2021-12-06, 04:37 AM
Quy Nhơn 1936
Quy Nhơn ngày đó phố xá còn rải rác sơ sài. Con đường chính là đường Gia Long chạy dọc suốt chiều dài của thành phố. Chạy song song với đường Gia Long là đường Jules Ferry và Bolevard O’denhal. Đại lộ O’denhal có đặc điểm đặc biệt là chạy rất thẳng, chạy xuống biển. Đường rộng, giữa mặt đường dựng một hàng trụ điện cao, kiến trúc theo kiểu các thành phố lớn bên Pháp, nghĩa là trụ điện tỏa ra hai nhánh mang hai ngọn đèn chiếu xuống hai nửa mặt đường.
Đại lộ chạy trước trường Collège nên ngày nào chúng tôi cũng có dịp nhìn suốt chiều dài của nó, một cái nhìn đem lại sự man mác nơi tâm hồn. Là bởi con đường như dẫn chạy mút tới chân trời, nơi đó một biến tiếp giáp cùng mây, cùng bầu trời mênh mông trong vắt. Hai bên đại lộ ngoài trường Collège và biệt thự của ông hiệu trưởng còn chỉ có vài biệt thự của người Pháp, hảng buôn Poinsard et Veyret rồi tiếp tới là sân ten-nít và bên tay mặt là động cát mênh mông.
Con đường chạy ngang quan trọng hơn hết của thành phố là con đường Khải Định. Một con đường khác chạy vòng theo bãi bể.
Mọi tiệm buôn đều tập trung trên đường Gia Long, trên một quãng dài độ ba trăm thước bắt đầu từ bến xe hơi và kết thúc ở ngã tư Gia Long-Khải Định. Đa số các tiệm là của người Trung Hoa. Họ buôn sỉ bán lẻ, từ hàng đồ sắt sầm uất đến hàng chạp-phô ngổn ngang những nhang, những đèn, những trà, những bún …. Các tiệm ăn lớn cũng do họ đứng chủ trương. Rải rác mới có một cửa hàng tạp hoá của đồng bào Bắc Việt chen vào.
Đường Khải Định có một đoạn san sát những tiệm chụp hình và may âu phục. Rõ ràng là những phố cũ được kiến trúc theo nhịp tiến triển của nhu cầu đời sống. Nhu cầu trước mắt của những thị dân tụ tập đầu tiên ăn, mặc, xây, cất nhà ở. Các cửa tiệm lo các dịch vụ đó được dựng truớc, xúm xít ở trung tâm thị trấn. Phong trào mặc âu phục và chụp hình mới đẻ ra sau nên các cửa tiệm chịu khó dựng lên ở các con đường tân tạo. Tiêm nhiễm những quan niệm mỹ thuật mới và kỷ thuật quảng cáo, những cửa tiệm này dầu nhỏ dẫu thấp nhưng tô điểm loè loẹt nhiều màu, bắt đèn sáng rực trong đêm.
Trên đường Khải Định có một tiệm Trung hoa buôn bán khá đặc biệt: tiệm KE TONG, đó là một tiệm thực phẩm hạng sang, bán toàn thực phẩm ngoại quốc nhập cảng như bơ, phô-mát, thịt Jambon, đồ hộp, trái táo, trái nho, khoai tây… Các bà Đầm, các người bồi bếp Pháp choàng tạp dề và đôi bonnet trắng, đáng lẽ bộ “đồng phục” này dùng mặc ở trong bếp, nhưng vì nó sạch quá trắng quá nên họ nghĩ có thể mặc đi phố mua hàng cũng được, ra vào chọn hàng tấp nập. Bên cạnh những thực phẩm, hiệu này bán luôn cả tạp chí ở Pháp gửi sang như Confidences, Vu và Lu, Filmcomplet… Có một tiệm chuyên môn bán sách Pháp là tiệm của ông Bùi văn Tròn. Với túi tiền nhẹ, chúng tôi thường chỉ lựa mua được loại Meilleurs livres in chữ nhỏ, giấy xấu, giá đâu 7,8 xu gì đó, loại Hachette, loại Selection giá 2 cắc.
