Thái Nguyên: Vụ lùi xe trên đường cao tốc 4 người chết
#1
Vụ lùi xe trên đường cao tốc 4 người chết: Cần hủy án điều tra lại 

 05/11/2018 07:58


 Hủy án, điều tra lại - là ý kiến của các chuyên gia về bản án mà tài xế Lê Ngọc Hoàng, lái xe container vừa bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án 6 năm tù vì đâm vào xe Innova đang chạy lùi trên đường cao tốc.


[Image: tainan-1541155844108963538373-1541326577...292188.jpg]
Hiện trường vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Ảnh: Tư liệu


Trong hai ngày 1 và 2-11, TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án và tuyên phạt: bị cáo Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) 6 năm tù giam; bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) chạy lùi trên cao tốc 9 năm tù.

Bản án của cấp phúc thẩm đã gây ra một làn sóng trong dư luận mấy ngày qua.

2 xe đâm nhau hay container đâm Innova?

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, vị trí xảy ra tai nạn thuộc khu vực có biển báo hiệu có đường rẽ nhập làn đường cao tốc, đồng thời tại thời điểm này xe Innova do tài xế Sơn điều khiển đang đi lùi. Tuy nhiên, tài xế xe container đã không sử dụng phanh cho đến trước khi đâm vào xe Innova.

Một thẩm phán tại TP.HCM cho rằng khu vực xảy ra tai nạn có biển báo lối rẽ ra, đây chính là nguồn nguy hiểm mà các tài xế cần phải rà phanh, giảm tốc độ.

Theo hồ sơ thì tài xế Hoàng chỉ đạp phanh khi còn cách xe Innova khoảng 10m và quãng đường mà 2 xe đi theo vận tốc và quán tính là 38m.

Khi tài xế xe container phát hiện xe Innova đang chạy lùi trên cùng làn đường, xét về ý thức người lái xe thì phải vận dụng mọi cách để giảm thiểu thấp nhất việc va chạm.

Tuy nhiên, trong hồ sơ này cũng thể hiện trên đường là vệt bánh xe kéo dài 48m, mà chưa tính toán đến tải trọng của xe, quán tính, vận tốc dẫn đến vết trượt của xe sau khi phanh: nếu chưa có chướng ngại vật là bao nhiêu, nếu có chướng ngại vật thì vệt phanh kéo dài được bao nhiêu?

Các cơ quan tố tụng buộc tội tài xế Hoàng vì đã đâm xe vào xe Innova, nhưng cơ quan giám định cho rằng xe Innova đang chạy lùi. Nếu đúng như vậy thì là 2 xe đâm vào nhau chứ không phải xe container đâm vào xe Innova như nhận định của vụ án. 

Đồng thời vị thẩm phán này cũng cho rằng một bản án gây quá nhiều tranh cãi thì cấp thẩm quyền cần xem xét lại để cho ra một bản án thấu tình đạt lý.



[Image: tai-nan-giao-thong-1479624547-1541340786...098800.jpg]
Toàn bộ phần sau của chiếc xe Toyota Innova bị hư hỏng nặng. Vụ tai nạn làm 4 người tử vong - Ảnh: Tư liệu


Nguyên nhân chính: do tài xế Innova

Theo thạc sĩ, luật gia Phạm Văn Chung, nguyên nhân chính gây ra tai nạn do tài xế Sơn lùi xe trên cao tốc, người đang điều khiển ôtô có nồng độ cồn cao, chở quá số người quy định.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử (HĐXX) cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm lại căn cứ vào quy định "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước" tại thông tư 91/2015 của Bộ GTVT để xử phạt tài xế container là chưa chuẩn.

Theo quy định tại thông tư số 91, khoảng cách tối thiểu giữa các xe chạy tốc độ từ 60 - 80km/h là 35m. Khoảng cách này được hiểu là khoảng cách phía trước, cùng chiều đối với xe đang tham gia giao thông, phải đảm bảo góc 90°, nếu đường rộng cũng phải từ 75° trở lên. Do đó, việc giữ khoảng cách an toàn trong tham gia giao thông là áp dụng cho hai xe cùng chiều, cùng tịnh tiến. Việc HĐXX áp dụng khoảng cách an toàn cho một xe tiến, một xe lùi là không đúng.

Trên đường cao tốc còn có những đặc thù riêng như: xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; bảo đảm giao thông liên tục và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định... đặc biệt là cấm tuyệt đối hành vi lùi xe.

Ngoài ra, giám định hộp đen cho thấy việc giảm tốc độ từ 62km/h xuống 0 là nỗ lực của tài xế Hoàng, chứng minh anh Hoàng có ý thức tuân thủ pháp luật, phòng tránh tai nạn.

Do đó, việc HĐXX cho rằng anh Hoàng vi phạm khoảng cách an toàn giữa 2 xe để phạt tù là không thuyết phục và trái tinh thần pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 11, Bộ luật hình sự 1999 thì "người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Như vậy, trong trường hợp này anh Hoàng đủ điều kiện để không phải chịu trách nhiệm hình sự.



[Image: img1518-15412531752691901256840-15413413...610432.jpg]
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa 


Kết tội phản khoa học và thực tiễn?

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM, trong bản án, tòa phúc thẩm nhận định lỗi trong vụ tai nạn giao thông này là "hỗn hợp". Trong đó lỗi của tài xế Hoàng là không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện. Tòa lập luận khi cách xe Innova 30m, tài xế Hoàng mới phát hiện xe phía trước đang lùi rồi mới giảm tốc nên xử lý không kịp.

Vấn đề khoảng cách an toàn được quy định tại điều 26 Luật giao thông đường bộ, theo đó "xe chạy liền trước xe của mình" phải được hiểu là xe cùng chiều, trên cùng làn đường và không vi phạm Luật giao thông đường bộ. Trong trường hợp này, tài xế xe Innova đã điều khiển xe trái luật, không chạy cùng chiều với xe container, lùi xe trên cao tốc không thể xem là "xe chạy liền trước" như quy định.

Theo điều 12, thông tư 91/2015 của Bộ GTVT thì khoảng cách an toàn giữa 2 xe trên đường cao tốc khi chạy với tốc độ từ 60km/h đến dưới 80km/h là 35m. Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m, tức vi phạm 5m và xem đó là căn cứ buộc tội.

Tuy nhiên, tòa lại chưa xác định được tốc độ di chuyển ngược lại của xe Innova về hướng xe container là bao nhiêu và khả năng (vật lý) gây tai nạn nếu xe Innova đứng yên? Điều này là hết sức vô lý, phản khoa học và thực tiễn.

Trong trường hợp chưa làm rõ hoặc không làm rõ được các yếu tố mang tính kỹ thuật đó thì không thể kết tội tài xế container. Trong bối cảnh văn hóa giao thông của nước ta cực thấp so với các nước trong khu vực, hoạt động tư pháp cần hướng đến trừng trị những hành vi vi phạm pháp luật giao thông, bất chấp tính mạng của mình và người khác. Tài xế xe Innova trong vụ án này là một ví dụ, nếu anh ta có ý thức tuân thủ pháp luật giao thông thì tai nạn đã không xảy ra.

Trừng trị không đúng người, đúng tội sẽ làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật, gây bất công trong xã hội và không có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa.



Phải tính quãng đường sau khi đạp phanh của xe container

Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo tính toán của ông Hùng, kết luận của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy vết phanh xe kéo dài 48m, trong đó có 10m được xác định trước khi 2 xe đụng nhau.

Tuy nhiên, theo tính toán của ông Hùng, trong điều kiện mặt đường khô ráo, phẳng cùng với tải trọng hiện có của xe container và vận tốc 62km/h thì quãng đường đạp phanh để xe dừng hẳn là khoảng 46m.

Như vậy, cần phải xem xét về việc Hoàng có giảm tốc độ trước khi va chạm với xe Innova hay không?

Chiều 4-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của TAND tối cao cho biết đã nắm được thông tin của vụ án. Nếu bản án có sai sót thì tòa có thẩm quyền sẽ xem xét lại, cụ thể ở đây là TAND cấp cao tại Hà Nội.


Reply
#2
Cựu thẩm phán dùng bằng giả không xét xử vụ xe container tông Innova
  • 13:50 04/11/2018

Bà Nguyễn Thị Nga, cựu thẩm phán TAND TP Thái Nguyên bị thu hồi bằng Đại học vì dùng bằng THPT giả, không tham gia xét xử vụ án xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc.

TAND tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm ngày 2/11 đã quyết định giảm án cho 2 tài xế xe Toyota Innova và xe Container trong vụ án lùi ôtô Toyota hiệu Innova trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên gây tai nạn thảm khốc khiến 4 người tử vong.

[Image: 11541161773145195613647.jpg]
Hai bị cáo tại phiên toà: Bị cáo Ngô Văn Sơn (trái ảnh), bị cáo Lê Ngọc Hoàng (phải ảnh).

Theo đó, HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Toyota Innova) từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Theo hồ sơ, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái xe Toyota Innova 8 chỗ chở 10 người đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên, có chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do xe vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn đã cho ôtô đi lùi, sát hàng rào bên phải.

Cùng lúc, anh Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 - 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc xe Innova phía trước, cách khoảng 70 m đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ôtô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn rồi tông vào đuôi chiếc xe Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.

Tài xế Sơn bị cáo buộc vi phạm 3 lỗi: Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ôtô trên đường khi có nồng độ cồn và chở khách vượt quá số người quy định. Trong khi đó, tài xế Hoàng bị xác định đã không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.

[Image: 215413024884221184725849.jpg]
Hiện trường vụ tai nạn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng Lê Ngọc Hoàng đã vi phạm khoảng cách an toàn giữa 2 xe. Căn cứ biên bản và sơ đồ hiện trường cùng lời khai những người liên quan cho thấy Hoàng đã quá tự tin chuyển được xe sang làn khác để tránh va chạm với xe Innova do Sơn điều khiển. Khi đã đến quá gần, Hoàng mới phanh "chết", dẫn tới tông vào xe của Sơn.

Sáng 11/4, luật sư Giang Hồng Thanh Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo Lê Ngọc Hoàng, cho rằng quyết định của cấp sơ thẩm là chưa phù hợp. Các tình tiết trong vụ án mà TAND tỉnh Thái Nguyên và Thị xã Phổ Yên quy kết là thiếu thuyết phục và chưa đủ khép tội bị cáo Hoàng vào tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích thêm anh Hoàng đi cách xe Innova 60-70 m. Hơn nữa, tốc độ trước đó của xe Innova là 80 - 90 km/h, còn tốc độ của xe anh Hoàng chỉ trung bình 65 km/giờ. Hai xe nếu cùng tiến thì xe Innova chỉ có thể càng lúc càng vượt xa xe anh Hoàng.

Luật cũng quy định: "Giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình". Do đó, nếu xe Innova chạy liền trước xe của anh Hoàng thì khoảng cách 60 m là an toàn theo quy định của điều luật.

"Tuy nhiên, thực tế xe Innova đã chạy lùi trên đường cao tốc. Vì vậy không thể buộc xe của anh Hoàng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy lùi, nếu muốn đáp ứng điều này, xe của anh Hoàng cũng phải lùi"- luật sư Thanh phân tích.

Theo luật sư Thanh, do khoảng cách an toàn giữa hai xe đã bị triệt tiêu vì xe Innova đi lùi, nên phần xe phía ghế lái xe đầu kéo (bên trái xe) đã va chạm với phần xe phía đuôi bên phải xe Innova, đẩy xe của Sơn tiến về phía bên phải khiến xe của Sơn tông vào lan can mép phải đường cao tốc rồi cả hai xe dừng lại.

