“Cánh màn nhung” của Trump có thật sự khép lại?
#1
“Cánh màn nhung” của Trump có thật sự khép lại?

BÀI VIẾT ĐỘC QUYỀN

Kalynh Ngô



Theo như những kết quả bầu cử đã được xác nhận ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, tính cả kết quả của những vụ thưa kiện từ chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Donald Trump, thì mọi chuyện đã “rành rành định phận ở sách trời” (Nam Quốc Sơn Hà.) Chỉ còn khoảng sáu tuần nữa, Tổng thống đắc cử (President-elect) Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống 46 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.



Khi ấy, nếu “America Is Back” như lời chính quyền chuyển tiếp của ông Biden đã đề xướng thì liệu “chủ nghĩa Trumpist” có hoàn toàn biến mất được không? Nói cách khác, “TRUMP” có còn bao phủ bầu trời dân chủ Mỹ quốc hay không? “Four more years” có dễ dàng được quên lãng trong một nhóm khá đông người Mỹ, và cả người thiểu số ở Mỹ hay không? Đó là một câu hỏi lớn, và thú vị, và không dễ có câu trả lời chính xác.



Vì dù câu trả lời nào cũng chỉ là thuyết tương đối, trong bối cảnh hiện tại…



[Image: 3b4a8d_d78423b5f23e4ef28af8b0e36631700c~mv2.webp]






Bóng của Trump vẫn còn



Tác giả Gail Collins và Bret Stephens, hai cây bút bình luận của New York Times cũng đặt câu hỏi tương tự: “Bao giờ thì chúng ta sẽ thôi lúc nào cũng nghĩ/nói về Donald Trump?”



“Chúng ta” là ai? Là bạn? Là tôi? Là tất cả mọi người trên quả địa cầu này bất kể màu da và chủng tộc? Có thể nói là vậy.



Kể từ cái ngày “định mệnh” đó, 3 Tháng Mười Một, 2020, Trump đã dồn hết thời gian, quyền lực, tài chính và hơn hết, trách nhiệm đối với quốc gia của một vị tổng thống vào hai việc: chơi golf và nhận mình đã đánh bại đối thủ đảng Dân Chủ, ông Joe Biden. Ngoại trừ lần xuất hiện tại Arlington National Cemetery (Nghĩa trang quốc gia Arlington) vào ngày Veteran Day và lần xá tội cho một chú gà tây Lễ Tạ ơn, theo truyền thống hàng năm của Toà Bạch Ốc, lịch làm việc của Trump dường như thưa dần theo mỗi ngày.



Vậy, nhưng không phải vậy, nhất là đối với Donald Trump.



Những tuần lễ sau ngày bầu cử, bên cạnh hàng loạt nội dung được Trump “tweet” về kết quả bầu cử và liên tục bị Twitter dán nhãn “không hợp lệ”, là những vụ kiện cáo buộc kết quả bầu cử gian lận dù không bằng chứng do nhóm tranh cử của Trump đưa ra. Chưa kể, số tiền nhóm của Trump phải chi trả cho một lần tái kiểm phiếu do nhóm Cộng Hoà yêu cầu ở các bang như Atlanta, Georgia, Pennsylvania… tuần tự là $3 triệu USD cho một lần.



Những điều này làm cho hai tác giả Gail Collins và Bret Stephens nhận ra một viễn cảnh của thời kỳ “hậu Trump” sẽ như thế nào. Đó là Trump vẫn có thể dẫn dắt mọi người theo cách của ông ta; huy động hàng triệu USD từ họ. Những người ủng hộ Trump trên khắp nước Mỹ vẫn tổ chức biểu tình ở quy mô lớn, nhỏ để bày tỏ sự bất bình với kết quả bầu cử. Những cận thần trung tín của Trump (có thể nói vậy) vẫn mặc nhiên đưa ra những phát ngôn vô pháp, đầy tính bạo lực. Trong một chương trình phỏng vấn ghi hình, cựu chiến lược gia Toà Bạch Ốc, Steve Bannon đã đề nghị chặt đầu Bác Sĩ Anthony Fauci và Giám Đốc FBI Christopher Wray “để làm gương.”



Chưa hết, ông Joe diGenova, luật sư ban vận động của Tổng Thống Donald Trump, đòi “Trước khi bình minh lên hãy mang ông ta đi xử bắn”. Người mà ông diGenova đòi bắn bỏ chính là Christopher Krebs, cựu giám đốc Cơ Quan An Ninh Mạng và Hạ Tầng Cơ Sở, Bộ Nội An, vì ông Krebs nói “bầu cử tổng thống năm nay là an toàn nhất trong lịch sử.”



Cái bóng của Trump, vẫn còn đó.



Theo hai tác giả Gail Collins và Bret Stephens thì dù khả năng dẫn dắt dư luận của Trump đã bị lu mờ bởi tin tức về những ca lây nhiễm coronavirus đang hung hãn trở lại ở Mỹ, thì quốc gia cũng phải “cảnh giác.”  Hai vị này nhận định rằng, vẫn còn nhiều thiệt hại mà tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ có thể sẽ và đang gây ra cho các thể chế dân chủ, quản trị và chính sách quốc gia.



