Cúng kiến - Tế đàn ???
#1
Cúng Kiến - Tế Đàn qua nhãn quan của nhà Phật

Hai kinh này có cùng một nội dung như sau. Hai ông Bà-la-môn Ujjaya và Udāyī đến hỏi Phật:

- Con nghe nói hình như là Thế Tôn không tán thán các tế đàn (lễ cúng).

Bên Trung Quốc, trong Tử Cấm Thành có Thiên Đàn. Thiên Đàn là một tòa nhà tròn, tuyệt phẩm kiến trúc của Trung Quốc. Chuyện sử dụng các dãy cột rui mè trong đó là cả một kỳ công mà người ngày nay cũng khó hình dung được người xưa đã bằng kỹ thuật và sức người như thế nào mà có thể dựng lên như vậy. VN mình có lễ cầu sao giải hạn, lễ kỳ yên (cầu an) rồi tế cáo trời đất. Ngoài Huế có đàn Nam Giao gần Đồi Quảng Tế, ngoài Bắc thì dân gian có Tứ Phủ, miền Nam thì có các đình, đình lớn đình bé, có hát đình cúng đình. Như vậy thì mình thấy xưa nay từ Ấn Độ qua tới Trung Quốc lẫn Việt Nam, ở đâu, thời nào chuyện thờ cúng cũng được người ta coi nặng hết.

Nhưng hai ông Bà-la-môn Ujjaya và Udāyī này nghe phong phanh hình như Đức Phật không mặn mà lắm với chuyện đó. Cho nên họ đến hỏi Phật xem có đúng là Thế Tôn tuyệt đối có phủ bác coi nhẹ các tế đàn hay không.

Đức Phật dạy rằng Ngài không phải là người cực đoan trong bất cứ một cái nhìn nào. Bất cứ một vấn đề nào trên thế gian này trong cái nhìn của chư Phật luôn luôn phải được phân tích, chứ không có phải như phàm phu mình một là ghét thì ghét hẳn, hoặc thích thì thích hẳn. Các Ngài thì không.

Một lễ cúng gồm các khía cạnh đáng lưu tâm sau đây: (1) mục đích; (2) đối tượng; (3) tâm tư người thực hiện lễ cúng ấy.

1. Mục đích.

Ví dụ như mục đích mình cúng để năm nay “mua may bán đắc, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, gia đạo bình yên, tình duyên như ý”… Với mục đích như vậy, nghe sơ sơ thì mình đã thấy nó hữu lậu rồi, cái đó là phàm phu tục tử rồi.

2. Đối tượng.

Đối tượng mình cúng đó là ai? Đó là mấy ông thần thánh, những hàng khuất mày khuất mặt, các vong, các cô hồn, oan hồn uổng tử chiến sĩ trận vong hồn thiêng sông núi, ông bà ông vải, cửu huyền thất tổ v.v... Đối tượng này thấy cũng trớt quớt, không có gì liên quan đến chánh pháp hết.

3. Tâm tư.

Chỉ cần khía cạnh 1 và 2 đã nói lên được tâm tư của người thực hiện lễ cúng tế rồi. Tâm tư của họ là có từ bi, có trí tuệ, có trách nhiệm với mình với người, đời này đời sau hay không, hay chỉ vì mục đích danh lợi hoặc là vì một lý tưởng tà kiến nào đó.

Người VN mình có lẽ là cũng ít người ngờ được rằng có những lễ cúng cực kỳ dã man tàn bạo đã được thực hiện hàng ngàn năm trước đây. Chẳng hạn như mình thấy cách đây mới có hai ba hôm thôi, cảnh sát Ấn Độ phát hiện ra một gia đình mười một người đều chết sạch trong tư thế treo cổ. Cảnh sát phát hiện ra một chi tiết rùng rợn đó là ba người đàn ông trong số mười một cái xác chết ấy hình như chính là thủ phạm. Cảnh sát truy ra chính ba người này đã bỏ thuốc ngủ vào trong thức ăn để cho mấy người kia mê man rồi họ bắt đầu treo cổ mấy người kia lên. Sau đó bản thân họ cũng tự treo cổ với một lý do đơn giản là để cúng thần.

Rồi cách đây chừng mười ngày có một chuyện nổi cộm bên Thái Lan và cũng như toàn thế giới, đó là đội bóng mười ba em nhỏ được đưa vào tham quan một cái hang động dài 10km, có tên là Tham Luang Nang Non. Vô được mà ra không được. Cuối cùng họ phải huy động lực lượng đặc nhiệm: người nhái, các chuyên gia cứu hộ từ Úc, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Anh. Bữa nay tìm ra mấy em rồi. Lý do mấy em vào đó để làm gì mình nghe mà thấy hãi hùng. Theo tín ngưỡng địa phương thì một đứa bé bắt đầu trưởng thành phải trải qua nghi thức đi vào hang đó để như thể xin phép thần linh địa phương “cho con được lớn được làm người”. Chuyện đó hư thật ra sao không biết. Nhưng sẵn tôi gom hết các vụ án chết người bên Ấn mới đây và cùng một lúc mấy vụ lạc đường lạc nẻo cực kỳ đáng ngại của 13 em người Thái. Chưa hết đâu, bây giờ người ta còn phát hiện ra bao nhiêu di tích khảo cổ về những cuộc hiến tế hiến sinh ở Nam Mỹ. Họ giết trẻ em, giết trinh nữ, giết súc vật để cúng tế v.v... Coi như là bao đời nay trong đầu óc mông muội của nhiều người, chuyện cúng tế đó rất quan trọng. Và khổ thay, vì người ta không biết được chánh pháp nên người ta không lưu ý đến ba khía cạnh này: lý tưởng hay mục đích của lễ hiến tế đó là cái gì, đối tượng hiến tế là ai và tâm tư của người hiến tế. Chính tâm tư của họ mới khiến cho họ thực hiện nhiều chuyện động trời. Chẳng hạn như chùa Tàu ở quận 5, Chợ Lớn có hai con hổ bằng đá xanh. Năm nào người ta cũng giết heo tại chỗ lấy máu tươi bôi lên hai tượng hổ đó. Tôi đánh một vòng cho bà con thấy rằng chính cái u mê, cái cuồng tín đã dẫn chúng ta đến bi kịch tín ngưỡng.

Trong đời tôi có hai hòa thượng, hòa thượng cho tôi tu sa-di và hòa thượng cho tôi thọ đại giới. Hòa thượng cho tôi tu sa-di trước khi theo Nam Tông thì ngài là Bắc Tông. Ngài có người em ruột vô địch về cúng vong. Vị này giỏi Lỗ Ban đến mức đặt cái đồng xu (có cái lỗ tròn) trên đầu một mũi mác dựng đứng rồi ngồi lên trên đó trì chú suốt buổi cúng vong cúng cô hồn vào dịp Vu Lan tháng Bảy mỗi năm. Phải nói rằng nếu yếu tay ấn thì không cách nào ngồi trên đó được. Cái bàn tọa được đặt lên trên cái đồng xu đó, nếu mà yếu ấn là nó vật. Chỉ cần cái đồng xu trật qua một bên thì mũi mác đó chĩa thẳng lên óc luôn. Giỏi đến như vậy!

Cúng vong nghĩa là ‘tống ôn’. Người ta lấy cháo bỏ vô mấy cái lá đa, thả theo bè chuối gồm có gạo đậu. Thầy rước cả đống lễ vật ra ngoài sông, thầy trì chú, thầy làm lễ xong xuôi rồi thầy thả xuống dưới. Bao nhiêu cái vong cô hồn các đảng, âm binh quỷ sứ gì trong cái vùng đó sẽ theo bè đó đi luôn. Đó gọi là tống ôn, tiễn vong. Người chủ trì buổi cúng đó cũng phải là như thế nào đó chứ nếu tay mơ là nó vật cho chết. Theo truyền thuyết VN, mấy bè cúng vong trôi trên sông đó chỉ nể mặt một đối tượng đó là mấy đứa chăn trâu.

Người ta nói chăn trâu là cháu ông thần nông, mấy đứa chăn trâu có mấy cây roi trâu nhiều đời nhiều thế hệ, nó có thể kéo cái bè cúng trôi vô trong bờ để lấy ăn. Tôi kể cho bà con nghe chuyện tào lao nãy giờ để bà con thấy cái tinh thần cuồng tín nó ghê gớm cỡ nào. Và Đức Thế Tôn nói rằng tất thảy ba cái chuyện cúng bái tào lao tà kiến hướng tới mục đích không ra gì đối với Ngài đó là tà đạo.

Còn nếu lễ cúng ở đây nhắm đến đối tượng là thánh hiền và lễ cúng ở đây không gây tổn hại cho ai thì “này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình.”

Chính Ngài từng dạy có nhiều cách bố thí, trong đó có cách bố thí làm tổn hại cho mình, có cách bố thí làm tổn hại cho người, có kiểu bố thí làm tổn hại cho cả hai. Chẳng hạn như quý vị thấy ở VN mình có cái màn phóng sanh. Bỏ tiền ra là tốn tiền chứ đâu phải là không. Mua một đống chim, 500 hay 1000 con rồi đem vô trong đình miểu chùa chiền nhờ quý thầy cô tụng kinh. Chương trình của chùa thì mười giờ mới bắt đầu tụng kinh phóng sanh, nhưng người ta đã đem chim vô chùa từ sớm. Những con chim phải chịu khát nước, nắng nôi, bụi bặm, bị nhốt chờ đúng giờ quí thầy quí cô ra làm phép cho mấy con chim rồi mới phóng sanh. Đó cũng là bố thí đó chứ, bỏ tiền ra mua cả ngàn con đâu phải rẻ. Vừa bố thí tiền, vừa bố thí mạng sống lẽ ra thì công đức đó là vô bờ nhưng khổ thay vì nó được thực hiện bởi những tâm hồn hơi “thiếu ánh sáng” cho nên bố thí thì có bố thí nhưng quả thật đã gây tổn thương cho chúng sinh khác. Khi mình làm lành làm phước mà gây tổn thương cho chúng sinh khác cũng có nghĩa là chúng ta đương nhiên bị tổn thương ở đời sau kiếp khác.

Cho nên trong hai bài kinh liên tục Đức Phật xác nhận rằng ta không cực đoan trong cái gọi là tế đàn hay lễ cúng. Một lễ cúng dường cho hiền thánh, cúng dường cho người ta một buổi cơm để người ta lấy sức tu tập Phạm hạnh thì chuyện đó quá tốt. Chính Ngài cũng tán thán những buổi tế đàn mời những vị tu sĩ của các tông phái về cúng cho họ một bữa ăn. Có bữa ăn đó, tuy mỗi người theo đuổi một lý tưởng tu hành riêng nhưng ít ra họ cũng là những người cầu đạo giải thoát. Còn hơn là cúng cho những đối tượng mơ hồ thần thánh tào lao nào đó rồi đi giết thú. Có những lễ hiến sinh ngày xưa giết người, giết thiếu nữ, giết trẻ con, giết trâu bò, heo, gà, chó, ngựa…

Qua bài kinh này chúng ta thấy một chuyện rất quan trọng đó là có lòng hướng đến cõi tâm linh thì cũng hay hơn là chống đối mù tịt, rồi phủ nhận những gì mình không thấy. Tuy nhiên, không phải tin là tốt bởi vì nhiều khi thà không tin gì còn đỡ hơn tin tầm bậy.

Trong Pháp Cú có một câu:

Trăm năm lễ bái cúng dường,
Không bằng giây phút kính nhường thánh nhân.

Ngài Saddhammajotika bên Miến Điện, vị giáo thọ của Hòa thượng thầy tôi, ngài cả đời nghiên cứu A-tỳ-đàm. Ngài không có viết, chỉ giảng. Đệ tử chép lại in thành sách đưa qua ngài nhuận văn nhuận sắc, hiệu đính rồi đem đi in. Và với chừng ấy công trình tác phẩm biên soạn của ngài ở mỗi một quyển ngài có để lời nguyện thế này:

Mong cho con đời sau
Được gặp bậc đáng cúng
Được cúng bậc đáng cúng
Được lễ bậc đáng lễ
Được gặp bậc đáng gặp
Mong cho con đời sau
Đừng lâm cảnh khó nghèo
Khi gặp chuyện làm phước
Cần bao nhiêu cũng có.

Và cuối cùng xin cho con được trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác, với cái hạnh là Paññadhika – hạnh trí tuệ (Idaṃ me puññaṃ sabbaññūtañāṇassa paccayo hotu).

Đó là những lời nguyện mà tôi cho là rất cần thiết. Rồi ngài còn nguyện xin cho con đời sau dễ-dàng-đắc-thiền-định. Lát nữa tôi sẽ giảng bài kinh đó.

Quý vị có bố thí bao nhiêu, có giữ giới bao nhiêu, có phục vụ, có thính pháp bao nhiêu nhưng nếu quên nguyện câu “xin cho con dễ dàng đắc chứng thiền định” thì hơi mệt. Vì sao lời nguyện đó quan trọng? “Dễ dàng đắc thiền định” có nghĩa là ta đã tác ý thiểu dục ly tham! Khi một người có lòng mong được chứng thiền chứng định, khi nguyện xin như vậy thì đã ngầm có ý xin cho khi sanh ra đời sẽ là người thiểu dục.

Nhiều người không chịu đọc kinh điển, cứ nghe ba chớp ba nhoáng sẽ hỏi, vì sao ly dục mà mình phải nguyện, phải tu mới ly dục chứ. Dạ thưa, cũng phải có nguyện. Bởi vì quả vị Chánh Đẳng Giác ghê gớm hơn chuyện thiểu dục của phàm phu rất là nhiều, vậy mà người ta nguyện. Nguyện cho con sau này thành Phật. Chính lời nguyện đó mới trở thành ra một nguồn lực gia trì để người ta tu tập ba-la-mật. Phiền não cũng vậy, phải tu hành mới hết phiền não nhưng phải nguyện. Bởi vì nguyện mới trở thành ấn tượng tâm lý cho đời sau.

Ví dụ mình thấy đi đám cưới thì toàn những người phấn son, áo quần lụa là, vui vẻ, ăn uống, tay bắt mặt mừng tùm lum. Tự nhiên trong đám người đó lọt ra một kẻ nhìn thấy: “Cái đám cưới này sao giống cái trò hề quá. Nâng ly chúc mừng tùm lum mà trong bụng có chắc gì thương nhau… Cặp này bây giờ ôm nhau trao nhẫn thề thốt rồi không biết ở với nhau được mấy tháng.” Nói chung người có huệ căn nhìn đâu cũng thấy nản. Có biết bao nhiêu người trong số chúng ta gặp đám ma trên đường, thấy đám ma đi ngang qua nhà mà chịu nhớ rằng sẽ có một ngày mình cũng vô nằm trong cái thùng dài xọc, sáu miếng ván ráp lại như vậy hay không? Hiếm lắm. Toàn là dòm coi đám ma này lớn hay nhỏ, cái hòm tốt hay xấu, thầy chùa hay linh mục, đám ma Tàu hay VN. Toàn là kiểu đó thôi. Chứ có kẻ nào nhìn cái đám ma mà biết nghĩ đến chuyện tu hành, nghĩ đến ta một ngày nào đó. Nói chi là biết nhìn đám cưới để mà chán đời hở quí vị? Thấy người ta mặc áo tang mà mình còn chưa chán nói gì thấy người ta mặc áo cưới. Bởi cho nên ngày hôm qua tôi nói, có hai hạng, một hạng tu-đà-hườn, một hạng tu-đà-hưởn. Tu-đà-hườn là người ta đã diệt trừ thân kiến, chỉ còn tái sanh tối đa bảy kiếp. Kiểu như mình là tu-đà-hưởn, tu rất là rảnh. Ngoài một tiếng thiền ra thì coi như tha hồ làm gì thì làm. Có người thì còn tệ nữa, mỗi ngày xong hai buổi công phu là đạo nghiệp viên thành rồi đó. Trong khi đó hai buổi công phu là tụng kinh, miệng thì tụng mà lòng trôi dạt muôn phương có trời biết. Nhưng trên hình thức quay phim chụp hình như vậy là ngon rồi. Chính mình cũng đỡ mặc cảm cứ một ngày hai buổi là ok rồi.

Tế đàn ở đây phải là: bản thân của người thực hiện lễ cúng đã là người có đạo tâm, và đối tượng lễ cúng cũng phải là người có đạo hạnh, lý tưởng của lễ cúng cũng phải là trên tinh thần chánh pháp. Cúng cho người ta một bữa ăn mà mong cho người ta có sức khỏe để người ta vun bồi thiền định trí tuệ thực hành Phạm hạnh để chấm dứt sanh tử phiền não, đó là lễ cúng tuyệt vời nhất. Đây là lý do vì đâu mà Tăng bảo được Đức Phật dạy là āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraṇīyo.

“Dầu cho loại chúng Tăng hay hội chúng nào, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy. Tức là bốn đôi tám vị, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.” (‘‘Yāvatā, bhikkhave, saṅghā vā gaṇā vā, tathāgatasāvakasaṅgho tesaṃ aggamakkhāyati, yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraṇīyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.) (Bài Kinh 34 Các Lòng Tin)

Pāhuneyyo (đáng nhận quà tặng). Thánh tăng là những vị xứng đáng với tất cả các quà tặng trong nhân gian. Chúng ta tặng quà cho bạn bè cho người thân, cho người ơn, cho người lớn, người bằng, người nhỏ vào các dịp Mother’s Day, Father’s Day, Giáng sinh, Sinh nhật, Valentine…; trong tất cả các dịp, tất cả các đối tượng mà chúng ta tặng quà ấy, trong tất cả mọi trường hợp tặng quà đó không có đối tượng nào trên đời này đáng bằng hiền thánh. Tặng quà cho cha, cho mẹ, cho vợ, cho chồng… trong kinh nói tất cả những món quà ấy nếu mà dồn lại thành đống đem cúng cho bậc thánh còn xứng đáng và đem lại nhiều công đức hơn. Cho nên các ngài được gọi là Pāhuneyyo Āhuneyyo (đáng nhận đồ cúng). Dầu có cúng Thái Thượng Lão Quân, Diêu Trì Vương Mẫu, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra, Lý Tịnh gì đi nữa trong tất cả các đối tượng mình cúng bái xì xụp ấy thì thánh nhân vẫn là số một. Đối tượng đáng nhận đồ cúng nhất vẫn là thánh nhân. Trong tất cả các đối tượng đáng để mình chắp tay cúi đầu quỳ lạy, giở khăn tháo nón vẫn là thánh nhân, vì thánh nhân là anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa, thánh nhân là phước điền vô thượng của thế gian.
 
Hai bài kinh có cùng một nội dung như vậy. Nếu nói tới nơi tới chốn thì nội dung hai bài này nói tới Tết chưa hết. Tôi chỉ lấy cái sườn nói cho bà con nghe thôi. Bà con nào có lòng muốn nghe lại đề tài này, chắc chắn mình sẽ đem chuyện này ra nói ở một bài kinh khác. Nhiều người không thích cúng, sẽ không thích nghe bài này. (Kinh Ujjayasutta, Udāyīsutta)


~ Nên đọc nhiều lần và rất nhiều lần bài này để gia cố cho niềm tin và sự tu tập của bản thân từng ngày từng ngày trong đời sống~ TU PHẢI NGUYỆN

Sư Giác Nguyên giảng
Vietheravada.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Bài viết anh post rất là hay 


 "Qua bài kinh này chúng ta thấy một chuyện rất quan trọng đó là có lòng hướng đến cõi tâm linh thì cũng hay hơn là chống đối mù tịt, rồi phủ nhận những gì mình không thấy. Tuy nhiên, không phải tin là tốt bởi vì nhiều khi thà không tin gì còn đỡ hơn tin tầm bậy"

Reply
#3
...

Xin chào cả nhà,

Xin cảm ơn anattā đem về bài đọc hay nhé!
[Image: 4CftmX2.jpg?1]
(Chuẩn bị nướng bánh nhân chay không dùng trứng, chỉ có bắp, đậu, cà rốt, ớt chuông, bắp cải, boa rô, có ít sốt bằng sữa yến mạch.)



[Image: BKrrrpF.jpg?1]




...


Thân mến và chúc vui,
Dulan
...

Hello cả nhà!

...
Reply
#4
Cám ơn chị Dulan rất nhiều, đã công phu làm cho chiếc bánh chay ngon với nhiều vật liệu và đặc biệt trang trí lên đó chữ: ANATTĀ. Tulip4
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#5
Để ráng kiếm bài hay về đăng, hy vọng cũng được thức ăn có tên mình nằm trên như ai kia. 
P.S. Đây là thương, chân từ thiện chứ còn gì nữa.  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c

P.P.S. Hồi nhỏ hay nghe chữ "cúng cô hồn", giờ thấy chữ "cúng kiến", lúc đầu tưởng cúng vong linh của mấy con kiến chứ hihi
Reply
#6
(2021-06-08, 03:43 PM)TNNA Wrote: Để ráng kiếm bài hay về đăng, hy vọng cũng được thức ăn có tên mình nằm trên như ai kia. 
P.S. Đây là thương, chân từ thiện chứ còn gì nữa.  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c

Biggrin Biggrin
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply