Song Lang
#1
Phim Song Lang
Bao Nguyen, November 5, 2019
https://www.facebook.com/permalink.php?s...6494947664
...

[Image: 74651304_152102466016251_757026769474682...e=5E425B26]

Hôm chủ nhật coi Phim Song Lang mà giựt mình. Nó giống như là một hiện thực của 40 năm trước đột ngột trở lại, rõ mồn một và chính xác từng ly .
...
...
Những hình ảnh xám xịt, đen kịt , bừa bộn, tàn nhẫn, bế tắc tột cùng của khoảng thời gian sau ngày mất nước từ 1975-1990 đột ngột hiện về vẫn nguyên hình dạng thuở nào... Đạo diễn và production design team tái hiện từng chi tiết tỷ mỉ nhất của thời đó như Honda 67, tivi ; tủ thuốc lá, tiệm thuê băng video, game điện tử, loa phường, mấy bản nhạc đỏ mở suốt ngày đêm, trò chơi nắp phéng, tạt loon, cúp điện... Mọi thứ đều được gạn lọc đưa vào phim ngọt ngào và đắc địa. Nếu mà ai đã từng đi coi cải lương nhiều thời đó sẽ càng mê nữa vì họ làm quá hay. Từ phông quảng cáo, trang phục, cách kéo micro, dàn nhạc cải lương chơi lúc mở đầu, hạ màn, mấy lời giới thiệu sau cánh gà... đều i khuôn. Thậm chí âm thanh chát xình của rạp cải lương, micro... cũng được chuyên viên tút lại cho giống y hệt ngày xưa.
...
...

Đạo diễn thật là sâu sắc khi anh chọn Sinco như một biểu tượng của phim. Nếu ai là dân Sài Gòn, đã sống qua thời đó đều ít nhiều thấy chữ Sinco này. Trước 1975, Sinco là hãng sản xuất máy may nổi tiếng ở miền Nam, là biểu tượng của một thành tựu kinh tế. Hãng có building rất to, trên tầng cao nhất gắn hình chiếc đầu máy may khổng lồ và chữ "Sinco", được trang trí bởi đèn màu, và các dây đèn dài, buổi tối chớp tắt rất đẹp. Sau 1975, khi cộng sản chiếm miền Nam rồi thì Sinco sụp đổ cũng như số phận tất cả xí nghiệp miền Nam bị đảng cộng sản quốc hữu hoá giao cho cán bộ miền Bắc ngu dốt và tham lam vô độ vào quản lý. Thế là chúng lụm bại, tan nát cũng như kinh tế và đời sống dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của đảng. Theo năm tháng, chữ Sinco và đầu máy may không được sơn sửa, chăm sóc trở thành đen đúa, rỉ nát như hình một con quạ khổng lồ đứng sừng sững nguyên chỗ, nhìn xuống một Sài Gòn tang thương xám xịt. Tôi nhớ, thời tám mươi khi mỗi lần đạp xe qua chỗ này, tôi ngước nhìn lên chữ Sinco đó mà lòng bi phẫn ngập tràn.
..
...
Production design chỉ là phần phụ của phim, mà có lẽ chỉ có những người hoài cổ như tôi mới chú ý tới. Còn quá nhiều chi tiết khác để khen. Isaac và Liên Bỉnh Phát diễn hay như thần. Phát sinh ra là để đóng phim này. Cả hai đã làm nổi bật những cá tánh đáng yêu cũng như đáng ghét của trai Sài Gòn thời đó. Phim rất ít diễn viên, ít nhạc, ít thoại nhưng sâu lắng, rưng rưng nao lòng. Coi phim này mà lòng đau như cắt, thấm lại nỗi đau của cha mẹ, anh chị của bản thân mình và dân tộc mình trải qua ngày xưa. Đạo diễn có lẽ tút màu theo kiểu tôn màu Orwo, là loại phim màu của Cộng Hoà Dân Chủ Đức, úa, xấu, bẩn, tồi . Sản phẩm cao cấp nhất của khối xã hội chủ nghĩa thời đó chỉ tới vậy. Song Lang là phim nghệ thuật, đẹp não lòng từ hình ảnh tới nội dung. Đây dứt khoát là một trong những phim Việt Nam hay nhất mà tôi đã từng coi. Đạo diễn Leon Quang Lê là một kỳ tài. Anh hát vọng cổ rất hay và vô cùng am hiểu về nghệ thuật cải lương.

...
...
Song Lang là một phim nghệ thuật, kén khán giả và khó thưởng thức. Ai coi để giải trí, tìm vui thì sẽ thất vọng. Nhưng nếu ai đã từng sống qua thời đó, muốn tìm, hiểu và thấm được những thông điệp của đạo diễn thì sẽ tri âm tri kỷ với anh vô cùng. Bài này tôi chỉ viết về phần nghệ thuật dựng phim, còn về nội dung, tôi không đụng tới vì đã có nhiều người viết rồi.
...
...

Một số link để coi Song Lang:

http://vtv16.info/phim/song-lang-7353/xe...ST28BsCuA4

https://www.dongphim.net/en/movie/hd-son...idzmTDSbOE

Reply
#2
Cảm ơn anh Ba Ếch đã giới thiệu film Song Lang.

10_point
Reply
#3
Dung Dakao
November 6 at 1:57 PM
SONG LANG | 2019.
https://www.facebook.com/dung.dakao.75/p...9910811940

.. Chiếc song lang nhạc cụ tổ của nghề hát, không chỉ giữ tiết tấu nhịp nhàng cho lời ca tiếng đàn mà còn là âm thanh nhịp sống nhắc nhở chúng ta phải theo đó để giữ gìn khuôn khổ của người nghệ sĩ …

Dũng Thiên Lôi, mở đầu câu chuyện với giọng trầm trầm và nét mặt lạnh như băng của anh ta. Xuất thân từ gánh hát, cha là tay đàn cự phách và má là đào chánh, Dũng từ nhỏ đã ăn, ngủ và lớn lên với lời ca tiếng đàn. Cha anh đã dạy anh đàn và cầm song lang từ bé. Nhưng cuộc đời có những lối rẽ mà không ai giải thích hay biết trước được. Sau 1975, gánh hát không còn được hoạt động như trước. Cuộc sống bế tắc mọi mặt và nghệ thuật cũng như cải lương cũng không ngoại lệ. Để sống còn, và giữ nghề, nhiều gánh hát phải đi hát chui ở các tỉnh xa. Hoặc, các nghệ sĩ phải vào các đoàn hát do nhà nước quản lý, hát theo đường lối, chấp nhận “phê và tự phê” với cách sống mà má của Dũng Thiên Lôi không chịu nỗi. Bà muốn thoát ra và điều đó gây nên xung đột với cha của Dũng. Cha anh chỉ muốn chấp nhận để tiếp tục bấu víu vào tiếng đàn nhịp phách, dù có thế nào. Để rồi má anh dứt áo ra đi, vượt biển, bỏ lại hai cha con và nỗi hận trong lòng Dũng Thiên Lôi mà về sau, dù có giấy tờ do má anh bảo lãnh ra đi, anh chọn con đường ở lại. Đúng hay sai thì cũng là quyết định, chọn lựa của riêng anh. Ở lại để sống cuộc đời của kẻ đi đòi nợ, giang hồ. Nỗi hận, dù anh có cố tình quên đi, được chuyển thành những cú ra tay lạnh lùng với con nợ. “Có nợ thì phải trả, không trốn được đâu!”

Những tưởng rồi cuộc đời Dũng Thiên Lôi sẽ cứ trôi như thế, cho đến một ngày anh đi đòi nợ một gánh hát. Đam mê và ê chề, thần tượng và uất hận, quá khứ và hiện tại, tất cả tưởng đã quên nhưng vẫn hằn như vết sẹo trên lưng không lặn nỗi. “Nghệ sĩ các người có tự trọng sao?” Có cảm giác như Dũng Thiên Lôi đi đòi nợ chính mình, món nợ quá khứ. Và ở gánh hát con nợ ấy, Thiên Lôi đã gặp người bạn mới, Linh Phụng, kép chánh của gánh hát. Từ vị trí của kẻ đòi nợ - con nợ, hai người trở thành bạn nhờ bài vọng cổ của cha anh để lại. Ông đã viết bài vọng cổ đó trước khi mất và chưa ai cất giọng ca thử cho đến khi Linh Phụng vô tình tìm thấy giữa cuốn truyện tuổi thơ. Dũng Thiên Lôi đã không còn là Thiên Lôi khi anh đàn cho Linh Phụng ca bài vọng cổ. Những ngón tay chạy trên cần đàn, nhịp chân trên chiếc song lan, cộng với giọng ca thật ngọt của Linh Phụng đã đánh gục gã giang hồ trong con người Dũng Thiên Lôi. Anh ngồi một mình trên sân thượng của tòa nhà SINCO, khóc lặng lẽ. Khóc như ngày trở về thấy má bỏ hai cha con ra đi.

Tình bạn giữa Dũng Thiên Lôi và kép chánh Linh Phụng trở nên thân hơn sau vụ đập lộn với nhóm du côn trong quán ăn. “Đánh lộn thì có gì hay! Tại mấy thằng đó gây sự trước chớ bộ!” Linh Phụng nói sau khi tỉnh lại ở nhà Dũng Thiên Lôi. “Hay chớ! Phải như vậy để không ai coi thường nghệ sĩ!” Linh Phụng bị đánh gục bất tỉnh trong quán nên đã không thấy một mình Dũng Thiên Lôi tả xung hữu đột dọng cho 4 tên côn đồ bò lê bò càng ra khỏi quán. Để rồi từ lần đi ăn tối chung, và sau lần ca với tiếng đàn của Dũng Thiên Lôi, hai người bạn thấy gần nhau hơn. Dũng Thiên Lôi mến thằng bạn mới vì có chí khí, trọng đạo nghĩa. Linh Phụng thân Dũng Thiên Lôi vì một tên giang hồ có xuất xứ cải lương và có những lúc “không giống Dũng Thiên Lôi chút nào!” Mến tiếng đàn, Linh Phụng khuyên bạn bỏ kiếp đòi nợ mà trở về với nghề, “cái nghề bạc bẽo”. Thương bạn, Dũng Thiên Lôi liều mạng bỏ giang hồ, bán hết nửa tài sản trả món nợ giang hồ, quảy chiếc đàn nguyệt lên lưng tất tả chạy đến với gánh hát mong một lần trở về.

Cuốn phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Le đã đạt được nhiều thành công về mọi mặt. Rất nhiều giải thưởng đủ nói lên điều đó. Với riêng tôi, cuốn phim này là một tuyệt phẩm.
Tôi mê cải lương từ khi còn nhỏ. Những mùa hè về ở với Ngoại, hai bà cháu cứ xem hết tuồng này đến tuồng kia, dù chỉ trên tivi nhỏ, nhưng lời ca điệu đàn đã đi vào lòng tôi. Những bài vọng cổ cứ mãi ngân nga trong ánh đèn vàng vọt kéo dài với chiều sâu hun hút của con hẻm như không nơi tận cùng. Những hình ảnh đó, những âm thanh đó, đong đầy với “Song Lang”.
Sau 1975, gia đình tôi kẹt lại ở Sài gòn. Mười bốn năm dài đằng đẵng là gánh nặng cho bố mẹ tôi giữa bể dâu cuộc đời. Cuộc sống nhiều lúc ngột ngạt với “phê và tự phê” từ công sở, học đường, đến từng khu phố nhỏ. Ngột ngạt, bị đè nén không lối thoát giữa những chằng chịt của bao cái loa phường với cả nùi dây điện dọc ngang, ra rả từ sáng đến chiều tối. “Song Lang” có đủ những hình ảnh đó!

Cuốn phim không chút gượng ép nào, từ đầu đến cuối, chảy liên tục như giòng xe tấp nập ở bùng binh. Những hình ảnh cận cảnh của các khu nhà, xe hủ tiếu đầu ngõ, ngọn đèn dầu, chiếc xích lô, tủ thuốc lá, chiếc honda 67 huyền thoại một thời. Người và chuyện trong phim gần gũi như đời thường nơi từng góc phố. Sau một ván game, Dũng Thiên Lôi rủ Linh Phụng làm thêm một ván nữa. Chưa kịp cầm cái remote thì điện tắt cái phụp. “Đù!” Dũng Thiên Lôi chỉ thốt lên một tiếng thôi mà tôi phì cười. Cười vì đó cũng chinh là tiếng tụi bạn tôi thường nói mỗi khi bị cúp điện ngang xương như thế. Cười mà buồn!

Lời thoại trong phim cũng mang đến cho người xem nhiều thú vị. Tôi nhớ có đoạn, người nghệ sĩ trong vai phụ khi đang hóa trang, anh kể chuyện cười cho mọi người vui vẻ. “Để kể cho nghe!” như cái cách người Sài Gòn hay nói. “Lần đó đi hát cương, tui vô câu – như bây là quân xâm lăng còn ta là … quân xâm lược .. – “ cả phòng hóa trang cười cái rần. “Anh tiếp “hát rồi sợ quá từ đó không dám hát cương nữa!” Chợt nhớ, chúng ta dân miền nam thường bị đánh đồng là ngụy đi với Mỹ là quân xâm lăng, vậy thì “còn ta là quân xâm lược” là ai vô đây?!
Vở tuồng cải lương mà gánh hát trong phim trình diễn là vở “Trọng Thủy Mỵ Châu”. Linh Phụng đã tập nhiều lần để vào vai diễn trên sân khấu cho tròn. Đêm diễn ra mắt, Dũng Thiên Lôi cũng mua vé vào xem. Có đoạn vua cha tuốt gươm chém chết Mỵ Châu sau khi công chúa khóc than vì lầm mà mang điêu linh chiến chinh đến cho bá tánh. Phải chăng miền nam cũng đã lầm như vậy?

Có nhiều ẩn dụ trong “Song Lang” mà đạo diễn đã gởi gắm. Những điều đó không nằm trong lời đối thoại của Dũng Thiên Lôi, hay Linh Phụng và các nhân vật, mà bàng bạc suốt cuốn phim dài hơn một giờ rưỡi. Những hình ảnh đang xen, những lần Dũng Thiên Lôi còn là đứa nhóc, đứng xem má diễn trên sân khấu, trộn lẫn những lúc anh phải vào hậu trường … đòi nợ. Nó như cái sự lùng bùng không lối ra của cuộc đời mọi người giữa quá khứ và hiện tại chợ búa, sống còn. Toàn bộ phim với tone màu vàng tối, quá đẹp với những cảnh hẻm hóc, phố nhỏ về khuya mà cái ánh đèn đó cứ theo tôi mãi cả cuộc đời này.
“Anh có tin vào chuyện du hành vượt thời gian không?” Linh Phụng hỏi Dũng Thiên Lôi.
“Giống như trên phim đó hả?”
“Tui thì tui tin. Tui tin là con người có thể du hành vượt thời gian qua ba cách: con người, nơi nào đó hoặc món đồ nào đó.”
“Là sao?”
“Ví dụ như anh gặp người nào đó, hay anh đứng trước nơi nào đó hoặc anh gặp một món đồ nào đó, bỗng sống lại một quãng trời quá khứ thì như vậy là anh đã du hành vượt thời gian rồi đó!”
“Vậy là nãy giờ đang trở về tuổi thơ đó hả?”

Tôi đã trở về tuổi thơ một thời với nhiều cảm xúc. Được thấy, được nghe và tìm được chinh tôi của một quãng đời “dữ dội” chưa xa.
Cảm ơn “Song Lang”.

-DN

Reply