LTP Học Phật Pháp
#31
Bạn abc và các bạn,

Đoạn đầu của post 27 có 2 câu sau:

"Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế. Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế."

Câu thứ nhất: "Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế." còn dễ hiểu vì tham là một hành vi tích cực, là nhân (Tập Để) cho tương lai.

Nhưng qua câu thứ hai: "Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế." thì LTP không hiểu tại sao lại là Khổ Đế nếu không có tham?

Cám ơn các bạn.
Reply
#32
Quán Vô Thường

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201909120023&lan=vn

Vô thường tưởng là gì? Là thường xuyên sống ở trong nhận thức về cái tánh vô thường của 5 uẩn, của danh sắc nói chung, của thân tâm đó.

Quote:Kinh Tăng Chi Bộ VI 6. 112. Thỏa Mãn
Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập.




Anguttara Nikàya VI 6. 112. Assādasuttaṃ
Assādadiṭṭhiyā pahānāya aniccasaññā bhāvetabbā, attānudiṭṭhiyā pahānāya anattasaññā bhāvetabbā, micchādiṭṭhiyā pahānāya sammādiṭṭhi bhāvetabbā. ’’




Anguttara Nikàya VI 6. 112. Gratification
You should develop the perception of impermanence to give up the view that things are gratifying; the perception of not-self to give up the view of self; and right view to give up wrong view.
1. Quán vô thường trên sắc uẩn.

Hành giả thấy rằng là cái tấm thân này, cái cấu tạo của nó đơn giản chỉ gồm trong 4 đại thôi: đất, nước, lửa, gió. Và 4 đại đó được nuôi dưỡng, được hỗ trợ, được trợ sinh, được trợ lực bằng các cái điều kiện vật chất kể cả tinh thần, kể cả tiền nghiệp quá khứ. 

Tổng cộng là 4 cái điều kiện, đó là 
  1. tiền nghiệp, 
  2. tâm lý hiện tại, rồi các cái 
  3. nguồn dưỡng tố và sau cùng là 
  4. điều kiện thiên nhiên. 
Đây là 4 cái điều kiện mà để nuôi dưỡng, trợ lực, sản sinh ra 4 đại trong cái thân xác của chúng sinh. Và chỉ cần có một cái trục trặc nhỏ trong đó, ở trong các cái điều kiện mà tôi vừa kể ra đó, đó là tiền nghiệp thì nó có sẵn rồi, nhưng mà điều kiện về thời tiết, khí hậu hay là những trục trặc về cái chuyện ăn uống, thuốc men hay là đời sống tâm lý có vấn đề, thì 4 đại mình lập tức nó xáo trộn, và tùy cái mức độ xáo trộn mà chúng ta bị ảnh hưởng bao nhiêu trong đó.
[Image: pain.jpg]

Thí dụ như tất cả các bịnh hoạn nó đều là sự xáo trộn của 4 đại hết, dầu đó là ưng thư hay là bao tử, sơ gan hay là sạn thận, ruột dư, tất cả nếu mà nói cho rốt ráo thì đó là sự xáo trộn trong 4 đại. Và tùy thuộc vào mức độ xáo trộn ấy mà sức khỏe của ta nó bị ảnh hưởng tới mức độ nào đối với tánh mạng và đặc biệt là tâm lý của mình.

Hành giả thường xuyên quán chiếu rằng 
  1. cái tấm thân sinh lý này, xa hơn nữa là toàn bộ cái gì gọi là vật chất, nó chỉ là 4 đại, và 
  2. chỉ cần một vài cái điều kiện tác động thì có thể khiến cho cái gọi là vật chất ấy nó bị biến tướng hoặc là biến mất. Biến tướng, biến dạng rồi thì là biến mất.
Nhớ cái đó. Luôn luôn hành giả thấy 
  1. Thay đổi vi tế của 4 đại: lúc này đang nực, lát nó lạnh, lát thì nó mát, lúc thì nó dễ chịu, lúc thì khó chịu, lúc thì đói, khát, nóng, lạnh, v.v... Thì đó là những xáo trộn thân xác của mình.
  2. Thay đổi thô thiển của 4 đại: Chưa hết, đó là những cái tế. Còn những cái thô, thí dụ như hành giả thấy lúc thì mình muốn ngồi, lúc thì cơ thể nó đòi đi, có lúc nó đòi nằm, lúc nó đòi đứng, đi mỏi nó đòi đứng, đứng mỏi nó đòi ngồi, nó đòi nằm, thí dụ như vậy.
Thì đó là vô thường của sắc pháp có nghĩa là nó không ngồi yên một chỗ, nó cứ luôn luôn bị các điều kiện, các nhân duyên thúc đẩy, trôi nổi từ cái tình trạng này sang cái tình trạng khác. Đó gọi là quán vô thường trên sắc pháp.

(Còn tiếp)
Reply
#33
(tiếp theo - QUÁN VÔ THƯỜNG)

2. Quán vô thường tưởng trên thọ uẩn.

Hành giả thấy rằng mình lúc thì vui, lúc thì buồn, lúc thì thân xác khó chịu, lúc thì tâm lý nó khó chịu, lúc thì âu lo sợ hãi, lúc thì cái tấm thân nó bị tê buốt, nhức mỏi, thì cái cảm giác đó nó gọi là thọ uẩn.

Những cảm giác của thân và tâm nói chung là thọ uẩn.

Thì mình thấy rằng đời sống của mình từ cái phút giây này sang phút giây khác chớ không cần phải xa hơn, lâu hơn, chỉ cần mình thấy trong phút giây này sang phút giây khác, là thân và tâm của mình nó phải trải qua biết bao nhiêu là những biến động về cảm xúc, lúc thì dễ chịu, lúc thì khó chịu. Khổ nỗi là mình thất niệm, mình không có chánh niệm, mình không có sống tỉnh thức cho nên mình không có nhận ra cái đó.

Khi mà mình khó chịu thì cái phản ứng đương nhiên và thường xuyên của mình đó là tức tốc, hối hả, vội vã tìm ngay một cái giải pháp nào nhanh nhứt như có thể. Thí dụ như nực quá thì cầm cái quạt lên quạt tay hay bật cái máy lạnh lên hoặc chạy vào cái chỗ bóng râm v.v. và v.v.… Nói chung là mình sống thất niệm mình không biết được rằng cái đời sống của mình nó là sự đắp đổi liên tục và thường trục của các cảm giác của thân và tâm.

Khi mà hành giả sống trong chánh niệm thường trực như vậy đó thì một ngày, hai ngày nó chưa có thấm đâu. Nếu là bậc đại căn, đại duyên họ chỉ cần nghe một câu "Các cảm giác là vô thường, đời sống là cái hành trình đắp đổi của các cảm giác", họ nghe vậy họ đắc chứng thánh. Còn trường hợp như lơ mơ, lơ mơ thì ít ra 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, sống chìm sâu ở trong chánh niệm, thì sẽ có một ngày mình có những thấm thía rất là kỳ cục, rất là mầu nhiệm.

Thấm thía sao? Thấm thía 
  1. lúc bấy giờ mình không thấy mình là thằng Tèo, thằng Tý như thuở nào nữa, mà mình chỉ là một, lúc đầu mình chỉ là một chiếc lá trên cái dòng chảy của các cảm xúc, của các tâm trạng, 
  2. rồi dần dần mình hiểu ra mình là một giọt nước trong cái dòng chảy ấy. Đấy, mình chỉ một giọt nước trong cái dòng chảy ấy. 
  3. Và sau cùng, mình chính là sự vô thường và sự vô thường chính là cái mà mình gọi là tôi, là ta xưa giờ. 
Đến lúc mà, giống như trong kiếm hiệp nói "kiếm tức là người, người tức là kiếm, tâm với kiếm thành một, người với kiếm là hợp nhất", thì lúc đó là đạt đến cái mức độ ảo diệu kiếm pháp.

Ở đây trong tuệ quán cũng vậy. Trong một ngày mình thấy rằng cái sự vô thường của các cảm thọ nó chính là bản thân mình, và bản thân mình chính là sự vô thường của các cảm thọ, của 4 đại, sự vô thường của các tâm trạng chính là mình, mình chính là cái dòng chảy ấy, chớ không phải là dòng chảy ấy là riêng, mình là riêng. 

Quán vô thường là quán như vậy, thấy mình chính là một phần ở trong cái dòng chảy ấy. Đó là quán vô thường trong thọ uẩn.

(Còn tiếp)
Reply
#34
(tiếp theo - QUÁN VÔ THƯỜNG)

3. Quán vô thường trong tưởng uẩn.

Tất cả những khái niệm, những ý tưởng, những kiến thức, những kinh nghiệm của chúng ta trong đời sống đều là tưởng uẩn hết. Và nếu định nghĩa như vậy thì mình thấy rằng lúc nào mình cũng sống ở trong tưởng uẩn. Lúc nào mình cũng sống trong những cái hồi ức, kinh nghiệm, kiến thức, ý niệm, những concepts, những ideas, những knowledge, những experiences,... luôn luôn và luôn luôn. Concept, knowledge, rồi idea, rồi thì experience luôn luôn là như vậy. Luôn luôn là kinh nghiệm, kiến thức, hồi ức, ý niệm.
[Image: tulips.jpg]
Nó vô thường là vô thường làm sao? 

i/ Cũng cái hoa đó mà có lúc mình nhìn nó từ một góc độ khác, cũng cái mùi đó mà có lúc mình nhìn nó từ cái góc độ khác, cũng cái vấn đề đó, cũng sự kiện đó, cũng nhân vật ấy, cũng sự kiện ấy, cũng món đồ ấy, cũng phong cảnh ấy, cũng thời tiết, thức ăn, cây cảnh ấy, nhưng mà ở mỗi lúc, chúng ta tùy thuộc vào vô lượng cái điều kiện, vô lượng nhân duyên, chúng ta có một cảm nhận khác nhau trên cùng một sự vật, trên cùng một sự kiện, trên cùng một người hoặc một vật. Đó là cái vô thường của tưởng uẩn.

ii/ Và chưa kể trường hợp thứ hai, đó là hồi nãy mình tập trung cái ý thức của mình, tập trung cái kiến thức của mình để mà mình theo đuổi một sự kiện, vấn đề gì đó, bây giờ mình đổi qua một đối tượng khác, thì cái sự vô thường ở trong cái thái độ, nhận thức đối diện trần cảnh, đó là cái vô thường của tưởng uẩn. 

A/ Và bản thân cái sự dời đổi đối tượng
  1. thứ nhứt là cái thái độ, 
  2. thứ hai là tập trung, 
cái sự dời đổi thái độ, dời đổi cái đối tượng của tưởng uẩn lúc vầy lúc khác. Tức là sự dời đổi ấy là một sự vô thường. 

B/ Và bản thân cái ý niệm của mình trên từng sự vật nó cũng vô thường.

Hồi nãy sao tôi thấy trời mát mát, gió hiu hiu, tôi thấy hoa nó đẹp. Nhưng mà lát sau nắng nó lên, tôi nực, tự nhiên tôi thấy cái hoa đó rất là phiền vì trồng bông, trồng hoa mệt mỏi quá, mình mẩy mồ hôi, mồ kê, nóng nực, rồi gai góc, trầy xước. Sao tôi thấy cái hoa đó nó là cái gì đó rất là phiền, nhưng mà mới hồi nãy gió mát mát tôi lại thấy hoa nó hay, nó thơm thơm thoang thoảng nó rất là hay. Rồi chưa kể một lát sau tôi lại dời đổi cái ý niệm ý tưởng của tôi sang một cái khác, lúc bấy giờ tôi đặt vấn đề với một món đồ khác, một đối tượng trần cảnh khác, đó là cái vô thường của tưởng uẩn.

(Còn tiếp)
Reply
#35
(tiếp theo - QUÁN VÔ THƯỜNG)

4. Quán vô thường trên hành uẩn.

Hành uẩn ở đây là cái tánh thiện ác của tâm mình. 

Thọ bản thân nó không phải là thiện ác. Thọ là cảm giác, không phải là thiện ác. Tưởng, bản thân nó không phải là thiện ác. 

Nhưng mà cái ông thứ tư này mới ghê, ông hành uẩn. Tức là khía cạnh thiện ác. Là sao? Tức là mỗi giây phút trôi qua, 6 căn của chúng ta liên tục và thường trực đối diện với 6 trần, và cái thái độ thiện ác trong mỗi giây phút ấy nó chính là hành uẩn. Hành uẩn chính là khía cạnh thiện ác của tâm.
[Image: thienac.jpg]Tưởng uẩn nó chỉ là cái khía cạnh ý niệm, kinh nghiệm, kiến thức và hồi ức thôi. 

Thọ uẩn nó chỉ là khía cạnh cảm giác, cảm xúc của thân tâm. 

Nhưng mà riêng cái ông hành uẩn này, tức là có lúc thì mình nhìn cái hình ảnh đó mình khỏi lên tâm lành nhưng có lúc mình nhìn cái hình ảnh đó mình khởi lên tâm bất thiện. Cái đó có.

