Có Những Khoảng Lặng Để Soi Lại Mình
#1
Có Những Khoảng Lặng Để Soi Lại Mình.
Nguyễn Thị Thanh Bình.

Thấy anh, cô thả túi xuống đất cái phịch, tu tu khóc như một đứa trẻ. Trong vườn rau, một “lão nông” vứt cái thùng tưới xuống, chạy ào ra:

- Cô, trời ơi. Mình ơi, cô Linh lên này!

Không thèm khách sáo, cô dụi mặt vào ngực anh, anh vỗ nhẹ đôi tay còn dính nguyên đất cát vào lưng cô:

- Thôi nào. Có gì lát nữa nói anh nghe. Nín đi nào.

Khóc một trận đã đời, cô khẽ đẩy anh ra. Ngượng nghịu khi thấy sau lưng mình là một phụ nữ và hai đứa trẻ đang tròn xoe mắt nhìn. Anh quay người:

- Em à, cô Linh đấy. Hai đứa chào cô đi con.

- Hai anh em vào nhà đi nào. Vào nhà rồi hẵng nói. Cô lên đây bằng gì mà không báo anh ra đón. Lên đến đây được cũng giỏi lắm rồi.

Mùi đồ ăn bốc lên dịu dàng, bất giác cô nghe bụng mình đau quặn, cảm giác muốn ói lại trở về. Từ tối qua đến giờ, cô không ăn gì, đã vậy, lúc ở trên xe, cô đã ói hết những gì còn sót lại trong bụng. Tim gan không ói được, nếu không cô cũng ráng ói ra, bỏ vào bịch và quăng đại vào góc rừng nào đó. Không tim gan, sẽ chẳng còn biết đau đớn gì nữa.

- Ăn một chút đi cô, rồi nghỉ ngơi, khí hậu trên này sẽ làm cô khỏe nhanh thôi.

Cơm nước xong, cô chui vào chăn, không chút ngại ngần, đánh luôn một giấc dài. Cô chỉ thức giấc khi nghe tiếng trẻ con nô đùa và tiếng suỵt khẽ của người mẹ. Nhưng chỉ chừng mười giây sau, chúng nó lại nô hét ầm ĩ. Tung chăn, cô ra sân, sực nhớ là mình không mua gì cho bọn trẻ.

- Cho cô nợ nhé, cô chẳng mua gì cho hai đứa hết.

Hai thằng con trai gật đầu ngay. Chúng nhanh chóng lôi cô vào trò chơi của chúng một cách vô tư, hồn nhiên. Ba cô cháu vật nhau huỳnh huỵch trong nhà, ra sân. Chị từ bếp chạy lên, ca thán:

- Thôi nào, cô ơi là cô, cô không nạt chúng nó lại còn hùa vào nghịch.

Tối, chị lùa lũ trẻ vào phòng. Anh ngồi thẳng lưng:

- Giờ thì nói anh nghe, có chuyện gì?

Cô xụ mặt, anh là vậy, không tha cho cô. Chuyện gì cứ phải ra chuyện đó, rõ ràng.

- Anh không tin là cô lên đây chơi, gần chục năm nay biết bao lần kế hoạch, cô cũng không lên được. Nay bất ngờ lại đến, hẳn là có chuyện gì.

Cô thở dài. Chiều qua, nhân vật quan trọng cô đã có kế hoạch phỏng vấn đột ngột hủy cuộc hẹn mà không có một lời giải thích. Sếp không cần biết nguyên nhân, sạc cô một trận, cô đùng đùng đưa đơn thôi việc. Lúc ra sân, cái xe máy, là chân chạy đã bốc hơi từ lúc nào. Lúc ghé qua nhà Nghĩa, định tìm sự an ủi thì thấy trước cửa là hai đôi dép, một nam một nữ. Trong nhà có tiếng cười con gái, không biết cô gái nói gì đó, rồi cô nghe rõ tiếng anh dịu dàng: “Sao em?”.

Về nhà, cô gom vội bộ quần áo, đi mà không biết phải đi đâu. Sực nhớ anh, như một cứu cánh duy nhất. Thế là cô lên đây. Đến đây rồi, khóc một trận với anh, ăn hai bữa cơm ngon lành chị nấu và nô như giặc với lũ trẻ, cô chợt thấy mình chẳng còn lý do gì nữa. Cô cười:

- Cũng chẳng có gì to tát.

- Không có gì mà một người tham công tiếc việc như cô lại bỏ việc lên tận đây chơi. Cô không muốn nói thì thôi, cũng may mà cô còn nhớ đến anh. Chứ không thì không biết sẽ như thế nào.

Giọng anh dịu ngọt, âu yếm như thể cô là cô em gái út bé bỏng cần được chở che. Ngày trước, khi còn đi học, anh cũng lo lắng cho cô như thế. Ký túc xá trường cô nằm trên đường anh đi học, lúc đi cũng như lúc về, anh thường ghé qua chỗ cô, kéo cô đi ăn, lùng tìm cho cô những cuốn sách trong thư viện mênh mông, sửa lại cho cô cái bếp dầu….

Bà xã anh bưng ra dĩa trái cây rồi hí húi pha mấy ly sữa cho bọn trẻ. Cô nhìn theo chị:

- Chị ấy hiền, anh nhỉ?

- Ai cơ?

- Bà xã anh ấy.

- Và tốt bụng nữa.

Anh góp lời, cô hơi bất ngờ, hiếm có ông chồng nào lại thẳng thắn khen vợ. Họa có anh là một. Hai thằng nhóc hiếu động nhưng rất biết nghe lời, muốn chơi với cô lắm, mẹ nói vào phòng là chúng nó riu ríu vào ngay. Mới gặp có một chút mà chúng bám dính lấy cô, bữa tối, chúng nó đòi ngồi hai bên cô, chuyện trò ríu ran không ngớt. Những đôi mắt đen tròn làm cô chợt thèm có một gia đình cho riêng mình. Có những đôi mắt đen láy của riêng mình. Cô lắc đầu, xua đi hình ảnh hai đôi dép nằm ngoan hiền cạnh nhau. Lúc này đây, Nghĩa đang làm gì, vẫn bình yên bên chủ nhân của đôi dép kia hay đang nháo nhào đi tìm cô.

Bà xã anh cho hai đứa đi ngủ xong, ra ngồi cạnh anh. Cô nhìn hai người họ, có cảm giác họ không cần nói, chỉ cần nhìn nhau thôi cũng đủ hiểu người kia muốn gì. Chị đẩy đĩa trái cây lại phía cô:

- Ăn đi cô, trái cây chợ quê. Không đẹp lắm nhưng bảo đảm chất lượng. Mà hình như cô gầy hơn trước, năm ngoái nhìn hình trên báo, thấy cô mập và tươi hơn.

Cô bối rối vuốt tóc, cô gái nào chả thế. Luôn kém tự tin khi có ai đó nói mình không còn như trước. Cô ngượng nghịu:

- Em già rồi.

- Vậy mà vẫn cứ lông bông! – Anh cao giọng: - Hai mươi tám rồi mà cứ như học sinh, bao giờ mới lớn được?

- Kệ em. – Cô vênh mặt rồi làu bàu: - Lúc nào cũng có một câu nói hoài. Trong cơ quan, em “bố tướng” lắm đấy!

- Vâng. – Anh dài giọng: - Giỏi giang, xinh xắn. Ai chả biết. Nhưng chưa có chồng thì vẫn chưa thành người lớn được đâu.

- Hóa ra chồng là cái thước đo sự trưởng thành của người phụ nữ. Vụ này mới đây. Ngay số báo ra ngày mai, trang nhất sẽ đưa tin về vụ này.

Cô bĩu bĩu môi, anh phì cười:

- Hình như cô có đằm thắm hơn trước một chút. Chứ hồi đó, anh mà nói một câu “đụng chạm” như thế là bị cào rách tay ngay.

Không hiểu sao khi ấy anh lại quan tâm và lo lắng cho cô từng chút, tưởng chỉ cần ra khỏi ánh mắt anh là cô sẽ xảy ra chuyện. Hai người khác quê, học khác trường, gặp nhau trong một buổi đốt lửa trại. Chỉ có thế thôi, mà thân hơn anh em. Bạn bè nghĩ anh và cô có gì đó. Đoán già đoán non mãi cuối cùng cũng chẳng có gì. Ra trường, anh về lại quê nhà, làm một ông giáo làng, một mình cô thui thủi ở lại, lắm khi ngạc nhiên không hiểu sao mình có thể vượt qua hai năm cuối dài đằng đẵng.

- Giờ, có muốn vuốt hay nắm tóc cô, anh cũng không dám nữa rồi.

