tội phạm tử hình
#1
[Image: 126951373_178194500643291_75142802995383...e=5FE7C1EF]

GÓC NHÌN KHÁC VỀ VỤ THẢM SÁT 6 NGƯỜI TẠI BÌNH PHƯỚC


Tôi thường nói trêu rằng: "Ở xã hội này, hiện tại người ta chỉ có 2 xu hướng để làm. Thứ nhất, đó là đi giải phẫu thẩm mỹ. Và thứ hai, đó là đi vào chùa". Hình như, chúng ta bây giờ quan trọng hình thức bên ngoài, để phải "đập mặt xây lại". Rồi sau một thời gian nhận diện ra mình "hết thật", lại mong vào chùa để vớt vát lại cái "thật" của mình và sám hối những cái mình từng "không thật". Xu hướng giờ là vậy! Con người dường như ít quay về với nội tâm, một sự trong sạch thuần tịnh nơi đạo đức, mà chỉ chú trọng sự hào nhoáng bên ngoài. Ai cũng mong mình đẹp, nhưng không phải ai cũng đẹp đúng nghĩa, và cái đẹp cũng được mỗi người định nghĩa khác nhau. Song song với hình thức, tôi vẫn chủ trương đẹp trong nội dung vẫn hơn.

Tối nay, tôi có hỏi cậu đệ tử của mình: "Ông có nghĩ nó luôn theo ông không?". "Có, thầy!". "Vậy ông ghi tên nó để sáng mai tôi với ông đọc kinh sẽ cầu siêu cho nó!". "Suốt thời gian từ lúc nó bị bắt đến khi tử hình, tối nào con cũng vào phòng ngủ chung với nó. Ngoài những lần lấy lời khai, con đều mở điện thoại cho nó đọc chú đại bi và kêu nó phải học thuộc. Vì lúc đó, thời gian không cho phép nó đọc nhiều, chỉ có thuộc nó mới có thể niệm hằng ngày. Lúc mới bị bắt, tối nào nó cũng hoảng loạn và 10 đầu ngón tay nó rách hết vì cào tường, lúc nào cũng la tôi ở đây rồi, đừng kiếm tôi nữa. Con phải lấy băng keo quấn hết 10 đầu ngón tay nó lại. Con nói nó việc nó giết nhiều người như vậy, là do nhân quả đời trước, có thể ngày xưa cả gia đình này có oán nghiệp với nó, nên giờ nó giết lại, khiến phải trả thù. Nhưng bây giờ tội cũng đã gây rồi, sai lầm cũng phải gánh hậu quả, chẳng lẽ cứ giết qua giết lại hoài sao, rồi nhân quả cứ thù hận nhau mãi. Hãy tha thứ hết, hãy hối lỗi với những người mình vì mù tối mà ra tay sát hại. Con bắt nó mỗi ngày viết 1 cuốn tập cái câu "buông đao xuống là thành Phật". Ngày nó chuẩn bị tử hình, con kêu nó hiến xác đi, vì chết rồi cũng có thể giúp được cho đời. Nó chịu. Ngày cuối đời, nó rất thanh thản. Mỗi ngày nó đều đọc chú đại bi. Tối hai anh em ngủ chung, chia sẻ nhiều thứ. Nhưng con quên là nó không hiến xác được, vì tử hình giờ tiêm thuốc độc. Ngày ra nơi xử tử, nó nói con đứng ngoài, niệm Phật cho nó. Nó viết thư cho mẹ nó, nó rất bình tĩnh. Lúc tiêm thuốc nó xong, con là người tới lau nước mắt cho nó. Thầy cứ nghĩ, một thằng con trai không giàu, mà yêu một đứa con gái giàu, cái áp lực rất lớn. Hà huống chi gia đình đó đã đồng ý hai đứa đến với nhau, cho tiền nó tạo dựng sự nghiệp, nhưng rồi sau này không thành, thì chuyện nó nghĩ sai mình cũng có thể hiểu. Nó làm sai thật, nhưng cuối đời, nó là đứa thật sự biết quay đầu. Lâu lâu, con vẫn ghé qua nhà thắp hương cho gia đình đó, niệm Phật và khấn nguyện họ đừng thù hận nữa, mau siêu thoát. Con nghĩ họ chưa siêu thoát đâu, vì oán hận họ lớn lắm. Nhà đó giờ không ai dám ở, đặt nhiều tượng Phật giữa vườn, con đi lạy Phật rồi cầu nguyện họ chịu nương về Phật, nghe lời Phật dạy mà siêu thoát".

Tôi đọc cho ông nghe đoạn này: "Phật chưa bao giờ độ chúng sanh". Sự khác nhau giữa người biết tu và chưa biết tu là ở chỗ này. Mình thành công hay thất bại, không thể trách ông thầy dạy học được. Mặc dù ông thầy rất thương, chỉ cho mình học, nhưng mình không chịu học, thì thành tích mình không được cao. Khổ hay sướng, không thể trách Phật được, vì Phật cũng như ông thầy dạy học, chỉ rõ ra nhưng chịu theo không là việc của mình. Thượng đế, Diêm vương, Phật, Bồ-tát cũng không độ cho họ siêu thoát được. Nên việc mình đọc kinh cho họ, chỉ là khuyên họ hãy ngồi nghe mình đọc kinh mà ngộ ra đừng oán giận nữa. Khi họ cởi được sợi dây thù hận rồi, họ hiểu là do nhân quả nhiều đời mắc nợ nhau, do cuộc sống vô thường, thì họ sẽ siêu được. Đừng nghĩ cúng lớn, linh đình mà giúp người ta siêu, mà quan trọng là cái tâm thành. Dẫu chỉ là vài đôi phút kinh, nhưng trong câu kinh của mình có sự nhớ nghĩ, khuyên nhủ đến họ, mình làm bằng tâm thành muốn giúp họ, thì vẫn có thể tác động vào thần thức của họ, giúp họ siêu thoát. Siêu hay không là ở nơi họ. Mình chỉ giúp làm thêm công đức cho họ thôi".

"Con tin tâm linh. Con tin là chỉ cần mình làm việc tốt cho họ, thì họ sẽ luôn bên mình, mách bảo cho mình. Hôm bắt được nó và 1 thằng nữa, tối đến mấy hôm con cứ nằm mơ thấy con nhỏ người yêu của nó về nói "Anh ơi, còn 1 người nữa!". Sáng hôm sau, con vào hỏi nó, còn ai nữa không, thì nó không trả lời. Con khuyên nó, em làm tội, em biết hối lỗi rồi. Nhưng nếu em vẫn để những đứa có tâm sai trái ngoài xã hội, nếu nó qua được chuyện này, nó không biết sợ, thì sau này sẽ làm những điều tai hại hơn bữa. Thì nó mời khai ra thêm thằng thứ 3. Đối với nó, con thương nó nhiều hơn là ghét như mấy người khác. Con nói nhân quả cho nó nghe, bắt nó phải đọc kinh sám hối. Nó tử hình rồi, con đi làm từ thiện gì, con cũng đều hồi hướng công đức cho nó, mong nó sớm trả xong nghiệp tội rồi thì được siêu thoát."

"Thực ra, đây là vấn đề cộng nghiệp thôi! Tại sao nó giết hết cả gia đình nhưng đứa bé nó lại không ra tay? Vì đời trước chỉ có những người nó giết là kết oán với nó, khiến nó thề là đời này lên phải trả thù. Còn con bé sống sót, là do có duyên nợ với gia đình này, không nằm trong vòng cộng nghiệp, nên thoát nạn. Tất cả đều là do nghiệp báo cả thôi!"

