2018-10-26, 02:24 AM
KON TUM PHỐ NÚI NĂM XƯA
Tác giả: Minh Nguyệt
Khi Quân đến được thị xã Kontum thì thành phố đã lên đèn. Cơn mưa bão vẫn còn chưa dứt được. Gió thổi tung bay những chiếc lá vàng từ những cội cây thật cao. Lá chiếc chiếc chồng lên nhau trên mặt đất sũng nước. Trên những nhánh nhỏ của hàng cây xào xạc văng vẳng lời chim rú. Hai bên đường cỏ non mọc cao, vươn lên những cánh nhọn sắc như dao trên bàn chông. Những bông hoa mười giờ e ấp khoe sắc ẩn mình trong cỏ. Đường vắng không một bóng người, hoang vắng như một thị xã chết. Cả khách sạn nằm tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn đằng trước mặt cũng chỉ có vài bóng đèn tỏa ánh sáng vàng vọt không đủ sáng. Cơn mưa bão Kontum vẫn vậy, chập chùng thổi qua đồi núi, gào thét ầm ỉ cùng dòng sông Đắk Bla, vốn là một nhánh của dòng sông Pô Cô. Tiếng nước ầm ầm, trầm bỗng như một giai điệu âm hưởng ngân nga cùng sấm sét chớp ngang trời, rung chuyển cả chiếc cầu vắt ngang sông. Nước sông đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết trên ghềnh đá. Mưa trên Tây Nguyên vẫn như năm nào, vẫn luôn bất chợt và hung dữ, sũng đầy nước, ngập đầy những hố sâu, róc rách qua hàng mương nhỏ, xối đầy trên máng, thổi tạt trên mặt người tha phương những giọt nước mát lạnh, mang theo hương vị ngọt ngào hoang vu của rừng núi Tây Nguyên an tĩnh nhưng thâm u cổ kính.
Quân thấy bóng của mình xiêu vẹo trên mặt đường bóng loáng. Mưa lất phất trên mặt anh nhưng anh không buồn kéo dù che. Bầu trời tối cuồn cuộn những vầng mây sa thấp, đen thẳm. Lăn lốc ở một góc đường là một cái thùng rác nhôm. Hình ảnh một chiếc thùng rác nhôm nằm ở góc đường khiến Quân ngạc nhiên. So sánh với những thành phố khác trên lộ trình Việt Nam mà Quân đã đi qua, đường xá của Kontum sạch sẽ hơn anh tưởng nhiều. Quân vẫn thường mường tượng đến một thị xã hoang vắng điêu tàn như ngày mà anh đã lặng lẽ ra đi nhiều năm trước. Anh đã rời thị xã như một bóng ma vô hồn, cũng vào nửa đêm khuya khoắc, cũng trên chiếc xe lam đầy nhóc người, anh đã chui rúc trong một góc kín của xe như một tội đồ đang trốn chạy. Mẹ anh chỉ kịp vội nhét cho anh hai lượng vàng mà bà đã bao năm tần tảo bán buôn để dành được. Tuy bà cố che dấu nhưng đôi mắt của bà đỏ mọng sưng lên. Có lẽ tối hôm đó bà đã khóc nhiều, và có lẽ bà đã quỳ trước bàn thờ Phật cầu nguyện suốt đêm cho người con trai của bà được đi một chuyến trót lọt, không còn phải nặng nợ cơm tù, và trở về rách nát như một kẻ hành khất trong cơn đói khổ tuyệt vọng sau mỗi lần vượt biên bị thất bại.
Con mưa bão vẫn hung dữ, gõ đập suốt đêm làm rung chuyển cả trời đất, nhưng sáng hôm sau lại trời quang mây tạnh. Sau khi uống ly cà phê nóng, ngắm nhìn con phố trước mặt hiện giờ đã không còn quen thuộc, Quân hồi tưởng lại chuyện lúc xưa. Lúc đó, ba Quân vì là quân nhân mới được thuyên chuyển lên Kontum. Chính vì vậy, ông đưa cả gia đình và bà Nội và hai người chú, chú Hiệp và chú Thanh của anh cùng lên theo. Lúc mới lên Kontum, chú Thanh và Chú Hiệp phàn nàn với ba mẹ Quân là phố xá gì mà buồn thiu, chẳng bì với Sài Gòn, chưa đến mười một giờ là nhà ai nấy đóng cửa im ỉm. Con phố đi một vòng thì đã hết mất, vậy mà ba của Quân lại dám tán tụng với cả gia đình là Kontum đẹp có tiếng, đẹp hơn cả Đà Lạt vì Kontum vốn có trước Đà Lạt. Ông còn đưa ra bằng chứng cho mẹ và bà Nội của Quân là đã từng có một thi sĩ đã ví von Kontum là “Thị xã già nằm trên nóc Tây Nguyên.” Chỉ có cái xứ sở duy nhất này, một con gà gáy cả ba quốc gia đều nghe, vì Kontum có đường biên giới chung với Lào và Campuchia. Kontum được Tạo hóa đãi ngộ với nhiều phong cảnh thiên nhiên, nước non hữu tình. Ba của Quân có kể cho anh nghe là, theo ngôn ngữ của người Thượng Bana, Kon có nghĩa là làng, Tum có nghĩa là hồ. Kontum có nghĩa là Làng Hồ, Quân nghe nói là Kontum được gọi là Làng Hồ vì khu vực này trước kia vốn có một cái hồ nước rất lớn.
Hai mươi lăm năm trước đó. Hình ảnh này vẫn còn sống động mãi trong Quân. Bây giờ anh tìm về Kontum. Anh muốn về tìm lại cảnh sắc xưa kia của Kontum, thị xã yêu quí của anh vốn nhỏ bé như nằm trong lòng bàn tay, hun đúc bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu nghịch ngợm phá phách và ngây thơ. Gió nhiệt đới và khí hậu nặng nề của tháng Bảy lao chao nỗi nhớ đến tuyệt vọng. Quân xuống xe, ngẩng đầu nhìn khách sạn trước mặt. Ngày mai, ngày mai Quân sẽ mong đợi ở gì ở con phố xá ngày xưa, chất chứa đầy kỷ niệm này? Liệu anh có còn tìm thấy những con phố cũ, ngôi chùa già nép bóng sau lùm trúc, những con đường uốn khúc quanh co trong rừng hoang thâm u. Thấp thoáng trong rừng sâu heo hút thâm u đó là những nhà sàn, nhà nông nóc nhọn cao vút với kiến trúc độc đáo của dân thiểu số thí dụ như người Ba Na, vang vọng tiếng cười nấc nẻ thánh thoát của trẻ thơ Bana khi chúng vui đùa lẫn nhau, và những con dốc cao ngất ở cách Thị xã Kontum không xa. Ngày xưa, Quân thường ngồi bám cứng sau yên xe đạp của Chú Thanh, hoặc Chú Hiệp và cứ thế, ba chú cháu, hai chiếc xe đạp. Họ không cần đạp, cứ tha hồ thả cho chiếc xe đạp chạy vo vo xuống những con dốc dài thăm thẳm này, và tất nhiên, trò chơi tinh nghịch này cũng khiến họ nhiều lần đã bị lộn mèo đến mấy vòng vào lề đường. Mỗi lần như vậy, khi trở về nhà là họ thường dặn nhau, phải rón rén nhón gót vào bằng cửa sau vì sợ bà nội mà trông thấy mặt mày họ bị trầy xướt, hai đầu gối thâm tím thì thế nào họ cũng sẽ bị la vì cái tội chơi nghịch, nhất là sẽ gây nguy hiểm cho Quân, vốn là cháu đích tôn duy nhất được cưng nhất của bà.
Đó là chưa kể, vào trước mỗi mùa mưa lũ, ba chú cháu hay thích len lõi qua dãy khoai mì, thân cây nhỏ thẳng đứng với những chiếc lá xòe ra nhọn hoắt. Mỗi vụ mùa, bà nội của Quân thường trồng chung khoai mì, bắp và đậu xanh. Sau khi hái đậu xanh rồi, thì đến bắp, và khoai mì thì được nhổ lên, lấy củ, cắt lát, rữa sạch phơi khô, dồn thành từng bao bố lớn đem bán. Ba chú cháu Quân và bạn bè của hai người chú này, hay rủ nhau từ thị xã Kontum đi lên rẫy, giăng một cái lều trong rẫy thay vì nằm trong nhà sàn được dựng sẵn cho người làm việc. Họ kiếm ba cục đá, hái bắp, đậu xanh và khoai mì vùi nướng ăn chung. Tối đến, họ cùng nằm chung lều, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời giăng mắc đầy sao lấp lánh, kể chuyện ma, hù nhau và cười rúc rích. Lần đầu tiên giăng lều, vì không biết nên không cẩn thận, suốt đêm họ ngứa gãi đến tróc cả da thịt. Sáng hôm sau, khi nhổ lều, họ hoảng hồn khi thấy từng con sâu rọm đen thui, lông lá lỏm chỏm bò đầy trên áo họ, cổ họ, và cứ thế là họ tha hồ nhảy nhót lung tung, thay nhau phủi hoặc giũ sâu rọm từ trong mền, trong lều, và kể cả trên quần áo của họ. Và dĩ nhiên, là họ phải tắm rữa sạch sẽ, bôi thuốc hết cả tuần mới mong hết ngứa.
Quân thích nhất là chạy mưa. Thường mỗi khi cuối tuần, Quân theo ba má ghé rẫy chơi. Mùa mưa, ở bên này rẫy, Quân có thể thấy bao quát cả núi rừng mênh mông trùng điệp. Ngọn núi Ngọk Linh nằm trông như một cô thiếu nữ với mái tóc dài xõa đến tận chân trời. Đứng trong rẫy, nhiều lúc anh có thể nghe được tiếng mưa đổ rào rào trên lá, nhìn xa trông giống như một màn nước mỏng từ từ chạy tới; cả gia đình của Quân, và những người Thượng giúp làm rẫy cho gia đình cùng è nhau ù té chạy đến những thân cây cổ thụ cao núp mưa. Người nào chạy không kịp, bị mưa đuổi kịp là thế nào cũng bị ướt như chuột lột.
Thấp thoáng trên những triền núi của ngọn Ngok Linh, ngọn núi Ngok Phan và đỉnh Ngok Kring, đỉnh Ngọc Bôn Sơn, người Thượng và một số ít người Kinh làm rẫy, thường hay đốt cỏ mà sau khi được dẩy sạch, họ thường dồn lại thành từng đống, khói đen bốc cao cuồn cuộn. Họ luôn làm sạch trước rồi bắt đầu trồng chuối, trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai mì, trồng ngũ cốc trước khi tháng Năm mùa mưa đến. Có lúc, có người nào vô ý, đốt không khéo, hoặc vì trời nắng nóng quá, cỏ khô bốc cháy, thế là tiếng kèn la, tiếng nồi tiếng chảo chạm vào nhau inh ỏi, bà con từ bốn phương tám hướng, khắp ngã từ các ngôi nhà núp dưới tàng cây rậm rạp, túa ra, kẻ khiêng thùng nước, người vác sô, xách nước chữa lửa cho kẻ bị nạn, vì nếu họ chữa lửa không khéo, lửa dám bắc qua, làm cháy cả nhà rông, nhà tranh, nhà ngói, nhà gỗ và những đám rẫy xum xê cây ăn trái của họ, cho nên mọi người cùng nhau giúp đỡ người bị nạn. Đôi lúc, lửa cháy kinh hoàng quá, người Kinh và Thượng phải cùng đồng lòng, người cầm cuốc, kẻ cầm dao rựa, cào, dẫy sạch đi hết cỏ, hoặc chặt cây xung quanh chỗ cháy để lửa không thể cháy lan qua rẫy của họ. Đối với Quân, đây là cách chữa lửa hữu hiệu nhất của người dân làm rẫy ở Kontum.
Ngoài việc phá phách rong chơi trên rẫy, đùa nghịch hoặc uống rượu Cần với người Bana, người Gia Rai vân vân và vân vân, hai chú của Quân cũng có thú vui tung tăng cùng với sông nước của dòng Đắk Bla. Con sông này rất lạ vì nước nó chảy ngược dòng, cho nên vẫn thường có câu hò như thế này.
“Sông Đắk Bla nước chảy ngược dòng.
Trai đi có vợ, gái về có con… à ơi…
Năm xưa, cũng rất lạ là mỗi mùa mưa lũ thế nào cũng có hai người chết đuối ở con sông Đắk Bla này. Dân Kontum thường kháo nhau là hồn ma chết đuối, kiếm người thế chỗ. Mặc tình, chú Thanh và chú Hiệp cũng không ngại. Họ rủ Quân và bạn học chung trường Trung Học của họ, tha hồ mà bơi lội vùng vẫy dưới sông mỗi khi trời quá nóng nực. Vì còn nhỏ bơi yếu, họ thường không cho Quân ra chỗ sâu, nơi có dòng nước cuồn cuộn ở các ghè đá, mà bắt Quân chỉ được bơi vòng vòng ở những vùng nước cạn mà thôi. Điều đó là điều khiến Quân bực bội nhất, nhưng bực bội cách mấy cũng chẳng làm được gì, vì hai ông chú này của Quân canh anh rất kỹ.
Hảo tìm đến khách sạn khi Quân vừa cạn xong ly cà phê. Anh theo người bạn cũ ngày xưa xuống phố. Hảo đã khác xưa rất nhiều. Hảo đã kết hôn, và Hảo kể là anh đã ly dị vì vợ của anh không chịu nỗi cảnh nghèo khổ. Hảo đã từng vượt biên nhiều lần đến nỗi bị khánh kiệt, nên đã từ bỏ ý định. Sau khi ly dị, Hảo làm công cho một tiệm làm bánh mì, mỗi ngày được hai mươi mấy ngàn đồng Việt Nam, cũng tạm đủ sống. Người bạn xưa kia cũng Quân, giờ đây nét nhăn đã hằn trên mắt, có vẻ mặc cảm trước vẻ trắng trẻo thư sinh của Quân.
