tản văn
#1
NGỒI GIỮA MÙA THU NHỚ LÁ VÀNG
Toại Khanh


Tôi dĩ nhiên cũng có một thời tuổi trẻ, giai đoạn đòi hỏi gì cũng phải sòng phẳng, rõ ràng: Vui buồn, thương ghét, gần, xa,… và mỗi thứ trong đó xô tôi về từng góc riêng của những tâm cảnh hỷ nộ, ái ố. Rồi thì tuổi đời chồng chất, cộng thêm những hoàn cảnh sống đặc biệt, dần dần tôi nhận ra những thay đổi rất tự nhiên trong lòng mình. Chúng như những khúc quanh phải có trên một cuộc đi dài, và đôi khi là những lối thoát cần thiết cho từng bế tắc. Những lúc đó, từng ranh giới biện biệt vẫn khiến tôi cực lòng trước giờ bỗng nhạt nhoà rồi biến ảo thật đẹp mắt, đến mức khó ngờ.
Một trong những bước đi ấn tượng nhất mà tôi còn nhớ được là một ngày bỗng nhiên buột miệng đọc suông bài thơ Xóm Ngự Viên của thi sĩ Nguyễn Bính và rồi cùng lúc bắt gặp một bài Hài-Cú của Basho. Như cách nói của người Nhật, tôi đã một thoáng Satori (bừng tỉnh). Bài thơ của ông Nguyễn Bính dài lắm, nhưng tôi đặc biệt nhớ hoài hai câu cuối cùng:
Hôm nay có một người du khách
Ở ngự viên, mà nhớ ngự viên!

Thật kỳ lạ, tám thế kỷ trước, nhà thơ Basho của Nhật cũng từng có một cảm niệm tương tự thế. Như một tao ngộ từ hai cực thời gian. Ở đây tôi dùng bản dịch của Robert Hass (trong The Essential Haiku):
Even in Kyoto
Hearing the cuckoo’s cry
I long for Kyoto

Đang ở Kyoto
Nghe tiếng chim gù
Mà nhớ Kyoto !

Thì ra khái niệm xa gần chỉ là của giả. Trong tâm tưởng chúng ta, một khuôn mặt bên cạnh hay ngoài ngàn trùng thật ra vẫn luôn giống hệt nhau về khoảng cách. Độc giả làm ơn nhắm mắt lại để kiểm nhận câu nói này của tôi xem đúng hay sai. Trong mắt ta, có thể có xa với gần. Nhưng trong tâm tưởng, gần xa là một. Lúc này đến cả thời gian cũng không là thật. Đó là lý do vì sao trong A-Tỳ-Đàm nguyên thủy thời gian và không gian chỉ được xem là những khái niệm Thi Thiết giả lập, không có thực tướng. Người học Phật hôm nay có thể nhìn thấy đức Phật với ba mươi hai hảo tướng, thấy cả những khổ quỷ dạ-xoa kỳ hình dị tướng một bụng sân si, mà không cần đến khả năng thiên nhãn của một người chứng đắc thiền định. Ở đây tôi tuyệt không phủ nhận giá trị của pháp môn Chỉ Tịnh (samatha), cũng không phải đề nghị độc giả sống mộng mị ảo tưởng, một điều đối lập với trí tuệ quán chiếu (vipassanà). Tôi chỉ đang lạm bàn về một khía cạnh của A-Tỳ-Đàm.
Đêm qua một người quen email cho tôi bảo rằng họ cứ thấy bực mình khi thiên hạ cứ bắt chước thiền sư kêu gọi sống trong hiện tại khi mà cuộc sống trước mắt buồn khủng khiếp. Nhớ lại, đó cũng là một nỗi riêng của tôi. Tôi đã quá hãi với những câu nói đã vào khuôn mẫu, như Hãy Vui Với Giây Phút Hiện Tại hoặc những chữ Thiền, Đạo, Tỉnh Thức, Quán Chiếu được sử dụng tràn lan bừa bãi như một thứ thời thượng. Tôi nghĩ rằng dù từ lập trường nào, thiên hạ có lẽ cũng nên bắt đầu hành trì lời Phật từ những bài vỡ lòng về những vấn đề căn bản. Chẵng hạn Hữu Bộ có 75 pháp, Duy Thức có 100 pháp, Thượng Toạ Bộ có 84 (Niết-Bàn, 1 Tâm Vương, 52 Tâm Sở, 28 Sắc pháp, 2 Thi Thiết). Trong một bài viết lãng đãng mù sương thế này lại nhắc đến những quy tắc khô khan kiểu đó hình như không phải chỗ. Nhưng không hiểu được Kiếm Tông, Khí Tông là gì thì võ học Hoa Sơn sẽ kết thúc xót xa trong tay một quân tử kiếm kiểu Nhạc Bất Quần!
Xin nhắc lại, tôi đang lạm bàn về một chuyện nhỏ trong A-Tỳ-Đàm, cộng thêm cái email hiu hắt kia, nên tôi phải nghiêm túc xác định rằng cuộc chơi nào cũng phải có luật. Tôi đang nói đến tính tương đối của hai thứ Thời Không bằng cách nói lai rai của một người gần bạc tóc vẫn ham chơi. Và giờ thì xin quay lại với mấy câu thơ của hai thi sĩ đã nhắc ở trên với một khẩu quyết căn bản là muốn rong chơi trên những cành lá hãy tìm về nguồn gốc trước đã. Nói vậy cũng có nghĩa là muốn thấy cái như thực thì phải hiểu ra cái gì là ảo hoá, và thấy được cái gì là ảo hoá thì mới thấy ra được cái như thực.
Thấy được tính ảo hoá trong những cái mình vẫn cho là thật, chắc chắn ta được an lạc hơn nhiều. Vì hiểu chúng chỉ là những thứ tương đối, áp lực trong ta không còn là chuyện bắt buộc nữa. Đó chính là lý do của bài viết này.
Độc giả có thấy khó chịu khi tôi nói rằng theo những gì vừa viết ở trên thì chưa bao giờ có một cuộc chia tay hay gặp gỡ nào đúng như ta vẫn tưởng. Dẫu có đứng cạnh nhau hay cách nhau nửa vòng trái đất thì khoảng cách của đôi bên vẫn là vấn đề tâm lý mà thôi. Anh phải nghĩ đến tôi trước đã. Trong tâm tưởng của anh không có tôi thì coi như tôi đã là người khuất mặt. Đó là lý do vì sao có người đứng giữa ngự viên mà than nhớ ngự viên, ngồi giữa lòng phố Kyoto mà bảo rằng nhớ Kyoto. Ngự viên hay Kyoto mà họ tưởng nhớ có thể là một dĩ vãng. Tôi biết có độc giả muốn xăn tay áo nhảy vào giải thích với tôi như thế. Nhưng xin thưa, nếu hai nhà thơ kia có nghĩ về cái ngự viên hay Kyoto trước mặt thì liệu có khoảng cách nào giữa hai cái xưa nay đó trong lòng họ chứ !
Nó tồn tại vì ta nghĩ đến nó. Nên nếu bây giờ tôi có ngồi giữa một trời thu mà nghĩ về những chiếc lá vàng năm cũ hay những chiếc lá vàng đang rơi đầy trước mặt thì trong lòng tôi trước sau chỉ có một khoảng cách. Vậy thì những khái niệm cô đơn hay gặp gỡ hình như lại cũng là những thứ ởm ờ không thật có giữa nhân gian.
Sáng nay tôi ra thùng thư trước nhà và rồi thấy thêm một mảnh giấy thông báo tìm người mất tích. Một câu chữ thiệt ngắn bên trên mấy bức ảnh người cứ làm tôi suy nghĩ: Have You Seen Us (bạn có từng thấy qua chúng tôi ?). Một câu hỏi có ý nghĩa sâu thẳm như một công án, hiểu sao cũng có thể giác ngộ. Bởi như đã thưa ở trên, chúng ta chưa từng gặp gỡ hay ly biệt, gần hay xa chỉ là một cách nói, và như vậy trên đời làm gì có sự mất tích của ai đó. Có chăng là trường hợp chữ Mất Tích được dùng để gọi một người sống phóng dật không tự biết mình là ai hoặc để gọi một vị đã Niết-Bàn. Họ đích thực là những người Mất Tích đúng nghĩa nhất. Nhưng nói cho vui vậy thôi, mai kia tôi có đãng trí đi lạc và cảnh sát đăng tin tìm người thì quý độc giả cũng làm ơn thực tế một chút, nghĩa là có gặp tôi thì gọi giùm cảnh sát. Quý vị cứ lo ngồi đó quán chiếu thì chỉ tội cho cái thân già của tôi phải ngủ dưới gầm cầu theo kiểu ngủ dưới hải đăng ngày trẻ!
Reply
#2
Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào
Toại Khanh 

Tôi chỉ là kẻ lãng du trong cõi Phật pháp và thỉnh thoảng ghé chơi dăm khu vườn văn nghệ như một cách nghỉ chân.
Nói thiệt, tôi chẳng biết ông Lê Hựu Hà nghĩ gì khi viết bảy chữ này. Nhưng tôi đã xem đó như một đề nghị rất Phật giáo. Tôi chưa hề là một thiền sinh nghiêm túc, nói gì là thiền sư. Tôi chỉ là kẻ lãng du trong cõi Phật pháp và thỉnh thoảng ghé chơi dăm khu vườn văn nghệ như một cách nghỉ chân. Và chính bảy chữ đó của người nhạc sĩ họ Lê từ lâu đã là một khẩu quyết cho tôi những khi nghe, đọc, ngắm nhìn cái gì đó tình cờ bắt gặp.

Chẳng hạn tôi đã yêu ca dao Việt Nam từ những lời rất lạ. Tôi đã tự ru tuổi thơ của mình bằng những lời quê hiểu sao cũng xong: “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”. Thân người khó được, chọn sai lý tưởng thì mất toi một đời. Tôi thích hiểu câu ca dao kia bằng cách nghĩ như vậy. Tôi muốn mình suốt đời là một thằng bé chăn trâu trên cánh đồng văn nghệ để giữ lại cái quyền mộng mị theo cách riêng. Cái quyền cảm nhận cuộc đời mà không bị ám ảnh bởi những nguyên tắc, công thức.
Tôi vẫn hiểu có những trường hợp dù muốn hay không, người ta phải chấp nhận một sự thật duy nhất, không thể suy diễn tùy thích. Như trong lĩnh vực khoa học, mọi người phải hiểu trái bom là trái bom. Hiểu khác đi, sẽ không còn dịp hiểu. Hay trên đường đạo, người ta không thể hiểu phá chấp, giải thoát là muốn làm gì cũng được. Bởi khi cho rằng mình tự do vì không bị ai ràng buộc, thì rất có thể người ta đang bị ràng buộc bởi phiền não của chính mình. Tôi phải lạc đề mấy hàng để yên tâm không bị sư phụ mắng cho là đứa ham chơi quên tu. Rào đón xong rồi thì xin trở lại sân chơi.

Hơn hai mươi năm trước, tôi từng học qua bài kinh Chuyển Pháp Luân để tụng ở chùa. Ngày đó cứ thấy lạ với câu xác quyết của đức Phật rằng đây là nhận thức về bốn Thánh Đế mà Ngài chưa từng nghe (ananussuta), nay khởi lên nơi Ngài với một sự quán triệt toàn diện, sâu sắc nhất. Sao lại thế được? Thuở còn là Bồ-tát, Ngài đã chẳng từng ngồi dưới chân bao vị Phật quá khứ để học thuộc như cháo những giáo lý Thánh Đế, Duyên Khởi,... đó sao? Sao lại bảo là chưa từng nghe? Hơn hai mươi năm sau, lang thang qua những nẻo đường trần, tôi chợt mơ hồ nhận ra một chuyện. Những gì Bồ-tát học thuộc lòng kiếp xưa chỉ là những tấm ảnh không hồn do người khác chụp xong đem trao cho Ngài làm kỷ niệm. Những gì Bồ-tát Tất-đạt chứng nghiệm dưới gốc Bồ-đề sau này mới đúng là của riêng Ngài. Như sau này Ngài cũng từng xác định với tôn giả Kaccāna: Thánh trí ở đây không phải vay mượn từ người khác!

Bỗng nhiên tôi muốn chạy ngay về Bình Ý để đến ngồi bên mộ ông Lê Hựu Hà và nói một lời cảm ơn, cùng một câu hỏi ngu ngơ nhất: Ông đã học A-tỳ-đàm bao giờ để có đề nghị đó. Hãy yêu như chưa yêu lần nào. Và chưa hết, tôi từng hết hồn khi tình cờ nghe một ca từ của Trịnh Công Sơn: Tìm em, tôi tìm... tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Vạn hữu là một dòng chảy bất tuyệt của vô số sát-na sinh diệt. Cái sau thừa tiếp cái trước bằng một lực đẩy có tên gọi chuyên môn là Thường Cận Y Duyên. B không phải là A, nó hoàn toàn tinh khôi và chưa từng xuất hiện, nhưng nó không thể có mặt mà không có A.

Tôi biết có hơn một nửa trong số những người đọc bài viết này đang trách tôi sao làm chuyện tu sĩ ca ngợi nhạc sĩ. Xin thưa, hơn cả Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có nhiều nhất những nhạc khúc mà dù nghe bằng tai hay đọc bằng mắt đều được cả. Vì không muốn các vị buồn lòng rằng tôi đã phá giới khi nghe nhạc Trịnh, tôi đành nói dối rằng tôi đã đọc bằng mắt những ca khúc của Trịnh Công Sơn in kèm trong một số cuốn sách viết về ông sau ngày ông mất, của khoảng hai mươi tác giả trong và ngoài nước (như Bùi Vĩnh Phúc, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thanh Ty, Nguyễn Đắc Xuân,...).

Không riêng với trường hợp hai nhạc sĩ trên, mà với nhiều nhà khác cũng vậy, tôi yêu tác phẩm của họ theo cách hiểu của riêng tôi. Như đã thưa ở trên, trừ ra vài chuyện sinh tử cấm kỵ, tôi vẫn thích phiêu bồng bằng đôi chân của mình và chẳng vui vẻ gì khi ngắm nhìn thế giới bằng nhãn quan của người khác. Chán chết. Vả chăng, tôi là đứa dốt, rất e ngại những gì mang tính kinh viện bác học. Đó cũng là lý do khiến đến tận tuổi này tôi vẫn cứ là cái thằng người có một nhân thân như các vị có thể đã biết.
Viết dở lại viết dài, đúng là chẳng nên, nhưng buộc tôi phải dừng lại ở đây thì dang dở quá! Chẳng lẽ đến tuổi này gì cũng dở dang sao chứ!? Tôi đang muốn nhắc lại tâm tình của tôi đối với vài nhân vật khác ngoài hai nhạc sĩ vừa nhắc. Thôi thì ngắn gọn vậy. Xem như từ chỗ này về sau là tôi viết cho tôi, không viết ra mai mốt lại quên mất. Già rồi.

Thầy Tuệ Sỹ có rất nhiều thơ hay, nhưng tôi nhớ dở, chỉ nhớ lốm đốm, quên mất xuất xứ, và hôm mai vẫn thỉnh thoảng đọc thầm một mình như thằng khùng đọc thần chú. Đọc với tất cả cảm xúc nồng nàn mà không hiểu thầy muốn nói gì. Thôi thì, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng là cái ao:
“Phút vội vã, bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya, ngồi kể chuyện trăng tàn”.
Nghe ra chút gì đó hiu quạnh nhưng rất đỗi nhà Thiền. Thầy tu cần chừng đó thôi cũng đủ. Một chút nao nao, ngậm ngùi, nhưng không hề tục lụy. Có đọc mấy câu thơ kiểu đó thì mới chịu nổi kiếp đời chẳng giống ai của một thầy tu. Có yêu được xương rồng và cồn cát thì mới mong về chơi sa mạc. Không yêu được cũng nên ráng tìm cách để yêu. Vì thế giới này rộng hay hẹp là nằm ở khả năng thích nghi của mỗi người. Và chỉ có yêu thì mới dễ dàng thích nghi. Tôi còn nhớ thêm hai câu khác của thầy (tạm không dùng chữ Thượng tọa nghe chẳng thơ tí nào):
“Đôi mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương”.
Ý nghĩa đích thực của hai câu này, tôi chịu! Nhưng tôi yêu chúng theo cách của tôi. Tôi hiểu mắt biếc ở đây là một tấm lòng không hệ lụy nhân gian. Không hệ lụy nhưng không phải vô trách nhiệm. Anh không cần đến những thứ đó, nhưng thiên hạ có người cần đến. Hãy thương lấy người ta. Bồ-tát đứng trên cuộc đời nhưng mắt không rời cuộc đời. Thương người sinh tử, xót kẻ lầm than. Với riêng mình sao cũng được, nhưng thấy thiên hạ đổ lệ thì chẳng đành lòng. Nỗi đau sinh tử, lầm than của nhân sinh đúng là mối hờn thiên cổ. Mắt còn thấy thì lòng còn xót. Có điều xót thì xót, nhưng trước sau lòng tu vẫn phải hồn nhiên đến dại khờ để làm ngơ được trước những trò đời nhắm vào mình, để tiếp tục yêu thương chân tình, không toan tính mặc cả. Biên cương là mán mọi, khờ khạo. Mưa lũ thì vô tâm vô tri, cứ chỗ thấp thì tìm về. Vô thủy về trước và vô chung về sau, mưa lũ luôn thế. Mãnh liệt, hết mình và thơ ngây, mông muội. Chỉ nhắm đến những khía cạnh tích cực của mưa lũ thì người ta có thể ôm nó vào lòng như một đứa bé hư. Mầy phải có chút hư đốn mới là con của mẹ. Hoàn thiện, ngoan ngoãn quá, có thể mầy làm mẹ thấy xa cách vì không có dịp mắng yêu mầy, hiểu chửa thằng nhóc?

