Đứa Bé Đánh Giầy.
#1
Đứa Bé Đánh Giầy

[Image: cau-be-danh-giay.jpg]
 
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
     Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu…”

 
Không hiểu sao đứa bé lại nhớ lời thơ trên của Bùi Giáng mà ông già Lâm bán vé số vẫn thường ngâm nga mỗi khi ông ngồi gục đầu trong xó tối với chai rượu đế của ông.  Hình ảnh của ông hiện lên thật rõ, như ông thực sự đang ngồi với nó ngay bây giờ. Đầu ông vẫn như đang lắc lư qua lại với những chuỗi cười dài cực kỳ sảng khoái. Áo ông cũng rách tươm như áo của nó. Những vết đen thật dài loang lỗ trên áo của ông cũng giống như những vòng lang ben mà nó thường trông thấy trên thân con chó mực thường rượt theo nó và ông mỗi khi ông và nó  đi ngang qua một ngỏ tối trong dãy phố đầy rác về đêm. Nó húng hắng ho, vò vò cái bụng đói của nó, và ngồi săm soi cái bàn chải đánh giầy củ kỹ chắc cũng ngang bằng tuổi thọ của ông già Lâm, với một hộp dầu đen đánh giầy mà nó đã lượm được trong một thùng rác bên góc cầu Tràng Tiền cách đây không lâu. Chiếc khăn lau cũng đen thui như mầu mực đen dù rằng nó đã giặt giũ rất là nhiều lần bên cạnh dòng nước trong vắt của dòng sông Hương. Mẹ của nó không đủ tiền để mua một chiếc khăn mới cho nó. Hai đứa em nhỏ tội nghiệp ở nhà, và người mẹ đang bị bệnh đang chờ đợi nó có thể mang một chén cháo và một món ăn nào đó về nhà. Chỉ nghĩ đến điều đó là nó đã cảm thấy khó chịu và hãi hùng rồi. Sáng giờ nó vẫn chưa kiếm được một đồng nào. Làm sao bây giờ khi chiều đang dần xuống? Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu đó thôi, nó đã cảm giác tủi nhục và sợ hãi rồi khi nghĩ rằng nó sẽ về nhà với đôi bàn tay không. Nó không muốn nhìn thấy đôi mắt thất vọng của đàn em và của người mẹ đang cố gượng dậy trên giường, nhướng cổ lên nhìn nó bằng đôi mắt hiền từ nhưng đầy xót thương. Nó không muốn nghĩ đến viễn tượng đó và nó cũng không bao giờ muốn đối diện với sự thật này mỗi ngày qua trong đời sống quá cùng cực và khốn khổ này của nó .

Có một chiếc xe đò còn mới tinh, với những rèm cửa mầu xanh  thả xuống, có những đôi mắt thập thò bên trong chiếc xe đò đang lấp ló nhìn ra. Chiếc xe đò đổ xịch ngay trước cửa quán Bún Bò Huế vốn nổi tiếng là ngon nhất ở đất Nội thành. Như một  mũi tên, đứa bé bay qua bên kia đường, tay ôm chặt túi đồ đánh giầy lộn xộn của nó. Như dòng nước sông Hương cuồn cuộn, bỗng nhiên trong những góc tối của nội thành, có những chiếc bóng đen cũng lũ lượt tràn ra, người ôm thúng, kẻ ôm bung. Ông già Lâm cũng phóng ra từ một góc tối. Ông hét lên. Tiếng hét của ông như xé nát cả hoàng hôn đang phủ xuống trên đất thành nội. “Việt Kiều tới! Bà con ơi, Việt Kiều tới! Tú ơi, nhóc tì con mầy chết đâu rồi mầy?”

