20 loại thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe nếu để lâu trong tủ lạnh
#1
20 loại thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe nếu để lâu trong tủ lạnh
Nov 4, 2020

LOS ANGELES, California (NV) – Dưới tác động của nhiệt độ quá thấp cũng như sự khác biệt về bản chất, nhiều loại thức ăn sẽ biến đổi, không hề có lợi cho sức khỏe, thậm chí trở thành độc hại nếu để trong tủ lạnh một thời gian dài.
Dưới đây là những loại thực phẩm mà bạn không nên để trong tủ lạnh, theo Reader’s Digest. Nếu những thứ này đang nằm trong tủ lạnh, bạn nhớ lấy ra!
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-1.jpg]Để bơ trong tủ lạnh khiến bơ lâu chín. (Hình: Steve Buissinne/Pixabay)

Bánh mì

Trong mọi trường hợp, để bánh mì vào tủ lạnh đều là sai lầm. Những lát bánh mì (hoặc bánh mì nướng các loại) sẽ hút không khí lạnh trong tủ, hoặc sẽ bị ỉu và thay đổi mùi vị, hoặc sẽ bị khô, cứng lại.
Cách tốt nhất để bảo quản bánh mì là để trong một chiếc túi có lỗ thoát khí ở không gian phòng bình thường sẽ được lâu hơn bảo quản tủ lạnh. Nhưng nếu để lâu hơn thời gian cho phép thì bánh mì cũng mất đi cảm giác mềm xốp vốn có.


Sao mua mấy trái bơ về để mãi mà không chín? Là vì nó nằm trong tủ lạnh. Để bơ xanh lên kệ sẽ giúp chúng chín nhanh hơn. Muốn tăng tốc hơn nữa, hãy đặt bơ trong một cái túi cùng với chuối hoặc táo.
Nếu trái cây chín, bạn có thể giữ trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ cứu nó khỏi bị hỏng. Nhưng nếu trái chưa chín hoàn toàn, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì cái lạnh sẽ làm chậm quá trình chín, thậm chí khiến bơ không chín được.

Cà chua
Vấn đề lớn nhất khi cất cà chua trong tủ lạnh là nhiệt độ thấp sẽ hủy hoại cấu trúc của cà chua và làm cho chúng trở nên bột hơn. Bạn đã từng ăn một món salad mà cà chua bị chín mủn hoặc có tinh thể băng trong đó chưa? Nếu có thì nhiều khả năng đó là những quả cà chua đã được bảo quản trong tủ lạnh một thời gian tương đối dài.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua bảo quản ở môi trường tự nhiên có hương vị thơm ngon hơn hẳn loại để trong tủ lạnh. Cách tốt nhất bạn nên để cà chua ở môi trường tự nhiên, thoáng mát.

Cà tím
Loại quả này không thể chịu được nhiệt độ thấp. Trong tủ lạnh, cà tím mềm và mất chất rất nhanh. Tốt nhất, nên để cà tím ở nhiệt độ phòng (25 độ C), tránh ánh nắng trực tiếp.
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-2.jpg]Không để cà phê trong tủ lạnh vì sẽ bị mất hương vị. (Hình: Myriams-Fotos/Pixabay)

Cà phê
Cà phê là một trong những thực phẩm không nên để trong tủ lạnh vì sẽ bị mất hương vị, khi uống sẽ không còn thơm ngon. Ngoài ra, cà phê có một tính chất đặc biệt là hấp thụ tất cả các mùi xung quanh nó, điều đó sẽ làm mất đi mùi hương cà phê độc đáo và thay vào đó là tất cả mùi hương của các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Tốt nhất là, bạn chỉ nên bảo quản cà phê ở trong hộp kín và để ở nhiệt độ phòng.

Chocolate
Đừng bao giờ cho những thực phẩm này vào tủ lạnh vì vừa mất chất, vừa tạo điều kiện phát sinh vi khuẩn.
Bạn chỉ cần để chocolate ở nơi tối, lạnh nhưng không nên bỏ vào tủ lạnh. Khi cho chocolate vào tủ lạnh, sau một thời gian trên bề mặt chocolate sẽ xuất hiện một mảng trắng mờ, do hơi nước ngưng tụ lại.

Chuối
Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chuối. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá lạnh, nó có thể khiến chuối bị mềm nhũn và ăn có vị hơi cay khi chín. Do vậy, chuối xanh cần được giữ ở nhiệt độ phòng. Còn nếu chuối đã chín mà bạn không ăn kịp, bạn có thể bảo quản chúng trong ngăn lạnh. Khi đó vỏ chuối sẽ tiếp tục chuyển sang màu nâu, nhưng trái cây vẫn rất hoàn hảo.

Dầu ô liu
Nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Không nên để dầu ô liu vào tủ lạnh, vì nhiệt độ thấp dẫn đến sự hình thành các mảnh màu trắng trong dầu, vốn là nước ngưng tụ.
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-3.jpg]Để dưa hấu trong tủ lạnh lâu, dưa sẽ mất đi các chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. (Hình: FruitnMore/Pixabay)

Dưa hấu, dưa gang

Chúng ta thường có thói quen ướp lạnh dưa hấu trong tủ rồi lấy ra ăn cho mát vào mùa Hè. Nhưng các loại dưa lại kỵ nhiệt độ thấp hơn bất kỳ loại hoa quả nào. Khi để trong tủ lạnh lâu, dưa sẽ mất đi các chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể, làm giá trị dinh dưỡng giảm hẳn.
Vì thế, bạn nên cắt dưa ra và ăn luôn. Nếu muốn ăn dưa lạnh, hãy để cả quả trong tủ khoảng 10 phút rồi mới cắt ra ăn.

Dưa leo (dưa chuột)
Dưa leo nếu cất vào tủ lạnh, chỉ tươi một hai ngày. Thực tế, nhiệt độ thấp sẽ khiến dưa hư rất nhanh. Để giữ cho dưa leo tươi lâu, bạn nên giữ nó bên ngoài tủ lạnh, ở nơi tối và mát.

Hành củ, hành tây
Cũng giống như cà chua, hành cũng có xu hướng trở nên dễ mủn và mốc khi để trong tủ lạnh quá lâu. Nếu hành đã được cắt ra, các lớp của chúng bắt đầu khô mặc dù bạn đã bọc cẩn thận.
Hành cũng làm ám mùi lên những thực phẩm xung quanh nó, đó chính là lý do tại sao rất nhiều thớt gỗ làm cho mọi thứ đều có mùi hành sau khi đã được sử dụng để thái hành.

Khoai tây
Khoai tây ở nhiệt độ tốt nhất là 45 độ F (khoảng 7 độ C), nhưng hầu hết các tủ lạnh được đặt từ 35 độ F đến 38 độ F). Khi nhiệt độ xuống dưới 45 độ F, tinh bột trong khoai tây sẽ bị phá vỡ và chuyển hóa thành đường. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không nhận được bất kỳ chất dinh dưỡng nào từ khoai tây, ngược lại càng ăn càng béo và có nguy cơ tăng đường huyết. Hiện tượng này xảy ra với cả khoai tây chín và sống, do đó bạn vẫn nên để chúng ở nhiệt độ thường, nơi khô thoáng là được.
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-4.jpg]Mật ong có thể kết tinh và mất một số dinh dưỡng khi để trong tủ lạnh. (Hình: Alexander Mils/Unsplash)

Mật ong
Mật ong không có thời hạn sử dụng nhất định, có thể kéo dài hằng năm nếu được bảo quản đúng cách. Bạn chỉ cần cất mật ong ở nơi tối, lạnh, nhưng không để ở tủ lạnh. Trong tủ lạnh, mật ong có thể kết tinh và mất một số dinh dưỡng.

Rau thơm
Những loại rau thơm nếu được lưu trữ dưới 40 độ F, nó sẽ chuyển sang màu đen nhanh chóng. Rau thơm hút mùi tủ lạnh, vì vậy, tốt hơn hết hãy giữ chúng tươi bằng cách đặt trong cốc hoặc bình nước và để trên kệ bếp, tương tự như cách “đối xử” với những bông hoa vậy.
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-5.jpg]Coi chừng ăn phải tỏi mốc trong tủ lạnh. Cũng không để cà chua, hành củ trong tủ lạnh. (Hình: Aliona Gumeniuk/Unsplash)

Tỏi
Tỏi là loại thực phẩm không chịu được nhiệt độ lạnh. Dù bạn có để tỏi ở ngăn mát đi chăng nữa, nó cũng nhanh bị mốc và hỏng hơn để ở ngoài. Bạn khó phát hiện vấn đề này khi chỉ nhìn ở bên ngoài, do đó khả năng ăn phải tỏi mốc là rất cao.
Tỏi nói riêng và các loại gia vị nói chung như ớt, gừng, hành tím… đều nên cất ở nơi thoáng mát, tránh tủ lạnh.

Các loại hạt
Để có hương vị của các loại hạt tối ưu, tốt nhất là nên để trong hộp kín, trong tủ đựng thức ăn hoặc tủ. Hạt để ở nhiệt độ thường là đủ, và có thể để tối đa ba tháng. Bạn không nên để trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ làm các loạt hạt ỉu đi.

Các loại tương cà
Các loại tương cà (ketchup) và mù tạt có thể để ở nhiệt độ phòng trong khoảng một tháng bởi vì chúng có chứa acid ngăn vi khuẩn phát triển.
[Image: PN-Thuc-pham-tu-lanh-doc-6.jpg]Các loại tương cà, nước xốt không cần để trong tủ lạnh. (Hình: Pedro Durigan/Unsplash)

Các loại xốt
Trong nước xốt cay có chứa sẵn đường, giấm và muối là những chất bảo quản tuyệt vời. Nước xốt có thể được lưu trữ tới ba năm. Có rất nhiều giấm trong đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Trái cây tươi có nước
Trái cây có nước nếu đặt trong tủ lạnh có thể khiến chúng hỏng nhanh hơn do hơi nước. Tốt hơn hết nên đặt quả mọng trong một cái bát hoặc rổ và trên kệ bếp.

Xúc xích
Xúc xích có thể tươi nguyên trong thời gian dài mà không cần đến tủ lạnh, thậm chí ngay cả khi đã mở gói.

(Đoan Trang) [qd]
int

Reply