Chương 20: Người Việt
#1
https://tuongtri.com/nuoc-mat-truoc-con-mua/

Excerpt from Tears Before Rain (Author: Larry Engelmann) - Bản dịch của Nguyễn Bá Trạc



Lý Ngọc Thuý, “Ông có hiểu chuyện hãm hiếp nghĩa là thế nào không?”

Tôi sinh ngày mùng 5 tháng Năm năm 1967, đến Hoa Kỳ năm 1981. Gia đình tôi gồm tất cả sáu anh chị em. Cha tôi lúc ở việt Nam là người buôn bán. Nói cho ngay, dưới chế độ Cộng sản, gia đình chúng tôi ở tại một tỉnh lỵ nhỏ gần Qui Nhơn vẫn làm ăn khá giả. Gia đình tôi bán máy thâu băng và băng nhạc. Chúng tôi vẫn còn làm nghề ấy dưới chế độ Cộng sản, nhưng trước khi chúng tôi đi, họ bảo vì có vài người trong gia đình tôi đã đi Mỹ, nên họ không cho phép chúng tôi làm ăn buôn bán nữa.

Bây giờ tôi còn nhớ lúc mẹ tôi bảo tôi phải sửa soạn đi. Tôi khóc. Tôi không muốn đi, nhưng mẹ tôi bảo mẹ tôi sẽ thu xếp đi sau. Tôi không sung sướng gì về việc ra đi vì sẽ phải bỏ các bạn bè và mẹ tôi lại nhà. Tôi cứ cảm thấy sợ hãi, như linh tính đã báo trước rồi sẽ có nhiều chuyện không hay xảy ra.

Chúng tôi lên tàu lúc nửa đêm. Chuyến vượt biên đầu tiên vì thời tiết xấu, phải quay về. Lần thứ nhì cũng không xong. Lần này vì tôi có bảo với vài người bạn là tôi đi Mỹ, họ đi nói với các người khác, nên chúng tôi phải hủy chuyến đi, nhiều người biết quá. Cha mẹ tôi rất giận về việc tôi nói cho người ta biết, đáng lẽ phải giấu là đi thăm bà cô.

Chuyến tiếp theo gồm tất cả 48 người trên tàu. Ngay ngày đầu tiên đã hết nước ngọt. Vì thế sau ngày đầu, chúng tôi đã phải uống nước biển, ai nấy ốm la liệt. Tôi phát đau, tháo mửa.

Thế rồi bọn hải tặc Thái Lan đến chặn tàu chúng tôi. Vì hết sạch đồ ăn nước uống, chúng tôi dùng vải trắng ra hiệu cấp cứu, không ngờ chúng lại là hải tặc. Chúng hãm hiếp một người đàn bà trên tàu. Lần thứ nhất thì không hề gì, chúng chỉ đòi vàng. Nhưng rồi bọn hải tặc lại chặn tàu chúng tôi vào ngày thứ hai và ngày thứ ba. Chúng đưa tất cả chúng tôi ra khỏi tàu, chỉ chừa một người đàn bà. Chúng lên tàu, tất cả bọn thay phiên hãm hiếp người đàn bà ấy.

Sau chúng đưa chúng tôi lên một hòn đảo. Trên đảo không người, nước cũng không. Cả hòn đảo khô khốc. Chúng bắt chúng tôi ngồi thành vòng tròn. Xong chúng chọn đàn bà, đưa vào bụi rậm mà hiếp. Thực khủng khiếp hết sức.

Bấy giờ tôi hãy còn là một đứa trẻ gầy gò, nhỏ bé. Tôi hãy còn là một đứa trẻ con ngây ngô chưa biết gì, nhưng chúng vẫn đến bắt tôi ra. Tôi ốm, thân thể trần trụi, lúc ấy hãy còn nhỏ. Chúng nắm lấy tôi, kéo tôi vào trong bụi, làm những chuyện đau đớn hết sức. Tôi không biết mình bị hiếp, thực sự bấy giờ tôi không hiểu gì. Tôi chỉ tưởng chúng định giết tôi. Chúng không thích tôi vì thân hình tôi gầy ốm quá.

Những người đàn ông đi cùng tàu lúc ấy ngồi lặng yên trong vòng tròn. Họ cúi mặt nhìn xuống đất trong lúc chúng hãm hiếp đàn bà con gái, hãm hiếp tôi. Nhưng họ đều biết những chuyện đang xảy ra. Lúc ấy tôi khiếp hãi quá.

Chúng không giết ai, cũng không đánh đập đàn ông. Khi xong xuôi, chúng bỏ mọi người lại trên đảo mà đi. Sau đó, tôi chỉ còn lại một cái quần lót. Chúng đã lấy hết quần áo của chúng tôi.

Chúng tôi phải cố kiếm ra cái ăn, mà kiếm được cái ăn để cầm cự sống trên đảo rất khó. Vài ngày sau, có các thủy thủ trên tàu Hải quân Thái đến. Họ đón chúng tôi lên tàu, đối đãi tử tế. Họ đưa chúng tôi đến trại ty nạn ở Songkhla.

Chúng tôi ở tại Songkhla nhiều tháng, rồi sau đó được bảo trợ sang Cali. Lúc đến nơi tôi khá ngạc nhiên bởi vì mọi người ở đây đều giàu có.

Tôi đã nói được đôi chút tiếng Anh khi đến Cali, vì tôi có học Anh ngữ trong thời gian ở Songkhla. Khi đến trường, lúc đầu không được khá. Tôi không biết cách ăn mặc, cũng không có quần áo tốt. Học sinh trong lớp thường trêu chọc tôi. Một đứa con gái hay gây sự đánh tôi trên xe buýt vì tôi ăn mặc xấu xí, tôi đoán thế. Tôi có nói chuyện ấy với bà tài xế, nhưng bà ta bảo không giúp gì tôi được. Chúng xô đẩy, kéo tóc tôi vì tôi nhỏ con, tôi đoán thế. Bấy giờ tôi chỉ cân nặng khoảng 80 cân Anh.

Sau lớp 8, tôi vào trung học, mọi thứ khá hơn. Tôi đã đạt nhiều tiến bộ trong trường. Hiện tôi đã vào đại học. Mẹ tôi hãy còn ở Việt Nam, tôi vẫn thường viết thư cho mẹ tôi.

Sau những chuyện xảy ra, sự thực tại đây tôi không sung sướng gì. Mọi việc xảy ra đã quá sức tôi. Năm ngoái tôi tự tử thêm lần nữa. Tôi đã uống thuốc để đi tìm cái chết.

Liên hệ giữa cha tôi và tôi không đuợc tốt. Sau vụ bọn Thái Lan hãm hiếp tôi, cha tôi không còn có sự gần gũi thân thiết với tôi nữa.

Rất ít người đàn ông nào có thể hiểu được chuyện những người đàn bà bị hãm hiếp là thế nào. Rất ít. Đã có lần tôi từng hỏi mấy người đàn ông là: “Ông có thể hiểu chuyện bị hiếp nghiã là thế nào không?” Nhưng họ không thể hiểu. Họ không biết. Họ chẳng thể hiểu gì.

Nếu có thể quay ngược thời gian thì tôi sẽ không bao giờ rời Việt Nam. Sau khi tôi ra đi, đã có quá nhiều điều thê thảm xảy ra cho tôi.

Tôi hãy còn nhớ những tên hải tặc, đôi khi tôi vẫn còn nằm mơ thấy chúng. Ngay hôm nay đây, tôi vẫn chẳng thể nào quên được. Tôi không thể biểu lộ lòng trìu mến. Tôi không thể nắm tay ai. Tôi không thể yêu đương lãng mạn được nữa.

Tôi mờ mịt trước tương lai. Tôi không rõ rồi đây tôi có sẽ tìm lại cái chết nữa hay không. Có ai biết trước được tương lai.



Melissa Phạm, “Lúc ấy tôi chỉ là đứa bé”*

Rời Saigon tháng Tư năm 1975, chúng tôi đi thẳng sang Phi Luật Tân, ở đấy một đêm rồi sang Guam. Chúng tôi chỉ ở Guam vài ngày, rồi đi Fort Chaffee thuộc Tiểu bang Arkansas, và được một nhà thờ bảo trợ về Milwaukee, tiểu bang Wisconsin.

Cha tôi không nói được tiếng Anh, muốn nói gì với Mỹ phải có người thông dịch. Chỉ có chị tôi nói được tiếng Anh đôi chút.

Toàn thể gia đình tôi đến ở chen chúc trên gác thượng một căn nhà phụ của nhà thờ, phải trải nệm lên sàn mà ngủ. Sau đó người ta kiếm được cho chúng tôi một căn nhà ba phòng ngủ, một phòng tắm, nhưng gia đình chúng tôi đông, nên vẫn chật chội.

Trường học ở đây khác lạ, làm tôi rất sợ. Cả bốn anh chị em chúng tôi đều học một truờng. Người ta thuê một thầy giáo Mỹ nói được tiếng Việt để dạy thêm chúng tôi mỗi ngày một giờ sau buổi trưa. Chỉ trừ giờ học này, còn chúng tôi vẫn học chung với các học trò khác. Chúng tôi học Anh ngữ khá mau. Đặc biệt chúng tôi rất giỏi toán vì môn này không đòi hỏi tiếng Anh nhiều.

Chúng tôi sống ở đấy được ba năm. Trong thời gian này tôi đã đổi trường đến ba lần, chúng tôi luôn luôn là những người Việt Nam duy nhất tại đây. Chỉ trong những dịp đặc biệt, người Việt trong vùng mới gặp gỡ được nhau. Chúng tôi đã tìm đến gặp gỡ nhau trong những dịp này.

Ở Chicago có một linh mục Việt Nam thường đến giúp đỡ chúng tôi. Cha tôi tìm được việc làm tại một hãng thợ hàn. Công việc này hơi khó cho cha tôi vì cha tôi chưa hề làm việc ấy bao giờ.

Cô tôi di chuyển đi Los Angeles. Một cô khác đi cùng tàu với chúng tôi đã đến Nebraska, rồi lại chuyển đi San Jose. Cô viết thư cho chúng tôi biết ở đấy khá hơn vì đông người Việt, có thể nương tựa nhau được. Ở Wisconsin cuộc sống chúng tôi khó khăn vì ai cũng phải có việc làm mới nuôi nổi gia đình, bọn trẻ con cũng phải vừa học vừa làm.

Vì vậy tất cả chúng tôi bèn quyết định đi Cali. Nhưng trước khi ra đi, chị lớn tôi lấy chồng, chị sang ở Texas, anh lớn tôi lấy vợ, ở lại Winsconsin. Còn những người khác trong gia đình đều đến Cali.

Khi tới San Jose, tôi học lớp Sáu. Qua năm sau thì vào Trung học Đệ Nhất Cấp. Tại đây khó hội nhập hơn. Sống ở vùng Trung Tây nước Mỹ, người ta khác. Còn ở Cali tôi thấy người ta có nhiều thành kiến hơn. Học cùng với nhau nhiều năm mà học sinh vẫn khó làm bạn và chia ra thành nhiều nhóm.

Đa số học sinh to lớn hơn tôi. Đôi khi chúng trêu chọc, nhái giọng nói, tiếng nói của tôi vì tôi là ngưòi Việt. Có lẽ chuyện ấy không đáng chi, nhưng lúc ít tuổi, trẻ con rất dễ tổn thương.

Các anh chị em tôi học ở những trường khác cũng để ý thấy như vậy. Đôi khi những người đi đường cũng hay nói những câu độc ác và nhái giọng nói chúng tôi.

Sau đó tôi lên trung học đệ nhất cấp. Các giáo sư đối xử với tôi rất tốt, tôi cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Tôi trở thành thủ khoa của lớp. Trong những năm trung học đệ nhất cấp, tôi đã là học sinh đầu lớp. Hiện nay tôi đang theo học đại học, ngành kỹ sư điện toán.

Tôi mong ước một ngày kia sẽ lập gia đình, có hai đứa con. Tôi không muốn có một gia đình như cha mẹ tôi. Ở Mỹ này mà đông con thì tốn kém lắm. Có lẽ tôi sẽ thành hôn vói một người Việt. Tôi thích thế vì có chung một văn hóa vẫn dễ thuận thảo với nhau hơn.

Hiện nay, tôi đang đứng giữa hai thế giới mà không dám chắc mình thuộc bên nào. Vấn đề là sự thông cảm và sự suy nghĩ. Đôi khi tôi thấy mình là kẻ lạ trong đám người Việt, và khi đứng trong đám người Mỹ, tôi cũng vẫn là kẻ lạ.

Tôi không có thể nói tiếng Việt thông thạo nữa. Nhưng vì các kinh nghiệm đã trải qua, tôi cũng không thực sự là người Mỹ. Các bạn tôi cũng cảm thấy như thế. Ngay trong giấc ngủ, tôi cũng đã mơ bằng cả hai thứ ngôn ngữ. Thế có lạ không?

Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về Việt Nam, vẫn nhớ đến các bạn hữu của tôi ở đấy. Tôi nhớ cảm giác trong những dịp đặc biệt: những ngày lễ Tết, những ngọn đèn, những cuộc thăm viếng nhà nhau. Tôi nhớ tất cả những thứ ấy.

Bấy giờ tôi hãy còn nhỏ lắm. Rất nhỏ. Khi ngắm nhìn tấm ảnh lúc tôi còn ở Việt Nam, gần như tôi không nhận ra được chính mình. Khi đến Mỹ, gần như tôi đã đến một thế giới khác, đã bỏ thế giới cũ lại đàng sau. Điều ấy thực khó khăn cho tôi bởi vì lúc ấy tôi chỉ là một đứa bé.



Nguyễn Mộng Thảo, “Lúc nào tôi cũng yêu mến Abraham Lincoln”*

Rời Saigon, chúng tôi qua Guam, ở đấy vài tuần rồi sang Fort Chaffee. Cha tôi rời đây trước, có một nhà thờ bên Connecticut nhận bảo trợ cho chúng tôi. Cha tôi đi trước, kiếm được việc làm, những người bảo trợ cũng kiếm được cho chúng tôi một chỗ ở.

Các thày giáo ở Connecticut cứ lầm lẫn mãi về việc gọi tôi bằng tên chị tôi, gọi chị tôi bằng tên tôi. Họ sắp nhầm cả lớp cho tôi. Chúng tôi ở đây một năm. Trong trường, học trò đứa nào cũng tranh nhau làm bạn với chúng tôi. Chúng cãi cọ để được ngồi cùng bàn chúng tôi. Bọn nó thường đem cho tôi quà, các thứ đồ trang điểm, đủ thứ. Còn con bé tên là Tiffany thường hay vẽ hình mấy con ngựa tặng tôi.

Tôi có đến hai ngày sinh nhật, vì chúng tôi dùng cả âm lịch, chuyện ấy làm bọn trẻ Mỹ rối rắm chả hiểu gì. Tôi báo cho bọn trẻ trong trường biết cả hai ngày sinh nhật của tôi. Tôi thấy thực khó giảng cho chúng hiểu chuyện ấy.

Trong lớp, tôi luôn luôn dẫn đầu môn toán, thày giáo bắt tôi phải tiến chậm lại. Lúc ấy tôi không nói được tiếng Anh, nhưng có nói được tiếng Pháp, làm bọn trẻ trong lớp thán phục. Tiếng Anh hoàn toàn mù mịt. Nói chung, bấy giờ tôi phải dùng thủ hiệu, chỉ trỏ để thông cảm nhau.

Cô tôi đã dọn sang tiểu bang Washington. Tôi còn nhớ một buổi sáng kia cô chợt điện thoại cho chúng tôi, bảo con gái cô nghịch súng trong nhà, đã nổ cò trúng đạn. Bấy giờ, cô nói, mọi người đang ở trên lầu, bọn trẻ chơi đùa dưới nhà. Mấy con bé tìm được một khẩu súng vác ra chơi. Súng cướp cò, đạn bắn ngay đầu. Vào nhà thương nó hãy còn kêu khóc: “Má ơi, má ơi”, nhưng em họ tôi chết trong nhà thương. Cô tôi điện thoại báo cho biết, và tôi nhớ là tôi đã kể cho cả lớp hay. Nhưng tôi phải dùng dấu tay, dùng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt để kể câu chuyện cho bọn bạn học. Và tôi đã khóc.

Tôi rất gần gũi với em họ tôi. Thực kỳ lạ là lúc điện thoại reo vào ba giờ sáng, khi mẹ tôi bốc máy trả lời thì tôi tỉnh dậy đi vào phòng mẹ.

Sau khi cô tôi điện thoại xong, mẹ tôi và tôi bước ra ngoài.

Đêm ấy trời có tuyết. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy tuyết. Ngoài trời đêm rất sáng, vạn vật phủ mầu trắng trong đêm khuya. Lúc ấy trước lễ Giáng Sinh. Cái chết của em họ tôi đã làm tôi xúc động sâu xa.

Tôi nhớ đêm hôm ấy tôi đã khóc. Mẹ tôi cũng vậy. Vài tháng sau, vào mùa hè, chúng tôi dọn sang tiểu bang Washington. Từ Connecticut, chúng tôi lái một chiếc xe cũ kỹ mà cha tôi đã mua với giá năm chục Mỹ kim để đi băng nước Mỹ đến tiểu bang Washington. Cha tôi là thợ máy giỏi, ông đã bảo trì chiếc xe chạy khá tốt. Chúng tôi đi băng qua nước Mỹ với chiếc xe Oldsmobile này, ba người ngồi hàng ghế trước, tất cả số còn lại ngồi sau.

Trong chuyến đi, chúng tôi đã thấy biết bao công viên và những đài kỷ niệm danh tiếng của nước Mỹ. Chúng tôi đã được nhìn thấy núi Rushmore với tượng Abraham Lincoln trên ấy. Lúc nào tôi cũng yêu mến Abraham Lincoln.

Phải mất cả tháng trường, chúng tôi mới đi băng hết nước Mỹ, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều. Trong chuyến đi này, chúng tôi ghé lại nhà bạn quen, ngụ tại các nhà trọ hoặc những trạm nghỉ chân dọc theo xa lộ. Chuyến đi này cũng là một cuộc phiêu lưu lớn, chúng tôi đều thích thú.

Sau đó chúng tôi đến viếng mộ em họ tôi ở tiểu bang Washington. Tôi còn nhớ cảm giác của tôi là tức giận bực bội. Tại sao để súng trong nhà làm gì? Tại sao em tôi lại chết tức tưởi ở đất Mỹ sau tất cả những gì chúng tôi phải trải qua tại Việt Nam? Nhưng tôi cũng không để cho mình vương vấn mãi chuyện ấy, bởi lẽ, nếu thế thì lòng tôi cũng tan nát. Tôi biết, nên tôi không dám luẩn quẩn mãi với cái chết của em họ tôi.

Trong nghĩa địa có trồng một hàng cây với cành lá phủ đầy những hạt nhỏ. Tôi nhặt một hạt cây rồi giữ lấy. Tôi không biết tại sao tôi lại giữ cái hạt ấy.

Chúng tôi dọn đi Seattle. Một người dì tôi đã kết hôn với người Mỹ, một người Mỹ da trắng. Cha tôi cho rằng việc ấy có thể gây ra ảnh hưởng xấu. Cha tôi làm việc với Mỹ, nói tiếng Mỹ, sinh hoạt với họ cũng suông sẻ, nhưng cha tôi lại không muốn ai trong gia đình tôi lấy Mỹ cả. Tôi nghĩ chuyện ấy thực kỳ cục.

Ở Seattle có nhiều người Á Châu hơn ở Connecticut. Lúc ấy tôi vẫn còn phải học E.S.L. (1) Nhưng rồi tôi bắt đầu học khá hơn. Tôi vẫn cứ phải đóng vai học trò đầu lớp, từ khi ở Việt Nam, tôi vẫn đã như thế.

Tôi ở tiểu bang Washington từ khi học lớp Ba cho đến lớp Bảy. Sau đó vì cha tôi có nhiều bạn ở dưới vùng Cali này, và vì ông đã tìm được việc ở đây, chúng tôi bèn dọn cả xuống. Nói thế này thì tôi cảm thấy không tốt, nhưng ở đây đông người Việt quá. Tôi cảm thấy có lẽ không nên nói như thế, nhưng tôi tự hỏi họ là ai. Họ là những kẻ phản bội hay họ là ai? Đông người Việt Nam quá.(2)

Tôi mong có dịp trở về thăm Việt Nam. Tôi có vấn đề dằng co về nhân thân. Đôi khi, tôi quên bẵng mình là người Việt Nam. Đến khi soi gương, mới nghĩ: “Ô! Ô! Ngươi là người Việt mà, Thảo ơi. Đừng quên thế nhé”. Chuyện ấy thực là gay. Vào những kỳ Thế Vận Hội hoặc vào những dịp mùng 4 tháng Bẩy (3), tôi hoàn toàn cảm thấy mình là người Mỹ. Tôi đâm ra thắc mắc. Nếu Việt Nam có tham dự Thế Vận Hội thì tôi vẫn ủng hộ Hoa Kỳ. Xứ sở này, đất nước này giờ đây chính là xứ sở tôi, đất nước tôi. Tôi nghĩ có lẽ chính vì thế mà tôi không muốn quanh quẩn trong đám người Việt Nam đông đảo nữa. Tôi không nằm mơ thấy Việt Nam. Nhìn hình ảnh Việt Nam, tôi không thể nhớ gì. Tôi có nhớ đôi điều, nhưng ít lắm, không thực rõ các chi tiết. Những anh chị lớn nhớ nhiều hơn.

Tôi vẫn bực bội về việc người ta dán nhãn hiệu liệt tôi vào loại nguời nào. Với Mỹ trắng, tôi chẳng hợp gì, mà với Việt Nam cũng không. Ở Tiểu bang Washington, bạn tôi đều là Mỹ trắng. Khi thông thạo tiếng Anh rồi là tôi ăn khớp vào với các bạn một cách rất tốt đẹp. Nếu người ta nghe chúng tôi nói nhưng không nhìn thấy chúng tôi, người ta đều tưởng chúng tôi là Mỹ trắng. Nhưng người ta vẫn khó chấp nhận rằng bây giờ thực sự chúng tôi chính là người Mỹ.

Chị lớn tôi hiện sống ở San Francisco. Chị là một nghệ sĩ. Chị rất có tinh thần sáng tạo. Hiện chị đang viết một quyển sách. Tuy nhiên, tôi phải tránh nói chuyện với chị. Ông hiểu không, chị ấy đang sống chung với người bạn trai của chị. Cha tôi đã từ chị, không nhắc đến tên chị nữa.

Đôi khi tôi lâm vào tình trạng ưu uất tinh thần. Chuyện ấy bắt nguồn từ gia đình. Tôi không khá trong việc đương đầu với các áp lực khủng hoảng. Chị tôi đã đặt cha mẹ tôi vào những nỗi khó khăn, tôi bực bội với chuyện ấy. Tôi thường bỏ đi chơi, tôi có nhiều bạn trai hơn là bạn gái. Đủ mọi quốc tịch.

Tôi thích trẻ con, nhưng chỉ muốn có con sau khi đã thành tựu sự nghiệp của tôi. Sau đó mới tính chuyện mình muốn gì.

Tôi đang phải theo học đại học, nhưng tôi tự trả lấy học phí bằng nghề thư ký. Ở nhà, cũng như những đứa con khác trong gia đình, tôi không phải trả tiền thuê nhà hay tiền ăn. Nhưng tôi có trách nhiệm phải coi sóc mấy đứa em trai, em gái.

Tôi luôn luôn mơ ước có một căn nhà bếp thật rộng để nấu ăn. Nhưng tôi cũng luôn luôn e ngại cha tôi không thích những món ăn tôi nấu . Tôi yêu cha tôi bằng tất cả tim tôi. Nhưng tôi ghét cay ghét đắng những quan điểm của ông. Cái ghét này cũng gần ngang với lòng yêu thương ông. Tôi hiểu về phía ông, quá khứ của ông. Nhưng cùng một lúc tôi tin rằng cha tôi cũng cần phải hiểu về phía của tôi và của chị tôi. Phía của chúng tôi, của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi không còn sống ở Việt Nam nữa, nhưng hình như cha tôi không nhận thức được những điều như thế.

Trong nhà, chúng tôi thường không nói năng gì. Tôi là người duy nhất hay nói chuyện trong gia đình. Tôi nói, nhưng cha tôi thì không. Khi ông cáu kỉnh, bẳn gắt, ông kêu tôi đi vào trong buồng. Mỗi khi có vấn đề, hoặc mỗi khi các anh chị em tôi muốn gì, thì cuối cùng chính tôi là nguời phải hỏi cha mẹ tôi và phải lãnh chịu hết mọi lời trách móc.

Gần đây, tôi muốn dọn ra ở riêng. Cha tôi bảo: “ Nếu mày mà lấy Mỹ trắng thì tao từ mày”. Và mẹ tôi lên tiếng: “Đấy, tất cả tụi bay nghe rõ chưa?” Tôi hiểu lý do tại sao cha tôi nói thế, nhưng điều ấy vẫn làm cho tôi thương tổn. Tất nhiên, nếu bọn tôi đứa nào cũng lấy Mỹ thì chúng tôi sẽ mất mát một cái gì.

Tuy nhiên có những chuyện cha tôi chẳng bao giờ hiểu được.

(1) English for second language: Anh văn, sinh ngữ thứ hai.
(2) Nguyên văn đoạn này là “I feel bad for saying it, but there are too many Vietnamese here. I feel like I shouldn’t say it. But I wonder who they are. Are they traitors, or who are they? There are so many of them”.
(3) Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.



Mạc Thuý Vân, “Nửa Mỹ nửa ta”*

Tôi sinh năm 1967 ở Saigon. Cha tôi là người Mỹ. Em gái tôi mười lăm tuổi, khác cha. Mẹ tôi không bao giờ kết hôn với cha tôi cả. Mẹ tôi giúp ông bà ngoại tôi mở một tiệm ăn ở Saigon. Còn ông bà ngoại tôi mở một tiệm ăn nhỏ dưới miệt vườn. Cha tôi rời Việt Nam năm 1973 rồi ông trở lại yêu cầu mẹ tôi sang Mỹ với ông, nhưng mẹ tôi không chịu. Năm 1975 cha tôi viết thư một lần nữa yêu cầu mẹ tôi sang Mỹ. Bà vẫn từ chối, do đó cha tôi lại viết thư sang bảo như thế ông sẽ lập gia đình với người khác. Hiện nay ông đã có gia đình khác.

Tôi sống ở Saigon cho đến 1975 thì dọn xuống miệt vườn. Tôi ở tại một làng giữa Mỹ Tho, Bến Tre, đi học ở đấy. Nhiều người hay nhìn tôi vì trông tôi khác lạ. Tôi lai Mỹ. Người ta không có cảm tình chuyện đó.

Tôi sống ở đấy đến năm 1979 thì rời Việt Nam. Lúc bấy giờ cô chú tôi với hai người con trai muốn ra khỏi nước, chúng tôi đến thăm trước khi gia đình cô chú tôi đi. Hôm ấy ông bà ngoại tôi khuyên là nên cho tôi đi, vì ở Mỹ tôi sẽ có tương lai hơn. Vì thế mẹ tôi quyết định gửi tôi đi.

Chúng tôi vượt biên bằng một chuyến tàu lớn tại Mỹ Tho, lênh đênh trên tàu tám ngày đêm. Đến được Mã Lai thì họ bắn, không cho vào. Vài người trên tàu bị thương, vì thế chủ tàu năn nỉ là chỉ cần xin nước uống thôi. Họ cho chúng tôi nước, và chúng tôi đến được Nam Dương.

Tôi đổ bệnh suốt chuyến đi. Lúc ấy tôi quá nhỏ để ý thức những việc đang xảy ra. Ở Việt Nam tôi được sung sướng nhưng tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có một tương lai khả quan. Cuối tuần nào ở trường chúng tôi cũng phải đi lao động. Tôi chẳng học được bao nhiêu. Một vài số điểm trong lớp là tùy thuộc vào việc có lao động tích cực hay không.

Ở Nam Dương tôi đã đổi chỗ đến ba lần. Chỗ đầu tiên là một vùng hoang địa, không bóng người nào khác ngoài chúng tôi. Chúng tôi phải dùng thuyền đi lấy nước. Vài người giàu có đem theo vàng lúc rời Việt Nam, họ dùng tiền để mua đồ ăn quanh vùng trong lúc ở Nam Dương. Còn chúng tôi phải thuê thuyền sang đảo khác mua đồ ăn.

Rồi chúng tôi lại đến một trại khác, nơi đây có người Mỹ giúp. Họ chuyển chúng tôi đến đây. Chúng tôi ở trong trại thứ hai này một năm, nhiều người đã bỏ mạng tại đây. Gần như mỗi ngày đều có người chết vì nước bẩn. Muỗi mòng cũng làm người ta phát bệnh.

Tôi có hai nguời anh chị họ ở Mỹ. Tôi viết thư nhờ, nên họ đã bảo trợ cho chúng tôi sang Mỹ. Tôi không có ai khác bảo trợ cả. Tôi đến San Francisco năm 1981. Lúc ấy không nói được tiếng Anh. Tôi vui mừng, nhưng rất sợ hãi vì chung quanh toàn người da trắng. Tôi không biết rồi đây sẽ làm gì ở Mỹ.

Tôi sống với những người bà con trong một căn nhà. Tôi bắt đầu học lớp Bảy, nhưng vì không nói được tiếng Anh nên phải theo học chương trình E.S.L, chương trình Anh ngữ dành cho người không nói tiếng Anh. Trong năm ấy tôi gắng học, bắt đầu có tiến bộ. Sau một năm, tôi có thể nói chuyện kha khá bằng tiếng Anh.

Tôi học Trung học Đệ Nhất Cấp, rồi vào trường Trung học Independence ở San Jose. Tại đây tôi được điểm trung bình 3.3. Hiện nay tôi đang theo học kế toán Thương Mại tại Đại học San Jose. Tôi muốn vào ngành Thương mại ở Hoa Kỳ. Hiện tôi làm việc tại một cửa tiệm để lấy tiền trả học phí cho xong chương trình đại học.

Tôi là một người Việt Nam.

Tôi là người Việt, bởi vì tôi đã lớn lên như một người Việt. Về phương diện văn hoá, văn hóa Việt Nam là văn hoá của tôi. Khi mới gặp nhau, người ta thường hỏi có phải tôi “nửa Mỹ nửa ta” không! Họ biết tôi lai.

Sẽ có ngày tôi lấy chồng, có hai đứa con. Ở Mỹ này mà có nhiều con hơn số đó thì tốn kém hết sức.

Khi còn nhỏ đã có lần tôi mong mỏi được gặp cha tôi. Nhưng nay tôi không còn tò mò gì về cha tôi nữa. Tôi biết ông đã có gia đình khác.

Nếu tôi đến gặp ông là chỉ đem phiền phức đến cho ông. Tốt hơn hết đừng gặp. Vì thế tôi nghĩ tôi sẽ mãi mãi không bao giờ tìm cha tôi cả.



Nguyễn Thị Kim Anh, “Cố quên những đau thương”*

Vào hôm sau ngày Saigon mất, em gái tôi và tôi ra Vũng Tàu cố tìm đường vượt biên. Chúng tôi ăn mặc như nông dân: bà ba đen, đội nón lá, trả mỗi người 15,000 đồng để lên một chiếc tàu nhỏ ra đi. Nhưng chỉ mới chừng một cây số thì tàu tuần bắt được, mang chúng tôi về lại. Họ nhốt chúng tôi vào khu đất trống cạnh một trường học một đêm. Chúng tôi cười cợt vì lẽ chúng tôi nói láo với họ, bảo chúng tôi đi lánh nạn trong lúc đánh nhau, bây giờ đang muốn trở về làng để bắt đầu một cuộc sống mới, vân vân. Lúc ấy mới một hôm sau ngày họ chiếm, do đó họ chưa có chính sách đối xử với những người vượt biên, vì vậy họ chỉ nhốt chúng tôi có một đêm. Suốt đêm ấy, chúng tôi chuyện trò, chẳng sợ hãi gì. Hôm sau họ cho ít bắp rồi thả chúng tôi ra.

Chúng tôi kiếm xe đò về lại Saigon, tiền nong hết sạch, mà vẫn còn kẹt lại Việt Nam. Đó là chuyến đầu. Mãi đến chuyến thứ sáu tôi mới đi nổi. Chuyến ấy tôi phải giả dạng làm người Hoa, đi vào tháng Bẩy năm 1979.

Trở về lại Saigon, mọi người đang chạy nhốn nháo. Đường phố đầy người. Từ hôm ấy, chúng tôi bắt đầu thấy rất nhiều lính Bắc Việt đi trên đường phố.

Các trường học mở lại. Họ yêu cầu tất cả giáo sư đến một trường để học tập chính sách mới, lề lối mới, giáo trình mới. Chúng tôi phải học hết hai mươi ngày. Sau đó họ cho một giấy chứng nhận chúng tôi đã hoàn tất khóa học. Ngày nào cũng phải viết những bài về các đề tài, ví dụ “Tại sao chúng tôi yêu bác Hồ”, toàn những thứ láo toét như vậy. Thuyết trình viên gồm cả người Bắc lẫn người Nam. Họ nói về chủ nghiã Cộng sản, về việc làm thế nào họ đã thắng cuộc chiến. Họ kết án chính quyền Mỹ tàn phá đất nước. Chúng tôi cứ thế chép, trình bày ngay ngắn, đẹp đẽ, rồi nạp bài. Nếu cứ viết y những gì họ nói, đồng ý trăm phần trăm là có điểm tối đa.

