Nhân Quả
#1
Trong mỗi giây phút sống của chúng sinh có đủ cả nhân sinh tử và quả sinh tử. Khi buồn thì phàm phu sống bằng tâm sân vốn là nhân sanh tử, khi vui thì sống bằng tâm tham cũng nhân sanh tử, khi làm thiện bằng tâm lành thì cũng là nhân sanh tử. Nhân sanh tử có tính thiện thì dẫn sanh cõi vui. Nhân sanh tử có tính ác thì dẫn sanh cõi khổ. Trong cái gọi là nhân sanh tử có tính thiện gồm ba trường hợp: thiện Dục giới, thiện Sắc giới, thiện Vô sắc giới. Với tính Thiện Sắc giới thì sinh về các cõi Phạm thiên Sắc giới cao thấp tùy theo tầng thiền mình chứng. 

Với tính thiện Vô sắc giới, cũng vậy. Sau khi sinh về các cõi và sống mãn thọ ở đó thì phàm phu tiếp tục luẩn quẩn theo duyên nghiệp. Trong từng phút, phàm phu sống trong quả sanh tử và nhân sanh tử. Đừng hiểu lý Duyên Khởi là một đường thẳng kiểu sợi chỉ. Chẳng hạn ngay trong một phút ta vừa sống với lục nhập, rồi 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, 4 thủ, nghiệp hữu, sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Tất cả có thể diễn ra trong - trước - sau một phút đồng hồ. Quả bây giờ có từ nhân trước, nhân bây giờ sẽ cho quả tương lai. Ví dụ, tôi đang nói chuyện với các vị, trước mặt tôi là bình hoa, con mắt tôi nhìn thấy bình hoa, tâm nhãn thức nhìn thấy bình hoa đó là tâm quả có được từ nghiệp quá khứ. Nhưng khi tôi nhìn bình hoa mà tôi thích thì cái thích đó chính là tham ái.

Trong một phút của mình có cả quả sinh tử và nhân sinh tử. Nếu được mình lấy cây viết vẽ vô tờ giấy trước mặt cái vòng tròn. Những cái biết của mình trong 6 trần: cái biết của con mắt thấy cảnh sắc, cái biết của lỗ tai để nghe tiếng, cái biết của lỗ mũi-khứu giác để nghe mùi v.v..., tất cả những cái biết này đều là tâm quả, tâm quả là những tâm có được từ nghiệp quá khứ. Có người, đời này cặp mắt của họ thường xuyên thấy những gì họ vừa ý, kể cả cái họ không vừa ý thì cũng là những cái gì sạch đẹp. Đó gọi là tâm nhãn thức quả thiện. 

Có người, suốt đời này cặp mắt của họ thấy toàn cái dơ, cái xấu, cái tào lao. Đó gọi là tâm nhãn thức quả bất thiện. Tâm nhãn thức này có từ nhân xấu đời trước. Một cách tình cờ, tôi biết một số vị Phật tử từ bé năm bảy tuổi đã đi vượt biên ra nước ngoài, được cha mẹ cho ăn học, từ lúc 9, 10 tuổi đã được đi vòng quanh thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… họ đều đi hết. Tôi thấy họ hay chê. Đi ngang một ngọn đồi đẹp, tôi khen, nhưng họ nói cũng thường, riết rồi tôi bực, nhưng họ nói cái họ thấy đẹp hơn nhiều. Sau này tôi biết thật sự như vậy. Họ từng thấy những cái siêu thực, không tưởng, hoang đường trong suy nghĩ của người khác. Đó là nhãn thức quả thiện. 

Có những người mà miệng họ đã được nếm đủ sơn hào hải vị của cả hành tinh. Có những người trên đời này sống toàn bằng tâm quả thiện, trong khi đó có những người từ nhỏ đã phải chấp nhận bụi bặm, nóng nực, mùi hôi, những thứ cũ, dơ, rách, rẻ tiền, suốt mấy chục năm trời, đó gọi là tâm quả bất thiện. Không phải một người đời này bất hạnh là họ không có phước, không phải là suốt nhiều đời họ không làm công đức. Suốt nhiều đời họ đã làm nhiều công đức nhưng nhằm ngay kiếp này họ đang nhận quả xấu. Ngược lại, không phải những người đời này đang vô cùng sung sướng là họ không làm ác nghiệp trong quá khứ, mà chỉ là nhằm ngay lúc này họ đang hưởng quả, họ đang nhằm mùa sầu riêng. Người sung sướng đời này có thể là đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, măng cụt. 

Người chịu khổ đời này có thể là nhằm lúc vườn trái của họ đang sái mùa. Vì vậy, dù họ siêng dữ lắm, tu hành dữ lắm, làm cỏ bón phân, cắt tỉa, mà cứ ra lá, còn anh kia xì ke ma túy chích choác nhưng nhằm ngay mùa sầu riêng măng cụt nên ra vườn là đem vô ăn, đem vô bán. Phải biết cái này để đừng coi thường ai hết. Bồ tát có lúc còn đọa địa ngục, đọa địa ngục còn khổ gấp triệu lần sống kiếp nghèo trên cõi Người. Mỗi người chỉ là một chiếc lá trong dòng chảy của cuộc sinh tử, lúc thì chúng ta ghé vào bờ này, khi thì chúng ta ghé sang bến kia. Nhằm ngay cái lúc được hưởng phước thì sướng như tiên, nhằm lúc chịu khổ thì khổ như điên. Ngay trong từng phút chúng ta đang gieo nhân mới và đang hái quả cũ. Quả cũ là đang nhìn cái mình thích đang nhìn cái mình ghét, đang nghe cái mình thích, đang nghe cái mình ghét, đang ngửi cái mình thích đang ngửi cái mình ghét v.v... 

Suốt hăm bốn giờ đồng hồ, có lúc nào ngũ song thức - năm căn vật chất của quí vị không làm việc không? Chỉ trừ lúc ngủ! Đức Phật dạy rằng, con chim có dịp là bay về trời, con cá có dịp thì nhảy xuống nước, chồn cáo thích về hang như thế nào thì con mắt cũng luôn chờ dịp để nhìn, lỗ tai luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng lắng nghe, lỗ mũi của mình luôn luôn trong tình trạng available, lưỡi của mình cũng luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng làm việc. Như vậy là rõ ràng trong từng phút chúng ta đang sống trong quả. Còn nhân thì sao? Mỗi lần con mắt của mình, lỗ tai của mình nó biết cái gì mình thích thì mình sống bằng tâm tham; nó biết cái gì mình ghét thì mình sống bằng tâm sân. Mà tham và sân là nhân sinh tử dẫn về cõi đọa. Còn những khi nghe hoặc thấy chiếc lá vàng rơi, mình tu thiền quán; nghe tiếng suối chảy, mình tu thiền quán; nghe thân này đau đớn, mình tu thiền quán, thì lúc đó mình sống bằng tâm thiện. 

Khổ nỗi tâm thiện này cũng là nhân sinh tử, có điều là nó đưa mình về cõi sướng. Chỉ vậy thôi. Mình sanh tử bằng sáu căn thì mình cũng có thể giải thoát bằng sáu căn là vậy đó. Có những người, cái thấy cái nghe của họ chỉ đủ cho họ có tâm sân tâm tham, nhưng chúng ta phải nhìn nhận có lúc những hình ảnh, những âm thanh, những mùi vị, những xúc chạm… lại làm cho mình có tâm thiện. Ví dụ, đối với hành giả tu Tứ Niệm Xứ thì cảnh nào cũng là cảnh chánh niệm hết. Cái mùi hoa lài người ta thường cúng trong những buổi lễ ở VN đã trở thành ấn tượng rất tốt đối với tôi, bây giờ tôi già rồi mà đi bất cứ xứ nào nghe mùi hoa lài tôi lại nhớ cái lễ chùa ở VN, lạ như vậy đó. Cũng giống như bây giờ mà tôi nghe cái mùi phân bò ở mấy vùng nông trại ở Thụy Sĩ là tôi nhớ thời gian tôi sống ở Long Thành VN, hoặc nghe mùi rơm mùi cỏ cháy là nhớ về miền Tây cũng mình. Mỗi cái mùi, mỗi âm thanh mình nghe được hoàn toàn có thể là một lối về, một sự dẫn dắt, một sự khơi gợi về một cảnh giới nào đó. 

Nói như vậy có nghĩa là trong từng phút những gì mình nghe mình thấy mình ngửi mình nếm, đụng và suy tư rất có thể đó là cơ hội để mình sống thiện và sống bất thiện. Dầu cho mình sống bằng tâm thiện hay tâm bất thiện đều là sự sanh tử hết. Nói như vậy không có nghĩa là tôi bài bác cái thiện. Hễ mình còn trong dòng sanh tử, cái thiện này là cái phải có:
- Để mình bớt khổ, thay vì sanh làm con nhà nghèo thì mình sanh làm con nhà giàu đỡ khổ hơn.
- Nhờ có thiện pháp mình mới có trí tuệ, có điều kiện để học đạo, tu hành, đắc chứng, giải thoát, chứ nói rốt ráo thiện ác gì cũng sanh tử rồi không trau dồi cái thiện là sai.

Trong khu rừng có những con đường đưa mình tới chỗ chết nhưng cũng có những con đường đưa mình ra ngoài bìa rừng. Nói cho sang vậy chứ con đường đưa mình vô rừng sâu hay ra bên ngoài rừng chỉ là một, vấn đề là hướng đi của mình. Hai con đường này chỉ là một thôi, tùy mặt mình xoay hướng nào. Hễ chưa ra khỏi rừng thì mình còn có mặt trong rừng và đôi chân của mình vẫn tiếp tục đặt trên con đường rừng. Thiện pháp cũng vậy đó, thiện pháp của người cầu đạo giải thoát cũng y hệt như thiện pháp của người đam mê sanh tử, chỉ khác một điểm là cái nhìn.

TK
Reply