Quẹo đến cuối con đường Phan Thanh Giản, tiệm bánh mì Hữu Sanh của một người Trung Hoa đã không còn nữa. Khi quẹo trái, tiệm tạp hóa của mẹ Quân, quẹo trái hướng của đường Đình Lương Khế, ngày xưa cũng đã không còn. Thị xã Kontum qua ký ức của Quân, ngày xưa vắng vẻ, ít người, nhiều nhà trệt, nhưng bây giờ đã có nhiều nhà hai tầng được dựng lên. Hai hàng cây phượng vĩ lấp lánh nắng trên hoa đỏ cũng đã bị chặt bớt, chỉ còn lại rất ít. Cả hai lang thang một lúc lâu, họ đồng dừng lại bên cầu Đắk Bla, nhìn cây cầu mới xây, Quân ngậm ngùi hỏi, “Cầu cũ không còn nữa hay sao?”
Hảo gật đầu, “Nên nhớ ông đã đi xa những hai mươi lăm năm rồi. Với khoảng thời gian như vậy, cái gì cũng phải thay đổi phải không?”
Quân im lặng, rồi nói, “Còn rẫy của nhà Quân ngày xưa, bây giờ ra sao?. Có còn ai giữ lại trồng trọt gì không?” Hảo bật cười bâng quơ, châm lửa đốt thuốc hút, “Tất nhiên là không còn. Bây giờ ở khu rẫy đó, con dốc ngày xưa đó, họ đã xây nhà cửa tùm lum tùm la, bây giờ ông có đến đó xem, cũng không còn nhận ra nữa đâu.”
Quân lại im lặng. Hảo dừng lại ở một góc đường. Họ đồng ngẩng lên nhìn trời. Cơn mưa lại sắp tới. Mây đen vần vũ báo hiệu một cơn giông bão lớn. Hảo thở dài nói, “Lúc sáng này có đọc tin trên ‘internet’ hay không?” Quân hỏi, “Tin gì?” Hảo nhìn Quân, có một thoáng vừa kiêu hãnh vừa buồn tủi trong ánh mắt của anh, “Báo đăng tin là người Kontum bây giờ họ hiện đại lắm. Vào mùa mưa lũ này, dân chúng Kontum đã làm một sợ dây cáp băng qua con sông Đắk Bla, mỗi lần học sinh muốn đến trường hoặc họ muốn vượt sông, họ chỉ cần đu mình trên sợi dây cáp mỏng như dây đu trong gánh xiếc là có thể băng qua được dòng nước lũ nguy hiểm đó một cách dễ dàng.” Quân kinh ngạc, “Có chuyện đó hay sao?” Hảo nhún vai, “Dĩ nhiên là có. Muốn tôi lát nữa biểu diễn cho ông xem hay không? Bây giờ vợ con, con cái gì tôi cũng không có. Ông khỏi cần lo cho tôi.”
Quân cười nói, “Người dân Kontum cũng sáng kiến thật, rất điệu nghệ.” Hảo cũng cười theo, rồi hỏi, “Ngày mai về rồi hả?” Quân gật đầu. Hảo lơ đãng nhìn hàng phượng vĩ nói bâng quơ, “Mong là có ngày ông sẽ ghé lại về đây nữa.”
Quân không trả lời. Anh chỉ im lặng vì anh không biết anh phải trả lời bạn mình ra sao. Anh cũng không muốn trả lời. Vì thật sự, không ai biết được ngày mai. Anh có còn muốn trở lại nơi này nữa hay không? Anh không thể đoán trước được. Có lẽ, một ngày nào đó, sau khi anh kết hôn, anh sẽ dẫn vợ con anh về, và anh cũng sẽ kể cho con của anh những đoạn đời thơ ấu của anh, gia đình của anh, ông bà Nội và bà Cố, hai ông chú của chúng trên vùng đất Tây Nguyên ấm nồng này. Có lẽ sẽ như vậy.
Sáng hôm sau, sau khi ăn buổi cơm trưa với Hảo, Quân trao cho Hảo hai ngàn đô la làm vốn trước khi anh rời khỏi Thị xã Kontum. Kontum bây giờ đã thay đổi nhiều. Anh không còn tìm thấy vết tích kỷ niệm năm xưa nữa, còn chăng chỉ là một người bạn nghèo khổ, ao ước một đời sống dễ thở hơn. Kontum bây giờ không còn là của anh nữa. Ngày xưa thơ ấu, phá phách đã xa lắm rồi. Đúng vậy, Kontum phố núi năm xưa, nếu còn gì chăng nữa chỉ là bóng bụi mờ của thời gian, đã chôn vùi sâu tận đáy trái tim của anh…
Minh Nguyệt
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.