Tàm Úy
#1
Tàm là gì? Tàm là biết thẹn.

Ở trong Tiếng Hán có chữ liêm sĩ. Liêm là sạch, sĩ là mắc cở, liêm sĩ gom chung cũng có cái nghĩa là biết thẹn. Thì nhiều vị họ cũng muốn lắm, muốn dịch chữ Tàm này là chữ liêm sĩ thì tôi đã lên tiếng tôi nói: "Dạ, con lạy bố, không có nên".

Bởi vì cái chữ liêm sĩ trong tiếng Hán và trong văn hóa Trung Quốc cái nghĩa nó nghèo lắm: liêm sĩ có nghĩa là biết thẹn khi mà mình làm cái chuyện bậy bạ mà theo cái quan điểm đạo đức xã hội, theo cái quan điểm văn hóa bầy đàn của nhân loại, thì cái đó được gọi là liêm sĩ. Biết thẹn khi làm cái chuyện bậy, mà cái bậy ở đây là dựa trên cái tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức của xã hội. 

Mà nó khổ một chỗ là cái xã hội của Hồi giáo nó không có giống cái xã hội của Cơ đốc, mà xã hội Cơ đốc nó không giống xã hội của Phật giáo, mà xã hội của Phật giáo nó không giống xã hội của cộng sản, xã hội của cộng sản vô thần nó lại không giống xã hội của tư bản, của dân chủ. Khổ vậy đó, nhớ nha, nó cứ khác nhau hoài vậy đó.

Trong khi đó cái chữ Tàm ở đây trong đạo Phật cái nghĩa nó không có nghèo như vậy. Nó là biết thẹn trước cái bậy của tam nghiệp. Nó còn ghê hơn là cái chữ liêm sĩ, vì chữ liêm sĩ nó chỉ biết thẹn khi mà mình bậy trong cái quan điểm xã hội, trong cái quan điểm văn minh nhân loại thôi. 

Nhưng mà riêng về cái tàm ở đây nó có nghĩa là biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp. Là sao? Có nghĩa là chỉ một suy nghĩ thoáng qua trong đầu mà nó tào lao là mình cũng biết thẹn. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, mình có là con dòi đi nữa nhưng ít nhất cái bất thiện có hai cách để mình nhìn. 

Cái bất thiện mà tối mình về đứng trước gương một mình, mình nhìn mình không có khinh mình, nó khác. Nó có những cái bất thiện mà khi mình nhìn lại mình, mình muốn ói luôn, cái đó nó khác. Mình là cái thằng lừa đảo, lật lọng, nó khác. Còn mình là cái thằng tham ăn, mê ngủ, nó khác. Cũng là bất thiện mà mỗi cái bất thiện nó khác, nhớ nha.

Thì ở đây, cái Tàm ở đây có nghĩa là biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp. Có nghĩa là một suy nghĩ mà nó hèn quá đó làm cho mình biết thẹn, mình biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp. Biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp thì cái đó mới gọi là Tàm, chớ không phải là liêm sĩ của ngoài đời. Làm ơn nhớ cái "liêm sĩ" ngoài đời cái nghĩa nó nghèo lắm. 

Nghĩa là anh phải nói, phải làm cái gì đó mà nó được xem là bậy theo cái chuẩn mực đạo đức văn hóa của xã hội, văn hóa bầy đàn. Còn cái Tàm đây là anh biết thẹn trước cái bậy của cả tam nghiệp, tức là kể cả một cái suy nghĩ thoáng qua trong đầu mình nó hèn quá, nó tồi quá anh cũng biết thẹn nữa.


Úy là gì? Úy có nghĩa là biết sợ trước cái bậy của tam nghiệp. Tàm là biết thẹn, còn cái này biết sợ. Bởi vì mình biết rằng một cái hành động, một câu nói tội lỗi thì nó để lại cái hậu quả cho ai? Cho mình. Còn một cái suy nghĩ bậy bạ mình cũng sợ là bởi vì đừng coi thường một suy nghĩ thoáng qua trong đầu. Là vì sao? Vì "Nếu nghĩ rằng suy nghĩ trong đầu không có gì đáng kể thì việc ta niệm Phật hay thiền định cũng đều là trong đầu". Các vị có hiểu cái này không?

Bởi vì nhiều người họ nói rằng bố thí là anh phải cầm cái gì anh đưa ra chứ anh nghĩ trong đầu không có được, anh nghĩ trong đầu thì đâu gọi là bố thí. Cái đó đúng. Nhưng mà đừng có thấy đó là đúng rồi cho rằng mình có thể tu mọi thứ, tu trong đầu không cần tới tam nghiệp là sai! Phải có những việc anh phải làm ra tay, ra chân. 

Thí dụ như anh muốn thuyết pháp thì anh phải nói ra miệng, anh muốn thính pháp thì anh phải vểnh cái tai anh ra để anh nghe. Nhưng mà đừng có nghe như vậy rồi coi thường cái ý nghiệp tức là những cái suy nghĩ trong đầu. Bởi vì mình niệm Phật cũng niệm bằng cái suy nghĩ vậy. Đấy! Mình thiền định mình cũng là mình cũng tu trong cái đầu mình vậy chớ mình đâu có tu tay, tu chân đâu? Đâu có ai tu tay, tu chân. Cho nên đừng có coi thường ý nghiệp.

Trở lại chữ Úy đây nghĩa là gì? Úy đây là biết sợ, biết sợ trước cái nghiệp, trước cái bậy của tam nghiệp. Có nghĩa là họ thấy, họ sợ khi phải làm cái chuyện hại mình, hại người, họ biết sợ khi mà nói điều hại mình, hại người, tổn thương người, làm cho người phải đổ máu, phải rơi lệ, họ không có nói.

Bây giờ qua tới suy nghĩ, họ cũng biết cái suy nghĩ này nó sẽ làm nền cho hai cái thân và khẩu nghiệp. Và chưa hết, theo trong A tỳ đàm cái suy nghĩ bậy hay là tốt thấy nó thoáng qua, nhưng mà nó sẽ trở thành thói quen cho kiếp sau mà mình không có lường được. Trước mắt là thói quen trong kiếp này, cái suy nghĩ đó mà mình không có bỏ. Thí dụ như mình hay nhỏ mọn, xin lỗi nói đừng có giận nha, hay có cái tâm đàn bà, mình hay tò mò, mình hay để ý; mình hay lút chút, lút chút, lút chút; mình không có ngờ cái đó mình làm nó dở ẹc. Bởi vì người ta mang cái hình hài đàn bà người ta có quyền xấu, ok? 

Bởi vì họ mang cái hình hài đó mà họ không xấu thì uổng lắm, họ phải xấu cho đúng bài bản để mình đừng có đụng tới họ. Nhưng mà mình đàn ông nó khác chứ. Mà một người nữ mà muốn làm đàn ông thì phải bỏ cái tâm đàn bà. Tức là bớt thích những cái rẻ tiền, hình thức và cũng bớt ghét những cái không đáng để quan tâm. Thì phải như vậy thì anh mới làm đàn ông. Còn đằng này anh muốn làm đàn ông mà anh thích những cái mà nó tào lao, vô ích, vô nghĩa, vô duyên. Anh muốn làm đàn ông mà anh bận tâm anh ghét những cái này cái kia chỉ vì nó mặc đẹp hơn anh, chỉ vì nó có giọng nói hơn anh, có gì đó một chút may mắn trong tình cảm hơn anh, thế là anh ghét nó, cái chuyện đó nó không có đáng. Nhớ vậy.

Đó! Cho nên đừng có coi thường cái suy nghĩ. Coi chừng chính những cái suy nghĩ trong đầu của mình nó tạo ra nhiều cái chuyện động trời mà mình không biết. Thí dụ như cái nghiệp mang thân nữ thì 90% là từ cái nghiệp ý ra. Có nghĩa là anh phải mang cái tâm thức của một người đàn bà sau này anh mới có cái hình hài của đàn bà. Nhớ cái đó, quan trọng lắm. Biết cái đó mới teo.

Cho nên cái chữ Úy đây nó gồm có 4:
  1. sợ lương tâm cắn rứt;
  2. sợ tiếng đời dị nghị;
  3. sợ pháp luật trừng trị;
  4. sợ kiếp sau sa đọa.
Bốn cái này gọi là Úy.
Reply