Truyện Ngắn: Những mùa Thu đi qua
#1
https://sangtao.org/2013/07/26/nhung-mua-thu-di-qua/#more-49978

[Image: ao+trang+2022+10.jpg?format=1000w]
Photo Phạm Hoài Nam

Tôi đến phòng giáo dục trình diện vào một buổi sáng mùa thu. Đúng như trong sách vở: “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh“, mưa từ mặt sông bay hắt lên càng ray rứt trong tôi nỗi nhớ nhà. Người nhận giấy giới thiệu của phòng đọc quyết định và phán một câu: “Lên núi!”

Một người khác ngồi bên cạnh (chắc là phó phòng) liếc tờ giấy, ngẩng lên nhìn tôi, rồi cản: “Cô này đậu đầu khóa, có danh sách ở trường điểm thành phố, nhưng vì lý lịch nặng … hơn nữa cô ấy là một nhà văn.”

Mọi ý kiến được bàn bạc công khai – rất dân chủ – vì ở thời điểm đó chúng tôi chỉ là những con nai con ngơ ngác … và cũng ở thời điểm đó (1978) tất cả các xã đều thiếu trường và tất cả các trường đều thiếu giáo viên.

Tôi tròn mắt nhìn người gọi tôi là “nhà văn”, hoàn toàn xa lạ, nhưng thật là đẹp trai và nhân hậu (và đó sẽ là một câu chuyện khác, diễn biến vài năm sau, bạn có muốn biết?). Tôi bàng hoàng xúc động khi biết “tên tuổi” mình cũng thấu tới nơi đây …

“Anh không thấy sao? Dòng Tôn Nữ con vua cháu chúa phải lên núi cho biết mùi …”

Tôi định hỏi: “Mùi gì?”

Nhưng không dám, mẹ tôi đã dặn: “Khó khăn lắm con mới được đi dạy như mong ước thì đừng có mà nói năng xóc óc người ta, nghen con!”
Tôi cũng định nói: “Ông có biết không? Tôi ra trường với điểm thực hành cao tuyệt đối đó ông ạ! Hai người đậu nhì thua tôi đến 3 điểm. Lễ tốt nghiệp, trước mặt mấy ngàn giáo sinh và giáo viên toàn trường, ông giám đốc sở đã hứa là những người đậu đầu các khối sẽ được giữ lại trường hoặc về bất cứ trường nào mình chọn, nhưng cuối cùng chỉ mình tôi lọt về cái huyện tận cùng của tỉnh. Ông nghĩ sao?”

Chẳng ai có ý kiến gì cả ngoài hai ý kiến mà tôi định nói (nhưng không nói), ông ta nhìn tôi: “Sao, cô có chấp hành sự phân công của tổ chức không?”

Tôi mệt mỏi gật đầu: “Đâu cũng được … miễn là đừng có ma!!!”

Cả phòng bật cười, ai cũng ngỡ tôi nói thật lòng, bởi tôi có khuôn mặt rất ngây-thơ-vô-số-tội, nhưng nếu ba tôi nghe câu nói ấy ông sẽ tát tôi một cái vì lếu láo, nhưng may quá; ông đã đi học tập cách nơi tôi đứng hơn một ngàn cây số. Thôi ở đâu cũng được; con xin chia sẻ chút đỉnh gian khổ cùng ba …

Tôi không “lên núi” lại về dưới một thung lũng dưới chân Dốc Găng, thuộc xã Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh có thể từ câu nói “trẻ thơ” của tôi và tác động ngầm của anh phó phòng đẹp trai, nhân hậu mà ông trưởng phòng động lòng trắc ẩn …

Lớp tôi chủ nhiệm đa số học sinh là dân biển Ghềnh Đỏ … Các em đọc tiếng Việt rất dễ thương: con tâu, cây te …Tôi dạy Văn và Anh ngữ, học trò của tôi ban ngày đi học ban đêm đi giăng câu hoặc làm du kích, cuối tuần đi rẫy. Có em 17, 18 tuổi đứng cao hơn cô giáo cái đầu. Có những ngày nhớ nhà không chịu nổi, xe cộ khan hiếm khó về, cô giáo bỏ dạy trùm mềm nằm khóc; học trò du kích lại vác súng ra đường chận xe đò lại, gởi cô về Nha Trang …

Những ngày lạc loài trên bục giảng ở một huyện xa, tôi nhớ những buổi trưa Xuân Thọ, lòng bật khóc vì thoáng nghe đâu đó:

“Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ …”

Tôi nhớ ngôi trường Thánh Tâm thân yêu cũng những buổi trưa thanh vắng, tiếng gió qua hàng me xao xác và tiếng bồ câu nghiến từng hạt thóc. Tôi nhớ Soeur hiệu trưởng áo trắng thiên thần không còn nữa mà thay vào là bộ bà ba bình dị tìm đến thăm tôi, thương xót: “Con hãy cầu nguyện …”

“Vâng, con đã và đang cầu nguyện. Suốt đời con luôn cầu nguyện để ngăn mình không làm điều gì xấu (mà làm điều xấu thì dễ hơn rất nhiều so với làm điều tốt, phải không Soeur?)”

Ôi! Cô học trò “văn hay chữ tốt” thầy cô cha mẹ đặt vào tôi biết bao kỳ vọng, bỗng chốc tất cả tan thành mây khói. Nhắm mắt bước về phía trước tôi còn gì ngoài những đứa học trò ngọng nghịu dễ thương?

Lại đến mùa khai giảng, tôi ra trường muộn một tuần vì ba tôi mất; một người bạn dạy toán đã dạy thay cho tôi những tiết đầu năm. Thật kỳ lạ, chúng tôi không cùng ngành học nhưng Tấn Anh và tôi vẫn cầm giáo án của nhau để dạy sau ba mươi phút mà không ai biết đó chẳng phải môn mình được đào tạo (Ôi! những tài hoa mệnh bạc, ở một nơi nào đó – chắc là thiên đàng – nhớ giữ giùm cho Dung một chỗ nha Phạm Tấn Anh). Ông hiệu trưỏng chờ tôi ở văn phòng: “Xin chia buồn vì ba cô mất, phòng giáo dục có gởi giấy mời cô …”

Tôi ngơ ngác: “Có việc gì???”

Ông ngần ngừ: “Có lẽ chuyển công tác, lớp cô chủ nhiệm không còn học sinh nữa … nghĩa là tụi nó vượt biên ráo trọi rồi … gần cả lớp.”

Tôi nhớ mang máng lời em trưởng lớp: “Nhà nước mua lại ghe của ba em đó cô, sửa lại đẹp và chắc lắm. Nghe nói để người Hoa ra đi bán chính thức. Nhà bạn nào lớp mình cũng có phần hùn trong đó hết, khi nào đi em kêu cô nghen!”

Phạm Tấn Anh nói với tôi: “Tụi nó tìm Dung như gà mắc đẻ, chắc để rủ cô giáo vượt biên?”

Tôi không lên phòng giáo dục, tôi trở ra ngay quốc lộ. Gió mạnh thổi lá bay đầy sân trường, mùa này những chiếc lá bàng vàng khô, đỏ thắm …

“Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu …”

Không có học trò vác súng hù tài xế đón xe cho cô về …

Không có ba tôi với đôi mắt nghiêm khắc dọa nạt những lần lầm lỗi …

Bây giờ tôi có làm những gì bậy bạ cũng chẳng sợ ai!

Người tài xế quen dừng xe, cậu lơ mở cửa trước cho tôi lên: “Mới dạy có mấy ngày mà đã nhớ nhà rồi hở cô giáo?”

Tôi cười, nước mắt theo mưa rơi xuống, cảm ơn những hạt mưa bé bỏng che giấu cho tôi một chút hồn mềm yếu …

Ô hay ! tôi mà cũng còn nước mắt ???!!!


Tôn Nữ Thu Dung
Reply