2022-05-27, 05:59 AM
NHÌN THẤY MUỐN MỬA
Nhìn thấy sách giáo khoa thể dục cho trẻ con, thú thực tôi muốn... mửa!
Thời tôi đi học, những bài tập thể dục như trong sách này, chỉ cần ra sân, thầy hướng dẫn và tập. Tập vài lần là thuần thục. Không thi, không kiểm tra đánh giá gì, điều cốt yếu là nhà trường tổ chức tập thường xuyên giữa giờ hoặc một tuần một vài tiết. Không ai nói học thể dục như thời của tôi thì kém sức khoẻ. Tôi nay gần 60, hít đất, vật tay, cử tạ, bơi lội chấp luôn cả hai thằng con trai thanh niên nhà tôi cộng lại đấy!
Nay, với chủ mâm Nguyễn Minh Thuyết, môn Giáo dục thể chất thành 1 trong 5 môn bắt buộc ở Trung học phổ thông. Phải chăng đó là lý do sách giáo khoa thể dục ra đời, ngay từ lớp Một.
Những người làm chương trình và sách giáo khoa sẽ nói: không bắt buộc mua! Ơ hay, sách được biên soạn tốn tiền tỷ, xuất bản với hàng tấn tấn bạch đàn, phá hàng ngàn hecta rừng mà nếu không ai mua thì buộc dân trở về thời ỉa đồng để tiêu thụ cho hết à? Tôi hình dung, để nhà nhà phải mua, người ta sẽ nghĩ ra cách: ngoài thi thực hành sẽ có phần thi lý thuyết! Mà thi lý thuyết thì bắt buộc phải học thuộc lòng bài học trong sách!
Thủ đoạn này quá quen thuộc, nhưng ít người hình dung. Điều tôi hình dung đã từng diễn ra tại trường tôi dưới thời Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt. Đó là năm Bộ ra quy định sinh viên phải có Chứng chỉ giáo dục thể chất mới được tốt nghiệp. Sinh viên phải học và hành đủ các loại môn thể thao: Chạy 100m, chạy 3000m, nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép, ném tạ, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, cờ vua... Chuẩn đầu ra cho mỗi môn gần ngang vận động viên quốc gia. Sinh viên trượt vỏ chuối đến cả trăm, phải nộp cả đống tiền để thi lại. Chưa đủ, sáng kiến sau đó là sinh viên bị buộc không chỉ thi thực hành mà còn thi cả... lý thuyết.
Đề thi lý thuyết các môn thể thao dạng thế này. Chẳng hạn môn Cầu lông: "Hãy trình bày kỹ thuật giao cầu". Vậy là sinh viên phải mua tài liệu do giảng viên biên soạn với giá trên trời để học thuộc và thi.
Chuyện cười ra nước mắt, thật mà như bịa, nhiều người còn nhớ. Hôm đó, khi coi thi, sau khi phát đề xong, tôi quan sát thấy nhiều thí sinh cứ ngồi trong tư thế cà giật, viết xong mỗi câu là giật tay, giật chân như bị kinh phong. Tôi thử nhìn vào đề thi thì thấy đề yêu cầu: "Hãy trình bày kỹ thuật giao cấu". Người ra đề viết tay, đánh dấu huyền thành dấu sắc. Tôi tá hoả. Cứ tưởng có hoạt động giao cấu trong thể thao thật. Xuống hỏi Trưởng ban coi thi thì được trả lời, đó là "giao cầu".
Lúc sinh viên nộp bài, tôi hỏi vui: "Thi cái gì mà giật tưng tưng vậy?" Một sinh viên nhăn mặt nói: "Thực hành thì chúng em đều làm được, trong khi thi lý thuyết thì buộc phải nhớ từng động tác, cho nên phải vừa tưởng tượng hoạt động vừa viết lời mô tả. Thầy yêu cầu học thuộc tài liệu, nhưng thuộc sao được khi chẳng có logic nào?"
Chuyện này kéo dài cho đến khi chúng tôi đấu tranh "lật đổ" Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt mới chấm dứt.
Kết thúc bài này, tôi xin kính lạy ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, rằng ông có thực tâm cải cách thì hãy mạnh tay dẹp vấn nạn làm tiền đến mức thô bỉ này đi đã. Buồn mửa lắm!
Chu Mộng Long