Giữa Lòng Quê Hương.
#1
Giữa Lòng Quê Hương

Tác giả: Minh Nguyệt

Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4


 
Nguyên nhìn những dãy nhà loang loáng bên dưới cánh máy bay. Lòng anh dường như vẫn phập phồng, có một luyến tiếc vô hình dấy lên trong tâm khảm làm anh muốn khóc. Phi trường Tân Sơn Nhất như một vết dầu loang kéo từng vệt dài đen thăm thẵm như bóng hình của cánh chim ma quái in trong vực sâu không đáy. Những con người  lố nhố lăn xăn trên đường, không khác gì những con kiến đang chạy tới chạy lui tìm mồi. Ý nghĩ đó làm Nguyên càng làm cho anh cảm giác ngậm ngùi hơn. Có lẽ, mẹ anh, những đứa em của anh ngạc nhiên ở quyết định của anh. Anh đã ra đi một cách âm thầm, không có gì để nói, cũng chẳng có lời gì để từ giả. Tất cả mọi ngôn từ như tắt lịm sau ý thức của anh. Đúng vậy. Anh không còn lời gì để nói. Anh không thấy giận họ.  Anh chỉ giận chính mình nhiều hơn. Anh giận mình quá lý tưởng. Anh giận mình sao lắm khờ dại. Anh giận mình đã lôi kéo Mỹ Nhi vào cuộc chơi lý tưởng của anh. Nó như một ngọn lửa bốc nhanh rồi cũng lụi tàn dần. Anh cảm giác mình như một hòn sỏi nhỏ, lăn từ đỉnh đồi xuống vực không có cách nào kiềm hãm được cho đến chân đồi, rồi nằm đó bất động, trơ trụi với thời gian, khi đã quá nhọc nhằn và mệt mỏi cuộc chơi.



[Image: 3_7_1339991677_76_1339981600-miss-teen-xuan-mai-13.jpg]



Rốt cuộc, phi trường Tân Sơn Nhất cũng biến mất. Những đám mây đen cuồn cuộn vần vũ lướt qua nhanh trên cánh máy bay. Mọi người ồn ào lố nhố trong những khung nhỏ hẹp với những dãy ghế dài. Những chiêc đầu gục xuống, thầm thì lẫn nhau. Có tiếng cười văng vẳng của một thiếu phụ, nghe như âm thanh ma quái chụp xuống. Có người ngẩng lên càu nhàu. Nguyên cười một mình, cố nén nỗi ngậm ngùi. Anh nhìn vợ. Mỹ Nhi đang mãi nhìn ra cửa sổ. Nàng không nhìn chồng. Nàng như đang chìm đắm trong thế giới riêng tư của nàng. Nguyên muốn biết nàng nghĩ gì, nhưng từ lúc anh mua vé máy bay đưa cho nàng. Nàng chỉ nhìn thoáng qua chiếc vé máy bay, rồi lặng lẽ thu xếp. Có lẽ nàng biết được kết cục này. Nàng chỉ làm việc của nàng, còn anh lặng lẽ làm việc của anh. Hai người không nói với nhau lời nào nữa. Nguyên thầm cảm ơn Mỹ Nhi đã không hỏi lý do đột ngột của anh. Có lẽ nàng hiểu anh quá rõ, nên chỉ lặng lẽ làm theo ý định của anh. Nguyên ngạc nhiên ở sự thản nhiên của Mỹ Nhi. Nàng đến và đi một cách thật tự nhiên, như một chuyến dạo chơi nhàn nhã bình thường, không có gì để bàn luận, cũng chẳng có gì để thắc mắc. Trong đôi mắt thâm sâu với đôi làn mi cong vút của nàng, Nguyên không tìm thấy một chút hứng khởi lẫn buồn phiền. Nàng chỉ thản nhiên, gần như ngây thơ trước quyết định của anh.