Tú phóng ngay trước cửa quán ăn. Nó hét lại với ông già Lâm. “Tui ở đây nè. Ông già ơi! Lát nữa ông phải chờ tui đó nghe?”
Nhưng đội ngủ bên ngoài tuy lanh lẹ, nhưng vẫn không lanh lẹ bằng đội ngủ bồi bàn trong quán ăn. Họ đứng chặn ngay cửa không cho đám người bán buôn bên ngoài tràn vào. Họ giàn hàng ngang chặn ngay trước cửa quán ăn. Bị chặn bất thình lình, đám người  khựng lại. Như một đội quân đã được huấn luyện sẵn, họ bắt đầu tụ lại và dàn trận ngay trước cửa chiếc xe đò.  Nhóm bồi bàn đứng yên bất động, trong khi đó, có những người khách vẫn thản nhiên sì sụp với  những chiếc tô Bún Bò Huế nóng hổi trên bàn. Họ ngẫng lên nhìn thoáng qua một chút, rồi lại cúi xuống tiếp tục sì sụp tô bún bò Huế vẫn còn bốc hơi trên bàn của họ, như là họ đã quá quen với những cảnh tượng như vậy quá nhiều rồi.

Người hướng dẫn bước xuống trước. Đàng sau ông lố nhố những chiếc đầu đen. Ông nói gì đó với những người trên chiếc xe đò, và họ lại nhìn xuống bằng những đôi mắt e ngại khi nhìn thấy đám người lố nhố bên dưới xe như đang sẵn sàng vồ lấy họ. Tú đã quen với cảnh tượng trước mặt. Nó cũng đã chuẩn bị. Nó tìm cách đứng gần nhất để tìm kiếm một người Việt Kiều nào mà nó nghĩ rằng là dễ chịu nhất. Nó biết rằng chỉ có những người con gái mới có thể mềm lòng rộng rãi với những lời van vỉ của nó mà thôi. Nó quét mắt nhìn từng người Việt Kiều bước xuống xe. Họ cố gắng chen lấn đi qua những người phụ nữ đầu đội nón lá, tóc bới cao, đang cố gắng mời mọc họ mua những chiếc dù, cái nón, tranh ảnh, và post card. Có một phụ nữ Việt Kiều cố gắng gỡ áo của chị ra khi chị bị một người cụt một tay nắm cứng bằng một cánh tay còn lại của ông. Bên cạnh ông, có những đứa trẻ, mặt mày lem luốc, van xin thảm thiết “Chú ơi chú, cô ơi cô, cho cho con chút tiền đi cô chú. Nhà không còn gạo cô chú ơi. Con đói quá”, và “Cô chú thương tình bố thí cho con. Cả ngày rồi, không có gì ăn cô chú ơi.” Tiếng của người hướng dẫn viên cáu kỉnh gắt nhặng xị lên khi ông cố gắng gạt những người buôn thúng bán bưng đang gắng sức nhào tới mời mọc nhóm Việt Kiều đang tìm cách bước vào quán ăn. Ông hét lên inh ỏi “Tránh ra, tránh ra, làm ơn tránh ra giùm đi anh chị. Anh chị cứ đứng chen lấn như vậy thì làm sao mà người ta vô quán ăn cho được. Mấy đứa nhỏ này có tránh ra hay không?”  

