2022-07-25, 04:07 AM
Là một người lính, giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa, là người coi như tạo rường cột cho sự phát triển của không lực Việt Nam những thời kỳ sau, là một nhà văn có tác phẩm đoạt giải văn chương toàn quốc với tác phẩm Đời Phi Công, một cuốn sách đã lôi cuốn giới thanh niên tuổi trẻ Việt Nam trong ước vọng làm cánh chim bay bổng trên trời cao và giới trẻ đã nô nức gia nhập không lực, Nguyễn Xuân Vinh là một tác giả đa diện. Với tấm lòng yêu đất nước biểu lộ qua những trang sách và những bài báo, chân dung lãng mạn của một chiến sĩ và một văn thi sĩ đã kết tinh từ những nét nghệ thuật tiêu biểu; giữa thực tế và mộng tưởng, giữa tri và hành đã tạo thành một mẫu chân dung có thể biểu tượng cho một thế hệ Việt Nam: Nguyễn Xuân Vinh.
Bên cạnh một Nguyễn Xuân Vinh nhà văn còn có một Nguyễn Xuân Vinh khoa học gia và một nhà giáo dục có những đóng góp và thành tựu đáng kể trên bình diện hoàn vũ. Là một toán học gia, đã tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng trên thế giới của Pháp và Hoa Kỳ, có nhiều công trình khoa học về kỹ nghệ hàng không và không gian cũng như Toán học áp dụng. Là một nhà giáo dục nổi tiếng, có cả ngàn học trò thành đạt trong suốt cuộc đời dạy học và là một giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học tiếng tăm trên thế giới và hiện nay là Professor Emeritus of Aerospace Engineering của đại học Hoa Kỳ rất nổi tiếng Michigan. Với hàng trăm bài viết được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành về toán, về khí động lực học, về quỹ đạo không gian và nhiều cuốn sách giáo khoa chuyên ngành về các lãnh vực trên và những tác phẩm văn học như Gương Danh Tướng, Đời Phi Công, Theo Ánh Tinh Cầu, Tìm Nhau Từ Thuở và gần đây nhất, Vui Đời Toán Học, con người lãng mạn của văn chương và con người thuần lý của khoa học đã hòa hợp với nhau để tạo thành một chân dung đặc biệt.
Nhà Văn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh có lúc tâm sự : “Những người Việt ở thế hệ của tôi đã trải qua nhiều biến chuyển của đất nước nên ai cũng có nhiều thay đổi trong đời sống. Với tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ mình xuất thân là một quân nhân trong Quân Lực ViệtNam Cộng Hòa vì tôi đã có mười bốn năm trong quân ngũ. Tính theo thâm niên nhập ngũ các chiến hữu thường gọi tôi là niên trưởng đôi khi trong lúc giới thiệu họ nói thêm tôi là cựu Tư lệnh không quân VNCH vì đó là chức vụ cuối cùng của tôi trong quân đội. Với những người ngoại quốc mà tôi thường tiếp xúc ở khắp năm châu, họ biết đến tôi là một giáo sư môn khoa học hàng không và không gian tại đại học Michigan. Đó cũng là chức vụ vĩnh viễn khi tôi được đại học này phong tặng khi mãn nhiệm giáo dục vào năm 1999.”
Theo tác giả Đời Phi Công, thì ông ở trong lớp thanh niên sinh viên đầu tiên được gọi nhập ngũ vào năm 1951. Lúc đó ông đã học xong một phần của chương trình cử nhân toán học nên cũng có ý nghĩ bình thường là khi xong nghĩa vụ quân sự thì sẽ trở về đời sống dân sự để làm một thày giáo dạy toán bậc trung học. Nhưng sau khi được nghe Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh, lúc đó đang giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, đến trường Võ Bị Thủ Đức nói với các sinh viên sĩ quan là sẽ ở trong quân đội vô thời hạn. Tướng Hinh trước là sĩ quan Không quân của Pháp chuyển sang và cũng đã tốt nghiệp ở trường Sĩ Quan Không Quân Pháp ở Salon de Provence nên khi sinh viên sĩ quan Nguyễn Xuân Vinh thấy có khóa thi vào trường này nên nộp đơn để dự cuộc thi tuyển ngay và đỗ đầu trong một danh sách 5 người được chọn qua Pháp học. Khóa này có hai người không đủ điều kiện để phi hành nên theo học lớp sĩ quan kỹ sư cơ khí. Còn lại ba người theo học khóa sĩ quan phi hành thì có một người bị loại vì khả năng phi hành, trở về nước và sau học thành bác sĩ y khoa. Những bạn đồng khóa người Pháp tốt nghiệp ở Salon cùng khóa phần đông trở thành tướng trong Không Lực Pháp. Còn ở Không Quân VNCH, những sĩ quan tốt nghiệp trường Salon De Provence đều trở thành những cấp chỉ huy rường cột của Không lực Việt Nam.