"Con hỏi nó tại sao em không giết con bé, nó nói tại vì nó nhìn con bé nó động lòng thương. Với lại nó chơi với con bé từ hồi nhỏ xíu, nó cũng có tình cảm. Nó thực ra là một đứa không xấu như người ta nghĩ. Nó rất có cố gắng để đi lên, để xứng đáng tình cảm với một đứa con gái nhà giàu. Một thằng đàn ông rơi vào hoàn cảnh điên vì tình bị cự tuyệt như thế, cái gì nó cũng bất chấp. Cái sai của nó là để cái xấu dẫn dắt. Nó bị tử hình không sai, nhưng quan trọng là con hiểu được tâm nó biết hồi đầu".

"Thôi, lát ghi tên gia đình đó ra, với tên của nó, sáng tụng xong kinh mình hồi hướng cho họ, mong họ gở bỏ được oán thù với nhau. Họ cởi ra được thì họ mới có thể siêu thoát".

Nó lấy giấy bút ra, ghi cho tôi:
- Lê Văn Mỹ 48 tuổi
- Nguyễn Lê Thị Ánh Nga 42 tuổi
- Lê Thị Ánh Linh 22 tuổi
- Lê Quốc Anh 15 tuổi
- Dư Ngọc Tố Như 18 tuổi
- Dư Minh Vỹ 14 tuổi
- Nguyễn Hải Dương 24 tuổi

Admire
Reply
#2
ĐĨ CÁI - ĐIẾM ĐỰC


Tôi gặp họ lần đầu trong một dịp họ dừng chiếc Dream trước chùa, cầm bó nhang với túi trái cây đi vào cúng Phật. Chàng trai mặc chiếc áo ba lỗ trắng bên trong, bên ngoài là chiếc áo da, cùng chiếc quần bò bạt màu. Còn cô gái thì mặc áo hai dây màu nude, khoác nhẹ một chiếc áo hờ hững bên ngoài, váy khá ngắn. Như biết sự để ý của tôi, cô gái nói chàng trai gì đấy rồi đứng ngoài, để mỗi chàng ta bước vào chánh điện lễ Phật.

Bẵng đi khá lâu, tôi thấy chàng trai ngày nào lại xuất hiện ở băng ghế đá trước sân chùa, nhoài lưng ngửa nhìn tán sa la cao ngất ngưỡng. Bất chợt cậu ta thấy tôi và đi lại. Do trước giờ không thích tiếp xúc người lạ, tôi lãng tránh, vờ có việc để lui ra sau chùa. Được một lát, có cô Phật tử vào bếp nói có người hỏi kiếm tôi. Tôi bước ra thì không ngờ là chàng trai lúc nãy.

- Dạ, anh kiếm ai vậy?

- Anh kiếm em đó chú tiểu.

Tôi ngớ người ra. Đã khá lâu rồi mới có người kêu mình là "chú tiểu".

- Anh kiếm đằng này có gì không?

- Anh thấy chùa không có ai, nên mới định hỏi em có thể chỉ cho anh quyển kinh nào để sám hối.

- Anh bị gì mà phải sám hối?

Anh chàng có vẻ ấp úng và im lặng.

- Anh có thể nói chuyện riêng với em được không?

Tôi mời anh ngồi trước bàn thư kí.

- Thú thật với em, anh là một người không tử tế lắm. Sáu năm rồi, anh làm trai bao. Anh sống bằng tiền của những kẻ lắm tiền nhưng thiếu yêu thương, của những người xem những cuộc vui vẻ qua đêm là một thú vui để tận hưởng.

- Anh cảm thấy mình phù hợp với công việc đó?

- Không, chưa bao giờ anh thấy nó là phù hợp. Nhưng anh như một đoàn tàu cứ mãi chạy vòng, không sao thoát ra được. Mặc dù biết đó là công việc chẳng ai chấp nhận trong cái xã hội này, một cái nghề mạt hạng, bị sự dè biễu chê bai của mọi người, nhưng anh còn gia đình dưới quê, còn bạn gái.

- Anh không thể chọn lựa nghề khác ư? Vậy là người yêu anh biết anh làm nghề này?

