Nạn bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á
#1
Nạn bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á 
và tại sao khái niệm "tội ác kỳ thị" nên được dùng có cân nhắc




Translated from NBC News's article Violence against Asian Americans and why 'hate crime' should be used carefully

Nhiều bài đăng trên mạng xã hội đã vô thức lấy vấn nạn bạo lực mà ở đó nạn nhân là người Mỹ gốc Á rồi gộp vào với tội ác kỳ thị chống lại cả một cộng đồng, liên kết những hành vi phạm tội này với sự phân biệt chủng tộc có liên hệ đại dịch.

By Kimmy Yam, on 25-02-2021, 16:30:00




[Image: be74b3_9cd543151f5d4f4e86169b9f7325ca38~mv2.webp]


Nhiều bài đăng trên mạng xã hội đã vô thức lấy vấn nạn bạo lực mà ở đó nạn nhân là người Mỹ gốc Á rồi gộp vào với tội ác kỳ thị chống lại cả một cộng đồng, liên kết những hành vi phạm tội này với sự phân biệt chủng tộc có liên hệ đại dịch.

Trong lúc những đợt tấn công người Mỹ gốc Á cao tuổi mới đây dấy lên nhiều lời kêu gọi đòi hỏi hành động thiết thực cùng hoạt động xã hội, các chuyên gia cũng miệt mài đốc thúc việc sử dụng ngôn từ cụ thể, chính xác khi bàn bạc về vấn nạn này.

Các vụ cướp và hành hung xảy ra tại Khu người Hoa của nhiều thành phố lớn đã thu hút kha khá sự quan tâm từ giới truyền thông song hành với lời bất mãn kêu gào từ các nhà hoạt động xã hội, phần đông còn liệt những sự kiện này vào hàng tội ác kỳ thị. Có điều, vài trường hợp tiêu biểu trên mạng xã hội gần đây không được điều tra theo hướng này, theo các nhân viên thi hành án. Họ cho biết chuỗi sự việc này không có dấu hiệu của dộng cơ phân biệt chủng tộc.

Nhiều bài đăng trên mạng xã hội đã vô thức lấy vấn nạn bạo lực mà ở đó nạn nhân là người Mỹ gốc Á rồi gộp vào với tội ác kỳ thị chống lại cả một cộng đồng, liên kết những hành vi phạm tội này với sự phân biệt chủng tộc có liên hệ đại dịch. Vài nguồn còn tuyên bố về sự tăng vọt trong số lượng tội ác kỳ thị, dẫn chứng kèm theo là một con số khổng lồ. Nhưng số liệu họ tham khảo chỉ phản ánh Thành phố New York cũng như tư liệu mà NBC Asian America thu được từ cảnh sát New York, trong đó ghi nhận 3 vụ án kỳ thị chống châu Á năm 2019 và 28 vụ năm ngoái. Năm nay vẫn chưa có báo cáo nào về án kỳ thị.

Nguồn khác lại nhắc đến 18 vụ có liên quan đến người Mỹ gốc Á năm nay ở quận Alameda, California. Nhưng cảnh sát địa phương khẳng định không có bằng chứng nào nêu ra việc các vụ án này xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc. Ở San Francisco, 6 án kỳ thị được báo cáo năm 2019, và 9 cho năm tiếp theo. Năm 2021, thành phố ghi nhận một vụ án kỳ thị.

Không phải thành phố nào cũng phản ánh sự gia tăng. Ví dụ, Washington, D.C. ghi nhận 6 vụ giảm xuống còn 1 từ năm 2019 qua 2020.

Vài thông tấn xã cũng đưa ra số liệu gần 3,000 “tội ác kỳ thị” xuyên suốt đại dịch. Diễn đàn đưa tin Stop AAPI Hate đã thu thập được khoảng 2,800 trình báo về các vụ việc kỳ thị toàn quốc trong vòng 5 tháng của năm ngoái. Nhưng các vụ việc nọ cũng không hẳn là tội ác kỳ thị: nó bao gồm nhiều hình thức kỳ thị ít khốc liệt nhưng cũng không kém thâm độc, trong đó có cả sự xa lánh, quấy rối bằng ngôn từ, và sự lăng mạ. Stop AAPI Hate cho biết 69 trường hợp có dính líu tới ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc, thêm vào đó là một trường hợp hành hung. Tổ chức phi lợi nhuận không trình báo các trường hợp này lên cảnh sát.

Một học giả chuyên ngành chủng tộc và tôn giáo của Đại học Vanderbilt tại Nashville, Tennessee, Michael Eric Dyson nhận định: dù thế nào, nỗi sợ hãi cùng cơn thịnh nộ của người Mỹ gốc Á ở thời điểm này là hoàn toàn chính đáng.

“Chúng ta phải công nhận nỗi thống khổ này. Các anh chị em gốc Á không thể tiếp tục bị ép buộc vào thế phải nhẫn nhịn ngậm bồ hòn làm ngọt để đổi lại sự hoan nghênh từ cộng đồng đa sắc tộc Hoa Kỳ,” Dyson tuyên bố.

Trong khi tâm lý bài xích người gốc Á tăng vọt đáng kể trong mùa dịch corona, các chuyên gia đề cao tầm quan trọng của việc đánh giá từng trường hợp một cách độc lập. Họ nêu ra rằng không kể chủng tộc, cả bị cáo lẫn nạn nhân có quyền được hưởng một phiên tòa xét xử công tâm chứ không phải chỉ ở toà án công cộng. Nỗi lo này càng cấp thiết hơn khi nghi phạm là người da màu dưới bối cảnh của một nền tư pháp mà chưa bao giờ chứng minh được có sự bình đẳng về sắc tộc.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn đã không ngừng kêu gọi tăng cường an toàn bảo hộ suốt mùa dịch bệnh, nhưng một chuỗi vụ việc hành hung người già tàn bạo đầu năm nay, mà nhiều vụ được camera ghi lại và lưu hành trên mạng, đã xúc tác thêm phần mạnh mẽ.

Trong một đoạn quay hồi tháng 1, một cụ già 91 tuổi bị đẩy ngã xuống đất một cách thô bạo ở Chinatown của Oakland, California. Nghi phạm, Yahya Muslim, kẻ bị buộc tội với hai vụ tấn công cùng ngày khác, bị kết tội với ba án hành hung. Một vụ tấn công khác do máy quay giám sát ghi lại tháng trước cho thấy cụ ông Vicha Ratanapkdee, 84 tuổi, bị xô xuống đất tại San Francisco. Cụ Ratanapakdee sau đó lìa đời do thương tích.

Sliman Nawabi, một luật sư ủy quyền với vai trò đại diện cho Antoine Watson, 19 tuổi, trong vụ việc San Francisco, chia sẻ rằng “không hề có bằng chứng cho thấy sắc tộc cùng tuổi tác của ngài Ratanapakdee là nguyên do dẫn đến hành hung”.

“Cuộc hành hung đáng tiếc này bắt nguồn từ sự gián đoạn trong tình trạng sức khỏe tâm lý của một thiếu niên. Bất cứ lời câu chuyện nào khác đều là sai sự thật, gây hiểu lầm, và có ý chia rẽ,” Nawabi nói.

Trong một vụ hành hung khác, tại Thành phố New York, Noel Quintana, 61 tuổi, một người Mỹ gốc Philippines, bị rạch mặt khi đi tàu điện ngầm. Quintana tiếp xúc với kẻ tấn công rất ít, ông bị kẻ lạ mặt này tấn công khi ông đang nhích ra xa khỏi hắn. Theo lời ông kể với tạp chí People, ông không rõ hà cớ gì mà ông lại bị tấn công.

“Tôi không muốn nghĩ đó là vì tôi là người gốc Á,” ông thổ lộ. “Tôi không muốn nghĩ về chuyện đó. Vì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, vậy mà - Tôi không biết nữa.”

Ba vụ việc trên không được điều tra theo hướng tội ác kỳ thị, nhưng nhiều ấn phẩm cũng như các nhà hoạt động xã hội vẫn quy chúng vào cùng một loại mà không đưa ra bằng chứng xác thực rằng chúng xảy ra bởi mục đích kỳ thị chủng tộc.

