2020-09-25, 10:02 PM
Đồng minh Mỹ phải chuẩn bị tư tưởng cho lập trường bài Trung từ Biden
Translated from The Financial Times article US allies must brace for tougher China stance from Biden
HIROYUKI AKITA, ngày 21 tháng 8 năm 2020
Biden hiện là ứng cử viên tranh cử tổng thống chính thức của đảng Dân chủ và đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong các cuộc khảo sát/thăm dò. Ảnh: ©Getty Images
TOKYO -- Các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản nên bắt đầu vạch ra các chiến lược trong việc phản ứng với một chính quyền Biden tiềm năng để phù hợp với các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm xử phạt Trung Quốc do "thành tích" tệ hại về nhân quyền.
Biden hiện là ứng cử viên tranh cử tổng thống chính thức của đảng Dân chủ và đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong các cuộc khảo sát.
Tuy vậy, chiến thắng của cựu phó tổng thống trong cuộc tranh cử vào ngày 3 tháng 11 này vẫn chưa chắc chắn trước những nghi vấn như việc ông ấy sẽ giữ phong độ trong các cuộc tranh luận với Trump như thế nào và liệu rằng vaccine coronavirus có được triển khai trước ngày bầu cử hay không.
Tuy nhiên, những nhà lập pháp trên toàn thế giới sẽ được cố vấn để bắt đầu cân nhắc nghiêm túc về cách ứng phó với nhiệm kỳ tổng thống Biden. Một câu hỏi quan trọng là khả năng lãnh đạo của Biden sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đang ở mức tiêu cực nhất trong nhiều thập niên, như thế nào.
Các quốc gia châu Á đang chống lại việc xây dựng quân đội hung hăng của Trung Quốc đánh cược rằng Biden sẽ không cứng rắn với Bắc Kinh như Trump. Với những nỗ lực nhằm xóa bỏ hình tượng bị cho là quá thân mật với Trung Quốc, các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu -- chẳng hạn như Antony Blinken, một cựu thứ trưởng bộ ngoại giao, và Jake Sullivan, người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu phó tổng thống -- đã xuất hiện trước truyền thông trong những tuần gần đây để thảo luận về hoạch định sách lược của Biden đối với Trung Quốc.
Dưới đây là 3 điều mấu chốt mà Biden sẽ thực hiện:
- Không cho phép Trung Quốc tiếp tục những hành vi thương mại bất công, gián điệp mạng hoặc bành trướng xâm lược trên biển.
- Mạnh tay hơn nữa đối với việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cả sự áp bức tàn bạo với bộ tộc Duy Ngô Nhĩ.
- Tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc trước những thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Cả 2 cố vấn đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần điều chỉnh các liên minh để có thể phản ứng mạnh mẽ hơn với những hành động không thể chấp nhận được của Trung Quốc.
Trung Quốc được nhắc đến 20 lần trong cương lĩnh dài 80 trang của đảng Dân chủ. Nó đặt ra các chính sách về cách đối phó với Bắc Kinh dựa theo quan điểm của Blinken và Sullivan.
Nếu những kế hoạch này có thể thật sự trở thành chính sách đối ngoại chính thức của Biden, nghĩa là lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của Washington sẽ không thay đổi.
Bonnie Glaser, một cố vấn cấp cao về Châu Á và là giám đốc dự án của China Power Project tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, không nghĩ rằng Biden sẽ nhân nhượng với Bắc Kinh khi ông vào Nhà Trắng.
“Nếu ông Biden trở thành tổng thống, ông ấy sẽ không dùng các luận điệu và chiến thuật nhằm đả kích Trung Quốc công khai như ông Trump đã và đang làm,” Glaser nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Biden sẽ nhân nhượng trong cách Hoa Kỳ tiếp cận với Trung Quốc. Chính sách Trung Quốc là một trong số ít chương trình nghị sự chính sách được sự ủng hộ vững chắc từ cả hai phe, và phe Dân chủ cứng rắn với Trung Quốc không kém gì phe Cộng hoà,” bà lý luận.
Nếu Biden thắng cử, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cố gắng thuyết phục tân tổng thống Hoa Kỳ xóa bỏ chính sách chống Trung của Trump để đổi lại sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, một vấn đề được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Biden.
Có 3 tình huống Mỹ-Trung mà chính quyền Biden có thể gặp phải:[/size][/size]
- Tình trạng căng thẳng hiện tại sẽ dịu bớt khi Trung Quốc thể hiện thiện ý làm việc với Hoa Kỳ trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhưng vẫn không lay chuyển về các vấn đề an ninh quốc phòng và nhân quyền.
- Cuộc ẩu đả Mỹ-Trung sẽ tiếp tục và thậm chí có thể leo thang khi Bắc Kinh từ chối thỏa hiệp trong các vấn đề về an ninh quốc phòng và nhân quyền, mặc cho có tiến bộ trong sự hợp tác song phương về biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
- Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ rơi sâu hơn vào mối hiềm khích do thiếu sự hợp tác về biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác, cùng với sự bất khoan nhượng của Bắc Kinh về các vấn đề an ninh và nhân quyền.
Tình huống đầu tiên khó xảy ra do những bất đồng về vấn đề an ninh và nhân quyền -- thí dụ như gián điệp mạng, tranh chấp hàng hải và hải quân, và việc Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông -- khó mà dứt khỏi. Trừ khi những vấn đề đó được giải quyết, sự rạn nứt trong mối quan hệ này là một vệt kéo dài.
Bên cạnh đó, chính sách Trung Quốc của Biden có ít nhất 2 yếu tố có thể khoét sâu hố ngăn cách trong quan hệ song phương.
Một trong những trọng tâm của ông thuộc về nhân quyền. Phụ tá Biden phát biểu rằng nếu thắng cử, Biden sẽ dẫn dắt các nỗ lực của Washington nhằm gây áp lực với Bắc Kinh trong việc cải thiện hành vi đối với Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ.
Phe tự do của Đảng Dân chủ vốn rất nhạy cảm với nhân quyền. Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Nancy Pelosi là một trong những ví dụ trong việc này. Vào năm 1989, bà đã thu hút sự chú ý chính trị bằng cách lãnh đạo cuộc công kích của Hoa Kỳ vào sự đàn áp của Trung Quốc lên cuộc biểu tình đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn.
Yếu tố thứ hai trong chính sách của Biden về Trung Quốc có thể khiến mối quan hệ căng thẳng hơn chính là kế hoạch tăng cường nỗ lực cùng các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong việc đối đầu với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nhằm gây áp lực với Trung Quốc và cô lập Bắc Kinh hơn nữa.
Trump chưa bao giờ chính thức yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng hợp tác thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc vì Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ, theo các nguồn tin ngoại giao. Nhưng trừ khi cơ chế nhân quyền của Trung Quốc được cải thiện, Biden sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại và thúc giục Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc và Úc hợp tác. Điều này đã khiến một số đảng viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc biện luận rằng Trung Quốc sẽ dễ thở hơn với nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ đem lại cả lợi ích lẫn thách thức.
Các đồng minh bị rơi vào “vũng lầy" Mỹ-Trung sẽ phải đối mặt với những quyết định nan giản. Nếu họ nao núng với các nỗ lực của Biden chống lại Trung Quốc, họ có thể phải đối mặt với sự giận dữ từ Hoa Kỳ. Ít nhất một cựu viên chức đảng Dân chủ đã phàn nàn rằng Tokyo và Brussels chỉ miễn cưỡng áp dụng các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền với Trung Quốc.
Các đồng minh Hoa Kỳ nên rút ra bài học từ phản ứng của Tổng thống Barack Obama với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Chính quyền của ông đã áp đặt biện pháp cứng rắn đối với Nga và kêu gọi Nhật Bản và Châu Âu làm theo. Tuy vậy, chính quyền của Abe đã từ chối vì lo ngại sẽ làm tổn hại đến các cuộc đàm phán tế nhị với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài. Lập trường này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của Nhật Bản với Hoa Kỳ trong suốt chính quyền Obama, theo một viên chức Nhật Bản.
Các đồng minh Hoa Kỳ phụ thuộc khá nhiều vào việc duy trì mối quan hệ kinh tế bền chặt với Trung Quốc sẽ phải đối mặt với trò tung hứng đòi hỏi nhiều khéo léo.
Điều này khiến các nhà lãnh đạo quốc gia phải bắt đầu hoạch định các chiến lược nhằm giải quyết các thách thức khó nói thay vì nghiền ngẫm những hệ quả trong tình huống không thiết thực rằng Nhà Trắng trở nên nhân nhượng với Trung Quốc.
Dịch thuật: Tegan Trần
Biên tập: Cookie Duong[/size]
[/size]
The Interpreter.