Trong tình huống này, không chỉ riêng Hoàng mà bất cứ ai cũng đều không thể nghĩ được rằng, chiếc xe trước mặt lùi chuyển làn đột ngột như vậy... Tình huống này được coi là "Sự kiện bất ngờ theo quy định của bộ luật Hình sự 1999".

Luật sư Thanh trích dẫn: "Điều 11 Sự kiện bất ngờ thì người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".

"Sau khi kết thúc phiên toà phúc thẩm, vợ của anh Hoàng là Vũ Thị Thúy cho rằng quyết định của HĐXX là không phù hợp. Qua đó, mong muốn làm giám đốc thẩm lên TAND Cấp cao hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Bây giờ phải đợi bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên để có căn cứ, cơ sở để làm việc này" - luật sư Thanh nói

Vụ án này rất được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi, trong đó nhiều người tỏ ra bức xúc, không đồng tình với mức án của tài xế container phải nhận. Có thông tin còn cho rằng vụ án này do cựu thẩm phán toà TP Thái Nguyên là bà Nguyễn Thị Nga (người dùng bằng cấp 3 giả bị Trường Đại học Luật Hà Nội thu hồi bằng luật) xét xử.

Về việc này, sáng 11/4, một lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên khẳng định bà Nguyễn Thị Nga không liên quan gì đến vụ án này. "Trước đó, vụ án sơ thẩm do một HĐXX của TAND thị xã Phổ Yên xét xử , đến phiên xét xử sơ thẩm vừa rồi, do TAND tỉnh xét xử thì bà Nguyễn Thị Nga đã bị đình chỉ từ lâu" - lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên nói.
Reply
#3
Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên dùng bằng giả

04/11/18 06:43 GMT+7


Ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội vừa ký quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên vì dùng bằng cấp 3 giả.

[Image: 835c826b392dd073893c.jpg]
Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vừa bị thu hồi (Ảnh: Thế Kha).


Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, ông Lê Tiến Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội kiêm Thứ trưởng Bộ Tư pháp - vừa ký Quyết định số 2673/QĐ-ĐHLHN thu hồi bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đối với bà Nguyễn Thị Nga (SN 19/7/1976 tại Thái Nguyên), tốt nghiệp năm 1998 chuyên ngành Tư pháp, hạng Trung bình, số hiệu bằng B36704.


Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Nga đang là thẩm phán sơ cấp TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.


Văn bản do ông Nguyễn Văn Chung - Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên gửi Ban giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết bà Nguyễn Thị Nga đang có đơn tố cáo với nội dung sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH giả.


Trong công văn trả lời TAND tỉnh Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định, bà Nguyễn Thị Nga “hỏng thi” tại kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 tại Hội đồng thi trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ (nay là tỉnh Thái Nguyên).


Kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hóa học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. “Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH”- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.


TAND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xác minh tại Trường PTTH Đồng Hỷ về các nội dung thông tin trên bằng tốt nghiệp (bản sao có công chứng) của bà Nguyễn Thị Nga, đối chiếu với Sổ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông được lưu giữ tại Trường PTTH Đồng Hỷ.


“Qua xác minh thấy các thông tin về số hiệu bằng, số vào sổ cấp bằng là của một người khác, không phải của bà Nguyễn Thị Nga”- văn bản của ông Nguyễn Văn Chung cho hay.


Theo giải trình của bà Nga, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp PTTH, bà có làm đơn phúc khảo bài thi, sau đó được cấp 1 Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để bà Nga đăng ký dự thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội.


Bà Nga đã trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội và đến ngày 2/4/1999 được Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tốt nghiệp công nhận cử nhân Luật.


“Số hiệu văn bằng tốt nghiệp cử nhân Luật và Bảng ghi kết quả học tập do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp cho bà Nguyễn Thị Nga sẽ không còn giá trị kể từ ngày ký quyết định này (7/9/2017)”- quyết định của ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội nêu rõ.


Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã gửi văn bản báo cáo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và TAND tỉnh Thái Nguyên để phối hợp xử lý vụ việc này.
Reply