Nguyên khẻ rùng mình. Anh cảm giác làn hơi lạnh bao trùm lấy anh. Anh kéo chiếc mền trùm kín vai. Mỹ Nhi quay lại nhìn anh. Nàng mỉm cười, “Anh nên ngủ một chút.” Nguyên cũng mỉm cười, “Sao em không ngủ?” Mỹ Nhi lắc đầu, “Em chưa buồn ngủ.” Nguyên dịu dàng nói, “Em nên ngủ một chút.” Mỹ Nhi khẻ lườm anh, “Đã nói người ta không có buồn ngủ mà.” Nguyên phá lên cười trước vẻ hồn nhiên nhí nhảnh của nàng. Anh tinh nghịch nói, “Em nên ngủ, để anh có dịp ngắm nhìn em.” Mỹ Nhi lắc đầu,”Lại nữa rồi.” Nàng cười. Nguyên nắm tay nàng. Anh nói, “Em biết khi xuống phi trường John Wayne, anh sẽ làm gì trước tiên không?” Mỹ Nhi cười nói, “Không biết. Anh nói thử xem.” Nguyên cười nói, "Anh sẽ mua cho anh một cái Big Mac, còn em một cái pizza. Chúng ta ăn cho đến bể bụng mới được.” Mỹ Nhi bật cười, “Anh nói làm Mỹ Nhi thèm. Đã lâu lắm rồi, chúng ta không được ăn Pizza đó. Em nhớ Pizza Hut dễ sợ.” Nguyên  cũng cười nói, “Anh cũng vậy. Nhưng em đừng lo. Tuần đầu chúng ta về Mỹ. Chúng ta sẽ ăn Big Mac và Pizza Hut mỗi ngày.” Mỹ Nhi cười nhẹ, “Anh có chắc không đó, hay là anh lại chạy ra tiệm phở. Khi nào có thì mới nói đó nhe?” Nguyên cười. Lòng anh nhẹ hẵn đi. Hai năm. Không ngờ chỉ thoáng chốc mà đã hai năm trôi qua với bao nhiêu giấc mộng tuyệt vời, nhưng rồi thì…

Ngày XX Tháng XX Năm 19XX

Mỹ Nhi yêu quí.

     Anh đã về nhà rồi. Ngày đầu tiên, anh gặp mẹ anh, gia đình của anh. Anh thật xúc động vô cùng. Em có tưởng tượng được không? Anh đi vượt biên từ nhỏ, tưởng rằng không thể sống được trên biển cả, trong trại tỵ nạn, rồi lớn lên, cô đơn lạnh lẽo ở xứ người. Anh thật là mơ ước, có ngày sẽ trở về Việt Nam, sẽ sống cuộc đời của mình giữa lòng quê hương, sống giữa gia đình xưa kia của mình. Anh thật là vui sướng và hạnh phúc vô cùng. Đã bao năm, rốt cuộc anh có cơ hội được gặp mẹ của anh và mấy người em của mình rồi. Sẽ kể cho em nghe thêm trong email tới nhe, em cưng?  

Khi Nguyên về Hoa Kỳ, anh mua tặng cho Mỹ Nhi thật nhiều quà. Dễ thương nhất là chiếc gương nhỏ được chạm trỗ xà cừ hình người con gái  Việt Nam trong chiếc áo dài trắng và chiếc nón bài thơ. Khuôn mặt anh đen hẳn đi, nhưng rắn chắc và anh không ngừng cười, kể cho Mỹ Nhi nghe rất nhiều chuyện về quê hương. Anh còn khoe Mỹ Nhi từng bức hình về quê hương của anh, những đọt chuối vươn cao dưới nắng, những chùm mận đỏ hồng mơn mởn xum xê, những trái quít trĩu nặng trên cành. Anh nói, “Nhất định, lần sau em sẽ về với anh. Cô gái Mỹ Hóa như em phải biết Việt Nam như thế nào thì mới tri ân cha mẹ của em được.” Mỹ Nhi chỉ cười.

Ngày XX Tháng XX Năm 20XX

Mỹ Nhi yêu quí.

Em có tin hay không? Hôm nay, anh đi dạo Sài gòn. Thành phố đầy bụi. Những con người chen chúc nhau trên những khoảng đường thật nhỏ hẹp cùng với xe cộ lẫn lộn vào nhau. Lúc mới về đây, anh không biết cách băng qua đường. Thật khốn khổ vô cùng. Em có biết không? Anh phải mất đến gần mười phút mới băng qua đường được đó? Họ lái xe thật điệu nghệ, nhưng anh bảo đảm với em là có một ngày anh cũng sẽ lái xe lão luyện chen lấn được như họ.

            Hình như anh đã có một chút hứa hẹn, nhưng vì Mỹ Nhi vô tình nên không để ý. Nhưng từ dạo đó, anh về thường xuyên hơn.

Ngày XX Tháng XX Năm 20XX

Mỹ Nhi yêu quí.

            Tiếc qúa, em không thể đi được chuyến này với anh. Em cưng có biết không? Lần đầu tiên, mẹ anh lại mua cho anh xôi bắp được gói trong lá chuối xanh như ngọc, điểm thêm những miếng dừa trắng như tuyết và đậu phọng nữa. My God, ngon ơi là ngon. Anh không ngờ lại ngon như vậy. Suốt tuần đó, anh ăn toàn là xôi bắp mỗi buổi sáng đó, em có tin không? Nhưng sau một tuần thì anh ngán rồi. Anh đang suy nghĩ nên ăn món gì mới.”

Và anh điểm thêm những cái emoticons vỗ tay cười, thích thú với nỗi vui mừng hồn nhiên của mình. Từ năm 1975 đến giờ, cuối cùng anh cũng trở về quê hương, hạnh phúc khi tìm thấy lại tuổi chuỗi đời đã mất của mình. Anh vui sướng với những hạnh phúc thật nhỏ bè tầm thường, và cảm giác như anh đã tìm lại những gì anh đã mất suốt hai mươi bảy năm qua trên xứ người.

Có một lần, Mỹ Nhi cùng về Việt Nam với anh. Nàng cũng kinh ngạc và thích thú với một quê hương không giống trong sự tưởng tượng của nàng. Nàng không có nhiều  kỹ niệm như anh vì lúc gia đình của nàng qua Hoa Kỳ thì nàng còn nhỏ quá để nhớ, để có bạn, để có người rũ đi rong. Nàng giống như cô Alice trong câu truyện thần tiên Wonderland, ngơ ngác giữa lòng quê hương, không biết đi đâu và thỉnh thoảng xổ tiếng Mỹ, và kinh ngạc khi nghe những tiếng chữi thề của những kẻ qua đường. Nàng thích thú ngắm nhìn những món đồ cổ truyền xinh xinh và rưng rưng nước mắt trước hình ảnh của một bà cụ lưng còng, gần như gập đôi dưới sức nặng của đôi gánh, van vỉ nàng mua giùm nải chuối bầm. Nguyên nhìn nàng giúi vội tiền vào tay bà. Nàng như không còn ý niệm đồng tiền nữa. Nàng đòi chàng phải đổi cho nàng thật nhiều, và đêm xuống, nàng không còn đồng nào nữa, và cứ thế, nàng hạnh phúc trong hạnh phúc được nhìn thấy nét bừng sáng trên khuôn mặt nhăn nheo của những người già, những đứa bé mặt mày lem luốc chìa tay xin bố thí, và những kẻ tàn tật nằm lăn lốc ở một góc hè, níu chân nàng năn nỉ mong được giúp đỡ.

 Bỗng nhiên, có một ngày, Nguyên đề nghị với vợ, “Em nghĩ sao khi chúng ta về Việt Nam sống?” Mỹ Nhi kinh ngạc, “Anh không nói giỡn chứ?” Nguyên nhìn nàng, “Anh nghĩ chúng ta làm việc bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Hay là chúng ta bán nhà, mua vài chục mẫu đất cây ăn trái ở Việt Nam. Chúng ta cũng có nhà ở Việt Nam rồi. Anh cũng đã quá mệt mỏi với đời sống của mình ở Hoa Kỳ, quá nhiều tất bật. Chúng mình sống ở Việt Nam xem ra thoải mái hơn phải không?” Mỹ Nhi im lặng. Một lúc sâu nàng hỏi, “Anh có chắc chắn là anh muốn ở luôn ở Việt Nam không?” Nguyên nhìn nàng, “Anh thật muốn đó. Quê hương của mình mà.”

Mỹ Nhi không ngờ sự phản đối của gia đình nàng kinh khủng như vậy. Chị nàng, Mỹ Lan hét la um sùm, “Điên đến nơi rồi. Sao em không can nó? Bộ em tưởng về Việt Nam dễ sống lắm sao? Ở Việt Nam đi chơi thì được. Về đó, chị bảo đảm với em là hai đứa không sống được qua hai con trăng.” Mỹ Nhi bật cười, “Nói gì ghê vậy?” Chị Mỹ Lan nhún vai, “Đừng có thấy như vậy mà ham. Chị có bạn về rồi đó, chưa tới một năm nó chạy thật nhanh về Mỹ. Nó về Mỹ rồi thì không dám  hó hé gì nữa, có biết không?” Mỹ Nhi im lặng một chút rồi trả lời, “Anh Nguyên có mua một vườn cây ăn trái lớn ở Việt Nam, ngòai ra, còn có nhiều thửa đất lớn, nghe nói có cơ hội sẽ trở thành khu du lịch đó.” Mỹ Lan hét lên, “Nó điên không nói gì, không ngờ em cũng điên như nó. Đúng là looser mà, hết chỗ rồi về Việt Nam hay sao? Rồi sau này nuôi nấng con cái ra sao?”  Mỹ Nhi nói, “Em thấy chắc cũng không sao đâu. Thỉnh thỏang về Mỹ thăm cũng được mà. Huống chi, anh Nguyên cũng muốn sống với gia đình của anh lắm. Gia đình của anh rất thương anh và cả em nữa.” Mỹ Lan lườm nàng, “Dĩ nhiên rồi. Cứ lâu lâu được về, sắm nhà sắm cửa cho hết gia đình anh chị em, rồi còn mua quà cáp, toàn là đồ hiệu, gởi về mỗi lần cả chục ngàn sao không cưng được phải không? Chị bảo đảm với em đó. Khi ở Việt Nam rồi, họ sẽ rỉa tụi em không còn một đồng teng rồi lúc đó chạy về Mỹ không kịp.”  Mỹ Nhi nhăn mặt, “Nói gì mà ghê vậy?” Mỹ Lan nổi sùng, “Sao mà ghê? Sự thật trước mắt đó cô Năm. Chuyện đó xảy ra thiếu gì.” Mỹ Nhi vớt vát, “Nhưng đâu phải ai cũng vậy đâu.” Mỹ Lan lườm nàng, “Để đó mà xem. Để chị chống mắt nhìn hai đứa coi tụi bây sống ở Việt Nam  được bao lâu. Nói không chịu nghe. Để tao chống mắt lên mà coi.”



[Image: Ao-dai-di-san-van-hoa-viet-nam-mytour-5.jpg]



Mỹ Nhi không kể lại chuyện cho chồng nghe.  Nàng đã từng nghe nhiều câu chuyện đại loại như vậy, nhưng thấy vẻ hứng khởi vui mừng của Nguyên, nàng lại thôi, không bàn nữa. Có lẽ ở đâu cũng vậy, nhưng đối với anh, thật là quan trọng biết khi anh có thể trở về sống giữa lòng quê hương thân yêu mà anh đã trường hằng mong mỏi. Mỹ Nhi không nở làm anh thất vọng. 

Nhưng có lẽ, Mỹ Nhi không cần phải nói gì với Nguyên. Nỗi thất vọng của Nguyên đến thật bất ngờ, như tiếng sét giữa trời giông bảo, làm anh sửng sốt.

Ngày hôm đó, khi điện thọai reng, cả hai đang dùng cơm chiều. Nguyên đứng lên bắt điện thoại, “Anh biết chắc là điện thoại ở Việt Nam gọi về đó.” Anh cười nói. Mỹ Nhi mỉm cười, trông anh háo hức như một đứa trẻ khi nói chuyện với người nhà bên kia đầu dây, nhưng không lâu sau,  mặt anh đổi sắc, điện thoại rơi khỏi tay, anh đứng sửng bất động, lưng dựa vào tường. Anh bước lê từng bứơc, ngồi xuống ghế, mặt thẩn thờ ngây dại. Mỹ Nhi ngạc nhiên hỏi, “Có chuyện gì vậy cưng?” Nguyên lắc đầu, “Mẹ bán vườn của mình rồi.” Mỹ Nhi ngạc nhiên, “Vườn nào?” Nguyên thở ra, “Khu vườn cây ăn trái mà mẹ đứng tên giùm cho chúng ta đó. Anh hỏi tại sao mẹ làm vậy? Mẹ nói là biết anh sẽ buồn, nhưng mẹ không còn cách nào khác.” Mỹ Nhi im lặng. Nàng biết là nàng không nên nói gì trong lúc này. Nguyên đứng lên, đi ra sau. Mỹ Nhi đi theo, “Vậy bây giờ anh tính sao?” Nguyên im lặng, “Không có gì phải tính cả. Vé máy bay chúng ta đã mua rồi mà.”

Mỹ Nhi lại nín lặng. Nguyên đã quyết định. Anh tin là dù mất khu vườn cây ăn trái, nhưng anh vẫn còn những món lợi nhuận khác, và họ hàng của anh cũng hứa hẹn nhiều mối làm ăn. Mỹ Nhi muốn khuyên anh, nhưng rồi thôi. Có lẽ nên để anh vui với lý tưởng của anh, kinh nghiệm của anh. Có lẽ đó là giải pháp duy nhất…

Đúng vậy. Có lẽ đó là giải pháp duy nhất. Những ngày đầu ở Việt Nam, anh như con thiêu thân vui chơi nhậu nhẹt không ngừng với bạn bè cũ và người thân. Anh nói với Mỹ Nhi là anh đang xã giao để kiếm mối làm ăn. Mỹ Nhi không tin lắm, nhưng nàng vẫn chờ, nàng biết rằng ngày đó sẽ không xa. Những buổi tiệc, sinh nhật, đủ thứ lễ lộc không ngừng, những tháng ngày dài trôi qua hút mắt, nhưng Nguyên vẫn không đem lại được nguồn lợi tức nào về. Anh đi nhiều ngày với những chuyến buôn bán xa, nhưng rồi vẫn trở về tay không. Có một lần, anh điện thoại về cho Mỹ Nhi kể cho nàng nghe, “Mình là Việt Kiều, xài tiền thật không bằng những người ở đây. Anh thấy họ xài hoang phí mà thấy khủng khiếp. Mình thật không bằng họ. Em có tin không? Anh ở Hoa Kỳ, chưa bao giờ biết hối lộ là gì. Bây giờ thì…” Anh ngừng lại, có một chút gì cay đắng trong âm thanh của anh, rồi anh nói tiếp, “Buôn bán mà cũng phải luồn cúi. Thật là nhục nhã vô cùng.” Mỹ Nhi an ủi anh, “Nếu anh thấy vụ làm ăn này không xong thì không nên tiếp tục. Chúng ta có thể kiếm những mối làm ăn khác mà phải không? Anh về đi.”  Nguyên ngậm ngùi, “Anh đi lâu nay thật vô bổ. Làm gì cũng phải dè dặt. Nói gì cũng không được. Anh tốn bộn tiền rồi đó, nhưng anh ráng thử một chuyến nữa xem sao.”

Nhưng chuyến cuối cùng là một tai họa, không biết Nguyên cãi lộn với người một thương gia có máu mặt nào đó nên anh bị giam giữ mấy ngày trên Đà Lạt. Mỹ Nhi phải bay lên Đà Lạt, và với sự chỉ bảo của người chị chồng, cùng với xấp giấy bạc tiền riêng nhét cho bà chị chồng, Mỹ Nhi đón Nguyên về, anh có vẻ gầy hẵn đi, khuôn mặt xanh xao. Vừa bước vào nhà, anh nói với Mỹ Nhi, “Nó lột anh không còn đồng ten nào. Đúng là quân ăn cướp. Anh chán thật rồi. Không làm những mối làm ăn như vầy nữa. Anh nghĩ là mối làm ăn này thật không xong. Anh muốn nghỉ ngơi một thời gian để tính bước kế tiếp.” Mỹ Nhi im lặng một chút rồi nói, “Như vậy cũng tốt.” Nguyên hỏi, “Ở nhà có ai gọi điện thọai hỏi anh không?” Mỹ Nhi đáp, “Chị ba của anh.” Nguyên đang cởi giày và ngẩng lên, “Có phải muốn mượn tiền nữa phải không?” Mỹ Nhi gật đầu. Nguyên càu nhàu, “Ngày xưa ở Mỹ chúng ta có tiền, cho mượn thì không sao, nhưng bây giờ vợ chồng mình đâu có đi làm nữa đâu. Tiền bạc đem về tất nhiên phải tiện tặn chứ? Mỗi lần họ mượn, mượn đến cả chục ngàn đô la, bộ anh là chủ ngân hàng hả?”  

Nguyên tiện tặn thật. Điện thoại gọi liên tục khi nghe nói anh đã trở về. Họ mời anh đi ăn, đi tiệc, anh vẫn đi, nhưng không còn rộng rãi như xưa kia nữa. Mỗi lần, Mỹ Nhi đi theo chồng về nhà, lại có những tiếng chì tiếng bấc, nói rằng anh bị vợ giữ tiền nên đã không còn dám tiêu xài hoang phí nữa. Nguyên hùng hổ bênh vực vợ. Anh giận quá và la hét. Họ mỉa mai anh, “dân Việt Kiều mà kẹo kéo. Đúng là đồ thất bại mà. Chỉ có dân thất bại mới về Việt Nam sống mà thôi.” Câu nói đó như một tiếng sét, làm Mỹ Nhi giật mình, Nguyên cũng giật mình đứng bất động. Anh như cảm thấy được một sự thật mà lâu nay anh đã cố tình chối bỏ. Sự thật đó làm anh choáng váng, và anh cảm thấy được thực trạng rõ rệt của mình. Nó như một đoạn phim quay nhanh trước mặt, chỉ những khoảng đen tối lướt vun vút từ không gian thăm thẳm vô tận, cuốn hút anh vào đó, nhận chìm anh.

Sau ngày đó, điện thoại vắng dần. Anh bắt đầu bồn chồn. Bạn bè mỗi ngày một vắng bóng. Họ biết anh đã cạn kiệt, đã bắt đầu dè sẽn số tiền còn lại của mình. Không còn ai mời anh đi uống bia trong một quán cốc. Không còn ai rủ anh đi đánh tennis hoặc chơi banh trên một quảng trường xanh cỏ. Mỗi lần mẹ anh gọi qua đều nhiếc mắng anh là con bất hiếu, để vợ nắm giữ hết tiền bạc. Gia đình không chịu thương. Từ ngày lấy vợ anh đã thay đổi quá nhiều. 
Mỹ Nhi nín lặng trước những xáo trộn của chính họ. Quảng đời trôi qua trước mắt nàng như một đoạn phim được quanh chậm. Nàng chỉ im lặng, không buồn không vui. Nàng chỉ tội nghiệp cho Nguyên và thấy anh bắt đầu sa sút tinh thần. Anh như mất cả linh hồn, ngơ ngơ ngác ngác giữa lòng quê hương. Anh hầu như mất cả điểm tựa. Sợi dây mật thiết của gia đình, mối liên hệ giữa anh và gia đình như bị cắt dần từng đoạn ngắn và anh trở nên xa cách dần với họ. Mỹ Nhi cảm giác sợi dây đang căng dần, dường như sắp đứt.

Có một lần, Nguyên có hẹn với một người bạn củ đi ra quán ăn gặp mặt. Hai tiếng đồng hồ sau, anh gọi về, “Mỹ Nhi ra bệnh viện đón anh về.” Mỹ Nhi giật mình, “Anh có sao không?  Sao khi không lại ở nhà thương?” Nguyên trả lời gọn lỏn, “Bị chiếc taxi ủi, nhưng không sao. Em đến đón anh về đi. Lẹ lên nghe. Lúc nảy, tên bác sĩ đòi chích thuốc cho anh, nhìn cây kim đen thui làm anh giật mình. Hắn mà chích anh bằng mũi kim đen thui đó là anh không qua được đêm nay đâu.” Tuy đang lo, nghe chồng nói, Mỹ Nhi cũng phá lên cười. Chiều đó, hai người đi ăn, Nguyên lặng lẽ hẵn đi. Anh không còn nhiệt tình như xưa nữa. Ngọn lửa trong đôi mắt anh dường như đã tắt. Anh nguội lạnh với tất cả những gì diễn ra chung quanh anh. Những con đường sâu hun hút, bụi mù ô nhiễm của thành phố đầy bụi bậm đông người làm anh muốn nghẹt thở. Những hình ảnh nheo nhóc của những đứa trẻ lang thang bán vé số, một gã ăn mày nằm lăn ra trên đất ăn vạ khi một người bộ hành từ chối không bố thí. Một thanh niên lái một chiếc xe Mercedes vụt qua, cười ha hả. Anh đã quá quen với cảnh này rồi. Những người thanh niên con ông cháu cha tung bạc ngàn trong những câu lạc bộ, với những chai rượu hổ phách lóng lánh, và ngoài cửa, bên kia đường, một cụ già quyền áo rách rưới, nằm gục đầu trong ngỏ tối. Quê hương của mình đó sao? Bao giờ mới hết nổi bi thương này đây? Anh tự hỏi. Ta đã tìm thấy gì ở xứ sở  này. Giấc mộng vàng đã tắt ngắm như đốm lửa giữa hư không.



[Image: cfc3f54a9b36345b9ddffebeeca5ff59.jpg]



Một buổi sáng, Mỹ Nhi thức dậy, nàng đi xuống lầu. Nguyên đang ngồi ở chân cầu thang. Trong tay anh cầm gói xôi bắp, rắc đậu phọng và những mảnh dừa trắng. Anh ăn như người vô hồn. Mỹ Nhi ngồi xuống cạnh anh. Anh chìa xôi trước mặt nàng, “Em ăn không?” Mỹ Nhi mỉm cười, “Nhiêu đó không đủ cho anh ăn nữa là.” Nguyên càu nhàu, “Bây giờ sao xôi dở lạ kỳ. Anh nhớ lúc anh mới về, xôi bắp ngon lắm mà.” Mỹ Nhi im lặng. Nguyên nhìn Mỹ Nhi, chờ nàng lên tiếng. Mỹ Nhi chúm chím cười, “Không phải xôi không ngon đâu. Em nghĩ là anh nhớ Big Mac mà thôi.” Nguyên hỏi dò, “Em có nhớ Pizza Hut không? Đừng nói với anh là em không có nhớ đó? Pizza là món ruột của em mà.” Mỹ Nhi cười nhẹ, “Em không có Pizza cũng không sao mà. Thấy không, một năm rưởi qua, em có khi nào nói là thèm Pizza đâu.” Nguyên có vẻ thất vọng, anh cầm gói xôi đưa cho nàng, “Anh không thèm ăn xôi nữa. Bắt đầu từ bây giờ.” Mỹ Nhi trêu chọc anh, “Vậy bây giờ anh ăn Big Mac thay thế nghe, anh chịu không?” Mắt Nguyên sáng lên, “Em nói đó. Không phải anh nói đâu há? Anh chạy đi mua vé liền nghe? Chỉ một ngày sau là chúng ta có Big Mac với Pizza Hut ăn liền à.” Mỹ Nhi nhìn chồng, “Anh không đợi bàn thảo gì cả hay sao?” Nguyên lắc đầu, “Không. Không cần phải bàn thảo hay suy nghĩ gì nữa cả. Phải làm lẹ. Còn gì thì tính sau.” Không chờ nàng nói thêm, Nguyên phóng nhanh ra cửa…

            …Nguyên nắm chặt tay Mỹ Nhi. Tiếng động cơ của máy bay thật êm ả. Tự nhiên anh náo nức, nhớ đến đồng nghiệp ở công ty cũ của mình, nơi anh đã làm việc bao nhiêu năm và lời hứa hẹn của cấp trên. Anh nhớ đến những miếng French Fried thơm lừng chấm với nước sốt Catchup. Mỹ Nhi mỉm cười nhìn anh, “Bây giờ em phát giác được một điều.” Nguyên nhìn vợ rồi bật cười, “Anh hiểu rồi. Có phải muốn nói là anh bị Mỹ Hóa rồi không?” Mỹ Nhi cười lớn, “Nói đúng quá. Nè, em hỏi thật nè, chừng nào chúng ta sẽ về lại Việt Nam thăm gia đình?”

            Bỗng nhiên, Nguyên hỏi, “Em thấy chúng mình có giỏi không?” Mỹ Nhi nhìn anh, “Giỏi chuyện gì hở cưng?” Nguyên cười nói, “Chị Mỹ Lan nói chúng ta không sống nổi qua hai con trăng, ít ra chúng ta cũng sống được qua mười sáu con trăng.” Mỹ Nhi kinh ngạc, “Ủa, vậy anh có nghe hả?” Nguyên nhún vai, “Dĩ nhiên là anh có nghe. Anh biết chuyện đó, nhưng không biết tại sao lại cho là chị Mỹ Lan quá bi quan.” Mỹ Nhi mỉm cười, “Vậy bao giờ anh đồng ý với chị hả? Không ngừng quê hương của chúng ta cũng thật khó sống quá hở anh?” 

             Nụ cười tắt lịm đi trên môi của Nguyên. Anh không trả lời Mỹ Nhi mà chỉ thẩn thờ nhìn ra cửa sổ. Ở đó có một quê hương đang giật lùi sau lưng anh. Anh ngậm ngùi nói, “Anh còn quê hương hay sao? Anh còn gia đình hay sao? Anh đã mất nó ba mươi bốn năm trước rồi.”…


 
04/27/20XX

Minh Nguyệt


Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply
#2
Truyện hay  Thumbs-up4 Thanks Minh Nguyệt  Cheer Tulip4 Tulip4 Tulip4
Reply