HỒI KÝ TỰ THUẬT của HỌA SĨ HIẾU ĐỆ (1935 - 2009) về CON HỔ ĐÌNH XÓM CỦI
#1
https://sontrung.blogspot.com/2017/09/


Xóm Củi ở về phía tả ngạn sông Chợ Lớn, nơi có những vựa củi đụng lớn nhất từ các nơi mang về cung cấp chất đốt cho cả thành phố Sài Gòn Chợ Lớn. Từ Chợ Lớn về Xóm Củi, bà con có thể qua bằng cầu Ba Cẳng và cầu Nhị Thiên Đường.

Do tình hình chiến tranh tạo sự bất ổn ở các vùng nông thôn nên dân chúng kéo về làm ăn ở thành phố Sài Gòn Chợ Lớn mỗi lúc một đông đúc thêm. Nhà cửa ở vùng Xóm Củi được xây sửa trở lại, có vẻ không còn quê mùa như lúc xưa.

Anh Hai Dậu xuất thân là người Xóm Củi. Nhà anh ở trước cổng đình. Đình Xóm Củi cũng linh thiêng lắm. Nghe đâu có sắc thần của vua ban đàng hoàng.

Ngày xưa, vua Gia Long chạy giặc cũng có ghé Xóm Củi một lúc rồi sau đó chiến thuyền của vua rút về quận Hốc Môn. Sử sách chép như vậy. Hàng bao nhiêu thế kỷ về trước, có lẽ nơi đây đất rộng sông dài, chứ bây giờ người ta xây nhà cửa lấn trên sông. Có những đoạn sông đã bị lấp mất rồi, còn đâu để chiến thuyền đi được nữa!

Cũng do chiến tranh, đô thị phát triển nhanh. Tin tức càng nhiều do những xáo trộn trong dân tình. Báo chí ra nhiều chớ trước kia đếm trên đầu ngón tay, chỉ có vài tờ báo.

Nhờ đó, nghề ấn loát của anh Hai Dậu phất lên như diều gặp gió. Anh Hai là người ít chữ, chỉ biết chuyên môn kỹ thuật thôi. Anh tưởng mình làm ăn phát đạt là do địa linh phong thủy của Đình Xóm Củi. Anh có ý sơn phết tu sửa đình làng lại để tạ ơn Thần Hoàng Thổ Địa.

Anh Hai Dậu có thằng em kết nghĩa là họa sĩ Nguyễn Thanh Thu, điêu khắc gia số một của Việt Nam Cộng Hòa. Chàng Thu nầy có chữ ký giống hệt chữ ký của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai Dậu tính chơi trội hơn mấy tay nhà giàu ở vùng Xóm Củi, Chợ Lớn. Anh o bế điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đắp cho anh pho tượng Con Hổ để dựng trước cổng đình.

Anh dặn nhà điêu khắc nhớ ký tên vào tác phẩm đó để cho đám Ba Tàu Xóm Củi ngán cái uy của Hai Dậu vì hắn ta có thằng đàn em số một. Giá tác phẩm, Thu muốn chém bao nhiêu cũng được. Việc đó chẳng thành vấn đề. Dĩ nhiên, ngoài việc nễ tình ông anh, Thanh Thu cũng khoái cái món tiền nầy.

Việc khởi công đắp pho tượng Thần Hổ Đình Xóm Củi rất là quan trọng. Người ta phải cúng tạ Thần Hổ một con lợn quay cùng các thứ hoa quả bánh trái. Mời hết các vị trong Ban Hội Tề làng. Thầy bùa, thầy ngải, thầy địa lý cũng có đủ mặt. Họ cũng không quên mời đám nhà giàu, thân hào nhân sĩ.

Đo đạt, nhắm hướng, làm phù phép xong, đặt lá bùa xuống bàn lấy cục đất dằn lên, nhà điêu khắc in bàn tay vào. Như vậy là đã xong phần lấy ngày giờ để khởi công nắn tượng. Người viết có hân hạnh được dự buổi lễ khởi công rất quan trọng nầy tại xưởng điêu khắc của Thanh Thu. Họ mê tín dị đoan đến tức cười vỡ bụng.

Có lần tôi dựng đến hai chục pho tượng trong thành phố Sài Gòn Chợ Lớn mà chẳng cần đến một nhà điêu khắc tên tuổi nào. Lúc đó, tôi mới vào lính, còn làm Trung úy tò te.

Khi Hội Đồng Quân Lực lên nắm chánh quyền, Hội Đồng Tướng Lãnh trên Bộ Tổng Tham Mưu muốn tổ chức Tuần lễ Văn hóa Quân đội để cho nhân dân và thế giới biết về Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, không phải chỉ chuyên đánh đấm mà là thành phần có văn hóa đàng hoàng chớ chẳng chơi đâu.

Họa sĩ Tạ Tỵ là trưởng lão trong văn hóa nghệ thuật quân đội, một họa sĩ lập thể. Hơn nữa, ông thuộc khóa đàn anh, xuất thân từ trường Nam Định. Có điều là ông ta khó tánh quá nên đám tướng lãnh chẳng dám đụng đến ông ta (extremism). Ông Tạ Tỵ mang tính cực đoan và gàn hết chỗ nói. Không phải đạo, không đúng nguyên tắc thì ông ta không thèm mó tay vào.

Riêng thằng tôi lúc đó tuổi còn trẻ nên điếc không sợ và không nghe súng, tuổi lính mới tò te, làm mỹ thuật cũng mới vừa nổi tiếng. Trong các buổi họp, lúc Trung tá Tạ Tỵ phê phán Hiếu Đệ thì Đại tá Vũ Quang và Tướng Nguyễn Bảo Trị lại bênh vực. Mấy ông nầy cự nự cho là ông Tạ Tỵ làm trời nên kêu ngạo như sau: - Mấy sĩ quan gỡ mìn, người có kinh nghiệm ba mươi năm và người mới vô nghề, không ai tài giỏi hơn ai cả, chỉ một trái mìn xịt lửa là họ như nhau hết. Cứ để cho Hiếu Đệ nó quậy mà vui hơn.

Hôm đó, Sài Gòn lộn xộn. Các nơi tụ tập về biểu tình, nhất là từ những công trường ngã Năm ngã Bảy. Trên Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương họ muốn dựng một số tượng đài để khai mạc Tuần lễ Văn hóa Quân đội.

Ngân khoản cho việc xây dựng công trường chỉ có hai trăm ngàn. Trong khi đó dự trù hơn hai mươi tượng đài nên chẳng ai dám lãnh thực hiện. Vì chi phí cho việc dựng một pho tượng thôi cũng bằng người ta xây cất một ngôi nhà.

Lúc đó, tôi đưa ra kế hoạch rất gọn là đếch cần tác phẩm. Phân chia cho mỗi binh chũng trong quân đội để họ tự đề cao binh chũng của mình. Giao cho thợ hồ, thợ mộc hay lính quèn làm cũng được. Vì danh dự, vì màu cờ sắc áo, mỗi binh chũng tự xoay tiền để hoàn thành công tác của họ. Phòng Tâm Lý Chiến chỉ có việc đôn đốc thôi.

Như vậy, hai mươi tượng đài làm trong đôi tháng thì phải xấu hoắt thôi. Đó là chuyện bắt buộc không tránh khỏi. Làm cóc gì kiếm được hai mươi nhà điêu khắc số một cùng một lúc. Đào ở đâu ra mà đòi hỏi? Làm điêu khắc điệu nầy như cướp chánh quyền vậy.

Trong quyển "L'Art du Coup d'Etat" của Malapart có viết đại ý như sau: - Trong giai đoạn nầy chúng ta phải dùng bọn người mày dạng mặt dầy lỳ lợm như thứ xe ủi đất, loại Carter Pilar. Các nhà lãnh đạo lỗi lạc, các chuyên gia sẽ tính sau.

Chẳng ai lại dùng xe Mercedes, Cadillac đem về chạy trong lúc chưa ủi đường. Có nghĩa là ta phải dùng đám mất dạy, chuyên lừa thầy phản bạn như lũ Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu mới có ăn.

Có một số binh chũng khá giả, bỏ tiền ra mướn các nhà thầu thực hiện. Ví dụ binh chũng Thiết Giáp dựng tượng Thánh Tổ của họ là Phù Đổng Thiên Vương ở ngã Sáu đường Lê Văn Duyệt và Võ Tánh.

Nhà điêu khắc Mai Lân hiệu vẽ Thế Hệ ở đường Phan Thanh Giản làm tượng Phù Đổng Thiên Vương cởi ngựa. Trẻ nhỏ chẳng ra trẻ nhỏ, người lớn chẳng ra người lớn. Lại thêm trước mỗm con ngựa có dán miếng giấy đỏ, ý muốn nói là con ngựa sắt phun lửa. Để chừng ba ngày là gió thổi bay mất. Nhìn vô thấy tức cười vỡ bụng.

Huỳnh Huyền Đỏ làm tượng mấy chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đứng quay lưng vô quốc hội. Chưa tới ngày khai mạc Tuần lễ Văn hóa Quân đội, vì sườn sắt bên trong pho tượng không được vững vàng, đắp vừa xong thì pho tượng ngã đánh ầm một tiếng vỡ thành một đống vụn ciment. Nửa đêm, Thiếu tá Đỏ chạy vào văn phòng tôi khóc mếu máo. Tôi phải dẫn anh đi uống rượu và động viên anh kêu gọi lính tráng nhào vô làm lại, trong một tuần lễ xong ngay.

Sau Tuần lễ Văn hóa Quân đội 19 tháng 6, tôi được đài Hà Nội phong tặng cho một chức vụ lớn là: "Đại họa nô Việt Nam Cộng Hòa". Phòng An ninh Quân đội có cho tôi đọc một số bài viết họ chửi tôi trên tờ Nhân Dân và Tạp Chí Mỹ Thuật Hà Nội vui đáo để.

Tôi tưởng những sự việc đó đã rơi vào lãng quên. Nào ngờ sau 1975, khi tôi đi học tập cải tạo về, họ có mời lên Phòng Quản Lý Mỹ Thuật, một loại công an nghệ thuật, gặp họa sĩ Lê Vinh và Nguyễn Thái Bình. Họ bảo tôi đàn áp phong trào thanh niên chớ dựng tượng cóc khô gì mà xấu tệ vậy.

Ấy thế, mãi đến ngày nay, các tượng đài đó vẫn còn đứng trơ ra trong thành phố chớ họ chẳng làm cóc gì có tiền để thay vào đó những pho tượng khác đẹp hơn theo ý của Đảng. Nên họ gọi tôi là tên dựng tượng chiếm đoạt các công trường thành phố.

Trở về pho tượng Con Hổ Đình Xóm Củi. Nguyễn Thanh Thu thường khoe với tôi đó là một tác phẩm rất đặc biệt có một không hai. Tác giả đầu tư công sức trong ấy rất nhiều.

Mỗi ngày, Thanh Thu lái xe vào Thảo Cầm viên để xem con hổ thức dậy, đi lui đi tới. Anh ta ghi chép rất nhiều động tác trong sổ ký họa. Tượng giống y như con hổ thật, rất hùng dũng, đang bỏ bộ đi tới để săn mồi. Tác giả rất đắc ý với pho tượng con hổ này.

Khoảng ba tháng sau khi hoàn thành tác phẩm, Thanh Thu mời tất cả Ban Hội Tề và đám thầy cúng ở Đình Xóm Củi lại xem để nhận hàng. Bỗng nhiên sao thấy họ lắc đầu nguầy nguậy. Họ bảo rằng không giống con Hổ  Đình Xóm Củi.

Thanh Thu nổi nóng quay sang hỏi: - Vậy chớ Con Hổ Đình Xóm Củi nó ra làm sao?

 Họ cứ bảo rằng: - Nó chẳng ra làm sao, nhưng tôi thấy không giống ổng!

Thanh Thu càng nổi nóng thêm, cho rằng đám thầy cúng chẳng hiểu gì về nghệ thuật lại còn nói ngang. Chàng ta bèn gây gổ rồi xách cây ra đuổi cổ họ đi về.

Hôm sau, tôi có dịp ghé qua nhà Thanh Thu. Anh ta kể lại chuyện anh Hai Dậu và đám thầy cúng chê pho tượng Con Hổ của anh. Bây giờ  tới lượt tôi là bạn bè, hơn nữa tôi là một họa sĩ, như vậy ý kiến của tôi như thế nào?

Tôi bảo: - Nếu nói ra thì chắc chú mầy vác cây rượt đuổi tớ chạy theo đám thầy cúng là điều chắc chắn. Đây là một sản phẩm đặt nặng về tín ngưởng. Vị trí của mình không phải là con người tín ngưởng thì chớ có đụng đến cái vụ nầy. Ví dụ mình không phải là đảng viên cộng sản mà mình đi đắp tượng Hồ Chí Minh chắc chắn là sẽ bị ở tù. Thà đi uống rượu chơi còn sướng hơn. Nếu nói rằng mình đi vào nghệ thuật dân gian, trong khi đó mình là con người nghệ thuật hôm nay, vị trí đó cũng đã sai rồi. Phải vận dụng kỹ thuật bình cũ rượu mới thì mới có chỗ đứng.

Hôm đó, tôi có phân giải với Văn Thu: - Nhạc jazz âm điệu của người Phi Châu thời xa xưa được trình bày do các ban nhạc trẻ, đã trở thành một phong trào âm nhạc hôm nay và đã tạo thành một bộ mặt mới. Nhất là họ vận dụng được các nhạc cụ điện tử. Đó là một cuộc cách mạng rất tiến bộ, vượt lên trên kho tàng âm nhạc dân gian.

Tôi mới kết luận: - Như vậy có nghĩa là khoa học kỹ thuật kết hợp với âm nhạc trở thành một bộ mặt mới trong nền văn minh ngày hôm nay vậy.

Nói dong dài một hồi, Thanh Thu không còn giận tôi nữa. Có lẽ anh ta đã tìm thấy một ý niệm mới trong cái nhìn nghệ thuật. Qua năm sau, tôi nghe đâu Thanh Thu đã bán được pho tượng Con Hổ Đình Xóm Củi cho tướng Đặng Văn Quang để ở cổng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, "Cọp Ba Đầu Rằn" ở Vùng Bốn Chiến Thuật.

Trải qua cả chục năm sau, Thanh Thu và tôi mới gặp nhau lại. Hai đứa sống sót ra về từ trong trại cải tạo. Chúng tôi trở thành những người vô tích sự trong việc "xây dựng xã hội chủ nghĩa" của Cộng sản. Đám công an khu vực bảo bọn tôi chỉ có xây dựng mấy quán cốc, quán rượu thôi.

Có kẻ thì bảo rằng bọn tôi theo đoàn ca kịch "Sống Giang", tức là tản "sáng" đã "dông" mất, chẳng bao giờ thấy mặt ở nhà. Có đứa nói là chúng tôi rong chơi nhậu nhẹt chờ bảo lãnh - bảo lãnh theo diện H.O.

Có hôm Thanh Thu rủ tôi đi ăn giỗ nơi nhà anh Hai Dậu ở Xóm Củi. Đáng lẽ hai đứa ra bến xe buýt kiếm xe về nhưng lại ghé qua quán cốc kêu một xị đế uống giải nghể. Trong ánh đèn dầu hiu hắt thì ra chúng tôi đang ngồi bên bức bình phong thờ con Thần Hổ của Đình Xóm Củi.

Thanh Thu nhìn pho tượng Con Hổ rồi ôm bụng cười lăn ra: - Không biết tên thợ hồ nào nắn Con Hổ xấu hoắt. Cái mặt lại giống thằng người, tay cầm cái đuôi ngó lên trời như đang cười.

Chị Tư bán rượu ghé đến dọn bàn nói rằng: - Ông Hổ nầy linh lắm đó nghen. Mấy ông đừng có đùa giỡn mà bị ổng quở bây giờ! Mấy ông biết hông, tháng trước có hai anh chàng xích lô ghé xe lại ngủ trưa dưới gốc cây da, nơi thờ ông Thần Hổ. Lúc ấy có ông lão bán vé số men lại mời mua để giúp đỡ ông ta có tiền mua gạo.

Anh chàng xích lô xé mấy tờ vé số rồi vái Ông Hổ: - Ông Hổ Đình Xóm Củi ơi! Ông có linh thì phù hộ cho tôi trúng số. Tôi sẽ may áo mới cho ông ăn Tết liền, lại còn tạ lễ cho ông một con heo quay nữa. Ông có linh thiêng thì thử cho tôi coi!

Bỗng đâu đến tuần sau, anh chàng xích lô nầy được trúng số cá cặp hai triệu đồng. Anh rủ cả đám xích lô lại mua mấy lon sơn Bạch Tuyết sơn lại bức bình phong và Ông Hổ. Đám nầy xưa kia là lính Thủy Quân Lục Chiến nên họ pha màu giống mấy ông lính của họ. Đã thế, họ còn mang heo lại cúng tạ và đem ra làm mồi nhậu từ sớm mai tới chiều hôm.

Thanh Thu nói với tôi: - Thảo nào! Tượng Ông Hổ Đình Xóm Củi sao trông giống hệch anh lính Thủy Quân Lục Chiến quá cỡ.

Anh ta hướng về phía tôi: - Đâu chú mầy vái Ông Hổ cấp cho chú mầy chiếu khán xuất ngoại đi Huê Kỳ theo diện H.O. thử coi.

Chị Tư bán rượu còn nói: - Tội nghiệp Ông Hổ, xưa kia ổng ở trong rừng, bây giờ ổng ngồi giữa bến xe xích lô và quán nhậu. Chắc mai mốt Ủy ban Nhân dân Xóm Củi sẽ đuổi ổng đi chỗ khác chơi quá!

Hỏi sao vậy thì chị Tư đáp: - Nhà nước tính lấy miếng đất Đình Xóm Củi bán cho Đại Hàn làm nhà máy xay lúa. Ông Hổ có linh thiêng về bẻ cổ đám Ủy ban Nhân dân đi cũng vừa. Tụi nó là quỷ mà!

Cuộc đời chỉ là việc tranh sống với nhau thôi. Nhà nước dành đất của dân. Chẳng có vô sản cóc khô gì hết! Chỉ có giai cấp thống trị tranh dành sự sống của giai cấp bị trị. Sự sống bị người ta cướp giựt, nhân dân phải đứng lên tranh đấu cũng là điều hợp lý.

Con người mỗi lúc một đông. Ngày xưa, chúa Trịnh lộng quyền cướp đất chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn phải chạy vào Thuận Hóa để dung thân.

"Hộ hôn điền thổ vạn cổ chi thù".

Con Hổ Đình Xóm Củi còn bị đuổi đừng nói chi đến con người chúng ta.


HIẾU ĐỆ
Reply