Rạch ròi đầu tư và mua bán chứng khoán
#1
Hãy tưởng tượng đầu tư chứng khoán giống việc tự bỏ tiền mở một tiệm tạp hóa, còn mua bán chứng khoán như góp vốn mở một quán cà phê.
Khi tư vấn cho khách hàng, tôi đều khuyên họ phải xác định rõ giữa việc đang "đầu tư chứng khoán" hay "mua bán chứng khoán". Điều này cực kỳ quan trọng trong việc quyết định bạn sẽ thành công hay thất bại.
Nếu là mua bán chứng khoán thì phương pháp tư duy của bạn sẽ phải khác với việc đầu tư. Bạn hãy tưởng tượng như mình mở một tiệm tạp hoá và lấy hàng về bán. Bạn phải quyết định xem mình nên nhập mỳ gói hay dầu gội đầu, nước mắm... Nếu nhập mỳ gói thì chọn nhãn hiệu nào...?
Ở góc độ mua bán chứng khoán, bạn sẽ không cần quan tâm nhiều đến chất lượng hàng hoá mà phải đặc biệt chú ý đến nhu cầu của thị trường. Giống như việc bạn không cần quan tâm đến việc loại mỳ nào bổ dưỡng hơn mà chỉ quan tâm đến loại nào bán chạy nhất, "hot" nhất trên thị trường, hoặc đang có nhiều chương trình khuyến mại đẽ kích cầu.
Tương tự với cổ phiếu, hãy chọn mã nào đang có nhiều thông tin hỗ trợ, đang được bơm thổi, lăng xê, đẩy giá lên. Những mã đang có thanh khoản cao, bạn mua về sẽ bán hết ngay mà không bị đọng vốn...
Còn nếu là đầu tư chứng khoán, bạn hãy tưởng tượng mình đang góp vốn mở một quán cà phê. Tức là, lúc này bạn phải quan tâm đến chất lượng hàng hóa của mình. Tương tự, chất lượng cổ phiếu, khả năng sinh lời của doanh nghiệp mới là thứ bạn cần quan tâm chứ không phải nhu cầu mua của thị trường, hay loại cổ phiếu này có đang hot hay không...?
Khi một người rủ bạn góp vốn kinh doanh, bạn cần hỏi họ những vấn đề gì, thì trước khi quyết định mua cổ phiếu để đầu tư, bạn cũng phải tự hỏi và trả lời chính những vấn đề đó. Ví dụ, người này có đáng tin cậy không, có đủ kinh nghiệm, trình độ để chèo lái việc kinh doanh hay không? Sản phẩm làm ra có bán được không? Bao giờ hòa vốn và bắt đầu sinh lời? Tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu...?
Nói thêm về đầu tư, đã là nhà đầu tư, nhất là với những người không chuyên thì chẳng ai vay tiền để đầu tư cả. Bạn chỉ nên dùng vốn tự có của bản thân. Mà đã vay tiền để đầu tư thì người ta gọi là doanh nhân chứ không còn là nhà đầu tư nữa. Với doanh nhân, nghề của họ đã là kinh doanh, họ là những người chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng về kinh doanh. Ấy vậy mà thực tế, cứ 10 người kinh doanh thì 8 người "chết". Thế nên, nếu nghề của bạn không phải kinh doanh chuyên nghiệp, chớ dại mà bạn vay tiền đầu tư.
Reply