Tú nhìn thấy cô gái ngay. Cô đội một chiếc mũ rơm, áo vải mầu trắng, chiếc quần Jean mầu xanh bạc mầu. Cô do dự một chút rồi bước vào ngay vào cuối dãy bàn, ngồi xuống chiếc ghế cuối cùng. Nó len lõi bước vào, thụt đầu xuống ngay chân của cô “Chị ơi chị. Cho em đánh giầy chị nghe?” Cô gái kinh ngạc nhìn xuống đứa bé đang ngồi xỗm dưới chân của cô. Đứa bé cỡ mười hai tuổi, có khuôn mặt khá thông minh, với vầng trán rộng, và đôi mắt thật tinh anh. Cô nhìn xuống chiếc khăn dơ bẩn của nó. Cô bật cười rồi nói, âm thanh khá dịu dàng “Chị mang dép săn đanh thì làm sao em đánh được hở em?” Đứa bé cũng cười theo. Nó trả lời ngay “Không sao đâu chị. Em sẽ đánh cho đôi dép của chị sạch bong thôi.” Nó rút bàn chải ra. Cô gái ngần ngại nhìn người hướng dẫn viên một chút, rồi cô lục túi. Mắt của Tú sáng lên. Nó vội vã tháo dép từ chân cô ra, cô vừa lấy ba tờ $20,000 đồng Việt Nam trong túi xách tay ra thì người đàn ông bên cạnh đã giằng lại, “Bộ cô muốn cho chúng tôi không ăn uống gì được hay sao? Người hướng dẫn viên đã dặn dò chúng ta rồi kia mà.” Cô gái khựng lại. Cô nhìn đứa bé một lần nữa. Tú nhìn cô bằng đôi mắt van xin “Chị cho em đánh giầy chị đi. Má em đang bệnh ở nhà đang cần có cháo ăn đó.” Người đàn ông trừng mắt, “Lại bịa chuyện nữa. Đi ra đi nhóc tì.” Ông ngoắc người hướng dẫn viên lại. Người hướng dẫn viên nhìn Tú, “Em đi ra ngoài đi.” Cô gái nói “Không sao đâu. Để cho nó đánh giầy cho tôi đi.” Tú nhìn cô gái hy vọng, nhưng người hướng dẫn viên đã lắc đầu khó chịu, “Tôi đã dặn cô rồi mà. Nếu cô làm kiểu đó là chúng ta không thể nào ăn được bữa chiều này đâu. Cô muốn họ bu lại đến mức độ chúng ta không thể lên xe đò được hay sao?” Tú năn nỉ “Em không có như vậy đâu chị. Chị cho em  đánh dép chị cho thật sạch rồi em đi ra ngoài liền à.” Cô gái khổ sở nhìn người hướng dẫn viên. “Chắc không sao đâu.” Người hướng dẫn viên gần như lớn tiếng, “Cô còn nhớ ở Hà nội hay không? Cả đám đi không được cũng vì cô đó.”  Người phụ nữ ngồi bên cạnh thì thào với cô gái, “Thôi đừng cho. Phiền phức lắm.” Cô gái nhìn đứa bé, chưa kịp nói gì thì người hướng dẫn viên đã lôi thằng bé ra ngoài cửa. Cô gái nhìn theo Tú bằng đôi mắt tràn đầy thương xót. Cô thở dài ngồi xuống. Cô nhìn tô bún bò Huế chay mà bồi bàn  vừa đem ra cho cô, nhưng không thể nào nuốt vô nỗi. Cô nhìn ra  bên ngoài. Đứa bé không biết đã đi đâu mất rồi. Cô nắm chặt số tiền trong tay. Định bụng sẽ nhét vào tay nó khi cô vừa leo lên xe đò. Người đàn ông bên cạnh húp xì xụp tô bún bò Huế và nói. “Ở Huế này không giống như ở Hà Nội đâu. Ở đây thì phức tạp hơn. Chúng ta phải tuyệt đối cẩn thận đó. Cô mà cho là lát nữa chúng ta  không có cách nào đi ra khỏi đây đâu. Không chừng còn bị giật đồ nữa đó. Nếu cô cứ lấy tiền ra vô thì lát nữa, mất bóp thì đừng có than vãn là chúng tôi không dặn dò cô trước rồi.”  Cô gái kín đáo thở dài. Cô cúi xuống vừa tính ăn thì có tiếng thì thầm dưới chân của cô “Em đây chị.” Bất ngờ, cô gái chưa kịp nói gì thì đã cảm thấy đôi tay nhỏ thoan thoát gỡ dép ra khỏi chân cô rồi. Nó chui luôn xuống bàn ngồi đánh dép cho cô. Cô gái nhìn quanh, rồi vội nhét tiền vào tay nó, nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh cô đã trông thấy. Ông chụp tay cô lại. Đứa bé cũng chụp tay cô cố gỡ số tiền trong tay cô. Ba người dằng co với nhau. Người đàn ông có lẽ vì quá hơi mạnh tay, nên tô bún bò Huế chay trên bàn đổ ụp xuống chân cô. Người con gái hoảng hốt vội đứng lên. Cả bàn nhốn nháo cũng vội đứng lên. Người bồi bàn  vội vã chạy lại, xách tai đứa bé kéo ra ngoài, “Đã nói với mầy rồi. Đừng có vào đây nữa nghe không? Tao đạp cho mầy mấy đạp bây giờ.”  Đứa bé bị lôi xềnh xệch ra cửa. Người bồi bàn  không một chút thương tiếc, đẩy nó thật mạnh ra ngoài. Nó gần như bị chúi nhũi xuống đất. Ông già Lâm vội đỡ nó lên. Ông nổi sùng la lớn lên “Việt Kiều gì mà ác vậy? Bộ Việt Kiều là ngon lắm hả? Không cho thì thôi. Sao lại đuổi con người ta như đuổi chó vậy? Cái đồ uống nước quên nguồn. Bộ tưởng ra nước ngoài rồi thì muốn đối xử người trong nước ra sao thì đối xử hả?” Tú đứng lên. Mặt mày nó nhăn nhó. Nó nhìn vào trong. Cô gái đã vào phòng tắm. Nó thở ra. Nghĩ đến những tờ $20 nghìn đồng trong tay của cô. Bằng mọi cách, nhất định nó sẽ có số tiền đó trong tay. Nó nghĩ đến bữa ăn cho cả nhà chiều nay. Nó nghĩ đến mẹ của nó và các em của nó, và nó biết rằng, nó sẽ có được số tiền đó, bằng mọi giá…

Lúc cô gái ngồi vào bàn, thì đứa bé cũng đã tìm cách len lõi vào trong khi cả nhóm người Việt Kiều còn bận rộn với những món thức ăn của họ. Cô gái giật mình khi đứa bé gỡ dép trong chân của cô ra. Cô nắm tay nó lại, có ý không muốn nó đánh dép cho cô. Tú hiểu lầm, nó nhìn cô bằng đôi mắt van xin. Cô ra dấu cho nó đừng lên tiếng. Cô vẫn còn nắm số tiền trong tay tính nhét vào tay của nó. Người đàn ông bên cạnh bực bội lên tiếng “Bồi bàn đâu, thằng nhỏ này nó vô đây nữa rồi nè.” Cô gái vội nhét tiền vào túi của đứa bé, nhưng người đàn ông đã chụp tay cô lại. Một lần nữa, đứa bé lại bị tống ra cửa. Người con gái bắt đầu thấy bực mình. Cô càu nhàu với người đàn ông. “Thằng nhỏ đó tội nghiệp quá. Tôi cho nó vài tờ thì có sao đâu.” Người đàn ông khó chịu. “Đó là chuyện của cô, nhưng chúng tôi không muốn phiền phức.” “Họ đói khổ như vậy. Không cho thì làm sao cho đành lòng.” Cô gái nói. Người đàn ông lắc đầu, “Cô không biết đâu. Tôi có bằng Tiến Sĩ về Kinh Tế nên việc này tôi hiểu rành lắm. Cô mà cho tiền họ là họ sẽ quen tánh, rồi không chịu làm ăn gì hết. Cứ bám vào những người ngoại quốc tìm đến đây thì còn ra thể thống gì của dân tộc Việt? Họ sẽ biến thành loại người ăn bám vào những đồng tiền bố thí của người ngoại quốc.” Cô gái nhăn mặt “Nó chỉ là một đứa bé. Tội tình gì. Con nít biết gì. Nó cũng phải cần sống chứ?”  Người đàn ông cũng không vừa, “Đám con nít đó mà cứ cho tụi nó hoài thì tụi nó sẽ bê tha. Cô không biết là đôi lúc có nhiều đứa trẻ làm cái nghề này là vì chúng bị những đám dân du đãng bắt về làm việc cho họ hay sao? Cô cho tụi nó bao nhiêu thì tụi nó cũng sẽ nộp hết cho mấy tên đầu đảng này mà thôi. Mà tôi phải công nhận là thằng nhỏ này cũng lỳ lợm thiệt. Nhất định là không bỏ cuộc.” Người con gái chau mày “Thì đôi lúc đói khổ quá thì cũng phải lỳ lợm mà thôi. Ai lại không vậy? Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh này thì chúng ta cũng sẽ như vậy mà thôi.” Người đàn ông bực mình nói “Được rồi. Cô muốn cho thì cho, nhưng làm ơn để chúng tôi lên xe rồi hãy cho.”  Người con gái nín thinh. Cô nghĩ là tốt hơn hết là cô không nên đôi co với người đàn ông này. Đi chung tour thật cũng phiền. Dù cô có muốn cho tiền đứa bé nhiều lần, nhưng với người đàn ông khó tính này, cô thật là bất khả kháng. Cô nói nhỏ với người phụ nữ ngồi bên cạnh, “Cái ông này thật là vô duyên. Cái bằng kinh tế của ông có liên quan gì với vấn đề này. Chị thấy có lạ hay không? Ông cứ tìm cách ngăn cản em hoài à. Thật là bực mình.” Người phụ nữ liếc qua người đàn ông. “Kệ ổng đi. Lát nữa, mình ra ngoài rồi cho họ sau, nhưng cần nhất là trước khi chúng ta lên xe, như vậy thì chúng ta mới có thể đi được ra khỏi chỗ này mà thôi.” Cô gái nói “Thằng bé đó tội nghiệp quá. Em sợ không cho nó được. Hồi nãy giờ, nó ra vô nhiều lần rồi đó. Thấy mà phát tội nghiệp luôn.” Người phụ nữ thì thầm “Đừng lo. Thế nào nó cũng chờ ở ngoài mà. Lúc đó, em muốn cho nó bao nhiêu cũng được mà. Mình đi chung nên nếu mình mà cho thì có nhiều người họ bị níu kéo thì họ cũng sẽ không thích đâu. Em chịu khó một chút đi.” Cô gái gật đầu. 

