MÙA TRĂNG CHẾT (Lien Huong Phanta)
#1
(Thời Gian Khoảng 25-3-1975)

Chiếc xe Jeep chầm chậm len theo giòng người hối hả hướng về bến cảng Qui-Nhơn, trên xe là hai người đàn bà đứng tuổi dáng nội trợ và bầy con nít bảy đứa lau chau. Ông Thiếu-Tá chính tay cầm lái, lắc đầu ngao ngán nhìn đám đông hỗn độn trên bến cảng, ông muốn lùi xe ra nhưng đã muộn! Giòng người tiếp tục đổ vào bến, nơi có Chiến hạm HQ 500 lừng lửng bỏ neo.
Chiếc tàu há mồm (một bé gái giọng Bắc trên xe nói vậy) nuốt chững hàng đống xe cộ chiến xa vào bụng và đám người chen lấn hớt hãi. Tôi chính mắt nhìn thấy những chàng trai, các cô gái trẻ đu người tòn teng trên thang dây cáp bên ngoài thành tàu; họ cố gắng trèo lên... leo lên... Tôi không có đủ can đảm để làm vậy vì lúc ấy tôi chỉ là con nhỏ 17 tuổi chưa bao gìơ biết chơi các trò chơi thể thao ngay cả u quạ, trèo cây, huống chi là "leo thang dây".
Ba tôi xuống xe, cố gắng chen vào đám đông gần tàu, nhưng rồi thở dài quay lại nhìn vào xe, vì ngoài đám con nít và ít tay nải, còn có 10 bao cát nhà binh cột chặt, không phải "vàng" đâu các bạn! Chỉ toàn sách là sách, những quyển sách bìa da gáy vàng...
Hồi còi tàu xé tan ráng chiều, đám đông hỗn độn thưa dần, chiến hạm há mõm từ từ khép tấm bửng lên, nó chuẩn bị nhổ neo; Chúng tôi vẫn còn trên xe... chuẩn bị quay về!
Chợt có tiếng kêu:
- "Thiếu-Tá... Thiếu-Tá ! Sao còn ở đây? "
Rồi bửng tàu hạ xuống, hai thủy-thủ chạy đến giúp chúng tôi, đám con nít lau chau lên tàu, HQ 500 chiến hạm đã đầy người và quân xa; Hai thủy-thủ ẵm từng đứa nhỏ đưa lên cầu thang tàu, Má và dì Sáu lên boong trước, dì tìm chỗ ngồi, Má đứng trên thang, tôi đứng dưới hầm tàu kiểm soát đám nhỏ để không bỏ sót đứa nào...
Ông Thiếu-Tá Thanh-tra QLVNCH không đi theo vợ con lên tàu, Ông đứng đó, bên cạnh chiếc xe Jeep chở đầy những bao sách; Ông có trách nhiệm phải ở lại thị xã Qui-Nhơn bé nhỏ của Ông, với người dân Qui-Nhơn thân thuộc mà Ông đã giành cả cuộc đời giúp đỡ họ...

MÙA TRĂNG CHẾT (ngày 25 tháng 3 năm 1975)

Anh đứng giữa lưng chừng bậc thang giúp Má và Dì tôi lên trước, các em lớn theo sau. Tôi đứng dưới hầm tàu trông chừng đồ đạc và chuyển lên dần các em nhỏ, con em út được Má ẵm theo; thằng em ba tuổi trèo lên thang một mình... Anh bồng nó đưa cao tay:
- Con ai đây! Con ai đây!
Tôi ngước lên lí nhí:
- Em t.u.i...
- Hả? Con ai?
- Em... tui...
Anh nhìn tôi, cái nhìn như sững lại, tôi... con bé mắt mở lớn, tóc demi cắt ngắn con trai, áo quần carô ống loe hippy... Rồi như giật mình, anh chuyền thằng út Huy cho Má tôi đứng trên cửa hầm tàu, chạy vội xuống thang anh hỏi lớn:
- Bé còn ai nữa không?
- Dạ hết!
- Còn đồ đạc gì không?
Tôi nâng cây đàn Tranh bằng hai tay trao cho anh, cây đàn 16 dây theo tôi gần bảy năm thân thiết mà trong lúc vội vàng đã không kịp cho vào hộp; Anh cầm đàn bằng một tay, tay kia nắm lấy tay tôi kéo lên mấy bậc thang nói nhỏ:
- Chạy giặc mà cô bé làm như đi chơi vậy?
Từ phía dưới hầm tàu tôi mở lớn mắt nhìn Anh:
- Dạ còn mấy bao sách ngoài xe mà không đưa lên được.
Lúc ấy cửa tầu "há mồm" đang từ từ kéo lên... Anh đưa tôi đến chỗ Má ngồi bên cạnh ụ súng lớn trên tàu, rồi nhờ các bạn anh thòng đây cáp xuống, ba tôi vẫn còn đứng bên chiếc Jeep, ông cột những bao sách mang theo và tất cả đã được kéo lên boong tàu.
Mọi việc diễn ra nhanh chóng, Anh sắp xếp các bao sách ngay cạnh Má và Dì, đưa các em tôi bảy đứa xuống phòng ngủ chung của anh và các bạn thủy-thủ, gửi mỗi đứa một giường, anh đem bánh ngọt, nước uống cho từng đứa rồi lên boong tàu nói với má tôi:
- hai dì xuống phòng con nghỉ, trên này đông quá mà lạnh em nhỏ...
Má tôi lắc đầu vì sợ làm phiền anh quá, vã lại còn Dì và đống đồ mang theo.
Còi tàu lại hú lên... mặt trời chìm dần xuống sau dãy núi xa, ráng chiều đỏ rực nhuộm đỏ đám mây bên này phố.
Tàu rời bến, hồi còi tiễn biệt... Anh đưa tôi và Má đến sát lan can mũi tàu nhìn xuống, Ba tôi vẫn còn đó! Tôi vẫy tay, Má vẫy tay, Anh vẫy tay gọi lớn trong loa cầm:
- Ba yên tâm! Con sẽ lo cho Má và các em...
Không biết Ba có nghe! Nhưng vẫn đứng đó, bên cạnh chiếc xe jeep... cô đơn... Bãi cảng vắng tanh... tàu rời bến.
Trăng lên sớm, ráng chiều hắt tia đỏ lên vầng mây xa, trăng nhuộm màu máu tươi...

