Đông máu làm tắc phổi bệnh nhân Covid-19
#1
Đông máu làm tắc phổi bệnh nhân Covid-19
Hiện tượng rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid-19 đã được ghi nhận từ tháng 2, đến nay các chuyên gia mới phân tích sâu hơn về tổn thương nó để lại.
Đông máu ở người mắc Covid-19 biểu hiện khá đa dạng, từ tổn thương da lành tính ở bàn chân, đến tắc nghẽn mạch máu, đôi khi là đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Cục máu đông có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng hô hấp của bệnh nhân đã chấm dứt.  
Theo ông James Levy, trưởng khoa chăm sóc tích cực tại Trường Y Warren Albert, Đại học Brown, thành phố Providence, đây dường như là vấn đề y tế quan trọng nhất liên quan đến đại dịch trong khoảng một hoặc hai tháng vừa qua.
Thực tế, nhiễm trùng do virus gây ra đông máu không phải điều bất thường. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, y bác sĩ cũng ghi nhận cục máu đông có thể gây tử vong trong cơ thể bệnh nhân. Virus gây bệnh HIV, Ebola đều khiến các tế bào máu dễ vón cục. Song biểu hiện ở người mắc Covid-19 rõ rệt hơn cả.  
[Image: gsdfgsdfg-png-1588668086-8165-1588668501_r_460x0.png]

Bệnh nhân Covid-19 có thể biến chứng đông máu hoặc thuyên tắc phổi. Ảnh: AP

Giáo sư Levy nhận định một số đặc tính của nCoV đã khiến cho chứng đông máu phát triển đến mức nghiêm trọng, "chưa từng thấy trước đây".  
Các cục máu đông hình thành trong ống thông động mạch hoặc bộ lọc máu của bệnh nhân chạy thận. Nguy hiểm hơn nữa là cản trở lưu lượng máu trong phổi, gây khó thở.

Margaret Pisani, phó giáo sư y khoa tại Đại học Y Yale, nhận định đây có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có sức khỏe bình thường đột ngột chuyển nặng, thiếu oxy máu nghiêm trọng khi mắc Covid-19.  
"Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nhiều điều bất thường", Anthony Fauci, viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết. Các khối tiểu cầu bên trong mạch máu dường như là lý do khiến bệnh nhân bị suy giảm chức năng một cách nhanh chóng và đột ngột.
Edwin Van Beek, chủ nhiệm khoa X-quang lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Y khoa, Đại học Edinburgh, cho biết nghiên cứu độc lập từ Pháp và Hà Lan phát hiện 30% bệnh nhân Covid-19 nặng bị thuyên tắc phổi. Đây là tình trạng tắc động mạch phổi do cục máu đông từ hệ tĩnh mạch chi dưới. Nếu không được điều trị, biến chứng có thể gây ra ngừng tim. Ngay cả những cục máu nhỏ trong mao mạch cũng có thể làm gián đoạn lưu lượng máu, ảnh hưởng đến quá trình trợ thở. 
Theo ông Van Beek, những người đã hồi phục sau nhiễm nCoV thường bị khó thở, đặc biệt là khi vận động mạnh. Điều này có thể bị nhầm tưởng với tái phát bệnh, song nó chỉ là hệ quả của chứng đông máu.  
[Image: 00virus-triage-jumbo-v2-2060-1588668502_r_460x0.jpg]

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Brooklyn, Mỹ. Ảnh: AP

Cục máu đông cũng hình thành tại các bộ phận khác nhau, gây tổn hại tới nhiều cơ quan bao gồm tim, thận, gan, ruột và mô, dẫn đến đột quỵ. Trong hai tuần đầu của tháng 4, hệ thống Y tế Mount Sinai của Manhattan đã ghi nhận 5 trường hợp đột quỵ. Tất cả đều là các bệnh nhân Covid-19 trẻ hơn 50 tuổi.  
"Bệnh nhân 91" tại Việt Nam, một phi công 43 tuổi người Anh, cũng trải qua tình trạng này. Dù đã ngưng dùng thuốc vận mạch, huyết áp ổn định, anh vẫn phải lọc máu, dùng kháng sinh phổ thông, dẫn lưu khí màng phổi, kiểm soát rối loạn đông máu. Hình ảnh chụp X-quang hôm 30/4 cho thấy nửa dưới phổi trái của anh vẫn đông đặc. Bệnh nhân cũng mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức là hệ miễn dịch phản ứng thái quá với mầm bệnh, gây tổn hại thay vì bảo vệ cơ thể. Bộ Y tế Việt Nam đã phải mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho người bệnh.
Ông Anthony Fauci nhận định đây là hiện tượng tương đối khó hiểu. Song mặt khác, nó giúp y bác sĩ rõ hơn về căn bệnh và tìm ra phương pháp điều trị tối ưu. Các nhân viên y tế ở Italy, một trong những vùng dịch lớn nhất châu Âu, đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc kháng viêm như tocilizumab để điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng đông máu hoặc thuyên tắc phổi.  

Thục Linh (Theo Bloomberg
Be Vegan, make peace.
Reply