Stanley Mark, một nhân viên luật sư cấp cao của Quỹ Quốc Phòng và Giáo Dục người Mỹ gốc Á, một tổ chức dân quyền, trình bày rằng trên lý thuyết, bồi thẩm viên được trông cậy không bị xoay chuyển bởi dư luận. Nhưng thực tế không đảm bảo như vậy. Ông cho biết, bồi thẩm viên cũng có thể có định kiến ngầm của họ. Pawan Dhingra, giáo sư ngành Châu Mỹ học của Cao Đẳng Amherst ở Massachusetts, cho biết ngoài giấy trắng mực đen ra, thì mức độ chú ý của truyền thông, sự bố trí của chủng tộc, khối chiêu trò của luật sư, cùng nhiều thứ khác, đều có thể chi phối quan điểm của bồi thẩm viên.

Mark nói: “Cái bối cảnh chính trị hiện nay của các sự kiện, cộng thêm biện giải chính trị của từng vụ việc, ít nhiều có thể dẫn đến kết quả khác biệt tùy theo định kiến ngầm của từng bổi thẩm viên cũng như quan tòa, mặc dù phán quyết không nên dựa vào chúng”.

Mark chú thích thêm, một số tiểu bang còn có quy chế hình sự nhằm tăng cường hình phạt cho tội phân biệt kỳ thị. Nếu những vụ việc trên được chứng minh là án kỳ thị, ông cho biết, bản án có thể bị kéo dài hơn nữa.

Dhingra nói, các phương tiện truyền thông phải thật cụ thể, không chỉ bởi tác động của việc đưa tin lên chốn xử án.

“Việc đưa tin phải chú tâm vào tiểu tiết, phải chỉ rõ những điều còn chưa tỏ trong một vụ án, phải tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi khó nhằn và hơn thế nữa, không chỉ để tránh bồi thẩm viên tiềm năng bị lầm tưởng, mà còn để cho câu chuyện của người gặp cơn nguy hại được tỏ bày,” ông diễn giải.

Dyson giải thích rằng khi các vụ án chưa được xác định là án kỳ thị, “chúng ta cần phải cẩn tắc vô áy náy, kiên quyết tránh việc vô cớ kích động căng thẳng cũng như thù hằn phi lý.” Chuyện chưa ngã ngũ mà đã hùng hồn tuyên bố, đặc biệt chỉ bởi vì nghi phạm của một số trường hợp là người da Đen, không chừng sẽ gây nên hậu quả tai hại.

“Tình huống kiểu này tác động tiêu cực đến cả đôi bên, một mặt, nó gia cố cho cái khuôn mẫu xã hội độc địa rằng người da Đen có thiên hướng tội phạm bẩm sinh và rằng chúng tôi là thứ du thủ du thực ưa bạo lực," ông tiếp tục. “Mặt khác, nó lại khiến cộng đồng gốc Á cảnh giác hoặc tăng cường ý thức về sự an nguy của mình, từ đó lại vô tình tung hỏa mù rằng có thành phần dị biệt nào đó trong một số cộng đồng người da Đen có ý đồ nhằm vào các anh chị em gốc Á.”

Dhingra cho hay người Mỹ gốc Á có thể bị nhắm tới vì nhiều lý do không đồng nhất, không chỉ riêng vì thù hằn phân biệt chủng tộc. Thay vào đó, hung thủ có thể xem họ là mục tiêu béo bở hoặc dễ chế ngự. Đằng nào thì đây vẫn là “một dạng phân biệt đối xử mà chúng ta phải giải quyết thỏa đáng,” ông nhấn mạnh. Việc sai sót gán lấy tội danh dựa trên võ đoán không chỉ dẫn đến rủi ro dẫn đến hình phạt thiếu công tâm, mà còn có thể khiến công tác đảm bảo an toàn cho cộng đồng Mỹ Á lại càng khó khăn.

“Chúng ta phải chú ý đến cái ẩn mình đằng sau tội ác và hợp tác với người dân để tăng cường an toàn cho họ," ông nói. “Chúng ta chỉ có thể làm vậy khi chúng ta cầm chắc được sự tình cụ thể.”

Nạn bạo lực không chỉ là mối lo của người Mỹ gốc Á. Thống kê hành pháp cho thấy lượng án mạng tại các thành phố đã gia tăng đến mức báo động trên diện rộng; các nhà đấu tranh cho đây là hệ quả của một môi trường nuôi dưỡng bởi đại dịch cùng nghèo đói. Cảnh sát Chicago, điển hình, trình báo một sự gia tăng đến gần 50% lúc cuối năm 2020 so với năm trước, với con số 750 vụ án mạng.

Dyson bộc bạch rằng ông rất hiểu tại sao mọi người lại sốt ruột liên hệ các vụ việc nọ với tâm lý chống châu Á hoành hành thời dịch bệnh. Ông bảo, với việc Donald Trump nhất mực khăng khăng đem diễn ngôn “virus Trung Quốc” nhập định vào với huyết mạch chính trị, chính quyền Trump đã “mở đập xả lũ cho tư tưởng bài xích châu Á ồ ạt tràn ra”.

Các dữ kiện liên bang về tội ác kỳ thị của năm 2020 vẫn chưa được công bố; tuy nhiên, một báo cáo tình báo do văn phòng FBI Houston biên soạn, do ABC News thu được, cho thấy cục điều tra vốn đã dự liệu về sự gia tăng của các vụ án cùng phạm trù.

"FBI nêu ra đánh giá này dựa trên giả định rằng một bộ phận quần chúng Hoa Kỳ sẽ liên kết COVID-19 với cư dân Mỹ gốc Hoa nói riêng và gốc Á nói chung," theo bản báo cáo.

Dyson bổ sung rằng cộng đồng người da Đen, cũng như nhiều cộng đồng khác, đã không tránh khỏi liên lụy bởi lối hùng biện gây chia rẽ bất hòa của chính quyền Trump. Và cũng như hiện trạng cộng đồng Mỹ Á khó mà miễn nhiễm trước công cuộc củng cố hệ tư tưởng bài xích người da Đen, cộng đồng người da Đen cũng sẽ dễ bị lợi dụng để hấp thụ lấy tư duy đả kích người châu Á.

“Chỉ vì việc bản thân các bà con da Đen đã phải chịu áp bức không có nghĩa là ta được phép mặc sức tung hoành mà chả màng hệ lụy, không buồn nhìn nhận lại xem mình có vô tình tiếp thu phải yếu tố bất minh nào đó từ môi trường xã hội hay không, có bị động kế tục lấy sự thù nghịch đối với bà con châu Á như vấn đề tên gọi ”virus Trung Quốc" song hành cùng cái cách mà diễn ngôn độc địa nọ nhằm vào cộng đồng AAPI (Asian American and Pacific Islander - Người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương)," ông bày tỏ.

Dyson còn nói thêm, lịch sử đã minh chứng rằng các cộng đồng vốn dĩ đã chịu áp bức coi thường sẽ rất dễ bị thâu tóm bởi chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, và rằng cộng đồng người da màu phải nên cảnh giác cao độ. Sau cùng, dù chủ đích của những tội ác kia là gì đi chăng nữa, nỗi sợ hãi và thống khổ mà người Mỹ Á phải trải qua là rất chân thật và có căn cứ, như lời các chuyên gia. Dhingra khằng định rằng những vụ việc trên vẫn là hành vi phạm tội, và rằng những hình ảnh thước phim được lưu truyền về chúng thực sự khủng khiếp.

Người Mỹ gốc Á cùng những sắc dân bị áp bức khác không việc gì lại phải đứng mũi chịu sào trước nạn phân biệt, định kiến, và kỳ thị chủng tộc, Dyson quả quyết. Và trên hết, họ không việc gì phải đau đáu rằng trăn trở của họ thiếu sự quan tâm hơn nỗi niềm của những nhóm người bị áp bức còn lại.

“Một phương pháp cân bằng là bằng cách nói rõ, xem nào, chúng ta không muốn gia cố thêm bất kỳ khuôn mẫu phân loại xã hội nào nữa. Nhưng đồng thời, chúng ta mong muốn triệt hạ và giải quyết muôn hình vạn trạng của thứ định kiến và kỳ thị mà đã luôn ngự trị trong mọi cộng đồng," ông kết luận.


Người dịch: Adelia Duong & Quyen Tran
Biên tập: Chau Tran
The Interpreter. 
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply