2021-01-11, 11:43 PM
Cảnh giác, bối rối, và nhục nhã xoay quanh
những biểu tượng Đông Nam Á tại biểu tình ủng hộ Trump
Translated from Vice article Alarm, Confusion and Embarrassment Over Southeast Asian Symbols at Pro-Trump Riot
Trong cuộc công kích Điện Capitol Hoa Kỳ đầy sóng gió vào thứ Tư, xuất hiện tấm ảnh một người đàn ông vung lên một thứ khiến người dân ở một đất nước từ rất xa phải rướn mày phẫn nộ: “walis tambo,” một loại chổi mềm từ Philippines.
Anthony Esguerra, ngày 8 tháng 1, 2021
Tại phòng Rotunda ở Điện Capitol Hoa Kỳ, một người đàn ông vẫy “walis tambo,” một loại chổi mềm của thổ dân từ nước Philippines. Ảnh: Saul Loeb / AFP
Trong cuộc công kích Điện Capitol Hoa Kỳ đầy sóng gió vào thứ Tư, xuất hiện tấm ảnh một người đàn ông vung lên một thứ khiến người dân ở một đất nước từ rất xa phải rướn mày phẫn nộ: “walis tambo,” một loại chổi mềm từ Philippines.
Đứng giữa phòng rotunda uy nghi của tòa Capitol tại Washington D.C., người đàn ông che mặt đã khoác lá cờ Hoa Kỳ trên mình như một tấm áo choàng và tự hào giơ cao chiếc chổi gắn với một chiếc khiên được in dòng chữ “Truyền thông sai lệch = đảo chính. Trò khăm đại dịch = đảo chính. Các nhóm cực đoan = đảo chính. Gian lận bỏ phiếu qua thư = đảo chính. Chiến binh Cúm mùa Đảo chính.”
“Walis tambo” là một vật biểu trưng của Philippines và đôi lúc nơi sản xuất sẽ được ghi trên thân cây chổi. Cư dân mạng từ quốc gia Đông Nam Á này đã nhận ra sự kết hợp không tưởng của một cây chổi hay được dùng ở nhà và được bán rộng rãi khắp cả nước với một trong những ngày tối tăm nhất trong nền chính trị Mỹ hiện đại. Họ cũng chế giễu người đàn ông này - hiện vẫn chưa rõ danh tính của ông. Một số trinh thám mạng xã hội còn tuyên bố rằng đã định vị được quê nhà của ông tại một quận phía bắc Philippines.
Những người ủng hộ Trump này đang cố ngăn chặn các nhà lập pháp xác nhận kết quả cuộc bầu cử rằng ứng cử viên đảng Dân chủ và Tổng thống tân cử Joe Biden đã thắng cuộc, sau nhiều cáo buộc gian lận bầu cử sai lệch và những lời khích bác trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump. Facebook đã đình chỉ tài khoản của ông và Twitter cũng nhanh chóng theo gót.
Toàn thế giới vẫn đang tiếp nhận những cảnh tượng chấn động từ một đất nước vốn đặt niềm tự hào mãnh liệt vào truyền thống dân chủ của mình. Hôm ấy, những người ủng hộ Trump đã xông vào các hành lang và đụng độ với cảnh sát, khiến các nhà lập pháp phải trốn chạy trong những căn phòng chiến luỹ, dẫn đến năm người tử vong, trong đó có một quan chức (tính đến thời điểm bài viết được hoàn tất)
Thế nhưng, việc một số người trong cuộc biểu tình ủng hộ Trump liên tiếp sử dụng những biểu tượng của các đất nước Đông Nam Á là khởi nguồn của sự nhục nhã, phẫn nộ, và bối rối không nhỏ với những người theo dõi sự việc.
Một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫy cùng một lá cờ Hoa Kỳ khi hàng ngàn người ủng hộ Trump tụ tập ngoài Điện Capitol Hoa Kỳ sau một cuộc biểu tình “Stop the Steal” (Ngừng cuộc ăn cắp). Ảnh: Spencer Platt/Getty Images/AFP
Ngoài cây chổi từ Philippines, có cả lá cờ sọc vàng và đỏ của đế chế Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ. Hoa Kỳ là ngôi nhà của các cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn mạnh, và họ hàng của họ đã chạy trốn khỏi miền Nam khi chiến tranh Việt Nam kết thúc dưới hình thức tị nạn, và nhiều người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn vốn bầu theo đảng Cộng hòa. Những người sử dụng mạng xã hội ở Cambodia cũng tìm thấy quốc cờ của họ ngay chính giữa cuộc ẩu đả.
Những người trong cộng đồng có thể sẽ hiểu được những hình ảnh này, nhưng một số người quan sát ngoài cuộc sẽ thấy bối rối.
“Có ai biết sao cờ Việt Nam Cộng hòa lại ở mấy cuộc biểu tình này không?” LtBobRoss viết trên Twitter.
“Hãng thông tấn ABC đã quay được cảnh lá cờ của nước Việt Nam Cộng hòa xưa (nền vàng với ba sọc đỏ) trên cầu thang Điện Capitol. Người Mỹ gốc Việt là một trong những nhóm ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất do di sản của Chiến tranh Việt Nam.” KhangXVu viết trên Twitter.
“Thật chứ, thấy cờ Khmer giương lên ở Điện Capitol Hoa Kỳ đúng là nực cười. Tôi thấy băn khoăn vô cùng luôn? Sao mấy người lại ở đó? Bộ mấy người không hiểu mình đang gây mâu thuẫn y như hồi đó ở Cambodia à? Mấy đồng hương của tôi cần tỉnh táo lại đi. Mấy người bỏ Cambodia chính vì điều này mà….. Sợ thật,” tatianaikeo viết trên Twitter.
“Khi người biểu tình tụ tập bên ngoài trước khi tràn vào điện #Capitol, ta có thể thấy những lá cờ vàng của chế độ Sài Gòn ngày xưa,” phóng viên cho BBC Tiếng Việt Nga Pham viết trên Twitter. “Nhiều người Mỹ gốc Việt, chủ yếu là của thế hệ lớn tuổi hơn, ủng hộ Trump nhiệt liệt.”
Dù các cử tri người Mỹ gốc Á nghiên về Biden trong các bang chiến trường, một phân tích của New York Times cho thấy trên toàn quốc, cứ ba người Mỹ gốc Á sẽ có một người ủng hộ Trump.
Kết quả Khảo sát Cử tri Mỹ gốc Á 2020, được thực hiện trước cuộc bầu cử tháng Mười một, cho thấy khoảng 48% người Mỹ gốc Việt được khảo sát đã nói rằng họ sẽ bầu cho Trump.
Các chuyên gia tin rằng một phần lý do là bởi thái độ chống Trung Quốc của Trump khi đại dịch lên đỉnh điểm.
Mối liên kết với Philippines phức tạp hơn và có liên quan đến các khía cạnh văn hoá, lịch sử và tôn giáo. Hoa Kỳ đã đô hộ Philippines hàng thập kỷ và giờ là đồng minh chính trị và kinh tế lâu năm của đất nước này. Nhiều người Philippines vẫn luôn tìm kiếm công việc và cơ hội ở nước Mỹ.
Người ủng hộ Trump đi vào phòng Rotunda tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1, 2021 khi Quốc hội tranh luận về việc xác nhận phiếu đại cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống 2020. Ảnh: Saul Loeb/AFP
Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Manuel Romualdez, xác nhận trong một buổi phỏng vấn trên TV rằng một lượng người Mỹ gốc Philippines đã đi từ nhiều bang khác nhau tới Washington D.C. để tham gia cuộc vây hãm này.
Nhiều người ủng hộ Trump vì chính sách của ông cùng chí hướng với quan điểm tôn giáo đạo Cơ đốc về vấn đề phá thai, và quan điểm kinh tế của họ về vấn đề nhập cư, một số cho rằng mở rộng nhập cư sẽ tăng cạnh tranh trong thị trường việc làm.
Dù nhiều người chỉ cười trước hình ảnh này, người đàn ông cầm chổi nhìn chung bị chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội ở Philippines. Nhiều người bày tỏ sự ghê tởm với sự ủng hộ dành cho Trump và đám đông ấy.
“Ông là nỗi xấu hổ với chúng tôi, bỏ ngay món công cụ đầy tự hào của [Philippines] xuống,” một người viết trên Twitter.
Ngoài ra, cũng có một số phản hồi châm biếm hơn, như lời bình luận công khai từ chính cây chổi sau đây: “Nói cho biết, chúng tôi không ủng hộ mấy gã chuyên quyền thảm hại.”
Người dịch: Ren Dinh
Biên tập: Phố
The Interpreter.
“Ông là nỗi xấu hổ với chúng tôi, bỏ ngay món công cụ đầy tự hào của [Philippines] xuống,” một người viết trên Twitter.
Ngoài ra, cũng có một số phản hồi châm biếm hơn, như lời bình luận công khai từ chính cây chổi sau đây: “Nói cho biết, chúng tôi không ủng hộ mấy gã chuyên quyền thảm hại.”
Người dịch: Ren Dinh
Biên tập: Phố
The Interpreter.