Đường Gia Long ở đoạn dưới là trường tư thục Gagelin, nhà thờ, toà giám mục, rạp chiếu bóng Morin-Frères, sân túc cầu. Từ sân túc cầu đến bãi biển là công sở và dinh thự của công chức người Pháp như Toà sứ, Toà kho bạc, Sở lục bộ … Khu này đường sá thẳng và sạch, có nhiều cây cao đan dày bóng mát trên từng cao. Ít khi có dịp chúng tôi được bước chân đến. Một lần, không biết do duyên cớ nào mà tôi đã một mình đếm bước trên một con đường vắng vẻ đó. Sự im lặng to tát choàng ngộp lấy tôi. Đi một đoạn đường thấy thích, đi thêm một hồi thấy buồn, đi đến con đường thì thấy rờn rợn. Màu xanh lặp lại trở nên man rợ, những hàng rào xi-măng dựng san sát đều đặn và thẳng tắp như theo dõi bước chân. Có lúc tưởng như từ một khoảng xanh nào đó có một cánh tay dài vươn ra chụp lấy mình níu mình lại.
Một con đường khác chạy từ làng Xuân Quang, cắt đôi xã Cẩm Thượng bị bẹt rộng ra trước mặt nhà ga Qui Nhơn rồi cụng vào đại lộ O’denhal. Trên con đường này, mổi buổi sáng đàn bà đi chợ gồng gánh rau trái, nối đuôi thành hàng.
Hai bên nhà ga có hai bồn hoa được chăm sóc chu đáo. Cỏ xanh xén thẳng, lối đi sạch sẻ, bốn băng ngồi bằng xi măng sắp đối diện nhau. Kề hai bên bồn hoa là hai biệt thự có lầu, kiến trúc theo lối biệt thự bên Pháp, dành cho nhân viên hoả xa.
Vào học lớp đệ nhất niên, đứa học trò nào cũng bắt đầu học hát bài ca bằng tiếng Pháp. Thời đó là thịnh thời Tino Rossi nên đi đâu cũng nghe giọng ca của ông ta:
Guitare d’amour
Apporte-lui l’écho des beaux jours.
(Hỡi giọng đờn ghi ta êm ái ‘
Hãy mang lại cho nàng âm vang của những ngày êm đẹp).
Hay là:
Aimons ce soir sans songer
A ce que demain peut changer.
(Chúng ta hãy yêu nhau, đêm nay, chẳng cần nghĩ
Đến những gì mà Ngày Mai có thể thay đổi).
Giọng ca mềm, ve vuốt, chúng tôi bắt chước theo, những bắt chước say mê và chân thành nhất là Luận và Thắng. Tôi không biết phương pháp bắt chước của Luận. Của Thắng thì tôi biết rõ. Anh ta cứ đêm nào cũng lẽo đẽo ngồi ở hàng rào của các Dancing. Ngồi trong bóng tối, ngồi ở dưới những lùm cây. Để bắt chước giọng ca của Tino Rossi từ đĩa phát ra.
Luận hát không thua Thắng nhưng anh có tật hể ngắt đoạn nào cần rung giọng là cái miệng mếu như khóc. Và hai lỗ mũi phình ra thật to, phình hết cở đến nỗi cánh mũi đỏ ửng và láng bóng. Chúng tôi thuộc loại nghệ sĩ vừa phải, hát chỉ cần tạm tạm nhưng đứa nào cũng sắm một cuốn sổ tay thật đẹp để biên bài hát. Chẳng đứa nào biết nhạc nên chỉ chép lời. Mà đứa nầy mượn vở đứa kia chép lại nên cứ tha hồ chép bậy. Như trường hợp của tôi. Tôi chép câu:
Au bord de ton Dambe bleu
A ce que demain peut changer.
Và tôi hát liên miên trong hai tháng. Chẳng biết “Dambe” là cái gì. Đến chừng một bữa đi qua dancing ChezGiang, nghe giọng hát trong đã phát ra mới tá hỏa. Thì ra đó là chữ “Danube”
Trên bờ sông Danube màu xanh
Những người yêu nhau rất hạnh phúc.
Tội vạ cho mấy thằng bạn ngu si đã nhái theo một thằng bạn cẩu thả. Chử N và chử U của người ta sờ sờ ra đó mà dám thu gọn lại thành một chử M. Nhìn lên chử viết thì sự lầm lẫn thật không có chi quan trọng: chỉ thiếu có một cái móc câu nhỏ. Nhưng khi hát lên thì thê thảm. Người ta hát rằng: Đá-nuy-bớblờ còn tôi thì cứ: Đ’ăm-bơ bớ-lờ. Xấu hổ không thể tả.
Ngoài Tino Rossi, vòm trời ca nhạc còn có Maurice Chevalier, Joséphine Baker. Học trò không thích Maurice Chevalier. Của Joséphine Baker chúng tôi học theo bài J’ai deux amours. Năm đệ ngũ, rạp Morin chiếu phim Rose Mary. Có một bản Rose Mary viết sang lời Pháp nhưng chúng tôi thích hát bản chính là Anh. Hồi đó học lên tú tài mới có học Anh văn, hoá nên trong việc chép lời ca chúng tôi cứ mặc sức cắt vụn chử nghĩa của người ta rồi cứ tự ý ráp nối lại tuỳ ý hứng.
Luyện giọng theo Tino Rossi, theo Charles Trenet, theo Nelson Eddy, chắc chắn đều không ngoài động lực tình yêu.
Tình yêu làm con tim trổi lên giọng hát hay nhất của đời nó (ngoại trừ con Thiên Nga mà truyền thuyết cho rằng chỉ khi sắp chết nó mới cất giọng hát điêu luyện não nùng). Tiếng hát mơn trớn trái tim những cô bạn gái của mình và những cô bạn gái của kẻ khác. Có một người bất chấp thực tế đó: Trần Đình Thọ. Thọ không học ở collège Qui Nhơn mà là học trò trường tư thục Cẩm Bàn. Bất chấp luôn cả nhược điểm đó, Thọ giao thiệp với hai, ba nữ sinh đẹp và Thọ được các cô đó cảm tình. Nhà Thọ giàu, áo quần luôn luôn phẳng phiu thẳng nếp và Thọ đi học bằng xe đạp. Hồi đó xe đạp là một xa xỉ phẩm. Cả Collège chẳng một tên nào có nổi một chiếc xe đạp. Toàn là đi bộ, mặc áo dài đen, mang guốc. Xe đạp của Thọ lại sang hơn xe đạp của giáo sư Ấm, giáo sư Chí nhiều. Giá đắt dễ chừng gấp đôi … Sự giàu sang làm anh sáng sủa hẳn lên. Đã thế, mặc mũi anh thuộc loại khá trai và anh còn hơn chúng tôi ở cái đầu cúp rẽ nữa. Thật là ưu điểm tràn trề, ưu điểm vượt bực, có thể chấp luôn mọi giọng ca của mọi đứa si tình.
Một cái đầu cúp rẽ! Dễ mà có một cái đầu cúp rẽ hay sao? Học ở Tiểu học mọi cái đầu đều phải cúp ca rê hết. Luật lệ bắt buộc như vậy. Tôi thú thật chưa có dịp đọc bản văn luật đó, và dễ thường có nhiều cô giáo thầy giáo cũng chỉ biết những điều khoản của một bản Hiến pháp bất thành văn. Đỗ Tiểu học xong, một số ít để tóc dưỡng rẽ trong mùa nghĩ hè, một số khác phải học nữa năm Đệ Nhất niên “quên nước quen cái” đã rồi mới dám dưỡng rẽ. Dưỡng rẽ là một triệu chứng xấu, giáo sư và phụ huynh hầu như không ai ưa. Đứa nào học tới đệ Tam, đệ Tứ niên mà còn cúp ca-rê hay cúp đờ-mi-cua thì nhất định giáo sư có cảm tình. Trừ phi nó học ngu quá.
Vậy thì suốt cả lũ học sinh đệ Nhất niên, một số học sinh đệ Nhị niên đều mang cái đầu dưỡng rẽ lòi xòi lởm chởm như cái nhà tranh mới lợp chưa kịp xén đuôi tranh. Một số khác chuyên học gạo thì cắt đờ-mi-cua như các sư huynh. Lăn vào vòng chiến, chiến đấu vì ái tình, thì chúng tôi thua Trần Đình Thọ là cái chắc.
Võ Hồng