Có lúc mình nhìn cái sân chùa mình muốn quét. Mình nhìn thấy cái lá rụng đầy tự nhiên mình khởi lên cái tâm lành, mình muốn đi quét tước, dọn dẹp cho nó ngăn nắp, chỉnh chu. Đó là cũng cái sân đó, nhưng mà có một lúc mình nhìn cái sân nó dơ mình bực mình. Hoặc là nó còn xa hơn cái đó nữa, khi mình nhìn cái sân dơ, mình nghĩ tới người. Lúc đầu thay vì mình chỉ bực mình cái sân, mình thấy nó dơ mình thấy khó chịu, nhưng mà có lúc mình đi xa hơn, mình nghĩ tới người. Mình nghĩ đến tại sao chùa đông người vậy mà sao không ai dọn vậy trời? Rồi còn tệ hơn đó nữa bắt đầu là mình nhắm tới những cá nhân là bà Ba, bà Tư, ông Tám, ông Bảy gì đó, "... cái trách nhiệm của họ là dọn cái chùa, họ ở chùa mà tại sao để sanh dơ như thế này? Bởi thiệt, trong chùa sống ăn cơm chùa mà việc chùa mà làm hỏng nổi? Làm biếng!" Thí dụ như vậy. Có nghĩa là từ cái chuyện cái sân chùa nó dơ đó, mà mình thấy nó có lúc thiện lúc ác. Có lúc mình nhìn cái sân dơ, mình nhìn bằng cái tâm lành, nhìn mình mình muốn quét thôi, hết. Tới đó mình hỏng muốn đi xa nữa. Còn có lúc mình nhìn sân chùa mà nó dơ đó, lá với rác, mình bực. Mình bực cái kẻ nào có trách nhiệm mà không chịu quét. Cái kẻ nào mà thiếu ý thức mà đi xả rác ở sân chùa v.v. và v v.... Thì nghĩa là mình thấy, tâm mình lúc thiện lúc ác, đó chính là cái vô thường của hành uẩn.

(Còn tiếp)
Reply
#36
(tiếp theo - QUÁN VÔ THƯỜNG)

5. Quán vô thường của thức uẩn.

i/ Tóm Lược: Thức uẩn là cái biết của 6 căn. Có lúc thì con mắt nó làm việc, có lúc thì lỗ tai nó làm việc, có lúc thì lỗ mũi nó làm việc, v.v. và v.v... Đại khái là 6 căn nó luân phiên nó thay đổi nhau làm việc, đó chính là sự vô thường của thức uẩn. Đó là nói gọn. 

ii/ Chi Tiết: Còn nói về chi tiết, cái thức uẩn nó gồm 6 thức. Nhãn thức không phải trên trời nó rớt một cái đùng xuống. 

Nhãn thức là cái biết của con mắt, nó dựa trên ít nhứt là những điều kiện sau đây: 
  1. Thứ nhứt nó phải có cái để nó nhìn, phải có cái để nhìn thì cái tâm nhãn thức mới có mặt. 
  2. Thứ hai là mình không bị đui mù mà mình phải có thần kinh thị giác, tức là cái nhãn căn. Phải có thần kinh thị giác chớ một người mà không có thị giác, người bị khiếm thị thì làm sao họ thấy đây, dầu trước mặt họ bao nhiêu cái họ đâu có thấy được. Cho nên muốn có được thần khinh thị giác tức là nhãn căn, chuyện đầu tiên là anh phải có thần kinh thị giác trước. 
  3. Thứ hai là anh phải có sự chú ý. Thứ ba là có cái để nhìn. 
  4. Thứ tư là điều kiện ánh sáng cho phép. 
Nhãn căn, rồi sắc trần, sự chú ý, điều kiện ánh sáng, đó là tối thiểu là 4 cái, tối thiểu, nó mới hình thành nên cái gọi là nhãn thức, là cái biết của con mắt, gớm chưa? Và chỉ cần một trong 4 cái điều kiện này nó bị thiếu, cái thấy đó nó không được hoàn tất.
[Image: retinar.jpg]
Để hoàn tất được cái mà gọi là thấy đó, nó phải hội đủ tối thiểu 4 điều kiện là:
  1. thần kinh thị giác,
  2. đối tượng để nhìn,
  3. sự chú ý
  4. điều kiện ánh sáng nó có đủ để mình thấy hay không.
Điều kiện ánh sáng nó rất là quan trọng chớ còn tăm tăm mù mù thì nó không đủ, gọi là brightness hay là cái lightness, cái độ sáng nó đủ để cho mình thấy.

Cho nên tổng cộng lại mình thấy, chỉ riêng cái nhãn thức là nó vô thường là bởi vì hồi nãy nó có bây giờ nó lại không, bây giờ nó thiếu điều kiện nó không thấy nữa.
Nhiều khi mình ngồi vậy đó, mình ngồi trên cái ghế mà người mình muốn tìm đi ngang mà mình không thấy. Tại lúc đó mình đang để ý tới một cái khác, cũng cặp mắt mình ngó mong ra ngoài trước mặt vậy đó, nhưng mà lúc đó chỉ cần mình đang nghĩ tới một chuyện gì khác là người đó đi ngang mình không thấy.

Chuyện đó bình thường, rất là bình thường. Đó gọi là vô thường của thức uẩn. Có nghĩa là bản thân của thức uẩn nó vô thường là bởi vì những điều kiện mà tạo nên nó lúc có, lúc không. Thứ hai không phải lúc nào mắt, tai, mũi, lưỡi nó cũng ở đó nó chờ mình hết, mà lúc thì con mắt nó có mặt, nó làm việc xong thì thần kinh thị giác muôn đời nó nằm ở đây, đúng. Nhưng mà cái tâm nhãn thức có lúc có, có lúc không. Có lúc tâm nhãn thức nó bị thay thế cho cái tâm nhĩ thức, tức là lúc đó nó phải nhường chỗ cho cái thần kinh thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác làm việc. Nhớ cái này.


Thì đó chính là quán vô thường trong 5 uẩn, cũng là quán vô thường trong thân tâm.

(Còn tiếp)
Reply
#37
(tiếp theo và hết - QUÁN VÔ THƯỜNG)

Kết Luận:

Chính nhờ quán vô thường như vậy vị ấy lìa bỏ được thường kiến, không còn tiếp tục suy nghĩ rằng còn có một cái tôi, có một cái ta, ông A, bà B tồn tại từ cái phút giây này sang phút giây khác.

Một thằng Tèo mà hồi đó nó còn nằm ngửa bú bình, rồi từ từ nó lên 5 tuổi, 8 tuổi, biết đi, biết chạy, biết nói, biết cười, biết thưa, biết gởi, từ từ tới lớn nó biết dậy thì, rồi nó biết yêu đương, hôn nhân, có con, có cháu, có sự nghiệp, nó cũng vẫn là thằng Tèo. Hồi xưa là thằng Tèo, rồi anh Tèo, cậu Tèo, chú Tèo, bác Tèo, rồi lên tới cụ Tèo, năm nay 98 tuổi cũng là cụ Lê Văn Tèo.
[Image: bubble.jpg]

Đó là nói theo nhận thức của thế gian thôi. Chớ còn theo ở trong tinh thần của Phật Pháp nói chung, và của A tỳ đàm nói riêng, thì tôi nói không biết bao nhiêu lần.

Đời sống của một thằng Tèo không phải là một dòng chảy liên tục, nó không phải là một sợi dây bất tuyệt, không phải vậy. Nó không phải là một cái "line" mà nó từ cái "spot", là từng đốm, đốm, đốm, đốm, mỗi một phút giây là một đốm, một giây là một đốm, lúc thì thiện, lúc thì ác, lúc thì buồn, lúc thì vui, đó là trên lý thuyết.
Nhưng mà trong thực tế tu chứng, trong kinh nghiệm thực tế hành trì thật sự của một hành giả Tứ Niệm Xứ, thì mình không phải là một cái "line", không phải là một cái vòng liên tục, mà cũng không phải là "spot", mà nó còn ghê hơn spot nữa, nó là "dot", nó là chấm, chấm, chấm, chấm.

Line, spot, dot. Mình tu để mình thấy 3 cái đó.
Buổi đầu là mình thấy mình là một cái dòng chảy liên tục, một sợi dây liên tục, một cái tôi hiện hữu liên tục, có mặt liên tục không có đứt khúc. Nhưng mà dần dần mình thấy mình là những đốm, những vệt thiện ác buồn vui, nhưng mà đã đốm hay là vệt thì cũng còn to quá, nó to quá. Chữ Việt Nam mình đốm hay vệt là lớn lắm, có thể là bằng một cái móng tay là cũng là đốm, nhưng mà tới chấm là nhỏ nhứt, chỉ còn là những cái chấm thôi, dots, nhớ vậy.

Quán chiếu như vậy hành giả mới lìa bỏ được cái gọi là thường kiến, không có một cái tôi nào nó tồn tại quá một giây đồng hồ chớ đừng có nói là một phút, một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm, một thập kỷ, một quãng đời, một cuộc đời và một dòng sanh tử, chuyện ấy không hề có.

Do các nhân duyên mà chúng ta có mặt trong từng phút, từng giây, từng một phần tỷ của giây, có mặt liên tục, liên tục, chớp tắt, chớp tắt. 

Mà khi chúng ta còn là phàm, chúng ta học bao nhiêu giáo lý đi nữa, thì học cho biết vậy thôi. Chúng ta không có thể đưa nó từ cái nhận thức mà chuyển nó qua bên cái đời sống tâm thức. Khó lắm.

Nhưng mà đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ thì họ đưa được ba mớ. Có, có đứa được ba mớ. Thành công nhưng mà chỉ là ba mớ thôi.

Chỉ có thánh nhân họ mới sống trọn vẹn với nhận thức đó. Họ nhận thức rằng họ đang chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, sự hiện hữu này đang chớp tắt, chớp tắt, tình trạng này sang tình trạng khác, liên tục tiếp diễn trong mỗi phần tỷ của giây. Đạt tới mức như vậy. Và khoa học hôm nay cũng nhìn nhận, mỗi một phút trôi qua có hằng triệu cái chemical reactions sanh khởi, tức là phản ứng hóa học diễn ra trong cái thân xác chúng ta, trong mỗi một phút đồng hồ có hàng triệu cái phản ứng hóa học diễn ra trong thân xác, ở các cơ phận lớn bé, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, gớm như vậy. Mà chúng ta không có biết cái đó và có biết thì biết cho vui vậy thôi, chớ chúng ta không có sống hết mình với nó.

Trích bài giảng ngày 24.06.2019 KTC.6.112 Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Bài Học Cho Ngàn Thế Hệ | | Phật Pháp Tăng

(Hết)
Reply
#38
(2020-01-17, 06:22 PM)LeThanhPhong Wrote: Bạn abc và các bạn,

Đoạn đầu của post 27 có 2 câu sau:

"Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế. Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế."

Câu thứ nhất: "Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế." còn dễ hiểu vì tham là một hành vi tích cực, là nhân (Tập Để) cho tương lai.

Nhưng qua câu thứ hai: "Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế." thì LTP không hiểu tại sao lại là Khổ Đế nếu không có tham?

Cám ơn các bạn.

bạn LTP nghĩ có bao nhiêu loại khổ , tui nghĩ khi đào sâu về khổ thì sẽ hiểu ý sư
Reply
#39
(2020-01-18, 12:14 AM)abc Wrote: bạn LTP nghĩ có bao nhiêu loại khổ , tui nghĩ khi đào sâu về khổ thì sẽ hiểu ý sư

Good point.  LTP sẽ suy nghĩ thêm về Khổ (Dukkha).

"Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế. Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế."
Reply
#40
Vô Thường Tưởng


https://toaikhanh.com/read.php?doc=201912281206&lan=vn

Toàn bộ thế giới này nó chỉ là cái hành trình hiện hữu và hoạt động của 6 Căn 6 Trần. Khi định nghĩa về Vô thường Tưởng thì việc đầu tiên là phải nói tới cái điều này. Toàn bộ sự hiện hữu của vũ trụ chỉ là sự có mặt và làm việc của 6 Căn 6 Trần. Có nghĩa là:
Con Mắt và những thứ con mắt nó thấy, lỗ Tai và những thứ lỗ tai nó nghe được, lỗ Mũi và những cái mũi nó ngửi được, lưỡi và những cái lưỡi nó nếm được,Xúc giác và những thứ mà Thân nó xúc chạm được, và Ý thức và những thứ đầu óc nó suy nghĩ được. Tổng cộng lại thì toàn bộ vũ trụ này nó chỉ là những gì mà nằm gọn trong 6 Căn 6 Trần.
Thí dụ như:
Mặt trời cũng nằm gọn trong 6 Căn 6 Trần, nó nằm gọn trong chỗ nào? Nó là Sắc Trần, là đối tượng của con Mắt và nó cũng là đối tượng của cái đầu, của Thức thứ 6.
Rồi những người hiện giờ họ không ở trước mặt mình vậy họ thuộc Trần nào trong 6 Trần? Thuộc về Trần thứ 6. Bởi vì ngay bây giờ mình không có thấy họ, không nghe mùi, nghe tiếng của họ nhưng ít ra họ đang là cái đối tượng suy nghĩ của mình, như vậy họ vẫn là Thức thứ 6.
[Image: mariana-fish.jpg]Rồi bây giờ tôi kể các vị nghe về các loài cá ở dưới đáy biển, ở cái rãnh Mariana sâu 10 km, thì hiện giờ cái đó sâu lắm nhưng mà khi tôi nói cái đó thì tự nhiên trong đầu quí vị có hình ảnh con cá. Như vậy con cá đang ở một chỗ sâu nhất thế giới, nó cách mình rất là xa, nhưng mà khi tôi nói thì tự nhiên nó trở thành đối tượng của Thức thứ 6.
Mặt trời xa như vậy, mấy con cá ở dưới đáy biển sâu như vậy, một người đang khuất mặt hay thậm chí đã chết rồi nhưng mà họ vẫn nằm ở trong cái gọi là 6 Căn 6 Trần.

(Còn tiếp)
Reply
#41
(tiếp theo - VÔ THƯỜNG TƯỞNG)

Do đó vị tỳ kheo khi sống quán Vô thường vị ấy chỉ đơn giản làm một việc: Nhìn cái gì cũng ghi nhận rằng nó rồi cũng Vô thường, con Mắt nhìn thấy nó rồi cũng Vô thường, những Cảm giác nào có được từ cái Thấy ấy cũng Vô thường.

Nghe rất là kỳ, "Tu gì nghe không có cao siêu gì hết?" Nhưng đó là tu. Có đắc cái gì, đắc tới đâu luôn cũng từ cái đó.
Khi mắt nhìn cái gì vị ấy luôn luôn tâm niệm là những cái ta thấy chắc chắn rồi cũng Vô thường. Thần kinh Thị giác mà nhìn thấy cái đó rồi cũng Vô thường. Những thiện ác, buồn vui có được từ cái thấy đó rồi cũng Vô thường.
Qua tới lỗ Tai cũng vậy: Những âm Thanh, tiếng động trước sau nó cũng Vô thường. Rồi thần kinh Thính giác của mình rồi cũng Vô thường. Những thiện ác, buồn vui, những cảm xúc, tâm tư có được từ tiếng động âm thanh ấy rồi cũng Vô thường.
Qua tới lỗ Mũi: Thần kinh Khứu giác chắc chắn phải có lúc Vô thường, Những mùi thơm, mùi khó ngửi mà chúng ta đang ngửi đây rồi cũng Vô thường. Những cảm giác, những thiện ác, buồn vui có được từ việc ngửi mùi ấy rồi cũng Vô thường.
Cứ như vậy cả 6 Căn và 6 Trần. Vị tỳ kheo liên tục và liên tục sống trong Vô thường Tưởng là như vậy. Dĩ nhiên trong room này, chỉ người nào là hành giả miên mật tinh tấn thì mới hiểu và mới tin chuyện này vì sao mà nó quan trọng, rất là quan trọng.
Nghe cái gì cứ móc cái bài này ra thuộc lòng như con nít vậy đó: Cứ nghe tiếng động, nhìn cái gì lúc nào cũng nghĩ rồi cũng Vô thường. Cái gì liên hệ tới con mắt rồi cũng Vô thường. Bản thân con mắt và những thứ quan hệ với nó rồi cũng Vô thường. Bản thân 6 Căn 6 Trần và cái gì quan hệ với nó cũng là Vô thường.
Liên tục sống trong Quán Tưởng những nhận thức đó, một ngày chưa thấy gì, hai ngày chưa thấy gì, tuần lễ chưa thấy gì nhưng tới tháng thứ hai, thứ ba bắt đầu có chuyện. Nó bắt đầu dìu mình về cái góc trời mà từ đó tới giờ mình chưa từng biết tới. Còn mình cứ ngồi chép ghi, ghi chép, nghe tới nghe lui không đi tới đâu hết. Còn mà thường xuyên sống trong Vô thường Tưởng như vậy sẽ có một ngày người ta có chửi vô mặt mình mình cũng không giận, người ta có quì xuống người ta hôn cái gót chân mình cũng không có vui bởi vì tất cả rồi sẽ Vô thường. Cảm tình cỡ nào rồi cũng Vô thường. Ác cảm cỡ nào rồi cũng Vô thường. Nếu lúc còn sống họ chưa kịp thương mình thì đến lúc họ chết cái ghét cũng biến mất theo họ.
Có nhiều kiểu Vô thường: là cái ghét đó, cái thương đó nó Vô thường ngay lúc 2 người còn sống. Hơn nữa, nếu bây giờ nó chịu Vô thường mai mốt 2 người chết rồi cái đó cũng mất luôn. Đó là nói nôm na.
Còn nói theo A tỳ đàm thì Vô thường là cái gì? Lúc có lúc không - đó là Vô thường. Thí dụ họ ghét mình lắm nhưng cũng có lúc họ đi ngủ chứ, thì hồi nãy họ đang nghĩ về mình bằng cái lòng căm hờn nhưng lát nữa họ đi ngủ mất tiêu, như vậy cái lòng căm thù đó cũng là Vô thường, nó Vô thường ngay bây giờ hoặc khi họ chết.

(Còn tiếp)
Reply
#42
(tiếp theo và hết - VÔ THƯỜNG TƯỞNG)

Cái Vô thường Tưởng nó hay như vậy. Và phải nói là tập thường xuyên chứ còn nghe giảng "Ờ, ờ hiểu rồi!", rồi về quên. Về lăn vào chợ đời cơm gạo áo tiền thì không khá. Phải thường xuyên sống chìm sâu trong nó. Tại sao chúng ta cần tới thiền viện? Là vì thiền viện là cái chỗ bà con quên hết vợ chồng, con cái, nhà cửa, công ăn, việc làm. Vào trong đó chỉ biết chuyên tâm theo đuổi những cái suy tư, suy tưởng. Như vậy thì mới khá được.

Thường xuyên sống trong Vô thường Tưởng thì mình mới tránh được 2 phiền não căn bản là Tà kiến và Tham ái.
Thấy rằng mọi thứ do duyên mà có thì trừ được đoạn kiến.
Thấy rằng mọi thứ đã có rồi phải mất thì trừ được thường kiến.
Đoạn kiến cho rằng chết rồi là hết cho nên cái quan niệm chánh kiến đầu tiên, "mọi thứ do duyên mà có", nó giúp cho mình trừ được đoạn kiến. Thay vì trước đây mình nói chết rồi là hết nhưng bây giờ mình thấy hễ cái duyên sanh tử còn thì mình còn sanh tử, như vậy là mình thấy rằng mọi thứ do duyên mà có. Hễ duyên còn thì nó phải có thôi.
Chánh kiến thứ hai, "khi có rồi phải mất đi", nó giúp cho mình trừ được thường kiến vì thường kiến cho rằng có một cái linh hồn, một cái tôi trường tồn bất biến hoặc tin rằng có một cái cảnh giới nào đó, có một thứ vật chất nào đó, mà đời đời bất hoại. Nhưng bây giờ có tu tập mình thấy không có cái gì mà đời đời bất hoại hết. Bởi vì vạn hữu nó chỉ có thể tồn tại trong sự đắp đổi, thừa tiếp giữa cái trước và cái sau. Đó là nói về mặt technical, kỹ thuật.
Nói về mặt xã hội, mặt thực tế thì sao? Cái gọi là hạnh phúc, đau khổ của chúng ta nó chỉ đến từ sự Vô thường. Là sao? Là phải nhờ đến chuyện lúc vầy lúc khác thì mình mới có hạnh phúc.
Hạnh phúc của chúng ta nó phải cần đến chuyện Vô thường. Có nghĩa là có gặp rồi có xa thì gặp nhau mình mới thương tiếc. Chứ còn dính như sam thì lấy đâu mà mình nhớ, mà trong tình cảm không có nhớ, không có trông, không có ghen thì không có phê, đó là tình người.
Thứ hai là có đói thì ăn mới ngon, có khát thì uống mới đã, có lạnh thì đắp mền mới ấm, có nực xài máy lạnh mới sướng. Có nghĩa là đời sống nó phải như vầy, như vầy, như vầy mới có cái gọi là hạnh phúc. Mà khổ một chỗ là Hạnh phúc ở đâu thì Đau khổ nằm ở đó. Chúng nó là một cặp.
Cho nên hành giả thường xuyên sống trong sự quán chiếu rằng đời sống là sự đắp đổi của đồng tiền 2 mặt, lúc vầy lúc khác, thì nó mới làm nên cái thế giới này. Phải thường xuyên ghi nhận như vậy. Đừng có ngại "Cái này ổng nói mà chứ tôi đâu có thấy đâu". Đúng, ổng nói, nhưng nếu mình thấy có lý mình nên hành trì như vậy. Thường xuyên tâm niệm trong những cuộc vui tân gia, sinh nhật, giữa lúc mọi người cười hả hê thì lúc đó riêng mình mình cứ suy niệm: Thứ nhất, nụ cười ở đây có thật hay không? Thứ hai, nếu nó là thật, người ta thương yêu nhau thật thì rồi niềm vui này, tình cảm này rồi cũng sẽ có lúc phai phôi.
Cứ liên tục nhớ như vậy thì lâu ngày chúng ta sẽ có được một nguồn đạo lực, tâm lực rất là mạnh, một cái tâm tu cực kỳ ngon lành và khi phải đứng trước cảnh sanh ly tử biệt, mất mát đổ nát, vô thường biến hoại, thì mình có sức chịu đựng rất tốt, và nếu đủ duyên thì chứng thánh.

Trích bài giảng KTC.7.25 Tưởng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Cõi lành dục giới | | Ray Rứt

(Hết)
Reply
#43
Tu Đà Huờn


https://toaikhanh.com/read.php?doc=201910221113&lan=vn


Người đầy đủ tri kiến không thể nào mà không tôn kính bậc đạo sư, không tôn kính Đức Phật một cách đúng mức. Người đầy đủ tri kiến ở đây là ai? Là vị Tu đà huờn, vị sơ quả đó.
[Image: monkatdusk.jpg]Tôi đã nói rất là nhiều lần. Đó là chúng ta có thể đi chùa có pháp danh, có thọ giới qui y, chúng ta có cái áo lam, chúng ta có cái giới điệp, giấy chứng nhận qui y v.v..., nhưng mà để gọi là phật tử thì rất khó. Và tôi đã nói: Cứ 100 người phật tử Việt nam thì đối với tôi chỉ có một người là phật tử thật sự thôi. Là vì sao? Có những điều mà chúng ta có thể thấy là chúng ta không thể tự nhận là phật tử. Thứ nhứt, chúng ta đến với Phật Pháp vì cái lý do nào? Đến để mà cầu cái đạo giải thoát vì chán sợ sanh tử trầm luân, không còn muốn tiếp tục lăn trôi 3 cõi 6 đường nữa, thì cái đó mới gọi là lý tưởng đúng đắn. Còn nếu mà đến chùa chỉ vì những lý do như là để cầu phúc, để cầu an, cầu siêu, đi chùa là vì bạn bè rủ rê, đi lâu ngày thành quen, vắng chùa thì nhớ, thí dụ như vậy, đi chùa thì vui, vắng chùa thì nhớ. Lâu ngày có một lúc nào đó mình cứ tưởng mình là phật tử mà trong khi đó cái lý tưởng thật sự của một người tu Phật, học Phật thì mình không có. Có nghĩa là mình chưa có thật sự chán sợ sanh tử. Mình không thấy được 4 sự thật:
Quote:
  1. Mọi sự ở đời là khổ.
  2. Thích cái gì cũng là thích trong khổ, có nghĩa là đầu tư trong khổ.
  3. Muốn hết khổ thì không có thích trong khổ, tức là không có thích cái gì nữa hết.
  4. Sống trong 3 nhận thức đó chính là con đường thoát khổ.
Khi mà mình không có những nhận thức cơ bản này thì mình lấy cái gì để mà mình đi chùa đây? Thì chỉ lọt vô mấy trường hợp mà tôi vừa nêu:

  1. đi vì ai đó rủ rê, đi riết lâu ngày nó thành quen, vắng chùa thì nhớ, đến chùa thì nó vui.

  2. đến chùa để cầu phúc, thí dụ như rằm, ngươn, sóc vọng, mình tới cũng cầu nguyện, có những cái chùa họ cho mình rút xăm, rồi cúng sao giải hạn.

  3. đi chùa lúc đầu chỉ vì lý do nào đó, thí dụ như để gởi hủ cốt hay là theo bạn đến chùa nhưng mà tới lúc mình gặp tăng ni mình tiếp xúc mình thấy mình thích, suy nghĩ họ hợp với mình, thế là từ đó về sau cứ rảnh rảnh buồn buồn chạy lên chùa, lâu ngày mình tưởng mình là phật tử.
Thì khi mà chúng ta đến với Phật Pháp bằng cái kiểu như vậy thì chưa được gọi là tôn kính bậc đạo sư một cách đúng mức.
Vì sao?

(Còn tiếp)
Reply
#44
(tiếp theo và hết - TU ĐÀ HƯỜN)

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, từ bé cho tới năm 50 tuổi mình xa mẹ mình, không có một kỷ niệm nào về mẹ, mình cũng chẳng biết gì về mẹ. Chẳng biết đã đành mà cũng không có một kỷ niệm nào về mẹ, trong 50 năm mình tưởng mình là cô nhi. Thì tự nhiên ngày kia, có người họ đẩy cho mình một bà cụ nào đó, nói đó là má mình đó, má ruột mình đó. Các vị nghĩ làm sao? Thì OK. Các vị là những người ăn học, những người có tiền, những người có đầu óc, những người của thế kỷ hôm nay, thì chắc chắn các vị có nhiều cách để thử DNA, ABN, thử xem đây phải má mình không. Được, hôm nay khoa học làm chuyện đó được, đi sao lục giấy tờ, hồ sơ, bản thảo này nọ, tìm kiếm nhân chứng, vật chứng gì đó, cuối cùng thì có thể xác định đó là mẹ của mình. Nhưng kêu mà thương thì có lẽ cũng hơi khó. Tại vì 50 tuổi mình cũng đâu có còn nhỏ nữa, rồi tự nhiên chấp nhận một cái bà lạ hoắc làm má mình nó khó lắm, rất là khó.

Ở đây cũng vậy, mình không hiểu gì về Phật hết thì làm sao mà mình có thể thương kính Đức Phật như là một người mà học hiểu giáo lý, khó lắm quí vị. Mình thờ Phật như kiểu thờ thần vậy. Trong khi đó vị Tu đà huờn lại khác. Cái người đầy đủ tri kiến là chỉ cho vị Tu đà huờn, tầng thánh đầu tiên. Người ta hiểu rất rõ. Họ hiểu rất rõ là kể từ bây giờ dòng sanh tử của mình đã bị chận đứng, mình chỉ còn tái sanh nhiều lắm là vài kiếp nữa thôi, chắc chắn là mình phải chấm dứt sanh tử luân hồi. Nghĩ tới cái chỗ đó, nghĩ tới cái nổi khổ trong 3 cõi 6 đường, ngũ thú lục đạo, lúc đó họ mới thấy cái ơn của Phật đối với họ lớn cỡ nào. Nhờ con người ấy mà mình bây giờ mình không còn sợ hãi trong cái chuyện sa đọa, không có sợ hãi trong cái chuyện sanh tử trầm luân nữa. Ơn đó không có bút mực, trời biển nào xiết, không bút mực nào ghi cho hết, không có trời biển nào chứa cho hết, không có không gian nào có thể sánh được cái lòng tri ơn vô bờ vô hạn ấy. Mình phải hiểu tới nơi tới chốn như vậy đó. Vị Tu đà huờn là người hiểu tới nơi tới chốn và họ tin Phật.


Một điều nữa là Tu đà huờn thành tựu 4 dự lưu phần.

Bốn dự lưu phần là gì? 3 cái đầu là niềm tin bất động nơi Tam bảo, bất động, bất thối. Có nghĩa là trời có thể sập xuống, thân xác của họ có thể tan nát thành tro bụi, nhưng mà niềm tin của họ đối với Phật Pháp Tăng (Thánh Tăng) không thay đổi, không thay đổi được. Đó là 3 dự lưu phần đầu tiên. Cái dự lưu phần cuối cùng là giới nào mà họ đã nhận, thì họ không có cách nào họ phạm được dầu là phải chết. Vị Tu đà huờn dầu có chết nhưng không bao giờ phạm giới mình đã nhận. Thí dụ như họ nhận giữ ngũ giới, hoặc là bát giới, hoặc là thập giới, sa di giới, tỳ kheo giới, một khi họ đã nhận rồi thì họ không có cách chi mà phạm những giới mà họ đã thọ hết. Chính vì cái lẽ đó cho nên vị Tu đà huờn đối với Đức Phật bằng niềm kính tin tuyệt đối.
Còn mình thì sao? Mình không có hiểu nhiều về Phật, mình đến với Phật bằng một lý tưởng, một ý nghĩa, một lý do rất là mơ hồ. Cho nên cái chuyện mà mình bỏ Phật để theo ông tư, bà tám, nước lạnh, nước sôi rất là dễ, dễ ẹc. Tại vì mình có hiểu Phật Pháp cái gì đâu, mình đến với Phật Pháp quá dễ dàng, quá đơn giản, không có cần tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, thẩm tra, suy tư, tư duy gì hết. Cứ xáp vô là có cái áo tràng, cứ xáp vô là có cái pháp danh, quăng tiền ra cúng ba mớ là đương nhiên được mọi người gọi là phật tử. Cái kiểu phật tử đó, cái người như vậy đó, thờ Phật kiểu đó, tin Phật kiểu đó thì xa Phật trong vòng ba giây, ba giây là xa Phật ngay. Bất mãn ai đó là cũng bỏ chùa, bị ai đó quyến rủ cũng bỏ chùa, bỏ Phật mà đi.

Còn vị Tu đà huờn thì không, vị Tu đà huờn thành tựu niềm tin nơi Đức Phật bằng trí tuệ giác ngộ, họ thấy rồi họ mới tin. Họ thấy cái gì? Họ thấy được những điều mà phàm phu không có thấy. Đó là họ thấy rằng, họ thấy chắc chắn rằng mọi sự ở đời là khổ, mọi hiện hữu là khổ trong bất cứ hình thức nào, nhân thiên hay cõi đọa đều là khổ, nụ cười hay nước mắt đều là khổ. Thứ hai nữa là họ thấy thích cái gì cũng là thích trong khổ. Muốn hết khổ thì phải hết thích. Và sống trong 3 nhận thức ấy chính là con đường thoát khổ. Và chính Đức Phật là người đã ban cho họ cái nhận thức này. Họ chỉ nghĩ tới đó là họ có thể sẵn sàng chết vì Ngài; mặc dù Ngài không có cần, Ngài không có cần ai chết cho Ngài. Nhưng mà cách nói về tấm lòng của vị Tu đà huờn là nếu cần họ chết 3 ngàn lần cho Phật họ vẫn vui vẻ tự nguyện, không có thắc mắc, không có do dự, không có phân vân, không có toan tính.

Thì thế nào trong quý vị cũng có những người sợ kinh như sợ ma, không có dám đọc. Đã ngu, đã dốt mà lại còn lười. Mà cứ nghe ai nói cái gì nó khác với cái ngu của mình là bắt đầu vùng lên, nông dân nổi dậy, anh hùng áo vải, chống đối tùm lum. Thì cái điều nào, kinh nào nói là Tu đà huờn không có tiếc mạng cho Đức Phật, kinh nào? Kinh Bhaddali Trung bộ nói như vậy đó. Đó là một vị Tu đà huờn khi đã hiểu pháp, liễu đạo cỡ cái tầm của Tu đà huờn thôi, không có cần cao hơn, cỡ Tu đà huờn thì có phải chết cho Thế Tôn họ cũng nhăn răng ra họ cười một cách tự nguyện, hoàn toàn vui vẻ, không có phân vân, hoang mang, nghi hoặc, toan tính, âu lo.


Còn mình thì mình nói tùm lum, vậy chứ bây giờ thử cái mạng mình đổi Phật Pháp mình chịu đổi không? Đâu có đổi, ngu gì đổi, phải sống, sống u mê, sống ô nhục, sống đau khổ, sống sợ hải, sống tăm tối, sống mơ hồ, mờ ám, sống không rõ mình sẽ đi về đâu, cũng phải giữ cái mạng cùi này để mà sống. Vị Tu đà huờn thì không, nếu cần thì phải chết cho Tam bảo là phải chết một cách ngon lành.


Cho nên ở đây, người thành tựu tri kiến đó là vị Tu đà huờn, thành tựu được lòng tôn kính tuyệt đối và đúng mức đối với bậc đạo sư, tức là đối với Phật bảo.



Trích bài giảng KTC.6.92 Bậc Ðạo Sư
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép






Bụi | | Dục & Xúc

[Image: blnk.gif]
English

(Hết)
Reply
#45
Sư Toại Khanh có nhắc đến phương pháp hành thiền của Ngài Mogok, nhất là đến biểu đồ Thập Nhị Nhân Duyên được dùng tại Thiền Viện của Ngài, LTP tìm được tài liệu sau để chúng ta không bỡ ngỡ trong một số bài giảng của Sư Toại Khanh.
----------------------------------


Tiến Trình NHÂN QUẢ qua biểu đồ Thập Nhị Nhân Duyên của ngài MOGOK.

https://www.budsas.asia/2018/06/tien-tri...8.html?m=1


Đức Phật Thích Ca đã từng dạy rằng mọi việc xảy ra cho chúng sinh ở đời đều do Duyên hay luật Nhân Quả chi phối. Hầu hết chúng sinh trong mọi cảnh giới đều phải trải qua nhiều kiếp trong vòng tái sinh luân hồi.
Qua sự thấu triệt lời dạy của đức Phật về luân hồi, ngài Mogok đã vẽ ra biểu đồ Thập Nhị Nhân Duyên như đã thấy.



[Image: 12%2Bnh%25C3%25A2n%2Bduy%25C3%25AAn.jpg]


Ngài Zaw Ti Ka giải thích rằng tùy theo trình độ quán niệm của từng hành giả thiền Minh Sát mà có nhiều cách để nhìn biểu đồ nói trên: Hoặc là nhìn nó theo 2 giai đoạn, hoặc là nhìn theo tiến trình Nhân Quả, hoặc nhìn qua 3 loại tác động.


Theo thỉnh ý của hội chúng hôm nay, ngài sẽ giải thích biểu đồ qua cách thực hành thiền Minh sát ( Vipassana) theo kinh nghiệm thực chứng của ngài Mogok.


Ngài muốn hội chúng hãy nhìn kỹ vòng quay thứ 4, phần 2, bắt đầu với Thức tái sanh, rồi có Danh Sắc ( thân và tâm). Sau đó hãy chú ý đến phần Lục Nhập trên thân của mình, nơi mà 6 Căn tiếp xúc với ngoại cảnh. Khi hành giả nhìn thấy một vật gì, đó là do có con mắt nên mới thấy. Khi nghe một âm thanh, đó là do có lỗ tai nên biết nghe. Mọi người khác như anh John hay chị Mary đều nghe và thấy cũng cùng cách đó. Chỉ có con mắt thấy và lỗ tai nghe thôi, ngay cả loài thú như con chó cũng nghe thấy bằng cách đó. Do đó, qua sự hiểu biết khách quan (Chân đế) thì không có người hay Tôi /Ta nghe thấy mà chỉ có cái lỗ tai nghe và con mắt thấy mà thôi! Còn qua cái nhìn tục đế thì sẽ cho rằng tôi nghe hoặc tôi thấy rồi có sự so sánh và dính mắc phiền não.


Sở dĩ hành giả có sự thấy (do con mắt) và sự nghe (do lỗ tai) là do có sự tác động (Xúc) của ngoại cảnh lên căn mắt và tai ở thân mình và từ đó mới có sự cảm nhận (Thọ) . Hành giả phải nhìn kỹ 6 sự nhận biết trên 6 căn của mình để hiểu rõ mình từ đâu tới ? Có thật là mình nghe, mình thấy hay đó chỉ là sự nghe, sự thấy mà thôi?


Nếu một người hội đủ Duyên (không bị đui mù và có đủ ánh sáng để thấy) thì con mắt mới có thể nhìn thấy được. Đối với những giác quan khác (mũi, lưỡi, thân/da) sự nhận biết ngoại cảnh cũng giống như vậy. Chúng là cái NHÂN chính cho sự ngửi, sự nếm và sự xúc chạm. Chỉ có chúng làm hành động Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Xúc chạm mà chẳng có ai làm cả.


Bước kế tiếp cho hành giả là hãy quan sát những cảm thọ của mình qua cái thấy, cái nghe, … đó. Do có sự tác động của thế giới bên ngoài (Xúc) làm Nhân cho cảm thọ khởi sinh (Quả) và qua đó xảy ra 1 trong 3 trạng thái tâm lý là Dễ chịu, hoặc Khó chịu, hoặc Trung tính.

Chuỗ
i phản ứng kế tiếp là từ Cảm thọ sinh khởi ấy (Nhân) mà trạng thái tâm lý sinh khởi (Quả), hoặc là Thích ( craving/ Tham ái), hoặc không Thích (stay away/ Tham ái) hoặc Trung tính ( là một dạng Tham ái ngầm). Rồi tùy theo sự thôi thúc của tham ái (Nhân) mà sự Thích hay Ghét càng tăng thêm cường độ làm tâm mình thêm dính mắc với đối tượng Thích hay Ghét đó (Quả chấpThủ). Rồi do có quá nhiều dính mắc (Nhân), quá thích hoặc quá ghét làm cho Tâm mình khổ (Quả). Thí dụ như được nghe 1 bản nhạc hay thì muốn nghe hoài, còn không được nghe tiếp thì bực bội. Từ đó mình sẽ không còn kiên nhẫn nữa mà muốn hành động để giải quyết cái muốn đó (Nghiệp Hành). Đây là con đường dẫn đến Sinh tử Luân hồi cho dù làm việc thiện hay bất thiện.


Bây giờ hành giả đã hiểu rằng nếu có chánh niệm và quan sát kỹ thì sẽ thấy những diễn biến nói trên chỉ là CHUỖI PHẢN ỨNG Tâm Sinh Lý bắt đầu từ lúc có sự XÚC, rồi sinh ra THỌ. Vì có Thọ nên sinh ra thích /ghét (THAM ÁI). Do có dính mắc Thích /Ghét (THỦ) đó làm cho cái Tâm luôn muốn hành động (Nghiệp HỮU). Chuỗi phản ứng này cứ tiếp diễn liên tục mỗi khi có Xúc ở 6 căn, và không có ai điều khiển cả.


(Còn tiếp)
Reply