Dự đoán này được chứng minh bằng cường độ và số lượng “tweet” của Trump trong những tuần lễ cuối Tháng Mười Một, chỉ tập trung vào việc cáo buộc kết quả bầu cử gian lận mà hoàn toàn không có căn cứ.



Trump vẫn sáng đèn sân khấu



Sau gần nửa thập kỷ nắm quyền, nhiều chuyên gia và các nhà quan sát chính trị đã dự đoán, Trump sẽ tiếp tục thành công trong việc thu hút sự chú ý của quốc gia. Vì sao?



Một thiểu số khá lớn người Mỹ đến nay vẫn tin chắc rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp “trắng trợn” với sự trợ giúp của cả hệ thống hành chính nước Mỹ. Từ đâu họ có niềm tin này? Chính từ những dòng tweet của Trump. Trump từng phát ngôn vô căn cứ rằng “FBI đã can dự vào cuộc bầu cừ,” và những cơ quan truyền thông được dựng lên để “ủng hộ Trump đến cùng” như The Epoch Times, New Tang Dynasty… Những trang thông tin sai lệch này đã ảnh hưởng vô cùng to lớn đến niềm tin của thiểu số dân tộc đó, trong đó có người Việt trong và ngoài nước.



Ngay cả lúc này, khi Trump đã thật sự thất cử, thì các chính khách đảng Cộng Hoà được lựa chọn có vẻ như vẫn đang chịu một giai đoạn tồi tệ của “hội chứng Stockholm,” theo góc nhìn của Yascha Mounk, cộng tác viên của The Atlantic.



Với Yascha Mounk, ông nhận ra một điều đau đớn: Sau khi Trump miễn cưỡng rời Bạch Cung, ông ta sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì để vẫn tồn tại trong vòng xoáy truyền thông. Nghĩa là báo chí, tin tức vẫn sẽ phủ đầy các dòng tweet của Trump. Ông ấy sẽ tiếp tục sử dụng những lời lăng mạ, chứa đầy “thuyết âm mưu” để định hướng dư luận. Dư luận đây là những “người năm cũ” vẫn luôn tin rằng Trump bị thất cử là do một cuộc bầu cử gian lận, xảo quyệt, một kết quả bầu cử đã bị đánh cắp.



Và Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, sẽ hết lần này đến lần khác chứng minh rằng ông có một tài năng thực sự trong việc đứng trong ánh đèn sân khấu. Không ai thay thế được ông, ngay cả khi cánh màn nhung đã khép lại.



Theo Yascha Mounk đoán, Trump có thể mở một kênh truyền hình (như ông ta đã từng có một show giải trí.) Và thậm chí, như chính Trump đã tuyên bố, ông ta có thể sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2024.



Không thể không kể đến một “nghị sự” khác, đó là vào 12 giờ trưa ngày 20 Tháng Giêng, 2021, ngay sau khi trở thành công dân bình thường, Trump sẽ bị tước bỏ lớp áo giáp pháp lý đã bảo vệ ông khỏi các vụ án dân sự và hình sự đang chờ xử lý suốt mấy năm qua.



Trở lại ngoạn mục?



Chuyện xưa nhắc lại, năm 2005, hơn 90% đảng viên Cộng Hòa ủng hộ George W. Bush. Ba năm sau, hầu hết những người này không muốn vận động tái tranh cử cùng với tổng thống đương nhiệm. Khi Trump tranh cử vào năm 2016, ông đã nhiều lần gièm pha Bush về điều này. Giờ đây, Trump đang gặp tình huống tương tự.



Dĩ nhiên, Trump có thể tạo ra một sự trở lại ngoạn mục. Có thể người Mỹ sẽ tiếp tục nhìn chằm chằm vào tài khoản Twitter của Trump trong sự kinh hãi hoặc tiếp tục bị mê hoặc trong bốn năm tới. Có thể các cử tri sơ bộ sẽ vang dội tung hô Trump trở thành ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào năm 2024. Thậm chí, có thể Trump sẽ “giành lại” Toà Bạch Ốc?



Cho dù tất cả đều là thuyết tương đối, nghĩa là có thể xảy ra, nhưng trường hợp này, có vẻ không như thế. Các lá phiếu cử tri đã cho thấy đa số người Mỹ và các chính khách sẽ phát chán với những trò hề lịch sử của một người thất bại đau đớn mà họ vừa đuổi được ra khỏi chiếc ghế quan trọng nhất của Phòng Bầu Dục.



Sir. Martin Luther King từng nói: “Ai cũng phải tự mình làm lấy hai điều; niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình.” (Every man must do two things alone; he must do his own believing and his own dying.)


Người Mỹ không chọn cái chết của chính mình một cách ngu xuẩn.

The Interpreter
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply