Nguồn gốc của chữ "Chệt"
#1
Hồi năm ngoái trong VB có bài nói về chữ "Tàu", nay đăng một bài nghiên cứu về một chữ khác cũng thỉnh thoảng được dùng thay cho chữ Tàu, Hoa.

Tóm tắt cho những ai lười đọc hết bài:
Theo tác giả suy đoán thì người phương Tây gọi người Tàu là "seres", người Việt bắt chước cũng gọi Tàu là "Xẹt", lâu ngày biến dạng ra "Chệt".

**************

TỪ ĐÂU NGƯỜI MÌNH KÊU NGƯỜI TÀU BẰNG "CHỆT" ?

Phan Khôi


Người Việt Nam ta thường kêu người Trung Hoa bằng người Tàu, người Khách, lại cũng kêu bằng Khách ngô, Khách trú, Các chú; – những danh từ ấy đều có lai lịch, đều có thể cắt nghĩa cho thông được. Duy có tiếng “Chệt” hay “Chiệt” – ngoài Bắc nói Chiệc – người mình cũng có dùng mà kêu họ nữa, tiếng nầy thì chẳng biết từ đâu ra, có nghĩa chi?

Có người nói rằng chữ Chệt hay Chiệt đó có lẽ do chữ Chiết mà ra. Bên Tàu có tỉnh Chiết Giang, từ xưa người tỉnh ấy hay sang xứ ta, nên ta kêu người Chiết mà trại ra thành Chiệt hay Chệt.

Đó là nói ước chừng, chẳng có dựa vào bằng chứng đâu cả. Mà cứ theo sự thiệt lại không đúng. Vì tỉnh Chiết Giang ở gần Thượng Hải, về miền bắc Trung Hoa, người tỉnh ấy ít có qua xứ ta lắm; người Tàu sang xứ ta nhiều nhứt là người hai tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến, vậy nếu ta có lấy tên tỉnh mà kêu chung người Trung Hoa thì sao không lấy tên hai tỉnh nầy mà lại lấy tên Chiết Giang?

Ngoài cái thuyết ước chừng mà không có thể nghe được ấy, chưa thấy ai giải thêm một nghĩa nào khác.

Tôi đọc bộ sách Đông Dương sử, thấy có một chỗ nói về cái tên người Tây dùng mà kêu người Tàu đời xưa, thì tôi sực nhớ lại chữ “Chệt” hay chữ “Chiệt” ấy, dường như hai đằng có quan hệ với nhau thì phải. Tôi bèn viết ra đây cho nhà sử học dựa đó mà nghiên cứu, nếu lời tôi có ít nhiều giá trị.

Tôi phỏng định rằng tiếng “Chệt” hay “Chiệt” ấy là do tiếng Tây mà ra. Nói rằng “tiếng Tây” là chỉ về tiếng của một nước trong cõi Âu châu, không biết rõ nước nào, có lẽ là nước La Mã.

Sách Đông Dương sử nói rằng: Về thời đại đế quốc La Mã thì những hàng tơ lụa Trung Hoa, đã đem bán bên Âu châu. Người Tây kêu thứ hàng tơ lụa ấy bằng “Serge“; nhân đó, họ kêu đất Trung Hoa là “Serica” và người Trung Hoa là “Seres.“

Trong chữ “Serge” đó, phần nửa trên (ser là do chữ “tăng nhi” ( 繒 兒 ) của Tàu mà ra; phần nửa dưới (ge) là cái ngữ vĩ (terminaison) của Tây thêm vào. Còn “Serica” nghĩa là xứ đất sinh sản ra thứ “ser” ấy.

(Tiếng Pháp bây giờ cũng có chữ “Serge” để kêu một thứ hàng dệt, song hàng nầy bằng lông không phải tơ).

Nếu vậy thì đời xưa vào khoảng trước và sau Giáng sinh, người phương Tây kêu người Trung Hoa là “Seres” chớ không phải bằng “Chinois” như bây giờ. Chữ “Seres” ấy mà đọc mau thì gần như “xẹt” của tiếng ta, và “xẹt” thì có thể chuyển sang “Chệt” hay “Chiệt” dễ lắm.

Lại tại làm sao mà chữ “Seres” của Tây dùng mà kêu người Tàu đó lại truyền sang xứ ta được? Cũng theo Đông Dương sử, có chép những sự tích như vầy:

Năm 162 sau Giáng sinh, người La Mã chiếm được miếng đất của Vịnh Ba Tư, bèn do đó đi vòng Ấn Độ Dương thẳng đến biển Trung hoa. Vị sứ thần của La Mã sai qua đó đi đã mấy năm mới đến Giao Chỉ. Theo như sách Hán thơ chép, thì năm thứ chín hiệu Diên Hy, đời vua Hán Hoàn đế, vua nước Đại Tần (Đại Tần tức là La Mã) sai sứ đến Nhựt Nam dâng những ngà voi, u tây và đồi mồi. Âu châu với Á châu mà giao thông với nhau do đường biển, là bắt đầu từ đó.

Sau đó vào đời Tam Quốc, năm thứ 5 hiệu Hoàng Võ nhà Ngô (227), cũng có người lái buôn nước Đại Tần đến Giao Chỉ.

Như vậy thì đời xưa người Tây người Tàu giao thông với nhau và lấy nước ta làm đường đi băng qua. Bởi vì, cứ như sử chép đó, Giao Chỉ tức là đất thuộc về Bắc kỳ ta bây giờ, còn Nhựt Nam tức là đất thuộc về Trung kỳ ta bây giờ (vào đâu khoảng Quảng Nam và Huế); mà đời bấy giờ nước ta làm thuộc địa Tàu, cho nên Tàu với Tây cứ việc tự do lấy các phụ đầu (*) của ta làm chỗ giao thông, khỏi phải nạp món thuế kinh quá lôi thôi như bây giờ vậy.

Người Tây đời bấy giờ đã do đất ta mà giao thông với Tàu, và bấy giờ họ lại kêu người Tàu bằng “Seres,” vậy thì trong khi họ lưu trú ở đây, ta cũng bắt chước tiếng của họ mà kêu người Tàu bằng “Xẹt,” rồi lâu ngày trại bẹ, thành ra “Chệt”, có thể như thế lắm.

Nếu quả vậy thì tiếng “Chệt” của ta có lâu lắm, có gần hai ngàn năm nay; mà trong khi kêu “Chệt”, cũng chẳng có ý gì khinh bỉ người Tàu đâu (**).

Phan Khôi
(Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn, số 182, ngày 22 tháng 12  năm 1932)

Chú thích
(*) Phụ đầu: 埠 頭  nơi bến sông, bến biển, tàu thuyền buôn bán đến đậu đông (port de commerce) (Đào Duy Anh, sđd.)
(**) Ý của bài này, tác giả đã nêu ở một bài trong mục “Độc thư tùy bút” trên báo Phổ Thông (Hà Nội, ngày 5 và 6 tháng 10 năm 1930).
Bạch vân thiên tải không du du
Reply