành thực bảo đó là em gái con ông chú của chàng, họ vẫn không chịu tin. Họ hỏi:

- Em gái sao siêng viết thư cho mày thế? Thư nào cũng dày cộm.

- Thư em gái mà hôm nào đi học về, mày cũng hỏi "Tao có thư không?" Mày nóng ruột còn hơn chờ mandat cuối tháng nữa!

- Em gái? Em gái hậu phương chắc! Sao tự nhiên cô em quí hóa viết liên tiếp hàng tuần cho mày. Trước kia ngoài thư bảo đảm có thấy mày nhận thư của ai đâu?

Chàng đỏ mặt thề thốt, lòng hãnh diện ngầm. Chàng đâm thương hại những đứa con trai chưa nếm hương vị tình yêu. Cuộc đời chúng nó vô vị, nhạt nhẽo, trống rỗng, nhàm chán quá lắm! Khô khan quá lắm! Chàng thường mỉm cười bâng khuâng một mình. Lũ bạn bắt gặp lại tra vấn. Chàng lựa bức thư vô hại nhất của Tường Dung đưa cho chúng đọc. Từ đó, chúng mới để yên cho chàng sống trọn với tình yêu đầu.

Tường Dung mau chán với vai trò chim xanh nên chẳng bao lâu chàng nhận được những lá thư cũng của Tường Dung nhưng nét chữ khác: nét chữ nghiêng ốm yếu. Phụ bản dần dần chiếm hết chỗ của bản chính, và độ dày của thư cũng y như cũ dù giấy mỏng hơn. Khỏi cần thuật lại những điều họ viết, vì cổ kim chỉ bấy nhiêu chuyện trời trăng. Cũng khỏi cần ngạc nhiên hỏi vì sao chỉ có bấy nhiêu chuyện tầm phào mà họ viết mãi chưa hết, không bao giờ hết. Chàng bất cần sự đe dọa của thi cử, nghinh mặt sừng sộ với hình học, số học, đại số, lượng giác, thiên văn học. Thư Nha Trang giành chỗ của sách giáo khoa luận lý học, đạo đức học, vật lý, sinh ngữ. Chàng thi hỏng khóa đầu. Ai cũng kinh ngạc, trừ chàng. Phải thế chứ. Phải có niềm đau khổ nào đó làm tế lễ dâng cho Thiên Thần Vĩnh Cửu Lạc Phúc của chàng.

Chuyến về quê để phân bua với cha mẹ, chàng lại ghé Nha Trang. Nàng giả vờ đến mượn Tường Dung cuốn đại số học. Lần đầu tiên chàng được nói chuyện với Maria, cuộc nói chuyện tay ba, vì dù Tường Dung cảm thấy thừa thãi muốn rút lui, cả Tố Chân lẫn chàng đều hoảng hốt năn nỉ Dung ở lại. Cuộc gặp gỡ không được một phần nghìn những gì chàng mơ tưởng, và chưa được một phần trăm những lời đã viết cho nhau qua thư từ. Đại khái khi Tưởng Dung cầm quạt phe phẩy than:

- Hôm nay trời nóng dữ

Chàng nói:

- Ừ, trời nóng thật.

Còn Maria thì e dè nói:

- Có lẽ sắp mưa mất! Mấy bài tập đại số Dung làm chưa?

- Chưa. Sẵn có anh Thiệu đây, làm hộ tụi này quách.

- Anh chịu! Xưa nay "tôi" chúa ghét môn đại số.

Tường Dung cười giòn chữa lại:

- Phải nói "quay lưng với môn đại số " cho đúng bài bản.

Tố Chân đỏ mặt, liếc nhìn chàng. Chàng lúng túng hỏi em gái:

- Nhưng khó lắm không?

- Không khó thì cần gì hỏi anh. Mày làm được mấy bài rồi Tố Chân?

- Nghĩ mãi không ra, đến khổ!

- Mày bận nghĩ đâu đâu, toán đệ thất làm cũng không được chứ đừng nói đệ tam.

- Bậy! Dung nhờ làm giúp rồi cho chép với!

- Mày "ra lệnh trực tiếp" hiệu quả hơn.

- Bậy!

- Thôi được. Để đó anh làm giúp cho. "Tôi" vừa thi hỏng, làm sai Dung không được trách đó nhé!

- Người ta mắng cho đấy, trách còn nhẹ, phải không Tố Chân?

- Bậy!

- Bậy bạ hoài. Thôi để em đi cho "hai ông bà" tiện nói chuyện.

- Không. Mình cũng phải xin phép về. Mạ dặn phải đi chợ mua gừng.

Tường Dung nhất định bỏ đi. Maria líu ríu đứng dậy, ấp úng nói gì đó để xin chàng về. Chính chàng cũng không dám lưu khách ở lại. Chàng đưa hai cô bé ra đến cửa, ngập ngùng không dám đi tiếp đến tận cổng. Tưởng Dung chợt nhớ, cười chế giễu hỏi:

- Ủa, sao mày không lấy cuốn đại số?

- Ờ, mượn cũng được.

Chàng cương quyết ra cổng. Phải nói trực tiếp với Maria câu gì đó, nếu không thì khôi hài quá. Thư qua thư lại cả xấp mà gặp nhau không nói với nhau được câu nào. Chàng đến nơi kịp lúc Maria sắp quay gót. Nàng ngượng ngùng lí nhí:

- Em về!

Chàng chỉ nói với được một câu:

- Chúc Tố Chân nghỉ hè vui!

Khách về rồi, Tưởng Dung ôm bụng cười. Nó kêu lên:

- Trời ơi là trời.Thật chẳng khác nào ăn vụng bột bị bắt quả tang. Nói không được, còn mím môi ngậm thì sặc! Sao hai ông bà viết cho nhau như khướu hót mà gặp nhau lại thế?

Chàng đỏ mặt chịu trận. Về lại Sài gòn để lo học thi khóa hai, chàng viết ngay cho Maria một lá thư dài vô địch. Chàng xin lỗi sự bất lịch sự hôm trước, kể vanh vách những gì mình định nói mà không thể nói được. Thư gởi đi chưa được một ngày, chàng đã nhận được một bức thư dài chẳng kém. Tố Chân cũng kể hết những điều mình định nói, thú nhận hôm ấy mình thật "bậy". Nàng lại hỏi những câu chưa kịp hỏi: "Bài thơ thứ hai anh hứa gởi về Nha Trang, em chờ lâu thật lâu sao chẳng thấy? Bài thứ nhất dĩ nhiên em rất thích, tuy đọc tên mình trên một "tác phẩm", thấy dị dị thế nào ấy! Con Dung nó đem rêu rao bài thơ cho cả lớp, rồi cả lớp rêu rao cả trường, làm tụi con trai đệ nhị chọc em hoài. Anh biết không, bài thơ đó nổi tiếng khắp Nha Trang đấy. Nhiều đứa tò mò muốn biết Maria Tố Chân là ai. Em không dám ra đường nữa. Sợ thiên hạ thất vọng não nề. Hỏi thật anh nhé, anh đã thất vọng chưa? Em xấu xí lắm phải không? Em không có ảo tưởng đâu! Em đã dặn lòng từ nhỏ là nên chịu đựng. "Em là gái trời bắt xấu. ", anh đã đọc tập thơ ấy của Lệ Khánh chưa? À, hôm về thầy mẹ có trách móc nhiều không? Rán học anh nhớ!...

Chàng tuân theo lệnh truyền! Chàng đã rán học, và đậu bình thứ vào khóa hai. Bất chấp lời khuyên của thầy mẹ, của bạn bè chàng xin học Cao Đẳng Mỹ Thuật. Chỉ có Maria tán đồng lựa chọn của chàng.

Chàng nhận được của thầy mẹ một lá thư trách móc thấm thía: "Con tưởng thầy mẹ đủ sức nuôi con cả đời để con tự do vẽ vời bông lông hay sao? Chị hai con đã lấy chồng, từ nay lo con chưa xuể huống hồ giúp đỡ mẹ con buôn bán độ nhật qua ngày như trước. Thầy sắp về hưu. Gia cảnh nhà ta, con rõ hơn ai hết. Nếu không có chú trong đó, liệu con học được đến chừng này hay không? Một mai nếu thấy mẹ có mệnh hệ nào, lũ em con ai lo đây? Nhiều đêm mẹ con lo nghĩ quá, trăn trở không chợp mắt... "

Chàng bối rối chưa biết giải quyết ra sao thì kỳ diệu thay, cô bé mới tròn l7 đã đủ chín chắn gỡ rối cho chàng. "Sao anh không chuyển sang trường Sư Phạm Mỹ thuật? Em có một ông cậu cũng học trường đó, hiện đã ra trường về dạy môn vẽ ở trường trung học Phan chu Trinh Đà Nẵng. Làm giáo sư hội họa vừa có nghề nghiệp vừa tiếp tục sáng tác được. Ông cậu em vẽ không có gì lạ, nhưng được cái nghề nhàn. Còn anh của em thì... "

Một lần nữa chàng tuân lệnh. Chàng sướng mê lên! "Anh của em thì..." Ba dấu chấm ấy đã đủ báo hiệu sự nghiệp hội họa vẻ vang của chàng sau này. Các họa sĩ danh tiếng lẫy lừng khắp thế giới có ai may mắn tìm được người yêu có đôi mắt xanh như chàng đâu? Paul Gauguin vớ phải một bà nội trợ quần áo hôi mùi xúp tỏi và phó mát. Modigliani, một cô gái thất tha thất thểu dở điên dở khùng. Van Gogh thui thủi suốt đời, cắt tai không có lấy một người đàn bà rỏ được giọt nước mắt sợ hãi hay xót xa. Chagall? Có may mắn hơn đấy, nhưng làm sao bằng được chàng. Chàng thấy mình cao lớn như nhà thờ Đức Bà. Hai người đặt ra nhiều sáng kiến cỡ long trời lở đất. Nàng than cái tên Maria Tố Chân tuy thân yêu nhưng nhiều người biết quá rồi. Bài thơ của chàng được truyền tụng nhiều, nên cái tên đáng lẽ chỉ dành riêng cho chàng, đã trở thành tên Cúc Hoa trong miệng các anh mù hát xẩm. Chàng liền đặt riêng cho nàng một cái tên mới: Lạc Phúc. Nàng không dám để cho chàng gởi thư về đường Trần Quí Cáp, lâu nay vẫn nhờ Tưởng Dung chuyển hộ. Cô em gái chàng dần dần ghen tị với hạnh phúc "bất xứng" của người bạn thân, bắt đầu làm khó dễ.
Reply
#2
Chàng đề nghị một thứ mật mã chỉ có riêng hai người trên quả đất này nắm được chìa khóa. Nếu Tưởng dung không đem lá thư kỳ dị ấy ra hỏi ông chú chàng, rồi ông chú nhát gan sợ liên lụy viết thư mắng cho chàng một trận, chắc họ còn dạy thứ chữ bí hiểm ấy cho đến đời con, cháu, chắt. Chàng còn ngu ngơ đến bưu điện trung ương để xin thuê bao một hộp thơ lưu trữ riêng. Nếu phí tổn hàng tháng không cao gấp ba tiền học bỗng sinh viên của chàng, có thể chàng khỏi phải bị bạn bè cùng trọ tọc mạch xoi mói. Chàng hứa sẽ về Nha Trang vẽ chân dung nàng, từ phía sau lưng. Người mẫu mặc áo cánh mỏng để lộ đôi vai thon và cái cổ Thiên Nga, tuy quay lưng về phía người xem nhưng từ cái bóng lờ mờ của thành quách cũ ở phông tranh, ai cũng đoán được nàng đang nhớ về quê ngoại. Dự định này chàng thực hiện được, và bức tranh ấy được huy chương bạc từ khi chàng mới là sinh viên năm thứ hai. Chàng được bạn bè và các thầy kính nể. Giới phê bình hội họa xem chàng như mầm mống của một trường phái ấn tượng mới, đậm đà mầu sắc trầm mặc kín đáo của phương Đông. Chàng được nhiều người biết tên. Nhiều người đã biết cả mối tình của chàng... Mọi sự riêng tư kín đáo e ấp sượng sùng nên giấu diếm lo ngại, bây giờ được công khai hoá. Thầy mẹ chàng viết thư vào Nha Trang hỏi ông chú lai lịch của gia đình Tố Chân. Chàng đã đủ dạn dĩ rủ lũ em Tố Chân đi xi nê, đi ăn kem trước rạp xi nê Tân Tiến. Mạ Tố Chân vồn vã "mời cậu mỗi lần về hè nhớ ghé Nha Trang chơi". Chàng không quen được thái độ chăm sóc thái quá của những bà mẹ Huế đối với tương lai lứa đôi của con gái. Một lần chàng ghé Nha Trang, và hôm sau phải ra ga sớm để đáp chuyến tàu 3 giờ sáng về Đà Nẵng. Ga Nha Trang hôm ấy vắng. Chàng thấp thỏm chờ đợi mãi mới thấy Tố Chân đến. Nàng mặc áo dài tím lụa mỏng nên thân thể trông càng ốm yếu hơn. Chàng cảm động và thương hại cho con chim bé bỏng tự nguyện nấp dưới "đôi cánh rộng" của đời chàng. Hai người ngồi bên nhau trong phòng đợi, chờ giờ ra sân ga. Gió đêm thổi qua cửa lớn nhà ga, hất tung vạt áo dài lên người chàng. Chàng ngây ngất vì hương vị quyến thuộc thoang thoảng mùi băng phiến. Nàng vội níu tà áo phủ lên đôi chân. Mãi đến hồi đó, nghĩa là hai năm từ hồi mới quen nhau, họ vẫn chưa dám cầm tay nhau. Chàng muốn nhân cơ hội trả vạt áo lấy bàn tay nhỏ nhắn của Tố Chân, ấp nóng trong lòng tay mình cho nàng bớt lạnh. Hình như Tố Chân đoán được ý định của chàng nên sau khi thu vạt áo về, nàng giấu hai bàn tay dưới lớp lụa tím. Chàng hỏi:

- Em có lạnh không?

Tố Chân đáp nhỏ:

- Chỉ hơi lạnh thôi. Độ này em không được khỏe.

Chàng nhìn nàng thương hại:

- Em bày vẽ đưa đón làm gì! Anh quen lo liệu một mình từ lâu, từ thời còn bé.

Nàng thành thật nói:

- Đêm qua em mệt quá tí nữa ngủ quên. May có mạ để đồng hồ báo thức.

Chàng cảm thấy khó chịu. Tại sao mạ lại xen vào chuyện này? Đột nhiên chàng nhận thấy (có thể chàng tưởng tượng thái quá) trong cách vồn vã săn đón của mẹ Tố Chân "có cái gì" thiếu vô tư; bạo miệng một chút, cái gì đó là sự nôn nả lo lắng tìm kiếm cho cô trưởng nữ một ông chồng coi được. Từ đó chàng càng khó chịu hơn: hình dáng chàng, học lực của chàng, nghề nghiệp của chàng, tương lai của chàng, kể cả những điều thiêng liêng như lòng đam mê nghệ thuật,tình yêu Tố Chân khát vọng đạt được cái tuyệt đối, ước muốn được sống lương thiện và chân thật, đều bị người mẹ Tố Chân xoi mói lôi ra cân đo đong đếm. Đêm tiễn biệt ấy tự nhiên mất vui, và tình yêu của chàng có thêm một dấu chấm hỏi. Có phải đó là dấu rạn đầu tiên không? Đến bây giờ chàng vẫn chưa xác quyết. Về Đà Nẵng, chàng sống qua một tháng hè trống trải. Nỗi nao nức chờ thư sút giảm. chàng cố nhớ lại vẻ mặt, câu nói của Tố Chân đêm ấy. Nàng có vẻ mệt mỏi chán nản thật. Không chán, sao phải chờ mạ nhắc mới dậy để lên ga tiễn đưa chàng. Còn nếu yêu chàng như thuở đầu, nàng có ngủ được đâu! Mà dù có mệt quá mà lỡ ngủ quên, ít ra nàng cũng phải giấu chuyện cái đồng hồ báo thức chứ. Nàng nói huỵch toẹt ra vì bất cần. Tôi như vậy đấy, anh chịu đựng không được thì thôi.Thư Tố Chân gửi về Đà nẵng cũng đều đặn như trước, thiết tha âu yếm như trước,nhưng chàng đọc được ở chỗ giấy trắng bên lề thư nhiều dấu hỏi và nhiều dấu than.Về lại Sài gòn học năm thứ ba, mật độ trả lời thư của chàng chậm lại. Hình như Tố Chân cảm thấy điều gì bất thường đã xảy ra nên liên tiếp trong nhiều lá thư, nàng thảng thốt hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của chàng.

Chàng lại nghĩ: "Bà mẹ bắt đầu sợ con mồi vuột khỏi tay đây". Chàng lấy ảnh Tố chân ra ngắm lại. Chàng dần dà khám phá ra những nét thiếu cân đối hoặc cách trang điểm thái quá của cô gái trong ảnh. Quả tình cái mũi nàng có quá lớn thật. Nhìn theo đòi hỏi hài hòa của nghệ thuật, cái mũi ấy không xứng hợp tí nào với đôi môi ấy, thân dáng ấy. Thằng thợ chụp hình nhà quê nào khuyên nàng mang lông mi giả và tô môi đỏ choét thế này? Một người nhu mì như Tố Chân lại đi nghe những lời xúi giục phản mỹ thuật đến thế ư?

Tố Chân dài dòng thắc mắc. Chàng dài dòng trấn an. Nàng thấp thỏm. Chàng lửng lơ xem như một cuộc báo động giả, tuy càng lúc càng thấy niềm lo ngại của nàng có đủ căn cứ. Lá thư dài vì tha thiết khác với lá thư lê thê vì buồn chán, đàn bà nhạy cảm chuyện đó lắm. Nàng đòi vào Sài gòn dự khai mạc cuộc triển lãm tranh hội họa-sĩ-trẻ do chàng và các bạn đứng ra tổ chức. Chàng vội trả lời chưa thỏa thuận được với giám đốc nhà hàng Continental về thời gian triển lãm. Chính lúc đó, lúc chàng hồi hộp chờ đợi xác nhận của dư luận về tài ba của chàng như một bị can chờ nghe tuyên án, chàng nhận được lá thư định mệnh. Nàng viết:

"Hôm qua chú thím được thơ thầy mẹ có ra nhà ba mạ em dò hỏi chuyện chúng mình. Em lo ngại quá. Ba em thì mọi sự đều đơn giản. Nhưng phần mạ, em không yên tâm chút nào. Mạ cứ nhắc mãi đến anh kỹ sư điện nào đó bạn cậu em ngoài Đà Nẵng (không biết thầy mẹ ngoài nhà có quen với người ta không?) Em khóc đến hết nước mắt, cứu em với, anh Thiệu ơi. Em tuyệt vọng khi nhận được điện tín của anh, báo tin ngày khai mạc triển lãm dời lại vô hạn định. Chuyện chúng mình cũng như thế sao anh? Ba sai tụi em sơn quét nhà cửa, sợ nhỡ thầy mẹ có vào, nhà cũng tươm tất hơn một chút. Mạ thì cứ dùng dằng. Viết thư, hoặc đánh điện tín ngay cho em, cho em biết đích xác anh có đau yếu gì không, đã quên em chưa..."

Chàng phát sốt vì sợ hãi. Tại sao thế này? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến: Lại thêm một cách cân đo đong đếm và mặc cả của mạ phải không? Cái anh chàng kỹ sư điện nào đó có thật hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của mạ ?Thầy mẹ chàng định vào Nha Trang thăm nhà ư? Lại thêm chuyện quét dọn nhà cửa nữa. Chàng cảm thấy mình bị vây bắt tứ phía, anh chàng kỹ sư là cái hình bù nhìn để dọa phía trước, sơn quét nhà cửa là cái lưới để hứng phía sau. Bên phải thì có thầy mẹ chú thím chàng. Bên trái có ba mạ và lũ em Tố Chân. Bài binh bố trận kỹ như thế chàng thoát làm sao được? Cao siêu thay, đầu óc thợ săn chuyên nghiệp của những bà mẹ Huế. Mà tại sao lại săn đuổi chàng đúng vào lúc này? Lúc niềm hãnh diện sáng tạo kề bên nỗi thất vọng, tự tin khó phân với ngờ vực, từ chân-tài đến kẻ làm bạc giả chỉ cách nhau mỗi một tiếng thị phi.

Cuộc triển lãm mở chậm hai ngày so với dự tính. Tranh của chàng được chú ý, tuy chỉ bán được có một bức nhỏ. Báo chí lại nhắc đến tên chàng, nhưng hình như giới phê bình hết xem chàng như "một mầm non cần nâng đỡ ","một hoạ sĩ trẻ sẽ đi xa trong tương lai", và quay ra xoi mói hạch hỏi tác phẩm của chàng như một kẻ khổ dâm hành hạ phụ nữ. Nhiều lời lẽ không đẹp đã nói về chàng, ngụy trang bằng cái bề ngoài mỹ miều: "nhà mô phỏng điêu luyện", "Van Gogh thời đã hết điên". Chàng viết một lúc hai bức thư một gửi cho thầy mẹ xác nhận chàng chưa hề có ý lập gia đình khi chưa đủ sức nuôi các em, một gửi cho chú thím hỏi lại chuyện thăm nhà, và một điện tín gửi cho Tố Chân: "Anh là một thằng bất tài không thể đủ sức nuôi vợ. Hãy vâng lời mạ. Chúc hạnh phúc".

Sự đổ vỡ do chàng gây ra ghê gớm hơn chàng tưởng tượng. Sau này chàng được biết thầy mẹ chàng có viết thư vào Nha Trang nhờ chú thím chàng dò hỏi chuyện lứa đôi cho chàng thực. Hai ông bà đã già, tha thiết muốn có cháu nội làm người thừa tự. Đã đành chàng chưa có sự nghiệp gì, nhưng không ai biết tính con bằng cha mẹ. Thầy mẹ chàng nghĩ nếu lập gia đình, bị vợ con ràng buộc. chắc chắn chàng sẽ bỏ bớt ước vọng lông bông hão huyền muốn làm một nghệ sĩ. Vả lại, thầy mẹ có ép uổng gì chàng đâu. Hai người chỉ làm trước cái việc mà trong thâm tâm, những người trẻ tuổi yêu nhau đều mong ước mà chưa dám nói ra. Chú thím chàng đã vui vẻ ăn mặc nghiêm chỉnh sang nhà Tố Chân thăm dò. Chị em Tố Chân cũng đã quét dọn sơn phết nhà cửa sạch sẽ, để rồi mọi người bật ngửa sửng sốt vì cái điện tín của chàng. Bây giờ, mạ Tố Chân chỉ biết tiếc rẻ. Tố Chân chỉ biết khóc. Ba nàng trở lại tỏ quyền gia trưởng. Ông thấy đây là một sỉ nhục không thể chịu đựng được của gia đình. Bao nhiêu giận dữ, ông đổ cả lên đầu Tố Chân. Nàng chỉ biết khóc mà chịu. Hỏi tại sao? Nàng không đáp được. Những điều nàng mang máng lo âu đã trở thành sự thực. Nhưng do đâu? Nàng còn non nớt quá, không thể hiểu được tình địch của nàng không phải là một cô gái Sài gòn bằng xương bằng thịt, có thân thể cân đối mạnh khỏe hơn nàng, ăn diện đúng thời thượng hơn nàng, cái mũi đẹp hơn mũi nàng, nụ cười mời mọc hơn cái cười hiền hậu của nàng... Tố chân cũng không thể hiểu được sự khó chịu phức tạp của chàng khi nhận được lá thư cuối. Đối với nàng, hoặc chàng là một kẻ không thể hiểu được, hoặc chàng là một kẻ phản bội.

Sự đổ vỡ được dọn dẹp chóng vánh hơn công lao gầy dựng. Chàng và nàng bặt tin nhau từ đấy. Khi chú thím chàng chưa đổi đi nơi khác và Tưởng Dung chưa lấy chồng, chàng còn nhận được tin tức Tố Chân qua Tưởng Dung. Nàng là cái "tiền lệ xấu" cho một gia đình có nhiều con gái cần lấy chồng. Những đứa em kế lần lượt lên xe hoa, nàng vẫn ở vậy. Thi hỏng bán phần tú tài, nàng xin làm thư ký công nhật tòa hành chánh, tiền lương vừa đủ đưa thêm cho mạ đi chợ để khỏi nghe những lời dằn xóc. Làm được một thời gian, nàng tự học lấy được bằng tú tài toàn phần, rồi thi đậu vào học tham sự hành chánh. Chàng chỉ biết đến đó, rồi mất tin luôn, vì Tưởng Dung theo chồng lên ở Pleiku. Hồi cha chàng mất, nhận được thư phân ưu của Tố Chân, chàng cố soi kính lúp mới nhận ra được hai chữ TUY HÒA lờ mờ trên dấu ấn bưu điện. Chàng đoán có lẽ ra trường xong, nàng được đổi về làm việc ở đó. Hỏi dò chừng vài người bạn từng học quốc gia hành chánh, họ có biết Tố Chân. Không phải nàng có gì nổi bật. Chỉ vì số nữ sinh viên theo học ở cái học viện ấy không nhiều. Vài người còn cho biết khi đi học nàng đã có chồng là sĩ quan quân bưu, vì nhiều hôm người chồng có đưa xe Jeep đến đón cô vợ thai nghén về.

Thôi, xin ngậm ngùi chia vui với em vậy, Tố Chân! Chàng lo ngại không hiểu lúc các bạn họa sĩ đăng báo chia vui nhân lễ cưới hai vợ chồng chàng (báo nào cũng có họa sĩ vẽ tranh hí họa, nên gần như báo nào cũng có đăng), Tố Chân đã lên xe hoa chưa. Chàng bồi hồi xót thương anh chàng họa sĩ trẻ thấp thỏm, bất trắc, phức tạp là chàng thời đó, thành thực ân hận những đổ vỡ gây ra cho cuộc đời người con gái ốm yếu. Chàng không thể biện minh gì được. Muốn biện minh, chàng phải viết cả một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang. Chàng đã bỏ làm thơ từ lâu, và chưa hề thử viết truyện. Làm sao đây? Cho đến hôm nay, lúc chàng ở vào cảnh tuyệt lộ không tìm được lối thoát, lá thư của Tố Chân lại đến. Chàng nhíu mày cố đọc dấu nhật ấn bưu điện. Vẫn Tuy Hòa. Chàng gạt mớ phác thảo bừa bộn trên bàn, đưa lá thư gần ngọn đèn bàn đọc lại lần nữa.

"Đã hơn mười năm qua mà em vẫn chưa quên được mối tình cũ kỹ. Sao suốt hai năm nay không thấy anh triển lãm? Hôm được tin thầy mất, em có gửi lá thư, anh có nhận được không? Hiện em bị bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi. Chúc anh ở lại được hạnh phúc. Em có dặn nhà khi khâm liệm nhớ bỏ theo cho em bức tranh anh vẽ em dạo nọ. Không biết chồng con em có nhớ cho không. Em không hề giận anh. Vĩnh biệt".

Lần này chàng mới chú ý đến chữ THẦY nàng dùng để gọi cha chàng. Chỉ ở vào phút lâm chung, Tố Chân mới vứt hết hờn giận, tự ái, để trở thành cô học trò dốt đại số học lớp đệ tứ A2 thuở xưa.

Nàng tự xem là người vợ đầu tiên của chàng, chẳng những thế, còn lặng lẽ âm thầm cảm tạ người cha đã sẵn sàng nhận nàng làm con dâu khi chưa biết mặt. Lòng hối hận của chàng lại bùng dậy.

Sáng hôm sau chàng nói dối vợ cần vào Đà Nẵng để thu xếp việc bán căn nhà của thầy mẹ ở đường Phan Thanh Giản chia cho anh chị em làm vốn mưu sinh. Vợ chàng nghe nói chuyện này từ lâu nên không ngờ vực gì. Nàng chỉ dặn:

- Anh liệu về sớm. Nhớ đừng theo bạn cũ lên chợ Cồn nhậu nhẹt. Em Chúa ghét đàn ông say rượu. Anh nhớ... nhớ...

Nàng dặn dò chàng đủ điều phải nhớ, từ vài lọn tré ở gần ga cho đến cây tăm mang theo để khỏi phải dùng tăm hàng chưa nấu chín sát trùng ở các quán. Nàng dặn gì chàng cũng gật. Chàng đi nhằm chuyến xe có bác tài già quá cẩn thận. Đường mưa trơn ướt, xe bò lên đèo Hải Vân như con rùa ì ạch lê cái mu nặng. Lên đến trạm gác trên đỉnh lại phải đậu chờ gần hai tiếng đồng hồ nhường đường cho một đoàn công voa. Về đến Đà Nẵng đã quá l giờ chiều. Xe đi thẳng Tuy Hòa đã xuất bến từ 7 giờ sáng. Chàng nóng ruột mua vé xe đi Quảng Ngãi. Lâu lâu, chàng lấy thư Tố Chân ra đọc lại. Thư không ghi ngày, dấu nhật ấn bưu điện hơi nhòe nhưng dùng hết cách suy đoán, cuối cùng chàng xác định được ngày 13 tháng 9. Nhẩm tính đến hôm nay, đã l4 ngày qua. Liệu chàng vào Tuy Hòa còn kịp không? Chàng giả thuyết nhiều trường hợp và cách xử trí của chàng trong các trường hợp ấy. Nếu nàng vẫn còn sống? (Mà sao lại không? Chàng nghe nói những người hấp hối còn mối hận nào đó thường chưa chịu trút hơi thở cuối cùng nếu chưa thỏa nguyện). Nếu nàng còn sống, tất nhiên chàng phải tìm nàng ở bệnh viện Tuy Hòa. Chàng tự tin với vài lời khéo léo và một bao thuốc thơm, bác gác dan sẽ vào văn phòng tìm giùm phòng bệnh Tố Chân nằm. Chàng không thể đường hoàng vào thăm, vì sợ gặp mặt chồng con Tố Chân. Chàng không muốn gây cho nàng tai tiếng trước khi lìa đời. Chàng sẽ kiên nhẫn chờ ở đâu đó. Khi chồng con nàng vừa ra về, chàng sẽ len lén lách qua cửa phòng bệnh, đến bên giường nàng khẽ gọi: Maria Tố Chân. Chàng cố dằn lòng để dừng lại đó, không dám tưởng tượng tiếp những gì sẽ xảy ra. Nếu nàng vừa chết, và chàng chỉ vừa vào kịp để dự lễ tang? Chàng còn gì khác để làm việc lặng lẽ nối đuôi đám tang, lặng lẽ khóc thầm để đưa nàng ra mộ. Chàng cũng sẽ chờ mọi người về hết rồi mới đến xin lỗi nàng, đọc lại cho nàng nghe bài thơ đầu tiên, cố gắng giải thích cho nàng hiểu tâm trạng phức tạp rối rắm của chàng lúc ấy. Chàng sẽ cảm ơn câu ngắn đầy hào hiệp trong lá thư vĩnh biệt: "Em không hề giận anh". Chàng sẽ nhắc lại niềm xúc động của chàng khi ngắm hai thiên thần áo trắng đi ban phát lòng từ ái khắp các ngôi mộ lạnh thuở xưa. Chàng không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng thuộc vài đoạn cầu kinh để cầu cho linh hồn nàng an lạc. "Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa.. xin vì lòng nhân từ Chúa cho linh hồn Maria được nghỉ yên muôn đời. và được hưởng ánh sáng nghìn thu..."

Chàng thuê ghế bố ngủ ngay tại bến xe Quảng Ngãi để sáng hôm sau đi chuyến xe tài l khởi hành lúc 4 giờ sáng về Tuy Hòa. Chàng may mắn gặp chiếc xe tốt, tài xế trẻ tuổi chạy bạt mạng nên khoảng 3 giờ chiều hôm ấy chàng đến Tuy Hòa. Bước ra khỏi bến xe cạnh quốc lộ, chàng mới thấy cuộc tìm kiếm của chàng vô vọng. Tìm một người hấp hối qua địa chỉ in nhòe của dấu bưu điện và một lý lịch thu góp qua lời đồn đãi? Chàng thấy thương hại con người hăm hở là chàng ở bến xe Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi! Nhiều bác phu xích lô đến mời chàng. Chàng do dự chưa biết về đâu, phác tay nói dối rằng nhà chàng ở gần. Đi bộ được một quãng, chàng lại tin tưởng. Phải! Nàng học quốc gia hành chánh, ngạch tham sự, như vậy chỉ cần xuống tòa tỉnh Phú Yên hỏi thăm phòng nhân viên là biết. Chàng hăm hở thuê xe Honda thồ xuống tòa hành chánh. Hai ba nhân viên tòa tỉnh chàng gặp đầu tiên lắc đầu không biết Tố Chân là ai. Chàng hỏi thêm vài người. Họ đi hỏi bạn bè một lúc lâu, rồi mới quay ra bảo:

- Ở đây không có ông phó đốc sự nào tên là Trân cả.

Chàng vội cải chính:

- Xin lỗi bác lầm rồi. Tôi muốn hỏi bà Chân. C.H.Â.N. chứ không phải Trân. Tố Chân, tham sự hành chánh làm việc ở đây từ mấy năm nay.

Bác công chức già ngơ ngẩn một lúc, rồi nói lơ mơ:

- Có lẽ bà Chân trước làm ở phòng hành chánh.

- Vâng, đúng rồi. Tố Chân. Maria Tố Chân.

- Có phải cái bà ôm ốm hay bệnh.

- Vâng, đúng lắm. Có phải...

Chàng không dám hỏi hết câu. Bác công chức liếc qua đôi kính lão thấy nét mặt chàng thảng thốt quá, tuy chưa hiểu tại sao nhưng vẫn xúc động, chịu khó chạy đi vào trong hỏi giúp chàng. Chàng chờ đợi như chờ cả thế kỷ. Bác trở ra vui mừng bảo:

- Phải. Ở đây có bà tham sự tên Tố Chân. Nhưng...

- Nhưng thế nào ạ?

- Nhưng hết làm ở tòa tỉnh lâu rồi. Bà ấy sức khỏe kém không xông xáo được như mấy cậu phó đốc sự, nên đã xin chuyển qua làm bên hội đồng tỉnh. Nghe đâu...

- Nghe sao ạ?

- Nghe đâu bà ấy xin nghỉ dài hạn không lương. Ông thử qua bên hội đồng tỉnh hỏi xem.

Chàng vừa hy vọng vừa thất vọng. Chàng đã tìm ra tông tích Tố Chân. Nhưng nàng còn sống hay đã chết, chàng chưa biết được. Nhìn đồng hồ, đã 3g45 chiều. Nhiều công chức sửa soạn giấy tờ, xếp đặt lại cho vào tủ, để chuẩn bị ra về. Chàng thuê xe thồ giục chạy nhanh lên hội đồng tỉnh. Cơ quan đại diện cho dân đóng ở một ngôi nhà gần chợ, loại nhà liên dây dùng làm cửa hàng buôn bán có một tầng lầu, bên dưới có cửa sắt kéo. Một phía cửa sắt đã khép, một phía kéo hờ vừa đủ cho hai người đi, bên ngoài che bằng một tấm che gió bằng dây nhựa đan. Nếu không có tấm bảng đề Hội Đồng Tỉnh Phú Yên treo trước cửa, chàng đã tưởng mình lầm địa chỉ. Cơ quan vắng vẻ quá, chàng lo sợ đã đến quá trễ. Chàng hồi hộp gõ cửa. May quá, bên trong còn có tiếng máy chữ lách tách. Không nghe ai trả lời, chàng bạo dạn bước vào.

Chàng sững sờ, vui mừng đến kinh ngạc. Maria Tố Chân còn ngồi đó, dáng nhu mì mệt nhọc y như đêm nàng tiễn chàng trên ga Nha Trang hơn 10 năm trước. Nàng ngồi ở cái bàn gỗ tạp đối diện với cô thư ký đang đánh máy, mặc áo dài màu hồng nhạt. Chàng đứng ở cửa không dám tiến thêm bước nữa. Còn Tố Chân vì chóa nắng và vì bị cận thị (chàng nhớ thuở quen chàng, nàng đã mang kính 2 dioptries) nên có lẽ chưa nhận ra chàng. Chàng nghẹn lời không nói được tiếng nào. Tố Chân thì ngơ ngác hỏi:

- Ông tìm ai?

Chàng tiến thêm hai bước nữa. Cô thư ký đánh máy dừng công việc tò mò quan sát hai người. Chàng bắt đầu lo ngại. Nếu không khéo, chàng có thể làm hại đến thanh danh và hạnh phúc gia đình nàng. Chàng làm đổ vỡ đời nàng một lần, đủ rồi. Đúng lúc đó, Tố Chân nhận ra chàng. Lúc nàng còn bàng hoàng chết lịm vì bất ngờ, chàng đã nhanh trí nói:

- Tôi là anh của Tưởng Dung, bà còn nhớ không? Em gái tôi biết tôi có công chuyện đi ngang qua Tuy Hòa, nên gửi cho bà một lá thư. Tôi có làm phiền bà lắm không?

Tố Chân hơi bất ngờ lúc nghe lời lẽ chàng. Nhưng trong một thoáng, nàng hiểu nói như vậy là cần thiết. Nàng lễ phép đứng dậy vồn vã vừa phải, khi đáp:

- Thế à? Quí hóa quá! À phải rồi, có phải anh Thiệu không? Hồi còn đi học, tôi vẫn nghe Tưởng Dung nhắc đến anh luôn. Anh ghé Tuy Hòa được bao lâu?

Chàng cố bi thảm hóa:

- Việc gấp quá. Ngày mai tôi phải vào Sài gòn. Nếu gặp chuyến, có thể ngay chiều nay tôi đi cũng chưa biết chừng.

Quả nhiên nét mặt Tố Chân hơi lo âu khi hỏi cô thư ký:

- Mấy giờ rồi em?

- Bốn giờ mười phút rồi chị.

- Thôi em lo xếp hồ sơ rồi còn về. Chị phải về sớm để lo cơm nước cho thằng CoCa. Nhà chỉ có hai mẹ con, bỏ nó một mình, chị ngại quá.

Rồi quay về phía chàng, Tố Chân nói:

- Có bận đến mấy, thế nào anh cũng thu xếp để ghé nhà tôi một lát. Gần đây thôi. Lâu nay không được thư từ gì của Tưởng Dung cả, tôi sốt ruột lắm. Hôm trước tôi có gửi cho nó lá thư, không biết có nhận được không?

Chàng vui mừng đáp:

- Nghe em nó nói có đấy. Nhờ thế tôi mới biết bà còn làm việc ở Tuy Hòa.

Nàng mỉm cười không nói gì nữa, lo xếp dọn hồ sơ, khóa tủ lại, rồi xách cái xắc da mầu vàng đi ra cửa. Chàng vội bước theo. Vẫn cái dáng đi khoan thai hơi lê bàn chân trên mặt đường y như trước.

Chờ cô thư ký khóa cửa sắt ra về, nàng mới thì thào hỏi:

- Anh nhận được thư em hồi nào?

Chàng nuốt nước miếng, dằn xúc động đáp:

- Chiều hôm kia. Sáng hôm qua đi suốt ngày tới được Quảng Ngãi. Ngủ ở bến xe, bốn giờ sáng khởi hành. May quá, đến đây còn kịp giờ công sở.

Nàng đỏ mặt vì vui sướng. Chỉ cần một câu ấy thôi, nàng có thể quên hết bao nhiêu năm cay đắng đã qua. Tố Chân di di đầu guốc lên nền thềm xi măng không nói gì. Chàng nói:

- Nghe tin em mệt nặng, anh cứ lo không kịp...

Nàng ngước lên cười buồn:

- Em đã tưởng không qua khỏi. Gửi thư cho bác y công đem đi rồi, em vừa hối vừa lo.

Chàng hiểu nàng muốn nói gì, nhưng cứ hỏi:

- Vì sao vừa hối vừa lo?

Tố Chân lại di di chiếc guốc, đáp nhỏ:

- Em chỉ sợ bác ấy quên không gửi giùm.

Chàng cười:

- Hèn chi tem dán cái xuôi cái ngược. Em đã khỏe hẳn rồi chứ? Bị bệnh gì nặng không?

Nàng bối rồi, ngập ngừng một lúc, rồi đáp:

- Em bị sẩy thai, sau đó băng huyết dữ vào lúc quá yếu.

Chàng khựng người, ngước lên chăm chú nhìn nàng, hơi xót xa. Bây giờ chàng mới nhớ nàng đã có một đời sống riêng, kể cả chuyện phòng the giữa vợ chồng. Đoán được tâm trạng chàng, Tố Chân vội nói:

- Anh về nhà em đã. Cứ kêu xe thồ bảo chở đến quân bưu. Em đi cyclo qua nhà chị bạn đem cháu về. Nếu em chưa về kịp, anh chịu khó đợi một chút. Một lần nữa chàng khựng lại. Chồng nàng làm ở quân bưu thật. Qua những câu nói khéo, chàng biết ông ấy đi vắng. Và một lần nữa, chàng lại xót xa. Chàng đến khu nhà tiền chế của trạm quân bưu lúc Tố Chân chưa chở con về kịp. Cửa các nhà khu gia binh đều mở, trừ một cánh cửa khóa ở dãy phía tay trái. Chàng đã đoán không lầm. Đúng là nhà nàng. Đứa con nàng dẫn về lên 4 thật kháu khỉnh, mạnh khỏe khác hẳn mẹ. Chàng vuốt tóc làm thân với nó. Sợ mẹ, nó để yên cho chàng vuốt ve một lúc, rồi gỡ tay chàng ra, đến nép sau tà áo hồng của mẹ. Nàng dẫn chàng theo cái dốc thấp lên chỗ cánh cửa khóa. Gió thổi hất tà áo hồng về phía chàng. Thoang thoảng mùi băng phiến! Chàng định nhắc lại kỷ niệm cũ, nhưng nhớ đến cảnh ngộ hàm hồ khác thường, chàng cho như thế là đi quá mức cần thiết. Tố Chân đã được sống sót, và phải trở lại chịu đựng những ràng buộc cũ. Chàng không được quên điều ấy!

Bên trong căn nhà thật trống trải: một bộ bàn ghế sắt hàn từ những mảnh lót sân bay, hai chiếc giường nhà binh kê cạnh nhau, cái nôi đã không cần thiết bị rỉ chỗ lót tã, đồ nấu bếp, cái tủ quần áo bằng tôn đựng hồ sơ ở các văn phòng.

Không có thứ gì riêng tư và trường cửu, như đời sống tạm bợ của các gia đình quân đội. Thằng CoCa mãi chơi bi một mình nên mẹ nó được thong dong ngồi tiếp chuyện chàng.

Tố Chân hỏi:

- Anh còn vẽ nhiều không?

Chàng chưa đáp vội, nhìn quanh tìm bức tranh thiếu nữ xoay lưng với môn đại số. Nàng hiểu, cảm động run run nói:

- Em đã gửi nhờ con em giữ hộ.

- Tại bố thằng bé không thích?

- Không phải thế. Nhưng...

- Nhưng thế nào?

- Anh không hiểu em đâu.

Chàng ngước lên cố đoán xem nàng đang nghĩ gì. Hai người nhớ lại chuyện cũ nên bùi ngùi im lặng. Một lát, chàng hỏi:

- Anh mong em hiểu anh. Hồi ấy...

Tố Chân cướp lời:

- Em hiểu anh chứ. Ban đầu em ngơ ngác, đau xót. Nhưng sau đó em hiểu. Nếu không...

Nàng dừng lại. Chàng chờ thật lâu, nàng mới tiếp:

- Nếu không, em đã không viết thư. Em không muốn anh áy náy về em.

Chàng cảm động, nhìn đôi bàn tay gầy đặt trước mặt đang cuống quít đan nhau, muốn nắm lấy để cảm ơn nàng, nhưng không dám. Chàng sống lại y cái thời e ấp cũ. Muốn dằn xúc động, chàng hỏi:

- Sao em biết được tin thầy mất?

Nàng chớp mắt, cười ranh mãnh:

- Anh nổi tiếng quá; có chuyện vui buồn gì, ai cũng được chia sẻ. Em biết nhờ đọc báo.

- Cảm ơn em. Nhất định là thầy được lên "miền lạc phúc" rồi!.

Nàng giật mình, ngước nhìn chàng hồi lâu. Không chịu đựng được cái nhìn đầy ngụ ý, nàng quay mặt đi, nói sang chuyện khác:

- Anh biết không? Em được gặp thầy rồi!

Chàng kinh ngạc hỏi:

- Hồi nào? .

- Hồi đó. Chính thầy vào Nha Trang thăm chú thím. Em vô tình qua thăm Tưởng Dung, thoáng gặp thầy, đã biết là ai liền. Sao đôi mắt của anh giống đôi mắt thầy thế. Nhưng thầy hiền hơn!

Họ lượn lờ quanh chuyện cũ, và cùng hưởng lại cái thú đau thương của những kẻ vừa qua được cơn vật vã đứng nhìn nỗi hiểm nguy với lòng thanh thản. Họ không đả động gì tới hai người thân vắng mặt, cũng không có chút mặc cảm tội lỗi nào. Chàng xin lỗi không dám tin còn gặp lại nàng nên không mua quà cho cháu.

Nàng hỏi thăm các con chàng. Chàng đưa cho nàng xem hình đứa con trai út bằng tuổi thằng CoCa. Nàng khen cháu dễ thương, nhất là đôi mắt nồng nàn. Câu chuyện vẫn lan man nhát gừng chẳng khác mấy với các câu chuyện cũ; chỉ khác một điều là bây giờ, trừ những lúc chới với tưởng sắp vĩnh biệt cõi đời, họ không còn có thể bổ khuyết chỗ thiếu sót lúc gặp nhau bằng những lá thư dài khi xa nhau.

Sau ngày mất nước, họ lại bặt tin nhau. Chàng mong ước gia đình Tố Chân may mắn vượt qua các bất trắc của buổi giao thời. Và chàng tin rằng, cho đến lúc này, nàng vẫn còn chịu đựng can đảm các hệ lụy của cuộc sống mới. Nàng chưa tuyệt vọng. Nếu tuyệt vọng "sợ không qua khỏi", thế nào chàng cũng nhận được một lá thư khác, dù chàng lưu lạc đến bất cứ phương trời nào.


Nguyễn Mộng Giác
Reply