Tôi ói, ói hết mật xanh lại đến mật vàng, người tôi bềnh bồng choáng váng. Tôi nằm trên giường của anh cùng với Hồng-Vân con dì Sáu, các em tôi chia nhau các giường của bạn anh. Trao cho tôi nước chuyền để uống, bánh qui cho bớt ói, anh nấu mì gói mang đến, tôi chỉ lắc đầu xua tay, tôi ói lên tất cả khăn tắm anh mượn của bạn, ói lên người anh khi anh cuống quýt lau mặt lau tay tôi... Khi không còn gì để ói, anh đỡ tôi nằm xuống giường gửi gắm cho người bạn chung phòng. Anh phải đi làm nhiệm vụ Thủy-thủ của mình, những người bạn của anh sau ca làm mệt mỏi phải ngủ dưới sàn nhường giường cho lũ trẻ con.
Anh trở về phòng sau ca trực, tôi vẫn còn ói, Anh lẳng lặng đem giặt hết các khăn dơ, thăm từng đứa em có đứa cũng say sóng nằm dài. Sau khi anh ghé lưng giường người bạn thay ca và tôi cũng thiếp đi một chút, choàng tỉnh tôi lại thấy anh bế vào con em út tôi, sợ nó lạnh anh đã lên boong tàu năn nỉ má tôi đưa con bé xuống phòng.
Tôi đòi lên boong tàu vì ngộp thở, tôi như con cá ươn bèo nhèo say sóng, anh đưa tôi ra ngoài cho thoáng, để tôi đứng tựa lan can anh vào phòng lấy thêm áo khoác. Nhìn xuống phía dưới thăm thẳm những gợn sóng sáng bạc li ti phản chiếu anh đèn, tự nhiên tôi choáng váng chỉ muốn thả rơi xuống... rơi xuống...
Một cánh tay ôm choàng lấy tôi kéo mạnh, mùi biển mặn, hơi ấm vòng tay, tôi chẳng còn hơi sức nào để bước... Anh dìu tôi lên boong tàu tìm chỗ thoáng hơn, ở đó đã có vài thủy thủ bạn anh và các cô gái trẻ đang cười vui đàn hát...Tàu xa dần thành phố nhỏ...
Trăng vằng vặc sáng, tôi gối đầu lên áo khoác anh cuộn tròn, anh với lấy cây đàn cúi xuống hỏi nhỏ:
- Bé con khoẻ chưa? Hát cho anh và các bạn nghe đi... Má nói bé hát hay lắm mà!
Tôi cắn chặt môi lắc đầu, cổ họng cồn cào cơn say sóng... Anh ngồi xếp bằng, đôi chân tôi trong lòng anh:
- Anh hát bé nghe nghen !
Tôi ngọ nguậy đôi chân gật đầu, anh dạo đàn... Tôi ngước nhìn ánh trăng, trăng đêm nay sáng quá nhưng sao tôi thấy như có màu đỏ của chiến tranh, và tôi đang chạy trốn, vầng trăng vẫn lững thững theo trên cao...
Giọng Anh ấm trầm theo tôi chìm vào cơn mơ..."... năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng, anh dặm trường mê mãi, đời chia những nhánh sông... ngày nhà em pháo nổ... Anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn... ngày nhà em pháo nổ tâm hồn anh rướm máu, ôi nhát chém hư vô... Anh mang hồn thủy-thủ cùng năm tháng phiêu du, anh một đời rong ruổi, em tay bế tay bồng, chiều hắt hiu xóm đạo, hồi chuông Giáo-đường vang..."

MÙA TRĂNG CHẾT (ngày 28 tháng 3 năm 1975, cây số 4 Cam-Ranh)

Mỗi chiều tôi thang lang ra biển, tôi ngóng về phía xa, ở đó có những đám mây gần kề sóng biển, tôi cố tìm bóng dáng một con tàu...

Anh đã hứa sẽ tìm tôi sau khi tàu anh được lệnh khẩn cấp quay lại Đà-Nẵng đón thêm người di tản. Sáng ấy anh lên boong tàu quì trên một chân cầm tay Má tôi tha thiết:
- con xin má cho em con được ở lại tàu, con sẽ lo cho Hương và khi tàu trở lại con sẽ tìm gia đình mình.
Má tôi ngập ngừng vì bà phải xuống cảng Cam-Ranh, bà phải ở lại chờ ba tôi nếu tàu không đi thẳng đến Sài Gòn.
- Dì không thể ở lại tàu vì các em say sóng và sợ khó khăn cho con, nhưng nếu con đã hứa thì tuỳ Hương quyết định!
Tôi không thể làm gì khác vì sau một ngày đêm vật vã say sóng, đầu tóc rũ rượi, tôi như "con cá ươn bèo nhèo"... chỉ muốn chết ! Tôi chỉ muốn ra khỏi tàu, dù biết là sẽ xa anh, nhưng tôi còn có Má, Dì và các em.
Tôi nhìn anh, trái tim nhói đau... lắc đầu! Tàu cập bến Cam-Ranh sau hồi còi vang dài không muốn ngưng, mọi người lặng lẽ xuống bến, anh và bạn giúp mang hết mọi thứ cho gia đình tôi, Má, Dì và các em nhìn tôi áy náy, Hồng Vân lẽo đẽo ôm tay anh khi anh dìu tôi xuống tàu (con bé đã đặt tên tàu há mồm) miệng huyên thuyên:
- Chị Hương này, chị ở lại với anh đi... tội anh Du chị à!
Có nhiều ánh mắt của các chàng Sĩ-quan Hải-Quân nhìn theo khi Du dìu tôi đi ngang, họ kêu tên anh:
- Du sao không để gia đình ở lại? Cái thằng số may mắn, con bé xinh quá đi!
Rồi quay sang tôi họ ghẹo:
- này cô bé, đừng tin thằng đó nghen! Nó tên Dụ chứ không phải Du đâu...
Anh cười nhìn tôi ấm áp rồi nheo mắt cùng các bạn anh:
- Cô bé dễ thương con nhà, đừng ganh tỵ nói xấu bạn bè nghen!
Anh đưa tôi đến chổ má sau khi mang hết những gì có thể ăn được chia cho các em; rồi anh xin phép má, anh cùng tôi đi về hướng khu nhà trên cảng anh trao cho tôi gói nhỏ và đẩy cửa căn phòng:
- Đây là nhà tắm tập thể vì anh chỉ là thủy-thủ, em tắm và thay đồ, anh đứng canh bên ngoài em yên tâm.
Vì phòng tắm không có khóa, tôi lúng túng và thật muốn khóc! Mở cái gói anh trao là chiếc khăn tắm, bộ đồ gấm màu dưa cải dệt nổi lá trúc mà tôi mang theo trong Samsonite riêng và... trời ạ! chiếc quần lót nhỏ?
Tôi xấu hổ cúi gằm mặt không dám ngẩn đầu đi bên anh nín thinh (chắc mặt tôi đỏ lắm), Anh xoa mái tóc tôi ướt rượt nước vì vội vàng không kịp lau:
- Bé con mắc cỡ hả? Anh biết bé cần nó mà...
Tôi ngậm như thóc xấu hổ không biết chui đi đâu, đưa tôi ngồi cạnh Má, anh chải mái tóc ngắn ngủn của tôi bằng đôi tay, mắt nhìn má tôi thăn thỉ:
- Má nói với Hương giùm con, trở lại tàu, con không muốn xa em!
Nắng Cam-Ranh chói chang, tóc tôi khô nhanh và giờ chia tay cũng đến nhanh. Anh và bạn khiêng lên xe mấy bao sách, các em lên xe rồi đến Dì và Má họ lưu luyến nhìn anh, người anh, người con mới quen nhưng đã thân thuộc! Anh ôm chặt lấy tôi:
- Con xin phép má.
Anh hôn lên trán, lên mặt tôi... nụ hôn có nước mắt anh chảy dài xuống môi tôi... Má tôi khóc, Dì tôi khóc, các em tôi ướt mắt chia ly. Má tôi trao cho anh tờ giấy ghi địa chỉ ở Sài Gòn, trong làn khói bụi xe chuyển bánh, nước mắt tôi lặng lẽ ứa...

Chúng tôi đến tạm trú trong khu gia binh cây số 4 Cam-Ranh vì nấn ná nên đến sau, cả nhà chỉ còn chỗ ngoài vỉa hè, màn trời chiếu đất; có xe nhà binh cung cấp gạo nước, nhưng làm sao má và tôi có thể chen lấn...
Ngày 2 tháng 4 má nhìn thấy ba từ xa... dáng ông cao dong dỏng, người đầy bụi mồ hôi, râu nhiều ngày chưa cạo, Ba thoát chết một cách mầu nhiệm khi chiếc Jeep bị đạn B40 mà người tài xế chết trên ghế lái.
Chúng tôi mất Đà-Nẵng, mất Qui-Nhơn, mất Nha-Trang... chiến tranh đã hiện diện nơi đây bằng đoàn người di tản, những người lính vũ khí buông xuôi lạc lõng, hàng đoàn xe hỗn loạn chen nhau, họ cướp, đốt xe hàng chở sữa đặc Ông Thọ, cướp phá kho gạo. Má không cho tôi dẫn các em ra biển mỗi chiều, dù chỉ băng qua con đường nhựa trước mặt!
Không được cung cấp gạo nước, tôi phải dẫn mấy đứa em lớn đi sâu vào rẫy mót khoai mì, hái trộm đủ đủ xanh. Một chiều muộn tôi phải đi xa hơn sâu hơn trong rẫy, thì từ dưới đất, bên bụi rậm trồi lên từng người một, những chàng trai áo quần xanh lá rừng, họ cầm súng đi lặng lẽ sâu hơn trong rừng, một anh trong đám họ thấy tôi ngơ ngác nhìn, đã quay lại nói nhỏ giọng Bắc:
- cô bé đưa các em về nhà, đừng đi xa quá nguy hiểm.
Rồi một ngày máy bay thả bom đâu đó gần kề, tiếng nổ làm trẻ con khóc thét, người lớn hốt hoảng, lại gồng gánh nhau đi.
Ba ở lại trông chừng mớ sách, Má gánh hai đầu ít gạo, vật dụng cần thiết. Tôi lưng cõng con em út đã được cột chặt vào người bằng chiếc áo mỏng, tay dắt thằng em ba tuổi, chiếc giỏ mây đựng đầy khoai mì, đôi dép có nơ tím... chỉ 30 phút sau đã bị bỏ đi vì chân tôi rướm máu; 1 giờ sau giỏ khoai mì cũng phải ráng ăn hết và quăng đi. Tôi lê lết theo đoàn người di tản, chúng tôi đi ngược về cây số 9... cây số 13...
Con đường kẻ xuôi về Nam người ngược bắc, tiếng súng đâu đó, hai xác người phủ cạn còn ló chân, chiếc Honda rúm ró cạnh bên... nắng nóng, ruồi... chân tôi đau... má phải dùng khăn buộc chân cho tôi thế dép. Nhóm chúng tôi chậm dần vì có nhiều trẻ con, Má cõng thằng em, tôi la lết con em út... bóng trăng nhạt nhoà theo sau... lại ngủ bên chái hiên nhà ai chờ sáng.
Đến nơi ở tạm vỉa hè, định dọn về khu Nhà Thờ, tôi giùng giằng đòi đợi sáng. Đêm đó bom rơi ngay nhà tạm cư cạnh nhà Thờ, hố bom sâu hoắm nhuộm đỏ xác người di tản...
Tôi quên mất anh rồi... có gì đáng để nhớ, khi tôi đã mất quê hương! Ba tôi đi tập trung cải tạo (mà ông chỉ mang theo hai bộ đồ và mấy lon gạo, ông tin là chỉ đi "cao tay là một tháng")
Nhớ anh sao được khi sau đó là chín tầng địa ngục... đọa đày!

PHẦN KẾT : LẠC-LONG-QUÂN ÂU-CƠ

Màn hợp xướng hàng trăm người ; hát xong 50 con theo Cha lên núi, 50 con theo mẹ xuống biển...
Cha lên núi lấy sức mình biến sỏi đá thành cơm? Dù cha là rồng cũng phải cuốc cày khi thất thế.
Mẹ xuống biển buôn thúng bán bưng nuôi Lạc-Long-Quân sa cơ lỡ vận, dù mẹ là Tiên...
Bầy con theo Cha rừng thiêng nước độc, lớp bỏ thây, lớp trốn về xuôi cùng mẹ la lết vỉa hè.
Bầy con theo mẹ xua ra biển, đứa mất đứa còn, đứa xích xiềng nghiến răng lên rừng cùng Cha rẫy rừng phá núi, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc. Sốt rét, thủng phù, còn đâu chân cứng đá mềm!
Sau 30-4-1975, Lạc-Long khăn gói lên rừng những tưởng chỉ sau 1 tháng sẽ trở về cùng vợ con vui hưởng Hoà bình chấm dứt chiến tranh, ngờ đâu...
Mẹ Âu-Cơ kẹt lại cây số 9 Cam-Ranh cùng bầy con nhỏ, màn trời chiếu đất. Sáng bà ra chợ phụ lặt rau rửa chén nhận được mấy đồng công, bà mua 10$ mắm cơm chia làm 12 bịch nhỏ, mỗi bịch 1$ bán đi lời được 2 bịch đem về, trước đó bà đã lượm lại mớ rau hoa chuối bỏ đi ngoài chợ; Cô nhỏ ở nhà đi mót khoai mì trong rẫy xa (có khi là ăn cắp) nấu nồi cơm ghé 2/10 gạo... hoa chuối lượm mót luộc chín chấm mắm cơm, đám em xúm lại quanh mâm... nước mắt chan canh...
Hai tháng sau trong căn chòi che tạm cạnh hố bom, dưới gốc cây đã bị mảnh bom vát cụt ngọn; Mẹ Âu-Cơ ôm cô nhỏ nước mắt đã rưng rưng:
- Con cho Má bán cái cassette của con, Má hùn mướn xe về lại Qui-Nhơn, mình không ở đây được đâu! Đã 3 tháng rồi chắc Ba không về được...
Con nhỏ đau thắt lòng, cái casette mà Ba mua cho cô đã lâu khi một hôm ông vô tình thấy cô ôm đàn ngồi hát, hát những bài hát mà ông yêu thích, mua tặng cô cái máy để cô có thể vừa đàn vừa hát thu lại cho Ba nghe khi ông có thời gian rảnh rỗi.
Chiếc xe ba-lua nhồi nhét hàng chục gia đình tránh nạn trở về Qui-Nhơn trên quốc lộ còn đầy dấu chiến tranh, lâu lâu xe phải chầm chậm chạy qua các cổng chào nền đỏ chữ vàng, những cái cổng ngu ngốc đã giết bao người vì cổng làm quá thấp mà xe đầy nghẹt, các thanh niên phải trèo lên mui ngồi, họ bị gạt rớt xuống đất... chết...
Về lại nhà, tìm lại các cô bạn cùng lớp ngày nào, có đứa mừng rỡ ôm chầm ứa nước mắt vì tưởng không còn gặp lại, đứa ngập ngừng vì cô nhỏ giờ là con nhà NGỤY...
Ngôi trường Tây-Sơn cũ đóng cửa, cô nhỏ tập cuỡi xe đạp, chiếc xe mini tội nghiệp bị cô nhỏ tông vẹo cái giỏ phía trước không biết bao nhiêu lần mới đến được trường Nữ-Trung-Học trước biển học tiếp mấy tháng lớp 12 dang dở. Ở đó cô quen thêm bạn mới, tập hát những bài hát mới mà cô không sao cảm nhận được cái âm giọng cao líu ríu Trung-Quốc.
Ở đó ngôi trường trước biển, cô và nhỏ bạn mới quen Khinh-Phấn giờ chơi hay tan học đã đi dọc bãi cát... những ngôi mộ lấp cạn... Cô và bạn tìm đọc tên những người lính trên thẻ bài, có khi là chiếc nón sắt treo bên trên mộ cát, nước mắt cô đã rớt xuống, mùi nhang trầm Khinh-Phấn cắm thơm nhạt nhoà... gió... cát... vòng kẽm gai...

[Image: 1mtc.jpg]
Hạnh, Khinh Phấn và Liên-Hương một sáng trong những buổi sáng thắp hương trên những ngôi mộ vô danh đã thất lạc... (hình chụp trước biển Nữ Trung Học Qui-Nhơn, phía sau là bộ đội tập diễn hành mừng quốc khánh 2-9-1975)

Cho đến một chiều thứ hai đầu tuần, cô nhỏ và bạn, áo dài trắng tóc thề như thường ngày đi học về, ôm bó nhang thơm ra biển... những ngôi mộ cát mất tăm... Cô nhỏ ngơ ngác tìm...

Đâu rồi tình yêu của cô... đâu rồi tuổi trẻ của cô? Chiến tranh đã cướp mất rồi còn đâu ! Và những kẻ chiến thắng!... họ đã san bằng những nấm mộ mà chỉ mấy ngày trước còn lũng lẳng tấm thẻ bài... chiếc nón sắt...

[Image: 2mtc.jpg]
Xác chiến xa trên bờ biển Qui-nhơn

Sóng cát rầm rì, cô quì xuống... cát tuôn qua kẽ tay... hàng thông nghiêng tiễn biệt, gió hát cùng cô thì thầm: "Anh nằm xuống khi một lần đã đến đây... đã vui chơi trong cuộc đời này... đã bay cao..."...

[Image: 3mtc.jpg]
Cô em út ngày nào má bồng chạy loạn, bây giờ là Đại Úy Hải-Quân USS.
Liên-Hương 15 năm trước đón em trở về sau hai trận chiến Afghanistan và Iran... tại cảng San Diego.
Reply
#2
[Image: IMG_0195-1024x683.jpg]

[Image: incense-gif.gif?w=412&h=271&crop=1]

Tulip4 Tulip4 Tulip4
Reply