Chân dung Vladimir Putin (Roger Cohen, “The Making of Vladimir Putin,” New York Time)
#1
Nguồn: Roger Cohen, “The Making of Vladimir Putin,” New York Times, 26/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Hãy cùng điểm lại hành trình 22 năm của Putin, từ một chính khách trở thành bạo chúa.

Sử dụng loại ngôn ngữ mà ông gọi là “ngôn ngữ của Goethe, Schiller, và Kant,” được rèn luyện trong thời gian là sĩ quan KGB ở Dresden, Tổng thống Vladimir V. Putin đã phát biểu trước Quốc hội Đức vào ngày 25/09/2001. “Nước Nga là một quốc gia châu Âu thân thiện,” ông tuyên bố. “Hòa bình ổn định tại lục địa là mục tiêu tối quan trọng đối với chúng tôi.”
[Image: 2022-04-22-101843.png]

Nhà lãnh đạo Nga – người đã đắc cử tổng thống một năm trước đó, ở tuổi 47, sau khi thăng tiến như vũ bão – tiếp tục mô tả “các quyền tự do và dân chủ” là “mục tiêu chính trong chính sách đối nội của Nga.” Các thành viên của Hạ viện Đức đứng dậy hoan nghênh nhiệt liệt, xúc động trước sự hòa giải mà Putin dường như đang là hiện thân, giữa thành phố Berlin, vốn là biểu tượng cho sự chia rẽ lâu đời giữa phương Tây và thế giới Xô Viết độc tài.
Norbert Röttgen, một nghị sĩ trung hữu, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện trong nhiều năm, là một trong số những người đã đứng lên khi ấy. Ông nói: “Putin đã thu hút chúng tôi. Đó là một giọng nói nhẹ nhàng, bằng tiếng Đức, một giọng nói có thể khiến bạn tin vào những gì bạn nghe. Chúng tôi có lý do để cho rằng có một viễn cảnh đoàn kết khả thi.”
Ngày nay, mọi sự đoàn kết đều tan vỡ, Ukraine chìm trong biển lửa, bị vùi dập bởi đội quân xâm lược mà Putin gửi đến, nhằm chứng minh niềm tin cá nhân rằng quốc gia Ukraine chỉ là chuyện thần thoại. Hơn 3,7 triệu người Ukraine phải đi tị nạn; số người chết ngày càng tăng cao trong một cuộc chiến chỉ mới kéo dài một tháng; và giọng nói nhẹ nhàng của Putin nay biến thành giọng nói giận dữ của một người đàn ông đang gồng mình gọi bất kỳ người Nga nào dám chống lại bạo lực từ chế độ độc tài của ông ta là “kẻ cặn bã và bọn phản bội.”
Các đối thủ của ông, “đạo quân thứ năm” do phương Tây thao túng, sẽ gặp phải số phận kinh hoàng, Putin tuyên bố trong tháng này, với gương mặt nhăn nhó, vì kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng của ông ở Ukraine đã bị đình trệ. Ông nói, những người Nga chân chính sẽ “nhổ họ ra như một con muỗi vô tình bay vào miệng” và qua đó đạt được “sự tự thanh lọc xã hội cần thiết”.
Đây có lẽ không phải là ngôn ngữ của Kant, mà là một tuyên bố mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc gắn với thời thanh niên khó khăn và hỗn loạn ở St.Petersburg của Putin.
Giữa hai tiếng nói của lý trí và của sự kích động, giữa hai hình ảnh tựa hai người khác nhau hoàn toàn này, là 22 năm cầm quyền và 5 đời tổng thống Mỹ. Khi Trung Quốc trỗi dậy, khi Mỹ tham chiến và rồi thua cuộc ở Iraq và Afghanistan, khi công nghệ kết nối toàn thế giới, một bí ẩn của nước Nga đã thành hình trong Điện Kremlin.
Phải chăng Mỹ và các đồng minh, vì quá lạc quan hay quá ngây thơ, nên đã hiểu sai về Putin ngay từ đầu? Hay phải chăng Tổng thống Nga đã dần thay đổi, trở thành một kẻ hiếu chiến theo chủ nghĩa phục thù như hôm nay, cho dù là bởi niềm tin vào sự khiêu khích của phương Tây, làm khơi dậy bất bình, hay bởi sự độc hại xuất phát từ nền cai trị kéo dài và ngày càng cô lập – kể từ thời Covid-19?
Putin là một bí ẩn, nhưng ông cũng là người lộ diện nhiều nhất. Nhìn từ góc độ canh bạc liều lĩnh ở Ukraine, chúng ta sẽ thấy một bức tranh nổi lên, về một người đàn ông xem hầu hết các động thái của phương Tây là hành động chống lại Nga – và có lẽ là chống lại chính ông. Khi bất bình dâng cao, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, sự khác biệt lại càng trở nên mờ nhạt. Trên thực tế, Putin đã trở thành nhà nước, ông hợp nhất với nhà nước Nga, số phận của cả hai hòa vào một tầm nhìn ‘cứu thế’ về sự phục hưng của vinh quang đế quốc.

Từ tro tàn của đế chế
“Theo tôi, với Putin, sự cám dỗ của phương Tây chủ yếu là ở chỗ nó là công cụ cần thiết để xây dựng một nước Nga vĩ đại”, theo lời Condoleezza Rice, cựu Ngoại trưởng từng gặp Putin vài lần trong giai đoạn đầu tiên khi ông lên nắm quyền. “Ông ta luôn bị ám ảnh bởi việc 25 triệu người Nga ‘mắc kẹt’ bên ngoài Mẫu quốc sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Ông nêu lên vấn đề này, hết lần này đến lần khác. Đó là lý do tại sao, đối với ông, hồi kết của đế chế Liên Xô là thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20.”
Nếu quả thật có tồn tại sự phẫn nộ của một kẻ ước mong phục quốc, bên cạnh mối nghi ngờ mà một gián điệp Liên Xô dành cho Mỹ, thì Putin vẫn có những ưu tiên khác. Trước hết, ông là một đầy tớ ái quốc của nhà nước. Nước Nga hậu cộng sản của thập niên 1990, dẫn dắt bởi Boris N. Yeltsin, nhà lãnh đạo dân cử tự do đầu tiên của đất nước, đã sụp đổ.
Năm 1993, Yeltsin ra lệnh nã pháo vào tòa nhà quốc hội để dập tắt một cuộc nổi dậy, khiến 147 người thiệt mạng. Phương Tây đã phải cung cấp viện trợ nhân đạo cho Nga, nền kinh tế của nước này sa sút nghiêm trọng, tình trạng nghèo đói cùng cực lan tràn, trong khi hàng loạt các công ty công nghiệp lớn bị bán tháo với giá rẻ bèo cho một tầng lớp đầu sỏ mới nổi. Tất cả những điều này, đối với Putin, đại diện cho hỗn loạn. Chúng là một sự sỉ nhục.

“Ông ấy ghét những gì đã xảy ra với Nga, ghét ý tưởng rằng phương Tây đã phải giúp đỡ họ,” Christoph Heusgen, trưởng cố vấn ngoại giao của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2005 đến năm 2017, nhận xét. Tuyên ngôn chính trị đầu tiên của Putin trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 là đảo ngược mọi nỗ lực của phương Tây nhằm chuyển giao quyền lực từ nhà nước sang thị trường. Ông viết, “Đối với người Nga, một nhà nước mạnh không phải là điều bất thường cần chiến đấu chống lại.” Mà ngược lại, “nó là nguồn gốc và phương tiện canh giữ trật tự, nơi khởi xướng và là động lực chính của bất kỳ sự thay đổi nào.”