- Anh cũng muốn thay đổi, nhưng mỗi tháng chi tiêu vậy rồi, không biết công việc mới có đủ sinh hoạt cho 2 người không. Tụi anh sống chung, cô ấy biết anh đang làm trai bao. Cô ấy cũng là phục vụ ở quán bia, cũng đi khách. Nhưng tụi anh cũng thường cãi vả, vì cô ấy hay ghen mỗi khi anh đi khách là phụ nữ. Còn với đàn ông thì không sao.

- Sao anh lại kể cho ở đây nghe chuyện riêng này?

- Vì anh nghĩ chỉ có vô chùa mới trút bỏ được tất cả. Anh nghĩ em chắc sẽ lắng nghe được anh.

- Ý anh là tâm sự cùng một người lạ, họ không biết gì về mình, chẳng phán xét gì mình, mình được tỏ bày tất cả những thứ chất chứa trong lòng. Đúng không?

- Có lẽ vậy. Anh thấy đằng sau những khoái cảm, những hưởng thụ, thì đồng tiền mình nhận lại ê chề lắm. Nhiều đêm mình quằn quại như một con thú dữ khát máu, rồi biến thành một con thỏ ngây thơ cho những kẻ cô đơn lắm tiền chơi trò săn mồi. Anh thấy mình dần giả tạo, mình không biết mình đang là ai, làm gì, bị đồng tiền chi phối hoàn toàn. Chỉ cần có tiền, anh sẽ bán thân.

- Anh sống như vậy, chẳng khác nào một cái xác không hồn. Sự trắc ẩn trong mình đâu? Sao cũng biết tủi hờn, cũng biết sai mà không chịu tỉnh thức?

- Anh dày vò lương tâm. Nhưng không có tiền, lương tâm của anh còn hơn chó tha nữa. Quê anh ở Năm Căn nghèo lắm. Xong lớp 11, anh trốn gia đình lên Sài Gòn với ước mơ đổi đời. Vì Sài Gòn người ta dưới quê nói như một thiên đường vậy đó. Đến khi sống giữa Sài Gòn, anh mới hiểu nếu không có tiền ở cái chốn này thì còn hơn cả địa ngục nữa.

- Sài Gòn không phải thiên đường đâu anh. Sài Gòn hoa lệ - hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Người ta chấp nhận ở lại Sài Gòn, vì Sài Gòn nhiều cơ hội. Nhưng nếu một khi cơ hội không đến, hoặc mình làm vuột mất nó, thì quê nhà vẫn là nơi chốn bình yên nhất để dựa dẫm.

- Có khi nào em muốn bỏ Sài Gòn về quê nhà không? Giống như bị bức bách, không ai hiểu mình.

- Đôi khi mình cũng muốn tìm một chút bình yên nơi nào đó mà không phải Sài Gòn. Nhưng thú thật, không bỏ Sài Gòn được. Vì đơn giản nó là quê nhà.

- Vậy là em hạnh phúc hơn anh. Em sinh ra ở nơi mà người ta đều ao ước. Ngày anh lên Sài Gòn, xe ôm chỉ cho anh vào làm bưng bê ở quán cà phê với hứa hẹn mỗi tháng được trả 2 triệu từ chủ quán. Ông xe ôm giữ giấy chứng minh của anh, nói phải đưa 500 ngàn tiền giới thiệu thì mới cho lấy lại. Cuối tháng, chủ quán chỉ trả anh 1 triệu rưỡi vì nói trừ tiền ăn ở hằng tháng. Vậy là trả luôn cho ông xe ôm, anh còn được 1 triệu và gửi về gia đình. Mấy đêm sau đó anh không ngủ được, vì cứ gắn bó với nơi đó thì đừng mong ngẩng cao đầu. Anh xin chủ quán về quê thăm nhà, thực chất là bỏ đi tìm một tia sáng khác. Khi anh túng quẫng nhất, trong túi còn xót lại vài chục ngàn để dành khi khách uống cà phê cho tiền thừa, anh đã từng đứng chực ở quán phở ngồi đợi người ta ăn xong bỏ đi mà lén đến húp nước lèo dư xót lại. Vậy mà chủ quán bắt gặp nói rằng "Mày biến đi! Thà tao để nước này trộn cơm cho chó, chứ không đến lượt mày". Anh hận cuộc đời lắm. Cuộc đời xem anh còn thua con chó, thì anh làm cái nghề này cũng vẫy đuôi, cũng mừng rỡ khi khách móm tiền, ít ra còn được ngang với chó.

- Đôi khi cuộc đời nó cay nghiệt đẩy người ta vào đường cùng, rồi như một con chó dại, họ quay lại và bất chấp sống chết vùng vẫy cắn táp mọi thứ. Mình nghĩ chính xã hội quay lưng với anh, nên anh mới quay lưng với xã hội. Rồi sao anh bước vào cái nghề này?

- Anh đi lang thang. Và có một người đến hỏi anh muốn có nhiều tiền không thì theo họ. Em có hiểu cảm giác khi cái mạng của mình còn rẻ hơn một con chó, thì lời đề nghị ấy như một cái phao cứu mình giữa biển. Anh đi theo, được họ thết đãi đến say ngà. Đến khi tỉnh dậy, anh mới biết mình đã qua đêm với chính người đàn ông đó đáng tuổi bố mình. Anh đã khóc vì nhục nhã. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên anh cầm trên tay 5 triệu, một số tiền quá lớn mà một thằng 17 tuổi dưới quê chưa bao giờ có được. Và anh bị nó dẫn dắt đến hôm nay. Chỉ vì tiền thôi em ạh.

- Rồi sao anh gặp người yêu hiện tại?

- Khi anh có kha khá tiền rồi, anh hay lui đến những quán bia một mình. Coi như là còn có bia để bầu bạn với mình, chứ cả đến khi mình "lên hương", cũng chẳng ai dám kết bạn. Người yêu anh làm ở quán, tụi anh gặp nhau và yêu. Và giờ thì đang sống chung. Dù anh có đi khách với đàn ông, nhưng anh vẫn là trai thẳng, anh vẫn ước mong có một gia đình, có vợ, có con. Mấy lần anh nói cô ấy bỏ nghề đi, đừng đi khách nữa. Cô ấy nói nếu cô ấy bỏ nghề, rồi anh bỏ cô ấy, cô ấy sẽ không còn tiền để sống ở cái đất Sài Gòn này. Cô ấy không muốn dựa dẫm anh, mặc dù bao nhiêu tiền kiếm được anh đều đưa cô ấy. Cô ấy là người mạnh mẽ.

- Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, dù bản thân có xấu như thế nào. Em hiểu cái anh đang nói. Nhưng nếu cứ để như thế liệu có hạnh phúc thật sự không?

- Thà lấy đĩ làm vợ, chứ không ai chấp nhận lấy vợ làm đĩ cả. Nhưng bây giờ, dù anh có hứa anh lo cho cô ấy cả đời, nhưng thực tế chính anh còn chênh vênh, thì cô ta không đặt niềm tin là đúng. Anh muốn lương thiện, nhưng ai cho anh lương thiện, hả em?

- Khi mình không có bình an, thì mình không thể đem bình an đến cho người khác. Khi anh có bình an, anh mới có hạnh phúc. Ngày nào anh và chị ấy chưa an, sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc ở hai người.
...

Boong...

Tiếng chuông chiều vang lên kéo người mê về bến giác. Anh đứng dậy chào tôi rồi rưng rưng mắt bước ra về. Tôi định chạy theo gửi quyển kinh sám hối, nhưng chiếc xe Dream đã phóng nhanh. Là Dream, là ước mơ, mà sao ước mơ của người ta còn xa quá, để người ta cứ mãi đuổi bắt một thứ vốn không thực.

Đâu đó, tiếng nhạc vọng ra từ quán cà phê cạnh chùa

Anh đi xa quá ...
Anh đi xa tôi quá ...
Reply