Nội Công Thiết Tuyến
#16
8. SONG CỔ CHƯỞNG:

[Image: NCSD-06.jpg]


Động tác:… Xoay cổ tay trái đẩy chưởng ra thẳng cánh tay rồi thu về bên hông trái biến thành quyền, thở ra.  Kế song quyền biến thành song chưởng xoay ngược xuống đẩy từ trong ra, chưởng tâm chiếu tới, hai mũi bàn tay giao nhau, lưng hai bàn tay chiếu vào trước ngực (gọi là Cổ xuất, tức đẩy ra), kế xoay cho lòng bàn tay úp vào phía ngực đoạn từ từ kéo chưởng vào, hít hơi vào.  Tưởng tượng đang ôm chặt cái lu lớn vừa nặng lại vừa trơn… Hình 15.  Cuối cùng thở ra.
 
9. ĐƠN TRẦM CHƯỞNG (Hữu):
 
Động tác:  Xoay người qua bên trái chân chuyển thành tấn Chảo Mã chân trái trước, chưởng trái biến thành quyền thu về bên hông trái, chưởng phải xoay úp lòng chưởng xuống đẩy xuống mặt đất trước gối trái, trong lúc hít hơi đầy bụng dưới… Hình 16.
 
10. ĐƠN TRẦM CHƯỞNG (Tả):
 
Động tác:… Chuyển thành Chảo Mã Tấn chân phải trước về bên phải, loa tròn cổ tay phải thu chưởng thành quyền về bên hông phải, thở ra.  Kế chưởng trái từ quyền trái biến thành bên hông trái đẩy xuống bên gối phải, hít đầy hơi, mắt nhìn theo… Hình 17.
 
YẾU LÝ:  Động tác Song Cổ Xuất và Nhập làm đều tay và hơi thở cũng giữ đều đặn, đẩy ra và ôm vào sức treo ở cổ tay giữ cho thăng bằng không lay động.  Trầm chưởng tả hữu.  Chuyển tấn từ từ, chân tới hướng nào thì chưởng chiếu hướng nấy không chút chậm trễ hay gián đoạn thở, hít.  Làm được như thế thì đúng yếu lý của bài tập rồi vậy.
 
11. SONG TRẦM CHƯỞNG:

[Image: NCSD-07.jpg]


Động tác:…. Xoay hông chuyển thành Kỵ Mã Tấn như trước, đồng thời chưởng trái thu về bên hông trái, thở ra.  Kế song quyền từ hai bên hông biến thành song chưởng đẩy xuống trước hai gối, tay thẳng, chưởng tâm song chưởng úp xuống mặt đất, hít vào, mắt nhìn theo giữa hai chưởng, khí trầm xuống bụng dưới, cằm cúi xuống, lực tụ nơi hai gốc bàn tay (Chưởng căn).  Hình 18.
 
12. GIAO TRẦM CHƯỞNG:
 
Động tác:… Xoay cổ tay cho song chưởng giao nhau vào trước hạ bộ, chưởng trái trên phải dưới, hơi co tay nơi chỏ, kế đẩy thẳng cánh tay mà hai chưởng vẫn chồng lên nhau, sức tụ nơi bên ngoài hai cánh tay.  Đẩy ra thì hít vào, buông lỏng thì thở ra.  Mắt nhìn trên lưng hai bàn tay.  Hình 19.

13. LUÂN CHƯỞNG TRẦM THIÊN ĐỊA:

Động tác 1:  Chưởng phải xoay úp lòng chưởng xuống mặt đất, kế đưa sang phải xuyên vòng lên khi tới ngang đầu thì lật ngửa lòng chưởng lên trời, đâm mũi chưởng về bên trái, trong lúc chưởng trái vẫn để ở vị trí cũ.  Lúc tay xuyên đi thì hít hơi vào, tới nơi thở ra.  Hình 20.
 
CHÚ Ý:  Lực lượng tập trung nơi cổ tay, treo lên như đòn cân và trái cân, bàn tay dưới phải xòe ra cho các vòng khỏi rơi khỏi tay.  Mắt phân ra nhìn trên dưới.





[Image: NCSD-08.jpg]
 

Động tác 2:  Chưởng trái xoay ngửa lên rồi đưa ra bên trái đoạn xuyên vòng lên đỉnh đầu, lên tới ngang đầu thì xoay ngửa chưởng tâm lên trời rồi mới đẩy mũi chưởng sang bên phải.  Trong lúc chưởng phải lăn cổ tay (xoay cổ tay) vừa gặt xuống trước mặt theo chiều thẳng đứng rồi đẩy chưởng xuống trước hạ bộ.  Hình 21 và 22.
 
Động tác 3:  Kế, lại xuyên chưởng phải lên như động tác 1, chưởng trái gạt xuống rồi đẩy xuống trước hạ bộ như động tác hai… hình 23.
 
YẾU LÝ:  Thức nầy luân đảo bốn lần, tức mỗi tay hai lần xuyên lên và hai lần đẩy xuống.  Khi trên đường đi chưa hoàn tất thì hít hơi vào, khi tới tử điểm (đích) thì thở ra.  Trọng lực trên hai cánh treo lúc nào cũng như cây cầu treo, vòng đồng xoay tròn quanh cổ tay tạo những va chạm nhẹ nhưng chấn động phần cổ tay ngoài.  Do đó ngoài phần tạo sức treo của đôi tay, mạnh gang bàn tay, còn làm cứng cổ tay ngoài cùng cánh tay ngoài làm sự va chạm khi đấu luyện hoặc chiến đấu rất tốt đẹp.  Các môn võ khác không có cách nào luyện cho tốt hơn, dù luyện với các trụ tập vẫn không thể đều hơn và hợp lý hơn phương pháp nầy.
 
Có người luyện nội công nầy nhiều năm mà chưa có dịp giao đấu với ai, ngày kia vô tình chạm trán với đối thủ, qua một đòn đỡ của Nội gia, đấu thủ bỏ ngang cuộc đấu vì bị hư tay, ông ta nói lại với soạn giả điều nầy coi như một việc lạ, nhưng soạn giả đã giảng rõ cho ông… chẳng có chi là lạ cả.  Còn về sức mạnh của gang bàn tay, ngay soạn giả vào một chiều nọ đưa tay cho một quan viên trong Tòa Đại Sứ ngoại quốc bắt trong dịp gặp gỡ… ông ta tỏ vẻ nhiệt tình nên cố bắt mạnh, nồng nhiệt, soạn giả phản ứng tự nhiên tăng thêm ba phần cân lực mà chẳng hề bóp bàn tay lại.  Nhưng sau đó vị quan viên bị sưng bàn tay và rêu rao rằng soạn giả chơi khâm… Thật tình soạn giả chẳng hề có ý ti tiểu như thế.  Việc nầy có một võ gia biết chớ chẳng phải bày đặt vui chơi.
 
Ngay việc vô tình như thế mà người đời còn chưa hiểu, tìm chuyện phao vu thì nghĩ làm sao có sự thông cảm với nhau ở trình độ thấp hơn trong nhơn loại.  Than ôi là than ôi.  Soạn giả tôi đôi khi đành ngửa cổ cười dài.  Đời xưa, đời nay, đời sau, đời sau nữa mấy người hiểu được nhau để tạo nên hòa khí xây dựng cuộc hòa bình….

....
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#17
14. SONG CHƯỞNG KHAI MÔN:


[Image: NCSD-09.jpg]


Động tác:… Thu hai tay về hai bên hông, rồi từ hông quyền biến thành chưởng, xuyên thẳng lên trước mặt, vừa hít vào như hình 24, kế xoay cổ tay cho chưởng tâm xoay ra phía ngoài, đoạn gạt băng sang hai bên phải – trái, lực tụ hai vai, hơi chứa ở ngực trên.  Mắt nhìn thẳng tới trước.  Hình 25.  Thở ra.
 

15. TẢ HỮU ĐƠN PHÁCH CHƯỞNG:


[Image: NCSD-10.jpg]


Động tác 1:…. Thu tay trái về bên hông trái, tay phải co vào ngang mang tai, lòng bàn tay ngửa lên trời.  Hình 26.
 
Động tác 2:… Chưởng phải vỗ bằng ngang xuống ngang vai, vỗ chậm chậm và giữ treo trọng lượng trong vài giây đồng hồ mới chuyển sang động tác khác… Mắt nhìn theo tay vỗ, hơi giữ đầy ngực.  Hình 27.
 
Động tác 3:  Đưa tay phải xuống hông phải, trong lúc co chưởng trái lên ngang mang tai, bàn tay úp xuống phía vai.  Hình 28 – Mắt quay nhìn sang hướng trái.
 
Động tác 4:  Tay trái vỗ lưng bàn tay xuống thẳng ngang vai lòng bàn tay ngữa lên trời, tay thẳng.  Mắt nhìn lòng bàn tay.  Hình 29.
 
YẾU LÝ:  Từ thức Song Chưởng Khai Môn đến thức Tả Hữu Phách Chưởng, hai tay liên động (động tác liên tục) như một sợi dây, luồn lỏi, uốn nắn cho thật khéo léo.  Giữ treo tay ngang bằng, từ từ uyển chuyển không nên làm mau.  Hơi thở nhịp nhàng nhẹ và đầy theo từng cử động.  Thức Khai Môn chú trọng luyện lực cánh tay trong và phần vai, đến thức Phách thì cả cánh tay phải chịu đựng trọng lực kéo xuống chẳng khác cây cầu, cùi chỏ là chỗ nặng nề nhất, vai tụ lực như chỗ tiếp giáp của cây và nhánh.  Hơi không giữ đầy trong phổi và bụng thì thức nầy coi như chưa đúng yếu lý.  Đặc biệt thức nầy tay không đặt bên hông mà hơi buông xuống để cân bằng cơ thể.  Phần trọng lượng lưu giữ ngay cổ tay lên đến 20 ký lô như thế thì khi dụng võ, phất trái xuống đỉnh đầu đối phương khi hắn tọa thấp bộ để hở thượng đỉnh, thì đỉnh đầu hắn sẽ dập nát rồi.  Khi luyện thành tựu sức mạnh vượt bực, học giả chớ bạ đâu thử đó vô tình gây nhiều phiền toái có hại cho đường giao thiệp hàng ngày.  Ngay như soạn giả là người khoáng đạt chẳng thường để ý tiểu tâm thế mà vẫn bị người đời hiểu lầm như thế huống hồ.  Người đời ngoại giao hay nghi kỵ lắm thay.
 
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#18
16. TẢ HỮU KHẤU THỦ:

[Image: NCSD-11.jpg]


Động tác 1:… Thu chưởng trái về bên hông trái nắm lại thành quyền, quyền phải đấm móc ngửa tới trước.  Đấm cũng từ từ thôi.  Mắt nhìn theo đòn đấm tay phải.  Hình 30.
 
Động tác 2:… Thở ra, thu quyền phải về, quyền trái móc tới, hít vào.  Đánh chậm chậm mà thôi.  Lúc đánh hơi nghiêng vai tới.  Hình 31.
 
YẾU LÝ:  Đánh tới thì nghiêng vai tới, cánh tay trong kẹp sát nách, cánh tay ngoài ngửa lên và ngang bằng với mặt đất.  Hơi dồn đẩy xuống bụng dưới, mắt nhìn theo tay quyền, nắm tay nắm thật chặc.

17. TẢ HỮU XUYÊN THỦ: 

Động tác 1:… Quyền trái xoay cổ tay xuống đất, mở chưởng ra đưa xéo lên về hướng trái, quyền phải từ hông đâm xéo lên trên cổ tay trái.  Mắt nhìn thẳng tới ngang bằng.  Động thì hít vào, ngưng thở ra.  Kế hai tay đều từ từ rút về hai bên hông.  Hình 32.
 
Động tác 2:… Cả hai tay đều rút về bên hông rồi kế tiếp quyền phải đưa lên xéo qua trái, quyền trái đấm xiên lên trên cổ tay phải, gọi là Tả Xuyên Thủ.  Thở hít theo phương pháp đã học ở trên.  Hình 33.

18. TẢ HỮU CƯƠNG ĐAO TRẢM CHÁNH DIỆN:

[Image: NCSD-12.jpg]


Động tác 1:… Tiếp theo động tác trên, quyền trái thu về bên hông trái, quyền phải biến thành cương đao chém đứng cánh tay tới, cùi chỏ tạo góc 90 độ thì dừng, vai phải nghiêng tới hướng chém, chân phải chuyển theo vai nghiêng về trước mà không phải đổi tấn.  Hình 34.
 
Động tác 2:… Chưởng phải nắm lại thành quyền thu về bên hông phải thở ra, quyền trái mở ra thành chưởng xuyên xéo lên hướng bên phải vai rồi chém cắt ra, vai nghiêng tới theo bộ xoay của chân trái trong lúc hít khí vào đầy bụng.  Mắt nhìn theo tay chém ra.  Hình 35.
 
YẾU LÝ:  Hai động tác Xuyên Thủ, hai tay quyền đấm ra và rút về phải thực hiện đều đều tốc độ, hết tay phải rồi tới tay trái không cho đứt quãng, hơi thở không dứt trong phổi, phần dưới bụng phải tụ khí cho đầy.  Tả Hữu Cương Đao, phải làm liền theo động tác trước cánh tay Xuyên Thủ, chém tới phải nghiêng vai tới, hông xoay theo mà chân ứng phó liền.  Như thế thì chẳng những bàn tay chém mà cả thân mình hỗ trợ, đổ dồn lực lượng tới trên bàn tay, coi như cả sức nặng thân người dồn lên cạnh bàn tay vậy.  Tay phải chém xong liền theo như sợi dây dùn (không thẳng) tay trái xiên lên chém ra.  Chém thì vai nghiêng theo tức thời, vai tay, thân eo và chân như liền một khối chớ không phải chỉ có bàn tay bổ ra mà thôi đâu.  Nếu phải ví dụ cho dễ hiểu thì giốg như động tác ấn lò xo, hễ tay ấn lò xo vừa buông ra thì lò xo theo liền với tay.  Thì ở đây, tay trước làm xong liền theo tay sau không cho có thời gian cách biệt mà động tác phải đều đều không được cà giựt cà giựt, hơi thở cũng đều.
 
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#19
19. TẢ HỮU LONG TRẢO THỦ:

[Image: NCSD-13.jpg]


Động tác 1:…. Tiếp theo trên, cương đao trái nắm lại thành quyền thu về bên trái, thở ra thì liền theo, quyền phải từ hông phải mở ra thành trảo (móng rồng trong nghề võ ưa dùng móng rồng, móng cọp, móng chim ưng và các loài có bộ móng khéo léo mạnh mẽ nhất) rồi xoay cổ tay vừa đưa lên ngang mặt chụp tới, cánh tay đứng thẳng (không chụp thẳng).  Hình 36.
 
Động tác 2:  Long Trảo phải thu về bên hông phải thì liền theo Long Trảo trái đưa lên chụp tới….Hình 37.
 
YẾU LÝ:  Động tác 1 và 2 Long Trảo có thể giữ nguyên bộ tấn Kỵ Mã hoặc có thể di động biến hóa như trên thức cương đao, nghĩa là khi trảo bấu tới thì vai nghiêng theo, hông xoay, chân chuyển tới… Cách nào cũng được, miễn thở hút cho đúng, đòn thế ra liên miên tròn gọn là được.  Khi tập mà thấy tay lưu ra có chỗ ngập ngừng (sượng) là không đúng rồi cần luyện lại chỗ đó.  Đến khi toàn bài đánh ra một mạch không vấp không quên thì coi như thuộc rồi.  Khi thuộc thì thường xuyên luyện tập, ý tứ tập trung tìm hiểu từng cái chuyển động của chân tay.  Khi thấu đáo lý của toàn bài là thành công rồi, có thể đứng ra dạy lại cho người khác.
 
20. SONG CHỈ TIÊU THỦ:
 
Động tác:…. Thu Long Trảo trái về hông trái, trảo phải biến thành song chỉ (co các ngón lại chừa hai ngón trỏ và giữa chỉa ra như hình chữ V) xuyên lên phía vai trái, tới ngang vai thì xoay cổ tay ra ngoài đâm song chỉ thẳng ra như hình 38-39.

 
21. SONG SUẤT THỦ (Thác Thiên Phách Thủ)

[Image: NCSD-14.jpg]


Động tác 1:… Song chỉ phải thu lại thành quyền rồi cùng với quyền trái đưa ra sau như hình 40, quyền tâm (lòng nắm tay) ngửa lên trời.  Kế đập tới trước vừa xoay cổ tay cho đến khi xuống tới ngang vai thì lưng nắm tay chiếu xuống đất.  Hai cánh tay song song nhau.  Hình 41.

Động tác 2: Mở bật lòng bàn tay ra, các ngón xuôi nhau, hai cánh tay vẫn giữ song song nhau không lay động. Từ khi đánh hai nắm tay xuống ngang vai cho đến khi mở nắm tay ra thành chưởng thẳng thì hơi thở vẫn bế kín đầy trong phổi. Hình 42.
 
YẾU LÝ:  Khác hơn các động tác trước, riêng động tác nầy cố súc tích lực treo ở cườm tay, nên khi đập (suất) hai nắm tay xuống thì đập nhanh và dừng mau chính xác.  Khi dừng thì dừng liền tay không rung động.  Kịp đến lúc mở bàn tay ra thì lấy gân mà mở từ từ chớ không phải mở đại một cách hời hợt mà được.  Nói cho dễ hiểu hơn là khi mở bàn tay ra thì gồng các ngón tay, nói theo võ nghệ thì khi mở các ngón ra phải tụ lực.  Hơi thở đã bế từ trước giữ đầy trong bụng không khinh mà cũng không trầm, miệng ngậm chặc, mũi nín kín không cho thoát hơi ra.  Ở độ tập thứ hai, tức là khi nào thuần rồi thì khi đánh tới thế nầy, lúc bàn tay mở ra thì lún bộ xuống (xuống bộ thấp thêm) độ một tấc Tây, bàn tay vừa mở vừa gắn.  Nói tới chỗ phân thế thì ví như ta đang đánh đối thủ đòn Suất Song Thủ, đối thủ bắt được hai cổ tay ta mà giằng co, ta bèn lún bộ xuống đem cả lực lượng toàn thân đè lên hai hổ khẩu hắn tức hắn chịu không nổi té khuỵu xuống, nếu hắn buông tay tức thì hai bàn tay ta lật úp vào theo cái lún thân xuống mà cắt trên hai bên xương quay sanh của đối thủ thì nhất định phải gảy lìa.  Đòn nầy chỉ dùng khoảng cách có một tấc Tây.  Khi gặp đấu thủ hay giằng co nắm áo như môn vật Nhật Bổn, đòn nấy rất thích dụng.  Nhưng tập giao hữu chớ dùng đòn nhiệt nầy, vì dùng tới là đại họa tới cho bạn mình rồi vậy.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#20
Thanks-sign-smiley-emoticon anh Anatta

Reply
#21
22. TẢ HỮU KHAI CUNG THỦ:


[Image: NCSD-15.jpg]


Động tác 1:…. Tiếp theo thế trên, hai bàn tay nắm lại thành quyền, xoay chân qua phải chuyển chân thành tấn Chảo Mã chân phải trước, nắm tay phải xoay lật úp xuống vừa gạt ra hướng bên phải, cánh tay trái co về hướng sau lưng.  Tay gạt ra và tay co phải cực lực và tự nhiên như động tác dương cung vậy.  Mắt nhìn theo tay phải.  Nín hơi.  Hình 43.
 
Động tác 2:… Thở ra bằng miệng đồng thời co cánh tay phải ngang trước ngực, chuyển chân, xoay hông về hướng trái nghịch chiều kim đồng hồ thành tấn Chảo Mã chân trái trước.  Hít hơi vào đầy rồi tay trái gạt về bên trái, tay phải kéo ra sau như lên dây cung.  Mắt nhìn theo quyền trái.  Hình 44.
 
YẾU LÝ:  Khi dương cung nín hơi và giữ yên trong vài giây đồng hồ.  Tay trước tay sau phải thẳng.
 

23. ĐỀ KHÍ:
 
Động tác:… Tiếp theo động tác trên, song quyền mở ra thành song chưởng các ngón thẳng tự nhiên, xoay về chánh diện, chân trái đưa về sát chân phải, hai bàn chân song song nhau đứng thẳng dậy, hai tay hơi khuỳnh nơi chỏ mà lòng chưởng thì úp xuống đất, ngang bằng với vai.  Thóp bụng, nín hơi, khí dồn lên phần trên phổi.  Phần dưới chân bây giờ coi hư không, hễ hai bàn tay nhích lên là thân muốn bay lên theo (tưởng tượng như thế) Hình 45.  Khi bàn tay kéo lên gót chân lên theo.
 
YẾU LÝ:  Trong suốt bài tập, ngoài phần chú trọng vận lực nơi tay và các phần, chân là phần trụ chịu đựng, dù không nói tới nhưng sự thật đã có sự mỏi mệt nặng nhọc, nên sau cùng phải có động tác làm cho đôi chân thảnh thơi.  Các bắp thịt chân trở lại điều hòa.
 

24. TRẦM KHÍ:
 
Động tác:… Xoay hai cổ tay cho lòng song chưởng trở lên, hai cùi chỏ ép vô hai bên nách, hít đầy hơi trầm xuống bụng dưới.  Tưởng tượng phần dưới chân nặng hơn bán thân trên.  Lún gót chân xuống tưởng tượng thủng sâu xuống đất, hai tay đè xuống, bụng dưới phình ra.  Hình 45.  Kế thở ra bằng mũi nhẹ nhàng.
 

25. TANG QUYỀN, THU THỨC:


[Image: NCSD-16.jpg]


Động tác: Thu hai chưởng về hai bên hông nắm lại thành quyền. Thở hít đều hoà tự nhiên, rồi buông xuôi hai bàn tay ra song song hai bên đùi. Hình 47-48.
 
YẾU LÝ:  Đây là bài tập Nội Công thứ nhất, chủ luyện Tụ Lực nơi các phần của tay, xoay hông, vai, cách Trầm và Đề khí.  Đồng thời cũng luyện cho đôi chân có sức chịu đựng mạnh mẽ, bởi thế chỉ dùng đại khái có một thế tấn duy nhất là Kỵ Mã, đôi lần có đổi thành Chảo Mã nhưng ít thôi.  Đó là dụng ý của bài tập chớ không phải sự nghèo nàn biến hóa.  Người tập võ thường ít chú trọng tới tôn pháp luyện cước lực, tưởng chỉ có giỏi quyền thế là đủ rồi, thật ra nghĩ như vậy là rất đỗi sai lầm.  Tấn ví như gốc rễ cây, quyền thế như cành tàng cây, phần trên tươi tốt rợp bóng mà gốc không vững thì gió mạnh thổi qua cây đã đổ nhào.  Một người trình độ võ công cao trước nhất tấn pháp phải vững vàng.  Luyện tấn không gì khác hơn đứng tấn Kỵ Mã mà dồn trọng lực xuống chân.  Người xưa có bậc đã đứng dạng chân cho mươi người xô đẩy không nhúc nhích, nay ngẫm hạng ấy có được là bao.
 
Xưa nay có cái tiến có cái lùi không nói không biết, nói ra đã rõ lắm thay.  Hậu học đọc sách nầy nhất định luyện tập là không thể dở được.  Đọc mà không luyện thì cái miệng cũng giỏi rồi.
 
Có học giả lanh trí vừa học tới đây đã có ý kiến ngay, là tại sao đề Thập Bát Thế lại tới 24 thức? mà lại có thức không có tên trong bản mục lục, lại Thức có tên trong bản mục lục lại chưa thấy trình bày?
 
Hay lắm, học giả nầy thật là thông minh, có óc nhận xét mau lẹ, nhất định trong tương lai sẽ là người trí lự.  Thành quả Nội Công không có gì xa vời…
 
Soạn giả xin nói rõ về điểm nầy, mục lục chẳng sai mà bài tập số một cũng cứ đúng.  Nguyên mục lục ghi thứ tự của mỗi tên thế Căn bản cần tập luyện, các thế chánh yếu.  Các số là số đánh cho biết là có 18 thế chớ chẳng theo thứ tự đó.  Trong bài 24 thức là tại có nhiều thức biến hóa mà thành nhiều, kỳ dư còn Câu, Phao, Tháp Thủ Viên Hình cùng Tang Chưởng chưa tập đến mà phải tới bài thứ hai mới có cơ hội.  Cái đó không có gì là sai với đề mục mà tại chưa tới đó thôi.  Học tới bài II thì có đủ.
 
Học giả cũng cần hiểu thêm trong mọi môn võ, ngoài các thế Căn bản cần học thường xuyên luyện tập, một số đòn phụ bổ túc cho đòn Căn bản cũng được luyện tập xen kẽ trong các bài quyền.  Việc nầy ví như Cây lớn có nhánh lớn, nhánh nhỏ đều được coi là chánh, chồi tược ít ai nói tới bao giờ, mà chồi tược đôi khi làm tăng thêm phần thẩm mỹ của cây.  Thậm đến sự xanh tốt của cây cũng đều do chồi tược lá hoa tô điểm.  Trong xã hội cũng thế, người lớn được nhắc đến luôn coi như căn bản, kẻ nhỏ đâu ai nói tới, nhưng sự thịnh suy của một nước chính nhờ những người vô danh trong bóng tối vậy.  Bài võ cũng thế, thế phụ thường tô điểm cho bài quyền được nổi bật cũng như sự hùng mạnh của một quốc gia.
 
Người học võ giác ngộ, biết việc Đời việc Đạo nên chi việc gì, nơi mô (đâu) cũng thích dụng (ứng dụng được), không ham lớn bỏ nhỏ, không kính lớn khinh trẻ hay thái quá bất cập mà luôn luôn có công tâm nhìn nhận mọi sự ở đời.  Hay thay.

***
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#22
 CHƯƠNG THỨ III


Quý học giả đã luyện hết Bài I của sách nầy hoặc dã đã đọc qua phần Căn bổn trên có lẽ đã lãnh hội được đầy đủ chân yếu của bài.  Là tập cho có lực tụ nơi các phần cổ tay, và chân thì có sức chịu đựng lâu dài.  Động tác đơn sơ, lời giảng cũng gọn gàng dễ hiểu, nhằm hướng dẫn các động tác hữu hình rất dễ dàng nhận định, chẳng khác một vài môn thể thao mới ngày nay bên Âu Mỹ La Tinh, nhưng có chỗ khác là ở đây bài học thâm thúy tình tiết hơn nhiều.  Ngoài Hình còn có Ý, Ý dẫn Hình đi.  Tập trung mà thành cái mong muốn.  Tập trung lâu hóa thần, tức có sức lực phi thường không nói được bàn được.  Người thường có mắt mà cũng chẳng thể thấy được, có trí mà chẳng phân được nên tôn là Thần.  Mà sự việc chẳng có chi là huyền hoặc, học là biết liền, đây là thứ Khoa học hòa hợp sức mạnh của châu thân để đạt đến một kỷ lục cao nhất.  Cũng một khối đá to, một người nào đó không thể đẩy lăn đi được, nhưng nếu đứng trong tư thế sẵn sàng rồi hô lên một tiếng lớn đồng thời đẩy mạnh thì khối đá lăn đi, v..v… Sự tập trung sơ đẳng của ý chí đã giúp người đẩy đá, ngoài Bắc Việt nước Nam ta hồi xưa kéo gỗ trên rừng có Hò-Dô-Ta, người trưởng toán hô lên Hò-dô-ta, liền theo đó đám đông hò theo:  Dô-Ta nhất tề đồng lúc đẩy tới; thế là cây súc (loại gỗ to) lăn đi nhẹ nhàng.  Cái hợp ý nhất tề ấy là một hình thức Nội công Sơ đẳng.  Trong bài một có dạy cách hít thở tùy theo động tác diễn tập nhằm khai thác ưu điểm của Ý và Khí trong người trong phạm vi thấp.
 
Trong bài II soạn giả sẽ trình bày cách điều hợp của Khí Lực một cách khéo léo hơn.
 
I.  — QUÁN TƯỞNG KHÍ THẦN HÓA LỰC
 
Đọc câu nầy (tiết mục trên) nhiều bậc danh Nho không khỏi nực cười, nhiều vị lương y cảm thấy khó chịu, lắm bậc võ gia không khỏi lấy làm lạ… Người ta thường nói: Luyện Tinh hóa Khí rồi tự Khí hóa Thần, chớ có ai nói ngược ngạo như soạn giả đâu?  Soạn giả vẫn biết là Luyện Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, cái đó là căn bản ai mà không biết.  Nhưng biết như thế nào thì ai dám chắc, chưa mấy ai cho thật là biết dù là Lương y hay danh Nho.  Còn các vị thầy thuốc mới (bác sĩ) không thể hiểu được nếu chỉ chuyên khoa Tây học.  Vì xưa ai cũng cố theo học sách thuộc lòng mà ít ai thực nghiệm coi nó ra làm sao nên ít ai hiểu đến chân lý.  Đa số chỉ thông lý thuyết nói chơi khi đình đám, giỗ chạp trong nhà, ngoài họ, v…v… chuyện học thuật chân chính giá trị mà hóa ra để nói chơi.
 
Soạn giả thì cũng thích nói chơi cho vui ngày tháng, ngày tháng nào cũng vui, nhưng việc hệ trọng như thế nầy thì không thể nói chơi được, phải nói thật mới được.  Nhưng ở đời nói thật không dễ mà cũng không gì dễ bằng nói thật.  Chỉ có Linh mục trong giờ tín đồ xưng tội mới nghe được sự thật.  Ở chỗ công đường muốn biết sự thật phải xài tới cụ hình (tra tấn đánh đập) mà thường lâu lắm mới nghe lời nói thật.  Trong nhà vợ, con, tôi tớ cũng dối lời v..v… Đời xưa đời nay ít có sự thật, ít có người thật là người…. Việc học hành cũng chí là học giả mà thôi, vì thường chỉ biết cái chẳng cần ích gì, cái gì chẳng cần ích thì học rồi sau đó lại quên.  Cái không quên đó mới tạm thật, cái học dùng được tạm thật (đừng hiểu lầm sự việc với Thật Chân như của Đức Phật).  Ngay như sách đủ thứ bán ngoài chợ, ngoài đường đủ loại thì đa số là sách giả, tức sách viết chưa tới chỗ chân tình.  Người kém trí-lự làm sao biết được.
 
Soạn giả khác hơn thiên hạ là nói thật, nói chân tình dù nói hay, hay chẳng hay cũng chẳng sửa đổi chải chuốt, nói thật là vui rồi.  Ngay các sách của soạn giả đã xuất bản dù dở dù hay cũng có chỗ chân thật chí tình.  Đề mục Quán Tưởng cho Khí Thần hóa Lực cũng là sự thật, dù mới nghe qua rất đỗi mơ hồ sai từ điển.  Nhưng sự thật thì cứ sự thật, lại còn sự thật quá đơn giản nữa là khác, khi soạn giả nói rõ ra để chư học giả học tập chứng nghiệm.  Sở dĩ soạn giả dám nói chắc như vậy vì chính bản thân soạn giả đã học qua và chứng nghiệm rồi, thực nghiệm rồi thì nói thật mới thật là thật.  Thật là như vậy.
 
Thế nào là quán tưởng Khí Thần Hóa Lực?
 
Nhóm chữ trên đây đem phân tách giảng giải thì có nhiều đường lối không tránh khỏi rườm rà, dài dòng mà chưa chắc ai cũng hiểu vì phải dùng nhiều chữ chuyên môn, mà sách nầy viết ra cốt phổ biến trong lớp thanh thiếu niên, nên cách giảng giải dài dòng chữ nghĩa là không hợp.
 
Vậy, nói vắn tắt là tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất bằng cách nín hơi ngưng thở để tạo nên sức mạnh.  Chữ Khí ở đây được hiểu là thể hơi mũi hít được vào phổi không cần phân tích, Thần được hiểu là cái điều khiển mọi hoạt động của con người.  Nó làm sáng tỏ, giá trị cho từng phần sanh hoạt sống động thân xác, nó mất đi người ta sẽ ngu ngơ.  Nó được hiểu như phần trong sáng, quý báu nhất của con người mặc dù không thấy bằng hình tướng rõ rệt, nhưng cũng có thể biết được qua sự hình dung trên các phần nó thường ẩn trú:  Thần sắc huy hoàng, chỉ người có sắc mặt sáng sủa phát ra vẻ rực rỡ chứng tỏ có tu dưỡng, những người có thần sắc như thế dù đứng giữa đám đông vẫn nổi bật dễ nhận ra.  Nói cách dễ hình dung, Thần là cây đèn của mỗi người, Thần của người có tu dưỡng thì như cây đèn lớn, Thần của kẻ thường nhân như cây đèn nhỏ.  Đèn nhỏ đứng gần đèn lớn thì lu mờ.  Thần dễ tụ mà cũng dễ tán.  Tinh Khí đầy thì Thần tụ hiện, Tinh Khí cạn thì Thần tan hay tán.  Nhìn khuôn mặt một trang thanh niên sau một đêm giao hoan quá độ thấy mặt tối sầm ấy bởi tại Tinh đã cạn giống đèn hết dầu lấy gì mà sáng.  Cũng thanh niên đó, cho ăn uống tẩm bổ vài ngày mặt mày tươi sáng lại là Thần đến vì Tinh có đầy.  Tinh nuôi Thần, do đó có chữ Tinh Thần, thật ra Tinh muốn nuôi Thần phải hóa thành Khí mới tới được…. Muốn hiểu rõ việc nầy cũng cần một cuốn sách, có dịp soạn giả sẽ bàn đến.
 
Tinh, Khí, Thần dễ thấy, dễ biết nhưng vô cùng kỳ diệu, người ta sống hay thác chỉ liên quan ba chữ nầy thôi.  Nhưng ở đây ta hiểu Thần trong phạm vi hữu dụng hơn, nghĩa là ta phải dùng cái Thần như một vật thấy được.  Ai cũng có thần, trừ người điên khùng và người sắp chết thì Thần tán, để xài được cái Thần ta phải biết cách luyện nó, cách luyện duy nhất mau chóng là tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất.  Có nhiều phương pháp tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất.  Có nhiều phương pháp tập trung phát triển Thần trong Khoa học Thôi miên hoặc các Giáo phái lớn dạy cũng đều hay, nhưng Võ gia luyện Thần có hiệu quả thích hợp nhất là Quán Tưởng Dẫn Khí trong Vòng Châu Thiên (coi cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của soạn giả đã xuất bản), ở đây trình độ Nội Công thấp hơn, chúng ta có cách luyện khác chút ít là: Nín hơi đứng tấn Kỵ Mã.  Phương pháp đơn giản là đứng tấn Kỵ Mã hai tay thu thành Tang Quyền để hai bên hông, cứ hít đầy hơi dồn xuống bụng dưới rồi trụ tấn đến khi chịu không nổi thì miệng từ từ thổi hơi ra nhẹ nhàng thật cạn kế hít hơi vào bằng mũi từ từ… tập trung mọi ý nghĩ vào sự ra vào của Khí và trụ Thần vào Đan điền, khi ngưng thở đừng nghĩ tới việc gì khác.  Ban đầu hơi thở ngắn sau hơi thở dài hơn, khi hơi thở dài chừng 3 đến 5 phút thì mạnh lắm rồi.  Nên nhớ khi tấn, tay nắm chặc kẹp sát chỏ vào hai bên nách toàn thân bất động, tâm tưởng dồn khí và sức xuống hai chân như bám mặt đất, thủng vô đất…l àm như vậy mới khởi đầu độ 3 phút tấn là mồ hôi đổ đầy người, chớ ngại, cứ bình tỉnh luyện độ 10 phút hãy đứng dậy xoa chân thở điều hòa.  Thời gian lâu dần tăng lên 15-20 phút… đến 30 phút là khá rồi, tức 30 chỉ thở có 6 hơi, lúc nầy Thần đã ở trong Khí rồi, mỗi đòn đánh ra hội đủ Khí Thần là Lực mạnh kinh người.  Đây là phép luyện hỗ trợ hai bài Luyện Nội Công Thiết Tuyền trong sách nầy.  Người không luyện Nội Công luyện phép nầy cũng kết quả mạnh khỏe vô cùng.
 
Soạn giả đã nói, chuyện nghe thì cao siêu mà biết rõ thì cách luyện thật tầm thường, thế mà cho đến ngày nay vẫn có người khư khư ôm lấy bí quyết đơn giản đó làm Bí truyền.  Tội nghiệp, thế giới văn minh quá rồi, mà các vị ấy chưa hay.
 
Soạn giả nói thêm là khi luyện như vậy sự tăng tiến thời gian đều đều là quan trọng, chớ nên ngừng nghỉ.  Tránh sự giao hoan để có đầy Tinh hầu nuôi Thần mà luyện cho mau kết quả.  Tinh cạn, Thần kiệt không luyện tăng tiến được, đứng tấn đầu gối run thì có luyện cũng chẳng tới đâu, hoặc có đứng được mà suy nghĩ đâu đâu, Thần không hiệp với hơi thở cũng vô ích.
 
Nên luyện phép nầy trước mỗi buổi tập bài Nội Công; khi luyện trước mặt có để đồng hồ để xem giờ phút tăng tiến hơi thở, sau quen khỏi cần đồng hồ.
 
Quán Tưởng Khí Thần Hóa Lực là như vậy, rất dễ hiểu, dễ tập và dễ thành, ai tập cũng có kết quả.  Học giả xem qua luyện tập chắc chắn sẽ thành công, ngày mai thần thái rạng rỡ, mặt mày sáng sủa tinh anh, ai nhìn qua cũng đều ngưỡng mộ, chẳng những nữ nhân, thanh niên mà thiếu phụ, bô lão cũng đều có cảm tình.  Điều chắc chắn dễ thấy hơn hết là học giỏi, mau thuộc bài và lúc nào cũng lành mạnh vui tươi.
 
Tập vài tháng mới thấy lời soạn giả là đúng sự thật.

***
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#23
II.— THIẾT TUYẾN VIÊN HÌNH QUYỀN
 
Đây là bài luyện Nội Công thứ hai và cũng là bài cuối cùng của môn Nội Công tập bằng vòng sắt đeo ở tay.
 
Phần bài I học giả đã trải qua, nghiễm nhiên đã thâu đạt được kết quả khích lệ đủ khởi hứng dẫn đường đến bài này.  Kỹ thuật bài hai này biến hóa hơn đủ huấn luyện học giả đạt trình độ hữu dụng trong đấu trường hàng ngày.  Nghĩa là khi học xong bài nầy có thể đấu với võ gia thiên hạ mà không có chỗ thất bại.
 
Học tới đây học giả đã lãnh hội được nhiều điều hay rồi, tưởng không cần nói thêm về các đấu pháp nghề võ nữa, cũng chẳng phải bàn luận phương thức… vì ai cũng thông thạo nhiều môn phái và bài bản…
 
Có điều cần nên nhắc lại là Bài tập nầy đủ ứng dụng cho mọi đòn thế của bất cứ bài bản nào.  Tức trước khi chưa học Nội Công dù thuộc bài bản đủ thứ nhưng đánh không đau người, nay đánh người chịu không nổi, ấy bài Nội Công nầy chủ huấn luyện học giả được như thế.  Đơn giản và chắc chắn như vậy.
 
Về kỹ thuật đòn thế toàn bài cũng do 18 thế căn bản mà kết hợp nhưng có biến hóa tùy nghi với bộ Thủ pháp chiến đấu và Cước pháp di chuyển cho đặng sự Linh hoạt thích hợp với cuộc giao đấu trong đời.  Gồm 36 thức liên hợp với các tấn pháp: Lập tấn, Kỵ Mã, Đinh Tấn và Chảo Mã, cùng tọa bộ.
 
Cách luyện cũng điều hợp động tác và hơi thở theo từng bước chân đi, từng diêu động của tay quyền, chỉ, chưởng, v…v… hợp nhất Thần Khí phát triển lực lượng tới mức tối đa.  Cả hai bài mỗi ngày chỉ nên tập hai lượt trong một buổi tập, và tập buổi sáng sớm hoặc chiều tối mát trời là tốt nhất.  Nên chọn sân rộng, thoáng khí, mát mà tập, nếu không được như thế thì tập trong phòng mở cửa sổ cũng hay.  Quan trọng là tập đúng và tập đều.
 
Sau ba tháng tập bài một với 1-2 vòng sắt (mỗi tay từ 2 ký 2 đến 4 ký lô 4) thì tay đã mạnh khá lắm rồi, đánh đau lắm rồi, tay gồng chuyển đã có đường nét thấy rõ.  Bây giờ tập tới bài thứ nhì cũng chỉ mang hai vòng vì số động tác của bài 2 dài hơn bài một.  Tập độ một tháng thì tăng lên thêm mỗi tay một vòng.  Ở trình độ nầy tập cho đến khi thuần thục, mỗi bài đi hai lượt thì cũng đến 6 tháng luyện tập.  Tới đây sức mạnh đáng kể, bắp thịt, gân đã lộ ra, tay chân cứng cáp, đỡ đòn đấu thủ đã thấy đau rồi, đau lắm là khác.  Tập đến một năm tăng lên bốn vòng mỗi tay thì mỗi tay gần 9 ký lô, hai tay 18 ký luyện hai lượt mỗi bài trong buổi tập không biết mệt thì đánh người chịu không nổi.  Đánh trúng là bị thương phải uống thuốc rồi đó.  Bắt đầu từ đây đấu với bạn phải thận trọng lắm mới khỏi gây tai nạn.
 
Người thanh niên có sức vóc và có trình độ võ công kha khá thì chỉ trong vòng 3 đến 4 năm có thể tập đến 9 vòng là mức tối đa của môn học.  Trình độ nầy hai tay mang trọng lượng gần 40 ký lô mà thu phát kình lực nhẹ nhàng như ý thì đòn đánh ra Bò, Ngựa cũng gảy sườn dập bụng huống hồ da thịt người ta.
 
Biết nhiều mà không tập chỉ giỏi miệng mà chẳng lợi thân, vậy mời học giả thực hành bài tập sau cho được vẹn toàn.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#24
Bài tập Nội Công 2

THIẾT TUYẾN VIÊN HÌNH QUYỀN


TANG QUYỀN, BÁI TỔ
 
Động tác 1:… Đứng thẳng người, hai bàn chân khít nhau, hai nắm tay thu lại hai bên hông, chỏ khép vào, mắt nhìn thẳng tới trước.
 
Động tác 2:…. Chân trái đưa tới trước, mũi bàn chân chạm nhẹ mặt đất, gót nhón lên, chân sau co gối, quyền trái mở thành chưởng từ hông đưa lên trước ngực, ngang vai, chưởng tâm chiếu tới trước, quyền phải đưa vòng lên, quyền tâm úp xuống mặt đất, đầu quyền đối ngón cái bàn tay trái và cách nhau độ 5 phân Tây.  Mắt nhìn thẳng tới như hình 49-50.
 
Lúc đưa chưởng và quyền lên đồng đưa một lượt, từ từ, hơi thở được hít vào từ từ, đến khi tay vừa làm xong thì bụng đầy hơi, ngưng thở.



[Image: NCSD-17.jpg]


1. SONG THỦ HẬU PHAO (Hai tay ném ra sau)
 
Động tác:… Đang ở thế Bái Tổ, quyền phải mở ra thành chưởng dựng lên như tay trái, kế rút chân trước về khít bàn chân phải sau, hai tay cùng lúc ném ngược về sau.  Hình 51.  (Hình 52 thế Song Thủ Hậu Phao nhìn từ một bên).
 
YẾU LÝ:  Ném về sau, các ngón tay phải mở ra để các vòng khỏi tuột khỏi tay, đồng thời chưởng câu lên, mắt nhìn thẳng tới trước, thân trên hơi chồm tới trước giữ thăng bằng.  Động tác nầy khi ném phải hít hơi cùng lúc với tay ném ra, khi hơi đầy thì tay ném hết sức rồi, lúc đó hai tay dừng ở đó chịu đựng trong vài giây đồng hồ.  Lúc nầy nếu rờ cánh tay thấy cứng, mà phần bụng cũng cứng.  Như vậy động tác nầy chủ tập lực sức hai cánh tay phần phía sau và toàn bộ phận bụng trước.  Tập lâu ngày bụng để người đấm chẳng ăn nhằm gì, mà tay ném ra sau lực sức cũng tăng tiến quan trọng.  Cần nhất là nín hơi giữ cho tay ở độ ném lâu chừng nào tốt chừng nấy.  Giữ càng lâu chứng tỏ vai càng mạnh, khí lực tích chứa có nhiều.
 

2. SONG CHƯỞNG PHÂN THỦY

[Image: NCSD-18.jpg]


Động tác:  Tiếp theo động tác trước, chân trái bước tới, song chưởng đưa tới theo chân bước tới trước gối trái, thân khom tới trước.  Hình 53, tiếp tục đưa đưa vào cho hai chưởng chạm nhau mới xoay cổ tay cho lòng chưởng xoay ra ngoài hai bên rồi vừa hít đầy hơi vừa banh song chưởng ra hai bên như hình 54.
 
YẾU LÝ:  Lúc chân bước tới, đưa song chưởng tới trước thì thở ra, khi banh song chưởng thì hít vào, chân trước gập, chân sau thẳng, người cúi xuống.

3. PHÁP THỦ VIÊN HÌNH
 
Động tác:  Đứng thẳng dậy, song chưởng đưa vào trước gối, tréo nhau, chưởng trái ngoài, phải trong rồi theo động tác lưng thẳng dậy đưa tréo hai tay lên đỉnh đầu thành chưởng tâm song chưởng chiếu thẳng tới trước và chưởng phải ngoài chưởng trái trong.  Hình 55.  Kế gạt thẳng hai cánh tay thành vòng cung từ trên xuống hai bên đùi…
 
YẾU LÝ:  Từ động tác phân thủy, khi chuyển thân đứng lên thời song chưởng đưa lên theo với động tác đứng và quay thành vòng tròn liền.  Đứng lên thì thở ra, nhưng khi quay thì hít vào.  Chuyển động uyển chuyển khi quay thì dịu dàng, hai tay như hai cánh quạt.  Quay tự nhiên không được gồng bất cứ phần nào trong cơ thể.
 

4. SONG CHƯỞNG BỔNG NGƯU

[Image: NCSD-19.jpg]


Động tác 1:… Tọa thấp tấn xuống, song chưởng vẫn đưa sang hai bên như hình 56.  Kế câu chưởng vào như ôm lấy con Trâu con, đoạn đạp chân sau đứng dậy, như hình 57-58.  Mắt cúi xuống nhìn khoảng giữ mũi song chưởng.
 
YẾU LÝ:  Động tác tọa chân xuống thì thở ra, khi song chưởng xúc vào đứng lên thì hít vào, trí tưởng tượng như đang ôm con trâu lên vậy.  Vai mềm mà cánh tay ngoài thời thật cứng chắc.
 
Động tác 2:  Đứng thẳng lưng dậy thì song chưởng đưa ra như bồng (bổng) con trâu lên.  Hình 59.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#25
5. SONG ĐỊNH CHƯỞNG

[Image: NCSD-20.jpg]


Động tác:… Thở ra, kế xoay cổ tay cho song chưởng hướng tâm ra ngoài rồi hít hơi đầy đẩy song chưởng thẳng tới, thẳng cánh tay, song song nhau giữ yên trong vài giây đồng hồ.  Hình 60.
 
YẾU LÝ:  Động tác xoay cổ tay phải giữ cánh tay bất động chỉ có phần cổ tay xoay mà thôi.  Tới khi đẩy chưởng tới thì cùi chỏ mới thẳng, bàn tay phải dựng đứng, các ngón khít nhau.
 

6. SONG TIÊU THỦ
 
Động tác:… Chân phải bước tới, cổ tay đập xuống, song chưởng biến thành song tiêu đâm tới, khí vẫn giữ đầy trong bụng.  Hình 61.
 
YẾU LÝ:  Thở ra lúc đập chưởng xuống, khi bước chân lên đâm tới thì hít hơi đầy, mũi tiêu cũng vận cứng lên.
 

7. SONG TRẦM CHƯỞNG
 
Động tác:… Thở ra, lùi chân phải về sau, song chưởng trầm (đè) xuống trước hai bên gối, mũi chưởng cất lên trong lúc hít đầy hơi dồn xuống đan điền.  Hình 62.
 

8. SONG CÂU THỦ


[Image: NCSD-21.jpg]


Động tác:… Thở ra, đưa tay lên đồng thời hít hơi vào, chưởng co lại thành câu, hai tay song song nhau và song song mặt đất.  Mắt nhìn thẳng.  Hình 63.
 
YẾU LÝ:  Đưa song chưởng lên dịu dàng, hai tay như hai cây đòn có treo hai quả cân.  Không nên đưa giựt lên.
 

9. SONG CỔ NHẬP (Ôm vào)
 
Động tác:… Thở ra, song câu xoay vào bật mũi bàn tay lên, hít vào và chân phải bước tới đồng thời co chỏ lại thành tư thế ôm vật.  Hình 64.
 
YẾU LÝ:  Lúc xả hơi ra thì cổ tay mềm để xoay mũi bàn tay lên, nhưng xoay xong thì hít hơi vào, cổ tay vận sức cứng co chỏ đồng thời bước tới như hứng lấy vật người ta quăng tới vậy.  Co chỏ ít tí thôi.
 

10. TANG QUYỀN (Thu quyền)
 
Động tác:… Thở ra, co chỏ lại thu quyền về hai bên hông sau khi chưởng biến thành song quyền.  Chân phải rút về sát chân trái đứng lập tấn hơi thở điều hòa.  Hình 65-66.
 
YẾU LÝ:  Động tác Tang Quyền là tạm nghỉ ngơi để xuất thức khác kế tiếp.  Khi mới tập chỉ nên tập tới đây rồi nghỉ.  Khi nào thuộc thuần thục hãy tập thêm.
 
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#26
11. SONG KHẤU THỦ

Động tác:… Hít hơi đầy, chân phải tiến lên, song quyền từ hai bên hông đấm tới nhưng hai chỏ kẹp sát hai bên hông, hai cánh tay song song với mặt đất.  Mắt nhìn xuống song quyền.  Hình 67.
 

[Image: NCSD-22.jpg]


12. TẢ HỮU CỔ NHẬP

Động tác 1:… Thở ra, chân trái bước sang trái ngang chân phải một khoảng rộng xuống tấn Kỵ Mã, quyền phải rút về hông, hít vào, quyền trái biến thành câu ôm vào ngang trước ngực.  Hình 68.
 
Động tác 2:…Thở ra.  Hít hơi vào đưa chân phải về sau đồng thời rút quyền trái về bên hông trái, quyền phải biến thành câu đưa tới trước ôm vào như hình 69.
 
YẾU LÝ:  Lúc chuyển tấn bộ từ Đinh tấn sang Trung bình (Kỵ Mã), và từ Kỵ Mã về Đinh bộ cao không thay đổi, tức không được nhấp nhô.  Nhịp thở ra khi lui bước hoặc theo các động tác lui về, thu lại của quyền chưởng.  Hít vào khi vận lực ra thế.


13. TẢ HỮU SONG TIÊU CHỈ


[Image: NCSD-23.jpg]


Động tác 1:… Thu câu thủ phải về thở ra, quyền trái biến thành song chỉ rồi hít hơi vào đâm tới (xoay cổ tay), vai mềm mà tay ngoài cùng chỉ thì cứng.  Hình 70.
 
Động tác 2:… Xòe các ngón tay trái ra thành chưởng, quyền phải biến thành song chỉ đưa lên phóng tới, chưởng thủ trái nằm bên trong tiêu thủ.  Hình 71: chân phải theo tay xỉa tiến bước lên.
 
YẾU LÝ:  Tả hữu tiến làm mau trong một nhịp thở, Hữu Tiêu thì giữ tả chưởng yểm trong để tiếp theo thức Long Trảo.
 

14. TẢ LONG TRẢO
 
Động tác:… Thở ra, thu chỉ thành quyền về bên hông phải, chưởng trái xoay cổ tay biến thành trảo chụp tới trước vừa hít hơi vào, chân sau chuyển thẳng cứng.  Hình 72.
 
YẾU LÝ:  Long Trảo nầy dùng chụp vào mặt đối thủ, nên cánh tay phải xiên.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#27
15. CƯƠNG ĐAO THỦ

[Image: NCSD-24.jpg]


Động tác 1:… Thở ra, chân phải lui về sau, Trảo trái biến thành Cương đao xắt xuống trước gối trái, hít hơi vào, trong lúc quyền phải từ hông phải cũng mở ra thành Cương Đao đưa lên ngang mang tai rồi chém vét về sau, cạnh bàn tay thẳng đứng.  Mắt nhìn thẳng tới hưởng trước.  Hình 73.  Chân tấn Chảo Mã.
 
Động tác 2:… Thở ra, chân trái lùi về sau tấn Chảo Mã chân phải trước, kế hít hơi vào, bàn tay phải từ trên chém vạt xuống trên cánh tay trái dừng lại trên gối phải.  Đồng thời chưởng trái chém vét thẳng đứng về hướng sau như Hình 74.  Mắt nhìn tới trước.  Khí giữ bình trong bụng.
 
YẾU LÝ:  Hai động tác chém tiền trảm hậu này thực hiện như quơ nghĩa là đều tốc độ.
 

16. TRẮC XUYÊN THỦ (Đấm nghiêng một bên)
 
Động tác:… Thở ra.  Xoay cổ tay phải nắm thành quyền, quyền tâm hướng lên đồng thời hít vào đấm ngửa nắm tay tới hướng trước thẳng cánh tay, thân nghiêng theo, tấn chuyển thành Kỵ Mã.  Cương đao trái biến thành quyền thu về bên hông trái.  Mắt nhìn theo quyền phải.  Hình 75-76.  Nín thở giữ yên vài giây đồng hồ trước khi diễn tới thế sau.
 
17. SONG THỦ HẬU PHAO
 
Động tác:… Thở ra, đồng thời xoay lưng lại, song quyền biến thành song câu ném về sau, chân chuyển thành Đinh tấn chân trái trước.  Hình 77.  Thân khom về trước (tức hướng sau của thức 16).