Cô thấy ánh mắt chị thoáng sẫm lại. Dù chị có hiền lành đến mấy cũng bất bình khó chịu trước chuyện chồng mình đã từng có những hành động âu yếm, tình cảm với cô gái khác. Cô những muốn nói gì đó để anh dừng lại, nhưng anh vẫn tiếp:

- Lần đó anh sợ chết khiếp. Anh chỉ mới thiếp đi một chút xíu thôi nha, mà anh đã cẩn thận đặt tay lên trán cô để canh chừng rồi. Thế mà anh lại thiếp đi. Nếu nhỏ gì bạn cô nó không về kịp chắc giờ cô đã bốc mộ mấy lần rồi. Nó hét anh phải giật tóc mai của cô, mà khi ấy anh biết tóc nào là tóc mai, tóc nào là tóc mốt đâu. Cứ nắm đại mà giật. Ơn trời, nhờ anh giật nhiệt tình quá mà lôi được cô trở về. Sau anh cứ ân hận mãi. Chắc do mấy đêm trước anh thức khuya quá nên mệt.

Cô ra vẻ ngớ ngẩn:

- Khi ấy, chị đang ở đâu nhỉ. Anh, anh kể em nghe xem anh quen chị hồi nào?

- Bí mật. Chuyện tình yêu cũng như mụn nhọt ấy. Mỗi người mọc một chỗ và một loại mụn khác nhau.

Cả chị và cô đều phì cười.

Giường gối thơm mùi nắng. Bên ngoài, đêm tĩnh lặng, say ngủ. Sự yên tĩnh đáng thèm. Thành phố nơi cô sống hình như không bao giờ biết ngủ, con người cũng luôn tất bật, vội vàng. Thế mà vẫn không kịp. Đêm trung du bình yên đến lạ.

- Cô khó ngủ à?

- Dạ. – Cô thú thật: - Hồi chiều em ngủ no mất rồi. Với lại em cũng ít ngủ đêm, nhiều đêm em thức trắng.

- Vậy sao chịu được, sức khỏe là vốn quý.

- Em cũng biết thế, nhưng nghề của em nó vậy. Lâu dần thành quen. Nhiều khi em cứ loay hoay tự hỏi em làm thế để làm gì, cuối cùng để được những gì. Nửa đời người rồi mà vẫn chẳng có gì trong tay.

- Cô cứ nói thế chứ, anh bảo cô khá lắm. Thông minh, hoạt bát, nhanh nhẹn. Khi bí gì, anh nhờ đến cô là đều ổn hết. Anh cần tài liệu gì cô đều tìm cho anh bằng được. Lắm khi chị nói cái ghế hiệu phó của anh một nửa là của cô.

- Lúc nào anh chả nói em thế. Nếu em thông minh tháo vát như chị nói thì sao anh lại quan tâm đến em như thế. Lúc nào anh cũng nơm nớp lo cho em, anh không yên tâm về em thì có.

- Ừ, anh nhắc cô luôn.

- Chị có khó chịu không? Có ghen không?

- Thi thoảng cũng có, phụ nữ mà. Lâu dần, chị yêu những gì anh cô yêu.

Cô lặng người. Câu trả lời thật giản đơn, làm được điều đó mới thật phi thường. Chả thế mà anh lại yêu chị. Một người hoạt bát như anh mà trụ lại được nơi đất trung du này, sống một cuộc sống bình yên, nếu không do chị, thì là vì ai.

Còn lâu lắm cô mới làm được điều chị đã làm.

- Em phục chị thật đấy.

- Có gì đâu. Em cũng sẽ làm thế, một khi em đã yêu.

Lý lẽ của chị giản dị đến không ngờ. Cô mông lung nhớ về những năm tháng cô và Nghĩa có nhau, có lúc tưởng không thể sống thiếu nhau, lúc đang ở bên nhau thật lại ngỡ mình chỉ có một mình. Tối qua, lúc nhìn thấy hai đôi dép, nghe giọng Nghĩa ấm áp hơn mọi ngày với người con gái khác, cô thấy mình đau đớn hơn mình nghĩ nhiều. Cô và anh như hai cầu thủ, cứ đá bóng cho nhau, không ai dám giữ quả bóng lâu trong chân mình. Lắm lúc cô cũng không biết mình có yêu Nghĩa không nữa.

- Cô gọi cho cậu ấy chưa?

- Em không muốn.

- Cô muốn hành hạ cậu ta đến khổ sở mới thôi chứ gì?

- Không hẳn thế. Với lại, điện thoại em … ném vỡ rồi.

- Lấy điện thoại chị dùng tạm.

- Thôi…, em buồn ngủ rồi.

Chị bật cười thành tiếng. Cô thấy quê, im luôn. Có những khoảng lặng để soi lại lòng, cô thấy mình nhẹ nhàng hơn.

Sáng, trung du lảng bảng sương. Trời se lạnh, khí hậu mát mẻ và dịu ngọt. Cô giang tay hít căng lồng ngực thứ không khí ngọt ngào nhẹ bỗng. Anh chị đang ở ngoài vườn rau, ống quần vo tròn lơ lửng ngang bắp chân, bên những luống rau xanh mát mắt y như những nông dân thứ thiệt.

- Cho em ăn rau nha. Hôm nay em chỉ ăn rau thôi.

- Cô đòi thịt cá mới khó, chứ rau thì thiếu gì.

Ăn sáng xong, chị dẫn cô và hai thằng nhóc đi chợ. Chợ quê cũng khác, ấm áp và thân thiện. Hàng hóa phong phú và đa dạng. Cô dẫn hai thằng nhóc lỉnh đi chỗ khác, tự do mua những gì mình thích. Gần trưa, ba cô cháu mang vác về nhà đủ những thứ linh tinh.

- Giời ạ. Cô khuân cả chợ về hay sao thế?

- Mấy khi em lên chơi, quà cho bọn nhóc ấy mà.

Anh đưa cho cô cái điện thoại:

- Nghe chị nói em nổi tính thiên lôi đập vỡ điện thoại. Tặng cô cái này. Hy vọng là cô sẽ giữ nó cho đến lần gặp sau.

Cô lúi húi tìm sim điện thoại, anh giành lấy, tự tay lắp vào máy cho cô. Âm thanh báo tin nhắn vang lên tới tấp. Cô vội vàng tắt nguồn điện thoại. Máy chưa lưu danh bạ nhưng cô biết tin nhắn từ đâu tới. Chị cười:

- Cô còn muốn gì nữa nào, chắc cậu ấy lo đến bạc tóc.

Cô đỏ mặt:

- Kệ em.

- Gì cũng phải rõ ràng. – Anh nghiêm giọng: - Lần này về phải làm cho ra ngô ra khoai. Cô không yêu thì cũng phải nói để người ta còn đi lấy vợ. Bắt cậu ta theo đuôi em bốn, năm năm nay rồi còn gì. Còn xe máy của cô được bác bảo vệ dắt vào nhà xe, khi ấy cô đang bốc hỏa nên có thèm chú ý gì đâu.

- Sao anh biết.

- Anh biết tất. Có thế mới làm anh một người giỏi như cô được.

- Khen người ta rồi tự khen mình. – Cô bĩu môi làu bàu: - Em đói lắm rồi, có cho em ăn không. Sao hai người nói cứ như muốn đuổi em về thế?

- Đuổi thật chứ không phải muốn. – Anh không cười: - Anh chị hoan nghênh cô lên thăm, là lên thăm chứ không phải là trốn chạy. Hết thời gian nghỉ rồi. Chiều nay sẽ có xe cho cô về thành phố. Cô tự đi được hay để anh gọi cho cậu ta?

- Em tự đi, sẽ tự về.

- Ơn trời, nếu không sẽ tốn mấy ngày nuôi cơm nữa.

Xe rùng rùng chuyển bánh, cuốn một đám bụi đỏ cuống quýt chạy theo. Cô nhoài hẳn người ra nhìn lại. Anh chị và hai đứa nhóc lùi dần cùng hàng cây xanh ngắt. Cô lấy điện thoại, bật nguồn. Chưa cần đọc những tin nhắn Nghĩa gửi, cô đã thấy lòng ấm áp. Lần này về, cô quyết định sẽ là người giữ bóng, sẽ tô màu cho những bức tranh đã rõ nét trong đầu, sẽ nâng niu và gìn giữ nó.

Cô thấy mình đang rất cần một bến đỗ bình yên.

🍀Nguyễn Thị Thanh Bình

[Image: 205863988_2889124868005662_6893866676028...e=60E3412D]

Reply
#2
Đã lâu rồi em chẳng nhắc tên anh
Nhưng vẫn nguyên lành ở đằng sau quá khứ
Cái tên một thời đã làm em mất ngủ
Thời gian dẫu dài vẫn chưa đủ lãng quên.

Đã lâu rồi không nhắc một cái tên
Nhớ phút ấm êm của cái miền đã cũ
Kỉ niệm ngày xưa tưởng đã say giấc ngủ
Nhưng qua bao mùa liễu rủ, vẫn đâu đây.

Đã qua rồi, sao nhớ vẫn dại ngây
Vẫn thấy quanh đây hơi ấm ngày xưa cũ
Góc phố thân quen vẫn hàng cây liễu rủ
Hơn chục năm rồi vẫn chưa đủ để...quên.

Bao năm rồi...vẫn nhớ một cái tên.

_ Tâm Sự _

[Image: 200902072_350444393112923_20579321799316...e=60E2C17A]

Reply