Nhưng Putin không phải là người theo chủ nghĩa Marx, dù rằng ông đã cho phục hồi bài quốc ca thời Stalin. Ông đã chứng kiến thảm họa của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ở cả Nga và Đông Đức, nơi ông là điệp viên KGB từ năm 1985 đến 1990.

Tổng thống mới sẵn sàng bắt tay với các nhà tài phiệt đầu sỏ được tạo ra bởi chủ nghĩa tư bản hỗn loạn, thị trường tự do, thân hữu – miễn là họ thể hiện lòng trung thành tuyệt đối. Nếu không, họ sẽ bị thủ tiêu. Nếu đó là nền dân chủ, thì nó là một “nền dân chủ có chủ quyền,” một cụm từ được các nhà chiến lược chính trị hàng đầu của Putin chấp nhận, nhấn mạnh vào vế chủ quyền.

Bị ảnh hưởng bởi thành phố quê nhà St. Petersburg, được Peter Đại đế xây dựng vào đầu thế kỷ 18 như một “cửa sổ đến châu Âu,” và bởi những trải nghiệm ngày đầu làm chính trị tại văn phòng thị trưởng với nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài từ năm 1991, Putin dường như cởi mở, dù thận trọng, với phương Tây trong giai đoạn đầu lên nắm quyền.

Ông đề cập đến khả năng Nga trở thành thành viên NATO với Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, một ý tưởng chẳng bao giờ đi đến đâu. Ông duy trì một thỏa thuận đối tác mà Nga ký với Liên minh châu Âu năm 1994. Một Hội đồng NATO-Nga được thành lập vào năm 2002. “Người Petersburg” đối đầu với “Người Xô-viết”.

Đó là một hành động cân bằng khéo léo, mà một Putin có tính kỷ luật đã được chuẩn bị. “Anh không bao giờ được mất kiểm soát,” ông nói với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone trong The Putin Interviews, một bộ phim tài liệu năm 2017. Ông từng tự mô tả mình là “một chuyên gia về quan hệ giữa người với người.” Không chỉ có các nhà lập pháp Đức mới bị cuốn hút bởi người đàn ông với gương mặt không biểu lộ cảm xúc và ý định không thể lay chuyển, vốn được mài giũa trong thời gian làm nhân viên tình báo.

“Anh phải hiểu rằng, ông ấy đến từ KGB, nói dối là nghề, chứ không phải tội” – Sylvie Bermann, Đại sứ Pháp tại Moscow từ năm 2017 đến năm 2020, nói. “Ông ấy giống như một chiếc gương, thích nghi với những gì bản thân nhìn thấy, theo cách mà ông được đào tạo.”
Vài tháng trước bài phát biểu tại Hạ viện Đức, Putin đã nổi tiếng khi giành được cảm tình của Tổng thống George W. Bush, người sau lần đầu tiên gặp ông, vào tháng 06/2001, nói rằng mình đã nhìn vào mắt Tổng thống Nga, thấy được “tâm hồn của ông ấy” và nhận ra ông “rất thẳng thắn và đáng tin cậy.” Tương tự, Yeltsin đã chỉ định Putin làm người kế nhiệm chỉ ba năm sau khi ông đến Moscow vào năm 1996.
“Putin biết cách thay đổi bản thân cho phù hợp với người đối diện,” Mikhail B. Khodorkovsky, từng là người đàn ông giàu nhất nước Nga trước khi lãnh bản án dài một thập niên trong một nhà tù Siberia và phải chứng kiến công ty của mình sụp đổ, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016 tại Washington. “Nếu ông ấy muốn anh thích ông ấy, anh sẽ thích ông ấy.”

Lần trước đó tôi gặp Khodorkovsky là ở Moscow vào tháng 10/2003, chỉ vài ngày trước khi ông bị các đặc vụ có vũ trang bắt giữ vì các cáo buộc tham ô. Lần đó, ông kể cho tôi nghe những tham vọng chính trị táo bạo của mình – điều mà với Putin, là tội khi quân phạm thượng.

Sự trỗi dậy của một nhà độc tài

Căn nhà gỗ được chọn làm dinh thự tổng thống bên ngoài Moscow trông rất thoải mái, nhưng không được trang trí công phu. Thời điểm năm 2003, sở thích cá nhân của Putin vẫn chưa đạt đến mức xa hoa. Các nhân viên bảo vệ lượn lờ xung quanh, nhìn chằm chằm vào màn hình TV đang trình chiếu những người mẫu thời trang trên sàn diễn Milan và Paris.

Như mọi khi ông vẫn làm, Putin đã khiến chúng tôi phải chờ đợi nhiều giờ. Một hành động như để thể hiện rằng mình trên cơ kẻ khác, cố tình thô lỗ ngay cả với những người như Ngoại trưởng Rice, và giống như việc ông mang chó đến cuộc gặp với Thủ tướng Merkel vào năm 2007 dù biết rõ rằng bà ấy sợ chó.
Merkel nói: “Tôi hiểu tại sao ông ta làm việc đó. Để chứng tỏ mình là một người đàn ông.”
[Image: Angela-Merkel.png]
Khi cuộc phỏng vấn với ba nhà báo của New York Times cuối cùng cũng được bắt đầu, Putin tỏ ra thân thiện và tập trung, thoải mái với khả năng trình bày chi tiết rõ ràng của mình. “Chúng tôi kiên định đi trên con đường phát triển của dân chủ và kinh tế thị trường,” ông nói, “Nếu xét về tâm lý và văn hóa, người Nga là người châu Âu”.

Ông cũng nói về “mối quan hệ tốt đẹp, gần gũi” với chính quyền Bush, bất chấp việc chiến tranh Iraq xảy ra, và khẳng định “các nguyên tắc chính của chủ nghĩa nhân văn – nhân quyền, tự do ngôn luận – vẫn là nền tảng cho tất cả các quốc gia.” Theo ông, bài học lớn nhất ông rút ra được là “tôn trọng luật pháp”.
Vào thời điểm này, Putin rõ ràng đã kiểm soát các phương tiện truyền thông độc lập; tiến hành một cuộc chiến tàn bạo ở Chechnya, nơi thủ phủ Grozny bị san bằng; và cho các quan chức an ninh – được gọi là siloviki – giữ vị trí trung tâm trong chính quyền. Thường thì đó là những người bạn cũ ở St.Petersburg, như Nikolai Patrushev, hiện là Thư ký Hội đồng An ninh của Putin. Nguyên tắc đầu tiên của một sĩ quan tình báo là luôn nghi ngờ.
Khi được hỏi về các phương pháp của mình, tổng thống bất ngờ giận dữ, nói rằng người Mỹ không thể tỏ ra trịch trượng. Ông nói: “Ở Nga, chúng tôi có một câu châm ngôn thế này. Đừng chỉ trích chiếc gương nếu bạn có một khuôn mặt méo mó.”

Ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi là hình ảnh một người đàn ông có nội tâm bị chia rẽ ẩn đằng sau ánh mắt không chút nao núng. Michel Eltchaninoff người Pháp, tác giả cuốn sách Inside the Mind of Vladimir Putin (Thế giới nội tâm của Vladimir Putin), nói rằng “những bài diễn văn vào đầu thập niên 2000 của ông ấy khoác lên một lớp áo tự do,” nhưng khao khát khôi phục sức mạnh đế quốc Nga, và theo đó báo thù cho việc Nga suy thoái, trở thành thứ mà Tổng thống Barack Obama gọi là “cường quốc khu vực,” luôn là mong muốn sâu sắc nhất của Putin.

Sinh năm 1952, tại một thành phố khi đó có tên là Leningrad, Putin lớn lên trong bóng tối hậu kỳ của cuộc chiến giữa Liên Xô với Đức Quốc xã, mà người Nga gọi là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Cha ông bị thương nặng trong chiến tranh, anh trai thì chết trong cuộc bao vây Leningrad tàn bạo kéo dài 872 ngày của quân Đức, và ông nội là đầu bếp riêng của Stalin. Những hy sinh to lớn của Hồng Quân trong việc đánh bại chủ nghĩa Quốc xã không hề trừu tượng, mà có thể được cảm nhận thực sự trong gia đình khiêm tốn của ông, cũng như trong nhiều người Nga cùng thế hệ với ông. Ngay từ khi còn trẻ, Putin đã học được rằng, “kẻ yếu sẽ bị đánh bại”.

“Phương Tây đã không quan tâm đủ đến sức mạnh của huyền thoại Xô-viết, sự hy sinh về mặt quân sự, và chủ nghĩa phục thù ở trong ông ấy.” Eltchaninoff, người có ông bà đều là người Nga, nói: “Ông ta tin tưởng sâu sắc rằng người Nga sẵn sàng hy sinh bản thân vì một lý tưởng, còn người phương Tây chỉ thích được thành công và thoải mái.”

Dù vậy, Putin đã mang sự thoải mái đến cho nước Nga trong 8 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Nền kinh tế tăng trưởng phi mã, đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt. “Đó có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đất nước, với thước đo về sự thịnh vượng và mức độ tự do đạt tới mốc chưa từng có trong lịch sử nước Nga,” Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.

Gabuev, cũng như hàng nghìn người Nga theo chủ nghĩa tự do, đã chạy đến Istanbul ngay khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, nói thêm rằng “có rất nhiều tham nhũng và tập trung của cải, nhưng cũng có rất nhiều người được lợi. Và hãy nhớ rằng, vào những năm 1990, ai nấy đều nghèo như chuột nhà thờ”. Giờ đây, tầng lớp trung lưu đã có thể đi nghỉ mát ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Việt Nam.

Vấn đề đối với Putin là, để đa dạng hóa nền kinh tế, một nền pháp quyền sẽ hữu ích. Ông từng theo học ngành luật tại Đại học St.Petersburg và tuyên bố tôn trọng pháp luật. Nhưng thực tế, quyền lực mới là điều ông nhắm đến. Putin coi thường những điều tốt đẹp của pháp luật. “Tại sao lại chia sẻ quyền lực khi ông ấy có thể sống nhờ vào dầu mỏ, khí đốt, các tài nguyên thiên nhiên khác, và tái phân phối đủ để giữ cho mọi người hạnh phúc?” Gabuev nói.

Timothy Snyder, nhà sử học nổi tiếng về chủ nghĩa phát xít, lý giải thế này: “Sau khi chơi đùa đã đời với một nhà nước pháp quyền độc tài, ông ta đơn giản trở thành nhà đầu sỏ lớn nhất và biến nhà nước thành cơ chế thực thi cho gia tộc đầu sỏ của mình.”
Tuy nhiên, đất nước lớn nhất trên Trái Đất, trải rộng trên 11 múi giờ, không chỉ cần sự phục hồi kinh tế để có thể vươn cao một lần nữa. Putin trưởng thành trong một thế giới Xô-viết luôn cho rằng Nga sẽ không phải là một cường quốc trừ khi nước này thống trị các nước láng giềng. Những người bất đồng sống kề cận nước Nga đã thách thức học thuyết đó.
Tháng 11/2003, Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia đã đưa nước này đi theo con đường của phương Tây. Năm 2004 – năm mà NATO mở rộng lần thứ hai sau Chiến tranh Lạnh, tiếp nhận thêm Estonia, Litva, Latvia, Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia làm thành viên – nhiều cuộc biểu tình lớn trên đường phố, được gọi là Cách mạng Cam, đã nổ ra ở Ukraine. Chúng cũng bắt nguồn từ việc từ chối Moscow và đón nhận một tương lai phương Tây.

Cũng từ đó, việc Putin chuyển từ hợp tác sang đối đầu với phương Tây chính thức bắt đầu. Điều này diễn ra chậm rãi nhưng xu hướng chung đã được xác lập. Một lần, khi được Merkel hỏi rằng sai lầm lớn nhất của ông là gì, Tổng thống Nga đáp: “Tin tưởng các người.”


(Còn tiếp 2 phần)
Reply
#2
Chân dung Vladimir Putin (P2)

Cuộc đụng độ với phương Tây
Từ năm 2004 trở đi, ngày càng có thể thấy rõ nước Nga của Putin đã trở nên cứng rắn hơn – điều mà cựu Ngoại trưởng Rice gọi là “một cuộc đàn áp, nơi người ta bắt đầu thêu dệt những câu chuyện về tính dễ bị tổn thương và sự lây lan của căn bệnh dân chủ.”
Tổng thống Nga đã loại bỏ các cuộc bầu cử thống đốc khu vực vào cuối năm 2004, biến chức vụ này trở thành một chức vụ được bổ nhiệm bởi Điện Kremlin. Truyền hình Nga ngày càng trở nên giống với truyền hình Liên Xô, vì nội dung tuyên truyền ‘không pha loãng’ của nó.

Năm 2006, Anna Politkovskaya, một nhà báo điều tra từng chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền ở Chechnya, đã bị sát hại tại Moscow, vào đúng ngày sinh nhật của Putin. 

[Image: Anna-Politkovskaya.png]

Một nhà phê bình Điện Kremlin khác, Alexander Litvinenko, cựu sĩ quan tình báo, người từng gọi Nga là “đất nước mafia,” đã thiệt mạng tại London, sau khi bị gián điệp Nga đầu độc bằng chất phóng xạ.
[Image: Alexander-Litvinenko.png]

Đối với Putin, việc NATO mở rộng sang các quốc gia từng là một phần của Liên Xô hoặc thuộc vùng ảnh hưởng sau Thế chiến II của nước này ở Đông Âu, là bằng chứng cho thấy sự phản bội của Mỹ. Nhưng mối đe dọa về một nền dân chủ phương Tây thành công ngay trước cửa nhà dường như đã biến thành mối đe dọa khẩn cấp hơn đối với hệ thống ngày càng đàn áp của ông.

“Cơn ác mộng của Putin không phải là NATO, mà là nền dân chủ.” Joschka Fischer, cựu Ngoại trưởng Đức, người từng gặp Putin nhiều lần, cho biết. “Đó là các cuộc cách mạng màu, là hàng nghìn người đổ xuống các đường phố của Kyiv. Một khi ông ấy đã chấp nhận hệ tư tưởng đế quốc, quân sự làm nền tảng cho Nga với tư cách là một cường quốc thế giới, thì ông ấy không thể dung thứ cho điều này.”

Putin gọi một Ukraine ngả về phương Tây là mối đe dọa an ninh đối với nước Nga, nhưng đúng hơn, đó là mối đe dọa đối với hệ thống độc tài của chính ông. Radek Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan, nói: “Putin đã đúng khi cho rằng một Ukraine dân chủ hòa nhập với châu Âu và thành công là mối đe dọa mang tính sống còn đối với chủ nghĩa Putin. Vấn đề nằm ở chỗ đó, chứ không đơn thuần chỉ là tư cách thành viên NATO.”

Tổng thống Nga không dễ bề chấp nhận những mối đe dọa sinh tử, dù là thực tế hay tưởng tượng. Nếu có ai đó nghi ngờ sự tàn nhẫn của Putin, họ được sáng mắt vào năm 2006. Sự ghê tởm tính yếu đuối của ông đã hình thành nên xu hướng bạo lực. Thế nhưng, các nền dân chủ phương Tây lại chậm tiếp thu bài học cơ bản này.
Họ cần Nga, không chỉ vì dầu mỏ và khí đốt. Tổng thống Nga, người đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Bush sau vụ 11/9, là một đồng minh tiềm năng quan trọng trong cái gọi là Cuộc chiến Chống Khủng bố Toàn cầu. Nó cũng phù hợp với cuộc chiến của chính Putin ở Chechnya và xu hướng coi mình là một phần trong cuộc chiến văn minh nhân danh Thiên Chúa giáo.
Nhưng Putin không mấy thoải mái với “chương trình nghị sự về tự do” của Bush, được công bố trong lần tái đắc cử vào tháng 01/2005, một cam kết thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới trong nỗ lực theo đuổi tầm nhìn tân bảo thủ. Putin giờ đây đã nhìn thấy bàn tay của Mỹ đằng sau những vụ ‘khuấy động’ tự do. Và tại sao Bush sẽ không đưa Nga vào chương trình đầy tham vọng của mình?

Đến Moscow năm 2005 với tư cách Đại sứ Mỹ, William Burns, hiện là Giám đốc CIA, đã gửi về một bức điện tỉnh táo, xua tan mọi lạc quan thời hậu Chiến tranh Lạnh. “Nước Nga quá lớn, quá tự hào, và quá tự ý thức về lịch sử của mình để có thể nằm gọn trong một ‘châu Âu toàn vẹn và tự do’”, ông viết. Khi kể lại trong cuốn hồi ký của mình, The Back Channel, Burns nói thêm rằng “sở thích đóng vai Cường quốc đặc biệt” của người Nga “đôi khi sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng”.

Khi François Hollande, cựu Tổng thống Pháp, gặp Putin vài năm sau đó, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Nga gọi người Mỹ là “Yankees” (“bọn Mẽo”) – một cách gay gắt. Bọn Yankees này đã “sỉ nhục chúng ta, đẩy chúng ta xuống hàng thứ hai,” Putin nói. NATO là một tổ chức “tự bản chất là hiếu chiến,” được Mỹ sử dụng để gây áp lực với Nga, thậm chí là để khơi mào các phong trào dân chủ.

“Ông ấy thể hiện bản thân một cách lạnh lùng và đầy toan tính,” Hollande nói. “Ông ta là một người đàn ông luôn muốn thể hiện một loại quyết tâm không gì lay chuyển được, nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự quyến rũ, dịu dàng. Một giọng điệu dễ chịu xen kẽ với những lúc bộc phát tàn bạo, theo đó mang lại hiệu quả cao hơn.”

Càng được đảm bảo về quyền lực, Putin càng quay lại thái độ thù địch với nước Mỹ mà ông giúp tạo nên. Việc NATO không kích Belgrade năm 1999 trong Chiến tranh Kosovo và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, đã khiến ông mất lòng tin vào những lời viện dẫn Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế của Mỹ. Tin tưởng vào chủ nghĩa biệt lệ Nga, vào số phận không thể tránh khỏi là trở thành một cường quốc, ông không thể chấp nhận chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ – nhận thức rằng Mỹ thể hiện quyền lực của mình ở mọi nơi nhân danh một định mệnh duy nhất, một sứ mệnh cố hữu, là truyền bá tự do trong một thế giới nơi Mỹ là bá chủ duy nhất.

Hận thù cuối cùng đã xuất hiện trong bài phát biểu dữ dội của Putin vào năm 2007, tại Hội nghị An ninh Munich. “Một quốc gia, tất nhiên đó là Mỹ, đã vượt quá biên giới quốc gia của mình theo mọi cách,” ông tuyên bố trước nhóm khán giả còn đang sửng sốt. Một “thế giới đơn cực” đã được áp đặt sau Chiến tranh Lạnh với chỉ “một thẩm quyền trung tâm, một trung tâm sức mạnh, một trung tâm ra quyết định.”
Kết quả là hình thành một thế giới “trong đó chỉ có một ông chủ, một chủ quyền, và điều đó quả thật độc ác.” Nhưng hơn cả sự độc ác, nó còn “cực kỳ nguy hiểm”, dẫn đến “thực tế là không ai cảm thấy an toàn.”
Mối đe dọa từ việc NATO mở rộng

Sau bài phát biểu tại Munich, người Đức vẫn còn hy vọng vào Putin. Merkel, người lớn lên ở Đông Đức, biết nói tiếng Nga, đã nỗ lực xây dựng quan hệ với ông. Putin cho hai con theo học trường tiếng Đức ở Moscow sau khi trở về từ Dresden. Ông cũng thích trích dẫn những bài thơ của các tác giả người Đức. Heusgen, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Merkel, tiết lộ: “Có một sự đồng cảm. Một sự thấu hiểu.”

Tuy nhiên, làm việc cùng Putin không có nghĩa là chỉ huy ông ấy. “Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng việc đưa Gruzia và Ukraine vào NATO là không hay,” Heusgen nói: “Họ sẽ mang đến bất ổn.” Điều 10 của Hiệp ước NATO, như Heusgen lưu ý, nói rằng bất kỳ thành viên mới nào cũng phải có khả năng “đóng góp cho an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.” Hai nước này sẽ làm điều đó như thế nào là điều mà Merkel chưa rõ.

Về phía Mỹ, khi nhiệm kỳ tổng thống của Bush bước sang năm cuối cùng, nước này không có tâm trạng để thỏa hiệp. Bush muốn có một “Kế hoạch Hành động về Tư cách Thành viên” (Membership Action Plan, MAP), cho Ukraine và Gruzia, một cam kết cụ thể để đưa hai nước vào liên minh, được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 04/2008 ở Bucharest. Sự mở rộng của NATO đã đảm bảo an ninh và tự do cho 100 triệu người châu Âu được giải phóng khỏi ách toàn trị của Liên Xô; nó không nên bị dừng lại.

Burns, với tư cách là đại sứ, đã phản đối. Trong một bức điện mật gửi cho Rice, ông viết: “Việc Ukraine gia nhập NATO là lằn ranh đỏ nhất trong các lằn ranh đỏ của giới tinh hoa Nga (chứ không chỉ riêng Putin). Trong hơn hai năm rưỡi trò chuyện với những nhân vật chủ chốt của Nga, từ những kẻ đầu đất ngồi trong góc khuất của Điện Kremlin, đến những người chỉ trích theo chủ nghĩa tự do có đầu óc sắc bén nhất của Putin, tôi vẫn chưa tìm thấy ai xem việc Ukraine tham gia NATO là một thứ gì khác, ngoài một đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Nga.”

Tháng 02/2008, Mỹ và nhiều đồng minh đã công nhận nền độc lập của Kosovo đối với Serbia, một tuyên bố đơn phương bị Nga cho là bất hợp pháp, và bị coi là hành động sỉ nhục một quốc gia Slav. Bermann, cựu Đại sứ Pháp tại Moscow, hồi tưởng lại những lời cảnh báo khi đó của Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov: “Cẩn thận đấy, việc này là tiền lệ, nó sẽ được sử dụng để chống lại các người.”

Tại Bucharest, Pháp cùng Đức đã phản đối kế hoạch MAP cho Gruzia và Ukraine. “Người Đức không muốn gì cả.” Rice hồi tưởng, “Họ nói rằng, bà không thể chấp nhận một quốc gia có xung đột còn đang đóng băng như Gruzia” – ám chỉ bế tắc căng thẳng giữa Gruzia và hai nước cộng hòa ly khai tự xưng, do Nga hậu thuẫn, là Nam Ossetia và Abkhazia.

Sikorski, Ngoại trưởng Ba Lan, đã vặn lại: “Các người cũng đã là một cuộc xung đột đóng băng suốt 45 năm còn gì!”

Thỏa hiệp sau cùng là một mớ hỗn độn. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO cho biết Ukraine và Gruzia “sẽ trở thành thành viên của NATO.” Nhưng tổ chức này lại không chịu thông qua bản kế hoạch hành động có thể làm cho tư cách thành viên đó trở thành hiện thực. Ukraine và Gruzia bị bỏ lại cùng một lời hứa suông, bị gắn chặt vào một vùng đất không người chiến lược, còn Nga thì tức giận nhưng cũng nhận ra sự chia rẽ mà sau này họ có thể khai thác.
Thomas Bagger, cố vấn ngoại giao cấp cao của Tổng thống Đức, chia sẻ, “Ngày nay, chúng ta nhìn lại tuyên bố ấy và nghĩ rằng đó là điều tồi tệ nhất ở mọi thế giới”.
Putin đã đến Bucharest và trình bày điều mà Rice mô tả là “một bài phát biểu đầy cảm xúc,” rằng Ukraine là một quốc gia được dựng lên, rằng có sự hiện diện của 17 triệu người Nga tại đây, và rằng Kyiv là mẹ của tất cả các thành phố Nga – một tuyên bố sẽ dần phát triển thành một nỗi ám ảnh.

Đối với Sikorski, bài phát biểu của Putin không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên. Năm đó, ông đã nhận được một lá thư từ Vladimir V. Zhirinovsky, một người Nga theo chủ nghĩa dân tộc, khi ấy đang là Chủ tịch Duma Quốc gia, đề nghị rằng Ba Lan và Nga đơn giản là nên chia nhau Ukraine. “Tôi đã không hồi đáp,” Sikorski nói. “Chúng tôi không làm trong ‘ngành’ thay đổi biên giới.”

Bất chấp những khác biệt này, Putin vẫn chưa chuyển sang thái độ thù địch hoàn toàn. Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Rice vẫn tới thăm khu nghỉ dưỡng Sochi nằm trên Bờ Biển Đen mà Putin ưa thích.

Tổng thống Nga khoe với cả hai về những địa điểm được lên kế hoạch cho Thế vận hội Mùa đông 2014. Ông cũng giới thiệu họ với Dmitri A. Medvedev, một cộng sự lâu năm, người sẽ trở thành tổng thống vào tháng 5, như một phần của chiến dịch được dàn xếp kỹ càng, nhằm tôn trọng giới hạn về nhiệm kỳ trong hiến pháp của Nga, nhưng cho phép Putin trở lại Điện Kremlin vào năm 2012 sau thời gian làm thủ tướng.

Ở đó còn có những vũ công Cossack. Một vài người Mỹ đã bước lên sàn nhảy và bầu không khí thật tuyệt.

Ba tháng sau, một cuộc chiến kéo dài 5 ngày nổ ra ở Gruzia. Người Nga gọi đây là hoạt động “thực thi hòa bình.” Sau khi kích động để quân Gruzia tấn công các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Nam Ossetia, Nga chính thức xâm lược Gruzia. Mục tiêu chiến lược của họ là vô hiệu hóa mọi tham vọng trở thành thành viên NATO của Gruzia, và họ đã làm được điều đó. Moscow công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, rồi sáp nhập cả hai vào Nga.

Một cách cố ý, Putin đã vạch ra ranh giới đầu tiên trên cát, nhưng không có phản ứng có ý nghĩa nào từ phương Tây.

Chúng ta và Bọn họ
Ngày 07/05/2012, trong lúc 30 phát súng chào mừng vang lên khắp Moscow và các sĩ quan cảnh sát chống bạo động trong trang phục rằn ri vây bắt những người biểu tình, Putin đã trở lại cương vị Tổng thống Nga. Cực kỳ căng thẳng và ngày càng tin vào thói bội tín và suy đồi của phương Tây, ông là một người đã hoàn toàn thay đổi, xét về nhiều mặt.
Làn sóng biểu tình đường phố bùng phát 5 tháng trước đó, với hình ảnh những người tuần hành mang theo khẩu hiệu “Putin là một tên trộm”, đã củng cố niềm tin của ông rằng người Mỹ đang quyết tâm mang lại một cuộc cách mạng màu cho nước Nga. Biểu tình nổ ra sau khi cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12/2011 bị giới quan sát trong nước và quốc tế coi là gian lận. Nhưng tình trạng bất ổn cuối cùng đã bị dẹp tan.

Putin cáo buộc Ngoại trưởng Hillary Clinton là người chủ mưu chính. “Bà ta đã mớm lời cho một vài người ở đất nước chúng tôi và cho họ một tín hiệu,” ông nói. Clinton đáp trả, theo tinh thần các giá trị của Mỹ, rằng “chúng tôi bày tỏ lo ngại mà chúng tôi cho là có cơ sở vững chắc về quá trình tiến hành cuộc bầu cử.”

Thật là một đòn chí mạng lên những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm “cài đặt lại” quan hệ với Nga suốt 4 năm qua cầm quyền của Medvedev – một người tuy ôn hòa hơn, nhưng lại luôn hàm ơn Putin.

Tuy nhiên, ý kiến cho rằng Putin có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ phần lớn đã bị bác bỏ, vì Washington còn bận tâm với việc đánh bại Al Qaeda. Khi Thống đốc Mitt Romney nói rằng mối đe dọa địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt là Nga, ông đã bị Tổng thống Obama chế nhạo.

“Chiến tranh Lạnh đã qua 20 năm rồi,” Obama nói với vẻ khinh thường trong một cuộc tranh luận tổng thống năm 2012.

Dưới áp lực từ Mỹ, Nga đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2011 về việc can thiệp quân sự vào Libya, vốn cho phép “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường. Khi nhiệm vụ này chuyển thành kế hoạch lật đổ Đại tá Muammar el-Qaddafi, người sau cùng bị các lực lượng Libya giết hại, Tổng thống Nga đã nổi giận. Lại một bằng chứng khác cho thấy sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của Mỹ.

Một điều gì đó khác cũng đang diễn ra. “Ông ấy bị ám ảnh bởi vụ hạ sát tàn bạo Qaddafi,” Mark Medish, quản lý cấp cao phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine, và Á-Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Clinton, nói. “Tôi được thông tin rằng ông đã phát lại video hết lần này đến lần khác.” Hành động loại bỏ một nhà độc tài là một điều liên quan gần gũi với cá nhân ông.

Michel Duclos, cựu Đại sứ Pháp tại Syria và hiện là cố vấn đặc biệt của viện chính sách Montaigne ở Paris, cho rằng “lựa chọn tái phân cực” dứt khoát của Putin đã đến vào năm 2012. Trung Quốc đã trỗi dậy và đem đến các lựa chọn chiến lược mới. “Ông ấy tin rằng phương Tây đã suy tàn sau khủng hoảng tài chính năm 2008,” Duclos nói. “Con đường phía trước sẽ là đối đầu.”
Trong cuộc đụng độ này, Putin đã trang bị cho mình đội quân tiếp viện về văn hóa và tôn giáo. Ông khẳng định mình là hiện thân cho những giá trị bảo thủ của Chính thống giáo, chống lại chủ trương phi tôn giáo của phương Tây về hôn nhân đồng giới, nữ quyền cấp tiến, đồng tính luyến ái, nhập cư ồ ạt, cùng các biểu hiện khác của “sự suy đồi.”
Theo lời Putin, Mỹ và các đồng minh đang nuôi dưỡng ý định toàn cầu hóa những giá trị mang tính lật đổ này, dưới vỏ bọc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nước Nga Thánh thiêng sẽ chống lại sự đồng nhất hóa nguy hiểm này. Chủ nghĩa Putin, lúc này đã thành hình, sẽ kiên quyết chống lại một phương Tây vô thần và giả tạo. Một lần nữa, Moscow lại có một ý thức hệ cho riêng mình. Nó là một kiểu phản kháng bảo thủ, và đã thu hút các nhà lãnh đạo cực hữu trên khắp châu Âu và xa hơn thế.

Có vẻ như nó cũng phản ánh một điều gì đó khác nữa. Trong bộ phim tài liệu của Oliver Stone, Putin được hỏi liệu ông có bao giờ có “những ngày tồi tệ” hay không, câu trả lời của ông là: “Tôi đâu phải phụ nữ, nên tôi chẳng có ngày tồi tệ nào cả.” Bị Stone hỏi dồn thêm chút nữa, Tổng thống Nga đáp, “Đơn giản là bản chất sự việc như thế mà thôi.”

Tiếp đến, Stone hỏi về những người đồng tính và quân đội. “Giả sử ông phải tắm trong một chiếc tàu ngầm cùng với một người đàn ông khác, và ông biết rõ anh ấy là người đồng tính, vậy ông có vấn đề gì với chuyện đó không?” Putin trả lời, “Chà, tôi sẽ không đi tắm cùng anh ta đâu. Sao phải khiêu khích anh ta chứ? Nhưng mà ông biết đấy, tôi là một cao thủ judo.”
Câu này, rõ ràng, là một câu nói đùa.

Nhưng Putin không nói đùa về thách thức bảo thủ ông dành cho văn hóa phương Tây. Nó cho phép ông phát triển nhóm ủng hộ của riêng mình tại châu Âu, giữa các đảng cực hữu như Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (French National Rally/National Front), vốn đã nhận một khoản vay từ một ngân hàng Nga. Chủ nghĩa dân tộc chuyên chế đã hồi sinh sức hấp dẫn của nó, thách thức chủ nghĩa tự do dân chủ mà nhà lãnh đạo Nga tuyên bố là “lỗi thời” vào năm 2019.

Một số nhà văn và nhà sử học theo chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa dân tộc với những tư tưởng thần bí về vận mệnh và số phận của nước Nga, nổi bật trong số đó là Ivan Ilyin, ngày càng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của Putin. Ilyin coi người lính Nga là “ý chí, sức mạnh, và danh dự của nhà nước Nga,” và đã viết, “Lời cầu nguyện của tôi giống như một thanh gươm. Và thanh gươm của tôi giống như một lời cầu nguyện.” Putin thường xuyên trích dẫn lời ông ta.

“Vào thời điểm Putin trở lại Điện Kremlin, ông ấy đã tạo ra một ý thức hệ, một vỏ bọc tinh thần cho chế độ đạo tặc của mình,” theo lời sử gia Snyder. “Nga hiện đã mở rộng phạm vi mà nhà lãnh đạo của họ được quyền quyết định. Tất cả đều là vì nước Nga vĩnh cửu, một phiên bản tổng hợp của 1.000 năm qua. Ukraine là của chúng ta, luôn luôn là của chúng ta, vì Chúa đã nói như vậy, còn đừng bận tâm đến sự thật.”

Trong chuyến công du đến Kyiv vào tháng 07/2013, chuyến thăm nhân kỷ niệm 1.025 năm ngày Hoàng tử Vladimir của Kyivan Rus cải đạo sang Thiên Chúa giáo, Putin thề sẽ bảo vệ “Tổ quốc chung của chúng ta, Đại Rus.” Sau đó, ông cho dựng một bức tượng của Vladimir ngay trước Điện Kremlin.

Tuy nhiên, đối với Ukraine, một sự “bảo vệ” như vậy từ Nga chẳng khác nào một mối đe dọa được che đậy sơ sài, bất chấp những liên hệ sâu rộng về văn hóa, ngôn ngữ, và máu mủ giữa hai quốc gia.

Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan, nói rằng “Ba Lan đã bị Nga xâm lược nhiều lần. Nhưng hãy nhớ, người Nga không bao giờ xâm lược. Họ chỉ đến hỗ trợ các nhóm thiểu số nói tiếng Nga đang gặp nguy hiểm mà thôi.”


(Còn tiếp 1 phần)
Reply
#3
Một nhà lãnh đạo ngày càng táo bạo
Chặng đường 22 năm cầm quyền của Putin, trên nhiều phương diện, phản ánh sự táo bạo ngày càng gia tăng. Ban đầu, ý định của ông là khôi phục trật tự ở Nga và giành được sự tôn trọng của quốc tế – đặc biệt là ở phương Tây – ông tin rằng chỉ có một nước Nga giàu mạnh nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và vũ khí công nghệ cao mới có thể đứng vững trên thế giới, có thể triển khai lực lượng quân sự, và chỉ gặp phải sự phản kháng yếu ớt.
“Quyền lực, đối với người Nga, là vũ khí. Chứ không phải là nền kinh tế,” Bermann, cựu Đại sứ Pháp, người đã theo sát quá trình Putin quân sự hóa xã hội Nga trong thời gian bà ở Moscow. Bà đặc biệt bị ấn tượng bởi các video hoành tráng về vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh tiên tiến được trình chiếu trong lúc Tổng thống phát biểu trước cả nước vào tháng 03/2018.
“Không ai chịu lắng nghe chúng tôi,” Putin tuyên bố. “Bây giờ các người phải lắng nghe chúng tôi.” Ông nói thêm, “Những nỗ lực nhằm ngăn chặn Nga đã thất bại.”
Nếu quả thật Putin, như những gì ông tin tưởng, là hiện thân cho vận mệnh cường quốc thần bí của nước Nga, thì mọi ràng buộc đều đã bị phá vỡ. “Lần đầu tiên gặp ông ấy, tôi đã phải nghiêng người một chút để hiểu ông ấy đang nói gì,” Rice, cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ. “Tôi đã chứng kiến Putin đi từ hơi nhút nhát, khá nhút nhát, sang kiêu ngạo, và bây giờ là hoang tưởng.”
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển này xuất hiện sau quyết định vào phút chót của Obama hồi năm 2013 – không không kích Syria dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của Mỹ, là cấm sử dụng vũ khí hóa học. Thay vào đó, Obama mang yêu cầu tiến hành chiến tranh trình lên một Quốc hội miễn cưỡng, và dưới sự đe dọa của Mỹ cũng như áp lực từ Moscow, al-Assad đã đồng ý tiêu hủy vũ khí.
Sự lưỡng lự của Tổng thống Mỹ dường như đã để lại ấn tượng cho Putin. “Điều đó mang tính quyết định, tôi nghĩ thế,” Hollande, cựu Tổng thống Pháp, người đã chuẩn bị sẵn sàng các máy bay chiến đấu để tham gia cuộc tấn công quân sự vốn đã được lên kế hoạch, nói, “Nó mang tính quyết định đối với mức độ khả tín của Mỹ, và có hậu quả nhất định. Sau đó, tôi tin rằng, Putin đã coi Obama là kẻ yếu.”
Điều chắc chắn là Putin đã nhanh chóng tăng cường nỗ lực nhằm mở rộng quyền lực của Nga.
Bằng cách phế truất nhà lãnh đạo được Moscow hậu thuẫn trong một cuộc nổi dậy đẫm máu vào tháng 02/2014, và theo đó từ chối lời mời trị giá hàng tỷ đô la từ Putin để gia nhập Liên minh Á-Âu thay vì theo đuổi một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu, Ukraine đã làm điều không thể tha thứ. Hành động ấy, đối với Putin, là bóng ma kinh hoàng của các cuộc cách mạng màu biến thành hiện thực. Ông nhấn mạnh rằng đó chính là một “cuộc đảo chính” do Mỹ hậu thuẫn.
Thế nên, sau đó Putin đã sáp nhập Crimea và dàn dựng xung đột quân sự ở miền đông Ukraine, tạo ra hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn.
Hai thập niên trước đó, vào năm 1994, Nga đã ký một thỏa thuận được gọi là Bản ghi nhớ Budapest, theo đó Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình để đổi lấy lời hứa được tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có. Nhưng Putin chẳng mảy may quan tâm đến cam kết đó.
Heusgen nói rằng thời khắc quyết định đối với Merkel là khi bà hỏi Putin về “những người lính áo xanh nhỏ” – những người lính Nga cải trang – xuất hiện ở Crimea trước khi Nga sáp nhập bán đảo vào tháng 03/2014. “Tôi không liên can gì đến họ,” Putin đáp một cách thiếu thuyết phục.
“Ông ta đã nói dối bà ấy – dối trá, dối trá, dối trá,” Heusgen nói. “Kể từ đó, bà ấy bắt đầu nghi ngờ Putin nhiều hơn.” Bà sẽ nói với Obama rằng nhà lãnh đạo Nga “đang sống trong một thế giới khác”.
Sau đó, khi Putin ra lệnh cho lực lượng Nga tiến vào Syria, và vào năm 2016, phát động đợt ném bom ác liệt vào Aleppo, Merkel nói với Putin rằng đợt không kích cần phải dừng lại. Nhưng nhà lãnh đạo Nga không hề suy suyển.

“Ông ta nói rằng có một số chiến binh Chechnya và những kẻ khủng bố đang ở đó, ông không muốn họ quay trở lại, và ông sẽ đánh bom toàn bộ Aleppo để tiêu diệt họ,” Heusgen nói. “Đó là một hành động tàn bạo cùng cực. Ý tôi là, anh có thể tàn bạo đến mức nào nữa chứ?”

Dối trá và tàn bạo: Các phương pháp cốt lõi của Putin nay đã hiển hiện. Ngoại trưởng Lavrov đã trình bày điều đó một cách rõ ràng tại Hội nghị An ninh Munich 2015.

Trong một bài phát biểu dữ dội hệt như bài phát biểu của Putin vào năm 2007, Lavrov cáo buộc người Ukraine tham gia vào một cuộc “bạo lực dân tộc” đặc trưng bởi các đợt thanh trừng sắc tộc nhắm vào người Do Thái và người gốc Nga. Ông tuyên bố việc sáp nhập Crimea xảy ra là do một cuộc nổi dậy của nhân dân, đòi “quyền tự quyết” theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo Lavrov, Mỹ được thúc đẩy bởi khát vọng thống trị toàn cầu vô độ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Âu đáng lẽ ra nên xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu” – một “khu kinh tế tự do” từ Lisbon đến Vladivostok – chứ không phải mở rộng NATO về phía đông.

Nhưng không có nhiều người lắng nghe ông. Khác với các quốc gia thân cận với Nga, Mỹ và hầu hết châu Âu đã ngó lơ với một niềm tin hiếm khi bị đặt câu hỏi, rằng mối đe dọa từ Nga, dù có gia tăng, nhưng vẫn được kiềm chế; rằng Putin là một người có lý trí, và sẽ cân nhắc việc sử dụng vũ lực dựa trên các phân tích nghiêm túc về chi phí-lợi ích; và rằng hòa bình châu Âu được đảm bảo. Các nhà tài phiệt đầu sỏ tiếp tục biến “Londongrad” thành nhà của mình, còn Đảng Bảo thủ Anh Quốc rất vui vẻ nhận tiền từ họ. Những nhân vật nổi tiếng ở Đức, Pháp, và Áo cũng hoan hỉ đón nhận các chức vụ ngồi không ăn lương cao từ Nga. Đó là những cái tên như Gerhard Schröder, cựu Thủ tướng Đức, và François Fillon, cựu Thủ tướng Pháp. Dầu khí của Nga cứ thế tràn vào châu Âu.

Nhiều trí thức lỗi lạc, bao gồm Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Pháp và một chuyên gia về lịch sử Nga, đã bảo vệ Putin mạnh mẽ, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine đã cận kề. “Mỹ đã làm mọi cách để hạ nhục Nga,” bà nói với một người phỏng vấn trên truyền hình Pháp, gợi ý rằng việc giải thể đồng thời NATO và Hiệp ước Warsaw sẽ có lợi hơn cho thế giới.
Còn cựu Tổng thống Donald J. Trump thì chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích Putin, thậm chí, ông còn thích tin vào Tổng thống Nga hơn là các cơ quan tình báo của chính ông trong vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử

“Nhìn lại, đáng lẽ chúng ta nên bắt đầu từ rất lâu những gì mà giờ đây chúng ta phải làm trong thời gian gấp rút,” Bagger, nhà ngoại giao cấp cao của Đức, nhận xét. “Tăng cường sức mạnh cho quân đội của chúng ta và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Thay vào đó, chúng ta chọn mở rộng nguồn cung từ Nga. Và kéo theo mình một đội quân rỗng tuếch.”

Ông nói thêm, “Chúng ta không nhận ra rằng Putin đã dệt mình vào một thần thoại lịch sử và đã suy nghĩ theo các phạm trù của một đế chế 1.000 năm. Anh không thể răn đe một người như vậy bằng các biện pháp trừng phạt.”



Chiến tranh ở Ukraine

Điều không tưởng có thể xảy ra. Lựa chọn chiến tranh của Nga ở Ukraine là minh chứng cho điều đó. Khi chứng kiến sự việc, Bermann nói với tôi rằng bà nhớ đến những câu thoại trong The Human Stain (Vết nhơ trần thế) của Philip Roth: “Mối nguy của lòng thù hận là, một khi bắt đầu, bạn sẽ nhận lại gấp trăm lần so với điều bạn muốn. Một khi đã bắt đầu, bạn không thể dừng lại.”

Sự cô lập của Covid-19, hẳn là đã trở nên tồi tệ gấp đôi bởi chứng sợ vi khuẩn, đã khiến nhà lãnh đạo Nga áp đặt điều mà Bagger gọi là “dàn xếp bất thường” đối với bất kỳ ai đến gặp ông, mọi ám ảnh của Putin về 25 triệu người Nga mất đi đất mẹ sau khoảnh khắc tan rã của Liên Xô dường như đã tích tụ lại.

“Chuyện gì đó đã xảy ra,” Bermann, người từng được Putin tươi cười chào đón khi bà trình ủy nhiệm thư đại sứ vào năm 2017, nói. “Ông ấy đang nói với một cơn thịnh nộ và giận dữ mới, một kiểu điên rồ.”

Rice cũng bất ngờ y hệt, “Chắc chắn có gì đó khác biệt,” bà nói. “Ông ấy không kiểm soát được cảm xúc của mình. Có gì đó không đúng rồi.”

Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Putin ở hai đầu đối diện của chiếc bàn dài hơn 6m vào tháng trước, ông nói với các nhà báo trên máy bay của mình rằng, ông nhận thấy Tổng thống Nga thiếu tự nhiên, xa cách, và không kiên định về mặt ý thức hệ hơn so với cuộc gặp trước đó giữa hai người vào năm 2019. Các trợ lý của Macron mô tả Putin đã thay đổi cả về diện mạo, khuôn mặt ông sưng húp. “Hoang tưởng” là từ được cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Pháp chọn để mô tả bài phát biểu của Putin ngay trước thềm chiến tranh.

Việc Ukraine khiến Putin bị ám ảnh theo một cách vô cùng đáng lo ngại đã được thể hiện rõ trong bài luận 5.000 từ The Historical Unity of Russians and Ukrainians (Sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine) mà ông đã viết trong cô lập vào mùa hè năm ngoái, và đã phân phát cho các thành viên của lực lượng vũ trang. Sử dụng những lập luận trải dài từ thế kỷ 9, ông cho rằng “Nước Nga thực sự đã bị cướp.” Ukraine hiện đã trở thành ngôi nhà cho những tư tưởng “cực đoan và tân phát xít” nhằm xóa bỏ bất kỳ vết tích nào của Nga.

Ông viết, “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép các lãnh thổ lịch sử của mình và những người gần gũi với chúng ta đang sinh sống ở đó được sử dụng để chống lại nước Nga. Và với những kẻ sẽ thực hiện một nỗ lực như vậy, tôi muốn nói rằng, theo cách đó, họ sẽ phá hủy đất nước của chính họ.”

Nhìn lại, ý định của Putin đã thể hiện rõ từ nhiều tháng trước cuộc xâm lược. Eltchaninoff, tác giả người Pháp, tin là vậy. “Tôn giáo của chiến tranh đã tự xác lập chính nó,” ông nói. “Putin đã thay thế sự thật bằng một câu chuyện hoang đường.”

Nhưng tại sao lại là bây giờ? Từ lâu Putin đã kết luận rằng phương Tây yếu kém, chia rẽ, suy đồi, đi theo chủ nghĩa tiêu dùng cá nhân và thói lăng loàn. Đức vừa có một nhà lãnh đạo mới, còn ở Pháp sắp diễn ra bầu cử. Quan hệ đối tác với Trung Quốc đã được củng cố. Tình báo kém cỏi đã thuyết phục Tổng thống Nga rằng chí ít thì quân đội của ông cũng sẽ được chào đón như những người giải phóng tại những vùng rộng lớn ở miền đông Ukraine. Bagger nói, Covid-19 “đã tạo cho ông ta cảm giác cấp bách, rằng thời gian không còn nhiều nữa.”

Hollande, cựu Tổng thống Pháp, chọn cách giải thích đơn giản hơn: “Putin say sưa với thành công của mình. Trong những năm gần đây, ông ấy đã thắng rất nhiều.” Ở Crimea, ở Syria, ở Belarus, ở châu Phi, ở Kazakhstan. “Putin tự nhủ: ‘Ta đang chiến thắng ở khắp nơi. Vậy có chỗ nào thất bại không? Không đâu cả.”

Nhưng điều đó đã không còn đúng nữa. Chỉ bằng một cú đánh duy nhất, Putin đã tập hợp NATO, chấm dứt tình trạng trung lập của Thụy Sĩ lẫn chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Đức, thống nhất một Liên minh châu Âu thường hay chia rẽ, gây khó khăn cho nền kinh tế Nga trong nhiều năm tới, kích động một cuộc di cư ồ ạt của những người Nga có học thức, và củng cố điều mà ông liên tục phủ nhận sự tồn tại, chứng minh nó theo cách không thể xóa nhòa: quốc gia Ukraine. Ông đã bị vượt mặt bởi Tổng thống Ukraine nhanh nhẹn và can đảm, Volodymyr Zelensky, người mà ông từng chế giễu.

“Ông ấy đã lật đổ mọi thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình,” Gabuev, thành viên cấp cao của Trung tâm Carnegie Moscow, hiện ở Istanbul, nhận xét. Còn đối với Hollande, “Putin đã phạm phải sai lầm không thể khắc phục được.”

Tổng thống Biden đã gọi Putin là “tên vũ phu”, “tội phạm chiến tranh” và “kẻ giết người.” “Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” ông nói tại Ba Lan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga vẫn duy trì được sự ủng hộ mạnh mẽ ở trong nước, cũng như khả năng kiểm soát chặt chẽ các cơ quan an ninh của mình.

Quyền lực khiến người ta suy đồi – đó là điều ai cũng biết rõ. Dường như có một khoảng cách rất lớn, giữa người đàn ông được lòng cả Hạ viện Đức vào năm 2001 nhờ một bài phát biểu hòa giải, và nhà lãnh đạo giận dữ mắng mỏ “bọn phản quốc” bị phương Tây dụ dỗ, những người “không thể làm gì nếu không có gan ngỗng, hàu, hoặc cái gọi là quyền tự do về giới,” trích từ bài phát biểu của ông về những kẻ cặn bã và phản bội trong tháng này. Nếu chiến tranh hạt nhân vẫn là một khả năng xa vời, nó đã ít xa vời hơn hẳn so với một tháng trước – khi trở thành một chủ đề của những cuộc trò chuyện trên bàn ăn tối ở khắp châu Âu, trong lúc Putin theo đuổi công cuộc “phi phát xít hóa” một quốc gia có lãnh đạo là người Do Thái.

Có vẻ như, sau khi đã thử nghiệm một ý tưởng mới – về một nước Nga hội nhập với phương Tây – Putin, năm nay 70 tuổi, sẽ quay lại với điều đã khắc sâu trong tâm trí của mình: thế giới thời thơ ấu của ông, sau chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, với nước Nga một lần nữa giải phóng người Ukraine khỏi chủ nghĩa Quốc xã, và Stalin được khôi phục lại tầm vóc anh hùng.

Sau khi hoàn thành việc thủ tiêu các phương tiện truyền thông độc lập, và việc Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược không phải là “chiến tranh” và giải tán Memorial International, tổ chức nhân quyền hàng đầu đang thu thập thông tin về cuộc đàn áp thời Stalin, Putin đã quay trở lại cội nguồn của mình trong một quốc gia độc tài toàn trị.
Röttgen, người từng đứng lên vỗ tay hoan hô Putin cách đây 21 năm, nói với tôi rằng, “Tôi nghĩ ở thời điểm này, hoặc ông ấy thắng, hoặc là một dấu chấm hết cho ông ấy. Chấm hết về mặt chính trị, hoặc chấm hết về mặt thể chất.”

* Roger Cohen là Trưởng Văn phòng Paris của New York Times. Ông là cây bút phụ trách chuyên mục từ năm 2009 đến năm 2020. Ông đã làm việc cho tờ Times hơn 30 năm qua và đã từng là phóng viên nước ngoài cũng như biên tập viên nước ngoài.


Nhận từ email.
Reply