LTP Học Phật Pháp
NGƯỜI CƯ SĨ HIỂU ĐÚNG VỀ NĂM GIỚI  SẼ CÓ MỘT ĐỜI SỐNG KHÔNG SỢ HÃI

Đức Phật Ngài dạy rằng trong một gia đình mà người cư sĩ thành tựu được 5 giới thì bản thân người cư sĩ đó có được một cuộc sống an toàn không lo âu sợ hãi. An toàn ở đây có 2 đó là: An toàn trong hiện tại, an toàn trong kiếp sau, an toàn trong đời sống và an toàn trước cái chết.

Người Phật tử nào cũng tối thiểu có tam quy và ngũ giới. Nhưng mà bà con nhớ dùm cái này: "Không phạm giới chưa hẳn là giữ giới". Có nhiều người sinh ra trong bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội, bối cảnh văn hoá, bối cảnh giáo dưỡng giáo dục mà họ không có tiện để làm những cái chuyện sát sanh trộm cắp. Khi mà họ biết đạo thì họ thấy mấy cái giới đó nó dễ quá, rồi họ cứ tưởng là họ không phạm là họ có cái giới đó thì cái đó không đúng.


1. GIỚI SÁT SANH:

Trước hết không sát sanh không thể hiểu cái nghĩa là không giết thì gọi là có giữ giới sát sanh, không có phải. Ví dụ bây giờ có những người lớn lên trong thế giới Âu Mỹ, hoặc Châu Á thì họ lớn lên trong gia đình có của ăn của để thì cơ hội nào để mà họ sát sanh đây. Hồi nhỏ trong vòng tay của cha mẹ ông bà anh chị thì đâu có mò cua bắt ốc; rồi trùn, dế, muỗi, mồng, mình đâu có cơ hội để mình giết nó đâu. Lớn lên ăn học đàng hoàng làm kỹ sư bác sĩ rồi có gia đình sung sướng hưởng thụ thì cơ hội nào để sát sanh đây. Con cá, tép, cua, rùa, heo, bò, gà, vịt...thì người ta làm rồi đem về có kẻ nấu nướng, kẻ bày dọn ra cho mình ăn chứ mình có sát sanh đâu, như vậy thì không gọi là giữ giới.

Không sát sanh ở đây có nghĩa là mình có một ý thức sâu sắc rõ ràng là vì đâu mà mình không giết. Cái này rất quan trọng, vì đâu mình không giết mình biết rất rõ. Muôn loài lớn bé đều tham sống sợ chết, không có một nỗi kinh hoàng nào trên đời này lớn bằng nỗi sợ chết hết, đó là mối âu lo lớn nhất trong đời sống của chúng sinh. Mình biết như vậy cho nên mình không gieo rắc cái sự sợ hãi cho người khác bằng cách tấn công, bạo lực, bạo hành. Không giết đã đành mà làm cho người ta đau về thể xác, khổ về tinh thần cũng không nên. Cho nên mình không làm khổ người khác về tinh thần lẫn vật chất đó là hạnh tu của người biết Pháp. Giữ giới sát sanh là như vậy đó, không làm tổn thương tình cảm, sức khoẻ, tính mạng của chúng sanh khác thì cái đó mới gọi là giữ giới.

2. GIỚI TRỘM CẮP :
Ở đây mình cứ nghĩ là tôi không có lấy của ai như vậy là tôi giữ giới thì cái đó không hẳn. Bởi vì hồi nãy tôi đã có nói rồi, mình lớn lên trong một bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội đặc thù nào đó thì mình cũng đâu có làm cái chuyện này đâu.

Chẳng hạn như bên Thuỵ Sĩ chỗ đất nước tôi đang ở có rất nhiều nông trại mà người ta đem nông sản bày ra trong một cái chòi lá. Mình cần thì mình tới đó có cái thùng, trong đó họ có để cái giá biểu thí dụ như cà Tomas thì 1 kg là bao nhiêu, cà tím 1 kg là bao nhiêu, khoai tây, bắp, đậu, ớt...Mình nhìn cái giá biểu đó mà mình thích thì mình mua rồi bỏ tiền vào cái thùng đó, tự mình cân và dĩ nhiên là không ai thối cho mình nên mình phải chuẩn bị bạc lẻ để trả. Một cái đất nước như vậy phải nói là người dân đâu có cơ hội đâu mà ăn cắp, nhưng mà nói như vậy không hẳn là người dân Thuỵ Sĩ được gọi là người giữ giới trộm cắp. Mà giữ giới trộm cắp là mình luôn có một ý thức sâu sắc rõ ràng là vì đâu tôi không lấy của phi nghĩa, vì đâu tôi không lấy cái món vật chất chưa được cho?
  • Chuyện thứ nhất là bởi vì không cần nói đến pháp luật, bây giờ nói đến đạo đức làm người thì ai cũng có quyền tư hữu, ai cũng muốn tài sản vật chất của mình không bị sứt mẻ mất mát, ai cũng muốn mình được toàn vẹn mọi thứ. Nếu người khác lấy của mình thì mình đâu có chịu thì tại sao mình lại đi lấy của người khác.

  • Chuyện thứ hai là trong cái tinh thần rốt ráo nhất của người biết đạo, cái của mình là mình đã không nên tham đắm nói gì đến cái của người khác. Một người luôn luôn sống trong ý thức mọi thứ là phù du, và luôn luôn có ý thức về giá trị tinh thần, niềm vui tâm linh lớn hơn việc sở hữu vật chất.
=> Hiểu được như vậy thì cái chuyện sang đoạt, chiếm hữu của phi nghĩa là cái điều đương nhiên phải tránh. Phải nhớ cái đó. Mình lấy cái đó mình có được ăn đời ở kiếp với cái số vật chất mà mình sang đoạt, lừa đảo, lật lọng, lươn lẹo của người ta hay không. Ví dụ như số tiền lớn là vài trăm ngàn hay vài triệu đô la, rồi sau đó cả đời trốn chui trốn nhủi không dám nhìn mặt ai hết. Trong khi trời đất thì bao la mà sống như chuột trù, giống như giun, dế thì có đáng hay không? Hiểu được cái đó thì mình luôn luôn sống trong ý thức rõ ràng là không có sang đoạt của ai hết.

Và hôm nay mình gieo nhân nào thì mai kia mình bị cái quả y chang như vậy. Hôm nay mình sang đoạt chiếm hữu của người khác thì mai kia mình sanh ra thì: một là nghèo khó, hai là những thứ mình có được cũng dễ dàng mất mát. Mất mát do thiên tai, nhân hoại, chiến tranh, trộm cướp...đủ thứ hết. Có những người giàu có nhưng họ không giữ được của bởi vì nói theo trong kinh là do tiền nghiệp chúng ta đã không giữ giới trộm cướp cho nên đời sau sinh ra tài sản một là không có, hai nữa nếu mà nhờ phước bố thí thì mình có được mà mình cũng giữ không được. Nó có những cái ngõ để rò rỉ thất thoát lắm, nhiều lắm quý vị.

Cuối năm 2017 tôi có 2 người quen cũng có của ăn của để. Trước ngày tết 10 hôm cả 2 đều bị mất một số tiền rất lớn tới mấy trăm ngàn đô la. Một người thì bị bạn bè lừa gạt, còn một người thì chơi ba cái stock hay bitcoin gì đó rồi bị mất. Tiền bạc mà, nó muốn đội nón nó đi thì nhiều cớ lắm. Trong nhà thì con mình, vợ mình, chồng mình, người thân mình bị bệnh hoạn hoặc họ hoang phí nghiện ngập bài bạc chích hút gì đó thì mọi thứ cũng đội nón nó đi hết. Hiểu được cái đó mình mới sợ.

***Cái tinh thần cao nhất của Phật pháp đó là: "Của mình hợp pháp mà mình còn không nên chìm đắm thì nói gì là dòm ngó của người khác".

3. GIỚI TÀ DÂM:
Vì cái nhu cầu tình cảm, nhu cầu tình dục mà chúng ta mới đi tìm đến những đối tượng ngoài luồng. Mình nhớ là con người khác con thú ở cái điểm đó là sự chừng mực và biết chuyện. Biết chuyện là biết cái gì nên hay không nên, biết chừng mực là biết cái gì là cái ranh để mà dừng lại. Thứ nhất thì chế độ một vợ một chồng thì xã hội nào họ cũng tán thán tôn vinh. Thứ hai là mối quan hệ ngoài luồng thì tuyệt đại đa số đều có một kết cục không có đẹp.

Giới tà tâm ở đây trong kinh định nghĩa rất là rõ, có nghĩa là quan hệ tình dục với những đối tượng mà xã hội lên án. Thí dụ như người đã có vợ, có chồng. Hoặc người đó đang được gia đình, đang được pháp luật bảo vệ như trẻ vị thành niên. Hoặc đứa đó tuy nó mồ côi nhưng mà nó là trẻ vị thành niên, hoặc nó có bạn bè thân thuộc muốn gìn giữ nó mà bây giờ mình tìm cách chiếm hữu thì cái đó được xem là quan hệ bị xã hội lên án thì cái đó là tà dâm.

Định nghĩa của tà dâm nó hơi rộng như vậy chứ không phải đơn giản là mình day dưa với vợ chồng người khác, mà nó bao gồm luôn trường hợp những đứa trẻ đang được pháp luật và gia đình bảo vệ thì mình cũng không thể xâm phạm được. Nó có tất cả là 21 hạng mà mình không thể xâm phạm, không thể đụng chạm tới, thì 21 đó gom gọn lại chỉ có 2 thôi:
  • Người đó đã có gia đình chồng, vợ.

  • Người đó đang được giám hộ bởi một đoàn thể hay một cá nhân nào đó.
Các vị cứ tưởng tượng là người ta thương mình thì mình thương lại rồi hai đứa dắt nhau vô bụi thì: Trái đất vẫn quay, thế giới vẫn hoà bình chứ có gì đâu, miễn làm sao mà chồng nó không biết vợ mình không hay thì thôi. Nhưng mà vấn đề nó không phải chỉ đơn giản như vậy. Vì sao? Vì nếu trong cái thế giới này, trong cái hành tinh này mà mọi người tha hồ thích với ai thì đến với người đó. Thì các vị tưởng tượng đi chúng ta sẽ không có niềm tin trong gia đình đâu quý vị, chúng ta không có niềm tin nữa. Vợ mà mình không dám rời một bước, chồng mà mình không dám xa một tấc, ăn rồi cứ kè kè gìn giữ sợ hãi vì sợ buông ra là mất.

Một xã hội như vậy thì nó quá dễ sợ đi. Một xã hội mà: "Để hở thì rình, để kín thì nó rinh" thì cái đó là không được. Một xã hội mà nam nữ không tin nhau thì cũng không được. Các vị tưởng tượng ai trong room này mà có máu ghen thì mới hiểu được cái điều tôi nói. Mình có máu ghen dữ dội thì mình mới thấy những người mà nghiêm túc trong tình cảm họ đáng quý. Tôi không có gia đình nhưng tôi biết trước cái máu ghen của tôi cũng dữ dội lắm cho nên tôi nghĩ rằng cái giới thứ 3 này rất là quan trọng.

Một điều nữa là cái giới tà dâm là một lằn ranh, một vạch kẻ để phân biệt người với thú. Bởi vì con thú nó không có phân biệt được cái gì nên và cái gì không nên, nó không biết cái gì là đồ ăn mà cái gì là đồ cúng. Nhưng mà chỉ có con người mới biết được tài sản vật chất có quyền tư hữu, tình cảm con người cũng có tư hữu, không có xâm phạm với ai.

4. GIỚI NÓI DỐI:
Giới nói dối cũng hiểu theo cái hướng là mình không nói dối chưa chắc là mình giữ giới, bởi vì nhiều khi không có điều kiện thôi. Không nói dối ở đây nó phải là cái ý thức. Tôi nhắc lại toàn bộ 5 giới phải được khởi đi bởi ý thức đạo đức, phải được thiết lập trên nền tảng của ý thức mới gọi là 5 giới. Ý thức là sao? Mình không muốn ai lừa dối mình thì cũng đừng lừa dối ai. Và có một chuyện rất là quan trọng mà phải mượn giọng kinh thánh để nói: "Phúc thay cho kẻ nào được sống bên cạnh những người nói gì cũng tin được". Tôi phải nói là phúc, đại phúc và hữu hạnh thay cho kẻ nào được sống giữa những người mà mình có thể tin cậy được, nói cái gì cũng tin được.

Bữa hổm tôi cũng nói với bà con rồi, tôi là tu sĩ từ bé, tôi độc thân không có vợ, nhưng mà nếu vì pháp thoại mà phải dùng phương tiện thiện xảo để thuyết pháp thì đôi khi tôi cũng du di linh động. Tôi nói thiệt, tôi không có vợ con nhưng phải nói nếu mà nói tiêu chuẩn yêu thương của tôi thì chuyện đầu tiên của tôi không phải là nhan sắc, tài sản, học thức. Mà chuyện đầu tiên đó là người phụ nữ đó nói gì tôi cũng tin được, đó là quan điểm của tôi. Vì từ gia đình, xã hội, chùa miễu, tôn giáo, thương trường, bất cứ nơi nào mà người với người không tin được nhau thì cái xã hội đó, cộng đoàn đó coi như vứt đi. Một xã hội mà sa đà suy thoái là người gạt người, người phụ rẫy người, người lừa đảo, lật lọng, lươn lẹo người.

Cái giới nói dối nó quan trọng lắm, phúc thay cho cái kẻ nào được sống bên cạnh những người mà có thể tin được. Thí dụ tôi nói huỵch toẹt luôn, trong gia đình mà mình nghi bà xã mình hay ông xã mình có vấn đề gì đó mà mình hỏi: Có không? Mà họ là người trung thực, họ gãi đầu, mặt tái mét, môi lắp bắp trả lời là: "Có! em hoặc là anh sụp hố do tai nạn".

=> Tôi thích như vậy hơn là dối lừa nhau để sống qua hết năm này qua tháng khác thì kinh hoàng lắm, sống mà trong niềm âu lo ngay ngáy không biết người ta lừa gạt mình lúc nào thì cái đó dễ sợ lắm quý vị biết không? Từ tình cảm nam nữ gia đình, cho đến xã hội, cho đến đối tác làm ăn, cho đến quan hệ chung chung giữa người với người mà khi không tin được nhau nữa thì xã hội rơi vào bi kịch, và phải nói là thế giới khó sống hơn bao giờ hết. Khi chúng ta không có niềm tin vào nhau thì các vị biết cái đó dễ sợ lắm quý vị.

Năm giới mà mình hiểu lơ mơ lơ mơ là không sát sanh, không trộm cắp thì cái hiểu đó nó nghèo lắm. Mình phải hiểu từng điều là: Ồ! thì ra cái giá trị của 5 giới nó dễ sợ như vậy, nó là một cái giềng mối duy trì cái nền tảng đạo đức xã hội. Và trên nền tảng đạo đức ấy, con người có thể tương ái, tương kính, tương thân lẫn nhau. Khi mà không tin được nhau rồi thì chúng ta còn chuyện gì để nói với nhau nữa từ tình yêu cho đến tình cảm gia đình. Cho nên cái giới thứ tư này rất là quan trọng, khi mà từng người không dối trá thì gia đình tin được nhau, xã hội tin được nhau, loài người tin được nhau.
  • Trong kinh nói rằng vào những thời kỳ hoàng kim của đạo đức nhân loại. Ở đây chắc có lẽ nhiều nghe cái từ này và các vị nhạc nhiên là có cái thời hoàng kim là sao: Theo trong kinh mô tả thì cái gì nó cũng có chu kỳ. Tức là cây, cỏ, hoa, lá nó cũng có mùa các vị biết không? Xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân thì cây cỏ sum suê tốt tươi, mùa thu thì cây cỏ bắt đầu vàng úa, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì lạnh lẽo. Tuỳ mùa mà cái loài nào nó sống được và cái loài nào nó phải chết đi, đó là về thế giới thiên nhiên.
  • Còn về đời sống của con người cũng vậy, nó cũng có mùa. Có những thời điểm mà chúng sanh đặc biệt nổi trội về văn minh tâm linh, ví dụ như thời Đức Phật. Thời đó cái người mà tu hành đạo đức, chứng đắc thánh nhân, thần thông nhiều vô kể, nhiều như nắm sao mưa. Trong khi đó có những thời kỳ mà chúng sanh nổi trội về văn minh vật chất. Chẳng hạn như thời này, cách nhau một đại dương mà có thể vừa nói chuyện và nhìn mặt nhau, người kia rót trà mà người này còn thấy một làn khói lượn lờ bay trên chén. Văn minh đến như vậy, cách nhau một đại dương mà có thể quan sát nhau từng đường tơ kẻ tóc. Văn minh quá, chúng ta có thể di chuyển trong không gian 1000km/giờ. Cho nên tuỳ thời kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái thiện và cũng tuỳ chu kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái ác. Có những thời kỳ chúng sanh trội về tham, có những thời kỳ trội về sân. Nó cứ theo chu kỳ xuân hạ thu đông theo thiên nhiên thế nào thì cái tâm tình tâm thức của chúng sinh nó cũng có những chu kỳ như vậy. Lúc nó mạnh cái này nó yếu cái kia, có lúc nó mạnh cái kia nó yếu cái này.
  • Có những thời kỳ chúng sanh sung mãn về đạo đức thì cả hành tinh không ai biết nói dối. Các vị không tin nhưng trong kinh nói đó là sự thật. Có lúc cả hành tinh này sống trong cái bối cảnh gọi là cộng sản tuyệt hảo. Có lẽ cái chữ này tôi dùng ở đây gây dị ứng cho nhiều người cho nên tôi tạm dùng cái từ thời thượng cho bà con hiểu rằng "Cộng Sản Tuyệt Hảo". Nghĩa là sao? Thời đó người ta chỉ kiếm ăn khi cần và họ không có khái niệm tích chứa, sở hữu, dành dụm. Từ đó nó mới không có nhu cầu như là: Sang đoạt, lừa đảo, nằm nhà mát ăn bát vàng, kẻ làm lòi con mắt không có ăn, kẻ thì ngồi phây phây mà có ăn tràn họng, rồi có kẻ người bóc lột người, có kẻ thì tích luỹ gian thương đầu cơ...Dứt khoát là không có.

  • Thời đó người có thể tin người, người có thể quý người, người có thể thương người. Còn cái thời này muốn quý nhau cũng khó, muốn thương nhau cũng khó, muốn tin nhau lại càng khó. Tuỳ vào chu kỳ biến đổi trong thiên nhiên và cả chu kỳ biến đổi tâm tình tâm thức của chúng sinh mà thế giới này có những giai đoạn, có những điểm đặc thù như vậy đó quý vị nha.
Trong kinh nói có những thời điểm mà cả hành tinh này không biết nói dối là gì hết, người ta không có biết. Nói dối lúc bấy giờ là một khái niệm rất là trừu tượng, giống như bây giờ trong không gian của vật lý hiện đại mình vậy đó. Và cái điều rốt ráo nhất trong giới nói dối là gì? Muốn chứng thánh giải thoát sanh tử thì chuyện đầu tiên chứng thánh là gì? Là anh phải thấy được 4 sự thật:
  • Sự thật thứ nhất là mọi hiện hữu là khổ.

  • Sự thật thứ hai là đam mê cái gì cũng là đam mê trong khổ và đầu tư cái khổ.

  • Sự thật thứ ba đó là muốn hết khổ thì đừng có đam mê trong khổ nữa.

  • Sự thật thứ tư là hiểu được ba điều trước và sống trong đó chính là con đường thoát khổ.
=> Cả bốn điều đó gọi chung là BỐN SỰ THẬT - TỨC LÀ BỐN ĐẾ. Muốn chứng thánh thì anh phải thấy được 4 sự thật đó.

Nói như vậy thì thấy được sự thật phải nói là vấn đề quan trọng cốt yếu từ phàm sanh thánh. Muốn thấy được sự thật thì ngay cái thuở còn phàm anh phải biết yêu sự thật. Có yêu sự thật thì trong ngôn ngữ, trong hành động của mình nó không có dối trá, lừa đảo, lươn lẹo, lật lọng. Và một người có hàm dưỡng, có đạo đức thì cái chuyện mà người đó lừa đảo, lật lọng là cả một vấn đề. Người mà thiếu hàm dưỡng thì chuyện nói dối rất là đơn giản, thậm chí nó là lối thoát cho họ trong nhiều tình huống. Nhưng mà đối với người có hàm dưỡng thì chuyện nói dối nó giống như một cực hình, kẹt lắm, khổ lắm, khó khăn lắm.

5. GIỚI UỐNG RƯỢU:
Tôi nói không biết bao nhiêu lần, chúng ta sinh ra đời, vừa lọt lòng mẹ, ánh nắng rọi vào thân xác của chúng ta. Kể từ cái ngày mà biết được ánh nắng mặt trời, biết được tia nắng đầu tiên cho đến khi vào áo quan đậy nắm lại. Thì trong cái chuỗi thời gian ấy chúng ta phải liên tục và thường trực đối diện với bao nhiêu là bất trắc tai nạn do con người, do thiên nhiên, do bản thân đem tới. Để đối phó với những bất trắc ấy, để có thể sinh tồn trong một thế giới đầy bất trắc ấy thì chúng ta phải thường xuyên và thường xuyên tỉnh táo. Đằng này chúng lại chối bỏ cái khả năng tỉnh táo ấy để chìm sâu trong một cái nghiện ngập nào đó làm mê man thần trí thì coi như là chúng ta đã quay lựng lại với cái quyền lợi làm người của mình.

Con người nó khác con thú ở một chỗ là khả năng tỉnh thức. Tôi nói lại, đời sống của chúng ta là một chuỗi năm tháng để đối diện với những bất trắc. Bất trắc do thiên nhiên, do con người và do bản thân. Để sống trong một thế giới đầy rẫy bất trắc ấy chúng ta phải thường trực tỉnh thức để sống cảnh giác phòng vệ. Ấy vậy mà chúng ta nhìn cái người say, người ngáo đá thì các vị nghĩ họ làm sao? Cái cột điện cao thế mà nó dám leo lên trển, cái nóc nhà tôn trơn tuột mà nó dám leo lên trển nhảy múa trên đó thì các vị tưởng tượng? Một người say rượu không biết mắc cỡ, không có biết nguy hiểm, không có biết sĩ diện, không có biết cái gì gọi là đẹp hay xấu, cái gì là thiện hay ác, là nên và không nên. Nó không có biết gì hết, như một con thú vậy đó.

Cho nên cái điều thứ 5 này Đức Phật Ngài dạy rằng: Ngay cả khi Chư Phật chưa ra đời thì những người hiền trí ở đời họ cũng tôn trọng 5 tiêu chuẩn đạo đức này. Có nghĩa là không giết, không trộm, không dâm dục, không dối trá và không say sưa nghiện ngập. Đây là 5 tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội, cho một đất nước. Nếu một cư sĩ thành tựu 5 giới như là chúng tôi vừa nói nãy giờ, thì cái giới đó mới được gọi là cái giới hoàn bị. Còn mình không làm, không vi phạm nhưng mình thiếu ý thức trong 5 tiêu chuẩn đạo đức ấy thì cái giới của mình vẫn chưa được xem là hoàn hảo.

Đức Phật Ngài dạy rằng trong một gia đình cư sĩ mà người cư sĩ thành tựu được 5 giới thì ngay trong hiện tại, ngay trong thế giới loài người, trong xã hội mà chúng ta đang có mặt thì chúng ta không có âu lo. Một người có giới là không có âu lo và được sự tín nhiệm thương quý của thiên hạ. Và đồng thời nếu mình có đột ngột ra đi thì chỉ cần mình nhớ một điều thôi: "Là mình đã sống đẹp quá, mình sống có chuẩn mực, sống có nguyên tắc. Cái kiểu sống của mình không phải là kiểu sống của cái loài chúng sanh thấp kém thì cái chỗ về của mình dứt khoát là cái chỗ cao cấp rồi".

Người cư sĩ nhớ chừng ấy thôi là có thể xuôi tay nhắm mắt và có thể cười được. Mình chỉ cần nhớ mình đã sống ra sao là tự nhiên mình đi cũng thấy thanh thản. Dầu cho mình không có thần thông, mình không có rõ lắm về thiên đường địa ngục, kiếp trước kiếp sau. Nhưng mà chí ít tối thiểu mình có thể nghĩ: "Nếu có một cõi lành thì cõi lành ấy phải là cái chỗ dành cho những người có đạo đức về đó". Đó là cái niềm tin của người có giới.

***Chính vì vậy mà Phật dạy người cư sĩ có giới coi như là sống không có sợ hãi, luôn luôn sống trong sự bình an trong tâm hồn.

Trích KTC. Kinh (171) Sợ Hãi 1. Sārajjasuttaṃ.
Sư Giác Nguyên giảng.
Reply
Ý Nghĩa Lễ Vu Lan - Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng nhân ngày lễ Vu Lan




Sư Toại Khanh Giảng về Lễ Vu Lan 2022

Nhân ngày lễ Vu Lan năm nay, 2022, Sư Toại Khanh nhắc đến hạnh Tri Ơn. Chẳng phải con cái giữ chữ Hiếu với cha mẹ là đang thực hành hạnh Tri Ơn đó sao?

Theo Sư, chữ Hiếu của mình được Đức Phật nhắc đến là Tri Ơn.

--ooOoo--

3 ân tình thâm sâu nhất của chúng ta trong cuộc đời này là:

1/ Cha mẹ

2/ Đức Phật: Nói rõ hơn là Tam Bảo. Thật ra, chúng ta phải kể là số 1, trên cha mẹ, nhưng với người Việt mình, nói thế sẽ bị giật mình. 

3/ Những người đã đem lại cho mình sự hỗ trợ về tình thần cũng như vật chất.

Như vậy, hôm nay là ngày Thanksgiving của Phật giáo. 

Định nghĩa theo Phật giáo một cách rốt ráo, ngày Thanksgiving của Phật giáo hay hơn là Father's Day hoặc Mother's Day.

Nói đến ân tình của cha mẹ, chúng ta phải nhớ đến cha mẹ suốt 365 ngày trong năm, làm được gì cho cha mẹ thì mình làm.

Tây có câu rất hay: Mình muốn người khác đối xử với mình ra sao thì mình nên đối xử với người khác như vậy. Chúng ta trông đợi con cái có hiếu với mình, nhưng chúng ta đối với cha mẹ có được như là mình mong con cháu đối với mình hay không?

Bản chất của người phàm coi trọng tác phẩm hơn nguồn cội. Tác phẩm là đứa con của mình. Nhìn đứa con, mình thấy bóng dáng của mình, cái tôi của mình nhiều hơn, mình thương nó nhiều hơn. Hiếm có người coi nặng cha mẹ hơn là con cái. 

Tôi nhìn đa phần người Việt ở hải ngoại sợ người già lắm. Trái lại, con hư cỡ nào cũng hầu nó. Số người Việt Nam ở hải ngoại dành thời gian cho cha mẹ không có nhiều. Nếu ngẫu nhiên đến nhà Phật tử nào có ông nội bà nội trên 80, tôi vui lắm vì ít nhất họ chịu nuôi người già, họ chấp nhận được người già. Tôi chỉ muốn nói ngắn thôi về chữ Tri Ơn. Mình cảm ơn người đã tạo ra hình hài sắc vóc này để giới thiệu mình vào cuộc đời.

Tam Bảo chỉ cho mình nguồn sáng để mình sống tốt đẹp hơn. Không phải mình chỉ sống cho mình, mà còn sống cho người xung quanh, cho xã hội, dân chúng, đồng bào, dân tộc, đất nước, châu lục, và cả hành tinh. Chúng ta sống có trách nhiệm. Nếu các thế hệ tiền nhân trước chúng ta không để lại một cái gì đẹp thì hôm nay liệu có được những gì chúng ta hưởng hay không? Cho nên một con đường sạch, một ghế đá công viên đẹp cũng là cái ơn của người khác, nói gì là cái hình hài mấy chục ký lô này của cha mẹ để lại, nói gì là cái nguồn sáng mà Tam Bảo đã đem lại cho mình?

Tôi nhắc lại một lần nữa, trên tất cả các loài động vật, chỉ có con người mới có tấm lòng tri ơn. Tôi biết sẽ có nhiều người không đồng ý. Các vị sẽ kể cho tôi nghe các vị có nuôi một con chó rất ngoan. Tôi xin thưa đó chỉ là bản năng của nó thôi.

Tôi cũng nói thật chuyện đau lòng này. Cái máu vong  ơn của chúng ta nó cuồn cuộn chảy mạnh lắm, các vị có biết không? Tôi ví dụ chắc quý vị tin. Khi tôi nuôi các vị, hầu hạ như bà nội của tôi.  Mỗi ngày tôi cho các vị 10 ngàn đô la đi shopping, cho ăn yến. Xong đem về đi lấy nước ấm cho các vị ngâm chân. Thỉnh thoảng, tôi còn làm nail cho các vị nữa. Hầu suốt 10 năm như vậy. Các vị ăn cái gì tôi cũng mua. Đi máy bay lúc nào cũng business. Sau 10 năm, thình lình tôi đổi qua đối tượng khác, tôi không lo cho các vị nữa. Lúc đó, các vị chỉ có giận thôi. Các vị quên sạch, 10 năm qua, tôi đã hầu các vị như thế nào.

Tin tôi đi. Cái chuyện đó có thật. Tin tôi đi. Suốt 10 năm trời tôi hầu các vị như thế nào. Đến năm thứ 11, tôi không hầu nữa, tôi chuyển qua người khác. Điều đó cho thấy cái máu vong ơn của mình nó lớn ghê lắm.

Mình rất dễ giận cha mẹ. Cha mẹ khổ với mình một đời, nhưng mình cứ canh me cha mẹ có một cái gì đó là mình sầu liềng (?) mấy chục năm ở nghĩa. Tin tôi đi.  Mình rất dễ quên ơn cha mẹ, về với con của mình. Mình có khuynh hướng coi trọng tác phẩm hơn nguồn cội.

Hôm nay, trong ngày Vu Lan này, tôi muốn nhắc lại một chuyện thôi.  Hãy sống với người một chút, có lòng tri ơn một chút. Trong Kinh có câu này: Người hiền trí trú nắng dưới một gốc cây, khi ra đi không nỡ bẻ cái cành đã che nắng mình hồi nãy. Người Việt Nam có câu "ăn trái nhớ kẻ trồng cây".  Về phần mình, thêm một câu "ăn cây nào, mình 'bào' cây nấy". Lẽ ra là phải "rào" nghen.

Vu Lan chỉ có một chữ mà tôi cho là rất quan trọng.  Đó là chữ Tri Ơn. Trong Kinh, Đức Phật dạy: 

Này các Tỳ Kheo, có 3 hạng người rất khó tìm thấy trong cuộc đời này:

1/  Một là Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, một con người có ba đặc biệt sau đây: Đức Phật là người mà ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có, và cái gì Ngài cũng biết. Người như vậy được coi là hiếm có ở trên đời.

2/ Người thứ hai là hạng người có thể thuyết giảng Giáo Pháp của chư Phật một cách chính xác và bằng thiện tâm thiện chí. Đó là hạng người khó tìm thứ hai.

3/ Hạng thứ ba các vị nghe rất khó tìm, nhưng đó là sự thật.  Đó là hạng người biết tri ơn. Hồi nhỏ, tôi đọc, tôi khó chịu lắm: Phật khó tìm, đúng rồi; người có khả năng thuyết giảng đúng Chánh Pháp đúng với lời Phật, lại thuyết giảng bằng thiện tâm thiện chí, cứ cho là hiếm đi; nhưng cái hạng thứ ba, sao mà hiếm được? Cái người có lòng tri ơn sao mà hiếm được? 

Bây giờ, tôi già rồi, tôi thấm. Có bao nhiêu thăng trầm dâu biển trong đời sống, tôi thấy một điều: Cái máu vong ơn của mình nó cuồn cuộn chảy. Tôi nói thật câu này, các vị nổi điên lên: Trước mặt tôi toàn là người có khả năng vong ơn nhiều hơn là người có khả năng tri ơn. Các vị rất dễ phủi tay. Tôi tốt với các vị bằng trời. Tôi tốt 10 năm. Tôi chỉ làm phiền các vị một buổi sáng thôi, 10 năm đi vào sương khói.

Đây là lý do vì đâu mà chúng ta có một ngày để nghĩ đến cha mẹ, cái ngày mang tính cách simple thôi. Lẽ ra, mang ơn thì suốt cuộc đời. Người ta giúp mình một lần thôi. Người ta sponsor cho mình buổi đầu khi mình mới đặt chân lên nước Mỹ mà mình còn phải nhớ cả đời, nói gì là cha mẹ?

Mang ơn là phải trả ơn. Trả ơn bằng cách nào? Trong Kính nói ngắn gọn.

Nếu bố mẹ còn sống, phải tận lực khả năng phungy dưỡng vật chất, hỗ trợ tinh thần.

1/ Phụng dưỡng vật chất là sao? Bố mẹ cần thức ăn, thuốc men, áo quần, đi lại, giải trí, giúp được thì giúp, tùy khả năng.

2/ Về tinh thần, tránh cho bố mẹ phải tủi thân, phải đau lòng, phải xấu hổ, phải mất mặt. Giúp cha mẹ được hãnh diện, được vui, được an lạc.

Khi bố mẹ đã mất,  chúng ta chỉ làm một việc thôi. Đó là làm công đức hồi hướng.

Và tôi cũng mong rằng mấy cái vong trong Tháp đó, nghe tôi nói hãy ráng phù hộ cho tôi. Đó là người Phật tử thứ thật, không đợi đúng ngày mới làm lễ cúng cha mẹ mà bất cứ lúc nào nhớ đến cha mẹ thì lập tức tìm một việc làm nào đó để hồi hướng cho cha mẹ.

Ví dụ như mấy cái chùa Tích Lan, Miến điện, Việt Nam, Lào hay cái chùa trong khu vực, có chùa nào cần cái gì mình giúp, rồi hồi hướng cho bố mẹ. Hoặc bí quá, buổi sáng chạy ngang chùa thắp hương, cúng một bó hoa hồi hướng cho má cho ba, không cần có ngày giờ gì hết.

Các vị tướng tượng tôi nói thế này. Người ở tù mong mình đi thăm dữ lắm.  Người trong bệnh viện mong mình đi thăm dữ lắm.

Nếu các vị nằm trong bệnh viện, mà tôi đợi đúng ngày 8 tháng 3, tôi mới đi thăm, các vị nghĩ sao? Vì cái ngày đó là cái ngày các vị nhập viện, nên tôi canh đúng ngày đó tôi đi thăm, các vị có nổi sùng không?

Thăm tù thăm bệnh đều như vậy hết. Thăm được lúc nào thì thăm. Thăm càng nhiều càng tốt. Người thân mình cũng vậy. Họ tắt thở rồi, đi về một cảnh giới nào theo cái nghiệp của họ. Tùy nhiên, về phía mình, dầu không biết họ đi về đâu, nhưng bất cứ lúc nào thấy họ thì nên làm phước hồi hướng. Và cái công đức hồi hướng ấy không nhất thiết phải là buổi trai tăng ghê gớm, đình đám, mà chỉ cần một bình hoa cúng Phật, một bó hương, một mâm trái, một túi thức ăn cúng dường là được rồi.

Tôi nghĩ rằng mấy cái vong nghe được mừng lắm vì kể từ đây bà con không cần phải đợi đúng ngày. Có người phải nằm chiêm bao thấy má mới cúng. Bữa nào lâu quá không thấy má, tưởng má đi xa rồi, khỏi cúng.

Không phải lúc nào má cũng có thể cho mình thấy đâu. Không cần phải đợi đúng ngày mới cúng cho má, mới hồi hướng cho má. Cũng không phải đợi má về mới cúng.  

Cái này mới bậy nè.

Tàu có câu: Nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mầm (?). Ngày nghĩ cái gì, đêm thấy cái đó.  Mình là người Việt, chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu. Cái vụ vàng mã.  Tối nằm mơ thấy má về nói lạnh lắm.  Thế là cái chuyện đầu tiên là dậy đi mua áo quần bằng giấy về đốt cho má. Mình là Phật tử, mình không có như vậy. Nghe. 

Ngày Vu Lan chính là ngày Tri Ơn. Đã là tri ơn thì có nhiều đối tượng trong đó. Cha mẹ và Đức Phật chỉ nổi bật vậy thôi.

Xin chúc đại chúng một mùa Vu Lan an lạc. 

(Hết)
Reply
Sư Toại Khanh nhắc nhở cách trả ơn Cha Mẹ 

(Theo pots 932 trên, Sư nhắn nhủ chúng ta cách trả ơn cha mẹ.)

Mang ơn là phải trả ơn. Trả ơn bằng cách nào? Trong Kính nói ngắn gọn.

Nếu bố mẹ còn sống, phải tận lực khả năng phụng dưỡng vật chất, hỗ trợ tinh thần.

1/ Phụng dưỡng vật chất là sao? Bố mẹ cần thức ăn, thuốc men, áo quần, đi lại, giải trí, giúp được thì giúp, tùy khả năng.

2/ Về tinh thần, tránh cho bố mẹ phải tủi thân, phải đau lòng, phải xấu hổ, phải mất mặt. Giúp cha mẹ được hãnh diện, được vui, được an lạc.

Khi bố mẹ đã mất,  chúng ta chỉ làm một việc thôi. Đó là làm công đức hồi hướng.

Và tôi cũng mong rằng mấy cái vong trong Tháp đó, nghe tôi nói hãy ráng phù hộ cho tôi. Đó là người Phật tử thứ thật, không đợi đúng ngày mới làm lễ cúng cha mẹ mà bất cứ lúc nào nhớ đến cha mẹ thì lập tức tìm một việc làm nào đó để hồi hướng cho cha mẹ.

Ví dụ như mấy cái chùa Tích Lan, Miến điện, Việt Nam, Lào hay cái chùa trong khu vực, có chùa nào cần cái gì mình giúp, rồi hồi hướng cho bố mẹ. Hoặc bí quá, buổi sáng chạy ngang chùa thắp hương, cúng một bó hoa hồi hướng cho má cho ba, không cần có ngày giờ gì hết.

Các vị tướng tượng tôi nói thế này. Người ở tù mong mình đi thăm dữ lắm.  Người trong bệnh viện mong mình đi thăm dữ lắm.

Nếu các vị nằm trong bệnh viện, mà tôi đợi đúng ngày 8 tháng 3, tôi mới đi thăm, các vị nghĩ sao? Vì cái ngày đó là cái ngày các vị nhập viện, nên tôi canh đúng ngày đó tôi đi thăm, các vị có nổi sùng không?

Thăm tù thăm bệnh đều như vậy hết. Thăm được lúc nào thì thăm. Thăm càng nhiều càng tốt. Người thân mình cũng vậy. Họ tắt thở rồi, đi về một cảnh giới nào theo cái nghiệp của họ. Tùy nhiên, về phía mình, dầu không biết họ đi về đâu, nhưng bất cứ lúc nào thấy họ thì nên làm phước hồi hướng. Và cái công đức hồi hướng ấy không nhất thiết phải là buổi trai tăng ghê gớm, đình đám, mà chỉ cần một bình hoa cúng Phật, một bó hương, một mâm trái, một túi thức ăn cúng dường là được rồi.

Tôi nghĩ rằng mấy cái vong nghe được mừng lắm vì kể từ đây bà con không cần phải đợi đúng ngày. Có người phải nằm chiêm bao thấy má mới cúng. Bữa nào lâu quá không thấy má, tưởng má đi xa rồi, khỏi cúng.

Không phải lúc nào má cũng có thể cho mình thấy đâu. Không cần phải đợi đúng ngày mới cúng cho má, mới hồi hướng cho má. Cũng không phải đợi má về mới cúng.  

Cái này mới bậy nè.

Tàu có câu: Nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mầm (?). Ngày nghĩ cái gì, đêm thấy cái đó.  Mình là người Việt, chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu. Cái vụ vàng mã.  Tối nằm mơ thấy má về nói lạnh lắm.  Thế là cái chuyện đầu tiên là dậy đi mua áo quần bằng giấy về đốt cho má. 

