Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Tình đời, Ý đạo
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)
Hòa thượng Hộ Giác
Lời nói đầu
Ăn cơm có canh tu hành có bạn. Trong hầu hết hoàn cảnh sống, sự kết giao thân cận để có đối tượng tôn thờ, nương tựa là điều tối cần. Thiếu đối tượng, chúng ta sẽ lạc lõng, bơ vơ, cuộc sống trở thành mất hương vị, vô bổ. Bản chất đời sống là tình cảm. Lộ trình thành đạt nguyện ước đời sống là lý trí. Tình cảm thiếu lý trí là tình cảm ích kỷ, yếu hèn. Lý trí thiếu tình cảm là lý trí lập dị, cực đoan. Sự dung hòa được hai yếu tố cơ bản này là một đóng góp lớn trong công trình thực hiện một thế giới "Nhân gian cực lạc".
Nếu cuộc đời có cả mật ngọt và mật đắng, có nghĩa địa và có vườn hoa thì tại sao ta không áo mật ngọt ngoài viên thuốc đắng; và tại sao ta không thiết lập vườn hoa tại nghĩa địa để làm dịu quang cảnh chết chóc thê lương, hoặc tại sao ta không trồng hoa dọc theo con đường đưa đến nghĩa trang để mọi người thưởng ngoạn. Cái ý nghĩa đích thực của cuộc sống là ở chổ đó.
Nếu biển cả có những hải triều gào thét liên hồi, xô đẩy mảnh liệt, thì cũng có những cánh buồm căng gió nhảy sóng nhịp nhàng, nhấp nhô ẩn hiện khiến nhà thơ tức cảnh sanh tình.
Cái vui của đời tại mình ích kỷ muốn ôm giữ làm của riêng nên nguồn vui không được rộng tỏa, cái vui bị giới hạn, không được cùng nhau san sẻ. Còn cái khổ thì cố tình xô đuổi một mình, xô đuổi không được thì bực lòng khổ sở vì thiếu người thông cảm sớt chia. Chúng ta quên rằng cái vui thì bao la như bầu trời, cái khổ thì mênh mông như biển cả. Hãy để bầu trời cho không gian, hãy để biển cả cho nguyên vị. Ðừng ngây thơ phí sức trong hành động lấp bể vá trời.
Ði ngược sự thật là chuốc lấy đau khổ. Thái độ khôn ngoan để khỏi bị đau khổ là dám chấp nhận sự thật, hoặc không chối bỏ sự thật. Mà sự thật đấy là có cả mật ngọt và mật đắng trong cuộc đời.
Ðể có đối tượng tôn thờ, nương tựa, chúng ta hãy quay về chánh pháp, quay về cuộc sống nội tâm. Bản tánh nguyên thủy vốn trong sáng nhưng vì chúng ta vô tình chối bỏ không bám víu để làm đối tượng nên chúng ta bị đẩy ra khỏi ánh sáng. Do đó, đời sống mịt mờ, tương lai tắt nghẻn.
Như đã nói: tình cảm và lý trí là hai yếu tố vô cùng quan thiết. Phối hợp nhịp nhàng được cả hai là chúng ta đã có đối tượng sống.
Tình cảm và lý trí từ con người mà có. Vậy đối tượng cuộc sống là con người. Ðức Phật là chứng nhân đã dung hợp và thực nghiệm có kết quả.
Sự dung hợp của Ðức Phật không có tính cách cố định. Không nhất đáng lý trí phải thắng tình cảm hay ngược lại. Mà tất cả tùy thuộc nhân duyên. Nếu nhân duyên thích hợp với tình cảm thì Ngài dùng tình cảm trước, còn nhân duyên ứng dụng với lý trí thì Ngài áp dụng lý trí. Cái trước và cái sau của Ðức Phật được thể hiện một cách diệu dụng.
Vì vậy, trên phương diện nhập thế dẫn đạo, Ðức Phật và hàng môn đệ cũng linh động khế lý tùy cơ. Trường hợp Ðức Phật nhất quyết không chấp nhận dùng cháo của Ðại đức Ananda, không nhận thực phẩm của thầy Subhadda v.v... chứng tỏ thái độ cứng rắn, dùng lý trí trước tình cảm. Trường hợp Ngài đích thân qua Tây cung để an ủi Da-du-đà-la hoặc cho phép thiếu nữ Kokilà vào hầu v.v... chứng tỏ thái độ mềm dẽo, dùng tình cảm trước lý trí.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hàng môn đệ của Ngài cũng đã thành công nhờ nguyên tắc căn bản: "Tùy duyên bất biến" này. Ðiển hình là Ðại đức Ananđa mà nội dung quyển sách nhỏ này đề cập đến một phần lớn. Chẳng hạn như lúc còn là công tử, Ðại đức cũng đã cứng rắn và quyết liệt trong vấn đề cử phái đoàn đi thỉnh Phật, và quyết định một lòng xuất gia theo Phật. Sau khi xuất gia, Ðại đức đã noi gương Ðức Phật trong công cuộc độ đời. Có lúc Ðại đức tỏ ra cứng rắn dứt khoát như trường hợp quyết hy sinh mạng sống thay cho Ðức Phật. Sự quyết tâm bất chuyển của Ðại đức đã được minh định như sau khi Ðức Phật 3 lần bảo lùi lại sau mà Ðại đức vẫn bất động trong tư thế quyết tử. Ðây là sự dung hợp tình cảm lý trí một cách nhịp nhàng trong sự rung cảm chân thành của con tim và sự khẳng định thuần lý của khối óc.
Có khi Ðại đức phải khổ cực trong vấn đề tiếp độ mà lộ trình được dẫn đầu bằng tình cảm. Chẳng hạn như thái độ thực sự mềm dẽo của Ðại đức trong câu chuyện tiếp độ thiếu nữ Kokilà, thái độ tích cực năn nỉ Ðức Phật cho phép nữ giới được xuất gia, thái độ chịu khó ngồi nghe hoàng tử Tứ Binh kể chuyện tình ái v.v... Tất cả biểu lộ khả năng tiếp nhận để khơi nguồn cho giòng suối giác ngộ. Và cũng chính đó là những nét độc đáo, thực tế, thực nghiệm, và thực chứng của Ðạo Phật.
Thân thế, sự nghiệp và công trình đóng góp lớn lao cho Ðạo pháp của Ðại đức đã được ghi đậm trong trang sử đạo, sáng ngời qua thời gian và không gian.
Chúng tôi nhận thấy tác phẩm hữu ích có tánh cách thời đại nên cố gắng soạn dịch. Về nội dung và chương mục thì chúng tôi có mạn phép bỏ bớt để phù hợp với tâm tình của người Việt Nam.
Chúng tôi cảm thấy ngần ngại, băng khoăn trong việc thời đại hóa những sự kiện liên hệ đến một nhân vật lịch sử, một vị Thánh Tăng như Ðại đức Ananda.
Tuy nhiên, chúng tôi tự biện hộ rằng dù sao quyển sách nhỏ này cũng góp phần khiêm tốn trong việc đầu tư kiến thức đạo đức vào đời sống anh, chị, em thanh niên, thiếu nữ có dịp thưởng ngoạn sắc hương của vườn hoa đạo.
Tất cả sự kiện được mô tả ở đây là những tấm gương sáng phản ảnh trung thực tình người, tình thầy trò, tình đạo bạn. Do đó, chúng tôi đặt tên quyển sách: "Tình Ðời, Ý Ðạo".
Thích Hộ Giác
Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Một Tâm Hồn
Có hai vị Sa-môn đi ngang qua cánh rừng và đang tiếp tục trên lộ trình bằng phẳng. Vị đi trước sắc diện hồng hào, nghi dung trang nhã, phong điệu uy nghiêm, đáng cho mọi người chiêm ngưỡng. Lá y màu vàng bằng vải thô nhưng cũng đủ thanh lịch.
Vị đi sau tuy không phương phi, uy dũng như vị đi trước nhưng tương đối cũng trang nghiêm phong nhã. Khoảng cách giữa hai vị vừa vặn, không quá xa, không quá gần.
Khi đến khúc đường rẻ đôi, vị đi trước vừa định quẹo phải thì vị đi sau liền lên tiếng:
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử hữu sự rẻ trái.
- Này Na-gá-sá-ma-lá, không nên. Như Lai có duyên sự quan trọng cần phải độ sinh ở phía tay phải.
- Ðệ tử hữu sự muốn rẻ trái.
Ðức Phật:
- Này Nagasamala, đừng làm như vậy, hãy theo Như Lai đi về tay phải.
Mặc dù Ðức Phật đã ba lần ngăn cản nhưng Nagasamala không tuân lời. Cuối cùng, thầy bỏ bát Ðức Phật giữa đường và liền đi về tay trái theo sở thích. Ðức Phật lượm bát, một mình thui thủi hướng về phía tay mặt.
Một lần khác, thầy Mêkhida làm thị giả, theo Ðức Phật đi qua làng Chanh-tu, tỉnh Ba-chi-ná-oăn-sá. Buổi sáng, thầy đi khất thực. Lúc trở về, thấy một vườn xoài xum xuê, mát mẻ, thầy nảy sanh ý định đến đây tham thiền, bèn bạch xin phép Ðức Phật.
Ðức Phật khuyên ngăn ba lần.
Nhưng thầy Mê-khí-dá một mực cải lời, bỏ Ðức Phật một mình và ra đi về hướng vườn xoài để hành đạo. Song thầy hoàn toàn thất bại. Tâm thầy xáo trộn, vọng động không ngừng. Các tà tư duy, như tư duy về ái dục, về nhiễu hại, về oán thù, nổi lên đột phá dữ dội, dù trạng thái yên lặng tạm thời, thầy cũng không tìm được.
Cuối cùng đành phải trở về lễ Phật. Ðức Phật chẳng những không để tâm về những hành động nông nổi gần như phạm thượng của thầy mà trái lại còn dùng lời từ mẫu khuyên lơn:
-Mê-khí-dá ơi, tâm vốn loạn động, khó giữ, khó dạy. Bậc trí tuệ tích cực uốn nắn, khiến nó phải thuần thục như tay thiện xạ uốn nắn mũi tên. Mê-khí-dá này, tâm hằng chạy theo nhập cuộc ngoại cảnh nhất là ngũ dục như cá thích nước. Do đó, nếu bị bắt lên bờ thì nó dãy dụa không yên. Tâm tuy khó dạy, nhưng nếu dạy được thì sẽ hàng phục được Ma Vương.
Sự thật Ðức Thế Tôn nào muốn ngăn cản công trình tu chứng của môn đồ, nhưng vì thấy rỏ căn cơ chưa đến thời kỳ liễu ngộ, nên Ngài mới khuyên ngăn đó thôi.
Suốt 20 năm đầu kể từ ngày thành đạo, khoảng thời gian 35 đến 54 tuổi Ðức Phật không có vị Thinh văn nào làm thị giả cố định: khi thầy U-bá-va-nạ, khi thầy Na-ghí-tá, khi thầy Su-năc-khăt-tá, khi thầy Sa-gá-tá, khi thầy Rathá, khi thầy Na-gá-sá-ma-lá hoặc thầy Mê-khí-dá đã hành động nông nổi như vừa lược kể và, còn có Sadi Chuôn-tá, bào đệ của Ngài Ðại đức Xá Lợi Phất nữa.
Vì không có thị giả phục dịch thường xuyên, nên Ðức Phật phải chịu cực khổ vô cùng. Các vị thị giả bất đắc dĩ cứ thay nhau phục dịch Ngài một cách gượng gạo, tắt trách.
Vấn đề thị giả là một sự cần thiết, hợp lý, vì Ðức Phật có rất nhiều Phật sự phải làm, một mình không thể hoàn tất mọi việc nên Ngài rất cần thị giả. Chẳng hạn như ngoài 5 điều thường hành Phật sự có tánh cách cập nhật hóa Ngài còn phải họp tăng, tiếp khách tứ phương, từ hàng vua chúa thượng lưu đến hàng thường dân lao động, từ bậc xuất gia đến hàng cư sĩ nhất là nữ Phật tử. Tư cách một vị Phật tổ không cho Ngài tiếp khách nữ một mình. Ðó là chưa nói đến thỉnh thoảng Ðức Phật nhập thất, không tiếp bất cứ ai. Trường hợp ấy, lẽ dĩ nhiên, mọi Phật sự đều do thầy thị giả xử lý.
Vấn đề thị giả quan trọng và cần thiết là như vậy. Chúng ta không nên vô tình hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc cho rằng Ðức Phật muốn quan trọng quá cá nhân mà mang tội.
Vì những lý do vừa kể, có một lần, tại Kỳ Viên Tịnh xá, kinh đô Sa-quách-thi, xứ Cô-sa-la trước số đông chư vị Tỳ kheo nhất là các vị Tôn túc trưởng lão, có cả nhị vị Ðại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Ðức Phật đề cập đến vấn đề thị giả:
- Này các Tỳ kheo, Như Lai đã già rồi, một số các thầy vì sở thích riêng tư nên đã bỏ Như Lai một mình hoặc bỏ y bát của Như Lai dưới đất rồi ra đi một cách thản nhiên. Do đó, Như Lai yêu cầu chư tăng tuyển chọn cho Như Lai một thị giả cố định.
Chư tỳ kheo vô cùng xúc động, Ðại đức Xá Lợi Phất lên tiếng trước nhất xin tình nguyện làm thị giả.
Ðức Phật bày tỏ sự hoan hỉ và dạy:
- Này Xá Lợi Phất, không nên đâu. Vì thầy ở nơi nào thì đem lợi lạc đến nơi đó. Lời giảng dạy của thầy không khác lời dạy của Như Lai. Thầy có khả năng chuyển Pháp luân như Như Lai. Những người được thân cận đàm đạo với thầy cũng như được thân cận đàm đạo với Như Lai.
Chư Ðại đức Trưởng lão khác cũng tình nguyện xin làm thị giả, nhưng Ðức Phật đều khước từ. Chỉ còn một mình Ðại đức Ananđa ngồi yên lặng. Ðại đức Xá Lợi Phất khuyến khích:
- Thầy Ananđa, tại sao thầy ngồi yên lặng?
- Bạch Ðại đức, chức vụ mà mình van xin hoặc tình nguyện, tôi tưởng không được cao quí mấy. Vả chăng, Ðức Thế Tôn đã biết rõ tâm trạng của tôi. Nếu thấy được, Ðức Thế Tôn sẽ chỉ định tôi trong chức vụ ấy. Thiện chí cũng như tình cảm của tôi thế nào, Ðức Thế Tôn đều quán thấu.
Hội trường im lặng. Không một cử động. Không một lời nói. Một sự im lặng tuyệt đối gần như hội trường không có người.
Giữa không khí ấy, Ðức Phật long trọng xác nhận vai trò Ðại đức Ananđa:
- Này các Tỳ kheo, Ananđa đã có ý nguyện làm thị giả Như Lai từ lâu. Sự xác nhận hôm nay chỉ nhằm mục đích công khai hóa vai trò thị giả của Ananđa mà thôi. Bắt đầu từ giờ phút này, Ananđa là thị giả chính thức và cố định của Như Lai.
Cử chỉ này quả thật vô cùng đẹp đẽ. Thật ra, Ðức Phật không cần công khai tuyên bố vai trò thị giả của Ðại đức Ananđa mà chỉ cần chọn riêng cũng được. Nhưng Ðức Phật có ý tuyên dương thiện tâm, thành ý của Ðại đức, đồng thời chính thức hóa một vai trò quan thiết, có tánh cách cố định. Còn trên thực tế, thì Ðại đức Ananđa đã lập công bồi đức, trì hành Ba-la-mật trong nhiều trăm kiếp cũng chỉ để đạt thành hạnh nguyện được làm thị giả, một chức vụ tuy không lớn lao nhưng vô cùng danh dự. Ðại đức Ananđa là mẫu người tự trọng, nhìn xa thấy rộng, khế lý, khế cơ. Cho nên, sau khi được Ðức Phật và chúng Tăng giao phó trọng trách, bèn bạch Ðức Phật xin được đặc miễn những trường hợp sau:
Quote:1- Xin Ðức Phật đừng ban y mới, đẹp và đắt giá cho Ananđa.
2- Ðừng ban thực phẩm cao lương mỹ vị.
3- Ðừng cho Ananđa ngụ chung tịnh thất.
4- Ðừng cho Ananđa tháp tùng đến những địa điểm mà Ðức Phật đã hứa khả.
- Này Ananđa, ngươi nhận thấy lợi ích thế nào mà xin đặc miễn 4 điểm này?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử xin đặc miễn như vậy là để ngừa những lời bình phẩm cho rằng đệ tử phục dịch Ðức Thế Tôn chỉ vì lợi lộc và danh vị.
Ðại đức Ananđa bạch tiếp:
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử xin Ðức Thế Tôn ban cho những đặc ân sau đây:
Quote:1- Xin Ðức Thế Tôn tùy thuận quang lâm đến những nơi mà đệ tử đã hứa.
2- Xin cho đệ tử được phép tiến dẫn Phật tử vào bái kiến Ðức Thế Tôn.
3- Cho phép đệ tử bạch hỏi những điều hoài nghi trong mọi trường hợp.
- Này Ananđa, ngươi thấy lợi ích thế nào mà yêu cầu như vậy?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử yêu cầu như vậy là để ngăn ngừa những lời chỉ trích, cho rằng những vấn đề có tánh cách giao tế mà đệ tử cũng không làm được, thì giữ chức vụ thị giả làm gì?
Ðại đức bạch tiếp:
- Bạch Ðức Thế Tôn, còn một đặc ân cuối cùng, xin Ðức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho luôn, đó là:
Quote:4- Xin Ðức Thế Tôn hoan hỉ nói lại những bài pháp mà đệ tử vắng mặt không được nghe.
- Này Ananđa, ngươi nhận thấy lợi ích thế nào mà yêu cầu như vậy?
- Bạch Ðức Thế Tôn, cũng đều ngăn ngừa những lời bàng quang chê trách rằng: đệ tử theo hầu Ðức Thế Tôn như hình với bóng, nhưng khi được hỏi đến kinh, luật, kệ ngôn hay tích truyện thì không biết chi cả, giống như ếch trong ao sen không biết thưởng thức hương vị của sen.
Ðức Thế Tôn chấp thuận tám điều khoản yêu cầu của Ðại đức Ananđa và, Ðại đức Ananđa cũng bắt đầu nhận lãnh vai trò thị giả chính thức ngày hôm ấy.
Lúc bấy giờ, Ðức Phật hưởng được 55 tuổi đời, 20 tuổi đạo trong khi Ðại đức Ananđa được 55 tuổi đời, 19 tuổi đạo.
Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nơi Hoàng Cung Ca-Tì-La-Vệ
Ngược dòng thời gian, kể từ ngày Ðại đức Ananđa nhận làm thị giả về trước là 55 năm.
Tại hoàng cung nguy nga tráng lệ của hoàng gia họ Thích, đèn đuốc sáng choang, hoa thơm ngào ngạt, cờ xí rợp thành. Hoàng thân Súc-cô-đa-na, bào đệ của Ðức vua Tịnh Phạn Sút-thô-đa-na, nét mặt vui tươi, chuyện trò cởi mở với mọi người từ trong dòng hoàng tộc đến ngoài công thần tướng sĩ, tất cả đều rộn lên một niềm vui trước tin mừng Công nương Súc-cô-đa-na hạ sinh một hoàng nam.
Căn cứ điềm vui mừng sung sướng của mọi người, công tử được đặt tên là Ananđa. Công tử Ananđa chào đời cùng một ngày với Thái tử Sĩ Ðạt Ta (Siddhatta) (1) và được song thân cưng như trứng mỏng. Mọi phương tiện dưỡng nhi và dục nhi được áp dụng đúng mức. Ananđa truởng thành trong nhung lụa, ngọc ngà nhất là trong sự vui mừng sung sướng tuyệt vời của song thân và hoàng gia Thích tộc.
Công tử tỏ ra rất mực ngoan hiền tài hoa và trí thức. Gương mặt thật sáng. Da dẻ hồng hào. Nói năng lễ độ. Thật đáng mặt con nhà.
Thân phụ cho tuyển chọn những bậc danh sư kỳ tài dạy dỗ công tử. Chẳng bao lâu, sự thông minh đĩnh ngộ và tài năng lỗi lạc của công tử nức tiếng xa gần, khiến cho thân phụ đã sung sướng càng thêm mãn nguyện.
Thế rồi, một hôm, tin Thái tử Sĩ Ðạt Ta rời bỏ ngai vàng, cha già, vợ đẹp và con thơ ra đi xuất gia tầm đạo, làm kiếp người hùng của nhân loại, khiến tâm trạng Ananđa vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Càng thán phục lại càng hoan hỉ (2). Sự hoan hỉ thúc đẩy một biểu đồng tình. Ananđa suy nghiệm chắc hẳn phải có một lý tưởng phi thường, một đại sự nhân duyên thế nào đó, nên Sĩ Ðạt Ta, con cưng của Ca-bì-la-vệ mới rủ áo đế hoàng, sống kiếp phong sương, vui thú tiêu dao thoát tục.
Rồi 6 năm sau. Tin Thái tử Sĩ Ðạt Ta thành Phật được loan truyền vô cùng nhanh chóng. Từ Vương Xá thành đến các đô thị lớn và, cuối cùng đến kinh đô Ca bì la vệ. Mọi người tràn ngập niềm vui rộng lớn. Người vui nhất có lẽ là Công tử Ananđa. Công tử vốn có chủ định: khi nào Ðức Phật về thuyết pháp thì sẽ theo Ngài đi tu.
Quote:Chú thích:
Quote:(1) Hoan hỉ, sung sướng, khánh hỉ, bội hỉ, hoan lạc...
(2) Nhân vật đồng sinh với Sĩ Ðạt Ta: Ananda, Yasodhara, Tể tướng Kàludàyi, cận thần Channa, tuấn mã Kiền Trắc, cây Bồ đề, và 4 hầm châu ngọc.
Một hôm, tại hoàng thành Ca bì la vệ, phiên họp khoáng đạt có đủ mặt hoàng gia thích tộc, vương tôn công tử, đặt dưới quyền chủ tọa của đức vua Tịnh Phạn.
Sau nghi thức khai mạc, Ðức vua Tịnh Phạn tuyên bố:
- Thưa quí vị, quí vị đều được nghe và biết tin mừng Ðức Phật ra đời, Ngài không phải ai xa lạ mà Ngài chính là Thái tử Sĩ Ðạt Ta. Ðược biết Ngài đang ngụ tại Vương xá Ràjagaha kinh đô của Ðức vua Tần bà sa la (Bimbisàra). Tôi xin hỏi ý kiến quí vị, chúng ta có nên cử người sang thỉnh hay để Ngài tự động về? Xin quí vị cho biết.
