Chủ Tich TQ Tập Cận Bình
#1
Trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu công du Ý và Pháp, kéo dài từ ngày 21 đến 26/03/2019, thì lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu xem xét một kế hoạch nhằm "cân bằng hóa" quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh với lần đầu tiên thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu đưa hồ sơ Trung Quốc vào chương trình nghị sự này.

[Image: attachment.php?attachmentid=1353611&stc=1&d=1553194180]

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bruxelles, Bỉ ngày 18/03/2019. REUTERS / Yves Herman

Đỉnh điểm của vòng công du châu Âu lần này của lãnh đạo Trung Quốc là lễ ký kết bản ghi nhớ với Roma về dự án « Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 ». Ý là quốc gia đầu tiên trong khối G7 – nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – hưởng ứng dự án kết nối Trung Quốc với những châu lục khác trên toàn thế giới. Với Bắc Kinh, việc lôi kéo được Ý tham gia dự án đầy tham vọng này của ông Tập Cận Bình là một « thắng lợi » quan trọng.

Nhưng đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu với 500 doanh nhân và 130 phóng viên từ Hoa Lục đổ bộ vào Roma, tại Bruxelles, lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu tuy bị chi phối về hồ sơ Brexit, nhưng sẽ dành thời gian để thảo luận về chiến lược mới đối với Trung Quốc.

Trong một báo cáo được công bố hôm 12/03/2019, Ủy Ban Châu Âu lần đầu nhìn nhận Trung Quốc vừa là một « đối tác chiến lược » vừa là một « đối thủ quan trọng » của Bruxelles. Về mặt chính trị, Bruxelles lo ngại trước việc Bắc Kinh có tham vọng áp đặt « những mô hình quản lý mới ».

Trên phương diện kinh tế, Liên Hiệp đánh giá Trung Quốc là một đối thủ « cạnh tranh đáng gờm », có « tham vọng thống lĩnh thế giới về mặt công nghệ ». Do vậy báo cáo của Ủy Ban Châu Âu cho rằng, đã đến lúc Bruxelles cần bớt ngây thơ và phải có những công cụ pháp lý để tự vệ, giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhắm vào những lĩnh vực nhậy cảm đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu. Một thí dụ cụ thể là tài liệu này nêu đích danh tập đoàn viễn thông Hoa Vi và viễn cảnh Trung Quốc nắm trọn trong tay hệ thống 5G trên Lục Địa Già.

Cũng trong tinh thần thận trọng đó, đầu tuần này, ủy ban đặc trách về chính sách chiến lược của Liên Hiệp CESP công bố một báo cáo thứ nhì, kêu gọi các nước thành viên « thức tỉnh » trước « những thực tế về chính sách công nghiệp và những chuyển biến về địa chính trị của toàn cầu ». Đứng đầu trong số đó là tham vọng của Bắc Kinh không chỉ về ngoại giao, về lãnh thổ mà cả về kinh tế, công nghệ cao.

Việc Bắc Kinh và Roma trong hai ngày nữa ký bản ghi nhớ về dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 càng minh họa cho ý đồ của Trung Quốc chen chân vào những lĩnh vực nhậy cảm đối với châu Âu. Sau khi đã mua lại cảng Pirée của Hy Lạp, đầu tư vào cảng Sines của Bồ Đào Nha, hải cảng Trieste ở miền bắc nước Ý đang bị coi là « con ngựa thành Troie » để Trung Quốc chinh phục châu Âu.

Vậy liệu rằng có quá trễ để Bruxelles « cân bằng hóa » quan hệ với Bắc Kinh ? Câu hỏi này được đặt ra khi biết rằng, Trung Quốc luôn thực hiện một chiến lược rất lợi hại, đó là chia để trị. Trong khi đó, kế hoạch hành động của Ủy Ban Châu Âu đòi hỏi Liên Âu phải đoàn kết để ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh. Nhất là như báo động của nhà Trung Quốc học, ông François Godement thuộc viện nghiên cứu độc lập Institut de Montaigne, Trung Quốc luôn đem tiền ra dụ dỗ các đối tác, nhưng người khổng lồ châu Á này « hứa hẹn thì nhiều, mà đầu tư thật sự thì chẳng bao nhiêu ».

Còn theo chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau du Rocher, tác giả tập sách « Trung Quốc và/là Thế giới - La Chine e(s)t le Monde », nhà xuất bản Odile Jacob, Liêu Hiệp Châu Âu cần nhanh chóng đưa ra một chính sách rõ ràng với Trung Quốc, bởi vì hiện tại Bắc Kinh còn đang cần công nghệ của châu Âu. Đó là một lá bài quan trọng để Bruxelles mặc cả với Bắc Kinh.

Đòi hỏi tìm được một tiếng nói chung để đàm phán với Trung Quốc càng cấp bách hơn nữa trong bối cảnh hai ông khổng lồ thế giới là Bắc Kinh và Washington đang đọ sức trên bàn cờ thương mại. Một nghiên cứu gần đây của quỹ Eurofound cho thấy càng bị Donald Trump dồn vào chân tường, Tập Cận Bình lại càng dốc toàn lực vào châu Âu, và như vậy, Trung Quốc lại càng trở thành một mối cạnh tranh nguy hiểm trên Lục Địa Già.
Reply
#2
Tập Cận Bình bị 2 quan chức Philippines kiện ra tòa án quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị hai cựu quan chức cao cấp của chính phủ Philippines vừa đệ đơn kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chống nhân loại do những hành động "tàn bạo" của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Philippines với đề nghị tòa truy tố lãnh đạo Trung Quốc này.

[Image: attachment.php?attachmentid=1353613&stc=1&d=1553194628]

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario họp báo ngày 26/03/2015. Reuters

Ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng và bà Conchita Carpio Morales, nguyên là lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines, đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines « bị bách hại » do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông).

Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales viết : « Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước. »

Đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines nêu rõ chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gởi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập tòa án ICC 17/03/2019. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này vào tháng 02/2018 tiến hành « xem xét sơ bộ » về tội ác chống nhân loại mà tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động.
Reply
#3
 Sự thừa nhận của ông Tập về "sai lầm lớn" của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có phát biểu gây sốt. Ông Tập thừa nhận lợi thế của phương Tây về kinh tế, quân sự và 'sai lầm lớn' của Trung Quốc.

[Image: attachment.php?attachmentid=1359433&stc=1&d=1554155921]

Sau hơn sáu năm kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc, mới đây Qiushi, tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản nước này, lần đầu tiên xuất bản trích đoạn bài phát biểu của ông Tập vào đầu năm 2013, trong đó cảnh báo về những rủi ro mà đảng phải đối mặt, theo Reuters.
Trích dẫn Karl Marx và Engels, ông Tập cho rằng chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản, nhưng đó sẽ là một quá trình lịch sử lâu dài. Bắc Kinh đang thực hiện cái được gọi là chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc.

Trung Quốc phải "đánh giá đầy đủ thực tế khách quan về lợi thế lâu dài của các nước phát triển phương Tây trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và quân sự, đồng thời chuẩn bị chu đáo cho tất cả các lĩnh vực hợp tác và đấu tranh lâu dài giữa hai hệ thống xã hội", ông Tập nói.

Đảng cũng cần phải "đối mặt với thực tế rằng một số cá nhân so sánh thiếu chính xác những phẩm chất tốt đẹp của các nước phương Tây phát triển với sự phát triển xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, và đưa ra những lời chỉ trích về điều này", ông nói thêm.

Dù đảng phạm phải "những sai lầm lớn" như cuộc Cách mạng Văn hóa - khiến con cái phản kháng lại bố mẹ và học sinh lên án giáo viên sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố chiến tranh giai cấp - lịch sử của đảng "nói chung rất vinh quang", ông Tập nói.

Những người chỉ trích cuộc cách mạng - đã đưa Đảng Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949 - chỉ đơn giản là cố gắng kích động để lật đổ đảng. Nhưng Trung Quốc cần nhìn vào những cuộc cải cách kinh tế mang tính bước ngoặt bắt đầu từ năm 1978, khi đó đảng vẫn không hề sụp đổ. Trung Quốc đã chứng minh những người phản đối rằng họ đã sai, Chủ tịch Trung Quốc nói thêm.
"Cả lịch sử và thực tế cho chúng ta biết rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc mới có thể phát triển Trung Quốc. Đây là kết luận của lịch sử và sự lựa chọn của người dân", ông Tập khẳng định.
Reply