Chúng tôi đã tham dự khóa đầu tiên với khoảng năm sáu trăm giáo sư trong vùng. Và khi chỉ có bạn bè với nhau, chúng tôi thường nói chuyện thành thật. Cho nên mỗi khi thấy người ta chuyện trò thành từng nhóm, họ cho người ngồi xen vào, các cuộc bàn bạc lại phải đổi hướng, hoặc ngưng ngay lại. Họ cố kiểm soát tất cả, đặc biệt những cuộc bàn bạc riêng tư. Họ cho như thế là nguy hiểm, bởi vì họ không biết người ta nói gì.

Nhà trường bắt đầu niên học mới vào tháng Bảy 1975. Vì không có người thay thế, họ phải cho lưu dụng các nhân viên hành chánh cũ, nhưng tại mỗi trường, họ đều đưa các đảng viên đến làm trưởng nhóm. Họ chia nhà trường thành các nhóm nghiên cứu xã hội, nhóm sinh ngữ và nhóm khoa học. Trưởng nhóm đều phải là đảng viên. Tại một số trường, có khi họ chọn những người mà họ cho rằng có khả năng làm Thủ trưởng tốt của đảng. Tôi là người được chọn làm trưởng nhóm ngoại ngữ. Vì họ không có ai khác, và vì tôi đã viết những bài học tập đúng ý họ nên họ đã chọn tôi.

Nhóm tôi có chín người, ba người dạy Pháp văn, Anh văn, mấy người kia dạy Văn chương và khoa học xã hội. Chúng tôi đã quen nhau từ hai, ba năm. Mỗi tuần chúng tôi họp một lần. Một trưởng nhóm khác cũng tới tham dự thảo luận, nhưng cứ mỗi lần anh ta ra khỏi phòng, tức khắc chúng tôi bàn chuyện vượt biên, tìm cách ra đi.

Chúng tôi còn thuyết phục được cả một đảng viên trẻ tuổi rằng đảng Cộng sản không tốt đẹp gì, cô ta cũng muốn đi. Sau này, khi tôi đã đi khỏi nước, cô ấy vẫn còn viết thư sang cho tôi. Cô ấy đã đến nhà tôi, hỏi em tôi địa chỉ để viết thư cho tôi. Cô cho biết vì cha cô là một đảng viên kỳ cựu nhiều tuổi đảng nên cô đã gia nhập đảng. Nhờ cha mà cô được đãi ngộ tử tế, có mức sống khá ở ngoài Bắc, nhưng khi vào Nam làm việc với chúng tôi, cô rất có cảm tình vói chúng tôi. Cô biết gia đình tôi đã rời Saigon đi năm 1975, cô biết chúng tôi cũng sửa soạn đi, nhưng cô vẫn bảo vệ cho chúng tôi, kể cả phải nói dối để che chở chúng tôi.

Ngày tôi đi không thoát, tôi đã bảo cô ấy là tôi đi thăm cha mẹ tôi. Nếu có ai hỏi thì cô sẽ chống đỡ hộ, bởi vì cô thừa biết cha mẹ tôi đã ra đi rồi. Ông có thấy không, rất nhiều người tưởng tôi sẽ trở thành đảng viên. Tôi đã cố làm bạn với cô ấy, bởi vì cô có thể bao bọc cho tôi nếu có chuyện xảy ra.

Vào tháng mười một 1975, tôi đi lần nữa. Tôi viết cho cô một miếng giấy bảo là tôi đi thăm cha mẹ. Sau mười ngày nghỉ dậy, nếu tôi không trở lại thì nhờ cô tìm cớ nói hộ tôi. Nhờ thế, cô ấy đã bảo là tôi đi thăm cha mẹ. Nhưng sau ba, bốn ngày, đi không được, tôi trở lại, cô chỉ nhoẻn cười. Cô luôn luôn che chở cho tôi, cô ấy tốt hết sức.

Lần nào ra đi, tôi cũng mất hết tiền bạc. Lần thứ hai ra Nha Trang tới một người bạn, người ta bảo năm giờ thì đến một điểm hẹn để ra đi. Chúng tôi tụ tập đến chỗ chờ xe lam. Cứ thế đợi. Năm giờ. Năm giờ rưỡi. Sáu giờ. Sáu giờ rưỡi. Rồi bảy giờ. Bảy giờ rưỡi. Chẳng một bóng ma nào đến đón. Họ ẵm hết tiền nong, bỏ chúng tôi lại.

Cuối năm 1975, cô tôi từ Bắc vào. Bà ở lại ngoài Bắc từ khi chúng tôi di cư vào Nam, lúc ấy tôi hãy còn nhỏ quá nên chẳng nhớ gì về cô tôi cả. Cô tôi lễ mễ mang vào Nam nào là… gạo, vài quả trứng, mấy món lặt vặt, vì cô tôi nghe nói người trong Saigon nghèo lắm, cô muốn giúp đỡ chúng tôi. Chú tôi cũng vào cùng với cô. Chú kể rằng chú nghe nói miền Nam nghèo đói lắm nên miền Bắc cần phải chống Mỹ để cứu miền Nam. Đấy chính vì sao mà người miền Bắc đã có một niềm tin rất mãnh liệt để nỗ lực cứu nguy cho anh chị em miền Nam.

Trong những ngày ấy Cộng sản liên tục đổi tiền, tôi cũng chẳng biết vì sao. Sau hai lần đổi tiền, khối người tự tử vì không đủ tiền mà sống-trong đó có một vài người giàu có, đặc biệt là người Hoa. Lúc ấy nếu có vàng thì còn giấu được, đó là lý do tại sao mọi người đều muốn giữ vàng. Tiền thì tiếp tục trở thành đống giấy lộn.

Đối với người Hoa, Cộng sản cho đi rất dễ, trước hết là vì tiền, thứ hai để tránh các vấn đề với Trung Quốc. Họ không muốn có người Hoa ở Việt Nam.

Vì vậy tôi đi học tiếng Hoa, kiếm vài bộ quần áo Tàu, em gái tôi cũng thế. Sau đó chúng tôi trả tiền kiếm đường xuống dưới miệt đồng bằng tìm tàu đi Mã Lai. Chuyến đi hết ba ngày bốn đêm.

Trên đường sang Mã Lai chúng tôi bị hải tặc Thái Lan chặn cướp tất cả sáu lần. Đến được Mã Lai chúng tôi mất hết, chỉ còn lại mạng sống thôi.

Lần đầu tiên thấy cướp Thái Lan, chúng tôi cứ ngỡ tàu ngoại quốc giải cứu, ai nấy đều nhảy lên la mừng, tưởng bình yên thoát nạn, nhưng đến khi chiếu ống nhòm nhìn thấy cờ, chúng tôi mới biết là có chuyện.

Vài người trên tàu đã có kinh nghiệm với bọn hải tặc vội bảo đàn bà thay quần áo, lấy than bôi nhọ mặt mày, thân hình, làm cho xấu xí đi. Chúng tôi vội làm ngay, lấy quần áo đàn ông mặc vào, bôi nhem nhuốc thân hình. Chúng tôi có đủ thì giờ bởi vì chiếc tàu chúng tôi nhìn thấy hãy còn xa lắm.

Trong chuyến đầu bị chặn, tài công bị hải tặc Thái Lan đánh gần chết. Khi chúng tới hỏi vàng đâu, thay vì cứ nói “chúng tôi không có vàng”, anh ta lại bảo chúng tôi phải dùng vàng để mua xăng, mua dầu. Chúng bèn đổ hết xăng dầu ra cho cạn đáy mà tìm. Không thấy vàng, chúng đánh tài công thậm tệ, chúng định giết anh ta. Chúng đè anh nằm sấp mặt lên sàn tàu, rồi trước mặt chúng tôi, bọn chúng đứng trên người anh, nhảy dọng lên dọng xuống lên lưng, lên chân, lên đầu anh.

Lần thứ sáu bị chận thì không có chuyện gì tệ hại lắm, vì lẽ khi chúng đến thì tất cả chúng tôi đã mất sạch hết rồi, manh áo cũng không còn. Những bọn trước đã lấy hết, rồi để lại cho ít gạo, nước mắm. Bọn cuối cùng đến, thấy chẳng còn gì lấy được, bèn cho chúng tôi ít cá, ít sữa cho trẻ con rồi kéo cả tàu chúng tôi sang Mã Lai. Bọn cướp tử tế, tôi nghĩ thế.

Ngay từ sau khi gặp bọn hải tặc thứ nhất, chúng tôi đã hết xăng nhớt, tài công thì bất tỉnh, tàu chúng tôi cứ thế nổi trôi. Chúng tôi kinh hoàng vì lúc ấy ban đêm, không có chút ánh sáng. Bọn chúng đã vứt cả hải bàn của chúng tôi xuống biển. Ai nấy đều chắc mẩm sẽ không thoát khỏi tử thần.

Một hôm, thấy có mấy chiếc tàu chạy qua, chúng tôi vội giương cờ lên, phất nữa, nhưng không tàu nào dừng. Sáng hôm sau, lại thấy một tàu nữa chạy lại. Tàu hải tặc, chúng lại cướp nữa. Bọn này rất trẻ, tôi đoán chỉ chừng 16, 17 tuổi. Bọn chúng cạo đầu nhẵn thín, mặt bôi trắng. Bọn chúng đều vác một con dao dài, chúng dí dao vào cổ từng người để hỏi tiền. Bọn chúng chỉ biết vài ba chữ Việt như: Tiền, đô la, vàng, đồng hồ. Chừng ấy chữ. Ai nấy sợ thất thần. Không ai có thể biết chúng sẽ làm gì.

Khi tới Mã Lai, chúng tôi thấy một chiếc tàu nhỏ, vài người Việt Nam đang đánh cá. Nhưng họ mặc những chiếc áo sặc sỡ do hội Hồng Thập Tự phát cho, vài người đã ở đây đến hai, ba năm, nên nước da đen thẫm. Khi thấy hai chiếc tàu đánh cá ấy tất cả chúng tôi cứ đinh ninh là người Mã, sợ họ cũng làm như bọn Thái, nên vội bảo tài công ra sức chạy. Mấy người Việt đuổi theo, la lên: “Lại đây nè! Lại đây nè!”. Cuối cùng mới nghe ra người Việt mà ngừng lại.

Họ chỉ cho chúng tôi đi thẳng vào khu tỵ nạn. Nhưng họ dặn khi đến thì phải tự đánh chìm tàu, kẻo người Mã cũng bắt chúng tôi đi nữa.

Chúng tôi làm đúng lời dặn, rồi nhảy cả xuống biển, Vài người nhảy xuống dùng búa phá thủng đáy cho chìm tàu, còn chúng tôi chạy băng qua bãi biển, vào trong trại mà núp.

Một nhóm người Đức tiến tới, hỏi xuất xứ của chúng tôi. Họ yêu cầu chúng tôi leo lên lại cái tàu thủng đáy, rồi nhảy xuống để cho họ quay phim.

Chúng tôi cười. Không tin nổi. Họ muốn chúng tôi lại bơi ra tàu rồi nhảy xuống bơi vào bờ để họ làm phim. Thật lạ quá, nhưng chúng tôi vẫn làm, chúng tôi phải ở lại cho được.

Thế đấy. Giây phút đầu tiên của tự do là làm tài tử đóng phim. Và đúng vào lúc chúng tôi cố quên tất cả những chuyện đau thương đã xảy ra cho chúng tôi, bởi vì chúng tôi biết giờ đây chúng tôi đã được tự do.
Reply
#2
Nguyễn Sơn, “Ra đi và quên lãng”*

Tôi nảy ý tưởng đi Mỹ từ năm mới mười hai tuổi. Ngay từ những năm chiến tranh, tôi đã tò mò muốn đi Mỹ. Nhiều người bạn của tôi cũng thế . Nhưng lúc ấy tôi hãy còn ít tuổi quá, làm sao đạt được mục đích. Trong thời chiến, các bạn tôi và tôi cũng đã bàn nhau về chuyện sang Mỹ, mong ngay cả đến chuyện bỏ miền Bắc vào Nam. Ở miền Bắc lúc nào cũng phải lo bom đạn, lúc nào cũng phải lo giữ cho mạng sống an toàn.

Lúc ấy chúng tôi còn trẻ, chẳng có kế hoạch, chẳng có phương hướng, cũng không rõ nếu khi vào Nam thì sẽ bị đối xử ra sao. Chúng tôi không biết nếu vượt tuyến vào Nam có bị kết án hay không. Chúng tôi không muốn bị bỏ tù trong Nam, chỉ vì đã vào từ miền Bắc. Nhưng tất nhiên trong lúc chiến tranh, việc ấy chẳng thể nào thực hiện được.

Tôi bị gọi nhập ngũ đánh Trung Quốc và Campuchia. Sau bảy tháng trong bộ đội, tôi đào ngũ trở về Hà Nội. Lúc ấy mẹ tôi bảo bây giờ tốt nhất tôi nên học lái tàu. Vì thế tôi theo học một khoá điều khiển tàu chạy sông ở miền Bắc. Khi theo học lớp này, các bạn tôi hỏi có phải tôi đang tính đi trốn không? Tôi bảo phải. Sau đấy chúng tôi chung nhau tiền mua một chiếc tàu.

Rồi vào khoảng từ 1979 đến 1980, chính phủ trục xuất người Việt gốc Hoa. Nghe trên đài, chúng tôi hiểu bây giờ Liên Hiệp Quốc đã chú ý đến vấn đề tỵ nạn rồi.

Tôi đi với em trai và em gái tôi. Sau khi bị chặn xét tại Cảng Hải Phòng, tôi lái tàu đi đường sông ra biển, cũng nhiều người khác nữa đi theo. Lúc ấy trên tàu có tất cả năm mươi người.

Như thế chúng tôi đã đưa tàu đi từ Hà Nội đến Hồng Kông. Quyết định của chúng tôi là ra đi và quên lãng, chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở về Hà Nội nữa. Bằng hành động ra đi, chúng tôi đã bày tỏ thái độ từ chối cái xã hội mà chúng tôi đã sống, để làm lại cuộc đời của chính chúng tôi, tại một nơi nào khác. Chúng tôi cũng chấp nhận luôn cái sống lẫn cái chết. Nếu sống sót được thì cũng chẳng bao giờ quay về Hà Nội, vì quay về có nghiã là tù đày hoặc chỉ sống một cuộc đời u ám. Người ta sẽ không bao giờ quên, không bao giờ tha thứ việc chúng tôi trốn chạy.

Vì nghĩ chuyện đi biển vẫn chẳng nguy hiểm bằng chuyện xảy ra nếu không thoát, nên chúng tôi đều có tư tưởng hết sức tích cực. Chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ sống. Và rồi sẽ có thể xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân chúng tôi, cho con cái chúng tôi tại một đất nước tự do.

Khi đến Hồng Kông, chúng tôi được đối xử rất tử tế. Chúng tôi được phép lựa chọn quốc gia định cư mà chúng tôi mong muốn.

Nhiều người ở miền Bắc có cùng một cảm giác như tôi, đều muốn làm những chuyện như tôi thực hiện. Trong suốt những năm chiến tranh, chúng tôi đều đã chịu chung những điều kiện của cuộc sống kéo lê. Lúc ấy đi ngược dòng chắc chắn chỉ có chết. Cho nên tôi phải đợi đến khi cuộc chiến đã xong.

Nếu tôi ở lại Hà Nội, cuộc đời tôi hẳn sẽ khác cuộc đời bây giờ ở Mỹ. Thứ nhất, có lẽ tôi đã lấy vợ đẻ con. Bây giờ tôi vẫn một thân một mình. Thứ hai, chắc tóc tôi không đến nỗi bạc như bây giờ, vì ở đất Mỹ này tôi phải lo âu nhiều quá. Ở lại Việt Nam có lẽ cuộc đời tôi ổn định hơn.

Hiện nay tôi lo lắng quá. Tôi mất việc, thất nghiệp, phải ở nhờ bạn bè và em gái tôi. Đôi khi, tôi nghĩ có lẽ tôi nên trở về Việt Nam. Nhưng không. Không. Đùa thế thôi. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đùa. Đúng ra, đêm hôm nghĩ ngợi, tôi vẫn thường cân nhắc chuyện này. Tôi vẫn luôn luôn có cùng một câu trả lời cho câu hỏi này: Rời khỏi nước ra đi, ấy là một quyết định đúng. Tôi luôn luôn tự nhủ, ngẫm cho cùng, tôi đã hành động đúng. Tôi không có gì phải tiếc cả, thật đấy.

Ở đây đầu óc tôi mở mang, tôi luôn luôn học hỏi. Tôi cảm thấy tôi phát triển về phương diện trí thức, tôi vui thích về điều này. Tôi được gặp gỡ trao đổi với đủ hạng người với những tư tưởng khác nhau. Ở đây không ai sợ hãi ghê gớm gì. Tôi cũng lấy làm vui thích về điều này.

Tôi đã làm một quyết định đúng khi bỏ nước ra đi, những gì tôi đã phải chọn là những gì tôi đã muốn. Đến đây thì sự lựa chọn ấy cũng xứng đáng.

Ngày đi khỏi Việt Nam, tôi đã ra đi với tư tưởng dứt khoát. Tôi muốn đi càng nhanh càng tốt.

Nhưng khi tàu vừa ra hải phận quốc tế, khi những cơn sóng mạnh vỗ mạn tàu thì chúng tôi đã bắt đầu thấy lòng bứt rứt không yên. Chỉ mới đi bảy, tám tiếng đồng hồ, đã thấy thôi thúc, muốn quay tàu về. Chúng tôi nhớ đất nước, nhớ cửa, nhớ nhà. Ý thức được những gì đã làm, chúng tôi bắt đầu bật khóc. Tất cả chúng tôi đều quay nhìn lại Việt Nam mà khóc.

Tôi ra đi chỉ một bộ quần áo trên người. Tôi biết cuộc đời rồi sẽ không dễ dàng, rồi sẽ đầy khó khăn trở ngại, phải đổi máu, mồ hôi, nước mắt lấy sự sống, nhưng chúng tôi vẫn muốn hướng tới mà đi. Và khi đã ra tới hải phận an toàn, lại muốn quay về. Chúng tôi ai cũng khóc.

Giờ đây không ngày nào, đêm nào trôi qua mà tôi không nhớ nghĩ về Việt Nam. Trong trí nhớ, tôi nhìn thấy người trong gia đình, các họ hàng thân thích, hàng xóm láng giềng, cha mẹ đẻ ra tôi. Tôi khắc khoải nhớ đến mọi thứ, từ cái cây đến những góc nhà. Đất nước Việt Nam ở trọn vẹn trong tôi, trong ý nghĩ tôi. Nhưng xin ông phải hiểu cho, tôi đã sống hai mươi lăm năm trong cuộc đời ở đất nước Việt Nam. Đấy là nơi tôi lớn lên, nơi chứa đựng biết bao ngọt bùi thời thơ ấu, đấy là nơi tôi trưởng thành. Tôi đã sống ở nơi ấy một phần tư thế kỷ, đã tràn ngập biết bao ký ức. Tôi không thể ném bỏ tất cả. Những ký ức và dĩ vãng ấy lúc nào cũng ở trong tôi.

Quay về với thực tế đất Mỹ này, tôi quả muốn được học hành. Nhưng trí óc nhớ nhung và đầy hình ảnh Việt Nam, tôi không học nổi, tôi không học thêm được nữa. Những điều thầy giảng chui vào tai này lọt sang tai kia. Tôi chỉ nhớ được đôi điều thông thường người ta cần biết để sinh sống ở đây, còn ngoại giả những điều khác, chẳng có gì lưu lại được vì trí óc tôi đầy ắp Việt Nam.

Ngày đầu tiên đến định cư tại Mỹ tôi đã quyết định phải hội nhập, phải thích nghi, phải chấp nhận cuộc sống này. Nhưng rồi cũng lại lan man nghĩ ngợi về Việt Nam. Mỗi ngày tám giờ làm việc thì chỉ nghĩ đến việc làm, nhưng sau giờ làm, lại nghĩ đến gia đình, đất nước. Xong bữa cơm, bật cái truyền hình lên xem thì không hiểu hết vì tôi không giỏi sinh ngữ lắm. Thế là mỗi đêm trí óc lại trôi giạt về Việt Nam. Cuối tuần, tụ họp với bạn bè, lại nói chuyện quê hương đất nước Việt Nam. Đề tài ấy lúc nào cũng quanh quẩn bên tôi. Nếu không có người Việt mà chỉ giao thiệp với Mỹ thì có lẽ cũng bớt cảm giác Việt Nam. Nhưng ở đây, chung quanh tôi rất đông người Việt. Chúng tôi lại nhớ. Nỗi nhớ nằm trong xương tủy chúng tôi.

Tôi nghĩ ngay cả một ngày kia khi các lãnh tụ già ở Việt Nam đã chết, người trẻ có nắm quyền thì họ cũng đã quen đường lối thế hệ già, cũng lại rập cùng một khuôn mẫu. Tôi không thấy tương lai hạnh phúc nào cho đất nước Việt Nam, có lẽ ít nhất cũng phải đến sau năm 2000.

Ngày nay người ta vẫn không giác ngộ. Có một số du học sinh sang các nước Đông Âu, nhưng khi trở về họ cũng không làm gì được vì đất nước nghèo đói, ít người học thức, người ta không được phép thực sự chứng kiến những gì xảy ra trên thế giới. Trong chiều hướng này, người ta chẳng có thể mong đợi gì việc cải thiện mức sống cả.

Muốn đất nước tiến bộ, giới lãnh đạo phải thay đổi cách thức làm việc. Họ phải làm theo nhu cầu của dân, làm theo ước nguyện của dân. Nếu dân muốn làm việc 8 giờ một ngày, thì họ phải để cho dân làm việc 8 giờ một ngày. Nếu dân không muốn tệ nạn tham nhũng hối lộ, họ phải giải quyết tệ nạn tham nhũng hối lộ. Muốn cải thiện đất nước, lãnh đạo phải đi sát với nhân dân, tìm hiểu nhân dân. Hiện nay họ không làm như thế. Lãnh đạo ra chỉ thị bắt buộc nhân dân làm những gì họ muốn. Còn nhân dân cứ hành động những gì họ đòi. Dân thì nghèo khó, khổ sở. Con người phải làm việc vất vả, mà càng làm vất vả thì cuộc đời càng thấy khốn khổ thêm.



Vũ Thị Kim Vinh, “Một bức tranh chúng tôi có thể ngắm nhìn và mơ mộng”*

Sau ngày 30 tháng Tư, sau khi Saigon sụp đổ, người ta bị bắt buộc phải công khai tự phê, tự kiểm, phải tố giác cha mẹ, con cái, bạn hữu. Người ta đã buộc lòng phải làm như thế, không ai đếm xỉa đến chuyện phải nói cái gì nữa. Ai nấy đều giản dị chỉ lo tạo ấn tượng tốt để sinh tồn. Người ta nói những chuyện như thế để mong chế độ mới đối xử tử tế. Phần tôi cũng phải nói là căm ghét những người như cha mẹ tôi, chỉ vì tôi cần sinh tồn, tôi không đếm xỉa những gì tôi nói nữa.

Mỗi sáng sớm bảnh mắt mới 6 giờ họ đã dùng hai loa phóng thanh to tướng đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi phải ra cả ngoài đường cho cái mà tôi gọi là “giờ Jane Fonda”. Đứng ngoài đường nghe họ hô tập thể dục. Bất kể tuổi tác già nua, tình trạng nào cũng mặc, ra tập thể dục. Họ cho phát thanh một thứ âm nhạc buồn cười, một giọng la “một, hai, ba” y hệt như người ta mô tả trong cuốn sách “1984″. Thật lố bịch. Nhìn bao nhiêu bà già phải làm trò này, tôi tự nghĩ “Thứ xã hội mới gì đây, thứ chế độ không trọng nể cả những người già cả như thế?”.

Sau đó chúng tôi bắt buộc phải tình nguyện lên đồng rừng dựng nhà cửa, sửa mái nhà ở những vùng kinh tế mới. Họ bảo chúng tôi là những người tình nguyện, thực ra nào có ai tình nguyện. Không chịu đi, họ cắt thức ăn, cắt hộ khẩu. Mẹ tôi vẫn có thể mua hàng chợ đen nếu họ cắt hộ khẩu, nhưng họ cũng không để cho yên. Họ bảo nếu trong nhà không có một đứa con tình nguyện công tác lao động ở khu kinh tế mới thì toàn thể gia đình sẽ phải đi kinh tế mới. Vì thế tôi phải tình nguyện cho xong.

Họ thực đủ mánh khoé gạt gẫm chúng tôi. Lúc đó, chỉ có mẹ tôi ở nhà. Cha đã phải đi tù. Và cả chuyện ấy nữa cũng là mánh khóe gạt gẫm của họ. Đầu tiên họ thông báo các Hạ sĩ quan, các cấp dưới trong quân đội chỉ phải đi học tập hai ngày nên các sĩ quan cấp trên đã chứng kiến, nghĩ rằng Cộng sản giữ đúng lời hứa. Chính vì thế cha tôi và anh rể tôi đã tự ý đến đăng ký để đi “cải tạo với thời hạn 6 tuần”. Cha và anh rể tôi rời Saigon cùng với nhiều người khác. Khi thời hạn đã mãn, chúng tôi đều mong ngóng cha và anh rể trở về, nhưng họ không về. Tôi nhớ thật rõ ngày đáng lẽ cha anh tôi đi cải tạo trở về. Tôi nhớ thật rõ khuôn mặt những người chị, người vợ, người con trông ngóng chồng, cha, anh trở về.

Mặc dầu chính tôi là người có quan điểm tự do và rất trung lập, nhưng tôi cũng không thể nào tha thứ cho Cộng sản được về những gì họ đã làm lúc đó, khi nhìn thấy cặp mắt của những người đợi chờ trông ngóng, những người đã tin lời Cộng sản nói. Ngày hôm ấy vạn vật tưng bừng, mọi người đều mặc những bộ quần áo tươi sáng, họ tin đó là ngày cha anh họ, những người yêu dấu trở về với gia đình. Ai nấy rộn rã kể với nhau những ký ức tốt đẹp. Rồi nấu ăn. Rồi trang hoàng dọn dẹp nhà cửa. Tất cả đều thất vọng buồn bực, cha anh của họ không bao giờ trở về cả.

Nhiều người đàn bà kéo nhau lên tận các cơ quan để hỏi các thủ trưởng Cộng sản xem khi nào cha anh họ được về. Tất nhiên lãnh tụ Cộng sản đời nào ló mặt ra tiếp họ. Ngay dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, người ta vẫn còn có thể giao tiếp được với các lãnh tụ qua trung gian báo chí, hoặc qua các viên chức chính quyền. Dưới chế độ Cộng sản, đừng hòng. Người ta chẳng có quyền gì làm như thế. Lính bên ngoài không cho phép họ vào.

Các bạn tôi và mẹ tôi hỏi một cán bộ Cộng sản: “Tại sao cán bộ bảo đến hôm nay, tức là sau sáu tuần, chồng chúng tôi về”? Gã Cán bộ đáp: “Sáu tuần đấy là sáu tuần di chuyển, chứ không phải là sáu tuần ở trong trại. Mấy ông có nợ máu với nhân dân, làm sao được về nhà dễ dàng quá thế?” Chúng không hề cho ai biết chúng giữ người ta ở đâu.

Năm 1984, cuối cùng cha tôi được thả ra khỏi trại tập trung. Sáu tuần lễ, trở thành chín năm trường!

Trong suốt những ngày ấy chúng tôi đã sống trong cảm giác khủng khiếp, vì chúng tôi không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vào đêm trước ngày đáng lẽ cha tôi được thả về, tức là khoảng sáu tuần sau khi cha tôi đi, một đám lính đông đảo kéo đến đòi xét nhà. Lúc ấy 2 giờ sáng. Chúng bấm chuông tới tấp. Chúng tôi khiếp đảm vì cha tôi đã đi khỏi. Khi chúng tôi hỏi ai kêu cửa, chúng cao giọng đáp: “Giải phóng! Mặt Trận Giải Phóng!” Chúng trả lời một cách nghiêm trọng. Mở cửa ra thì đây là một thằng trẻ ranh. Nó gọi mẹ tôi bằng “chị” và bảo: “chồng chị đi học tập phải không?” Mẹ tôi đáp: “Dạ, phải,” nhưng chúng vẫn lục soát thẳng tay. Lý do thực sự của việc lục soát chính là tiền, là vàng.

Lúc ấy chúng tôi hãy còn một tấm lịch treo tường, tấm hình cô gái Nhật rất dễ thương, khoẻ mạnh, hấp dẫn. Cô ta mặc cái áo sơ mi, trùm qua quần tắm, nhìn ra biển vói một vẻ mặt hạnh phúc.

Thằng ranh con nói: “Chị phải tháo cái lịch này xuống. Tục tĩu hết sức! Tàn tích chế độ trước! Tệ hại quá! Tháo nó xuống ngay!” Chúng tôi muốn ứa nước mắt. Tấm hình ấy là một chút gì còn lại để chúng tôi nhìn ngắm mơ mộng, để thấy biển trời xanh ngất, để thấy khuôn mặt hạnh phúc của một người đàn bà. Những gì chúng tôi biết chúng tôi sẽ không còn bao giờ được như cô gái trong tấm hình nữa, và bây giờ, hắn muốn chúng tôi xé trước mặt hắn ngay tức khắc.

Về tháng Sáu trời Sài Gòn rất nóng. Anh tôi chỉ mặc trên người một cái quần đùi. Thấy thế thằng lính chỉ bằng tuổi anh tôi bảo: “ăn mặc vô lễ!” Hắn la lối như thế lúc hai giờ sáng. Anh tôi bảo không mặc áo vì trời nóng quá. Thằng lính thét lên: “Đừng cãi. Đừng cãi lại với tôi, nghe chưa! ” Mẹ tôi vội vàng xin lỗi, anh tôi cũng phải xin lỗi. Thế rồi thằng lính nhìn sang mấy đứa em gái, có lẽ hắn muốn ra oai với các em tôi. Lúc ấy vào giờ đi ngủ, mấy đứa em đang ăn mặc quần áo ngủ mỏng. Hắn nhìn mấy đứa em gái tôi bảo: “Nhà này thật thối tha. Lối ăn mặc của các cô và cái thứ lịch treo tường ở đây! Các cô sẽ phải thành khẩn học tập rất nhiều trong đời sống mới. Đời chúng tôi trong sáng, còn các cô dơ dáy quá!” Rồi bọn lính bỏ đi.

Có một lý do làm tôi không bao giờ quên được đêm hôm ấy, vì tôi nhìn vào khuôn mặt anh tôi. Ông cũng biết, sau này anh tôi đã chết. Anh tôi tốt nghiệp trung học xong, thi vào trường Y Khoa và trường Kỹ sư. Anh là một thanh niên thông minh, rất thông minh, hiền lành, tử tế. Anh tôi biết là không vào trường Y khoa được chỉ vì có liên hệ với cha tôi.

Chúng tôi là người Công giáo, không nghèo, cha tôi từng là Đại tá trong Quân đội miền Nam Việt Nam. Anh tôi được điểm thi rất cao. Chúng tôi biết chuyện ấy vì có nhiều họ hàng làm trong các cơ quan. Chú tôi đã một thời coi trường Y khoa, ông là người coi các kỳ thi. Các giáo sư và bác sĩ cho điểm trong các kỳ thi lúc ấy vẫn còn là những người cũ, họ cho anh tôi điểm cao nhất trong kỳ thi vào trường Y Khoa. Nhưng khi nhìn lý lịch anh tôi, họ giản dị ném số điểm ấy vào thùng rác. Chúng tôi đều biết anh tôi làm bài rất khá, điểm rất cao. Anh tôi bị tổn thương sâu đậm vì không được nhận vào trường Y khoa. Anh đã được điểm cao nhất tại Saigon. Sau đó anh phải tìm việc làm, lúc ấy không có việc làm là phải đi kinh tế mới. Mẹ tôi không muốn anh tôi uổng phí cuộc đời ở các khu kinh tế mới, nên đã cố tìm cách cho anh tôi đi khỏi nước. Lúc ấy họ bắt anh tôi gia nhập Thanh niên Xung phong để đi làm đường, đi lao động trong rừng và anh đã phải ký giấy nói rằng anh “tình nguyện”.

Cuối cùng chúng tôi cũng có mánh. Sống trong một xã hội mà chính quyền dùng đủ mọi thủ đoạn lường gạt thì chúng tôi cũng phải có những mánh khóe lường gạt. Chúng tôi đã học được luật chơi. Mẹ tôi hối lộ cho một y tá để bà này chứng nhận anh tôi bị tai nạn gẫy tay, do đó phải bó bột vài tháng. Bà y tá ký giấy nói là anh tôi bị gãy tay, đổi lại mẹ tôi phải trả cho bà ấy một cái xe Honda hai bánh. Chúng tôi cũng thuê tiền một người đến nhà tôi la lối ầm ĩ cho cả xóm nghe rằng anh tôi bị xe đụng, cái xe chạy mất. Thế rồi chúng tôi đưa anh tôi về nhà với cái tay bó bột, hàng xóm chạy đến, có cả an ninh khu vực và ông Trưởng Khóm. Trưởng Khóm trước đây vẫn làm cho mẹ tôi. Gia đình ông ta rất nghèo, nguyên là thợ nề, bây giờ là Trưởng Khóm. Mẹ tôi từng luôn luôn đối đãi với ông rất tử tế. Bây giờ ông lại là nhân vật quan trọng. Ông ta hỏi chuyện gì thế. Chúng tôi khóc lóc mếu máo. Mẹ tôi bảo ngày mai là ngày anh tôi sẽ đi lên kinh tế mới, nó muốn góp phần xây dựng đất nước mà trời ơi, bây giờ làm sao đi được nữa, thiệt thất vọng quá chừng đỗi! Ông Trưởng Khóm bảo: được rồi, khi nào tay nó lành thì nó đi! Cứ ba tháng họ lại gửi người đi, nên anh tôi bây giờ có thể tạm yên ba tháng.

Căn phòng khách nhà tôi bây giờ trở thành chỗ người ta làm việc. Mẹ tôi đan áo khéo, lại có sáng kiến, ít ai đan đẹp bằng. Vì thế họ đặt bà làm Giám Đốc cơ sở đan áo ngay nhà chúng tôi. Ngày nào cũng có mấy người đàn bà đến đan. Họ nhận len từ Đông Đức, đan mỗi cái kiếm được 50 xu. Mấy bà có chồng đi học tập thường đến nhà tôi làm việc này. Rồi buổi tối, khi mọi người ra về, chúng tôi đóng kín cửa nẻo lại, anh tôi mới tháo băng bột ra.

Sau sáu tháng, chúng tôi kiếm được đường dây cho anh tôi đi. Anh bảo nếu hên thì được tự do, nếu xui bỏ mạng là cùng, ở lại Việt Nam cũng chết.

Chúng tôi kiếm được tàu đưa anh sang Mã Lai. Trong chuyến đi, anh bị đau bụng. Họ đưa anh đến bệnh viện, tìm ra chứng sưng ruột. Bệnh trạng mỗi ngày một nghiêm trọng. Họ bảo chỉ ở thêm một ngày nữa trên mặt biển là anh tôi chết. Như thế, người ta đã một lần cứu được mạng anh tôi lúc ở Mã Lai.

Chúng tôi nghĩ sang đến Mỹ, anh sẽ học Y khoa, trở thành Bác sĩ. Nhưng cuối cùng sang đến Mỹ anh phải làm việc. Rồi học Anh ngữ, chuẩn bị xin vào trường Y. Nhưng anh tôi đau trở lại, chết trước khi vào được trường Y.

Phần tôi, mẹ tôi mua cho cái tên giả ở Việt Nam, nhờ đó mới được đi học lại ở một lớp thấp hơn một cấp. Tốt nghiệp với lý lịch như tôi, chẳng cách gì kiếm được việc làm hoặc vào Đại học được cả. Vì thế tôi đã ở lại trung học với một mớ giấy tờ hợp thức, tôi ở lại lớp mười một đến hai năm.

Tôi trở thành thuyền nhân, rời khỏi nước năm 1979 trên một con tàu đi Tân Gia Ba. Nhưng tại đây họ không muốn nhận. Họ dùng tàu lớn kéo ra rồi đâm tàu chúng tôi đến gần chìm.

Mọi người trên tàu la khóc, cầu nguyện, van vái. Riêng tôi chỉ cười. Chỉ có các bạn tôi và tôi cười. Chúng tôi bảo “có gì mà phải khóc”. Tôi cũng không rõ tại sao tôi có thái độ như thế. Có lẽ vì tôi hãy còn độc thân, đi một mình, không mục tiêu, không tiền bạc, chẳng có gì trơn trụi, tôi đã phải ngồi bệt dưới hầm tàu sáu ngày ròng rã. Tôi không còn là con người nữa. Dưới ấy người ta đi tiểu ngay trên đầu tôi. Ngồi ẹp bên dưới những người khác cả sáu ngày ròng rã như thế, chân không ruỗi ra được. Cặp chân tôi tê dại. Lúc ấy người chẳng còn ra người, người ta có thể giết nhau thực dễ dàng. Nếu người ta làm tôi nổi điên và nếu tôi khoẻ hơn thì chính tôi cũng đến giết người vì cuộc sống chẳng còn có ý nghiã gì nữa cả. Cuối cùng tôi thực chán nản. Mỗi lần người ta đi tiểu trên đầu, tôi chỉ bảo: “Ôi! Trà nóng! Đến giờ uống trà đây!”

Tôi ốm liệt vì không đủ nước uống. Tôi bị chứng ráo nước nhưng vẫn còn lịch sự như thế. Người ta dùng bọc ny lông đi tiểu, chuyên nhau lên trên mặt khoang rồi đổ xuống biển. Nhưng nếu có ai chuyền không cẩn thận, nước tiểu sẽ văng ra tung toé chảy từ trên khoang, chảy xuống chúng tôi ở dưới tàu.

Tuy nhiên cũng may mắn chúng tôi không gặp hải tặc Thái. Người tài công đã chọn đường đi Tân Gia Ba để tránh hải tặc. ở Tân Gia Ba họ cho chúng tôi nước và những đồ ăn của quân đội Mỹ, khẩu phần “C- Ration” mà chúng tôi cứ gọi ra là “Carnation”, hoa cẩm chướng.

Chúng tôi gọi như thế vì khi lính Mỹ đến Việt Nam, lúc còn nhỏ tôi vẫn réo gọi lính Mỹ: “Carnation”, hoa cẩm chướng, thứ hoa Mỹ duy nhất mà chúng tôi có. Thứ hoa này làm cho tôi buồn bã nhớ đến cha tôi, vì khi còn ở với cha, ông cũng ăn cả hoa cẩm chướng Mỹ.

Chúng tôi rời Tân Gia Ba sang Mã Lai. Tôi ở Mã Lai gần một năm. Tôi đã gặp xui khi ở Mã Lai, nhưng đến nay nghĩ lại, tôi vẫn cho mình hãy còn may mắn. Khi đến Mã, dân làng ở gần nơi chúng tôi đổ bộ đã dùng súng M-16 bắn đuổi chúng tôi đi. Họ bắn vào nước, bắn qua đầu chúng tôi.

Nhưng tài công quyết định đánh đắm tàu, phá máy. Vì thế chúng tôi phải đổ bộ, mọi người nhảy ra cố thoát vào bờ. Thôi mạnh người nào nhặt được cái gì nổi lên thì bám vào, bềnh bồng trên biển như thế hai tiếng đồng hồ cho đến khi họ chán trò ấy, họ bèn cho chúng tôi bước lên bờ.

Anh tôi bảo trợ tôi sang San Francisco. Sau một năm sống ở Mã Lai không tiếp xúc với cuộc sống tân tiến, cái gì cũng có vẻ mới lạ nên đã khó cho tôi thích nghi cuộc sống. Tôi bị nhiều xúc động, gần như kiệt quệ khi đến Mỹ. Tôi đã suýt chết nhiều lần quá. Ở Mã Lai, tôi phải sống trong một sân banh, ngủ trên mặt đất. Ba ngàn người ngủ trong một sân banh. Biết bao điều phải chứng kiến trong những ngày ấy, những điều người ta không thể tin được, mà cũng chẳng nên biết đến làm gì.

Khi tới Mỹ, tôi tha thiết hy vọng một ngày nào tôi sẽ phục hồi lại được phẩm giá của mình. Lấy lại được phẩm giá qua thời gian, ấy là những gì tôi hy vọng. Đa số người ta nói rằng họ yêu Tự do, tôi biết. Nhưng đối với tôi, Tự do không đủ. Tôi cần có cả phẩm giá của tôi, giá trị tinh thần của tôi, linh hồn tôi nữa. Tôi không thể thực sự kể cho ông nghe hết cái cảm giác của tôi lúc đang còn là một thuyền nhân lênh đênh trên mặt biển như thế nào, bởi vì tôi đã mất hết tinh thần, tôi không tìm được ra tôi, tôi không còn biết tôi là ai. Tôi chỉ có cảm giác tê liệt. Bây giờ đây, không biết rồi mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi đã phải trải qua nhiều chuyện. Tôi không thể dối trá bảo rằng tôi rất hạnh phúc, rằng tôi đã tìm được tự do. Ông thấy chứ, tôi đã cảm thấy tự do khi tôi ở trên mặt biển, khi tôi ở Mã Lai, khi tôi ở Tân Gia Ba! Tự do đấy! Nhưng Tự do của con người còn phải đi với Phẩm giá con người. Tôi đã sống trong cuộc chiến, đã phải rời bỏ đất nước mà đi… Tôi là một nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi đã không thực có Tự do. So sánh với những dân tộc khác trên thế giới, thì có. Tuy nhiên cái tự do thực sự của con người thì chúng tôi chưa từng bao giờ có được.

Tại nước Mỹ này, có người thương kẻ ghét. Tôi biết là tôi phải biết ơn dân tộc Mỹ và đất nước Mỹ, bởi vì ít ra tôi vẫn còn cơ hội tìm lại tinh thần tôi, giấc mơ của tôi, và được tự do.

Tôi luôn luôn nhớ đến câu này của Martin Luther King Jr.: “Tôi có một giấc mơ”. Giấc mơ của tôi có thể không giống giấc mơ của ông, hoặc của các ông. Giấc mơ của tôi có thể chỉ rất đơn giản. Nhưng tại đất nước này, tôi có thể thực hiện được, nếu tôi cố gắng. Tôi có cơ hội để thực hiện các giấc mơ, mặc dầu có thể tôi chỉ mơ ước hão huyền thôi.

Tôi muốn trở thành một nhà văn, nói như thế một cách lý tưởng. Tôi cũng muốn trở thành một nhà giáo dục, được sử dụng những kiến thức về khoa học, về cuộc sống, hoặc bất cứ về lãnh vực nào để giúp đỡ con người, bởi vì tôi thấy con người là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện. Tôi luôn luôn thấy con người là một cứu cánh, là mục đích cuối cùng. Tất cả những gì tôi làm cho tôi, đó cũng là cho con người vậy. Nếu tôi thương yêu và tôi săn sóc được cho tôi trước thì tôi mới có thể thương yêu những người khác. Khi nói “những người khác”, không có nghiã chỉ là người Việt Nam. Tôi muốn nói tất cả mọi người. Người Việt, tất nhiên là những người đã chịu nhiều đau thương nhất, tôi sẽ phục vụ họ, bởi vì họ là những con người khốn khổ. Tôi chống Cộng sản, nhưng tôi cũng chống tất cả những con người chủ trương kỳ thị chủng tộc, tôi chống mọi chính quyền áp bức và tiêu diệt con người, tiêu diệt tinh thần con người. Những kẻ ấy chỉ xem con người như những sản phẩm, như những phương tiện để sử dụng. Bất hạnh thay, chính những người Cộng sản đã đối xử với con người như thế.

Chúng ta sinh ra trong thế giới để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, không phải để tàn phá nó. Tôi tin vạn vật cái gì cũng có Trời. Tôi tin Thượng Đế sinh ra con người. Tôi không hề và chưa từng bao giờ tin vào các Chủ nghiã. Tôi tin ở tinh thần nhân bản.
Reply
#3
Trần Trâm, “Ta sẽ cứ vui”*

Sau khi đến trại tỵ nạn Pendleton, gia đình tôi được một nhà thờ bảo trợ về San Jose, thuộc tiểu bang California.

Tôi dần dần mất hết niềm tin sau khi đến Mỹ. Tôi bắt đầu nảy sinh nhiều nghi hoặc, tinh thần mỗi lúc một suy nhược, mối ưu uất lớn gần như tràn ngập cả tâm hồn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ấy: Sự va chạm khác biệt văn hóa, ký ức về Việt Nam và sự kiện chúng tôi sẽ không bao giờ trở về Việt Nam nữa. Ngoài ra tôi cũng mang nhiều thù ghét đối với người Mỹ vì tôi không hiểu chính sách đối ngoại và chính trị của người Mỹ ra sao. Cho nên tôi lâm vào tình trạng là cùng một lúc tôi rất sung sướng, mà cùng một lúc tôi cũng đầy mặc cảm phạm tội khi ở đây.

Khi còn ở Việt Nam, mỗi lúc nói về thời hòa bình yên ổn, tôi đều thấy cỏ xanh mơn mởn khắp nơi – cỏ xanh là hình ảnh mà tôi mường tượng ra mỗi khi nghĩ đến hòa bình. Ngày xưa, khi cha con cùng ngồi bên bờ biển, cha tôi đã bảo bên kia bờ đại dương là nước Mỹ. Tôi nghe nói bên ấy có hòa bình, tôi đã mơ đến nước Mỹ, một miền cỏ mọc khắp nơi. Tại tiểu bang Cali này khắp nơi cỏ mọc, do đó tôi cũng đã nghĩ quả đây là lúc hòa bình yên ổn. Nhưng sao trong tôi tất cả đều náo động. Cái hình ảnh mà tôi thấy và những cảm xúc trong nội tâm tôi sao chẳng tương quan đến nhau.

Sự yên bình trong tâm hồn và sự bình yên ngoại giới đã gây cho tôi nhiều vấn đề phải mất hàng chục năm tôi mới giải quyết xong. Tôi đã trải qua một thời kỳ dài, một thời kỳ liên tiếp tôi cứ muốn tự tử, cứ muốn hủy hoại thân mình. Trong thời kỳ này có lúc tôi đã chui vào tủ quần áo, vào buồng tấm, tay cầm con dao, đầu óc chờn vờn ý tưởng đi tìm cái chết. Cũng có lúc tôi nghĩ đến việc đâm đầu vào xe lửa, như thế đỡ cho gia đình tôi khỏi bối rối. Đâm đầu vào xe lửa có lẽ là cách tốt nhất, như một tai nạn xảy ra, còn lưỡi dao, có lẽ chỉ là biện pháp hãn hữu mới phải dùng đến.

Cuối cùng tôi đã cố xoay chuyển để vượt qua ý muốn tự hủy và suy tưởng cho đúng đắn. Đang là một sinh viên được điểm cao, tôi suýt nữa rớt khỏi trường. Những năm ấy, tôi không cho phép mình được vui vẻ. Mỗi khi chợt nhận ra mình vui vẻ, tôi lại có cảm giác phạm tội, áy náy, rồi lại lâm tình trạng tinh thần ưu uất buồn rầu suốt mấy ngày. Tôi lẩn tránh hạnh phúc. Các vấn đề chồng chất lên nhau càng lúc càng tệ hại trong suốt những năm này.

Cuối cùng tôi quyết định phải sống, vì nếu tự tử thì gia đình tôi sẽ lúng túng hổ thẹn, nhất là em gái út tôi. Tôi cũng sợ nếu tôi hủy mình thì không chừng một ngày kia em tôi cũng làm như thế. Tôi không muốn chuyện ấy xảy ra. Vì thế khi nhận thức được rõ là tôi đã cận kề việc tự tử, tôi tìm đến sự giúp đỡ của những người chuyên nghiệp. Đầu tiên, tôi đến một vị linh mục, rồi sau đến một chuyên gia tâm lý trị liệu. Tôi cũng đọc khá nhiều các tôn giáo và triết học Đông phương. Từ điều này dẫn sang điều khác, cuối cùng tôi được thuyết phục rằng không làm gì có Thượng Đế, Thượng đế không có mặt, chính tôi và tự tôi phải quyết định hạnh phúc mình, bất kể cái mặc cảm phạm tội của mình. Bằng ngôn từ, tôi vẫn thường nói tôi không muốn tự tử, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về sự tự tử như một hành vi lãng mạn. Nhưng bây giờ tôi tin sự sống có tính lãng mạn hơn cái chết, nhất là từ khi tôi tin rằng sau cái chết, chẳng làm gì còn đời sống nào khác nữa.

Sau khi đến Mỹ, tôi đã nhìn vào trái tim mình để kiếm tìm Thượng đế mà không tìm ra Thượng đế. Bấy giờ tôi ở một giai đoạn đầy xúc cảm. Tôi đã trở lại với Thượng đế một cách nồng nhiệt hơn trước, trong một thời gian. Nhưng tuy vậy đôi lúc tôi vẫn nghĩ đấy chỉ đơn thuần là xúc cảm thôi. Cuối cùng, tôi trở nên hợp lý hơn, tôi tin rằng chẳng Thượng đế nào hiện hữu cả.

Tôi đã từng đi vào một giai đoạn oán ghét Thượng đế vì những gì Thượng đế đã để xảy ra cho quê hương tôi và gia đình tôi. Nhưng bây giờ tôi lãnh đạm với Thượng đế. Tôi không còn hận thù oán ghét gì. Người ta không thể sống với quá nhiều oán ghét, cho nên sau chót, tôi không còn ghét bản thân tôi, tôi không ghét Thượng đế, tôi cũng không ghét người Mỹ nữa.

Tôi rất yêu dân tộc Việt Nam. Tôi yêu họ cả trong hành động lẫn lý tưởng. Tôi đã tham dự những công tác cộng đồng. Nói riêng, tôi yêu rất nhiều người ở Mỹ, nhưng nói chung, tôi không cảm thấy đây là quê hương tôi. Tôi vẫn không cảm thấy đây là đất nước tôi. Bây giờ tôi chẳng còn biết quê hương tôi là đâu, nhưng câu hỏi ấy đối với tôi không còn quan trọng như trước nữa.

Ở Việt Nam, tinh thần ái quốc được đề cao. Trong bất cứ dự định nào về nghề nghiệp, tôi cũng muốn dành cho quê hương tôi. Tôi từng muốn trở thành người dạy học để phục vụ quê hương. Nhưng khi sang đây tôi mất hết nguyện vọng ấy vì lẽ nếu tôi trở nên thành công, thì đấy chỉ là cho bản thân tôi, chứ chẳng còn cho quê hương tôi nữa. Cuộc đời đã mất hẳn những ý nghiã thiêng liêng cao thượng như trước. Tôi trở thành Mỹ hoá, bây giờ tôi đeo đuổi nghề nghiệp chỉ vì sự sung sướng vị kỷ, chứ ở đây, người ta ít nhắm đến mục tiêu gì khác.

Tôi có một ý tưởng mơ mộng sẽ một ngày kia trở lại Việt Nam, thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước – đem lại cho quê hương dân tộc những kiến thức mà tôi học hỏi được về thế giới. Đó chỉ là một ý tưởng mơ mộng, nó không mạnh mẽ như niềm tin mà tôi đã có từ một thời xa xưa, khi hãy còn một viễn tượng khác biệt về tương lai.

Tôi bắt đầu cảm nhận được người Mỹ từ bốn năm nay. Tôi bắt đầu cảm nhận được việc nói chuyện với “ông” đó là nói với một con người.

Tôi bắt đầu cảm nhận được người khác. Trước đây tôi nói chuyện với người Mỹ chỉ là nói với những cái khuôn. Ông thấy, suốt một thời, nhìn người Mỹ tôi không thể cảm nhận được họ. Bây giờ tôi đã trở nên là một con người hem là một người Việt Nam, và các cảm giác của tôi cũng trở nên nhân bản hơn.

Tôi cảm thấy thương xót cho người Việt Nam sống trên đất Mỹ hiện nay. Tôi đã phải cố gắng nhiều để thay đổi, nhưng tôi biết rất nhỉều người Việt hiện vẫn không muốn thay đổi. Họ muốn tự trừng phạt mình. Họ vẫn còn mặc cảm phạm tội về việc lìa bỏ quê hương đất nước mà đi.

Quê hương đất nước vẫn còn đó và chỉ một chính quyền khác cai trị mà thôi. Chúng tôi không mất nước. Việt Nam đâu có xoá tên trên bản đồ. Người ta nên tự hỏi tại sao lại tự xóa đất nước mình trên bản đồ? Trong khi nó nào có bị xoá bỏ đâu? Ấy chỉ là do cái nỗi hổ thẹn vì đã xa rời quê hương đất nước đó thôi.

Người Việt chúng tôi đang cần phải tiến lên để bắt kịp bao nhiêu điều trong những lãnh vực tinh thần, trí thức và văn hoá, nhưng người Việt chúng tôi đã để cho các cảm xúc về Việt Nam dằng kéo trì trệ lại, chúng tôi thường sai hướng. Chúng tôi đã đối đầu biết bao vấn đề và phiền lụy, chỉ vì chúng tôi mải miết nhìn lui dĩ vãng. Cảm xúc đó, tôi tin nó không lành mạnh. Nếu cứ để những cảm xúc ấy kiểm soát cuộc đời thì người ta sẽ chẳng bao giờ giải quyết được gì. Tôi hy vọng sẽ không ai hiểu nhầm những gì tôi nói đây. Tôi rất yêu người Việt. Nhưng rất nhiều người Việt đã không có can đảm để hưởng hạnh phúc. Tôi biết rõ chuyện ấy. Suốt thời gian dài tôi đã tự hành hạ, tự trừng phạt mình mỗi khi cảm thấy mình vui vẻ. Người ta cần phải lấy can đảm để xác định rằng: Ta sẽ cứ vui vẻ. Bất kể ai đang kiểm soát đất nước tôi, tôi vẫn cứ yên vui.



Trần Thị Mỹ Ngọc, “Hãy để tôi chết trong ánh mặt trời”*

Ngày 25 tháng Chạp 1979, tôi phải rời Saigon xuống Cần Thơ. Do đó, vào ngày 24, mẹ tôi mua đồ ăn Giáng Sinh, theo thông lệ hàng năm. Người Việt Nam ưa mừng mọi sự. Và gia đình tôi theo đường lối Âu Tây nhiều hơn. Vì thế, vào dịp Giáng Sinh, chúng tôi có cây Noel, dự tiệc tùng, trở về nhà ăn khuya. Chúng tôi không đi dự tiệc sau 1975 nữa vì sống với Cộng Sản. Kỳ đó mẹ tôi làm bữa ăn Giáng sinh sớm, vì tôi phải ra đi ngày 25. Bữa ăn đó có bánh ngọt, thịt nguội, thịt gà đủ thứ. Những loại thức ăn thường có vào dịp lễ.

Tôi không được vui với mẹ tôi. Thật ra việc ra đi là một việc làm tôi đau lòng vô cùng mà không biết cách nào diễn tả tâm trạng mình. Buổi ăn Giáng Sinh to lớn này càng làm tôi buồn hơn. Vì tôi mà mẹ tôi tổ chức buổi này, nhưng tôi không làm sao nuốt trôi một miếng, trong gia đình ai cũng thế. Ai cũng biết một khi tôi đi thì sẽ không trở về, đây có thể là lần cuối cùng tôi thấy họ và họ thấy tôi. Bữa ăn Giáng Sinh đó giống như bữa đưa ma hơn là một tiệc mừng.

Để chuẩn bị cho sự ra đi của tôi, mẹ tôi đưa tôi một tờ giấy một trăm đô và một mớ nữ trang. Chúng tôi biết là ở trại tỵ nạn nữ trang có giá. Trong gia đình tôi, mỗi đứa nhỏ đều có nữ trang riêng, tôi lấy đi theo ba chiếc nhẫn, trong đó có một chiếc nhẫn vàng. Tờ một trăm đô thì để khi cần dùng lúc đến Mỹ.

Mẹ tôi may tiền và nhẫn trong mép áo quần. Sau đó tôi cải trang một chút. Cần Thơ là một tỉnh lỵ, không phải là thành phố. Người dân ở đó khác người dân Saigon. Tôi phải giả dạng làm một người lao động, mặc bộ đồ đen, đội nón lá.

Ngày hôm sau, tôi rán giữ nước mắt, nhưng người ta vẫn có thể biểu lộ sự thương tâm mặc dù nước mắt không rơi. Mẹ tôi khóc. Bà núp sau cánh cửa. Mẹ tôi ôm tôi, chị em tôi ôm tôi, họ phải hành động một cách bình thường vì bọn nằm vùng dòm ngó. Sau đó, tôi bước chân ra cửa, đi không nhìn lại.

Tôi đi xe đò xuống Cần Thơ. Tôi được dặn là phải chờ tại bến xe đò Cần Thơ để có người đến dắt tôi đi. Đêm đến mà vẫn không thấy ai.

Tôi phải ngủ trên giấy báo trải dưới đất tại bến xe. Đêm sao mà dài quá. Cuối cùng, với những người cùng xuống Cần Thơ để ra tàu, người ta dắt chúng tôi đến căn nhà của một người đàn ông có tàu. Họ cho chúng tôi ăn ở đó chờ đến tối.

Đêm đó, chúng tôi đến bến tàu, nơi có những chiếc ghe nhỏ. Chúng tôi lên ghe nhỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi ghe. Tôi sợ rơi xuống nước. Ở mỗi chiếc ghe nhỏ có mười người. Những chiếc ghe này đưa chúng tôi ra một chiếc ghe lớn hơn trên đó có khoảng hai mươi người. Chúng tôi ngồi chật ních như mắm. Và chúng tôi chờ trong đêm tối. Không biết ông có bao giờ ông ở trên sông ban đêm không? Đây là lần đầu tiên của tôi. Mặt trăng chiếu sáng. Chúng tôi giữ im lặng tối đa. Một em bé trong ghe khóc, tiếng khóc vọng ra cả vùng sông. Ai nấy kinh sợ vô cùng vì họ ngại tiếng khóc sẽ mang bọn Cộng sản tuần canh đến. Bọn này chuyên đi tìm người như chúng tôi, những kẻ muốn bỏ trốn.

Do đó, trên ghe có tiếng xì xào: “Làm ơn làm cái gì đó. Cho nó cái gì đi”. Đứa bé thật may mắn là không bị giết chết lúc đó. Cuối cùng, họ cho đứa trẻ uống thuốc ho để say ngủ.

Chiếc ghe này lại đưa chúng tôi đến một chiếc ghe to hơn. Trên chiếc ghe này có khoảng tổng cộng năm mươi người giống như ép cá mòi. Họ chất dừa trái và dưa hấu ở hai đầu cho giống như dân buôn. Chúng tôi kẹt vào chính giữa. Không có nước uống. Chúng tôi chờ cả ngày. Ngày thì nóng. Chúng tôi không có gì ăn và cũng không có cách gì đi vệ sinh.

Cuối cùng, vào đêm 29 thuyền đã sẵn sàng, chúng tôi xuôi dòng. Tôi nói ông nghe nha, thật kinh khủng khi ngồi trong chiếc thuyền đó. Nó vừa nóng, vừa chật chội, tôi lại vừa đói bụng, rất là khó chịu.

Chúng tôi chuyển thuyền, lại sang một chiếc khác. Sự tình càng khó khăn. Con sông chia ra nhiều nhánh. Đêm đó, chúng tôi thật im tiếng vì đã sẵn sàng ra đi. Lúc đó, có một chiếc tuần canh cập đến hỏi “Ai trong thuyền?” Hai người đàn ông giả như ngư dân nói: “Không có ai cả! Chỉ có chúng tôi chờ trời sáng”. Bọn tuần canh lại hỏi: “Có chắc không? Chỉ có hai người thôi sao?” Họ chiếu đèn nhìn. Sau cùng họ bỏ đi. Chiếc thuyền bắt đầu di chuyển dần ra cửa sông cái, hướng về biển.

Lúc đó tim tôi đập nhanh quá. Cuối cùng chúng tôi đến gần cửa sông, qua một chiếc thuyền lớn. Chúng tôi lên thuyền đó mà đi. Người tài công của chiếc thuyền này không biết gì về lái tàu cả. Cả thuyền chỉ có một người hải quân khi xưa từng đi biển. Anh là người duy nhất biết sử dụng hải bàn, người duy nhất biết về biển, thiệt tình! Những người tài công kia thật ra không biết gì. Chúng tôi không hay cho đến khi chúng tôi mắc nạn kinh khủng sau này. Nếu mẹ tôi biết trước như thế thì không bao giờ bà để cho tôi đi cả.

Tiếng máy thuyền nổ lớn quá, trong một đêm sao mà tĩnh mịch quá. Tiếng máy lớn có thể kêu gọi sự chú ý của bọn tuần cảnh. Cuối cùng, chiếc thuyền cũng hướng ra ngoài khơi được an toàn.

Tôi ở dưới khoang thuyền . Có nhiều người trên mui. Tôi bị say sóng quá sức. Những người trên mui nhìn lại phía sau bỗng thấy xuất hiện một chiếc tàu tuần cảnh tiến về phía chúng tôi. Trên thuyền, chúng tôi bàn nhau: “Trời ơi, tụi Công an biên phòng rượt theo kìa. Chắc phải ngừng lại không tụi nó bắn”. Do đó, chúng tôi ngừng lại. Họ qua thuyền chúng tôi nói: “Mấy người vượt biên phải không?” Không còn cách gì chối cãi, chúng tôi đành trả lời: “Phải rồi”. Một tên trong bọn Công an lại nói: “Sao, mấy người có cái gì đem theo?” Tôi hỏi họ: “Mấy ông có muốn lấy tiền không?” Họ nói: “Hên cho mấy người là chỉ có hai chúng tôi trên chiếc tàu này đó”. Chúng tôi gom góp vàng, đưa họ một mớ tiền. Trên thuyền có một cái máy thu thanh họ cũng lấy luôn. Sau đó, họ để chúng tôi đi. Tôi nghĩ đây là lời chào từ biệt Việt Nam của tôi, hối lộ các viên chức Cộng sản một lần cuối cùng.

Bây giờ đã ra đến ngoài khơi, thì nhóm tài công dởm của chúng tôi lại không biết đường hướng gì. Họ không biết hải phận quốc tế bắt đầu ở đâu. Mã Lai hướng nào. Biển cao, sóng động, tôi lại càng say sóng.

Lúc đó lại thấy một chiếc tàu thật to, mấy người tài công nói: “Hải phận quốc tế rồi, bây giờ mình đã an toàn. Có chiếc tàu này đây. Kêu cứu đi”. Họ thảy trái sáng. Lúc ấy tôi đã chuyển sang ngồi đàng mũi thuyền vì mấy chỗ kia làm tôi khó chịu quá. Họ thảy trái sáng để kêu chiếc tàu kia chú ý chuyển hướng lại gần hơn. Cuối cùng hiện hình ra là một chiếc tàu Việt Nam đi về hướng Việt Nam. Tôi thiệt hết tin nổi việc này. Ai nấy đều muốn chết. Đây là một chiếc tàu to vô cùng, với người gác từ đầu tới đuôi, lại có mang súng. Chúng tôi thiệt giận mấy người tài công vì họ đã thảy trái sáng để thu hút sự chú ý của tàu này.

Đây là tàu đánh cá quốc doanh của chính phủ Việt Nam. Họ vừa xong một cuộc hải hành đánh cá, đang trên đường về Việt Nam. Qua chiếc loa phóng thanh, họ biểu chúng tôi tắt máy tàu chờ đó. Họ tới gần hơn, nói: “Rồi, mấy người đi trốn phải không?” Chúng tôi lại nói: “Phải”, chớ còn nói được gì nữa. Tôi nói: “Xin làm ơn cho chúng tôi đi, vì chỉ có năm chục người thôi. Chúng tôi có cả con nít nữa”. Họ nói: “Đưa tiền và vàng thì cho mấy người đi”. Chúng tôi nói với họ: “Nhưng mà vừa rồi, tụi tôi mới bị cướp xong”.

Thế rồi, một người kia thiệt lạ lùng vì ông ta có mang theo một mớ tiền Việt Nam. Không hiểu để làm chi? Chúng tôi bèn đưa hết số tiền Việt Nam của người này cho họ. Tiếp theo là vẫn còn vàng trên thuyền nên chúng tôi lại hùn nhau đưa cho họ. Họ không tin chỉ có thế cho nên họ đưa một đứa con trai nhỏ khoảng mười tuổi qua thuyền chúng tôi kiểm soát coi ai còn giấu vàng không.

Tôi mệt và say sóng nên cứ nằm đó. Nhẫn của tôi đã đi hết rồi nên tôi đưa chiếc lắc ra nói: “Nè, đưa cho họ để cho mình đi”. Còn tờ một trăm đô, tôi đưa cho anh ngồi bên cạnh giấu đi.

Tôi lại còn phải đóng kịch. Tôi nghĩ một ngày nào đây tôi sẽ trở thành lão luyện trong việc này, chỉ vì đã phải sống trong một nước Cộng sản. Đứa nhỏ đi sờ mó từng người để tìm vàng. Nó tiến đến gần tôi, nếu nó tìm, nó sẽ thấy sợi dây chuyền vàng mà tôi giấu. Vì thế, tôi giả bộ bịnh. Thiệt tình thì tôi cũng mệt nhưng không đến nỗi như thế nhưng tôi giả bộ thiệt là bịnh rất nặng. Mấy người trên thuyền nói giùm cho tôi là: “Thôi, để cho cổ nằm yên đi, cổ mệt, bịnh quá rồi”. Đứa bé trai đi đến gần tôi -cho đến lúc này thì tôi đã không ăn uống gì, chỉ vài giọt chanh cho đỡ khát, do đó, nhìn tôi cũng eo xèo lắm. Nó ngó tôi. Nó để tôi yên, không đụng đến. Nếu nó lục soát, nó sẽ tìm thấy sợi dây chuyền vàng này chắc mẽm.

