Hẻm người Hoa ở Chợ Lớn đang dần biến mất
#1
Hẻm người Hoa ở Chợ Lớn đang dần biến mất 
Nov 17, 2017



[Image: VN-Hem-Cho-Lon_1.jpg?resize=696%2C522&ssl=1]

Ngày nay, trong hẻm của giới trung lưu người Hoa chỉ còn lại giới tiểu thương và người lao động.

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong nhịp sống hẻm Sài Gòn, có lẽ không hẻm ở quận huyện nào có đời sống sinh động bằng các con hẻm người Hoa ở Chợ Lớn, quận 5.

Hầu hết các con hẻm ở Chợ Lớn đều hình thành trước năm 1975. Thời đó, Chợ Lớn vừa là nơi tập trung đông đồng bào người Hoa nhất, nơi đây vừa phồn thịnh kinh tế, đặc sắc văn hóa và không hề quá đáng khi cho rằng ở thế kỷ trước đời sống hẻm của người Chợ Lớn có thể so ngang hàng hoặc hơn Hồng Kông hay Singapore.

Sau biến cố 1975, khi hầu hết các đại gia ở Chợ Lớn vượt biên, các tiểu chủ, tiểu thương và thợ thủ công tiếp tục kế thừa duy trì nhịp sống hẻm Chợ Lớn trong tình cảnh tiêu điều mọi mặt. Nhiều hẻm phố lầu ở quận 5, 6, 11 ngày nay không còn thuần cộng đồng người Hoa nữa, dân cán bộ từ các nơi được chế độ cấp nhà (do chủ nhà vượt biên cả gia đình) hoặc dân Bắc 1975 có tiền vào mua lại của những gia đình người Hoa làm ăn suy sụp trong thời Cộng Sản bao cấp.

Dù hẻm Chợ Lớn bị hòa trộn nhiều dân vùng miền khác nhưng hồn và chất văn hóa của nó vẫn cố níu giữ nét riêng. Ngày nay, ngay cả chính những người Hoa trí thức còn sót lại cũng không nhiều người còn nhớ các con hẻm từng nổi tiếng khắp Ðông Bắc Á, như hẻm Nha Thái hạng, tức hẻm Giá Ðỗ, nơi danh nhân khai sinh ra cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, ông Tôn Trung Sơn, vào những năm 1920 từng nhiều lần đến tạm cư và nhận sự giúp đỡ của ông vua giá đỗ Hoa kiều Huỳnh Cảnh Nam.

Thật ra không thể kể hết chuyện thời vàng son của Chợ Lớn, ngay cả tên các con hẻm lừng danh một thời như Tuệ Hoa lý, Tô Châu lý, Thái Hồ hạng, Tân Gia Hòa lý, Hào Sĩ Phường, Cộng Hòa lý, Ðại Quang Minh hạng (lý trong tiếng Hoa là lý lộng, tức những con hẻm nhỏ; hạng là ngõ)… cũng đang chìm vào quên lãng dưới chế độ hiện hành. Trơ trẽn hơn là các bảng tên hẻm bằng thư họa Hoa Ngữ được thay bằng mấy tấm bảng của cái gọi là “Khu Phố Văn Hóa.”

Chúng tôi đến một trong hẻm phố số 129, đường Dương Tử Giang, giáp với đường Nguyễn Chí Thanh, để phần nào đó cảm nhận đời sống hằng ngày của bà con người Hoa trong tinh thần tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường, nhưng quả thật khó có thể tìm thấy.

Ðây là một hẻm phố lầu phần nào đó còn giữ lại được nguyên trạng. Từ mặt đường vào cuối hẻm chỉ chừng 100 mét vuông, hẻm phố lầu có tầng trệt và một lầu nằm song song đối diện nhau. Ở đầu hẻm và giữa hẻm có một cầu thang chung cho các hộ ở tầng một, cuối hẻm là một tấm vách lớn.

[Image: VN-Hem-Cho-Lon_2.jpg?resize=696%2C928&ssl=1]

Hẻm phố lầu, một kiểu cư ngụ tứ đại đồng đường của người Chợ Lớn trên đường Dương Tử Giang.

Buổi sáng, ở đầu hẻm giáp với mặt đường là một xe bán hủ tiếu bình dân, hủ tiếu nấu theo khẩu vị Quảng Ðông. Vào trong hẻm chừng 10 mét là một quầy cà phê nước giải khát với vài cái ghế nhựa thấp, phía tấm vách đối diện với quầy cà phê là một bàn bày bán món xôi khâu nhục, vào thêm chừng 5 mét nữa là xe hủ tiếu mì nấu theo khẩu vị người Triều Châu. Từ đó vào hết hẻm là chỗ để xe gắn máy và các xe bán hàng rong mà người trong hẻm sẽ đẩy đi bán vào buổi chiều tối.

Một người Việt tuổi ngoài 60, ngồi cùng bàn ăn hủ tiếu với chúng tôi, nói: “Ở Chợ Lớn ngày nay có vô mấy con hẻm như vầy mới nghe được tiếng Tàu như ngày xưa, chớ ngoài đường bự chỉ nghe toàn tiếng người Bắc, người Trung…”

Cái xe hủ tiếu trong hẻm bán theo dạng hủ tiếu bưng đi, khách hàng chính của họ là các sạp bán đồ phụ tùng xe ở chợ Tân Thành. Có tới hai người phụ nữ bưng hủ tiếu, họ ngồi ở yên sau xe đạp, tay bưng mâm hủ tiếu, tay lái xe, tiếng họ kêu hủ tiếu cho ông chủ biết để nấu cũng là tiếng Việt giọng Hoa, thật khác xa với thời các chú phổ ky cất cao giọng bằng tiếng Hoa trong các tiệm nước khắp vùng Chợ Lớn.

Khách dù ăn hủ tiếu, ăn xôi, uống cà phê hoặc trà đá đều có thể ngồi bàn nào cũng được, văn hóa mua bán của người Hoa không ích kỷ bắt người ta ăn quán nào phải ngồi quán đó. Ở trong con hẻm trên đường Dương Tử Giang này, khách ăn chỉ khó chịu khi phải đứng lên mỗi khi người trong ngôi nhà mới xây lại rất đẹp của một gia đình cán bộ đẩy xe máy ra vô. Nếu là khách mới đến lần đầu không biết chuyện sẽ được chủ nhân xe hủ tiếu nhắc khéo với vẻ mặt chịu đựng: “Lỵ né qua giùm ngộ một chút, cảm phiền hà.”

Sau 8 giờ sáng, các cụ ông, cụ bà người Hoa của hẻm này sẽ chống gậy, loại gậy kiểu mới làm bằng inox có ba chân, từ từ rời khỏi mấy quầy bán thức ăn và thức uống để vô nhà. Ðó cũng là lúc các ông trung niên, các chàng thanh niên người Hoa chạy xe máy ghé vô hẻm kêu món bưng đi hoặc ngồi lại ăn uống.

Thỉnh thoảng người ta cũng thấy có các cô gái người Hoa trẻ là nhân viên công ty, ngân hàng… mặc váy màu, áo vest đúng mốt, giày tây vào hẻm để ăn sáng. Nếu các cô gái này không vừa ăn vừa cúi mặt quẹt điện thoại thì câu chuyện họ thường nói với nhau là về các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc Nam Hàn, có lẽ họ thuộc thế hệ người Hoa không hề biết hoặc không còn muốn biết một thời các ngôi sao, tứ đại mỹ nhân, tứ đại thiên vương Hồng Kông, Ðài Loan sáng rực trên bầu trời Chợ Lớn.

Có những người lưu giữ ký ức Chợ Lớn xưa bằng trang sách, người lưu giữ kiến trúc Chợ Lớn bằng hình ảnh hay trong những hẻm phố Chợ Lớn, những người già vẫn còn giữ phong cách ngồi tựa ghế đá hay quán cóc mà kể chuyện một thời lưu vong.

Nhưng chắc rằng Chợ Lớn và các hẻm phố Tàu một thời phồn thịnh và sinh động văn hóa Hoa Lục nhất vùng Ðông Nam Á này sẽ không bao giờ tìm lại thời huy hoàng nữa.
Reply