Tôi hiểu hai câu thơ đó của thầy Tuệ Sỹ theo cách nghĩ của tôi, và hình như nhờ vậy tôi đã yêu chúng không chán. Ai đó bắt tôi hiểu chúng theo cách khác, kể cả cách của thầy, có thể tôi sẽ tìm cách quên chúng đi. Vì chúng không còn như tôi nghĩ nữa. Yêu lần hai thì làm sao có thể yêu chúng như chưa yêu lần nào.
Rồi thì ông Phạm Công Thiện. Ông uyên bác từ lúc nhỏ tuổi, nhưng có lẽ vì thế mà xa cách dân gian. Bởi giống hệt thiên hạ thì có gì để nói. Một cách gián tiếp, tôi mang ơn ông nhiều chuyện. Chỉ bực mình một chuyện nhỏ là ông ấy có vẻ chẳng mặn mà với Nam tông. Thế thôi! Nhưng được cái ông chẳng cực đoan. Bởi giỏi đến mấy mà cực đoan thì cũng sâu như cái giếng dầu thôi. Mà thế giới này đâu phải chỉ có một chiều không gian. Tôi có tất cả sách của ông Phạm Công Thiện. Dễ đọc và giàu tính trách nhiệm nhất trong số đó có lẽ là cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, nghe đâu ông viết năm 25 tuổi. Với mấy cuốn còn lại, tôi phải thề độc rằng hiểu nổi thì chết liền. Kể cả cuốn thơ Ngày Sinh Của Rắn, nói là thơ mà hầu hết vẫn cao xa trừu tượng quá chừng. Tôi nói là hầu hết vì trong tập thơ đó có vài chỗ theo tôi là đủ để làm nên tên tuổi một nhà thơ, với điều kiện nhà thơ đó đừng có chi những bài thơ khác chẳng ngang tầm với chúng. Làm Thôi Hiệu của Việt Nam là ok rồi. Đó là những đoạn thơ đã được nhà văn Vĩnh Hảo và ông Nguyễn Hưng Quốc trích dẫn, nhắc nhở.

Ở đây dĩ nhiên không thể trích dẫn ra hết những chỗ tuyệt vời đó. Tôi chỉ còn đủ thời gian để nhắc lại hai câu của tập thơ trên, như nhiều người vẫn yêu thương chúng:
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”.
Tôi cứ trộm nghĩ, người Việt Nam muốn làm thơ, viết văn và yêu nước thương quê chỉ cần để ý cái hồn của hai câu thơ đó. Giản dị, thiệt thà và gợi cảm quá chừng. Người học Phật nếu chịu để ý sẽ thấy các luận thư đời sau dù có bắt đầu bằng mấy chữ Như Thị Ngã Văn cũng không sao có được cái hồn hậu, giản phác, thâm thúy theo cách CẦN và ĐỦ mà ta luôn bắt gặp trong kinh điển Pāḷi và các tập A-hàm. Yêu tha thiết chân thành cái gì đó, người ta có thể chỉ nói rất ít nhưng chan chứa khôn cùng. Đó cũng là trường hợp của ca dao:
- “Với tay mà ngắt ngọn ngò
    Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”.
- “Ngó lên Sở Thượng thêm buồn
    Muốn chăm cội rễ, ngặt đường xa xôi”.
- “Đường dài ngựa chạy biệt tăm
    Người thương có nghĩa, trăm năm cũng về”.
Nhắc tới một người, lại nhớ về bao người khác. Tôi lại muốn nhắc chơi những câu thơ của ông Bùi Giáng, thầy Lê Mạnh Thát, ông Quách Tấn, Thượng tọa Viên Minh, Thượng tọa Triều Tâm Ảnh,... Nhưng ở trên đã trót nói rồi, yêu thì nói ít cũng xong. Yêu thì để trong lòng mà nhớ. Chỉ mong mai này có kẻ tri âm kéo áo bảo viết thêm bài nữa thì có thể xem đó như một nhân duyên mới. Đường dài ngựa chạy biệt tăm...

Trong tác phẩm Chuyện Phiếm Thầy Tu
Reply
#3
Sư Toại Khanh rất lãng mạn, có thiên phú thơ văn, nhưng khi giảng Pháp, Sư dùng lời bình dân giản dị. 

Cái hay của Sư là Sư dốc lòng thuyết giảng một cách say sưa.  Nhờ Sư tìm học các bài Kinh rốt ráo, nên nghe Sư "chú giải", Phật tử hiểu thấu đáo Lời Phật dạy.

LTP thành kính đảnh lễ tri ơn một vị chân tu.  Admire
Reply
#4
Áo Hạ Vàng, Thơ Hư Vô – Tâm Kinh Thời Đại.
Tùy bút Toại Khanh.
Nói y như trong kinh thì vạn hữu không gì là ngẫu nhiên. Mỗi cọng rêu, ngọn cỏ hay từng con ong, cái kiến thảy đều do nhân duyên mà có. Ai người học Phật đều ít nhiều biết qua chuyện đó. Vậy mà có ai trong số này lại không một lần bất chợt đứng dưới hiên mưa mà bỗng nhiên nhớ về một chuyện xưa cũ càng không hò hẹn. Không phải ngẫu nhiên thì còn là gì nữa. Một câu hát bâng quơ nghe được ở đâu đó, một gương mặt hay ánh mắt tình cờ bắt gặp trên đường nhiều khi cũng đủ làm một cái cớ để vực dậy một hồi ức tưởng như chẳng mắc mớ liên can gì hết. Kỳ thực, từng cái xem chừng là ngẫu nhiên ấy cũng là một kiểu nhân duyên khác. Thiếu đi những thứ nhân duyên bất ngờ và đa đoan đó, biết đâu cuộc đời càng buồn thêm. Cuộc đời là một tuồng ảo hoá, khách trầm luân là những diễn viên, chuyện đời từ đó phải cần đến những khía cạnh kịch tính. Chuyện tu học của tôi cũng là một thứ chuyện đời, nghĩa là nó cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.Hồi nào đầu óc giản đơn, học kinh Phật như một cái máy, cách cảm nhận lời Phật của một cậu bé chỉ đơn giản là chụp lại mọi sự bằng chiếc máy ảnh không biết suy tư. Thấy sao tin vậy, nghe sao hiểu vậy. That’s  it, no more. Rồi thì một ngày, người ta già hơn, có thể hư đốn hơn, lem luốc hơn, nhưng cách hiểu vấn đề cũng được thay đổi để lời kinh xưa lúc này coi như đã trở thành một nguồn sống sinh động và thấm thía hơn, nếu người ta vẫn chưa bỏ Phật mà đi.
Một ngày của tuổi bốn mươi, tôi ngẫu nhiên bắt gặp trong hộp thư email của mình một cái thư lạ. Lạ vì cái Subject của nó, và cũng vì người gửi là một nhân vật kỳ lạ. Chưa biết mặt nhau bao giờ, từ vài tháng nay bỗng nhiên cứ dồn dập gửi cho thiệt nhiều email. Không thăm hỏi gì hết, chỉ ròng những thứ góp nhặt từ muôn phương, để tôi nghe, ngắm và đọc.Chẵng gì ghê gớm, vài ba tấm ảnh lạ, dăm thứ tin tức giật gân, đôi khi là một nhạc khúc. Có cũng vui, không cũng được, dù nhiều khi buồn buồn  tôi lại có ý trông.
Chiều nay, tôi lại nhận được một cái email của người bạn giấu mặt đó. Một chuyện bình thường nhưng có chút lạ. Nó lạ từ cái chủ đề: Vàng Em Áo Hạ. Cả một thứ tiếng Việt dễ dãi nhất cũng không ai nói năng, viết lách kỳ cục như vậy. Nhưng mà nó lạ, và cứ nghe hay. Gói theo cái email đó là một cái File Video:






Tôi mở ra và bàng hoàng. Cái mà tôi nghe được, xin thề, tuyệt không phải thứ tình ái lăng nhăng mà nhạc khúc đó đang diễn tả. Tôi vừa cảm nhận được cái mà nói bằng ngôn ngữ của ngành Vật Lý hiện đại là Chiều Thứ Tư của Phật Pháp. Một góc cạnh thật mới lạ, tinh khôi, dù thực ra muôn thuở đã là vậy. Mới là mới đối với gã dốt này thôi. Ô hay, tôi tự hỏi mình, sao thiên hạ bây giờ lại không thử dùng cách nói này để nói về Phật chứ, dĩ nhiên nên nghiêm túc hơn một tí là được. Người ta viết nhạc Phật giáo mà cứ như để xua đuổi thiên hạ. Thay vì réo gọi nhau về dưới chân Phật, người ta lại khiến thiên hạ bỏ chùa mà đi, nhiều khi còn chạy mất cả dép. Ai hổng tin xin cứ kiếm mấy cái CD nhạc đạo nghe thử một lần thì biết. Nhưng đó là chuyện của ai, ở đây tôi chỉ xin nói chuyện mình.

Em qua, bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc, em vàng cánh hoa.


Mùa hạ ở đây bỗng dưng là một thứ gì đó có đủ hồn vía hẳn hoi, như một sinh vật, không còn là một hiện tượng thiên nhiên nữa. Nó còn ly kỳ hơn, khi  đường hoàng hoá thân vào từng cánh hoa phượng vàng, và cùng đưa em vào hạ. Em, hoa vàng và mùa hạ lúc này đã là một. Tôi đã xem, nghe rồi chợt nhớ về một bài học cũ. Toàn bộ cái gọi là thế giới, trong kinh Phật, chỉ là con số 18: Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức. Ngoài ra không còn gì nữa. Từ cái hiểu lầm, người ta biết thương ghét và nghĩ ra muôn thứ ảo tượng và đặt cho chúng những tên gọi Chính Trị, Văn Hoá, Khoa Học, Nghệ Thuật, Triết Học, Lịch Sử, Ngôn Ngữ, kể cả Tôn Giáo. Một mớ khái niệm cộng với chút tình cảm ghét thương đã làm nên mọi sự ở đời. Tất thảy những thân sơ thù bạn, ân oán tình thù đều chỉ là những cuộc chơi của người chưa biết mình thực ra là những gì ghép lại. Tôi yêu em, thế là nhìn thấy trong hoa có em, trong em có mùa hạ, và rồi một ngày, cả ba chỉ là một. Để mùa hạ có thể rơi trên tóc người, và màu vàng của hoa đã là một với em. Nhưng như thế đã hết đâu:

Nắng trong veo…thấu lụa là
Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn
Từ em tóc xõa sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.


Thơ hay của thiên hạ tôi đọc cũng nhiều, nên có dốt mấy, cũng có thể bảo rằng bài thơ này chưa phải là tuyệt tác. Có điều lạ lùng, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi chịu nghe và đọc một bài thơ tình bằng một tâm cảm đã đời đến vậy. Tôi đã nghe thấy ở đó một bài tâm kinh, nhưng không phải Tâm Kinh Bát Nhã của nhánh Bắc Truyền. Tâm Kinh ở đây là kinh nói về đạo qua ngõ tình và phải được cảm (không phải hiểu) bằng trái tim (không phải óc). Đến nắng ở đây cũng đã được ghép thêm phần hồn. Nó soi thấu lụa là một cách có ý thức, không phải một hiện tượng thiên nhiên. Vì trong nắng bây giờ có gã tình si mê gái đang dõi nhìn gót sen người đẹp. Thế là hắn xem ánh nắng như một tên đồng lõa. Và nếu vật vô tri có thể trở thành động vật thì ở đây cái phàm tâm của gã tục tử kia cũng có thể là một với trời đất quanh mình để có thể gập ghềnh, triền dốc như mặt đường mà em đang đi trên đó, để sóng dậy đất bằng, để bóng sắc em tuy chẵng ba đào mà vẫn có thể khiến chết đuối người trên cạn mà chơi! Lục Trần, Lục Thức, Lục Căn ở đây đã phổ vào nhau đến tận tuyệt. Mùa hạ đã là cái tâm cái tình của gã tục tử để góp mặt hết mình vào cuộc chơi. Nó len vào từng nốt nhạc trên dây đàn và trong cõi âm thanh đó, những hàng cây kia bỗng dưng là những khách mời, những chứng nhân cho một cuộc tình vỡ giữa chiều nắng hạ. Tôi lại nhớ hai câu thơ của Trần Dạ Từ: Lần đầu ta ghé môi hôn, mấy con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Bao nhiêu Uẩn Xứ Giới Đế có rảnh thì đều cùng về tham dự hết. Rồi thì:

Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình
Bên đời có nắng lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…


Như trên đã thưa, mùa hạ bây giờ đã được chuyển thể (transform) để có thể theo em qua cầu bỏ lại một thằng khờ sau lưng. Em và mùa hạ đã là một, em đi rồi mùa hạ cũng đi. Và cả ánh nắng mùa hạ nữa, nó cũng tham dự vào nổi chia xa của chúng ta. Và không phải chỉ hôm nay, đến bao giờ em còn là một cố nhân chưa quên nổi thì cứ thấy nắng hạ hoa vàng thì tôi sẽ thấy em về, như từ bây giờ, những cơn mưa với nổi buồn của tôi sẽ mãi mãi là một. Trong ngôn ngữ lòng tôi từ giờ sẽ mãi hoài đọng lại hai cụm từ ghép không thể tách rời: Vàng Em Áo Hạ và Buồn Tôi Mưa Về. Nhưng đâu phải chỉ một mình tôi ngớ ngẩn đến vậy, hồi xưa còn sống, ông Nguyên Sa cũng hơn một lần mơ hồ như thế vào một thuở yêu người:

Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường!


Là vậy đó. Gì cũng là một cuộc chơi. Và, dẫu chong đèn thức trăm năm, người sinh tử vẫn mãi nằm chiêm bao!
Santosa, 11/27/08
Toại Khanh
Reply
#5
Những Ngọn Nến Đời
Sáng Chủ Nhật. Một người quen gọi phone hỏi tôi sáng nay có viết thêm bài mới bỏ lên mạng không. Họ hỏi bằng cái giọng của bà chủ hỏi người làm. Như tôi ăn lương tháng của ai đó để viết bài. Tôi chợt nghe chạnh lòng, một cảm giác tưởng đã mất tiêu từ mấy năm dài vô sở trụ và đặt hết nhân gian ngoài bậc thềm rêu. Vậy mà…
Thì ra thiên hạ nghĩ viết lách là chơi trò xếp hình, xếp chữ. Ra chợ mua một đống hình hay mẫu chữ cắt sẵn rồi về cắm đầu ráp lại theo một hướng dẫn sẵn. Đời con tằm cũng bạc đến thế là cùng.
Tôi bước vào nhà tắm và rồi một mẩu nến vụn ở đó đã đập vào mắt tôi như một chia sẻ. Tôi vừa nhớ đến hai câu thơ của ông Lý Thương Ẩn: “Xuân tàm đáo tử ti phương tận, lạp cự thành hôi lệ thủy can!”. Lý do tồn tại của con tằm là nhả tơ, khi không nhả tơ được nữa thì tằm cũng chết. Lý do tồn tại của ngọn nến là cháy sáng, là tự hủy mình để soi rọi nhân gian. Hành trình hiu hắt đó chỉ chấm dứt khi nến đã tàn.
Đời người suy cho cùng cũng là một hành trình tự hủy để tồn tại: Đốt cháy tuổi thơ để trưởng thành, đốt cháy tuổi trẻ để thành nhân và chuyên môn một chút thì mỗi phút giây đốt cháy năng luợng trong từng tế bào để tìm về cõi chết.
Trong Giáo Lý Duyên Khởi, cái khổ trước sản sinh và nuôi dưỡng cái khổ sau. Trong đời sống thường nhật, người ta đã phải tiêu thụ, thiêu hủy cái này để tạo dựng cái khác. Lịch sử văn minh nhân loại là những trận lửa và những cuộc hồi sinh tiếp nối nhau. Và từ nền tảng đó, vô thường là một quy luật tồn tại của vạn hữu. Phật giáo nói ra sự thật đó không phải để nhân gian thêm buồn, mà ngược lại, để người ta sống thanh thản, nhẹ nhàng, tự do hơn. Vì tự do chính là nhìn thấy sự thật. Chưa thấy được sự thật thì sống trong ảo giác, mà ảo giác lại là lối về của nước mắt. Thấy ra sự thật, người ta trưởng thành và không còn cái sợ hãi của trẻ con khi bị đứt tay hay bỏng lửa. Vậy thì đời sống mỗi người rõ ràng là những ngọn nến. Lúc mê thì chỉ tự hủy để tồn tại và trầm luân, lúc ngộ thì tự hủy để soi sáng và giải thoát.
Tôi nhớ hình như chưa có nhà thơ nào có thể làm thơ hay mà không cần đến những phút giây khổ nạn. Thơ họ phải có từ những giây phút tự cháy. Bản chất của đời sống là bất toại, là xót xa. Không bước vào để tận mắt nhìn thấy nỗi xót xa thì ngôn ngữ không có sức sống. Nói năng theo cách vô bệnh thân ngâm thì chỉ toàn là sáo ngữ hư ngôn. Phải có hành trình vạn lý thì mới có được một du ký xuất sắc. Đó cũng là lý do của chữ Chợ Đời. Anh phải trao ra cái gì đó thì mới có được cái anh muốn. Tiền nào của nấy.
Tôi nhớ lại rồi. Hôm nào không nghe trong lòng có lửa, hôm đó có nói hay viết gì thì cũng nhạt nhẽo vô hồn như  người ta ca hát bằng thứ ngoại ngữ mà mình chưa rành. Đó chỉ là nhép miệng một thứ không thuộc về mình. Trong khi đó, ngọn nến nào cũng phải tự cháy bằng tim bấc của chính nó. Anh phải sống bằng cách đốt cháy năng lượng của chính mình, phải giải thoát bằng cách đốt cháy những ngộ nhận của tự thân. Sống bằng năng lượng của người khác thì chỉ là con ốc mượn hồn. Và giải thoát thực sự thì không thể bằng những kiến giải vay mượn mà thiếu sự tiêu hoá.
Tôi vừa ngừng gõ bàn phím để đọc lại bài viết và chợt giật mình. Tôi vừa viết cái gì đây? Hình như chưa một bài tiểu luận nào trước đây gửi trên Phapluan.net tôi lại viết bằng tâm tình một ngọn nến như bây giờ. Nhưng liệu tôi có làm người đọc bị bỏng lửa vì sức nóng của nó. Có lẽ tôi phải gọi phone hỏi chuyện đó với một người quen đã sang sông. Quanh tôi chẳng có ai để mà hỏi ý. Nhưng trời ạ, hình như đó không phải là phong cách một ngọn nến. Nó phải tự cháy. Dù lòng vẫn không thể nào quên nổi một ngọn nến đã sang bờ khác!
Chuyện Phiếm Thầy Tu - Tác giả Toại Khanh
Reply