Cuối cùng, họ cảm thấy thoả mãn. Họ nói: “Mấy người chỉ gặp có một chiếc tàu của tụi tôi. Vậy là hên lắm đó. Nếu mấy người đi về hướng Nam chút nữa là sẽ đụng mười sáu chiếc tàu trên đường về, mấy người không có đủ tiền hối lộ đâu, họ sẽ giải tất cả về. Chúng tôi chỉ một chiếc thôi nên chúng tôi để cho mấy người đi đó”. Và nhóm tài công dởm của chiếc thuyền chúng tôi thiệt là hết nói nổi, họ lại hỏi: “Mấy ông làm ơn chỉ giùm hướng đi Mã Lai?” Những người kia nói: “Mấy anh không biết đi hướng nào để tới Mã Lai?” Tụi tôi nói: “Dạ không”. Thấy vậy họ chỉ hướng đi bằng cách chỉnh hải bàn và họ cho chúng tôi hai con cá lớn để ăn.

Khi họ tách ra đi, họ kêu chào: “Goodbye” và nói: “Đừng có rầu là bị cướp hai lần. Vậy là hên lắm, chỉ có hai lần thôi đó”.

Bấy giờ, tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu là: Vì sao mà tôi lại kẹt trong tình trạng này? Như chưa đủ là tôi sợ muốn chết. Thêm nữa tôi đã phải trả vàng cho chuyến đi. Và bây giờ lòi ra việc nhóm tài công không biết gì cả. Bây giờ thì thiệt rõ ràng là những người lái thuyền không biết con khỉ gì cả về việc làm sao đi đến nơi.

Thiệt tình, đằng nào thì chiếc tàu kia đã chỉnh hải bàn cho cho chúng tôi, nên chúng tôi cũng theo hướng đó. Tôi nghĩ là bọn kia cũng được. Chỉ có một điều là họ cướp của chúng tôi, ngoài ra cũng không đến nỗi nào.

Chúng tôi hướng thuyền về lối họ chỉ. Khi ra đến biển sâu thì tôi không còn bị say sóng nữa. Tôi quen đi. Thêm nữa, tôi đã không ăn gì cả. Hiện giờ còn một giỏ xách nhỏ trong đó có một quần Jean, một áo thun, và vài bộ đồ lót. Tôi đã lạc mất cái nón lá và cả đôi giày. Đi chân không, tôi cũng không màng. Tôi chỉ muốn thoát khỏi Việt Nam lúc đó thôi. Cuối cùng cũng ra đến hải phận quốc tế. Như vậy nghiã là không còn phải sợ tàu bè Việt Nam nữa rồi. Chúng tôi tiến trên đường đi, đi về đâu ai biết, và đêm mùng 1 tháng Giêng tây, chúng tôi vào hải phận Mã Lai.

Có nhiều con cá mập chờn vờn xung quanh thuyền. Tôi lại nghĩ miên man: Với nhóm tài công này, mình chắc là chết thiệt. Tôi cảm thấy buồn rầu cho mẹ tôi đã phải tốn hao tiền bạc cho tôi nếu tôi chết. Tôi cũng không màng sự chết vì đã chọn con đường ra đi, nhưng nếu tôi chết ở biển, mẹ tôi sẽ không bao giờ biết. Ý nghĩ này cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi.

Chúng tôi không thấy đất liền đã lâu rồi. Đã hết nước, hết thực phẩm. Tôi nhấp nước từ quả chanh ra. Tôi cũng không được ăn lâu rồi. Có nhiều chiếc tàu đi ngang chúng tôi, nhưng họ không đến cứu dầu cho chúng tôi đã hết sức cố gắng kêu họ. Chiều đó, khoảng sáu giờ, chúng tôi kêu được sự chú ý của một chiếc tàu. Nó hướng về chúng tôi, ông thử đoán xem là kỳ này ngoắc được tàu gì? Cướp Thái Lan! Ông có thể tưởng tượng nổi không? Nhóm tài công dởm lại thành công lần này trong việc kêu cứu dởm.

Lúc ấy tôi không còn say sóng nữa và đang ở trên boong thuyền thở gió biển. Nhìn chiếc tàu tiến về phía chúng tôi, thấy họ đeo dao và súng, tôi nghĩ ngay đây là bọn cướp biển.

Chúng ra lệnh chúng tôi phải cập sát thuyền vào tàu chúng, chúng thảy dây thừng qua thuyền chúng tôi để quân bằng nó. Chúng bắt chúng tôi nhảy từ thuyền qua tàu. Đêm đó, biển lại động. Sóng thật cao, hai chiếc tàu và thuyền đánh vào nhau và bị đưa ra. Ba người bên chúng nhảy qua thuyền lùa chúng tôi nhảy qua tàu họ. Một trong ba tên còn trẻ khoảng mười bảy tuổi nhìn tôi cười. Hắn kéo tôi lại. Tôi quá sợ hãi.

Thật ra chúng tôi chưa nghĩ là sẽ bị cướp. Chúng không có hành động gì khả nghi. Chúng tôi nghĩ chắc là chúng sẽ cứu mình. Chúng tôi bèn nhảy qua tàu. Không hiểu vì sao tôi cứ luôn tâm cầu nguyện, do đó tôi thật tình không hiểu là tên này nhìn tôi cười và đang rán trì tôi lại. Tôi quá lo. Lúc đó tôi mười chín tuổi, tôi rất là ngây thơ.

Lúc đó ai cũng nhảy qua tàu nên tôi cũng nhảy. Tôi nhảy trúng một vật gì, ngón chân cái bật máu. Tôi không cảm thấy đau, chỉ thấy vết cắt sâu. Cái giỏ nhỏ đựng quần áo, tôi đã thảy qua tàu họ trước. Một cô gái nhảy qua tàu bị hụt, rơi xuống biển. Hai chiếc tàu và thuyên lại bị sóng tạt gần nhau. Nếu không kéo cô lên kịp thì chắc sẽ bị nghiền nát. Chúng tôi kéo được cô ấy lên, còn tôi không hiểu sao lúc đó có thể nhảy xa đến thế. Không có cách gì tính toán được. Chỉ hên xui may rủi thôi. Tôi thấy cô ấy hụt, rơi xuống nước, tôi la lên “Trời ơi”. Bấy giờ đêm đã xuống, chỉ có ánh sáng duy nhất toả ra từ chiếc tàu lớn. Nhưng chúng tôi kéo cô ta lên kịp, cô ấy ướt như chuột lột.

Không phải ai trong chúng tôi cũng may mắn như thế. Một người đàn ông trong nhóm lại nhảy thì hai chiếc tàu và thuyền tách ra, anh rớt xuống biển. Hai chiếc thuyền và tàu ập vào nhau mau quá, chúng tôi không làm sao vớt anh ấy lên được, anh ấy bị ép mà chết. Chúng tôi buồn bực quá.

Bọn Thái bắt chúng tôi xếp hàng, ngồi xuống vùng mũi tàu. Sau đó bắt đầu cướp bóc. Chúng đi chung quanh rờ mó áo quần, tìm kiếm tiền và vàng. Ba tên trong bọn chúng còn ở trên thuyền chúng tôi. Một cô gái nhỏ còn kẹt ở trên thuyền vì quá mệt. Cô ấy nằm trong khoang thuyền, chúng đã hãm hiếp cô bé ấy. Cả ba tên. Chiếc thuyền bị sóng đưa đẩy khi gần khi xa, chúng tôi vẫn nghe tiếng sóng vỗ, tiếng thuyền rên rỉ, tiếng cô bé khóc, kêu gọi cầu cứu. Chúng tôi không thể làm gì được. Chúng tôi khóc cho cô bé đó và cho cả bản thân mình.

Trên tàu cũng có đàn bà con gái, chúng vẫn có thể hãm hiếp tôi bất cứ lúc nào. Thật kinh khủng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến những hành động như vậy. Tôi ngồi gần vài người trai trẻ. Họ bàn tán việc phản công. Tôi nói: “Tính vậy không xong. Mình không có súng ống gì cả. Mình sẽ bị giết sạch nếu chống cự lại. Tụi nó có ba người dưới thuyền, năm đứa ở đây nhưng lại không biết còn bao nhiêu đứa dưới khoang tàu. Đừng hành động gì”.

Chúng tôi đưa tất cả cho chúng những gì chúng tôi có. Bọn này là ngư phủ biến thành cướp biển nên chúng cho chúng tôi ăn. Ở trên tàu, chúng cho chúng tôi cơm, cá khô và cả dầu nóng trong khi ba tên đi cưỡng dâm cô gái trên thuyền. Bọn dã man, hành động man ri mọi rợ. Bọn chúng để mình trần, hôi hám, dơ dáy và rất nhẫn tâm.

Tôi tự nghĩ: “Thế là hết. Không hiểu việc gì sẽ xảy ra, nhưng nếu nó mà đụng mình, mình sẽ tự vận cho xong”. Tôi thật sợ nhưng lại bình tĩnh. Nếu bọn chúng tính việc hãm hiếp tôi, tôi sẽ nhảy xuống biển tự tử. Tôi đã quyết định thế.

Bất thình lình nhìn xuống, thấy bên chân phải chảy máu. Tôi không cảm thấy đau. Bình thường thì tôi biết đau. Nhưng khi đó tôi đang trong tình trạng kinh sợ, lo sự sống còn nên không cảm giác được cái đau nữa. Tôi ngó xuống, ngón chân cái đang chảy máu. Có một cái bóp nhỏ tôi vẫn giữ bên mình. Mẹ tôi có để vài viên thuốc trụ sinh cho tôi đem theo phòng xa lúc đến trại tỵ nạn. Tôi đã giữ cái bóp nhỏ này và tôi nghĩ những viên thuốc trụ sinh đó đã giúp cho tôi sống còn.

Sau khi đã xong việc cướp bóc chúng tôi và hãm hiếp cô gái ấy, bọn chúng lùa chúng tôi về thuyền trở lại. Chúng lại bắt chúng tôi nhảy tàu nữa. Chúng phá thuyền, đục lỗ, đập đồ, lấy hải bàn, bản đồ, đèn pin, hầu như tất cả. Chúng tôi thì vẫn cảm thấy mừng được trở về thuyền vì có nghĩa là sẽ không bị họ giết ngay lúc đó.

Khi chúng tôi về thuyền thì nước trào vào, thuyền muốn chìm. Đêm tối, trời mưa, biển động. Chúng nó để chúng tôi tự chết đi.

Trên thuyền có nhiều cây tre dài và to. Chúng tôi tìm kiếm người rơi xuống biển lúc đầu. Có lẽ khoảng cả một tiếng đồng hồ, nhưng đối với tôi thì dài như thiên thu. Chúng tôi gọi tên anh ấy và bỏ những cây tre này xuống biển để không chừng anh ấy cần dùng. Trong đáy lòng, chúng tôi đều biết anh đã chết, nhưng chúng tôi vẫn cố gọi tên anh ấy và thả những cây tre này vì nó nổi để lỡ khi anh ấy có trồi lên được thì có phao mà nương tựa.

Thuyền thì cứ tiếp tục vô nước cho nên chúng tôi chia làm hai bên để đứng cho cân bằng thuyền lại. Nghĩ cũng lạ vì lúc đó ai nấy đều kinh hãi mà vẫn có sự sáng suốt để làm như vậy. Đúng là bản năng sinh tồn của con người thật tuyệt diệu. Thuyền nghiêng một bên và nước vô, thì một người nói: “Quân bình lại”, tức thì chúng tôi chia nhau chạy ra hai bên vách thuyên cho đều. Đàn ông thì tát nước. Hên cho chúng tôi, bọn cướp không lấy đồ trám lỗ hổng nên nhóm tài công ít nhất cũng có được một lần làm việc giỏi khi tìm ra những vật liệu này.

Sau khi xong việc tạt nước, lại không có đèn. Một người dùng diêm quẹt soi tìm xem mấy cái lỗ hổng bọn cướp đục ở đâu. Chúng tôi làm thiệt lẹ, phối hợp rất mau mắn. Không tưởng tượng nổi. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn không thể tin nổi những việc chúng tôi làm đêm hôm đó.

Chúng tôi vẫn còn sống nhưng vẫn chưa thấy đất liền. Chúng tôi cũng không biết mình ở đâu? Hải phận Thái Lan hay Mã Lai? Chúng tôi bảo nhau đến khi trời sáng mà không gặp đất liền thì có lẽ sẽ phải chết vì không nước uống hay thực phẩm. Phần chiếc thuyền đã bắt đầu bục nát lắm. Nó không có chống chỏi được lâu hơn. Chắc sẽ tan rã, tất cả cũng sẽ chết. Trời thì mưa, chúng tôi lạc giữa biển mà lại không có người lèo lái. Người hải quân duy nhất biết đường đi thì đã chết rồi – anh chính là người rớt xuống biển mà chết. Nhóm tài công nói: “Tụi tui cũng không biết đi đâu bây giờ. Làm sao đi?” Trời ơi, tôi nghĩ là tôi đã chết tiếp mười lần hơn nữa rồi.

Cuối cùng, ai nấy đều mệt mỏi và đều nói thôi mặc, thuyền cứ trôi, chúng tôi đành chờ chết. Máy thuyền thì đã hư luôn vì nước vô. Hên là biển không có bão, chỉ mưa lớn.

Chúng tôi cứ để thuyền trôi đi theo các hướng chung chung mà mấy người hải quân đã chỉ. Còn tài công bây giờ chỉ đoán chừng. Thuyền chúng tôi cứ trôi trong đêm, suốt đêm, cái đêm đó dài vô tận trong đời tôi. Tôi không ngủ.

Ông có bao giờ cảm thấy đêm sao mà thật là dài, mình thì quá sợ hãi và quá cô thân, cho đến nỗi cái ước ao duy nhất là chỉ muốn thấy chút ánh sáng hay không? Ánh sáng gì cũng được? Bóng tối bao trùm thật nghẹt thở. Đêm đó tôi thật nóng lòng muốn được nhìn thấy một tia sáng. Tôi nói: “Xin để cho tôi được chết trong ánh sáng mặt trời cũng được!”

Và cuối cùng, buổi sáng cũng đến.

Được nhìn thấy mặt trời mọc quả là một cảm giác ấm cúng vô cùng.

Sau hết, chúng tôi nhìn thấy một cái gì xám xám nơi phía xa – đất. Chỉ là một vùng núi non, nhưng chúng tôi đã ở biển năm ngày rồi. Một hòn đảo? Thì có sao? Nhóm tài công cuối cùng đã sửa cho máy nổ được. Máy chạy như đã chết một nửa, nhưng vẫn chạy được.

Có hai tàu Hải quân Mã Lai nơi đó, họ đang nhìn chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy dễ thở vì chúng tôi sẽ được cứu. Đúng lúc quá vì chúng tôi đã hết đồ ăn nước uống. Ai cũng cười. Tôi nói: “Nằm xuống. Mình phải làm ra vẻ bệnh hoạn khốn khổ để họ giúp. Mình không thể có vẻ vui tươi được. Vậy ai mà chịu giúp mình”.

Hải quân Mã Lai thấy chúng tôi. Họ bảo là dừng xa tàu của họ, họ sẽ cho người qua. Họ nói là đừng đến gần. Một người của họ qua xem xét chúng tôi. Tôi là người chịu đứng ra nói chuyện. Tôi biết tiếng Anh, tiếp theo đó là một anh cũng biết chút Anh văn. Tôi kể cho họ nghe mọi việc đã xảy ra cho chiếc thuyền của chúng tôi, bị cướp bóc, bây giờ thì hết nước uống, trên thuyền có trẻ nhỏ mà không có thức ăn, thêm nữa máy tàu không chạy được. Chúng tôi yêu cầu họ giúp đỡ. Người đó về tàu nói chuyện với ông chỉ huy. Tôi được mời qua tàu họ và đi cùng với anh biết chút tiếng Anh kia. Tôi đến gặp ông Thuyền trưởng, giải thích cho ông ấy rõ ràng những gì đã xảy ra. Ông này từng đến Saigon. Ông ấy hỏi tôi về những chốn như khách sạn Caravelle, vài chỗ có tiếng tăm. Tôi nói với ông ấy rằng tôi biết vì tôi là người ở Saigon. Họ đang kiểm tra tôi, tôi nghĩ vậy.

Khi tôi ở trên tàu thì Hải quân bắt đầu cho mấy người trên thuyền ăn. Tôi đi chân đất và đã không tắm từ hôm 27, tôi cũng không có dịp để chải tóc. Tôi dòm thiệt bê bối. Tôi cũng có sự tự ái, bởi vì là con gái, do đó sau khi nói chuyện với ông thuyền trưởng xong, tôi xin đến nhà tắm.

Tôi nhìn thấy tôi trong gương, trông mình giống như người ngủ đường. Tôi nói: “Trời ơi! Tôi đây sao?” Hình dáng tôi quả đã biến thành một người đầu đường xó chợ.

Ông thuyền trưởng muốn chúng tôi tiến về hướng Singapore bởi vì Mã Lai đã tuyên bố không nhận thêm người tỵ nạn, như vậy có nghiã là họ sẽ cho thuyền ra khơi, thả chúng tôi trôi nổi, chúng tôi có thể sẽ chết. Họ không thể đem chúng tôi đến trại tỵ nạn. Ông ấy cố gắng giải thích cho tôi nỗi khó khăn của ông vì ông ấy có lệnh phải thi hành. Tôi tiếp tục van cầu ông ấy.

Tôi nhớ rõ những gì tôi đã nói với ông ấy: “Đây là một chiếc thuyền nhỏ. Chúng tôi có tất cả năm mươi người. Một người đã chết, chúng tôi có trẻ nhỏ. Máy tàu đã hư. Chúng tôi không thể đi đến Singapore được. Đi được thì tôi cũng đi. Nhưng mà chúng tôi không thể làm được. Xin hãy giúp chúng tôi.”

Ông ấy nói để ông ấy suy nghĩ lại. Trong lúc này thì, trước khi tôi về thuyền trở lại, vì đây là ngày Tết Tây 1/1, ông ấy cho tôi một phong bánh ngọt, nói phần này là của tôi mà thôi. Rồi ông ấy cho tôi thêm trái cây, các món ăn vặt khác, chỉ cho mình tôi. Mọi người trên thuyền đã được uống đầy đủ, và tôi cũng được ăn khi về thuyền. Những món ông ấy cho là của riêng tôi. Như là một giấc mơ, thật bất ngờ.

Giờ đây là buổi trưa, họ để chúng tôi nghỉ ngơi một chút. Chiều đến, họ đưa dây thừng qua thuyền chúng tôi, kéo chúng tôi ra biển trở lại, bởi vì họ không thể nhận chúng tôi. Ông thuyền trưởng đã quyết như thế và tôi thì không biết nói sao hơn nữa.

Họ kéo chúng tôi đến một hoang đảo. Họ ngừng tàu lại. Đêm đã xuống, biển lại động, chúng tôi ở hoàn cảnh giống như con voi và con chuột, con voi kéo con chuột. Tàu họ thật to, thuyền chúng tôi thì quá mỏng manh. Họ và chúng tôi dừng lại hòn đảo hoang. Họ nói đàn bà con nít được lên trên tàu, còn đàn ông con trai ở lại thuyền. Ông thuyền trưởng xuất hiện, chúng tôi lại nói chuyện chút ít nữa. Họ lại cho đồ ăn, và chúng tôi ngủ trên boong tàu.

Đêm đó chúng tôi lo lắng không hiểu việc gì sẽ xảy ra. Ông thuyền trưởng thì tốt, nhưng thủy thủ đoàn thì sao? Một người trong thủy thủ đoàn đã say, đòi một người đàn bà đi ngủ với y. Hắn làm ồn lên, cuối cùng những thủy thủ khác đến kéo y đi.

Buổi sáng, ông thuyền trưởng lại ra, nói rằng ông ấy đã nói chuyện với tổng hành dinh, chúng tôi sẽ được họ đưa đến một trại tỵ nạn.

Bây giờ thì đàn ông đàn bà gì cũng đều lên tàu, họ kéo chiếc thuyền đến trại Pulau Bidong.

Tôi nói ông nghe, tôi thật mừng rỡ vì đã ở ngoài biển một thời gian khá lâu. Khi chúng tôi đến được đảo với ngôi trại tỵ nạn thì lúc ấy khoảng mười hai giờ trưa, bãi cát mênh mông đầy những người. Đông quá sức cho đến nỗi tôi không tin ở mắt mình. Tôi không hiểu đây sẽ là điều tốt hay không tốt. Tôi chưa từng biết trại tỵ nạn ra sao. Nhưng hiện giờ chúng tôi đã bằng an.

Tôi là người nói chuyện tía lia trên tàu, nói nhiều quá, và họ nói với tôi rằng: “Cô sẽ được rời trại tỵ nạn sớm lắm đó vì cô biết tiếng Anh”. Tôi nhớ điều họ nói. Lúc đó thì tôi đâu cần biết là biết tiếng Anh có lợi. Tại sao biết tiếng Anh thì sẽ giúp cho tôi?

Trước khi họ từ biệt chúng tôi, chúng tôi hát cho họ nghe. Chúng tôi đứng trên boong tàu ca một bản nhạc Việt Nam cho họ nghe. Đây là cách báo đáp duy nhất lúc này. Chúng tôi chỉ còn có cách này thôi, một bài ca. Đây là bài ca quen thuộc cho tất cả những người Việt Nam nên ai trong chúng tôi cũng biết. Đó là bài ca của một nước Việt Nam tự do. Một bài ca hào hùng.

Rồi họ chào từ biệt, chúng tôi cũng chào họ và cảm ơn họ giúp đỡ.

Họ cho chúng tôi xuống thuyền nhỏ bởi tàu không thể vào sâu được với san hô đầy rẫy trong đó. Lúc ấy thì tôi dính da chỉ còn có một cái quần đen và một áo sơ mi. Áo quần không còn gì hơn. Túi xách kia đã mất theo bọn cướp biển.

Những người tỵ nạn đến trước có thói quen xuống bãi mỗi khi có người đến để tìm kiếm người thân. Tôi lội nước vào bờ, đụng phải san hô rất bén. Chúng tôi cũng không có giày dép gì cả. Chiếc thuyền chúng tôi được kéo đến gần bờ, đưa lên bãi để đập nát bởi vì họ không muốn chúng tôi có thuyền để đi trong biển Mã Lai. Họ muốn cô lập chúng tôi nơi hòn đảo này.

Tôi lội nước vào bờ. Một biển người chờ đợi. Nom thật là khổ sở. Tôi đứng trên bãi không biết việc gì và đang tìm hiểu việc gì xảy ra nơi đây. Trong biển người này có một em trai kế tôi đã ra đi từ trước. Nó cũng xuống bãi để xem coi có ai quen biết. Nó đứng đó, mặc độc một cái quần xà lỏn. Và tôi cũng không hơn gì.

Nơi hải đảo này có khoảng 46,000 người tỵ nạn. Rất ít nước và đồ ăn. Đời sống rất khó khăn, tôi thì bận rộn đi làm suốt ngày. Tôi không có quần áo khác để thay đổi. Người ta sống như súc vật không có vệ sinh, không có nhà cầu. Phải đào hố để làm cầu. Những chỗ đi cầu kinh tởm hết nói nổi.

Người Mã Lai thì tìm cách ngăn người tỵ nạn cập bến. Họ kéo thuyền tỵ nạn ra khơi. Thuyền tỵ nạn chìm, người ta chết đuối. Buổi sáng đến chúng tôi xuống bãi cát thì thấy thây người, đàn ông, đàn bà, con nít. Toàn là người Việt Nam. Chúng tôi chôn cất họ. Họ là những người bất hạnh.

Tôi vì thiếu dinh dưỡng nên bị bệnh thũng. Mặt tôi bủng ra. Tôi ở trại này 3 tháng rưỡi. Chính nơi đây tôi hiểu về con người và hành động con người trong cảnh tuyệt cùng. Họ có thể giết người vì thức ăn hay chút tiền. Bạn bè trở thành kẻ thù trong phút chốc. Tôi ưa khóc và không ngủ được. Tôi ngủ hai hoặc ba tiếng mỗi đêm. Tôi thường ngồi nhìn trời vào lúc ban khuya. Tôi thấy tội nghiệp cho tôi, cho tất cả, cho mọi người.

Tất cả sức lực tôi dồn vào việc cố sống và cố thoát khỏi nơi này. Tôi không cần biết là sẽ đi đến đâu, tôi chỉ muốn đi khỏi khu trại tỵ nạn này. Tôi cần phải sống.

Đài truyền hình CBS có đến đảo quay cảnh ở đây. Tôi nghĩ Ed Bradley có đến đảo. Và ông có biết việc gì xảy ra sau khi cảnh sống được quay phim? Tôi nghĩ là chính phủ Mã Lai đã bị chỉ trích về những việc diễn ra trên đảo. Nhờ nhóm truyền hình này, phần ăn chúng tôi khá hơn. Họ cho thế giới biết trại tỵ nạn như thế nào, việc gì xảy ra cho người tỵ nạn. Chúng tôi có đủ đồ ăn sau việc này. Đồ ăn đến trong từng bịch: gạo, trà, đồ ăn của Liên Hiệp Quốc. Cầu Trời phù hộ cho Liên Hiệp Quốc. Mỗi người có một bao khẩu phần mỗi ba ngày. Đồ ăn đến nhanh hơn sức chúng tôi có thể tiêu thụ bởi vì chúng tôi đã quen đói khát lâu rồi.

Em trai tôi và tôi có người bảo trợ, được chấp thuận cho đi Mỹ. Chúng tôi được ấn định ra đi ngày 19 tháng Tư. Rốt cuộc thì tôi cũng lên đường ra đi. Tôi không biết mình sẽ đi đâu. Chỉ biết sẽ qua đến Mỹ, nhưng không biết nơi nào ở Mỹ. Khi tôi ở trại chuyển tiếp, tôi được báo cho biết là tôi sẽ đến Iowa. Tôi không biết Iowa ở đâu. Họ lấy bản đồ ra, chỉ cho tôi một chỗ và nói: “Đây là Iowa, miền Trung Tây”. Tôi thực sự không lãnh hội được, nhưng tôi nói: “Được, Iowa cũng tốt lắm”.

Tôi được bảo trợ bởi một nhà thờ. Tôi đến Des Moines với khoảng ba trăm người Việt khác. Thống Đốc tiểu bang đến đón mừng chúng tôi. Sau đó họ sắp xếp theo thứ tự, đưa chúng tôi đến những chỗ mà chúng tôi sẽ về. Họ chở chúng tôi đến nhà mới của chúng tôi. Họ chở chúng tôi đi xuyên qua Iowa. Tôi nhớ đi vào một tỉnh nhỏ ngày Chủ Nhật, buổi chiều, không có một bóng người trên đường phố. Thật là đẹp. Nhưng lạnh và xám xịt. Tôi tự hỏi là chúng tôi đi đâu và tại sao ở Iowa không có một bóng người.

Họ đưa tôi vào căn chung cư đêm đó. Tôi không ngủ được. Tôi bị nhiều cơn ác mộng. Mỗi khi có tiếng động bên ngoài là tôi kinh sợ.

Tiếng động làm tôi sợ. Tôi nhớ đến tiếng máy tàu của bọn hải tặc Thái ở biển, lập tức tôi thức giấc, toàn thân bất động, sợ hãi toát mồ hôi. Việc này diễn ra gần ba tháng mới dứt.

Bây giờ đến lúc kết cuộc vui vẻ đây. Cô gái bị hãm hiếp đã định cư ở Canada. Cô ấy đã lập gia đình và có hạnh phúc. Cô ấy là một người rất dễ thương. Tôi rất vui là mọi sự trở nên tốt đẹp.

Em trai tôi tốt nghiệp Đại học, hiện làm kỹ sư. Tôi cũng đã ra Đại học, có bằng Cao học về công tác xã hội ở California. Tôi trở về làm việc tại trại Palau Bidong với người tỵ nạn sau khi ra trường.

Nhìn lại mọi việc như một giấc mơ. Bởi vậy, tôi phải trở về làm việc tại trại tỵ nạn. Đây không những chỉ là giúp đỡ người tỵ nạn mà còn là mang cho họ một niềm hy vọng tương lai khi đi định cư ở một xứ sở tự do. Ngoài ra, tôi cũng phải trở về trại tỵ nạn để tự xoa dịu tâm hồn mình. Tôi đã sống như một người đã chết. Tôi đã sống mà không có cảm giác. Sau khi đã sống còn, tôi cần phải tìm sự bình an tinh thần. Giúp người đi qua đoạn đường mà tôi đã bước qua chính là phương cách đáp ứng nhu cầu bình an tinh thần ấy.

Vì thế, bây giờ tôi không phải chỉ là một con người đã sống sót. Tôi là một con người đang sống.



Dương Quang Sơn, “Bố tôi”*

Một hôm vào năm 1979, tôi ở nhà xem truyền hình. Tôi xem chương trình “Sáu Mươi Phút” vì đang có một phim về các thuyền nhân từ Việt nam đổ đến Mã Lai. Thông tín viên Ed Bradley đang phỏng vấn một vài người. Họ bảo họ đi từ Việt Nam sang bằng tàu, nhưng chính phủ Mã Lai không chịu cho vào bờ. Tàu đắm, rất nhiều người chết đuối. Tất cả những người sống sót đang khóc.

Tôi nhận ra một người lúc Ed Bradley phỏng vấn. Chính là người bạn thân nhất của anh tôi ở Việt Nam, tên Đặng Hồng Phước. Vì thế tức khắc tôi điện thoại cho anh tôi, tôi hỏi: “Anh có xem chương trình Sáu Mươi Phút đấy không?” Anh tôi nói: “Có, có thấy Đặng Hồng Phước không?” Tôi đáp: “Có”. Thế là chúng tôi quyết định tìm mọi cách cố liên lạc với Phước và bảo trợ Phước sang Mỹ. Chúng tôi viết thư cho Hội Hồng Thập Tự để liên lạc.

Sau khi liên lạc được, anh ấy viết thư cho chúng tôi. Anh ấy bảo trong số những người chết đuối có bố tôi. Anh ấy bảo bố tôi đã trả tiền cho chủ tàu để ra khỏi Việt Nam. Nhưng tàu đắm ngoài khơi Mã Lai, cha tôi chết mất tích.

Tự do là tất cả những gì bố tôi luôn luôn mong muốn. Bố tôi chỉ muốn được làm một con người tự do. Thế thôi. Bố tôi đã gửi anh tôi và tôi sang Mỹ để chúng tôi được tự do. Và bố tôi cũng cố chạy thoát Cộng sản. Nhưng đối với bố tôi, đã quá muộn. Quá muộn rồi.

__________________________________

    Lời Cảm Tạ Của Tác Giả *
    Hậu Từ, “Vài lời ghi chú cuối cùng của người dịch vào tháng 4-1995″*

Phụ Lục:

    Robert S. McNamara, “Chúng ta đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp”*
    Lê Thị Ngọc Hà, “Theo tôi người Việt rất là hư. Chúng tôi không biết quí trọng những gì đã có cho đến khi mất tất cả.”

______________________

Ghi chú:

    Trần Thị Mỹ Ngọc, “Họ như đàn kiến vây quanh chúng ta”, Trần Thị Mỹ Ngọc dịch.
    Trần Thị Mỹ Ngọc, “Hãy để tôi chết trong ánh mặt trời”, Trần Thị Mỹ Ngọc dịch.
    Lê Thị Ngọc Hà, “Theo tôi người Việt rất là hư. Chúng tôi không biết quí trọng những gì đã có cho đến khi mất tất cả”, Nguyệt Thu Hồ dịch. (Bài viết của Larry Engelmann không có trong nguyên tác)
Reply
#4
schi Wrote:Tự do là tất cả những gì bố tôi luôn luôn mong muốn. Bố tôi chỉ muốn được làm một con người tự do. Thế thôi. Bố tôi đã gửi anh tôi và tôi sang Mỹ để chúng tôi được tự do. Và bố tôi cũng cố chạy thoát Cộng sản. Nhưng đối với bố tôi, đã quá muộn. Quá muộn rồi.

Buồn quá.
[Image: K6bu1Jw.png]
Reply
#5
Hmm.... Những ai đã quyết định bỏ mạng sống để đi vượt biên, vượt biển thì đều có những chuyện buồn.... Until then .... Good Luck....

Ps... Và đúng Ngáp tui cũng là 1 trong nhưng người vượt biển....
Don't join me....  You don't know the power of the Dark Side of the Blue Moon!!!!.........   Đừng theo tôi...  Nhà ngươi không biết sức mạnh của  Bóng Tối của Mặt Trăng Xanh!!!!




Reply
#6
(2022-01-24, 11:50 PM)005 Wrote: Buồn quá.

... Sorry Anh ...
Reply
#7
(2022-01-25, 02:03 AM)ngap_ruoi Wrote: ... Ngáp tui cũng là 1 trong nhưng người vượt biển....

... Anh ...
Reply
#8
(2022-01-25, 02:03 AM)ngap_ruoi Wrote: Hmm....   Những ai đã quyết định bỏ mạng sống để đi vượt biên, vượt biển thì đều có những chuyện  buồn....    Until then ....   Good Luck....  

Ps...  Và đúng Ngáp tui cũng là 1 trong nhưng người vượt biển....

 hello Schi và thầy Ngáp,

 5 có người bạn thân là mục sư ở đây, hồi đó mục sư đi vượt biên cùng người em gái, em gái bị hải tặc Thái Lan bắt đi mấy chục năm trời không có tin tức gì. Có thể rủi nhiều hơn may. Vì nếu còn sống, cổ cũng hơn 50 ngoài rồi, cớ sao không liên lạc về gia đình ở VN. Nhưng mọi người đều tin vào sự lạc quan cần có để sống tiếp. Ít ra như là người bạn mục sư của 5 vậy.
[Image: K6bu1Jw.png]
Reply