 

[Image: NCSD-25.jpg]


18. HỔ TRẢO

Động tác:… Thở ra.  Xoay người trở lại hướng tiến ban đầu, thuận chiều kim đồng hồ, câu phải biến thành quyền đưa úp trước ngực, câu trái biến thành Trảo đưa ra ngoài quyền phải.  Chân đứng tấn Đinh, chân phải trước (thế trung gian của Hổ Trảo), lúc nầy vẫn còn thở ra.  Hình 78.
 
Quyền phải thu về bên hông phải, hít hơi vào, chưởng trái biến thành Hổ Trảo chụp từ trên xuống (chụp trên đỉnh đầu đối thủ).  Hình 79.  Chụp thẳng cánh tay.


[Image: NCSD-26.jpg]

....
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#28
19. TẢ ĐƠN CÂU

[Image: NCSD-26.jpg]


Động tác:… Thở ra.  Hít hơi vào trảo biến thành Câu câu xuống (gập cổ tay xuống)  Hình 80.
 

20. TẢ HỮU ĐỊNH CHƯỞNG
 
Động tác 1:… Giữ nguyên hơi thở trong bụng, bật cổ tay lên biến Câu thành Chưởng.  Hình 81.
 
Động tác 2:… Thở ra chưởng biến thành quyền thu về bên hông trái, đồng thời xoay hông biến thành Kỵ Mã tấn, quyền phải biến thành chưởng đẩy tới thẳng cánh tay thế Hữu Định Chưởng.  Hình 82.  Mắt nhìn theo chưởng.

 
21. TẢ ĐƠN CỔ NHẬP


[Image: NCSD-27.jpg]


Động tác:… Thở ra.  Xoay hông thuận chiều kim đồng hồ về hướng tiến lên thành Đinh tấn chân phải trước, chưởng phải biến thành quyền thu về bên hông phải, quyền trái đồng thời biến thành chưởng đưa lên ngang ngoài trước ngực ôm vào, hình 83.  Hít hơi vào vừa ra sức ôm vào cánh tay sát vào trước ngực.  Hình 84.
 
YẾU LÝ:  Động tác xoay trở thân eo phải giữ mềm dẻo tự nhiên, tay quyền chưởng mềm dẻo linh động không nên làm cứng bật ra bật vào như người máy.  Lúc nào thở ra là tay buông lỏng không có lực, lúc nào hít hơi vào thì lực vận lên vừa đủ, chỉ khi nín hơi bất động thì phần chủ định phải vận lực cho cứng mà thôi.  Mọi thức trong bài luyện tập nội công nầy đều phải theo nguyên tắc nầy mà tập.  Tập đúng thì sự tăng tiến mau theo từng buổi tập, nhược bằng tập sai thì sự tiến bộ sẽ đến chậm chạp.  Vậy chư học giả, võ sư, võ sinh khá tua lưu ý cho đúng phép tắc.


22. SONG PHÁCH CHƯỞNG

[Image: NCSD-28.jpg]


Động tác:… Thở ra, đưa song quyền ra sau trong lúc chân trái bước tới trước.  Hình 85.  Hít hơi đầy bụng, mở rộng quyền thành song chưởng rồi vỗ xuống trước, hai bàn tay song song nhau, mắt nhìn thẳng.  Hình 86.
 
YẾU LÝ:  Từ thức Cổ Nhập, chân bước lên, tay biến thành quyền rồi song quyền đưa ra sau, hơi thở nhẹ nhàng.  Đến khi thân đã vững bộ thì hơi được hít vào và tay quyền biến thành chưởng từ sau vỗ tới ngang bằng vai.  Giữ tay ngang (lực treo), hơi thở ngưng để khí trầm trong bụng.
 
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#29
23. SONG CỔ XUẤT


[Image: NCSD-28.jpg]


Động tác:…  Thở ra.  Hai tay đưa tréo nhau trước ngực, xoay cổ tay cho lòng song chưởng úp vào, chưởng trái trong, chưởng phải ngoài.  Hình 87.  Hít hơi đầy, đẩy song chưởng sang hai bên Tả Hữu, mũi chưởng dựng đứng, hai cánh tay thẳng ngang, thân người thẳng đứng.  Hình 88.
 
YẾU LÝ:  Hai tay đang ở thức Phách chưởng, co chỏ là tự nhiên song chưởng úp vào tréo nhau.  Kế đẩy sang hai bên.  Sức đẩy chưởng ra giống như hai bàn tay cầm sợi dây rồi giăng ra vậy, khí trầm, ý tưởng đặt tại đan điền.  Một nội gia khi luyện công đã đến hàng khá khá thì trong khi luyện ý tưởng lúc nào cũng đặt tại đan điền nên dù ai đi gần cũng không hay biết.  Ở trình độ thấp thì dễ phân tâm, ở trình độ cao hơn đang luyện có thể biết mọi động tịnh chung quanh mà hơi thở và lực đạo vẫn không bị gián đoạn.
 

24. ĐỀ KHÍ


[Image: NCSD-29.jpg]


Động tác:… Thở ra từ từ, trong lúc đưa tay vào giữa như động tác hình 86, kế xoay cổ tay cho chưởng tâm song chưởng ngửa lên trời.  Đoạn hít hơi vào từ từ và thóp bụng thu tay vào, cùi chỏ ngang bụng.  Tưởng tượng khí ở ngực trên, thân nhẹ nhàng muốn bay lên.  Hình 89.
 

25. TRẦM KHÍ


[Image: NCSD-30.jpg]


Động tác:  Thở ra rồi lại hít vào trong khi song chưởng tiếp tục thu vào sát ngang hai bên hông, vẫn ngửa, đầu gối sau mở ngang, gối trước gập xuống thành Chảo Mã.  Nín hơi, dồn khí xuống bụng dưới (đan điền).  Tưởng hai bàn chân lún xuống đất.  Hình 90.
 
YẾU LÝ:  Hai thức Đề Trầm đi liền với nhau, tay còn ngoài xa thì khí nhẹ lâng lâng, khi rút tay về sát bên hông thì khí nén xuống nặng trầm trọng.  Hơi thở được nối tiếp nhẹ nhàng:  hít vào thở ra lại hít vào trầm xuống.
 

26. KỴ MÃ SONG ĐỊNH CHƯỞNG
 
Động tác:… Chân trái bỏ sang trái thần tấn bộ Kỵ Mã, mở hai mũi bàn chân ra trong lúc thở ra.  Hít vào trầm khí xuống đan điền, vận lực xuống hai gót chân (nhờ mở mũi bàn chân nên khí dễ xuống tới gót), song chưởng ở bên hông từ từ xoay úp xuống rồi bật chưởng đứng thẳng, đẩy tới song song nhau, khoảng cách giữa song chưởng rộng hơn vai.  Cánh tay thẳng mắt nhìn thẳng mà thấy đan điền (quán tưởng nơi đan điền)Hình 91.
 

27. THÁP THỦ VIÊN HÌNH (Hai tay quay thành vòng tròn)
 
Động tác:… Thở ra, hạ song chưởng xuống trước hạ bộ, lòng chưởng úp vào, lòng chưởng trái úp trên lưng chưởng phải, cằm cúi xuống, mắt thấy đan điền.  Kế hít hơi vào, hai tay khoát lên thành vòng tròn, rồi hoành về vị trí cũ.  Hình 92.
 
YẾU LÝ:  Khi hít hơi thì đưa song chưởng sát ngực mà lên, lòng chưởng úp vào, hai cánh tay tréo nhau.  Đưa lên tréo nhau nơi cổ tay, thẳng cánh tay rồi mới quay vòng trở xuống.  Khi quay thì ngước mắt nhìn theo lên, lúc tay xuống mắt theo nhìn xuống như cũ.  Khi đưa tay lên thì gót hơi nhón, khi tay xuống thì gót đã trầm sát đất.
 
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#30
Mấy bài khí công này còn gọi là tai chi phải ko anh Anatta?

Có rất nhiều người mỹ hiện nay họ cũng tập khí công.
Tôi chọn cuộc sống cho mình hạnh phúc 
chứ không phải sống để người khác ngưỡng mộ!
Reply