* Đời Phi Công
Tác phẩm Đời Phi Công được viết xong vào khoảng năm 1960 gồm có những bức thư kể về đời sống của một chiến sĩ Không Quân, từ lúc bắt đầu là một sinh viên sĩ quan cho đến lúc thi hành những phi vụ hành quânở đơn vị. Tác phẩm viết về những khung trời bao la của người phi công, mở ra những cõi tâm tình bát ngát vừa hào hùng vừa lãng mạn. Lúc viết Đời Phi Công thì tác giả đang là Tư lệnh Không quân và chịu trách nhiệm tổ chức và bành trướng Không Lực và nghĩ mình sẽ theo đuổi binh nghiệp đến cuối đời với cả tâm huyết. Cuốn sách của ông đã có ảnh hưởng rất mạnh vào các lớp thanh niên tuổi trẻ lúc đó. Hình ảnh người phi công trở thành một biểu tượng của thời đại đầy nét hấp dẫn với tuổi trẻ. Những bức thư gửi cho người tình tên Phượng đã thành những ấp ủ trong mộng của cả một thế hệ thanh niên.
Đời Phi Công không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được chú ý ở ngoại quốc như năm 1961 đã được giới thiệu trên báo Pháp Le Journal d’Extrême-Orient hay sau này được dịch đăng một phần trên báo Denver Post nhan đề The Eagle’s Wing. Có người cho rằng tác giả Đời Phi Công chịu ảnh hưởng của nhà văn Pháp Saint-Exupéry khi viết tác phẩm này. Sự thực, tuy cùng viết về chủ đề người phi công nhưng so ra ở nội dung, từ nhân vật đến suy tư, từ môi trường không gian đến tâm tư tình cảm, đều khác nhau. Đất nước, thời thế, không gian và con người của Đời Phi Công khác xa với Vol De Nuit, Pilote De Guerre.
Có người tò mò hỏi tác giả là nhân vật Phượng có thực trong đời thường của tác giả không thì ông trả lời : “Trong nền văn học thế giới, kể cả Việt Nam, có những tác phẩm mà người đọc, sau khi bỏ sách xuống đã bâng khuâng tự hỏi phải chăng đây là việc thật xảy ra với những người thật. Đọc Les Miserables của Victor Hugo người ta như sống với những nhân vật trong truyện. Trong những tác phẩm thật chọn lọc của Tự Lực Văn Đoàn, khi đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng ta cũng có thể nghĩ chú tiểu Lan là mẫu người có thực. Theo tôi nghĩ thì nhà văn khi tạo dựng một tác phẩm, nếu tả đúng tâm lý của những nhân vật trong truyện và trong một khung cảnh hiện thực thì đó là bí quyết để thành công khi viết sách để cho người đọc như đang theo dõi một câu chuyện đời có thực. Trường hợp tôi viết Đời Phi Công cũng như vậy, tôi cố tạo ra những hình ảnh đẹp là mẫu mực của thanh niên ở thế hệ tôi. Nhiều thanh niên học sinh đọc sách đã thầm ước mình là người trong truyện.”
Đời Phi Công là những bức thư của một chàng thanh niên vừa xếp bút nghiên theo việc đao cung gửi cho người bạn gái đã mang tính chất thời đại của một mẫu người tuổi trẻ thật nhiều lý tưởng. Cuốn sách đã tạo nhiều ảnh hưởng, được tái bản nhiều lần và hàng ngàn người trai trẻ nô nức gia nhập Không Lực để thực hiện lý tưởng và hoài bão của mình trong thời chiến tranh khốc liệt về sau. Cùng một lúc với sự phát triển của không quân Việt Nam bào những năm 1960, rất nhiều thanh niên đã theo tiếng gọi của Tổ Quốc Không Gian gia nhập quân chủng. Nhiều sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cũng xin chuyển về phục vụ Không quân.
Nhưng, Nguyễn Xuân Vinh ngoài công việc viết văn còn là một nhà khoa học. Như vậy toán học và văn chương có gì đối nghịch với nhau không thì chính tác giả Đời Phi Công đã giải bày: “Đã có nhiều người hỏi tôi câu này vì thấy tôi là giáo sư Toán mà lại viết văn làm thơ. Có một lần tôi trả lời một câu hỏi tương tự của Phiến Đan là một nữ phóng viên ở Úc Châu tôi đã nói thực là những việc tôi làm không có gì mâu thuẫn nhau và phương cách thực hiện cũng không có gì là nghịch lý cả. Đọc trong văn học sử thế giới chúng ta thấy có nhiều nhà bác học lừng danh họ chơi nhạc để giải trí, như trong thế kỷ vừa qua ta thấy toán học gia Jean Dieudonné chơi dương cầm, còn thủy tổ thuyết tương đối là nhà bác học Albert Einstein thì kéo vĩ cầm để thư dãn. Riêng tôi thì viết văn hay làm thơ cũng là một cách giải tỏa tinh thần cho bớt bị căng thẳng bởi những công việc hàng ngày. Vả chăng, trong ngành chuyên môn của tôi, bí quyết để tìm ra những quĩ đạo tối ưu là biết cách dung hòa những điều kiện đối nghịch nhau để tìm ra lời giải thích nghi nhất. Có một chân lý mà ít người nhận thấy là từ những gì tương phản nhau mà có thể nẩy sinh ra hương sắc tuyệt vời. Tôi lấy một thí dụ là mấy câu thơ cụ Nguyễn Du viết để tả tiếng đàn của Thúy Kiều, nhà thơ đã dùng những câu đối nghịch nhau để người đọc tự tìm ra vẻ đẹp trong nhạc tính:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Cụ Nguyễn Du dùng những chữ trong và đục, khoan và mau thật đối nghịch nhau mà tả ra tiếng đàn thật là tuyệt vời. Tôi nghĩ tả như thế này nhà thơ cũng dựa vào một bài thơ chữ Hán có những hình ảnh tương tự.”
Trong cuộc đời của Nhà Văn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, sống đời quân ngũ hay là một khoa học gia cũng cần một sự đòi hỏi là để hết tâm trí vào công việc. Người phi công khu trục hay trực thăng khi bay trong vòm trời lửa đạn, hoặc người phi công vận tải bay trong thời tiết mịt mù, cần phải triệt để chú ý vào công việc của mình không thể để những sơ hở xảy ra. Nhà khoa học cũng thế, khi nghiên cứu một vấn đề gì hay giải một bài toán hóc hiểm thường tận dụng khả năng và thì giờ. Chỉ khi nào xong một phần nhiệm vụ mới nghĩ đến thơ văn. Thành ra, với ông, phương diện chuyên môn và phương diện văn chương không cân bằng nhau dù rằng ông đa mang nhiều nghiệp “nghiệp bay, nghiệp giáo và nghiệp văn”. Nghiệp nào cũng nặng nề gánh vác trong suốt cả cuộc đời.
* Tìm Nhau Từ Thuở
Trong những năm sống xa quê hương, ông được đi đến nhiều quốc gia và thăm viếng nhiều nơi nên đã viết một loạt những bài ký sự hay tùy bút bộc lộ tâm tư cảm nghĩ của mình với chủ đích hướng về đất nước và mong mỏi giới trẻ Việt nam ở hải ngoại đạt được nhiều thành tích vẻ vang cho dân tộc. Những bài viết này được in thành tập Theo Ánh Tinh Cầu. Sau đó ông viết những truyện ngắn về những mối tình thời đại đăng trên báo chí và được nhiều người theo dõi thích thú, trong đó có nhà văn Đỗ Tiến Đức khuyến khích và tạo cảm hứng để từ những truyện ngắn này viết thành truyện dài Tìm Nhau Từ Thuở, một chuyện tình của đôi nam nữ trải qua những sóng gió của một thời đại loạn ly Việt Nam.
Thời gian câu chuyện là những ngày tháng kế cận trước và sau năm 1975. Không gian bao trùm từ những chuyển biến của đất nước trong thời điểm này. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong bài tựa đã phát biểu rằng Tìm Nhau Từ Thuở nêu ra một chủ đề là tuổi trẻ hiện nay phải chọn lựa giữa căn bản văn hóa Đông Phương và văn hóa nhiễm mùi hiện sinh của Tây Phương. Nhưng theo tác giả Nguyễn Xuân Vinh thì sự chọn lựa của giới trẻ Việt nam hiện nay không hẳn chỉ giữa hai nền văn hóa đông và tây thật cách biệt nhau. Trong giữa hai đối nghịch cũng có những khoảng dung hòa có thể chấp nhận được. Lý tưởng ra thì là mong ước các bạn trẻ sống ở hải ngoại phải cố gắng tranh đua sao cho bằng người mà vẫn giữ được bản sắc đạo đức của giống nòi Hồng Lạc.
Phong là nhân vật chính của Tìm Nhau Từ Thuở là một chuyên gia tốt nghiệp từ một trường cao đẳng danh tiếng ở Pháp. Phương Vân là em của người bạn thân với Phong đã yêu chàng trong tâm tình của một nữ sinh hiền thục ở tuổi trăng tròn. Mối tình thật đẹp có nét cao thượng của những mảnh đời lý tưởng gặp nhau. Sau này hai người xa nhau và có những lá thư trao đổi tâm tình thương nhớ. Văn phong nhẹ nhàng, lời văn như có hơi thơ quyện vào. Về Tìm Nhau Từ Thuở, tác giả cho biết : “Cuốn sách này tôi viết ba năm mới xong gồm 14 chương. Tuy diễn tiến của cuộc tình theo với thời gian đã được giàn trải trước nhưng có khi vài tuần lễ tôi mới viết được một đoạn như là một câu truyện ngắn nói về liên hệ giữa hai người. Chẳng hạn trong một chương sách có tiêu đề là Thiên Nga tôi chỉ kể câu chuyện nhân dịp lễ Valentine anh chàng Phong tìm mua được một con thiên nga bằng pha lê để gửi kịp ngày 14 tháng 2 cho cô bé mang ra trường khoe với lũ bạn luôn luôn tọc mạch. Bài viết cũng khá dài gồm nhiều chi tiết làm người đọc thấy thích thú. Mỗi chương sách tôi thường viết một mạch không cần sửa chữa hay thêm bớt. Trong khoảng thời gian đó tôi tưởng tượng mình như có liên hệ với những người trong truyện nên có độc giả đã nghĩ rằng tôi kể chuyện đời mình.”
Trả lời câu hỏi sáng tạo toán học và sáng tạo văn chương có gì giống nhau? Nguyễn Xuân Vinh cho biết : “Sáng tạo thơ văn không có gì giới hạn, nói theo tiền nhân thì “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp/ trong thú yên hà cuộc tỉnh say”, muốn viết sao cũng được miễn là bộc lộ được ý tưởng của mình muốn truyền đến cho người đọc. Nhưng sáng tạo toán học phải dùng hoàn toàn luận lý thật chặt chẽ tuy đôi khi vẫn phải pha một chút tưởng tượng không bình thường. Một thí dụ, tuy không thực tế lắm, là một phi thuyền đang bay trên một quỹ đạo vòng tròn trái đất, mà giờ ta muốn quay ngược chiều nghĩa là đổi hướng bay180 độ. Như thế, theo ý nghĩ thông thường thì phải hãm vận tốc lại thành số không rồi lại tăng tốc độ thành như cũ nhưng đổi ngược chiều, thật vừa tốn kém nhiên liệu lại vừa gây ra một độ gia tốc quá đáng có ảnh hưởng tai hại đến phi thuyền và phi hành đoàn nếu có. Lời giải đoán thật đúng là làm sao vận hành cho đỡ tốn nhiên liệu là phải tăng tốc độ cùng chiều, nghĩa là thay vì quay ngược chiều ngay lập tức, lại phải tiến tới. Vận động này chỉ tốn thêm một ít nhiên liệu nhưng sẽ làm cho phi thuyền vượt khỏi trọng trường của trái đất và bay đi thật xa. Ở khoảng cách xa, lấy thí dụ là khoảng cách chừng mười lần bán kính quỹ đạo, vận tốc của phi thuyền sẽ rất nhỏ, giống như ta tung một quả bóng lên cao lên tận cùng rồi muốn rơi trở lại. Lúc đó chỉ cần tạo ra một lực nhỏ để cho phi thuyền bay trở lại nhưng lần này ngược với hướng bay trước. Khi tới vị trí cũ thì tốc độ trở lại bằng lúc mới đầu khởi hành nhưng lần này phi thuyền đi ngược chiều và chỉ cần hãm tốc độ lại vừa đủ đi vào quỹ đạo tròn là htực hiện được phép đổi hướng 180 độ. Chi phí về nhiên liệu. Một lần tăng lên và một lần giảm đi, cả hai lần đều bằng nhau theo tính chất đối xứng của quỹ đạo và tương đối nhỏ, Đấy là ý kiến đưa ra nhưng sau đó phải dùng phép tính thật chính xác để xem tất cả những điều tiện lợi, như tiết kiệm nhiên liệu, bớt độ gia tốc và những điều hại như kéo dài thời gian vận chuyển vân... vân.”
