Thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh (Phạm Thiên Thu)
#1
Không kể đến những lần tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang được gặp thầy, thậm chí có nhiều lần ngồi cạnh thầy trong giáo đường, và dĩ nhiên có nói chuyện với thầy, nhắc đến tác phẩm tiêu biểu của thầy mà tôi đã được biết và đọc từ những ngày mới vào Lớp Đệ Thất trường Nữ Trung Tiểu Học Trinh Vương Qui Nhơn, được thầy Vũ Linh Châu đọc cho nghe trong những giờ học môn Việt Văn, và cũng vì người bạn đời của thầy là chị Phiến Đan và con gái tôi ở cùng Ca Đoàn, biết tôi rất quý mến thầy nên khi tái bản quyển “Đời Phi Công” in lần thứ sáu, phát hành vào ngày 28/11/2017, thầy đã gửi tặng tôi một quyển có chữ ký của thầy (dĩ nhiên tôi rất quý, không phải vì thầy là một người nổi tiếng, mà vì thầy là Niềm Tự Hào của Người Việt Nam chúng ta vì những đóng góp cho nền Khoa Học, và Toán Học cũng như những đóng góp cho xã hội qua “Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh”).

[Image: Hoi-Khuyen-Hoc.jpg]

Lần đầu tiên chính thức cả 4 thế hệ gia đình chúng tôi đến thăm thầy gồm Mẹ Tôi, Tôi, Con Gái và Hai Cháu Ngoại là sau cuộc Hội Ngộ của anh em Không Quân được tổ chức tại Fort Rucker, vào tháng 10/2015. Lần đó thầy và Phiến Đan đã mua vé để tham dự cùng chúng tôi, nhưng đến giờ chót vì lý do sức khỏe, bác sĩ không cho thầy đi máy bay nên đành hủy, tôi chẳng có “dây mơ rễ má” gì với Không Quân, ngoài một số bạn xưa của liên khóa 72-73 Không Quân, nên tôi được các anh và các bạn nhờ layout và in “Đặc San Hội Ngộ Fort Rucker 2015” cũng như cùng anh Vượng (Anh của bạn Giao) làm MC cho cuộc gặp gỡ lần đầu trở về nơi đã đào tạo ra mười hai mầu mũ của Trực Thăng Không Quân VNCH (VNAF). Và sau cuộc trùng phùng với chủ đề “Ngày Trở Về”, lúc chia tay các anh lớn như Tr/T Lộc ở Houston (anh đã qua đời), anh Quý An ở San Jose, anh Vượng và một số anh em trong BTC không thể trực tiếp đến thăm thày nên tôi lại được nhờ đại diện anh em đến biếu thầy quyển Đặc San cũng như thăm hỏi thầy thay cho mọi người.

Trong cuốn Đặc San đó thầy cũng đóng góp cho chúng tôi một đoản văn ngắn bằng tiếng Anh “The Eagle’s Wings”, Tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi được ủy thác cho công việc này. Vì lòng trân trong và quý mến dành cho thầy; bởi thầy không chỉ là Người Lính đã từng giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân của Quân Lực VNCH, khi bọn chúng tôi còn đang học tiểu học, Thầy còn là Nhà văn, Nhà Khoa Học, Nhà Toán Học, Nhà Giáo với nhiều đóng góp và thành tựu được rất nhiều người trong giới Khoa Học Quốc Tế biết đến. Và hôm nay lần thứ hai, cách lần gặp thứ nhất đến tận Bảy năm tôi mới lại chính thức đến thăm thầy (Vì sau thời gian bị nạn dịch Covid hoành hành, dường như mọi sinh hoạt bình thường trước đây đã không còn như xưa, nên con gái tôi và người bạn đời của thầy cũng không thường gặp nhau để tập hát lễ).

Tôi được biết tin thầy và cầu nguyện cho thầy qua email báo tin của thầy Phụng Năng Trần, con gái tôi thì gặp nhạc sĩ Lê Tín Hương, người bạn thân của gia đình thầy cho biết tin, tôi hỏi số phone của Phiến Đan để hẹn đến thăm thầy, khi nghe tiếng con gái tôi thì Phiến Đan trả lời và nói: “Chị đang nghĩ đến em và mẹ em định gọi thì em gọi, mấy hôm nay chị bận lu bu vì mọi người đến thăm nên chưa kịp gọi cho em. Trong ca đoàn mình chị nhớ đến em trước nhất vì chị biết em và mẹ rất thương thầy, chắc thầy khó qua khỏi, nếu cơ thể không tái tạo được máu . . . ”

Tôi nghe thấy buồn quá, dẫu biết rằng số phận của con người rất mỏng dòn và nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, cho dẫu một sợi tóc trên đầu chúng ta rơi xuống cũng không ngoài Ý Thiên Chúa. Vậy nên tôi nóng lòng đến thăm và gặp thầy, muốn nắm lấy bàn tay của thầy lần nữa, tôi sợ như năm trước, khi đi Seattle mà tôi không kịp đến thăm chú Phạm Hậu (nhà thơ Nhất Tuấn của Truyên Chúng Mình mà tôi cũng đươc biết đến qua thầy vũ Linh Châu từ năm Đệ Thất, và sau này khi chú đến Cali đã cùng cô Hoàng Oanh, người bạn đời đến nhà thăm “Cô học trò Đệ Thất năm xưa”, và dùng cơm với gia đình, cùng với thày cô Vũ Linh Châu, vậy mà tôi đã không đến thăm được, cho tới khi đọc được tin chú mất qua lời chia buồn của ĐSKQ - Bắc Cali, đã khiến lòng tôi ray rứt mãi không nguôi).

Tôi sợ lắm, sơ những cây cao, bóng cả của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta một ngày nào đó không còn được ai nhớ đến, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn tin vào câu nói của Tướng Douglas Mac Arthur “Old soldiers never die, they just fade away” Vâng, tôi muốn nhắc lại và sửa đi đôi chút: “Người Lính Già, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chết”. Cũng thế, thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh không bao giờ chết, vì còn rất nhiều học trò và người mến mộ cũng như những đóng góp thầy để lại cho đời sẽ làm cho hình ảnh và đức độ của thày luôn sống mãi trong lòng rất nhiều người. Nhất là khi một người đã đi xa nhưng luôn có người còn trạm trần thế này tưởng nhớ đến, thì người đó không chết bao giờ, và tôi biết chắc có rất nhiều người luôn nhớ đến Thầy, và chắc chắn tôi cũng là một trong số những người đó . . . Nhưng dĩ nhiên tôi vẫn nguyện cầu mỗi ngày cho có một phép lạ nào đó giúp thầy ở lại với chúng ta, và đồng thời cũng cầu xin Chúa cho Thầy có đủ Sức và Niềm Tin cũng như Hy Vọng để vượt qua những cơn đau đang hành hạ Thầy, giúp Thầy có được lòng tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng mà Thầy đã chọn làm Niềm Tin Tôn Giáo của Thầy . . .
 
Sáng nay con gái tôi đã cùng chồng và Đức Ông Phạm Quốc Tuấn đến thăm thầy, Đức Ông đã xức dầu và ban phép lành cho thầy; riêng tôi và người bạn thì đến sau đó vài tiếng, vì có nhiều người muốn đến thăm thầy, cho dù đến để chỉ nhìn thầy và ứa lệ . . . Nhưng cũng phải tôn trọng người bạn đời đang chăm sóc thầy nữa, phải cho PĐan có chút thời gian nghỉ ngơi, và cũng để không làm thầy mệt, vì tôi biết tuy thầy hai mắt thầy nhắm lại và thầy không nói được như cách nay một tuần nhưng chắc chắn là thầy vẫn nghe . . . Khi tôi đến thì cũng vừa lúc người y tá đến thăm sức khỏe thầy, tôi ngồi với Đan, nghe kể lại những chuyện cũ với thầy, và chụp vài tấm ảnh trong lúc chờ đợi. Khi tôi và người bạn vào Đan nói với thầy: ”Chị Thu đến thăm thầy đây, bố nhớ chị Thu không, tôi tiếp lời nói “Con là Thu của nhóm Fort Rucker, thầy nhớ con không?”, bỗng nhiên thầy mở mắt nhìn tôi và ra hiệu là có nhớ. Đan reo lên: ”oh, hay quá, nghe tên chị thầy mở mắt kìa . . . bố, bố cười với chị đi”. Thầy nghe Đan nói, cũng cố cười nụ cười của người già yếu, gắng gượng và mỏng manh quá đi thôi, và tôi cũng ráng gượng cười mà nước mắt cứ chực ứa ra . . . Tôi thấy thương thầy quá, đưa tay lên vuốt vầng trán của thầy, và nói: ”Thầy ơi, con thương thầy quá mà chẳng biết làm gì, ngày nào con cũng chỉ biết cầu nguyện cho thầy được bình an mà thôi” Mắt thầy vẫn nhắm nhưng từ hai khóe những giòng lệ ứa ra, Đan đưa tôi tissue và nói: “Chị lau nước mắt cho thầy đi, thầy cảm động đó”. Tôi đưa tay chặm nước mắt cho thầy, bỗng dưới làn chăn mỏng, bàn tay thầy nhúc nhích, tôi kéo tấm chăn ra và thầy đưa tay lên nắm lấy bàn tay của tôi, tôi cảm động quá vuốt bàn tay của thầy, thầy lại đưa bàn tay trái lên tôi cũng nắm lấy, những ngón tay gầy guộc và lạnh của thầy đan vào tay tôi khiến lần này không phải là thầy mà chính tôi lại ứa nước mắt . . .

[Image: THAY.jpg]

Thầy ơi, thời gian của thầy không biết còn được bao lâu, con cũng không biết có thể nào gặp lại thầy lần nữa hay không, cho dù con có hứa sẽ đến, sẽ mặc áo dài màu đen theo ý muốn của thầy, nhưng cuộc sống con người đôi lúc có những chuyện không thể nằm trong sự toan tính của mình, thế nên con chỉ biết cầu nguyện cho thầy mỗi sáng thức dậy, và mỗi tối trước khi đi ngủ, con mong thầy luôn có được sự bình an trong tâm hồn.

Tạm biệt và chúc cầu Bình An luôn ở cùng Thầy


Phạm Thiên Thu (Cali: 21/7/2022)
Reply
#2
Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng gìn giữ linh hồn giáo sư Vinh và ban phúc cho giáo sư thấy được sự vinh quang của Ngài muôn thủa muôn đời.  

Hồi đó tôi có nghe về giáo sư Vinh rất nổi tiếng dạy môn Aeronautics tại University of Michigan, trong khi tôi đang học môn Điện Toán tại Purdue University ở Indiana giữa thập niên 70's.

Cảm ơn Schi đã post tin tức về giáo sư Vinh.

Reply
#3
(2022-07-26, 08:23 AM)Hai hòn Wrote: ... 
Cảm ơn ....

You're welcome, Anh
Reply