Một công tử đưa tay và phát biểu:
- Thưa hội nghị, theo thiển kiến của tôi, chúng ta không nên cử người sang thỉnh vì hai lý do. Một, Thái tử chính là con Ðức vua chủ tọa. Khi ra đi, Ngài chẳng từ giả ai, thậm chí phụ vương của Ngài. Hai, hoàng thành Ca bì la vệ này, thuộc quyền sở hữu của Ngài. Chúng ta lấy tư cách gì để mời ông chủ trở về nhà ông chủ. Hơn nữa, Thái tử tự cho mình là Phật, mà không biết nhớ thương cha mẹ, dòng họ để về thăm viếng thì tội tình gì mình phải thỉnh mời.
Vừa lúc ấy, một vị công tử khác đứng lên phát biểu:
- Kính thưa cử tọa, ý kiến công tử Ðề Bà Ðạt Ða vừa trình bày thiếu vô tư. Theo tôi thiển nghĩ: Ðức Phật dù trạc tuổi chúng ta nhưng hiện nay Ngài là một Samôn. Ðối với một Samôn bình thường mà chúng ta còn quí trọng thì tại sao chúng ta không thể dành sự quí trọng ấy cho Ðức Phật, vừa là một Samôn vừa là họ hàng cật ruột? Hơn nữa địa vị Phật tổ, bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác thì ngay như đức chuyển luân thánh vương cũng phải quí trọng huống chi là chúng ta. Tôi đề nghị nên cử phái đoàn sang thỉnh mới đúng.
Ý kiến và đề nghị Công tử Ananđa chạm tự ái Ðề ba đạt đa rất nặng, Ðề ba đạt đa phản ứng:
- Thưa cử tọa, nếu lấy địa vị Phật tổ làm động lực áp đảo thiên hạ, thì ai ai cũng có thể trở thành Phật tổ miễn đủ can đảm nói láo là được. Hàng động tự phong chức là hành động thiếu thực tế.
Liền khi ấy, một vị cao niên đứng lên phát biểu:
- Thưa cử tọa, nếu quả thật Thái Tử Sĩ Ðạt Ta nói láo thiên hạ và tự phong cho mình là Phật Tổ như ý kiến của công tử Ðề Bà Ðạt Ða vừa phát biểu thì chúng ta càng nên cử người sang thỉnh Ðức Phật về để sớm rõ trắng đen, hư, thực rằng, Ngài là Phật Tổ thực sự hay giả hiệu.
Hội trường im lặng. Không có ý kiến chống đối. Ðức vua Tịnh Phạn kết luận:
- Thưa quí vị, những ý kiến vừa đóng góp đều hữu ích, đáng ghi nhận. Chúng tôi muốn được kết thúc phiên họp hôm nay bằng một quyết định. Vậy chúng tôi xin lấy biểu quyết: ai đồng ý cử người sang thỉnh Ðức Phật thì xin đưa tay lên.
Cử tọa nhất loạt đưa tay. Họ đưa thật cao để chứng tỏ sự biểu đồng tình. Chỉ có công tử Ðề Bà Ðạt Ða và một vài người bạn chí thân của công tử là không đưa tay mà thôi.
Tiếng tán đồng vang dội khắp hội trường. Họ yêu cầu đức vua Tịnh Phạn hỏa tốc cử người sang thỉnh Ðức Phật ngay. Công tử Ananđa lấy làm hoan hỉ và xin tình nguyện lãnh sứ mạng đi thỉnh. Nhưng Ðức Vua Tịnh Phạn khước từ. Công tử Ðề Bà Ðạt Ða bực tức vô cùng, vì nhớ lại, từ ấu thơ đến giờ, chưa lần nào thắng được Thái tử Sĩ Ðạt Ta.
Lúc bấy giờ, Ðức Phật đã rời địa phận U ru quê la (Uruvela) nơi Ngài đắc đạo, trực chỉ
I-si-pa-ta-mi-ga-đa-da để tiếp độ năm thầy Kiều Trần Như. Tiếp theo, Ngài độ công tử Dásá (Yassa) và 54 người bạn thân của công tử. Sau đó, Ngài độ ba anh em du sĩ ngoại đạo. Người anh là Pu-ra-na-ca-sa-pa có 500 đồ đệ. Người em thứ là Ga-da-ca-sa-pa có 300 đồ đệ và, người em út là Na-di-ca-sa-pa có 200 đồ đệ. Ðộ xong nhóm này, Ngài bèn đi về thành Vương xá để hóa độ đức vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra), người mà Ngài đã từng hứa hẹn từ trước, trên bước đường xuất gia tầm đạo. Tại đây, Ngài nhận ngôi chùa Trúc Lâm, do đức vua Tần Bà Sa La hỉ cúng. Ðây là ngôi chùa đầu tiên trên bước đường khai đạo của Ngài.
Tin Ðức Phật ngự tại Trúc Lâm được truyền đi rất mau trong quần chúng. Và cũng tại đây, Ngài tiếp độ nhị vị Ðại Ðệ tử Phật: Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Nói về Ðức vua Tịnh Phạn cử phái đoàn đi thỉnh Phật, nhưng sau khi nghe pháp tất cả đều phát tâm xuất gia, không một người nào nhớ thỉnh Phật cả. Mãi đến phái đoàn thứ 10, do đại tướng Ca-Lu-Ða-Di (Kàludàyi) hướng dẫn, đến chùa Trúc Lâm, sau khi nghe pháp và được xuất gia, đại tướng vẫn nhớ thỉnh Phật theo sứ mạng triều đình.
Ðức Phật nhận lời. Ngài khởi hành chung với một số đông thánh tăng La Hán khoảng hai muôn vị. Ngày đi đêm nghỉ và phải mất 60 ngày đường mới đến Ca Bì La vệ.
Suốt cuộc hành trình, Ngài luôn thuyết pháp độ sanh. Một số đông đắc đạo chứng quả, hoặc ít nhất cũng thọ quy giới, bỏ dữ theo lành, cải tà qui chánh.
Ðức vua Tịnh Phạn chuẩn bị tiếp đón Ðức Thế Tôn vô cùng trọng thể và, không quên cho kiến tạo ngôi chùa Ni-gô-ra cúng dường Ðức Phật.
Chuyến trở về của Ðức Phật hôm ấy, quả thật là một niềm vui tưng bừng, rộn rã. Vì đã 7 năm dài cách biệt phân ly, hoàng gia Thích tộc không bao giờ được gặp Ngài dù chỉ là cái bóng.
Sáng hôm sau, Ðức Phật và chư thánh tăng vào thành khất thực. Ðức vua Tịnh Phạn được công nương Da Du Ðà La khẩn tấu, lập tức đi đến địa điểm khất thực, tay nắm chéo y Ðức Phật, nét mặt thật buồn:
- Sĩ Ðạt Ta con, tại sao con làm như vầy? Dòng dỏi nhà mình nào phải ăn xin. Con đã làm nhục Phụ vương và hoàng tộc. Hơn nữa, cung điện sẵn có, tại sao con không về, mà lại đi ăn xin thế này? Phụ vương còn mặt mũi nào dám nhìn thiên hạ. Cha làm vua còn con thì đi ăn xin. Thật là mai mỉa!
Bằng giọng trầm ấm dịu hiền, Ðức Phật giải thích:
- Tâu Phụ vương, giờ đây Như Lai không còn là dòng họ Thích Ca nữa mà là dòng họ A lị da (Ariya: Thánh). Truyền thống chư Phật quá khứ đều đi khất thực nên Như Lai cũng phải duy trì truyền thống ấy. Cả phương tiện nhà cửa, Như Lai cũng không có. Như Lai là bậc Mu Ni không có gia đình.
Ðức vua Tịnh Phạn tủi hờn và phản đối quyết liệt:
- Này con, dù con mang tộc họ gì, có gia đình hay không, con vẫn là con của Phụ vương. Con đã xa cách Phụ vương hơn bảy năm rồi, Phụ vương nhớ thương con vô cùng, Da Du Ðà La cũng vỏ vàng vì nhớ thương con. Còn Ra Hầu la tuy có cha song chẳng khác một đứa trẻ mồ côi, vô thừa nhận. Hôm nay, con phải về hoàng cung thăm vợ, thăm con và chư vị hoàng thân trưởng thượng. Nói xong, đức vua hướng dẫn Ðức Thế Tôn vào nội thành và cúng dường thực phẩm thật trang trọng. Ðức Phật thuyết pháp độ vua cha và dì mẫu Ma-ha-pa-cha-pa-ti-go-ta-mi đắc quả Tu Ðà Hườn. Sau đó, Ngài trở về chùa Ni-gô-ra-thá (Nigrodha).
Trong suốt thời gian Ðức Phật ngụ tại chùa Nigrodha xứ Ca Bì La Vệ có một số đông hoàng thân xuất gia theo Phật và hầu hết đều đắc đạo chứng quả.
Một thời gian sau, Ðức Phật lên đường sang xứ Málá và ngự trong vườn xoài A-nú- pi-dá.
Khi Ðức Phật đi rồi các vị hoàng thân trưởng lão cùng nhau kiểm điểm và nhận định rằng: quả thật đã có một số đông hoàng thân xuất gia theo Phật, chỉ còn một số ít các công tử như Ananđa, A-nu-rút-thá, Ma-ha-na-má, Phát-tí-dá, chưa chịu xuất gia. Sự thật thì hoàng tộc đã đồng ý đặt các công tử này dưới quyền sử dụng của Thái Tử Sĩ Ðạt Ta ngay trong ngày lễ quán đỉnh. Vậy thì tại sao các công tử chưa chịu xuất gia.
Công tử Má-ha-na-má nghe được câu chuyện ấy, cảm thấy thắc mắc trong lòng, bèn hội ý với em là Á-nú-rút-thá (Anuruddha):
- Này em, theo anh nghĩ thì một trong hai chúng ta phải xuất gia.
Công tử Á-nú-rút-thá tình nguyện xuất gia nhưng thân mẫu không tán thành. Bà phân trần:
- Này con yêu dấu của mẹ, con xuất gia chưa được đâu. Vì xuất gia nào phải dễ dàng như con tưởng. Con phải ăn ngọ, phải đi chân không, phải ngủ giản dị không nệm lót, phải gối đầu bằng gỗ, phải ở dưới cội cây hoặc trong hang núi, thích lạnh thì gặp nóng, thích nóng thì gặp lạnh. Do đó, mẹ không bằng lòng cho con xuất gia.
Công tử Á-nú-rút-thá giải bày:
- Thưa mẹ, con vẫn biết xuất gia là một điều rất khó. Nhưng đã có một số những vị công tử quen sống sung sướng như con đã xuất gia thì thiết tưởng con cũng có thể làm được. Vả lại, trước kia đời sống Ðức Phật sung sướng hơn con nhiều. Con nghĩ, chắc chắn phải có một sự an lạc thù thắng nào đó cao quí hơn, thay cho sự sung sướng giả tạo, chóng tàn này. Con tin là con đủ sức chịu đựng, nếu được xuất gia.
- Con ơi, dù con có chịu đựng được nếp sống tu hành nhưng mẹ thú thật với con là mẹ không chịu nổi. Mẹ chưa từng thấy con cực khổ và không muốn cho con cực khổ. Hơn nữa, con là núm ruột của mẹ. Mẹ không muốn sống xa con dù chỉ một ngày. Nếu con xuất gia mẹ con ta phải xa nhau quanh năm suốt tháng, thì mẹ chịu sao cho thấu. Theo mẹ nghĩ, nếu muốn hành thiện thì ở nhà tu tại gia cũng được, đâu cần phải xuất gia. Hãy nghe lời mẹ đi con!
Nói xong, bà lấy tay rờ đầu và vuốt tóc công tử Á-nú-rút-thá, cử chỉ vô cùng trìu mến.
- Thưa mẹ, nếu nói đến vấn đề nghèo khổ, thì kể sao cho hết. Còn nói đời sống tu sĩ là cơ hàn, thì đã có biết bao người cơ hàn hơn tu sĩ. Còn nói đến vấn đề phân ly, thì đã có biết bao gia đình phân ly vì lý do này hay lý do khác. Ðã vậy, còn có sự ngăn cách vô vàn đau khổ nữa, mà mọi người không ai tránh khỏi đó là cảnh tử biệt phân ly. Con đồng ý với mẹ về vấn đề hành thiện thì ở đâu, hình thức nào cũng làm được. Tuy nhiên, con nhận định rằng bậc xuất gia hành thiện được nhiều hơn vì có thì giờ nhiều, ít bận rộn. Ví như dụng cụ đựng nước nếu vừa lớn vừa sạch thì đựng nước được nhiều, hợp vệ sinh. Còn nếu dụng cụ vừa nhỏ vừa dơ thì đựng nước vừa ít vừa bẩn. Cho nên hạnh xuất gia cũng như dụng cụ vừa to vừa sạch, chứa đựng được nhiều điều thiện.
- Con làm sao hiểu được, khi con chưa có xuất gia. Sự suy nghĩ đôi khi trái ngược với thực tế, con ạ!
- Thưa mẹ, con chưa biết rõ, nhưng con muốn tập sự.
- Này con, mẹ tính thế này được không? Nếu công tử Phát-đí-dá, bạn của con cũng xuất gia nữa, thì mẹ đồng ý.
Bà đề nghị như vậy, vì bà tin tưởng một trăm phần trăm là công tử Phát-đí-dá sẽ không khi nào xuất gia.
Công tử Á-nú-rút-thá mừng lắm, bèn lập tức đi tìm bạn. Gặp bạn, công tử nói thẳng:
- Này bạn, tôi quyết chí xuất gia theo Phật nhưng chính bạn vô tình làm trở ngại công cuộc xuất gia của tôi. Vì mẹ tôi bảo rằng, khi nào bạn cùng xuất gia, thì mới đồng ý cho tôi xuất gia.
Công tử Phát-đí-dá phân trần:
- Này bạn, tôi cũng có ý định xuất gia ngay sau khi được nghe câu chuyện bàn tán và nhận định của các bậc trưởng thượng. Vả lại, Ðức Phật xuất gia được, thì có lý nào mình xuất gia không được.
Công tử Á-nú-rút-thá (Anuruddha) mừng khôn thể tả. Cả hai cùng rủ thêm bốn người nữa, là các công tử: A-nan-đa (Ananda), Phá-gú (Bhaggu), Kim-bi-lá (Kimbila), và Ðê-qua-đát-tá (Devadatta) đồng khởi hành trực chỉ xứ Má-lá (Malla) để bái kiến Ðức Phật.
Khi đến ranh giới hai nước Sắc-cá (Sakka) và Má-lá (Malla) sáu vị công tử bèn cởi áo mão quí trao cho Ú-pa-li (Upali), một chuyên viên thẩm mỹ cùng đi theo mang trở về Ca bì la vệ lập nghiệp.
Ngay lúc chủ tớ chia tay, núi rừng gần như cũng cảm động, thở than trước cảnh sinh ly hy hữu ấy.
Ði được một đổi đường Upàli thấm buồn và tự nghĩ:
- Các vị công tử đã xem thường những bảo vật này và đem tặng cho mình để làm sinh kế. Nghiệm cho cùng, nếu mình nhận thì chẳng khác nào mình liếm nước miếng của các vị ấy đã nhổ ra. Càng suy nghĩ càng thấm thía. Upàli bèn treo gói bảo vật lên cành cây, chạy trở lui tìm sáu vị công tử, bày tỏ ý kiến tự giác của mình và xin tình nguyện cùng được xuất gia.
Sáu vị công tử cùng nhau hội ý và cuối cùng bằng lòng. Khi bái kiến Ðức Phật, sáu vị công tử bày tỏ chí nguyện xuất gia. Trước khi xuất gia, các vị công tử không quên bạch Phật:
- Bạch Ðức Thế Tôn, chúng đệ tử là dòng vua chúa có nhiều thành kiến và rất nặng ngã mạn. Do đó, xin Ðức Thế Tôn từ mẫn cho phép Upàli được xuất gia trước, để chúng đệ tử có cơ hội cung kính, ngỏ hầu đã phá thành kiến ngã mạn, cho được thích nghi với nếp sống phạm hạnh của hàng Sa môn.
Sau khi xuất gia không lâu, Ðại đức Phát-đí-dá (Bhaddiya), Phăc-gu (Bhaggu), Kim-bí-lá (Kimbila) và Á-nu-rút-thá đắc quả Alahán. Ðại đức Ðê-qua-đát-tá đắc được phàm thiền. Ðại đức Ananđa mãi 19 năm sau mới đắc được Tu đà hườn.
Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Ðời bằng hữu
Ðối với Ðức Phật, Ðại đức Ananđa có những vai trò cố định như sau:
Quote:1- Dâng nước uống, nước xài lạnh nóng.
2- Dâng tăm xỉa răng cở lớn, cở trung và cở nhỏ.
3- Bóp tay, chân.
4- Ðấm lưng.
5- Lau, quét hương thất và xung quanh thất.
Ðêm đêm Ðại đức Ananđa luôn luôn tỉnh thức và phục dịch rất mực chu đáo, đúng với tôn ý Ðức Phật. Tương truyền rằng Ðại đức tay cầm đèn lớn đi tuần quanh hương thất mỗi đêm bốn lần. Ðại đức nổi tiếng là chu đáo, thông minh và có óc thẩm mỹ. Bất cứ việc gì một khi được giao phó là Ðại đức hoàn thành tốt đẹp.
Chẳng hạn như, có một lần, vua Ba tư nặc (Pasanadikosala) phát tâm cúng dường thực phẩm thường trực Ðức Thế Tôn và yêu cầu Ngài thường xuyên quang lâm thành nội.
Ðức Phật nhã nhặn từ khước:
- Muôn tâu, thông thường chư Phật là người của quần chúng. Do đó, Như Lai không thể hứa nhận thực phẩm tại một địa điểm cố định.
Ðức vua bạch thêm:
- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu vậy, xin Ðức Thế Tôn từ bi chỉ định một vị đại diện hướng dẫn chư tăng vào thành nội cho đệ tử được cúng dường.
Ðức Phật chỉ định Ðại đức Ananđa. Những ngày đầu, đức vua đích thân cúng dường rất chu đáo. Nhưng lần hồi về sau, vì đa đoan công vụ, đức vua mệt mỏi, dậy trễ. Chư tăng đến mà chẳng ai dám đánh thức. Hơn nữa, đức vua lại quên không chỉ định người đại diện chính thức. Do đó, một số đông chư tăng đã phải ra về, chỉ có Ðại đức Ananđa còn kiên nhẫn ở lại. Sự kiện xảy ra nhiều ngày như vậy.
Một hôm, đức vua đích thân cúng dường. Nhưng chẳng thấy chư tăng đâu cả, ngoại trừ Ðại đức Ananđa. Ðức vua vô cùng phiền não. Một buổi chiều, nhà vua đến chùa lễ Phật:
- Bạch Ðức Thế Tôn, chư tăng đã khinh thường lời thỉnh cầu của đệ tử. Ðệ tử chuẩn bị thực phẩm nhiều trăm phần để cúng dường, thế mà chỉ có một mình Ðại đức Ananđa đến nhận.
Ðức Phật an ủi:
- Muôn tâu, chư tăng không được quen biết và thân thiện nhiều với hoàng gia cho nên mới có hành động như vậy. Xin bệ hạ đừng phiền. Riêng Ananđa là con người tự trọng, hiểu biết và chịu đựng. Một mẫu người như vậy, quả thật khó kiếm.
Một lần khác, Ðức vua Ba tư nặc yêu cầu Ðức Phật chỉ định Ðại đức Ananđa dạy đạo cho hoàng hậu Ma-li-ca (Malikà) và công chúa Va-sa-pha-khách-đi-dá (Vàsabhakhattiya). Hoàng hậu rất mực chú tâm và chuyên cần học đạo nhưng công chúa thì thờ ơ, học lấy lệ.
Ðại đức Ananđa đem chuyện này bạch Phật. Ðức Phật dạy:
- Này Ananđa, thiện ngôn đối với người không trì hành thì quả thật vô ích. Nó vô ích như loài hoa có sắc mà không hương. Thiện ngôn chỉ có ích thiết thực đối với người biết trì hành, cũng như loài hoa vừa có màu sắc thắm tươi vừa có hương thơm ngào ngạt.
Ananđa nghĩ, chánh pháp mà Như Lai đã thuyết dạy sẽ trở thành vô ích nếu người nghe không thực sự phụng hành; còn trái lại, tích cực phụng hành thì chánh pháp sẽ vô cùng ích lợi.
Nói đến tình thương yêu quí kính của Ðại đức Ananđa đối với Ðức Phật thì quả thật không có văn tự nào phản ảnh trung thực và diễn tả tròn đầy. Vì tấm tình của Ðại đức là một thứ tình cao vời như đỉnh Tuyết sơn, trong suốt như ngọc pha lê và đẹp dịu như ánh trăng ngà trên bãi bể.
Ðại đức sẵn sàng hy sinh tánh mạng cho Ðức Phật. Một sự hy sinh bằng tình nguyện, bằng hoan hỉ, bằng tất cả rung cảm của con tim và sáng suốt của khối óc. Một bằng chứng hùng hồn và cảm động nhất, đó là lần Ðề Bà Ðạt Ða cấu kết với vua A-xà-thế phục rượu voi Na-la-gi-ri (Nàlàgirì) sai nó giết Phật.
Câu chuyện như vầy:
- Hôm ấy, bình minh rạng rở. Những giọt sương mai còn lấp lánh ít nhiều trên ngọn cỏ. Gió mai thổi nhè nhẹ hơi sương. Ðức Phật và Ðại đức Ananđa vào thành khất thực. Một tín nữ đang để bát cho Ngài, thì bỗng dưng dân chúng ùn ùn kéo nhau chạy loạn. Tiếng kêu la thất thanh của dân chúng, tiếng rống dồn dập của voi say thi nhau vang lên rùng rợn. Họ chạy đạp bừa lên nhau thoát nạn: Người và vật ngổn ngang trên đất. Ðức Phật im lặng tiến về hướng voi say một cách bình thản. Ngay lúc ấy, Ðại đức Ananđa tiến thật nhanh đến phía trước Ðức Phật, đứng án ngữ trong tư thế sẳn sàng hy sinh. Trước cử chỉ cao quí ấy, Ðức Phật dạy:
- Ananđa, hãy lùi lại sau. Ðừng quá lo sợ cho Như Lai.
- Bạch Thế Tôn, tính mạng của Thế Tôn có giá trị tuyệt đối. Sự sống của Thế Tôn là nguồn hạnh phúc lớn của chúng sanh. Ðức Thế Tôn không thể bị hại trong lúc này. Vả lại, sinh mạng của đệ tử không đáng giá là bao. Xin cho đệ tử được hy sinh một vật không đáng giá để duy trì một giá trị tuyệt đối như bỏ đi một cục đá để bảo tồn một viên ngọc quí.
- Không nên đâu Ananđa. Như Lai đã tròn đầy Ba la mật hạnh. Không ai có thể gây thương vong cho Như Lai, trừ phi Như Lai chấp nhận.
Mặc dù Ðức Phật dạy như vậy nhưng vì quá lo ngại cho tính mạng của Thế Tôn, Ananđa vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Ðức Phật dùng thần thông di chuyển Ananđa ra phía sau. Liền khi ấy voi Nalagiri đã chạy sồng sộc đến gần Ðức Phật. Trong tiếng kêu la thất thanh tuyệt vọng của số đông Phật tử đồng lúc vang lên như báo hiệu đây là lần gặp gỡ sau cùng giữa họ và Ðức Phật. Trong giây phút thập tử nhất sanh ấy, Ðức Phật rãi lòng từ bi và nhìn thẳng voi dữ. Na la ghi ri khựng lại như đụng phải bức tường sắt. Sự hung dữ, say sưa đã biến mất, nhường cho sự tỉnh táo hiền lành, một thay đổi toàn diện như hai thái cực. Lửa hung dữ đã bị nước từ bi dập tắt. Na la ghi ri quì xuống chân Ðức Phật. Ðúc Phật rờ đầu voi và phủ dụ:
- Na-la-ghi-ri ơi, sở dĩ ngươi mang thân thú là do ác nghiệp tiền kiếp. Giờ đây ngươi không nên gây thêm trọng nghiệp bằng ác ý muốn làm hại Như Lai. Ngươi sẽ trả quả vô cùng cay đắng trong vô số lượng kiếp, nếu ngươi chưa chịu hồi tâm.
Na-la-ghi-ri cúi đầu yên lặng, rồi lấy vòi áp nhẹ vào chân Ðức Phật tỏ thái độ nhận lỗi, ăn năn.
Trước oai thần của Ðức Phật, quần chúng vô cùng kinh ngạc và kính phục. Ðể tỏ lòng qui ngưỡng, họ hoan hô vang dậy cả một góc trời và cúng dường tràng hoa, hương liệu tràn ngập dưới chân Ngài.
Một lần khác, Ðức Phật bị bịnh cảm tỳ Ðại đức Ananđa đích thân nấu cháo cúng dường. Vì Ðức Phật thường dạy, cháo là món thuốc trị bịnh cảm rất kiến hiệu. Ðức Phật hỏi:
- Ananđa, ngươi làm sao có cháo này?
- Bạch Thế Tôn, đệ tử nấu lấy.
- Ananđa, tại sao ngươi làm vậy? Ngươi đã hành động không xứng đáng, không thích hợp với đời sống Samôn. Ngươi quên rằng bậc xuất gia không có quyền tự mình nấu nướng. Ngươi hãy đem đổ đi. Như Lai không dùng cháo của ngươi đâu.
Ðại đức Ananđa cúi đầu thinh lặng không dám thốt một lời, dù là lời biện bạch.
Một lần khác, Ðức Phật bị bịnh bón. Ðại đức Ananđa lập tức đi tìm vị danh y A-chi-qua-ca-cô-ma-ra-phach-cha cho biết tin ấy. Vị danh y khuyên nên để Ðức Phật nghỉ dưỡng sức một vài hôm. Ðại đức Ananđa thi hành lời khuyên một cách nghiêm chỉnh. Sau đó Ðại đức bèn trở lại tìm vị danh y. Vị này trao cho Ðại đức ba cánh sen có rắc bột thuốc. Sau khi ngửi vào, Ðức Phật xổ được ba, bốn lần.
Một lần khác, lúc ngụ tại thành Quê-sa-li, Ðức Phật bịnh nặng. Ngài dùng năng lực tinh tấn và nhẫn nại để làm giảm thiểu cơn đau và cuối cùng được hoàn toàn bình phục. Ðại đức Ananđa bạch Phật về tâm trạng của mình như sau:
- Bạch Ðức Thế Tôn, trong thời gian Ðức Thế Tôn thọ bịnh, thân xác đệ tử héo hon như đọt khổ qua bị cháy nắng. Ðệ tử có cảm tưởng trời đất tối tăm, sụp đổ. Ðệ tử tuyệt vọng nhưng cố tự trấn tỉnh rằng: Ðức Thế Tôn chưa có nhập diệt, vì Ngài chưa triệu tập tăng già và chưa thuyết minh Di giáo tối hậu.
Những sự kiện vừa kể, chứng minh cụ thể rằng Ðại đức Ananđa đối với Ðức Phật chẳng những là một thị giả, mà còn là một đại bằng hữu một tấm tình tuyệt vời, một tâm hồn chí thiện.
Nói đến Ðại đức Ananđa, chúng ta không thể bỏ qua đức tính thông minh và óc thẩm mỹ. Chính nhờ những nét độc đáo này mà Ðại đức đã trở thành một cộng sự viên đắc lực của Ðức Phật. Ðiển hình là việc sáng chế giáo phục. Câu chuyện như vầy:
Một lần nọ, Ðại đức theo Ðức Phật qua tỉnh Ðắc-khi-na-ghi-ri. Ðức Phật nhìn thấy thửa ruộng của nông dân xứ Magatha vuông dài, bốn cạnh bằng nhau, lại thêm có những đường nhỏ thông ngang dọc trông thật đẹp mắt, bèn hỏi Ðại đức Ananđa:
- Này Ananđa, ngươi có thể chế biến giáo phục cho chư Tăng theo hình thức thửa ruộng này được không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử sẽ cố gắng.
Sau đó, Ðại đức Ananđa đã cắt may được một mẫu y có hình thức như thửa ruộng đệ trình Ðức Phật. Ðức Từ Phụ vô cùng hoan hỉ và chính thức ban hành giáo phục cho tăng già.
Nhơn tiện, Ðức Phật khen ngợi Ðại đức Ananđa giữa tăng chúng:
- Này các tỳ kheo, Ananđa là người thông minh, có óc thẩm mỹ, trí lực bén nhạy, có khả năng hiểu biết toàn diện những điều Như Lai chỉ nói vắn tắt.
Còn nói đến đức tri túc thì Ðại đức Ananđa quả thật là mẫu người xứng đáng, khả kính và mực thước. Câu chuyện xảy ra sau khi Ðức Phật tịch diệt như vầy:
Một hôm, theo di ngôn của Ðức Phật, Ðại đức Ananđa sang xứ Kosambi bằng đường thủy nhằm tuyên phạt phạm án Ðại đức Channa, một vị tỳ kheo ương ngạnh, khó dạy. Rời thuyền, Ðại đức đi bộ và tạm nghỉ tại vườn thượng uyển của đức vua Udena.
Lúc bấy giờ, đức vua và hoàng hậu đang ngự nơi ấy. Hoàng hậu được biết Ðại đức Ananđa quang lâm đến rất lấy làm hoan hỉ. Ðại đức nói đạo cho Lệnh bà nghe. Lệnh bà phát tâm trong sạch cúng dường Ðại đức Ananđa 500 bộ y. Hay tin, nhà vua chỉ trích Ðại đức Ananđa nặng lời.
Ðến khi có cơ hội, gặp Ðại đức, nhà vua phán hỏi:
- Bạch Ðại đức, nghe nói chánh cung có cúng dường 500 bộ y cho Ðại đức phải không?
- Muôn tâu, có. Và bần đạo đã nhận tất cả.
- Ðại đức nhận làm chi mà nhiều quá vậy?
- Ðể chia cho những vị nào mà y phục đã cũ, rách.
- Y cũ, rách để làm gì?
- Ðể làm trần.
- Trần cũ để làm gì?
- Làm vải trải đơn (giường ngủ).
- Vải trải đơn cũ để làm gì?
- Làm vải lau bát.
- Vải lau bát cũ để làm gì?
- Làm vải lau sàn.
- Vải lau sàn cũ để làm gì?
- Làm vải lau chân.
- Vải lau chân cũ làm gì?
- Làm vải lau bụi.
- Vải lau bụi cũ để làm gì?
- Ðem nhồi chung với đất sét tô vách tường.
Ðức vua Udena vô cùng hoan hỉ và cúng dường thêm 500 bộ y nữa vì cho rằng các bậc Thích tử rất tri túc, không bừa bãi, phung phí.
Ngoài đức tính tri túc, Ðại đức Ananđa còn nổi tiếng là người nhớ ơn. Ðại đức chẳng những nhớ ơn người lớn mà còn biết ơn kẻ nhỏ.
Có một lần, Ðức vua Pasenadi cúng dường Ðại đức hàng trăm bộ y. Nhớ ơn một môn đệ đã từng phục dịch Ðại đức trong mọi công tác vô cùng tích cực, nên Ðại đức ban thưởng tất cả y cho vị này. Vị này quả thật xứng đáng, khả kính, khả ái, không phụ lòng thầy, nên sau khi nhận y, liền đem tất cả cúng dường lại cho chư tăng.
Nhơn câu chuyện này, một vị tỳ kheo bạch hỏi:
- Bạch Ðức Thế Tôn, vị Tu đà hườn còn tư vị hay không?
- Này các tỳ kheo, trường hợp như thế nào?
Sau khi các vị tỳ kheo bạch rõ sự kiện, Ðức Phật dạy:
- Này các tỳ kheo, sự tư vị không có nơi Ananđa. Sở dĩ Ananđa hành động như vậy là vì nhớ ơn người đã có công với mình. Các tỳ kheo này, bậc trí giả lúc nào cũng nhớ ơn và luôn luôn tìm dịp báo ơn.
Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Lệnh bà Mahà Pajàpati
Ðại đức Ananđa còn có tính hay thương người, thấy ai khổ là chịu không được và sẵn sàng giúp đỡ tùy khả năng, không phân biệt thân sơ, nam nữ. Câu chuyện điển hình như sau:
Dì mẫu Mahapachapati (Mahàpajàpati) rất mực thương yêu và quí kính Ðức Phật. Ðể thể hiện tình cảm sâu đậm ấy, Lệnh bà tự kiểm và nhận thấy rằng từ ngày Thái tử thành Phật, trong hàng hoàng gia Thích tộc có người hiến cúng lễ vật, có người rũ áo đi tu, riêng mình thì chưa làm được việc thiện nào cụ thể. Nghĩ xong, Lệnh bà tự chọn cho mình một công tác là tự tay canh cửi dệt vải và cắt may một bộ y phục thật tốt để cúng dường Ðức Phật. May xong, Lệnh bà đến chùa bạch Phật:
- Bạch Ðức Thế Tôn, Dì mẫu tự tay canh cửi, dệt vải và cắt may bộ y này để cúng dường, xin Ðức Thế Tôn từ bi thọ dụng.
- Thưa Dì mẫu, xin Dì mẫu cúng dường đến vị khác. Như Lai đã có đủ y rồi.
Lệnh bà tha thiết năn nỉ ba lần, nhưng Ðức Thế Tôn vẫn một mực khước từ. Lệnh bà vô vàn buồn tủi. Nhớ thuở nào, khi Ðức Phật còn ấu thơ, Lệnh bà ẳm bồng, nưng niu. Cầm lòng không được, Lệnh bà vừa khóc kể vừa ôm bộ y đến chổ ở Ðại đức Xá Lợi Phất kể hết sự tình và yêu cầu Ðại đức hoan hỉ thọ nhận.
Mặc dù thông cảm cảnh ngộ và tâm trạng của Lệnh bà, song Ðại đức khước từ và đề nghị Lệnh bà cúng dường cho vị khác. Nhưng câu chuyện được ghi nhận là không có vị nào thọ y của Lệnh bà.
Cuối cùng, Ðức Phật cho triệu tập tăng chúng, và khuyến khích Lệnh bà cúng dường đến chư tăng do Ðại đức A-chi-ta đại diện nhận. Ðồng thời, Ngài an ủi, khích lệ và tán thán đạo tâm tuyệt đối trong sạch của Lệnh bà, khiến Lệnh bà chẳng những hết tủi thân mà còn vô cùng hoan hỉ.
Nhơn câu chuyện này, Ðức Phật giải thích về cung cách bố thí:
- Thưa Dì mẫu, bộ y mà Dì mẫu vừa cúng dường gọi là tăng thí trong sự chứng minh của Như Lai, một vị Phật Tổ. Cách thí này phước báu to lớn vô cùng, to lớn hơn cúng dường đến một cá nhân, dù cá nhân ấy là Như Lai. Dì mẫu ơi, sở dĩ Như Lai không thọ y của Dì mẫu, không phải Như Lai muốn làm khó hay làm buồn lòng Dì mẫu, mà sự thật chỉ vì Như Lai muốn cho Dì mẫu được thật nhiều công đức.
Ðức Phật nhìn sang Ðại đức Ananđa và dạy:
- Ananđa, ngươi khẩn cầu Như Lai thọ y của Dì mẫu bằng cách gợi lại mối tình dưỡng dục tuyệt vời mà Dì mẫu dành riêng cho Như Lai thuở ấu thời. Ðiều này Như Lai không phủ nhận. Do đó, Như Lai đã triệu tập chúng tăng, và hướng dẫn Dì mẫu cúng dường đến đoàn thể thay vì cá nhân. Sự cúng dường đến tập thể có giới đức thì phước báu thật là vô lượng. Ananđa này, cá thể thì có 14 hạng:
Quote:
1- Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác.
2- Bậc Ðộc giác Phật.
3- Bậc Alahán.
4- Bậc đang hành đạo để đắc quả Alahán.
5- Bậc Anahàm.
6- Bậc đang hành đạo để đắc quả Anahàm.
7- Bậc Tư đà hàm.
8- Bậc đang hành đạo để đắc quả Tư đà hàm.
9- Bậc Tu đà hườn.
10 -Bậc đang hành đạo để đắc quả Tu đà hườn.
11- Tu sĩ ngoại đạo đã diệt ái dục.
12- Phàm nhơn có giới đức.
13- Phàm nhơn không có giới đức.
14- Loài súc sanh.
Này Ananđa, thực phẩm mà người cho đến súc sanh vẫn được phước báu to lớn. Ananđa, có lần Như Lai nói với một du sĩ ngoại đạo rằng:
- Dù đổ nước rửa bát với ý định bố thí cho những loại thấp sinh vẫn được phước nhiều. Do đó, sự bố thí từ người có giới đức trở lên đến bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác thì phước báu lại càng to lớn hơn. Tuy nhiên, phước của cá thể vẫn là phước tương đối, giới hạn; còn phước của tập thể thí thì tuyệt đối, vô hạn. Này Ananđa, đến thời mạt pháp sẽ không còn bậc xuất gia có giáo phục và giới đức, mà chỉ có hình thức tối thiểu để ghi nhận mà thôi. Chẳng hạn như, quấn vải vàng trên cổ, buộc chỉ vàng nơi cườm tay hoặc trên búi tóc. Mặc dầu vậy, sự bố thí đến hình thức tăng ấy cũng được phước vô lượng miễn là tác ý hướng vọng tăng già.
Ðức Thế Tôn an ủi thêm Dì mẫu:
- Thưa Dì mẫu, do đó, sự cúng dường hôm nay của Dì mẫu là sự cúng dường đến tập thể. Quả thật Dì mẫu là người đại phước, đại duyên, vì nó đánh dấu một thắng lợi lý trí. Nguyên Dì mẫu đã phát tâm muốn xuất gia theo Phật ngay từ lúc Ngài còn ngụ tại chùa Ni-gô-rô-tha-ra-ma (Nigrodhàràma) xứ Ca-bì-la-vệ. Nhưng Ðức Phật khước từ. Lệnh bà không thối chí nản lòng, cứ tiếp tục khẩn cầu nhiều lần nhiều lượt, nhưng Ðức Phật vẫn không đổi ý. Mãi đến khi Ðức Phật ngự sang xứ Vesàli và tạm ngụ tại Cu-đa-ga-ra-sa-la (Kutàgàrasàla) rừng Ðại lâm (Mahàvana) thì Lệnh bà cùng với một số đông công nương Thích tộc phát đại nguyện xuất gia làm tỳ kheo ni. Tất cả đồng loạt thí phát, đắp y cà-sa, đi chân đất từ Ca-bì-la-vệ đến Vesàli, khoảng đường dài 200 cây số. Mặc dù đôi chân vương giả đã bị sưng phồng, Lệnh bà và hàng công nương vẫn vào bái kiến Ðức Phật xin phép xuất gia. Ðức Phật vẫn không chấp thuận. Lệnh bà vô cùng buồn tủi, bèn ra đứng ngoài ven rừng Ðại lâm khóc than thảm thiết.
Ðại đức Ananđa thấy vậy động lòng, bèn an ủi Lệnh bà dằn cơn sầu khổ. Ðại đức vào bạch Phật:
- Bạch Ðức Thế Tôn, Lệnh bà Gotami, Dì mẫu của Ðức Thế Tôn, đã tự động thí phát, đắp y cà-sa, thân hình tiều tụy, nét mặt bơ phờ hai chân sưng phồng vì đi bộ từ Ca-bì-la-vệ. Mặc dù vậy, Lệnh bà vẫn không nghĩ đến sự cực khổ, đau đớn, mà chỉ cầu mong được xuất gia. Bạch Ðức Thế Tôn, Lệnh bà là người có nhiều công ơn, đã thay từ mẫu cho Ðức Thế Tôn những dòng sữa ấm. Xin Ðức Thế Tôn mở lòng bi mẫn cho phép Lệnh bà được xuất gia theo sở nguyện.
Một phút im lặng, Ðức Phật dạy:
- Này Ananđa, Dì mẫu có nhiều công ơn đối với Như Lai, điều này Như Lai vẫn hằng tâm niệm. Nhưng Ananđa cũng đừng quên rằng Như Lai là vị Pháp vương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với giáo đoàn, giáo sử và càng không thể lẫn lộn giữa vấn đề tình cảm và lý trí. Do đó, Như Lai phải tuyệt đối vô tư. Này Ananđa, nếu ví giáo đoàn Tăng già như thửa ruộng thì sự có mặt của ni chúng sẽ là loài sâu bọ làm hại mùa màng. Này Ananđa, Như Lai đã từng dạy rằng, nữ giới là phiền trược của phạm hạnh. Ananđa ơi, nếu chánh pháp của Như Lai có thể tồn tại và thạnh hành 1000 năm, nhưng khi có ni chúng thì thời hạn ấy sẽ giảm thiểu còn phân nữa. Hãy cho thông qua chuyện ấy. Ananđa chớ nên sốt sắng khẩn cầu mà sẽ có điều bất lợi về sau.
Nhưng hình ảnh vô cùng tiều tụy, xác xơ, với nét mặt bơ phờ và đôi chân sưng húp của Dì mẫu trong bộ y cà-sa dính nhiều bụi đất đã khiến Ðại đức chạnh lòng thương cảm:
- Bạch Ðức Thế Tôn, nữ giới nếu được xuất gia đúng chánh pháp có thể đắc được thánh quả hay không?
- Có thể được không trở ngại.
- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu vậy xin Ðức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho Dì mẫu xuất gia.
Qua một phút im lặng nữa, Ðức Từ Bi phán dạy:
- Này Ananđa, nếu Dì mẫu chịu nghiêm hành 8 trọng pháp (1) thì Như Lai có thể chấp thuận. Tám trọng pháp ấy là:
Quote:
1- Tỳ kheo ni dù có 100 tuổi đạo cũng phải đãnh lễ, đứng dậy tiếp rước và phụng sự xứng đáng đối với vị tỳ kheo tăng dù mới xuất gia trong ngày.
2- Không được nhập hạ tại địa điểm không có tỳ kheo tăng.
3- Phải tự hành lễ Phát lồ (2) và sau đó phải đến thỉnh giáo với tỳ kheo tăng trong mỗi định kỳ nữa tháng.
4- Phải tự hành lễ Tự tứ (Pavàranà) và sau đó phải đến xin hành lễ với tỳ kheo tăng.
5- Nếu phạm tăng tàng phải chịu thọ phép Ma-nach-ta (Mànatta) (3) 15 ngày thay vì 7 ngày nơi hai giáo hội.
6- Giới tử ni (Sikkhamànà) trước khi xuất gia phải nghiêm trì lục giới suốt thời gian hạn định 2 năm và phải được hành lễ thọ cụ túc giới nơi lưỡng phái giáo hội.
7- Không được nặng lời chỉ trích, hoặc mắng chửi tỳ kheo tăng.
8- Không có quyền giáo huấn tỳ kheo tăng, mà chỉ có tỳ kheo tăng mới đủ thẩm quyền giáo huấn tỳ kheo ni.
- Này Ananđa, đây là 8 trọng pháp mà ni giới phải nghiêm hành suốt đời.
Quote:Chú thích:
Quote:(1) Cũng được gọi là Pháp Bát Kính.
(2) Lễ Bố tát.
(3) Nghi thức giáo luật để trong sạch hóa tỳ kheo phạm trọng tội.
Ðại đức Ananđa thuật lại tất cả cho Dì mẫu nghe và chờ xem phản ứng. Lệnh bà vô cùng hoan hỉ, có cảm tưởng như cô gái đẹp tắm rửa sạch sẽ, điểm trang lộng lẫy, đầu đội tràng hoa, thì thử hỏi làm sao Lệnh bà không vui mừng cho được. Lệnh bà bạch với Ðại đức Ananđa là sẽ trọn đời nghiêm hành Bát kính pháp.
Ðức Phật cho Lệnh bà và 500 công nương Thích tộc được xuất gia thọ cục túc giới. Ðây là khởi đầu cho trang ni sử trong Phật giáo.
Tại sao Ðức Phật có tôn ý không cho nữ giới xuất gia? Ðiều này đã được trả lời dứt khoát và minh bạch qua thái độ không chấp thuận lời khẩn cầu của Dì mẫu. Ngài lo xa: Ni giới sẽ gây trở ngại cho bản thân mình cũng như tha nhân. Chẳng hạn, tỳ kheo ni không thể bảo vệ an ninh cho chính mình. Do đó, ni chúng không có quyền sống biệt lập, mà phải luôn luôn đặt dưới sự giáo huấn và giám hộ của tỳ kheo tăng. Sự liên đới trách nhiệm này là một trở ngại lớn cho cả hai giới.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bất khả kháng, Ðức Thế Tôn cũng hoan hỉ chấp thuận với những điều kiện trên. Qua Pháp Bát Kính, chúng ta phải nhận rằng, tôn ý Ðức Phật cho phép nữ giới xuất gia nhưng chế định giới luật vô cùng khó khăn để ni giới không phát triển được và cuối cùng giáo đoàn ni bộ không còn nữa. Sự kiện đã xảy ra như dự liệu. Nghĩa là sau khi Ðức Phật tịch diệt, không có đoạn kinh nào đề cập đến ni giới. Mãi cho đến triều đại A-Dục vương (1), giáo đoàn ni bộ mới tái xuất hiện.
Một điều quan trọng khác, tưởng cũng nên biết, đó là nghi thức và cung cách cho nữ giới xuất gia. Theo luật định, một vị tế độ chỉ có quyền cho một giới tử ni xuất gia và sau đó phải nghỉ một năm. Nghĩa là cách năm mới được phép cho xuất gia. Với điều kiện này, dù muốn dù không, giáo đoàn ni bộ cũng phải đi đến chổ tự diệt.
Vả lại tôn ý Ðức Phật chỉ muốn nữ giới giữ vai trò tiếp liệu, tỳ kheo tăng là chiến sĩ, mà Ðức Phật là vị Tổng tư lệnh tối cao.
Posts: 3,771
Threads: 527
Likes Received: 158 in 117 posts
Likes Given: 62
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Yêu là khổ
Ngoài bản chất từ bi hay thương người và sẵn sàng cảm thông giúp đỡ, Ðại đức Ananđa rất khiêm nhã, phong cách uy nghi, lại thêm sắc diện sáng tươi khả ái đã vô tình khiến cho một thiếu nữ say mê cuồng nhiệt. Câu chuyện như vầy:
Có một hôm mùa hè nóng bức, Ðại đức hữu sự đi đường xa, lúc trở về Kỳ viên tịnh xá ánh nắng gay gắt như đốt cháy thịt da, khiến Ðại đức khát nước khô cổ, mồ hôi nhễ nhại. Vừa lúc ấy, một thiếu nữ đang xách nước xuất hiện như một cứu tinh. Quá vui mừng, Ðại đức đến gần và lên tiếng:
- Này tín nữ, bần đạo đi đường xa nên khát nước, nếu không thấy phiền xin tín nữ vui lòng cho bần đạo ít nước giải khát.
Nghe lời nói vô cùng lịch sự tao nhã, thiếu nữ ngước lên nhìn, nàng giựt mình mất bình tĩnh, vừa bước lui vừa nói:
- Thưa Ðại đức, tôi không dám dâng nước cho Ðại đức đâu. Ðại đức cũng không nên uống nước này vì Ðại đức là dòng dõi quí tộc, còn tôi là dòng nô lệ thấp hèn.
- Tín nữ không nên nghĩ như vậy. Bần đạo là người vô giai cấp. Bần đạo là Thích tử Sa môn chứ không phải vua chúa, bà la môn, thương gia hay lao động, mà chỉ là một con người như tín nữ vậy.
- Tôi chỉ sợ làm hoen ố đến Ðại đức vì Ðại đức nhận nước từ tay người khác giai cấp, mà kẻ ấy lại là tôi, một giai cấp hèn hạ, nô tỳ và chính cá nhân tôi cũng bị đắc tội. Chớ thực ra tôi đâu tiếc rẻ gì với Ðại đức - Nàng trả lời với giọng nhẹ nhàng và xúc động.
- Tín nữ này, sự hoen ố và tội lỗi không bao giờ có nơi người nặng lòng từ bi và nhiều nhân ái. Sự hoen ố và tội lỗi chỉ có trong hành vi bất thiện. Như vấn đề này, bần đạo là người xin nước, tín nữ là người thí nước, tất cả đều là hành động đạo lý, mà hành động đạo lý thì không thể bị hoen ố và có tội, trái lại nó là chất nước trong sạch để tẩy rửa những vật dơ bẩn. Truyền thống giai cấp mà Bà la môn giáo chủ xướng không tạo được sự bình đẳng mà chỉ tạo thêm sự ngăn cách, làm tổn thương nhân phẩm. Ðức Tôn Sư của bần đạo có dạy rằng: không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có sự bất bình đẳng trong giọt nước mắt cùng mặn. Tất cả sự thật, bần đạo đã giải bày, nếu tín nữ có thể cho được thì xin đổ nước vào cái bát này.
Nàng cảm thấy thấm thía, ngọt ngào qua lời nói vừa thành thật vừa hữu lý của Ðại đức. Ðấy là lần đầu tiên trong đời bất hạnh của nàng mới được nghe, nhất là lời nói đó phát xuất từ con người, mà đời cho là thượng lưu quí tộc. Dư âm lời nói dường như cứ ngân nhẹ trong tai nàng. Bàn tay dịu dàng, trịnh trọng đổ nước vào bát Ðại đức trong tư thế quì một chân, còn Ðại đức Ananđa thì đứng cúi xuống nhận nước và uống một cách ngon lành. Nàng ngước nhìn Ðại đức uống nước mà niềm vui tràn ngập cả tâm hồn.
Uống xong Ðại đức phúc chúc:
- Cầu cho tín nữ được nhiều hạnh phúc.
Nàng nghiêng thùng nước và mời:
- Bạch Ðại đức, xin Ðại đức uống thêm cho thật hết khát.
- Vừa đủ rồi tín nữ ạ!
- Bạch Ðại đức, làm sao tôi có hân hạnh được biết quí danh Ðại đức?
- Tín nữ có từng nghe Ananđa, thị giả của Ðức Phật bao giờ chưa?
- Dạ có.
- Có từng thấy mặt không?
- Dạ không.
- Chính tín nữ đang tiếp chuyện với Ananđa đó.
Nàng bàng hoàng vì sung sướng ngập lòng. Quả thật, nàng chưa bao giờ dám mơ ước được thấy mặt con người bằng xương bằng thịt huống chi được hầu chuyện cùng Ðại đức Thị giả của Ðức Thế Tôn. Hào quang của sự sung sướng tỏa chiếu ra ngoài sắc mặt và ánh mắt. Nàng nói thật nhẹ, giọng nói hơi run:
- Bạch Ðại đức, thật là một diễm phúc lớn cho tôi được gặp Ðại đức, người có giới hạnh, có danh vị mà tôi cứ tưởng là mình nằm mộng.
Ðại đức Ananđa từ giã nàng và về Kỳ Viên tịnh xá. Ðược một đổi đường, Ðại đức nghe tiếng chân người phía sau, bèn quay lại nhìn thì thấy thiếu nữ ban nãy. Ðinh ninh nhà cô ta ở cùng đường, nên Ðại đức cứ tiếp tục đi, không nghi ngờ chi cả. Nhưng khi đến gần cổng chùa không còn ngã rẻ, Ðại đức quay nhìn lại, vẫn thấy nàng lẽo đẽo theo sau, cặp mắt đắm đuối nhìn mình, bèn dừng bước, chờ nàng đến gần, và hỏi:
- Tín nữ đi về đâu?
- Dạ, tôi đi về chùa Kỳ viên.
- Tín nữ vào đó để làm gì?
- Ðể được gặp Ðại đức và trò chuyện với Ðại đức.
- Tín nữ không nên vào đây nếu không có lý do chính đáng, vì đây là chỗ ở của chư tăng. Tốt hơn, tín nữ nên về nhà.
- Tôi không về nhà nữa. Tôi thương Ðại đức. Ðời tôi chưa bao giờ gặp ai khả kính, khả ái như Ðại đức.
- Này tín nữ, Ðức Tôn Sư dạy rằng: muốn biết người tốt xấu phải ở chung lâu ngày, nhận xét vô tư và phải phán quyết sáng suốt. Ở đây, tín nữ mới gặp bần đạo một lần thì làm sao dám quả quyết là bần đạo khả kính, khả ái. Nếu bần đạo đã mượn danh Ðại đức Ananđa, thì tín nữ nghĩ sao? Thôi tín nữ hãy về nhà, đừng vào chùa bất tiện lắm.
- Dù Ðại đức là ai, tôi vẫn thương Ðại đức.
- Tín nữ, Ðức Tôn Sư dạy rằng: yêu là khổ. Yêu sanh ra lo sợ. Yêu là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Tín nữ không sợ khổ sao?
- Thưa Ðại đức, tôi sợ khổ và không muốn bị khổ. Mọi người trên thế gian cũng như tôi. Tuy nhiên, tôi muốn được thương yêu đặc biệt là yêu thương Ðại đức.
- Làm sao được hở tín nữ? Vì nhân quả lúc nào cũng liên quan mật thiết. Cái nhân thương đã gieo, thì cái quả khổ phải gặt.
- Ðại đức nói vậy, chớ tôi nào thấy khổ. Tôi chỉ thấy vui sướng và hạnh phúc khi được gặp gỡ, chuyện trò với Ðại đức, người mà tôi yêu thương, quí kính nhất đời.
- Nếu sau này không gặp bần đạo nữa thì tín nữ có khổ không?
- Chắc chắn là phải khổ nhiều lắm.
- Như vậy chứng tỏ yêu là khổ.
- Không phải vậy. Ðó là do sự xa cách người thương, chớ không phải do bản chất sự thương yêu.
- Nếu xa cách người không thương thì có khổ không ?
- Dạ không.
- Này tín nữ, như vậy tín nữ đã tự thú nhận rằng chính sự thương yêu là nguyên nhân của đau khổ.
- Bạch Ðại đức, sự đau khổ mà Ðại đức vừa nói đó là sự đau khổ của người không được thương yêu, nếu được thương yêu thì đâu có khổ.
- Tín nữ đã từng được yêu thương lần nào chưa?
- Từ trước thì chưa.
- Nếu chưa từng được yêu thương thì tín nữ làm sao biết chắc là không đau khổ. Người bốc lửa dù cố ý hay vô tình cùng bị nóng phải không tín nữ?
- Dạ phải.
- Vậy thì cái khôn ngoan nhất là đừng bốc lửa thì không nóng, cũng như không yêu là không khổ.
- Bạch Ðại đức, dù Ðại đức có giải thích cách nào tôi cũng yêu Ðại đức. Nếu Ðại đức không chấp nhận tình yêu đơn phương của tôi, thì Ðại đức cứ nhận tôi như một người giúp việc trung thành để tôi được phục dịch Ðại đức và riêng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
- Thật tội cho tín nữ quá! Tại sao tín nữ lại thương một người như bần đạo, trong khi tình thương yêu của bần đạo đã hiến dâng trọn vẹn cho Ðức Tôn Sư rồi. Thú thật với tín nữ, trái tim bần đạo không còn khoảng trống. Bần đạo cũng không thể chấp nhận tín nữ như người giúp việc, vì điều này Ðức Tôn Sư đã cấm chỉ. Bần đạo thông cảm nỗi lòng tín nữ, song bần đạo không thể vượt ra ngoài khuôn khổ luật định. Tín nữ hãy về đi. Không khéo chư vị tỳ kheo, sa-di thấy được thì họ sẽ chê trách bần đạo. Vả lại, nơi đây rất gần hương thất Ðức Bổn Sư. Tín nữ hãy nên tự trọng.
Ðức Bổn Sư nghe rõ câu chuyện đối đáp giữa hai người, bèn lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì đó Anan?
- Bạch Thế Tôn, một thiếu nữ đòi theo đệ tử vào chùa.
- Hãy cho cô ta vào, và dẫn đến đây gặp Như Lai.
Ðại đức Ananđa hướng dẫn thiếu nữ vào bái kiến Ðức Phật. Ðức Tôn sư hỏi:
- Ananđa, câu chuyện xảy ra thế nào mà cô đây đòi theo ngươi vào chùa?
Sau khi nghe Ðại đức Ananđa tường thuật, Ðức Tôn Sư hỏi thiếu nữ:
- Này tín nữ, tín nữ thương Ananđa phải không?
- Bạch Ðức Thế Tôn phải.
- Tín nữ thương chổ nào?
- Ðệ tử thương cặp mắt.
- Tín nữ này, mắt là nơi qui tụ một số thần kinh hệ và hai cục thịt mềm, chứa đựng nhiều trược chất: nước mắt, cức ghèn, nước nhờn và mủ máu. Vậy tín nữ còn thương cặp mắt của Ananđa nữa không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu vậy thì đệ tử thương cái mũi của Ananđa.
- Này tín nữ, cái mũi cũng là nơi liên kết một số thần kinh hệ, bên trong chứa nhiều trược chất: nước mũi, cức mũi, nước nhờn... và rất hôi hám. Vậy tín nữ còn thương cái mũi của Ananđa nữa không?
Nàng mắc cở, đâm liều, cứ nói thương cái này đến thương cái khác. Nàng nói thương bộ phận nào thì Ðức Tôn Sư đều giải thích cái uế trược của nó. Cuối cùng nàng cúi đầu yên lặng. Ðức Phật dạy:
- Tín nữ ơi, xác thân này chỉ là cái bị da, được tạo dựng lên bằng xương thịt và máu mủ, các vật uế trược thường trực chảy theo cửu khiếu, là nhà trọ, là nghĩa trang của các loại sinh trùng, là ổ bịnh tật, là nhà vệ sinh cố định, nếu không chịu khó rửa ráy thường xuyên thì mùi hôi thúi sẽ xông ra tức khắc. Tín nữ ơi, xác thân này sở dĩ đẹp đẽ là nhờ da thịt bên ngoài che đậy các vật uế trược bên trong, cũng như quan tài được sơn phết màu mè, được trau chuốt trơn láng mà bên trong là tử thi hôi thúi. Không ai ưa thích quan tài có tử thi sình thúi. Vậy tại sao tín nữ lại ưa thích xác thân có nhiều trược chất và sinh trùng?
Lẽ ra, giọt nước cành dương đã rủ sạch lòng trần. Nhưng tội nghiệp nàng, vì nàng quá thương yêu Ðại đức Ananđa, thương đắm đuối, cuồng nhiệt, quên thân phận hiện tại, quên cuộc sống cách ngăn, quên cả sự hiện diện tôn quí và pháp âm mầu nhiệm của Ðức Bổn Sư. Tâm trạng nàng chỉ nghĩ đến Ðại đức Ananđa. Trái tim nàng chỉ có hình ảnh độc nhất của người nàng yêu. Quả thật tình yêu của nàng là tình yêu đơn phương, song nàng bất chấp, vì trong cái cay đắng ấy nàng vẫn cảm thấy thú vị ngọt ngào.
Thỉnh thoảng, ánh sáng chánh pháp lóe lên trong tâm hồn nàng, rồi vụt tắt thật nhanh như điện trời. Nàng như chiếc xe tuột dốc mà bộ phận thắng đã hư. Lửa ái dục đang bốc cháy rực trời mà nước cam lồ chưa dập tắt được. Nàng suy nghĩ lung lắm, tìm phương cách nào để được gần gủi Ðại đức Ananđa nhưng vấn đề hoàn toàn bế tắt. Thất vọng nàng bái biệt Ðức Phật ra về. Nàng cũng không quên liếc nhìn Ðại đức Ananđa như trao gởi hẹn hò.
Thời gian nàng gặp gỡ Ðại đức Ananđa rồi theo Ðại đức về chùa bái kiến Ðức Phật đã hết nữa ngày. Trời chiều bãng lãng. Nàng phập phòng lo sợ sự vắng mặt quá lâu của mình sẽ trở nên đại tội nếu chủ nhà cần gọi. Vì đã có lần nàng bị hành hạ tàn nhẫn chỉ vì cái lỗi này. Thật tội nghiệp cho thân phận và kiếp sống tôi đòi.
Nhưng may mắn làm sao! Suốt thời gian ấy chủ nhà tuyệt nhiên không gọi đến nàng. Một sự kiện ngoại lệ. Có lẽ đây là Phật lực.
Ðêm ấy nàng Cô-ki-la trằn trọc, thao thức suốt canh trường. Mở mắt thì nóng rát, mệt mỏi; nhắm mắt thì hình ảnh Ðại đức Ananđa hiện lên như thiên thần bất tử. Giác quan thứ sáu của nàng gần như không còn đối tượng, ngoại trừ hình ảnh của Ðại đức Ananđa. Nàng tâm niệm tên Ðại đức liên tục không gián đoạn, như tín đồ ngoan đạo niệm hồng danh Ðức Bổn Sư. Thỉnh thoảng hình ảnh từ bi thanh tịnh của Ðức Bổn Sư hiện lên trong tiềm thức và nàng cũng cảm thấy yên tịnh đôi phần. Nàng cũng có cảm giác của khách lữ hành giữa trưa hè nắng gắt được núp bóng tàn cây. Nhưng cuối cùng hình ảnh từ bi, thanh tịnh của Ðức Phật mờ dần, nhường cho hình ảnh khả ái của Ðại đức Ananđa ngự trị. Tội nghiệp, nàng hoàn toàn bất lực trước trận giặc tình, nên đã tự mâu thuẩn với nổi niềm riêng.
Tiếng gà đã gáy sang canh. Tiếng gáy thúc dục, liên hồi báo hiệu bình minh mới. Gió mai thổi hơi sương luồn qua cửa sổ khiến nàng cảm thấy phấn khởi và tỉnh táo. Nàng đứng lên cởi bỏ áo choàng, chuẩn bị thức ăn sáng cho chủ. Mặc dù bận rộn, nàng vẫn không quên được hình bóng của Ðại đức Ananđa. Nàng thầm van vái thần linh xui khiến cho Ðại đức sáng nay đi khất thực ngang qua nhà nàng đang ở.
Nắng mai khiến nàng dễ chịu. Làm xong bổn phận, nàng ra đứng trước cửa, cặp mắt mơ màng, nhìn xa xăm. Bỗng nàng trông thấy một vị tỳ kheo ni, tay ôm bình bát, mình mặc áo cà-sa đang đi khất thực và tiến tới nhà nàng. Một ý nghĩ khác thường thoáng hiện qua tâm thức, khiến nàng sung sướng như bắt được vàng.
- Tỳ kheo ni! Ta sẽ xuất gia làm tỳ kheo ni, sẽ được ở gần Kỳ viên tịnh xá, sẽ có cơ hội gặp gỡ chuyện trò với người thương.
Quyết định xong, nàng xin nghỉ việc, đến chùa bái kiến Ðức Thế Tôn và xin xuất gia. Ðức Thế Tôn thấy rõ thiện duyên thánh quả của nàng nên Ngài hoan hỉ chấp thuận và cho ở chung với ni chúng gần Kỳ viên tịnh xá. Sau khi xuất gia, tân ni cô tích cực học tập, làu thông kinh luật, hạnh kiểm trang nghiêm, thu thúc lục căn, sống hòa mình, có kỷ cương và rất đẹp lòng ni chúng. Yếu tố giúp nàng thành công trong nếp sống phạm hạnh là đức tính trầm lặng.
Mặc dù tinh tiến vượt bực nhưng nàng cũng không tránh khỏi xao xuyến khi Ðại đức Ananđa đến dạy đạo tại ni viện mỗi buổi chiều. Có một lần, nàng được nghe Ðức Bổn Sư thuyết pháp về phiền não là tham ái, sân hận và si mê. Ngài dạy:
- Cả ba thứ phiền não đều thiêu đốt chúng sanh thường trực, nhất là hạng chúng sanh chịu dưới quyền sai sử của nó. Nhưng tính chất khinh trọng khác nhau: tham ái tội nhẹ, khó diệt. Sân hận tội nặng dễ trừ. Si mê vừa nặng tội vừa khó dứt. Người xuất gia, mặc dù cuộc sống xa cách tham ái nhưng nếu tâm hồn còn bị sai sử thì con đường giải thoát vẫn còn ngưng trệ. Ví như khúc gỗ tươi, dù để nơi khô ráo cũng không phải là nhiên liệu phát hỏa.
Nghe xong bài pháp, nàng lãnh hội trọn vẹn và cảm nhận sâu xa. Nàng tự thẹn, vì thấy mục đích xuất gia của mình không phải để tẩy trừ phiền não hoặc để liễu ngộ Niết bàn mà chỉ vì muốn được gần gủi người yêu. Quả thật mình đã hành động liều lĩnh, thiếu sáng suốt, vì như thế có khác nào để dầu gần lửa, tránh sao cho khỏi bốc cháy một sớm một chiều.
Càng suy nghĩ càng xao xuyến, hoang mang. Vả lại, nàng cũng chưa thấy Ðại đức Ananđa có một cử chỉ đặc biệt nào đối với nàng. Ðành rằng sự gặp gở người yêu là hạnh phúc, song hạnh phúc ấy quá nhỏ nhoi nếu đem so sánh với nỗi buồn cô đơn dầy xéo, và nỗi khổ đọa đầy của kiếp sống cách ngăn. Chiếc áo cà-sa là bức tường ngăn cách giữa nàng và Ðại đức. Một sự ngăn cách hữu hình, nhưng không thể san bằng vượt thoát. Nàng cảm tưởng như bất thần bị tạt nước đá vào mặt. Tâm trạng nàng chán chường tuyệt vọng.
Nàng cố quên Ðại đức Ananđa bằng cách tích cực trau dồi kinh luật. Nàng rất sợ sự gián đoạn của thời gian và khoảng trống của không gian. Tuy đã cố gắng và phấn đấu nhưng hình ảnh Ðại đức Ananđa cứ hiện lên như thiên thần đối diện. Nàng hoàn toàn bất lực trong ý niệm chạy trốn tình yêu. Vì tình yêu là nam châm mà trái tim nàng là một loại kim khí.
Một hôm, nàng đưa một cô ni bạn đến gặp Ðại đức. Vốn bẩm tánh nhã nhặn lịch sự, Ðại đức tiếp nàng rất niềm nở, đạo tình. Nàng sung sướng và vui mừng chi xiết. Nàng cảm thấy cuộc đời sáng tươi, đáng yêu, đáng sống. Tâm trạng nàng như hoa xuân đang nở rộ, như lúa háp gặp mưa. Nhưng trước khi nàng ra về, Ðại đức nhắc khéo:
- Này cô, từ nay, nếu không có lý do chính đáng thì cô đừng nên đến đây. Còn nếu có điều chi thắc mắc liên quan đến giáo lý, thì nên hỏi, khi tôi đến dạy đạo tại quí viện.
Ðêm ấy nàng đã khóc rất nhiều. Có lẽ, nước mắt đã chảy ra suốt đêm trường. Nàng cảm thấy vừa buồn khổ, vừa tủi hờn, vừa đau đớn. Sự đau khổ trào dâng, nàng uất nghẹn nói một mình đứt quảng:
- Phải mà, ông ta có bao giờ nghĩ đến mình đâu. Lòng dạ gì mà như sắt đá!
Một ni cô ngủ gần nghe tiếng nấc giữa đêm khuya, bèn lật đật đến hỏi:
- Kokilà, có sao không?
- À, không có sao, Sumitra. Tôi vừa trải qua cơn ác mộng khủng khiếp quá. Thành thật cám ơn Sumitrà đã thương tình lo lắng cho tôi.
- Ðức Phật dạy, người rãi lòng từ bi sẽ không nằm thấy ác mộng. Kokilà có nhập từ bi quán trước khi ngủ không?
- À, vậy là trước khi ngủ phải rãi lòng từ bi thì sẽ không nằm mơ thấy ác mộng phải không?
- Phải.
- Ðêm nay, trước khi ngủ tôi đã quên, không nhập từ bi quán. Tôi thành thật xin lỗi vì đã vô tình làm kinh động giấc ngủ Sumitrà.
Sau khi Sumitrà đi rồi, Kokilà nghĩ đến thân phận bèo bọt của mình. Quả thật đời nàng là một chuổi dài bất hạnh. Lúc chưa xuất gia thì nàng là một kẻ nô tỳ bằng thể xác, đến khi được xuất gia thì nô lệ bằng tâm hồn. Thật vậy, người bị mắc bẫy tình thì tha nhân không gỡ được mà phải tự lực giải thoát. Nàng chợp mắt trong tình trạng uể oải, mỏi mòn khi trời gần sáng.
Còn tiếp
|