* Vui Đời Toán Học
Đọc Vui Đời Toán Học, độc giả dường như tan biến hết những cảm giác tiền chế như toán học khô khan và chỉ là lý thuyết ít gần gũi đời sống cụ thể. Một toán học gia, giáo sư Kiều Tiến Dũng cũng là người say mê văn chương đã nhận xét: “... Có người cho rằng toán học thuộc phần lý luận nên không thể đi đôi với thi văn là phần của tình tự và cảm xúc. Nhưng thật ra cả hai đều có một mẫu số chung ở chỗ chúng đều là công cụ để tìm tòi và diễn đạt những sự thật nào đó. Toán học đi từ những cá thể riêng lẻ để từ đó trừu tượng hóa thành những chân lý chung áp dụng được cho cái tập thể rộng lớn hơn. Trong khi đó nghệ thuật diễn đạt cái chân lý chung cho người thưởng ngoạn có thể cảm nhận được qua chính những cái riêng lẻ và cụ thể. Những khám phá lớn của toán học thường được khởi đầu từ những cảm xúc và khái niệm mơ hồ rồi được lý luận, chứng minh thành một định lý. Ngược lại trong những áng văn, lời thơ, nét vẽ hoặc nốt nhạc có giá trị thì chúng đã phải hàm chứa những cấu trúc luận lý nào đó, còn không thì chúng chỉ là những mớ bòng bong hỗn tạp mà thôi.. Nói cách khác trong khi toán là để gói ghém cái cụ thể thì nghệ thuật là để bóc mở cái trừu tượng. Trong cuốn sách này ngoài những bài viết về cái lý thú và sâu xa của toán học, người đọc cũng sẽ tìm thấy cả những bài của giáo sư Vinh nối kết cái đẹp của toán học và cái gợi cảm của thơ văn. Ông đã bỏ công phu rất nhiều để diễn đạt và đem đến cho người đọc cái đẹp, cái kỳ diệu, cái đa dạng đa dụng của môn toán tưởng chừng như khô khan nhưng thiệt ra rất gợi cảm và không thiếu phần lãng mạn. Lãng mạn như cuộc đời của nhà toán học Galois người Pháp đã chấp nhận hy sinh vào lứa tuổi hai mươi chỉ vì tình cảm dành cho một người con gái, nhưng ông vẫn không quên viết lại trong đêm cuối cùng tất cả những hiểu biết toán học của mình cho hậu thế.”
Trong Vui Đời Toán Học, toán học và văn chương đã gặp nhau từ những toán học gia như Abel, Bourbaki, Lagrange, đến các thi sĩ như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, với những liên tưởng suy tư thú vị vừa có tính lý luận lại vừa có tính thơ mộng. Từ cảm hứng đến thực tế, những vấn đề toán học đã được bóc lần từng lớp vỏ để lộ rõ ra tính nhân bản bất biến của đời sống, trong lãng mạn ngầm chứa những yếu tố của thực tại. Ngay ở lời mở đầu của cuốn sách tác giả đã viết khi vào trung học ông đã thấy yêu thích môn toán học và ao ước được đọc những cuốn sách viết về cuộc đời học toán của những người đi trước. Dĩ nhiên là khoảng thời gian khi ông mới lớn lên sách vở thiếu thốn nên không được đọc những tài liệu đó. Giờ đây ông viết cuốn sách này kể lại những cố gắng của mình trong đời tầm học và mong rằng những chuyên gia khác ở mọi ngành cũng làm tương tự để làm giàu thêm cho tủ sách kiến thức chuyên môn Việt Ngữ. Vui Đời Toán Học là những bài toán, những mẫu chuyện về toán học, những con người làm nên toán học và cả chính cuộc đời của tác giả trong phạm vi văn chương và toán học.
Có ý nghĩ cho rằng các buồn vui trong đời đều có thể đến từ nhiều nơi và một trong những buồn vui sâu xa nhất là vẫn là những gì đến từ việc sáng tạo của mình. Nhà văn Nguyễn XuânVinh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sáng tạo và cuốn sách Vui Đời Toán Học là một phần của những cống hiến ấy.
Nguyễn Mạnh Trinh