Trong lúc nhóm Việt Kiều đang ăn uống thì ông già Lâm đã đi vào trong. Ông đã trông thấy người con gái và túi tiền trong giỏ xách của cô. Ông lướt thật nhanh qua cô, trước khi người bồi bàn đã kịp bước đến xua đuổi ông ra ngoài.  Người con gái nhìn ra, biết ngay rằng ông già đó đã lấy tiền của cô. Cô ngần ngại một giây, không biết có nên la lên cho mọi người biết hay không. Giấy tờ của cô thì vẫn còn giữ trong một cái túi riêng. Số tiền vài trăm ngàn đồng Việt Nam, cô bỏ trong một cái túi nhỏ. Cô nhớ  là khi đứa bé bị tống cổ ra ngoài thì túi tiền của cô vẫn còn đó. Ông lão với đôi mắt láo liêng khi đi ngang qua cô, trong lúc xô đẩy với người bồi bàn, có lẽ ông đã phổng tay trên với số tiền của cô rồi. Cô thở dài. Chỉ tiếc là cô không còn đồng nào để cho đứa bé nữa.

Nhóm Việt Kiều ra xe sau họ đã no nê sau một chuyến hành trình dài. Người con gái bước ra ngoài. Cô đã nhìn thấy đứa bé đứng bên cạnh chiếc xe đò. Đôi mắt của đứa bé đang chăm chú nhìn cô. Cô nhìn người phụ nữ thì thầm. “Chị cho em mượn $40,000 đi.” Người phụ nữ ngạc nhiên nhìn cô gái. Tuy thắc mắc, nhưng người phụ nữ vẫn dúi tiền vào tay cho cô mượn đỡ. Trước khi cô chen lấn lên xe đò, cô đã nhét vội số tiền vào tay đứa bé, nhưng cô cảm giác đứa bé đã nắm chặt tay cô lại. Nó thì thầm với cô, “Em cảm ơn chị.” Đứa bé nhét vào tay cô một vật mềm. Cô nhận ra túi tiền của cô. Cô chưa kịp phản ứng thì đứa bé nói thật nhanh “Em đã lấy lại cho chị rồi. Cảm ơn chị số tiền chị đã cho em.”…

Đứa bé đứng nhìn  chiếc xe đò chạy xa dần. Nó đi chân sáo bên cạnh ông già Lâm. Ông càu nhàu với nó, “Tao không hiểu tại sao mầy lại nhất định phải trả  lại số tiền đó lại cho con nhỏ đó.” Thằng bé mỉm cười “Chị đó tốt lắm mà. Con không cần phải lấy tiền của chỉ đâu.” Ông già Lâm vẫn càu nhàu, “Mầy ngu lắm, Tụi Việt Kiều thiếu gì tiền. Lấy của nó có vài trăm ngàn có mất mát gì đâu. Tao khó khăn lắm mới lấy được tiền của nó, còn mầy thì trả lại cho nó. Đúng là có ngu hay không? “ Thằng bé cười không trả lời. Nó nhớ đến đôi mắt của người con gái nhìn nó lộ vẽ đầy ngạc nhiên. Cô đã vội rút ra một tờ một trăm ngàn đưa cho nó, nhưng nó đã chối từ. Chưa bao giờ nó lại thấy vui như vậy. Ông già thở ra, “Tối nay lại đói nữa rồi. Mầy thật là ngu như bò. Ai đời có tiền trong túi lại chê. Bộ mầy muốn trở thành anh hùng rơm chắc. Chưa có thằng anh hùng rơm nào sống thọ đâu con.” Thằng bé lắc đầu “Đừng lo. Bác sẽ không sợ đói đâu.” Ông già Lâm nhìn đứa bé ngạc nhiên.  Ông thở ra, quàng tay qua vai nó rồi hỏi. “Vậy bây giờ mình phải làm sao bây giờ nhóc con?” Thằng bé mỉm cười. “Con đã nói là ông già đừng có lo chi cho mệt mà.”
Ông già lườm thằng bé. Nó mỉm cười. Một lần nữa, thằng bé ôm tay ông rồi vừa cười vừa ngâm…
 
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
     Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu…”

 
Ông già Lâm cũng cười theo. Bóng chiều đang dần đổ xuống trên thành nội. Những bóng người lố nhố dầy đặc cũng dần dần tản mát. Quán ăn cũng vắng bớt người,  chỉ còn thưa thớt một vài người bồi bàn  đang dọn dẹp trước khi đóng cửa. Đứa bé đánh giầy và ông già vẫn vừa đi vừa ngâm thơ của Bùi Giáng… Tiếng cười của họ như muốn làm vỡ tung cả bầu không gian mênh mông của xứ Huế…
 
 Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…”

 
…Bên kia bờ sông Hương. Chiếc xe đò cũng đổ xuống trước cửa khách sạn. Nhóm Việt Kiều giúp nhau khiêng hành lý xuống xe. Người hướng dẫn viên tìm đến người con gái. Ông nói:

“Cô có biết chuyện gì mới xảy ra hay không?” Cô gái hỏi, “Chuyện gì vậy?” Người hướng dẫn viên chau mày, “Anh Hội bị đám người đó móc túi lấy mất cái bóp của ảnh rồi.” Người con gái kinh ngạc. Cô quay đầu lại nhìn quầy khách sạn. Người đàn ông đang la lối om sòm với một người bạn đang đứng bên cạnh cửa ông ta. Bất giác, người con gái chợt nhớ đến đứa bé đánh giầy và ông lão trong quán ăn. Trước khi người hướng dẫn viên và người đàn ông kịp trông thấy, người con gái đã vội quay mặt đi với ánh nhìn thương cảm của cô …
 
Mến tặng em bé đánh giầy
 bên dòng sông Hương…

Minh Nguyệt
 
Heavy-black-heart4 :rose4: Heavy-black-heart4
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply