Một Thuở Yêu Người
#1
[Image: 103motthuoyeunguoi.jpg]

MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI
Toại Khanh
 
Nhà nằm cạnh rừng, chỉ trèo lên mươi bước là cái gì cũng ở dưới chân. Có lẽ chỉ ở xứ sở này mới có những khu rừng kiểu đó. Rừng trên những dãy đồi cao tiếp nối nhau qua nhiều làng mạc, những khu dân cư thường có cái tên kết thúc bằng một chữ Wil mà theo nghe đâu là tiếng địa phương, tương đương với Village trong tiếng Pháp, Anh hay xóm, thôn trong tiếng Việt. Rupperswil, Therwil, Watwil, Thalwil,...tôi đã có dịp đi qua cả chục cái Wil như vậy. Và một chuyện thật dễ thương, làng dù xa vắng quạnh hiu đến mấy cũng có đủ mấy tiêu chuẩn căn bản cho điều kiện sinh hoạt tối thiểu là điện, đường, trường, trạm. Xe buýt lên tận nơi hẻo lánh nhất, tiệm quán lớn nhỏ gì cũng đủ những món thiết yếu, điện đóm cứ sau 8 giờ đêm là chỉ còn nửa giá, trường ốc cho trẻ con khang trang nhất, nhì thế giới... Nhờ có mấy điểm son đó, cái xứ sở lạnh giá buồn thiu này cũng còn có chỗ để mà yêu!

Những ai đọc tôi thường có lẽ vẫn thấy tôi có cách yêu người, yêu đời bằng một nhãn quan chẳng giống ai. Tôi vẫn yêu cái này bằng cách liên tưởng về cái nọ. Phải qua vài ba lớp trung gian kiểu đó hình như mới không bị hụt chân. Vì nói như lời Phật, chẳng thứ gì trên đời lại có thể tồn tại độc lập mà chẳng cần một tỉ tương quan khác. Yêu kiểu đó cho chắc ăn. Một kiểu yêu không kẹt cứng trong góc tù, vay đầu này trả đầu kia. Và tôi cũng đã yêu cái xứ sở này bằng thứ tình yêu lòng vòng đó.

Chiều nay nghe quẩn chân, tôi xách túi thả bộ xuống làng một mình để gậm nhấm cảm giác nhìn quanh không ai. Trong cái quạnh vắng mênh mang của một thôn xóm thưa người, tôi bỗng ngộ ra một điều thú vị. Hình như định nghĩa hay nhất cho khái niệm hạnh phúc không dính dáng nhiều lắm đến những thứ vàng son, nhung lụa gì ấy, mà là một khả năng có nhiều chọn lựa. Hơn một tháng qua, tôi như quên mất chuyện mình đang sống cách bìa rừng chưa tới hai mươi mét, dù ngày nào cũng lên đó đôi ba lần. Lý do đơn giản là từ nơi này tôi có thể xuống làng, ra phố trong vài phút.

Anh có là ai, sống ở mức nào cũng mặc, cái quan trọng là giữa đất trời này anh có thể tự tại đến đâu. Tự tại ở đây là khả năng tự quyết với những lựa chọn bày đầy trước mặt, dù chỉ là những lựa chọn mắt phàm khó thấy. Tôi nói rồi, tôi đã ít nhiều yêu xứ này chỉ vì nó là một miền đất cho phép người ta có nhiều chọn lựa, một tên gọi khác của sự tự tại. Bắt chước cao nhân hiền thánh chê bai tiền bạc vật chất, trong khi thiếu một chút là chết nhăn răng thì rõ ràng không nên, nhưng cứ chăm bẵm vào mấy món cơm áo gạo tiền rồi quên mất quyền tự do của mình thì cũng chết thảm. Tôi vừa nghèo vừa dốt, nhưng cứ thấy tùy sức mà sống thanh thản hình như vẫn là tuyệt nhất. Trong kinh, Phật dạy một tỳ-kheo nghèo xơ xác vẫn có thể là một cánh chim trời, và chỉ cần một tấm lòng biết san sẻ, dù chỉ một vá cơm khất thực cho bạn tu thì cũng là một kiểu sống có ta có người, có nhận và có cho. Chuyện ít nhiều hay sang hèn ở đây hình như không quan trọng bằng tâm tình nào ta đã có được khi mở rộng bàn tay, kể cả một vòng tay. Trọn vẹn đến vậy thì còn đòi chi nữa chứ!

Khả năng tự tại đó hình như không chỉ là những gì vừa nói, mà còn là nhiều thứ khác. Như tín ngưỡng, kiến giải, và vô số chuyện tương đương. Một đêm khuya vào Internet tìm xem vài trang Web Phật giáo khắp nơi, tôi chợt nhận ra một chuyện thú vị. Cứ cho Phật giáo hôm nay là có từ một vị Phật, vậy mà sau hơn hai chục thế kỷ, các thế hệ Phật giáo đồ ở khắp nơi đã thay phiên nhau suy diễn, vẽ vời ảnh Phật theo quá nhiều cách riêng. Có nhiều cách vẽ vời hơi quá tay, nên ngó hoài hổng thấy Phật ở đâu, chỉ thấy mặt mũi người vẽ trong đó mà thôi. Để Phật là Phật theo cách của Phật thì tha hồ học, tha hồ tu, vì Phật thứ thiệt thì mênh mông lắm. Nhưng khi Phật là tác phẩm của phàm phu thì thời gian người ta cãi nhau nhiều hơn thời gian học Phật. Lý do ư? Tôi làm sao chấp nhận được Phật của anh chứ?Tôi có Phật của riêng tôi. Thế là mỗi nhóm người tu Phật lại có một vị Phật theo ý thích của mình, và sự ra đời của các nhánh Phật giáo chính là cái hội chợ phù hoa cho những người ham vui đó. Chỉ xui cho ai bước đầu học Phật lại ôm chân một tổ sư nào đó rồi thì không còn cơ hội nhìn thấy cái chân thân của Phật xưa. Và cái phải đến sẽ đến, thay vì theo chân Phật để đi ra, đi lên, thì người ta lại quay về với cái cốt phàm phu của mình để đi vào và đi xuống.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến lần nói chuyện với một người quen gốc Công giáo, dù nay hình như vẫn chưa kịp là Phật tử. Hôm đó, tôi nhớ cô bé đã hỏi tôi có từng đọc qua Thánh Kinh và nghĩ gì về Chúa. Tôi ngần ngừ một giây rồi trả lời mà không dám nhìn mặt người đối diện:

- Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy buồn khi nghe ai đi theo mấy tôn giáo dạy thờ Thượng đế hay Thiên Chúa gì đó… Hai chữ đó gọi theo tiếng Anh là God, mà God thì chỉ là hai phần ba của chữ Good (tốt, lành, thiện, hay, đẹp). Mình tu là tu theo cái tốt, chứ theo chi cái dở dang đó. Ý nghĩa của chữ God nghèo nàn thấy mồ. Sống đời hay sống đạo đều phải tự tại mới sướng!

Cô bé liếc tôi một cái dài ngoằng, tôi làm rớt chiếc muỗng trên tay. Đêm đó về không ngủ nổi. Chúa đã phạt tôi bằng cách sai em đến lấy mất của tôi niềm tự tại… Nhưng chẳng lẽ bây giờ thầy chùa lại xưng thầm danh Chúa hay sao!?
 

Moeriken, tháng Sáu 2008
Vietheravada.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
#2
(2022-06-12, 07:28 PM)anattā Wrote:
[Image: 103motthuoyeunguoi.jpg]

MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI
Toại Khanh
 
 

Moeriken, tháng Sáu 2008
Vietheravada.net


Anh anattā, tựa thread đẹp, bài viết hay.
.
.
.[Image: caeb7acbb406d4a771315fc46fadb8c3_w200.webp]
Keep your face always toward the sunshine,
and shadows will fall behind you
- Walt Whitman



#3
(2022-06-12, 07:28 PM)anattā Wrote:
- Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy buồn khi nghe ai đi theo mấy tôn giáo dạy thờ Thượng đế hay Thiên Chúa gì đó… Hai chữ đó gọi theo tiếng Anh là God, mà God thì chỉ là hai phần ba của chữ Good (tốt, lành, thiện, hay, đẹp). Mình tu là tu theo cái tốt, chứ theo chi cái dở dang đó. Ý nghĩa của chữ God nghèo nàn thấy mồ. Sống đời hay sống đạo đều phải tự tại mới sướng!

 Hm, không nên tìm cách bài xích tôn giáo người khác. Chỉ cần hoằng pháp cho đạo của mình là đủ rồi. Đối với nhà sư TK, tự tại là giác ngộ. Nhưng đối với đạo khác, được cứu rỗi linh hồn mới là bờ bến thì sao. Tốt nhất nên tu cho mình, muốn tu cho thế nhân, thì hoằng dương Phật pháp. Còn chuyện đạo người ta là chuyện của người ta. 

 Sư Toại Khanh là ai mà trong diễn đàn này có ít nhất 3 người thường xuyên trích dẫn nhiều bài vở thuyết giảng của ông vậy?
[Image: K6bu1Jw.png]
#4
(2022-06-12, 07:28 PM)anattā Wrote:
Hình như định nghĩa hay nhất cho khái niệm hạnh phúc không dính dáng nhiều lắm đến những thứ vàng son, nhung lụa gì ấy, mà là một khả năng có nhiều chọn lựa.



Cỏ không hiểu biết nhiều nên không dám lạm bàn. Khi đọc 1 bài viết mình không nhất thiết phải đồng ý toàn bộ nội dung, cũng như không thể cắt ngang vài chữ của 1 câu, vài câu của đoạn văn và hiểu theo ý riêng.

Nhưng khi đọc bài này Cỏ thích câu trên. 

Nếu được phép viết theo ý, Cỏ sẽ viết, "Hình như định nghĩa hay nhất cho khái niệm hạnh phúc không dính dáng nhiều lắm đến những thứ vàng son, nhung lụa gì ấy, mà là khả năng có sự chọn lựa".




(2022-06-12, 07:28 PM)anattā Wrote:
- Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy buồn khi nghe ai đi theo mấy tôn giáo dạy thờ Thượng đế hay Thiên Chúa gì đó… Hai chữ đó gọi theo tiếng Anh là God, mà God thì chỉ là hai phần ba của chữ Good (tốt, lành, thiện, hay, đẹp). Mình tu là tu theo cái tốt, chứ theo chi cái dở dang đó. Ý nghĩa của chữ God nghèo nàn thấy mồ. Sống đời hay sống đạo đều phải tự tại mới sướng!


Cỏ cũng lấn cấn đoạn này, đọc tới đọc lui và rồi rút gọn câu này dù với tôn giáo nào, "Good (tốt, lành, thiện, hay, đẹp). Mình tu là tu theo cái tốt"
.
.
.[Image: caeb7acbb406d4a771315fc46fadb8c3_w200.webp]
Keep your face always toward the sunshine,
and shadows will fall behind you
- Walt Whitman



#5
(2022-06-12, 11:59 PM)005 Wrote:  Hm, không nên tìm cách bài xích tôn giáo người khác. Chỉ cần hoằng pháp cho đạo của mình là đủ rồi. Đối với nhà sư TK, tự tại là giác ngộ. Nhưng đối với đạo khác, được cứu rỗi linh hồn mới là bờ bến thì sao. Tốt nhất nên tu cho mình, muốn tu cho thế nhân, thì hoằng dương Phật pháp. Còn chuyện đạo người ta là chuyện của người ta. 

 Sư Toại Khanh là ai mà trong diễn đàn này có ít nhất 3 người thường xuyên trích dẫn nhiều bài vở thuyết giảng của ông vậy?

Sư Toại Khanh có những bài viết rất hay về văn chương, và văn chương là khía cạnh tôi thích khi đọc một vài bài viết của ông. Bài văn trên tôi bấm "like" khi mới đọc loáng thoáng những đoạn đầu rồi có việc phải rời cái PC.

Nói chung lời văn của ông vẫn hay tuy nhiên ông viết về tự tại mà cuối cùng ông lại không tự tại chút nào. Tự bản thân ông đã bị lòng đố kỵ xâm chiếm khi viết đoạn kết của bài đoản văn lẽ ra là rất hay.

Ông chưa có tầm vóc của đức Dalai Lama: “All major religious traditions carry basically the same message, that is love, compassion, and forgiveness. The important thing is they should be part of our daily lives.”   
#6
Mình mới đọc về ông sư này rồi, xem ra ông là người còn trẻ, mới 53 tuổi thôi, 8 tuổi đã vào chùa, tu theo Nam tông, Phật học uyên bác.
[Image: K6bu1Jw.png]
#7
Thú thật là tôi cũng khá thích bài viết (nói chung) của sư Toại Khanh, mặc dù khg đăng bài (trừ 1-2 lần cũng đã lâu). Tôi thích style đầy suy tư khá sâu sắc nhưng khg quá nặng về giáo lý PG dù ông là tu sĩ PG, thêm nữa vì là thi sĩ cho nên bài có pha chút chất thơ văn (như cái tựa bài này, hay tựa bài "Trên Ngọn Tình Sầu") điều này cũng rất hợp gu tôi dù mình khg phải thi sĩ hay thơ sĩ gì cả. Đọc bài này tới đoạn kết thấy hơi hụt hẫng vì ông có ý bài bác Chúa/God khiến cô bạn CG lườm dài cả mile (tác giả ghi "liếc" nhưng "lườm" thì đúng hơn). Thôi thì, như ông cũng viết ở trên, bậc đại sĩ cũng có khi lầm lỡ, thậm chí làm việc ác như Đề-bà-đạt-đa tìm cách giết đức Phật, thành ra tôi cũng thông cảm, huống chi ông chỉ là một tu sĩ bình thường. Thật ra biết tính ông khg cực đoan, bằng chứng là trong bài "Đạo khả đạo, phi thường đạo" mà anh abc đăng lúc trước (tôi có đọc trước đó rồi và có saved vô Pocket nhưng vẫn thích đọc lại), ông có nói rằng bài xích tôn giáo khác là điều khg nên. Cuối cùng, ông là người Nam, mà người Nam thì hay có tính thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy, nên đôi khi dễ mất lòng hơn những người khéo léo hơn. Sống đã quá nửa đời người, tôi biết bề ngoài xã giao khéo léo ngọt ngào thì dễ đi vô lòng người vì ai cũng hảo ngọt nhưng bên trong hay phía sau, chưa chắc đã giống như lời nói ngoài cửa miệng. Mấy tu sĩ PG khác, kể cả đức Đạt Lai Lạt Ma đều cho rằng God là sản phẩm sai lầm từ cái ngã nhưng chẳng qua họ khg nói công khai ra ngoài công chúng, nhất là trước độc giả, cử tọa theo KTG, mà chỉ nêu ra những cái hay, cái giống nhau: đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, blah blah... Nói kiểu "ba phải" như vậy thì ai cũng vui vẻ cả làng. Bởi vậy, thiền sư Nhất Hạnh rất được cảm tình ở phương Tây vì ông rất khôn khéo tránh đả kích niềm tin KTG, đọc sách báo thỉnh thoảng tôi bắt gặp câu nói của ông, thậm chí mục sư cũng có khi trích dẫn lời của ông.
Bạch vân thiên tải không du du
#8
Becuoi

Đem chữ GOD, GOOD ra nói

Thì chẳng khác gì cúng xoài đu đủ rồi cái gì tùm lum tá lã .... tin là mình sẽ có đủ xài

Happy-smiley-emoticon

Suy nghĩ như vậy là .. Suy nghĩ dị đoan
Tin như vậy là ... Tin dị đoan 

Đã là 1 nhà sư nổi tiếng như vậy, thì không nên nói chuyện .. dị đoan

Happy-smiley-emoticon


1 điều fascinating about God là

- không những believers nói về Ngài 
- mà unbelievers cũng nói về Ngài 

Thumbs-up4


À còn cái này nữa,

MỘT THƯỞ YÊU NGƯỜI

cái tựa đề của sư nghe rất phách, nhưng khi đọc thì không hiểu sư yêu ai .. yêu Phật? yêu Chúa ? hay yêu cô gái ?

Sư mà yêu cô gái thì hơi lạ rồi
Yêu Chúa thì chắc cũng không
Vậy tức là yêu Phật?

Ai nói sư này viết hay, chứ Vân thì thấy sư viết loạn xà ngầu, chẳng biết ý sư muốn gì sau khi mình đọc cái tựa ...

hay chắc tựa đi đường tựa, bài đi đường bài ?


Suytu
#9
(2022-06-12, 11:59 PM)005 Wrote:  Hm, không nên tìm cách bài xích tôn giáo người khác. Chỉ cần hoằng pháp cho đạo của mình là đủ rồi. Đối với nhà sư TK, tự tại là giác ngộ. Nhưng đối với đạo khác, được cứu rỗi linh hồn mới là bờ bến thì sao. Tốt nhất nên tu cho mình, muốn tu cho thế nhân, thì hoằng dương Phật pháp. Còn chuyện đạo người ta là chuyện của người ta. 

 Sư Toại Khanh là ai mà trong diễn đàn này có ít nhất 3 người thường xuyên trích dẫn nhiều bài vở thuyết giảng của ông vậy?

Thành viên anatta bị khoá nick 1 ngày.

MT