Mình là Phật tử, mình không có như vậy. Nghe. 
Reply
Vấn đáp Phật pháp ngày 30/09/2022 | sư Hạnh Tuệ




Các câu hỏi:

Thức ăn của chúng sanh vào thời điểm tuổi thọ chỉ còn 10 tuổi ? (6:35): một loại ngũ cốc, tạm gọi là hạt cỏ dại . Lúc này chúng sanh rất thiếu phước .

Phật giáo có phải là triết học? (9:10): Sau đây là quan điểm của sư Hạnh Tuệ .
1/ Đạo Phật là một triết học?: Các triết gia định nghĩa và suy tư tìm lời giải cho những hiện tượng xã hội . Trong khi đó, Đức Thế Tôn đã có lời giải và hướng dẫn mọi người phương pháp thực hành để đoạn tận những vấn đề trong cuộc sống (tham sân si), không lý luận suông .  Như vậy, Phật pháp không phải là một nhánh của triết học .
2/ Đạo Phật là một tôn giáo?: Tôn giáo liên quan đến thờ cúng, nhưng đạo Phật không chủ trương thờ cúng .  Đạo Phật dạy những ai tin theo lời giải của một vị đã tìm ra lời giải của tất cả các vấn đề thuộc thế gian này và thực hành để giải quyết tất cả các vấn đề của chính mình . Qua các giải quyết các vấn đề của chính mình, ta giải quyết các vấn đề của thế gian .

Chúa có tái sanh? (19:04): Nói một cách tổng quát, khi một chúng sanh còn tham sân si, khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh trong Tam Giới . Sư chỉ nói theo Kinh Tạng Nguyên Thuỷ mà thôi .  Sư không bàn đến nhân sinh quan của các tôn giáo khác .

Vì sao đàn ông ít quan tâm Phật pháp? (22:25): Theo thống kê, số lượng Tăng nhiều hơn số lượng Ni . Phụ nữ có tin nhưng không sâu. Đàn ông ít tin,nhưng tin thì rất sâu. Nên người đi tu nhiều lại là đàn ông,và họ là người đắc đạo nhiều hơn.

Chúng sanh có ba loại: nặng về niềm tin, nặng về trí tuệ, và nặng về tinh tấn . Phật tử Việt Nam nặng về niềm tin . Khi nói đến niềm tin, chúng ta sẽ thấy nhiều chương trình thiên về cúng kiếng, lễ hội, lễ bái .  Trái lại, khi nói đến trí tuệ, chúng ta sẽ chú trọng về hành thiền . Người nam thiên về trí tuệ nhiều hơn (thiện nam), người nữ thiên về niềm tin nhiều hơn (tín nữ). Phật giáo Việt nam thiên về niềm tin nên hợp với phụ nữ .

Đức Phật có dự đoán về thời đại ngày nay? (35:07): Rất nhiều .  Sư đề nghị chúng ta tìm đọc "những điềm mộng của vua Pasanadi (Ba tư nặc)" (43:44)

Nên phân biệt Nam tông hay Bắc tông để cúng dường? (44:23): Hai cực đoan không nên tuân thủ: 1/ chỉ cúng dường các sư Nam tông hay Bắc tông tuỳ theo tông phái mình đang theo học . 2/ Tông phái nào tôi cũng cúng dường hết .

Chúng ta nên xét xem vị đó có chánh kiến (học, hành và nói đúng theo lời dạy của Đức Thế Tôn) hay không . Phân biệt vị đó có chánh kiến hay không quan trọng hơn là vị đó đang đắp cái y màu gì, thuộc tông phái nào . Vì thế, chúng ta cần học đạo (học đúng thầy và đúng theo lời Đức Phật dạy) vì có học đạo mới biết vị nào có chánh kiến, vị nào không . Hơn nữa, có học đạo mới biết Tứ Chánh Cần - cái gì nên / không nên làm, cái gì cần / không cần diệt trừ, cái gì cần / không cần ngăn chặn .

An tâm cho người thân trong gia đình (52:30): Trước hết, nên đưa người cha đi khám bệnh (thân và tâm) cho đúng .

Hiện tượng tâm bất an, hay nôn nóng là biểu hiện thiếu sự hộ trì của Giới .  Như vậy, điều đầu tiên là xét xem có giữ 5 giới hay không . Nếu người cha còn tỉnh, nên tạo điều kiện để xin thọ trì ngũ giới trở lại, cũng như giúp đỡ ba của mình giữ giới .

(Vấn đề là chúng ta không coi trọng năng lực của "đứt Giới" như năng lực của "căn bệnh ung thư". Căn bệnh ung thư không có khả năng đưa chúng ta đến khổ cảnh, nhưng khi Giới bị đứt, chúng ta đi thẳng xuống Địa Ngục . Đáng tiếc là chúng sanh thời nay ít quan tâm về Giới.)

Ngoài ra, chúng ta có thể dẫn người cha: 

  1. làm phước (bố thí) vì phước bố thí có thể giúp nghiệp rất nhiều,
  2. làm công quả ở chùa, nhờ phước của Tam Bảo,
  3. khuyên học giáo lý với vị sư hợp với người cha,
  4. tham dự khoá thiền vì thiền rèn luyện tâm .
Gặp Phật pháp thì chắc chắn đắc đạo quả? (1:04:42): Theo bài giảng của Sư Khánh Hỷ:

https://www.youtube.com/watch?v=9zZ94RbCQ2w (25:50): 

"Khi gặp Phật Pháp trong kiếp này, cho đến khi gặp Phật Di Lặc chắc chắn sẽ giác ngộ đạo quả ." 

Kinh nào nói vậy ?

Sư Khánh Hỷ dạy theo Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ: Nhờ quá khứ từng gieo duyên Phật Pháp (cúng dường / đảnh lễ Đức Thế Tôn) nên được sanh vào cõi Trời / Người đến Đức Phật hiện tại, xuất gia và chứng đắc đạo quả . 

Tuy nhiên, chúng ta nên tránh lấy mẫu không khách quan vì chúng ta không xét đến những trường hợp gieo duyên với Đức Thế Tôn nhưng vẫn không chứng đắc đạo quả. Những trường hợp này không được kể trong kinh . Không phải ai tu thiền, làm phước, học giáo lý, có gieo duyên với Tam Bảo là yên chí lớn . 

Sư Hạnh Tuệ khyên mình phải ráng nỗ lực thực hành . Vấn đề là chúng ta không biết cái phước mình làm đã đủ hay chưa, Ba la mật thiếu đủ ra sao (1:08:55).  Cho nên, điều tốt nhất là tiếp tục vun bồi .

Q: Tại sao không hỏi thẳng Sư Khánh Hỷ ?

Giữ tâm trong công việc (1:11:20): Giúp đỡ người khác là đang tạo phước thì mình có phước . Giúp càng nhiều thì phước càng nhiều . Người ta càng lợi dụng mình có nghĩa là người ta càng cho mình phước .

Giữ giới rất quan trọng .  Cho dù chúng ta đang ở trong tối hay ánh sáng, hãy luôn luôn đi vào ánh sáng . Cho dù đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi, chúng ta không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tà dâm, uống rượu hoặc hại người .

Có cách nào để biết kiếp đầu tiên? (1:22:20): Muốn biết câu trả lời, hãy thực hành Bát Chánh Đạo . Khi loại bỏ được Tham Sân Si, kiến thức khác sẽ có dịp phát triển và cho câu trả lời .

Tìm kinh “ví dụ về phân bò” (1:28:03): Có 2 bài kinh, Ngài Minh Châu chỉ dịch là "phân", nhưng trong Milanda Vấn Đạo được dịch là "phân bò".

  1. Minh Châu dịch - Kinh Tăng Chi, Chương Một Pháp, 16. Phẩm Một Pháp:
  2. Chánh Thân dịch - Milanda Vấn Đạo:
https://tamtangpaliviet.net/VHoc/45/Mil_04.htm#03

10. CÂU HỎI VỀ SỰ NHẬN THỨC ĐỐI VỚI NĂNG LỰC CỦA THẦN THÔNG
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, cũng như phân bò dầu chỉ chút ít cũng có mùi thối, này các tỳ khưu, tương tợ y như thế Ta không ca ngợi về sự hiện hữu dầu chỉ chút ít, thậm chí chỉ là thời gian của một khảy móng tay.’ Tâu đại vương, sau khi xem tất cả các hữu, các cảnh giới, và các nguồn đưa đến tái sanh là tương đương với phân bò, phải chăng đức Thế Tôn còn thể hiện sự ước muốn và tham đắm ở các hữu thông qua năng lực của thần thông?”
Reply
Trích "Tạp Ghi", post #1292, p 87.

TÙY DUYÊN 

Hỏi: Câu “mọi sự tùy duyên” phải hiểu thế nào cho đúng Chánh pháp?

Đáp:
Câu đó rất nhiều người hiểu lầm, và từ đó nó dẫn đến chuyện dùng sai chỗ. Từ hiểu lầm dẫn đến chuyện dùng sai chỗ.

Tùy duyên đây có nghĩa là như thế này.

Cái đáng ngại nhất là chúng ta sống theo lối mòn, nghe kịp không? Sống theo lối mòn. Ví dụ: phải như vậy, phải như vậy thì tôi mới vừa lòng, không được như vậy thì tôi không vừa lòng, không được như vậy thì tôi sẽ không hành động, thì cái đó không nên. 

Quan trọng nhất: Đời sống, hành động của người Phật tử, tăng ni, gọi chung là con Phật, Phật tử, cái quan trọng nhất là mình nhắm tới:

1. Cứu cánh (Diệt Khổ)
2. Đường hướng (Con đường Bát Chánh Đạo).

Trên con đường đó có bao nhiêu chuyện bất trắc thì mình theo đó mà giải quyết. Đó gọi là tùy duyên. 

Không phải tùy duyên là mình muốn làm gì thì làm, rồi mình nói “tại vì tôi tùy duyên”.

Duyên đây có nghĩa là: Lúc nào trong đời sống và hành động có cứu cánh hướng đến & phải có đường hướng để đi, trong lúc nhắm đến cứu cánh và trong lúc đặt bước trên đường hành trì thì mình phải biết co giãn.

Thí dụ như, lẽ ra chương trình hồi đầu mình tính là mình đi 18, nhóm mình tu 18 người và sẽ che lều bạt, chỗ ăn chỗ ở như vậy đó. Nhưng giờ cuối con số nó không phải 18 mà nó ít hơn 18 hoặc nhiều hơn 18 vẫn ok. Đó gọi là tùy duyên. 

Rồi hồi đầu mình tính nấu cơm, làm bánh mì, giờ cuối chỉ có mì gói mình cũng ok. Hồi đầu mình tính uống nước chai, nước suối mà giờ cuối phải lấy nước bên đường để lọc uống một cách dã chiến cũng ok.

Nhưng quan trọng nhất là: 
  1. Đích đến của mình là gì, và 
  2. hành trình mình đường hướng ra sao. 
Vẫn giữ nguyên. 

Tùy duyên mà bất biến. 

Đó, thì trường hợp đó là tùy duyên hiểu đúng tinh thần Phật giáo.

Mình lạm dụng chữ “tùy duyên”. Mình đi chùa mà mình giờ cuối, cái ý nghĩa, cái cứu cánh, cái tinh thần, đường hướng mình không giữ nguyên rồi mình đổ thừa “tùy duyên”, kinh nói “tùy duyên”. Cái đó sai.

Lúc nào cũng phải nhớ: Cứu cánh & Đường hướng phải kiên định. Nhớ nha. Cứu cánh & Đường hướng phải kiên định. 

Còn những xoay xở trên đường mình phải tùy hoàn cảnh mà tính thì cái đó được gọi là Tùy Duyên mà Đúng Pháp, tùy duyên một cách đúng pháp. Hiểu không? 

Tức là cô vẫn bảo đảm là cứu cánh và đường hướng của cô nó đúng như đã vạch, còn bao nhiêu cái thay đổi ngoài ra là tùy duyên, linh động, flexible.

Rồi. Xong.

Trích pháp đàm Sư Toại Khanh 09/10/2022
Reply
Cái Bàn Cũ

[Image: 7giacchi_bw.jpg]


https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=202001020758&lan=vn

Hỷ giác chi là niềm vui sống đạo. 

Đối với người phàm thì phải có niềm vui đó mới có thể đi tới. Đồng thời niềm vui đó là kết quả đương nhiên, tự nhiên, cố nhiên, mặc nhiên, hiển nhiên của người thành tựu được các Giác chi khác. Khi mình có được 6 Giác chi kia thì mình tự nhiên có Giác chi thứ 4 này.

Nói cho tới nơi tới chốn thì chúng ta phải nhắc đến khía cạnh này: Hạnh phúc nó đến từ 2 nguồn. 
  1. Nguồn 1 đến từ đời sống tội lỗi, từ sự hưởng thụ, từ việc mà mình sở hữu được cái gì đó, mình có cái gì đó, mình cầm cái gì đó. 
  2. Nguồn 2 đến từ việc mình buông bỏ cái gì đó, mình không có cái gì đó. 
Đối với người tu tập đạo giải thoát, niềm vui của họ đến từ chuyện buông bỏ. Họ mất để họ bỏ đi được nhiều thứ. Chính vì sự buông bỏ đó làm cho người ta được an lạc. Tôi nói rất là nhiều lần, mình cầm được trên tay cái món mà mình thích mình thấy hạnh phúc là đúng rồi, mình vác lên vai cái món mà mình thích cũng là một thứ hạnh phúc, cái đó đương nhiên ai cũng thấy rồi. Nhưng mà bây giờ mình buông ra cái món đồ mà mình đã cầm mỏi tay thì nó cũng là một thứ hạnh phúc.

Tôi nhớ có một lần đó tôi đi cái tiệm đồ cũ bên Thụy Sĩ tôi mua được cái bàn. Các vị biết tôi đi xe lửa với xe bus mà cái bàn nó cũng gọn gọn, xếp được. Nhưng mà nó hơi nặng, cái sườn nó bằng sắt. Lúc đó tuyết đổ dầy mà tôi phải ràng cái bàn vô chiếc xe kéo, xe mà người Thụy Sĩ đi chợ. Gặp được cái bàn đó quá vừa ý mình thích, mình kéo, nó nặng thiệt nhưng mà mình thích, mình thấy hôm nay mình có được cái bàn mình thích. Nhưng mà kéo lên dốc được một khoảng tôi mới thấm thía tương chao. Nghĩa là nó mỏi quá đi. Về được đứng trước mái hiên của nhà, tôi buông nó ra, nó khỏe làm sao vậy đó, khỏe lắm. Về tới nhà rồi thì bây giờ tôi thích thì đem vô còn không để đại ngoài mái hiên cũng được; miễn là tôi không còn phải gồng gánh cưu mang nó nữa.

Như vậy mình thấy Hạnh phúc có từ 2 nguồn. Nguồn 1 đến từ chuyện mình có cái gì đó. Lúc tôi thấy cái bàn đó tôi thích lắm, đó là một thứ hạnh phúc. Tôi mua với giá rẻ tôi rất là hạnh phúc. Tôi ràng vô chiếc xe kéo tôi kéo nó đi, kéo món đồ mà mình thích cũng rất là hạnh phúc. Nhưng mà lúc buông nó ra được tôi rất là hạnh phúc, tôi vô cùng hạnh phúc là vì nó mỏi. Bây giờ tôi kể lại mà tôi còn thấy ớn. Trời tuyết đổ như vậy mà tôi đổ mồ hôi các vị biết không. Nó nặng đó. Tuy nó không có nhiều, chỉ tầm 10 ký thôi, nhưng mình kéo lên dốc nó nặng lắm tại vì phải kéo luôn cả chiếc xe nữa mà chiếc xe nó lún trong tuyết nó nặng lắm.

Cho nên cái Hỷ giác chi trong đạo Phật nó hay ở cái chỗ là cái niềm vui của người sống đạo và niềm vui ấy nó đến từ chuyện là mình đã buông bỏ được 2 thứ. 
  1. Buông được cái mình thích và 
  2. buông được cái mình ghét. 
Người mà sống thiền cho đúng thì hạn chế tối đa cái thích và cái ghét. Bao nhiêu khổ nạn trầm luân, bao nhiêu máu lệ sanh tử thảy đều đi ra từ 2 thứ này. Đó là đi ra từ cái thích và cái ghét. 
  1. Do thích mà phải đi kiếm tìm, kiếm tìm là một hành trình. Có rồi phải bảo trì, đó là cái hành trình. Giữ không được nó lại đau khổ, lại là cái hành trình khác. Đó là đối với cái thích. 
  2. Còn đối với cái ghét thì đơn giản rồi. Mình tránh không được là mình khổ, mình né không được là khổ. 
Còn đối với cái thích thì cái khổ nó đến từ nhiều giai đoạn: kiếm tìm là khổ, ra sức bảo trì là khổ, bảo trì không được, giữ không được trong tay nữa cũng là khổ.

[Image: tablesnow.jpg]
Bây giờ đối với một người tu hành lìa bỏ được 
  1. Dục triền cái và 
  2. Sân triền cái 
thì khi mà bỏ được 2 cái đó tự nhiên nó nhẹ. 

Ngày nào trong đời của mình, trong tâm tư của mình mà không có bóng dáng nào để mình thương nhớ cũng không có bóng dáng nào để mình bực bội thì đó là Hạnh phúc. Hạnh phúc ghê lắm. 

Hỷ giác chi đến từ chuyện anh không có cái gì để anh lo hết. 
  1. Anh chỉ biết sống có chánh niệm thôi, 
  2. anh chỉ biết có thiền định thôi, 
  3. anh chỉ biết có trí tuệ thôi. 
Ba cái này (Niệm, Định, Tuệ) đều có một nội dung giống nhau; đó là sự buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ cái mình thích và cái mình ghét.

Niềm vui sống đạo là một điều kiện tâm lý rất quan trọng cho chuyện tu tập.

Trích bài giảng KTC.7.25 Tưởng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Cổ hay Cũ | | Trốn Khổ Tìm Vui
Địa Ngục | | Đau Đớn và Khổ Thọ
Reply
Niệm chết
Maranasati (Mindfulness on Death)


Cái chết gần gũi với ta ngay trong hơi thở.
-- Ajahn Chah


[Image: niem-chet.jpg]

ANUSSATI - Tùy niệm, niệm, quán niệm, quán tưởng
Recollection, meditation, contemplation

1) Niệm Phật (Buddhānussati)
2) Niệm Pháp (Dhammānussati)
3) Niệm Tăng (Sanghānussati)
4) Niệm Giới (Sīlānussati)
5) Niệm Thí (Cāgānussati)
6) Niệm Thiên (Devatānussati)
7) Niệm Chết (Maranasati)
8) Niệm Thân (Kāyagatāsati)
9) Niệm Hơi thở (Ānāpānasati)
10) Niệm An tịnh (Upasamānussati)

Tăng chi, phẩm Một Pháp (AN 1:296-305):

– Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

"Chết là chắc chắn, điều không chắc chắn là không biết chết lúc nào và chết bằng cách nào" (Vô danh)

Tóm tắt lời Phật dạy về niệm chết:
Niệm chết nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Hãy tu tập niệm chết như sau: – “Mong rằng trong khoảng thời gian ngắn như nhai và nuốt một muỗng thức ăn, hay trong khoảng thời gian ngắn như khi thở vào thở ra, tôi vẫn chú tâm đến lời dạy của Thế Tôn.” Như vậy là sống không phóng dật, tu tập sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. (AN 6:19)

Khi ngày vừa tàn và đêm bắt đầu, hãy suy tư: – “Ta có thể chết trong đêm nay vì nhiều lý do. Do vậy, ta phải nỗ lực đoạn tận các pháp bất thiện, và hoan hỷ học tập trong các pháp thiện.” Khi đêm vừa tàn và ngày bắt đầu, hãy suy tư: – “Ta có thể chết trong ngày hôm nay vì nhiều lý do. Do vậy, ta phải nỗ lực đoạn tận các pháp bất thiện, và hoan hỷ học tập trong các pháp thiện.” Niệm chết nếu được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. (AN 6:20)

Niệm Chết (1) (AN 6:19)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ-khưu: "Này các Tỳ-khưu"

"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

“Niệm chết, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỳ-khưu, các Thầy hãy tu tập niệm chết.”

(1) Ðược nói vậy, một Tỳ-khưu bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

(2) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

(3) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

(4) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

(5) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

(6) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

- Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu ấy:

- Này các Tỳ-khưu, (1) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (2) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (3) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (4) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Những Tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống phóng dật, tu tập niệm chết không sắc sảo để đoạn diệt các lậu hoặc.

Nhưng này các Tỳ-khưu, (5) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". (6) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Những Tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

Do vậy, này các Tỳ-khưu, các Thầy cần phải tu học như sau: “Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.” Như vậy, này các Tỳ-khưu, các Thầy cần phải học tập.

Niệm Chết (2) (AN 6:20)

Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỳ-khưu:

- Niệm chết, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống. (3) Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay (4) mật có thể khuấy động ta, (5) đàm có thể khuấy động ta. (6) Các cơn gió sắc như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.”

Tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Nếu Tỳ-khưu trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thì Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác.

Nếu Tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống. (3) Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay (4) mật có thể khuấy động ta, (5) đàm có thể khuấy động ta. (6) Các cơn gió sắc như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.”

Tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Nếu Tỳ-khưu trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thì Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác.

Nếu Tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỳ-khưu, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thì được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.

[Image: niemchet-tomtat.jpg]

Niệm Chết
Thanh Tịnh Đạo, Chương VIII, Luận sư Buddhaghosa


Tập niệm chết thường xuyên, như hướng dẫn trong cuốn Thanh Tịnh Đạo.Tóm lược:

Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: "Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn", hay: "Chết, chết".... Hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý: "Cái chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn". Làm như vậy, vi ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền, đạt đến cận hành định.

Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau: (1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân, (2) Sự thành công bị phá sản, (3) So sánh, (4) Thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh, (5) Mạng sống mong manh, (6) Vô tướng, (7) Sự giới hạn của đời người, (8) Sự ngắn ngủi của sát na.

(1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân: Vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống. Cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết "như dạng một kẻ sát nhân".

(2) Như sự thành công bị phá sản: Tưởng đến cái chết như "như sự phá sản mọi sự nghiệp", bằng cách xem cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời -- kể cả sức khỏe, tuổi trẻ.

(3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác: Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật. Tất cả đều phải chết.

(Riêng đối với cá nhân tôi, mỗi khi đi dự đám tang hay được thông báo có người qua đời, tôi đến đó, lặng lẻ ngắm nhìn người chết, suy tư rằng rồi một ngày nào đó, không sớm thì muộn, mình cũng như thế nầy ...)

(4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào để sinh sống. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với  sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bệnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v...

(5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hoà, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hoà. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hoà. Nhưng với sự rối loạn của một đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết.

Và sự sống cũng chỉ xảy ra nơi một người được thực phẩm đúng thời, nếu không được ăn, thì hết sống.

(6) Vô tướng (signless): nghĩa là không thể xác định (indefinable), không thể đoán trước được (unpredictable).

Thọ mạng không có tướng, vì không thể định đoạt những điều sau: phải sống chừng ấy thời gian, không nhiều hơn.

Bệnh không có tướng, vì không thể định như sau: các hữu tình chỉ chết vì bệnh này, không chết vì bệnh nào khác. Chúng sinh thường chết vì đủ thứ bệnh.

Thời gian không có tướng, vì không thể định đoạt rằng ta phải chết vào lúc này, không vào lúc nào khác. Vì các hữu tình có thể chết bất cứ vào thời khoảng nào, sáng trưa chiều tối.

Nơi chốn thân xác sẽ được đặt xuống cũng không có tướng, bởi vì không thể định rằng, khi người ta chết, chúng phải để thây của chúng nằm xuống tại chỗ này, không chỗ nào khác. Vì người sinh trong làng có thể chết để thây ở ngoài làng, người sinh ngoài làng, có thể chết để thây trong làng. Cũng thế, có kẻ sinh ra trên nước mà chết để thây trên đất, có kẻ sinh ra trên đất, chết để thân trên nước. Tương tự nhiều cách.

Số phận cũng không tướng, vì không thể định rằng một kẻ chết chỗ kia phải tái sinh tại chỗ này. Vì có người chết từ thiên giới mà tái sinh ở cõi người, có người chết ở nhân gian mà tái sinh ở cõi trời v.v... Và với cách ấy thế giới xoay vần, chúng sinh xoay chuyển trong năm sanh thú (cõi) như con bò được gắn vào một cái máy.

(7) Giới hạn của đời người: Cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi.

Do đó đức Thế tôn nói: "Này các tỳ-khưu, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm".

"Và này các tỳ-khưu, khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Ðây gọi là những tỳ-khưu trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc".

Cuộc đời quả thật ngắn ngủi đến độ không chắc nó có kéo dài trong khoảng kịp nhai nuốt bốn hay năm miếng. Đây là niệm chết bằng cách tưởng đến thời khắc ngắn ngủi.

(8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sinh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai".

Kết luận:

Một tỳ-khưu niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn. Vị ấy được sự không tham luyến đối với bất cứ loại hiện hữu nào. Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống. Vị ấy thống trách ác pháp và tránh tích trữ nhiều. Vị ấy không bị cấu uế của lòng tham bốn vật dụng. Vô thường tưởng dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã. Trong khi những chúng sinh chưa tu tập, tư tưởng thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, kẻ cướp hay sát nhân sấn tời, thì người tu tập niệm chết ngược lại, chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, vô uý, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như trên. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung.


[Image: niem-chet-larry-rosenberg.jpg]acer one 10 keyboard problem

9 điều quán tưởng về Chết
Larry Rosenberg
Barre Center for Buddhist Studies


a) Thinking of the inevitability of death;
b) Thinking about the uncertainty of when you will die;
c) Thinking about how nothing can help when you die, except the practice of Dharma.

THE INEVITABILITY OF DEATH - CHẾT KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC

1) Everyone has to die - Mọi người đều phải chết

2) Our life span is decreasing continuously - Tuổi thọ của ta ngày càng ngắn lại

3) Death will come regardless of whether or not we have made the time to practice Dharma - Cái chết sẽ đến cho dù ta có hay không có thực hành Phật Pháp

THE UNCERTAINTY OF THE TIME OF DEATH - KHÔNG BIẾT CHẮC CHẮN LÀ CHẾT LÚC NÀO

4) Human life expectancy is uncertain - Tuổi thọ con người là không xác định

5) There are many causes of death - Có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết

6) The human body is very fragile - Thân thể con người rất mong manh

THE FACT THAT ONLY THE PRACTICE OF DHARMA CAN HELP US AT THE TIME OF DEATH - CHỈ CÓ THỰC HÀNH PHẬT PHÁP LÀ GIÚP TA KHI CHẾT

7) At the time of death our wealth cannot help us - Lúc chết, tài sản của ta không giúp gì được

8) Our loved ones cannot help - Lúc chết, người thân của ta không giúp gì được

9) Our own body cannot help - Lúc chết, thân thể của ta không giúp gì được

-ooOoo-

[Image: niem-chet-steve-jobs.jpg]

(...) Remembering that I’ll be dead soon is the most important tool I’ve ever encountered to help me make the big choices in life. Because almost everything — all external expectations, all pride, all fear of embarrassment or failure — these things just fall away in the face of death, leaving only what is truly important. Remembering that you are going to die is the best way I know to avoid the trap of thinking you have something to lose. You are already naked. There is no reason not to follow your heart.
(…) No one wants to die. Even people who want to go to heaven don’t want to die to get there. And yet death is the destination we all share. No one has ever escaped it. And that is as it should be, because Death is very likely the single best invention of Life. It is Life’s change agent. It clears out the old to make way for the new. Right now the new is you, but someday not too long from now, you will gradually become the old and be cleared away. Sorry to be so dramatic, but it is quite true.

Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life. Don’t be trapped by dogma — which is living with the results of other people’s thinking. Don’t let the noise of others’ opinions drown out your own inner voice. And most important, have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary.

- Steve Jobs (1955-2011)

(...) Luôn nhớ rằng không bao lâu nữa mình sẽ chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi đã dùng để có những chọn lựa quan trọng cho cuộc đời mình. Bởi vì tất cả mọi điều — từ sự kỳ vọng bên ngoài, tất cả mọi niềm tự hào, nỗi lo sợ với tủi hổ hay thất bại — tất cả sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng. Nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh khỏi cạm bẫy nghĩ rằng ta phải mất đi một cái gì đó. Bạn hoàn toàn trơ trọi. Không có lý do gì để bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim mình.
(…) Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên đó. Và cái chết là điểm đến chung cho tất cả chúng ta. Không ai có thể thoát khỏi. Và đó là điều tất yếu, vì cái Chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc Sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc Sống. Nó loại đi cái cũ để mở đường cho cái mới. Ngay lúc này, các bạn là cái mới, nhưng sẽ không bao lâu, các bạn dần dần trở nên cũ xưa, và sẽ bị loại bỏ. Tôi xin lỗi vì có vẻ quá bi thảm, nhưng điều đó là sự thật.

Thời gian của các bạn là có hạn, vì thế đừng phí thời gian để sống cuộc đời của người khác. Đừng nhốt mình trong những giáo điều – sống như vậy là sống bằng suy nghĩ của những người khác. Đừng để quan điểm ồn ào của người khác lấn át tiếng nói bên trong của chính mình. Và điều quan trọng nhất là hãy có can đảm đi theo lời mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

https://budsas.net/dlpp/bai96/index.htm
Reply
Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


Chương VI - Sáu Pháp

https://budsas.net/uni/u-kinh-tangchibo/...6-0103.htm
 
I. Phẩm Ðáng Ðược Cung Kính
...

II. Phẩm Cần Phải Nhớ
...

(IX) (19) Niệm Chết (1) (AN 6:19)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.

3. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

4. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

5. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

6. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

7. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

8. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

9. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo ấy:

- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy".

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". 

Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải tu học như sau:

10. "Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(X) (20) Niệm Chết (2) (AN 6:20)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo:

2. - Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: "Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: "Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. 

Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". 

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta".

Thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: "Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: "Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta". 

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung trong ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". 

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta".

Thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. 

Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. 

Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". 

Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ-kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.
 


III. Phẩm Trên Tất Cả


...

Reply
Ái Ngữ và Thiện Đãi 

... Có 2 pháp liên hệ đến đời sống và cuộc tu chúng ta là 
  1. ái ngữ và 
  2. thiện đãi. 
Đọc sơ qua thì không thấy thấm thía nhưng nó quan trọng ở chỗ: một tâm hồn bất thiện thì không thể có ái ngữ. Nên muốn có ái ngữ, bản thân tâm hồn mình phải thiện lành. Chót lưỡi đầu môi (miệng nói mà bụng nghĩ khác) không gọi là ái ngữ, mà là môi miếng.

‘Thiện đãi’ = tiếp đón thân tình.

Có hai cách đối xử, tiếp đãi nhau:
  1. Bằng vật chất = amisapatisanthara. Là đem thức ăn thức uống trao tặng cho nhau.
  2. Bằng pháp thoại = dhammapatisanthara. Chú giải ghi dhammakathakathananm nghĩa là bằng sự trao đổi hay thuyết giảng giáo lý. 
Xem Kinh ta thấy các tỳ kheo gặp nhau chỉ có hai việc để làm. 
  1. Một là trao đổi đàm luận, thuyết giảng Phật pháp cho nhau nghe. 
  2. Hai là im lặng theo cách của bậc thánh (thiền định). 
Chớ không có việc làm thứ ba.

SGN

Trích Tạp Ghi, #1299, p 87
Reply
Sư Hạnh Tuệ - Làm sao thay đổi người tà kiến ?






Sư Hạnh Tuệ trả lời:

1/ Muô'n khuyên thì cứ khuyên, nhưng hãy chuẩn bị tâm lý vì có thể bị từ chối, cho nên đừng buồn .
2/ Có bố thí cúng dường là có phước .
3/ Bố thí cúng dường cho người theo tà giáo, nhưng mình không theo tà pháp của họ là được rồi .


Sư Tuệ Tường trả lời:

1/ Chân lý (sự thật) đại diện cho trí tuệ . Chân lý không đi tìm người hiểu chân lý,  Chân lý chỉ dành cho người đi tìm hiểu chân lý .Vì thế,
  1. không thể nhồi sọ sự thật
  2. thay đổi tư tưởng của họ lại còn khó hơn
Người đi tìm sự thật, chứ không phải sự thật đi tìm người .

Văn chương Trung Hoa có ví dụ: Ngoài sa trường, ta có thể giết hàng trăm hàng ngàn tướng địch, nhưng thay đổi tư kiến của người khác rất là khó .

2/ Phật tử nên nguyện cho bản thân mình 
  1. học Phật Pháp cho vững,
  2. thực hành được lời Phật dạy (Bố thí, Trì Giới, Tham thiền) 
  3. áp dụng 4 pháp đắc nhân tâm là Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, và Đồng Sự .
Khi hhúng ta thành đạt 3 điều nguyện trên, ta sẽ thay đổi chính bản thân và có thể thay đổi người khác .


3/ Hộ trì vị trụ trì có tà kiến có thể có và có thể không ảnh hưởng đến hậu quả . Từ hộ trì, tìm hiểu đời sống của đối tượng, rồi giống đối tượng luôn .  Vì vậy, quan trọng nhất là phải có đời sống giới hạnh, có thực hành Tứ Niệm Xứ để luôn luôn có trí tuệ biết điều nào nên làm, điều nào nên tránh .
Reply
Nếu không được xuất gia thì làm sao gieo duyên kiếp sau?




Sư Hạnh Tuệ trả lời:

Không nên nôn nóng để hỏng cả đời lẫn đạo.  

Để sửa soạn cho đời sống tu hành cho kiếp sau, cư sĩ hãy:
  1. Giữ giới
  2. Học pháp
  3. Tập kiên nhẫn
Mỗi người phải chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình.

Sư Tuệ Tường trả lời:

Vì một lý do nào đó không được xuất gia làm Tỳ kheo trong kiếp này, các cận sự nam và các cận sự nữ nên ghi nhớ tinh thần của xuất gia là chán sự sinh tử luân hồi.

Nếu thật sự chán sinh tử luân hồi, cư sĩ Phật tử có thể sống một cuộc sống như Tỳ kheo, cho dù không có hình tướng khoác áo Tỳ kheo.
Reply
Luân hồi có đáng sợ không? Luân hồi tái sinh đắng cay và mỏi mệt

https://tamhuongphat.com/luan-hoi-co-dan...i-met.html

by Định Tuệ, 10 Tháng Hai, 2022

Cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, tăm tối, trôi lăn, đó mới gọi là khổ.

1. Luân hồi là gì?
Luân hồi (Samsàra): Là sự sống chết nối tiếp nơi một chúng sinh.

Như chúng ta biết, dòng nhân quả diễn tiến một cách tương tục mà không bị giới hạn trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn lòng tham sống và còn gây nghiệp (karma) thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo.

Nói cách khác, sau khi thân xác này ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước.

Cần lưu ý dòng sống này luôn chuyển biến chứ không phải là một linh hồn bất tử (âme éternelle) đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.

2. Luân hồi có đáng sợ không?
Trong vòng sinh tử luân hồi, quãng thời gian sinh tử luân hồi nó dài dữ lắm, mà chỉ:

  1. Do nghiệp nhỏ xíu nào đó mình trở thành người nghèo.
  2. Do nghiệp bỏn xẻn trở thành người nghèo.
  3. Do nghiệp vu oan thì bị oan ức.
  4. Do nghiệp sát sanh hoặc hành hạ chúng sanh thì sẽ bị bệnh tật.
  5. Do nghiệp bê bối tình dục sẽ sanh làm thân nữ (Làm thân nữ nhiều lý do chứ không phải một).

Khi bị một ác nghiệp trổ quả rồi thì người ta sẽ vì quả nghiệp đó họ sẽ thành một con người khác

Thí dụ: 

1/ Do kiếp trước bỏn xẻn cho nên kiếp này tôi sanh ra bị nghèo, thì từ cái nghèo đó, tôi ác hơn người bình thường, tôi nhỏ mọn, tôi sẵn sàng nói xấu, ly gián, nói dóc, ăn cắp.

2/ Tật ganh tỵ: Tôi không được vui khi người ta được gì thì đời nào khi tôi sanh ra lúc nào cũng dưới người ta. Khi ở dưới, tôi phải tìm cách ngoi lên và tôi tiếp tục làm bất cứ chuyện ác. Như vậy chỉ vì cái tật ganh tỵ tôi lại đẻ ra bao nhiêu cái ác nghiệp khác.

3/ Chưa kể tật tham, nóng tính thì mỗi tật như vậy nó lại dẫn đến những hạnh nghiệp, những hạnh nghiệp đó nó đẩy mình lún sâu vô trong án có án, trong nợ có thêm nợ. Quý vị biết cho vay nặng lãi, nợ nhỏ cộng với lãi thì ra nợ lớn, mà nợ lớn thì lãi lớn. Nó giống như cục tuyết càng lăn thì nó càng lớn dần.

Trong vòng luân hồi rất dễ sợ, cái thiện nó có khó hơn cái ác. 
  1. Cứ mỗi cái ác nó được tạo tác thì nó sẽ đẩy mình về cái góc phương trời nào đó, mà ở phương trời đó mình lại có điều kiện ác tiếp. 
  2. Cái thiện thì đưa mình về những cõi lành. Nhưng nó xui là ở cõi lành sướng quá mình lại quên tu. Còn ở cõi ác thì mình lại tìm cách xoay sở.

Trong kinh Trung Bộ nói: 
  1. Đêm và ngày ai thường sống với tâm bất thiện thì nó giống như cái núi lơ lửng trên đầu họ. 
  2. Đêm và ngày ai sống với tâm thiện thì giống như lọng trắng che trên đầu của họ.

Và trong kinh Tăng Chi nói: Chỗ nào ta sống bằng tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi thì chỗ đó là chuồng thú.

3. Luân hồi tái sinh đắng cay và mỏi mệt
Chúng sinh do vô minh, si mê, chấp ngã, nghiệp lực quay cuồng nên bị trôi lăn trong luân hồi, sinh tử. Ta sinh ra ở kiếp này, chết đi một thời gian lại đầu thai và sống tiếp một kiếp khác, đó là sự luân hồi, tái sinh. Khi ta sống ở kiếp này thì chỉ biết chuyện ở kiếp này, bao nhiêu mệt mỏi, khó nhọc của kiếp xưa, ta đều quên hết. Nên ta tự nhủ: “Thôi, cố gắng sống bao nhiêu năm rồi cuối cùng cũng chết.”

Nhưng nếu nhớ lại những chuyện của kiếp xưa, hết kiếp này rồi lại tới kiếp khác, ta cũng được sinh ra, lúc còn nhỏ thì phải gắng học, khi lớn lên phải tất bật làm ăn, tuổi già đến lại phải chống chọi với bệnh tật, suy yếu, rồi chết; vẫn là những chặng đường đầy khó khăn, mệt mỏi, vẫn là những hành trình sinh ra và tiến dần về cái chết. Thật đáng sợ vô cùng!

Đức Phật từng dạy: 
  1. Cái khổ của con lạc đà chở nặng băng qua sa mạc chưa gọi là khổ; 
  2. Cái khổ của người gánh hành lý đi trong đêm dài chưa gọi là khổ; 
  3. Cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, tăm tối, trôi lăn, đó mới gọi là khổ.
Nghe như vậy, ta mới thấy lời Phật dạy thật hay và thật đáng quý. 

Chấm dứt luân hồi tái sinh: 
  1. Chấm dứt luân hồi tái sinh để giải thoát là một ý nghĩa lớn, một lý tưởng lớn, một mục tiêu lớn và rất cao đẹp,
  2. nhưng ta không nghe, không tin lời Phật dạy, không nghiền ngẫm, không suy nghĩ, không nhận thấy sự mệt mỏi chán chường của luân hồi tái sinh, 
  3. nên không hề biết sợ và chẳng muốn quan tâm.
Hoặc khi nghe “trong ngôi chùa kia có thờ Phật, đó là thái tử của nước Ấn Độ, sau này ông xuất gia đi tu và đắc quả vị Phật“, ta chỉ nghe sơ sơ rồi bỏ qua không để ý đến. 

Nếu là người có trí tuệ, có thiện căn, khi nghe qua điều vi diệu về những bậc Thánh, về tâm hồn của các Ngài, thì phải suy nghĩ, phải quan tâm, thắc mắc: “Sao lại có người dám bỏ ngai vàng để đi tu như vậy? Đắc đạo là trạng thái gì mà biết bao nhiêu người phải xưng tụng như thế? “, “Đắc đạo sẽ có thần thông, trí tuệ, có thể thuyết pháp thao thao bất tuyệt, muốn chết lúc nào là chết lúc đó, là như thế nào, trạng thái tâm hồn người đó ra sao? …”

Với những điều vĩ đại như thế, những người thuộc loại chúng sinh cang cường sẽ không bao giờ quan tâm đến. Tức là, họ chỉ cần bước một bước từ trí thức qua trí tuệ, nhưng họ không chịu bước.


(Hết)
Reply
Luân hồi là gì? Luân hồi có thật hay không?

https://tamhuongphat.com/luan-hoi-la-gi-...khong.html

by Định Tuệ, 10 Tháng Hai, 2022

Luân hồi là sự chuyển sinh một cách liên tục qua nhiều kiếp sống khác nhau. Quá trình này thể hiện trên 1 bánh xe luân hồi. Theo quan niệm Phật giáo, bánh xe này không có điểm bắt đầu hay kết thúc. Nó sẽ xoay mãi đến khi nào chúng sanh biết tu tập để đi đến sự giải thoát.

1. Luân hồi là gì?
Luân hồi (Samsàra): Là sự sống chết nối tiếp nơi một chúng sinh. Như chúng ta biết, dòng nhân quả diễn tiến một cách tương tục mà không bị hạn cuộc trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn lòng tham sống và còn gây nghiệp (karma) thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo.

Nói cách khác, sau khi thân xác này ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước.

Cần lưu ý dòng sống này luôn chuyển biến chứ không phải là một linh hồn bất tử (âme éternelle) đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.

2. Luân hồi và sự tái sinh
Đức Phật dạy rằng luân hồi sẽ được thể hiện qua việc tái sinh. Tức là sau khi chết sẽ trở lại thế giới dưới 1 hình hài khác, thuộc 1 cõi khác thuộc lục đạo luân hồi. Khi nhắc đến luân hồi và tái sinh, Phật giáo thường đề cập về 2 khái niệm cơ bản về sinh tử:

Chu kỳ sinh tử của từng sát na: diễn ra trong thời gian rất nhanh, như 1 tia chớp. Khái niệm này chỉ có thể hiểu rõ hơn khi luận bàn về thiền định.

Chu kỳ sinh tử của một đời sống: chia làm 4 giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Chu kỳ này cũng là trọng tâm để nghiên cứu về luân hồi trong đại chúng. 

Sự tái sinh (renaissance): Theo đạo Phật, không có nghĩa là sự nhập xác (rénacarnation) hay là sự thất tính sinh trở lại thế giới loài người này với “cái linh hồn xư bba cũ không thay đổi”.

Do nghiệp lực ác hay lành (sức mạnh của hành động có cố ý) mà sau khi thân xác này chết, một hình thái khác cao hơn loài người như các loài trời (deva) hoặc thấp hơn loài người như cầm thú, ma quỷ và các loài cực khổ sẽ hiện thành.

Như vậy dòng suối, cứ tiếp diễn trong trạng thái đổi thay như dòng nước chảy xiết. Chúng sinh sau thừa hưởng gia tài tốt hay xấu của chúng sinh trước. Hai hình thái sống của hai giai đoạn thời gian và hai hoàn cảnh “không giống nhau nhưng cũng không khác nhau”.

Không có vấn đề con người trở thành trời hoặc thú, mà chính hành động của thân, miệng, ý (nghiệp) mang tính chất trời hay thú. Không những trong tương lai mà ngay cả hiện tại, chúng ta có thể trở thành thế này hay thế khác tùy theo hành động (nghiệp) của chúng ta.

Giáo lý luân hồi là câu trả lời duy nhất hợp lý cho câu hỏi “Sau khi chết còn hay mất”, chứ không phải là câu trả lời “sau khi chết người ta sẽ sinh vào thiên đàng hay địa ngục và sống ở đó đời đời kiếp kiếp” hay câu trả lời “không còn gì nữa sau khi chết”.

Theo quan niệm Phật giáo, chúng sinh đều chịu sự chi phối của luật vô thường. Biểu hiện qua sinh, lão, bệnh, tử của từng kiếp sống. Quá trình này kết thúc cũng là lúc mở ra 1 kiếp sống mới và thừa hưởng những nghiệp lực từ kiếp trước.

Nghiệp lực luôn hiện hữu bên mỗi người chúng ta dù sau khi kết thúc 1 kiếp sống, nó vẫn theo chúng ta đi tiếp qua kiếp sống sau. Tuy nhiên, bản chất của nghiệp là vô ngã, tức là nó sẽ biến đổi qua từng kiếp.

3. Luân hồi có thật hay không?
Hiện tượng luân hồi là một bí ẩn của tâm linh. Tất cả mọi sự vật tồn tại trên thế giới này đều có kiếp sống, sinh mệnh. Chúng ta không chỉ tồn tại một lần mà đến vô số lần. Sự sống không hề kết thúc. Đó chỉ sự chuyển từ thân xác này sang một thân xác khác.

Quan niệm của đạo Phật về luân hồi

Luân hồi nguyên nghĩa trong tiếng Phạn là lang thang, trôi nổi. Thuật ngữ miêu tả những lần đầu thai tiếp nối nhau. Sự luân chuyển linh hồn từ thân xác này sang thân xác khác.

Theo Phật giáo, tham ái, sân và si hay còn gọi là tam độc, chính là nguyên nhân trói buộc trong luân hồi. Cảnh giới mà một vong linh tái sinh tùy thuộc vào nghiệp mà chúng sinh đó đã tạo trong quá khứ. Có sáu cảnh giới, đó là trời, thần, người, súc sinh, quỷ đói, địa ngục.

Trong kinh Đại Thừa, luân hồi chính là thế giới của hiện tượng và thể tính của nó chính là thể tính của Niết bàn. Phần lớn chúng sinh sẽ không còn nhớ gì ở kiếp trước sau khi được tái sinh. Mọi chúng sinh đều sẽ có cuộc đời mới. Có thể dự đoán việc chúng sinh sẽ sinh vào cảnh giới tiếp theo nào
dựa vào việc quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó.

(Nghiệp dẫn mình đi trong sáu đường sanh tử luân hồi. Sáu đường đó là: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là ba đường ác; người, a-tu-la và trời là ba đường lành. -- Hòa Thượng Thích Thanh Từ)

Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Con người muốn trở lại cõi người, Phật dạy phải thọ Tam quy và giữ năm giới. Trong đó, năm điều kiện chính là Nhân thừa Phật giáo, nghĩa là tu để được làm người. Những điều căn bản chúng ta cần phải nhớ trong thuyết luân hồi.

Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết, không có tư cách như con người.

Như vậy, khi bắt đầu vào kiếp luân hồi con người sẽ có 6 lựa chọn, với con đường trở thành ngạ quỷ và súc sinh cũng nằm trong đó.

Kẻ cực kì tà ác lúc sinh thời rồi sẽ bị chuyển sinh vào địa ngục, người biết tích đức hành thiện sẽ được lên thiên đường, còn người không đủ uy đức thì tùy theo duyên nợ thiện ác mà phân định các con đường còn lại.

Qua đó mới thấy, tất cả của cải, danh vọng, địa vị đều chỉ là vẻ ngoài. Đức hạnh mới là điều cốt lõi, đây cũng chính là hàm ý trong câu “hậu đức, tái vật”. Trung Quốc xưa và nay đều là một quốc gia giàu mạnh, tất cả cũng là từ sự tu dưỡng tinh thần, đạo đức được truyền thừa qua bao triều đại lẫy lừng. Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc hiện nay đã suy đồi đạo đức, nếu không kịp thức tỉnh thì tương lai chờ đón thật kinh hoàng.

Trong bối cảnh nhiễu nhương, chiến tranh tham tàn, bạo loạn, dịch bệnh, thảm họa, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tu thân, tích đức, không thể thuận theo xu thế suy đồi mà đánh mất lương tri. Tu luyện để viên mãn thành công thoát khỏi sự tàn bạo, trở về với bản ngã chân chính mới là mục tiêu theo đuổi thật sự của đời người. Đừng để cuộc đời trôi đi lãng phí. Luân hồi 6 ngả biết về ngả nào, nếu vào ngả quỷ ma, thì khi nào mới có thể tu hành.

Ý nghĩa của luân hồi

Một sinh mệnh đều có nghiệp lực. Nhân vô thập toàn. Con người đều có thể phạm sai lầm. Nguyên tắc luân hồi sẽ luôn bắt con người phải hoàn trả nghiệp lực của bản thân. Sinh mệnh của luân hồi được xem như hình thức tồn tại cơ bản của sinh mệnh đó. Đó cũng thể hiện sự từ bi của vũ trụ đối với một sinh mệnh. Sự từ bi đó đến từ việc để cho chúng ta có cơ hội làm sai sửa lỗi, học tập và hoàn thiện bản thân.

Có người nói rằng luân hồi chính là bánh xe lăn tròn, lăn mãi. Nếu con người làm điều tốt thì khi chết sẽ được lên đường trên cao. Khi hưởng hết phước lộc sẽ bị tuột xuống. Còn kẻ xấu thì bị đưa xuống những tầng dưới. Đến khi trả hết nghiệp lại được lên lại. Sự xoay chuyển, lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn. Đó chính là ý nghĩa của luân hồi.

Nếu đã hiểu được thuyết luân hồi của đạo Phật thì sẽ có cái nhìn khách quan và rộng mở về cuộc sống. Hiểu rõ lý lẽ luân hồi tự nhiên, con người nên tạo cho mình con đường đi lên đúng đắn, thiện lành. Sống thanh tịnh, không tích nghiệp, thù ghét, oán hận, ganh tị.

(Hết)
Reply
Hỏi: Là Phật tử, khi cha hoặc mẹ không thương mình, mình nên đối xử với cha mẹ như thế nào?

Trả lời: Vẫn một lòng biết ơn cha mẹ vì nhờ có hai vị, mình mới có cơ hội may mắn được sinh ra làm người, và gặp Phật pháp trở thành Phật tử.

-------------------

(Quora) How do I tell my estranged son that I have moved on, have a new family, and it is better that we do not meet again? He is 25 and I have not seen him for 15 years.

Answered by Sabrina Carmichael Green:


Trigger warning: this answer will be harsh, so don't read it if you can't handle it.

I have zero patience for people like you. How could you leave your 10 year old child behind, never seeing them or being a part of their life? This now adult son has apparently reached out to you to reconnect, so he must feel a loss over what you did. But your narcissistic self doesn't want to be bothered with “the past”.

Honestly, he is better off without you, but he wants to see you. The LEAST you can do is meet with him and let him see for himself what a low-life you really are.

You should explain to him at that meeting that you are not worthy of his time and emotional energy. He may just want to talk about health issues from your side of the family, or some such as that. I hope so, because you clearly aren't capable of being a good father to him.
Reply
Sư Hạnh Tuệ - Tứ Niệm Xứ

Sư Hạnh Tuệ giảng Tứ Niệm Xứ qua hai link:

https://www.youtube.com/watch?v=GNmmQjZ-nA4: Quán Thân
https://www.youtube.com/watch?v=WSgvftrReVw: Quán Thọ, Quán Tâm, Quán Pháp .

Tứ Niệm Xứ là 4 nơi để thiết lập Niệm, 4 nơi để ghi nhận với sự nhiệt tâm tỉnh giác và ghi nhớ .  
Nhiệt tâm nghĩa là nỗ lực, tinh tấn, đẩy cái tâm mình lên chứ không phải là làm cái tâm yếu xìu .
Tỉnh giác (Sampajañña) (Ngài Chánh Thân) có nghĩa là:
  • Sống trong trạng thái thức tỉnh, không phải mê ngủ, ghi nhận cả hai tâm Thiện / Bất Thiện / không Thiện hay Bất Thiện . 
  • Điểm đặc biết của tỉnh giác được diễn tả như người lính gác ở biên cương lúc nào cũng ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, quan sát .

Niệm: ghi nhớ

Diệt trừ những tham ưu ở đời: Để hành thiền TNX, trước hết phải giữ Giới . Người không giữ Giới không thể có tâm trong sạch để hành thiền .


Tham dự các khoá Thiền:

1/ Để lại những gánh nặng thế tục ở ngoài cổng trường Thiền
2/ Trong các khoá Thiền, việc đầu tiên là thọ Giới với hai hành động sau để có giới trong nền tảng trong sạch trước khi hành Chỉ và Quán (ở đây chúng ta nói đến TNX):
  1. sám hối những lỗi lầm trong quá khứ
  2. thọ Giới 
3/ Các vị tì kheo ni bị giới luật cấm không được ngồi kiết già (tìm "Sư Hạnh Tuệ Kiết Già" sẽ có đủ information).
4/ Ngồi theo tư thế nghiêm túc .


Tứ Niệm Xứ: Quán Thân

1/ Để ý đến trước mặt để theo dõi hơi thở vàohơi thở ra .

2/ Khi lái xe thuần thục, trước khi quẹo trái / phải, chúng ta tự động quẹo, không cần phải tự nhủ: trái, trái, trái hoặc phải, phải, phải .  Tương tự, khi hành thiền, chúng ta biết rõ sẽ thở vào / ra (không cần ngôn ngữ) .  Nếu cần, chỉ cần nhắc tâm một lần để tâm ghi nhớ . Cho nên, sự biết không cần ngôn ngữ .

3/ Biết hơi thở vào và biết hơi thở ra .  Không phải: TÔI đang thở vào và TÔI đang thở ra . 

8/ Không cần thiết phải biết hơi thở dài ngắn vì chưa đạt Tứ Thiền (Định) vì tiêu chuẩn lý tưởng trước khi thực hành TNX là đã chứng đắc Tứ Thiền . Cụ thể ở đây là Tứ Thiền Hơi Thở .  Đó là lý do tại sao Chỉ và Quán đều có hơi thở .

4/ Sau khi ra khỏi hơi thở của Tứ Thiền (Định), chúng ta mới có thể thoải mái quan sát những đặc tính của hơi thở: hơi thở dài / ngắn . Chưa có Định mà phân tích đặc tính của hơi thở sẽ làm gián đoạn Định .

5/ Hai điều cần làm:
  1. Quan sát sự sanh lên và diệt đi của hơi thở . 
  2. Từ đó, nhận ra rằng chỉ có tấm thân này đang thở chứ không có ai đang thở .
Chỉ có Trí Tuệ quan sát hơi thở, ghi nhận đối tượng chứ không có ai quan sát . Như vậy, vị ấy không y cứ, không bám víu vào bất cứ cái gì trên đời .  Đó là thực hành TNX .

6/ Biết hít vào / thở ra chưa phải là thực hành TNX .

7/ Không nên nghĩ rằng: Tôi ngồi là tôi thiền, khi không ngồi tôi không thiền nữa .  Hành thiền trong tất cả các oai nghi .

8/ Nếu thất niệm: Nhắc lại một lần, sau đó tiếp tục quan sát là đủ rồi . Trí panna là trí biết rõ đang đi; sự biết rõ đó không cần ngôn ngữ; biết nó rồi thì không cần phải diễn tả . Tương tự như vậy, biết tất cả các tiểu oai nghi đang xảy ra; toàn bộ đều có sự nhận biết . Và bản thân sự nhận biết đó không cần ngôn ngữ .

9/ Khi quan sát người khác cũng vậy: co tay duỗi tay, v.v. Từ đó nhận thức được bản chất của vũ trụ này là gì . "Toàn bộ chỉ là một khối tổng hợp ." 

10/ Quán thân trên thân: Tổng hợp này đang đi / đứng / nằm /ngồi . Không có ai cả . Ở đây chỉ có sự ghi nhận, ghi nhớ đối tượng: từ Thân tới Tâm, từ Mình đến Người .

  1. tỉnh táo, nhận thức vấn đề
  2. bản chất của nó là gì: biến đổi không ngừng, sanh diệt liên tục, là sự tổng hợp lắp ráp., không có TÔI.
  3. nhờ thấy rõ sự thật, sẽ đi đến nhàm chán .
  4. từ nhàm chán, đến ly tham
  5. từ ly tham, đến giải thoát .
Không có tầng tuệ nào .  Chỉ có những trạng thái tâm lý diễn ra khi thực hành .

11/ Quan trọng khi hành thiền là biết cái gì đang diễn ra vậy .  
  1. Nhìn sự sanh diệt của nó thấy mình cũng vậy .  
  2. Nhìn cái tổng hợp của nó và mình chợt nhận ra ở đây không có ai cả .
  3. Đơn thuần là sự chuyển động và quan sát mà thôi .
Đó là quán thân trên thân .

12/ Cần thực hành những gì Sư đang hướng dẫn qua bối cảnh, thời gian và địa điểm để có kết quả.

Tứ Niệm Xứ: Quán Thọ

Thọ:

1/ thọ lạc (dễ chịu) và thọ khổ (khó chịu): trong hiện tại, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đang thọ lạc hay thọ  khổ
2/ phân biệt sự dễ chịu này có liên quan đến Dục không .
Ví dụ: tâm hân hoan khi lễ Đức Thế Tôn không liên quan đến Dục, nhưng cảm thọ thích thú khi uống nước vì khát có liên quan đến Dục .
3/ sự khó chịu cũng vậy .  Các cảm thọ về thân có liên quan đến Dục không .
Ví dụ: ưu tư lo lắng khi nấu ăn cho chư tăng không liên quan đến Dục, nhưng thọ khổ vì nóng nực có liên quan đến Dục Lạc .
4/ Xét cảm thọ này biến đổi không ngừng .

Khi ngồi đau quá, chịu hết nổi thì đứng dậy đi thiền . Lúc này cảm thấy dễ chịu .  Đi một hồi từ dễ chịu chuyển qua khó chịu . Đau chân, đau lưng, chịu hết nổi, lại ngồi thiền .

Khi ngồi xuống, sẽ có cảm giác dễ chịu . Dần dần, ta lại cảm thấy khó chịu .

Như vậy, cảm thọ biến đổi không ngừng .

5/ Chúng ta phải tách thọ nhận được từ thân hay từ tâm .  
  1. Nếu khó chịu từ thân, mình không để cho tâm ưu phiền . 
  2. Sau đó, tìm nguyên nhân sự khó chịu đó (do ngồi nhiều quá, bị đau lưng, đau bụng, không dám  uông nước nên khát, không dám đi tiểu).
Nhờ phân tách như vậy, khi ăn ngon miệng sẽ không đưa đến Tham Ái từ Ý .  Nhờ vậy, có chánh niệm, nhận thức rõ 
  1. ăn ngon và sự thích thú không phải là một, sự dễ chịu của thân không dính dáng gì đến tâm . Sau cùng, khi bị khổ thân, tâm không khổ ---> bớt khổ rất nhiều .
  2. tương tự vui, buồn, không vui không buồn là những cảm thọ của tâm . Như cảm thọ của thân, cảm thọ của tâm là cảm thọ, chứ không có ai cả . Mình như thế nào thì người như thế đó .
  3. Từ đó, mình có thể xem sự sanh lên của các cảm thọ, nhìn xem sự diệt đi của các cảm thọ .  Nhờ vậy, ta có thể nhìn các cảm thọ theo tư thế của người ngoại cuộc . Và không bị chúng cuốn đi .
Tứ Niệm Xứ: Quán Tâm

Để ý xem nó là Tâm Tham hay là Tâm Sân:
  1. Tâm Tham có nghĩa là đang thọ Lạc, có nghĩa là dễ chịu .
  2. Tâm Sân thọ Ưu .
Như vậy, không bị nhầm lẫn: 
Ghi nhận tâm có tham hay tâm có sân . 
Khi ai đó mắng chửi mình, 
  1. mình cảm thấy sự khó chịu, hãy ghi nhận tâm có sân và quan sát tâm sân .
  2. mình cảm thấy không có sự khó chịu, hãy ghi nhận tâm không có sân và quan sát tâm không sân . 
Ghi nhớ: Muốn quán được TNX, trước hết giới hạnh cần được trong sạch . Sau đó, chúng ta cần phải:
  1. đề phòng
  2. luôn giữ chánh niệm
để có thể coi cái gì đang diễn ra . Nhờ đó, chúng ta không mắc phải trường hợp LỪA MÌNH DỐI NGƯỜI .  Ví dụ: Đập bàn đập ghế, nhưng miệng nói tôi không sân .  Nắm tay người khác giới, nhưng miệng nói tôi không tham .

Càng tu tập, tâm càng nhạy cảm . Mức độ nhạy cảm tuỳ thuộc vào sự thực hành của mỗi người .
1. Người ở bẩn, 7 ngày không tắm, sống gần cống rãnh, nếu nằm dưới đất vẫn không sao .  Người tắm rửa sạch sẽ, khi ngón tay chạm đất sẽ thấy dơ bẩn .
2. Người sống với tham sân si rất nhiều, sẽ không phát hiện được tâm đang tham / sân / si .  Đó là vì tâm bị ô nhiễm quá nhiều rồi, nay thêm một đống ô nhiễm nữa cũng vậy thôi .

Ví dụ: Nhờ quán tâm kỹ lưỡng, 
  1. Khi qua quán bán bánh canh, họ nhận ra ngay tâm Tham đang có mặt .  
  2. Không cần phải nhìn thấy phụ nữ, mà chỉ cần nhìn thấy đôi giày phụ nữ, thỏi son, hình nộm phụ nữ (mannequin), hoặc y phục phụ nữ, lập tức họ phát hiện tâm Tham nổi dậy . 
Nếu không quán tâm đều đặn, cho dù nắm tay phụ nữ, họ không thấy tâm Tham vì bình thường họ đã Tham sẵn rồi .

Các tâm còn lại cũng vậy .

Cần quan sát:
Tâm Tham này có Dục đi kèm hay không .  Nếu có, hãy ghi nhận: Tâm Tham này có Dục đi kèm .  Ví dụ: ăn ngon cảm thấy thích thú, hãy ghi nhận "Tâm Tham có Dục đi kèm ."  Thích thú trong việc hành thiền / học Pháp, là có Tham nhưng không dính dáng đến Dục .

Sách Tam Tạng Chỉ Nam dạy chúng ta nên có: 
  1. những cái Tham không dính dáng đến Dục (thích bố thí, thích hành thiền, thích giữ giới) và 
  2. những cái Sân không dính dáng đến Dục (lo lắng không biết làm sao để "giữ giới" / "hành thiền" /"tâm được tinh tấn" tốt hơn).
TNX dạy phải biết đang Tham loại gì đang xảy ra, không nhầm lẫn, CHÂN THẬT VỚI CHÍNH MÌNH. 

Tứ Niệm Xứ: Quán Pháp

Quán Pháp đòi hỏi chúng ta có kiến thức về giáo lý Phật Pháp . 

Ví dụ: Khi quán tâm Tham, phải biết cái Tham này từ đâu mà có . 

Uống ly nước thấy ngon quá do lưỡi tiếp xúc với nước, do thân này mới có lưỡi, do đầu thai mới có thân tâm này, do tạo các Nghiệp Thiện Ác trong quá khứ mới đi đầu thai, do đi đầu thai nên mới có cái Thân cái Tâm này . Do cái Thân Tâm này, mình mới có cái miệng và có ly nước .  Chính vì cái miệng và ly nước gặp nhau nên các cảm thọ nảy sinh .  Do các cảm thọ này sinh ra chuyện thích thú . Do sự thích thú đưa đến sự dính mắc . Do dính mắc nên đưa đến phản ứng và đến thiện ác . Do thiện ác đưa mình đi tái sanh . Hễ còn tái sanh là không thể tránh KHỔ .

Phải quan sát tới mức độ như vậy: 
  1. Quan sát dựa trên 12 Nhân Duyên, đi theo chiều nghịch rồi đi theo chiều thuận .  
  2. Thấy rõ sự tai hại của cái Tham này , và 
  3. làm sao chấm dứt được cái Tham này .
Phương pháp chấm dứt được cái Tham này đòi hỏi chúng ta phải 
  1. có kiến thức về Phật Pháp, học hỏi Kinh Điển và biết các phương pháp, và
  2. biết nên áp dụng phương pháp nào để chấm dứt tâm Tham .
Tương tự như vậy với tâm Sân .  Chỉ quan sát thôi .

Như vậy, chúng ta cần biết Bát Chánh Đạo: 
  1. Chánh Kiến là gì, mình có Chánh Kiến hay chưa, từ lời nói, hành động, hay suy tư của mình có Chánh Kiến hay chưa, 
  2. Chánh Mạng mình có  hay chưa, từ lời nói, hành động hay suy tư của mình có phù hợp vơi Chánh Mạng hay không, mình đang làm gì để nuôi sống bản thân có đúng hay không .
(cứ thế, quan sát tiếp tiếp theo)

Quan sát xem nội tâm đang bung xung loạn động hay đang lui sụt:

  1. Tâm đang bung xung loạn động: lý do gì, và phương pháp gì để ngăn ngừa / hạn chế nó .  Bài Kinh nào nói về chuyện đó, học và thực hành cách nào để ngăn tâm bung xung loạn động .
  2. Tâm đang bị đóng rêu (buồn ngủ, dã dượi): do đâu có tâm này, cách giải quyết .
Vì thế, quán Pháp đòi hỏi kiến thức sâu rộng về Giáo Lý để có thể quán Pháp linh động hơn .

Kết Luận: 

Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực hành để phát triển Trí Tuệ, không phải là một công thức để tụng niệm . Tâm phải quan sát chuyện gì đang xảy ra và làm sao để giải quyết nó . Nhờ vậy mình thành thật với chính mình, có gì thì phát hiện cái đó, đề phòng nó, tách nó ra . Ở đây, chỉ có vấn đề, không có ai có vấn đề . Ví dụ: Một bà mẹ đứng trước cổng trường chửi xối xả: Nhận biết đây có tâm Sân, không có con người, có vấn đề nhưng không có con người đang gặp vấn đề . Như vậy, mình nhìn vấn đề bằng một cặp mắt tỉnh táo và thành thật với chính mình .  Từ đó, mình không bị người ta dắt mũi chạy theo cảm xúc .

--ooOoo--

Tứ Chánh Cần

Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, có nghĩa là chúng ta đang thực hành Tứ Chánh Cần .
Reply