Vẻ hùng vĩ của đất Phật Yên Tử ngày khai hội
Thượng toạ Thích Thanh Quyết gióng hồi chuông khai hội.
Thời tiết sáng nay có nhiều mây mù, nhiệt độ dưới 20 độ C. Càng lên cao càng lạnh. Yên Tử (còn gọi là Bạch Vân Sơn) là một địa danh quan trọng trong bản đồ tâm linh của Việt Nam, cao 1.068 m, được coi là "đất tổ Phật giáo Việt Nam" sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành, thành lập dòng Phật giáo đặc trưng Việt Nam: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Năm nay, dự kiến danh thắng đón hàng triệu du khách thập phương. Tổng chiều dài đường bộ lên đến đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) khoảng 6 km qua hàng nghìn bậc đá len lỏi dọc đường rừng.
Theo ban tổ chức lễ hội, lượng khách đến Yên Tử kể từ ngày mùng 1 Tết đến nay tăng dần. Cao điểm là hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng, đạt trên 50.000 lượt khách.
Do lượng khách quá đông, đường lên xuống bằng cáp treo hoặc xe điện liên tục tắc nghẽn, nhiều người phải chờ đợi hàng giờ.
Với những du khách không leo đường bộ, chuyến hành hương chỉ thực sự bắt đầu khi tới chùa Hoa Yên ở độ cao 516 m.
Tháp Tổ (nơi lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông) cùng hơn 40 bảo tháp đặt dưới chân chùa Hoa Viên.
Thời Lý, khu vực núi Yên Tử đã có chùa thờ Phật. Đến thời Trần thì Yên Tử đã gắn liền với tên tuổi của vua Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi (1285 và 1288), ông đã trao lại ngai vàng cho vua Trần Anh Tông để về Yên Tử tu hành.
Bức tượng đá có hình dáng người đứng phía trước đài tượng phật được cho là thạch tích của đạo sĩ An Kỳ Sinh đến đây tu tiên luyện đan, đạt được trường sinh và hoá đá. Người đời sau gọi ông là An Tử. Đỉnh núi nơi đây gọi là núi An Tử, thời Lê gọi chệch tên đi thành Yên Tử.