Lý Thời Trân: Học giả y dược trác tuyệt của nhân loại
#1
Lý Thời Trân: Học giả y dược trác tuyệt của nhân loại

Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4

Lý Thời Trân (1518–1593) sinh ra ở Kỳ Châu, tự là Đông Bích, là học giả y dược trác tuyệt thời nhà Minh, Trung Quốc. Ông cũng là một trong những bậc thầy khoa học vỹ đại của thế giới đương thời.


[Image: ly-thoi-tran.jpg]



Từ bỏ con đường làm quan, quyết tâm theo nghề y

Lý Thời Trân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Cha của ông là Lý Cát Văn, là một thầy thuốc có kiến thức sâu rộng về y học và có kinh nghiệm dồi dào về hành y. Dựa vào kinh nghiệm hành y nhiều năm, cha của ông đã biên soạn ra một số cuốn sách nổi tiếng về y học như: “Ngải truyện”, “Tứ sa phát minh”, “Y học bát mạch pháp” và “Đậu chẩn chứng trì”.


Chịu sự ảnh hưởng của cha, ngay từ nhỏ, Lý Thời Trân đã vô cùng thích thú y học. Nhưng, cha của ông lại không muốn ông làm nghề y. Bởi vì thời ấy, thầy thuốc được xếp vào hàng những ngành nghề có địa vị thấp kém trong xã hội, không được mọi người coi trọng. Trong hơn nửa cuộc đời làm nghề y, ông Lý Cát Văn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi chữa trị khỏi bệnh cho nhiều người dân nghèo nhưng cũng rất buồn khi gặp sự coi thường của nhiều người quyền quý. Vì thế, ông ra sức thúc giục con trai học Kinh thư, Bát cổ… với mong muốn con trai theo con đường làm quan.


Ban đầu, Lý Thời Trân quả thực đã không phụ lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của cha. Vào năm Gia Tĩnh thứ 10 (năm 1531), Lý Thời Trân đã thi đỗ tú tài. Nhưng dần dần, Lý Thời Trân càng ngày càng hứng thú với nghề y hơn, còn đối với việc học Kinh thư, Bát cổ thì càng ngày càng tỏ ra chán nản. Mặc dù cha của Lý Thời Trân đã từng nhiều lần giảng giải, khuyên răn nhưng vẫn không thể thay đổi được hứng thú của ông.


Bởi vậy, từ năm 16 tuổi đến năm 22 tuổi, dù liên tục tham gia ba kỳ thi hương nhưng Lý Thời Trân đều không thi đỗ. Sau khi không đỗ trong kỳ thi hương lần thứ ba, Lý Thời Trân quyết tâm cả đời sẽ theo nghề y.




[Image: ly-thoi-tran-1.jpg]

Hành y cứu người, chuyên tâm nghiên cứu y học




Năm 1542, Lý Thời Trân bắt đầu theo nghề y. Ban đầu, ông phụ giúp cha khi cha ông khám chữa bệnh. Nhưng về sau, mỗi lần cha bận, ông lại thay cha khám bệnh cho dân chúng. Mỗi khi có thời gian rảnh, ông liền lấy sách y ra học tập nghiên cứu. Lý Thời Trân đọc đủ các loại sách về y học cổ điển, như “Hoàng đế nội kinh”, “Nan kinh”, “Thương hàn luận”, “Kim nhượng yếu lược”, “Mạch kinh”, Giáp ất kinh”. Ngoài ra, ông còn rất thích nghiên cứu “Thảo mộc” (sách về các dược vật) của các thời đại. Trong đó, cuốn sách “Chứng loại bản thảo” – cuốn sách tổng kết toàn diện những thành tựu về dược vật học từ đời Bắc Tống trở về trước của tác giả Đường Thận Vi là cuốn mà ông thích đọc nhất.


Bởi vì Lý Thời Trân đặt tâm vào việc nghiên cứu các sách y học của bậc tiền nhân đồng thời lại chú ý đến những kiến thức trong điều trị bệnh thực tế, cho nên y thuật của ông được nâng cao rất nhanh chóng.


Vào năm 1545, cả địa phương ông bị nạn lụt lớn. Sau khi lũ lụt qua đi, dịch bệnh bùng phát, rất nhiều người dân nghèo khổ bị bệnh tìm đến gia đình Lý Thời Trân để xin được chữa bệnh. Lý Thời Trân ân cần tiếp đón họ, bất luận là người bệnh có tiền chữa bệnh hay không, ông đều tiếp đãi và chữa trị hết sức mình. Đối với những người bệnh nghèo khổ, ông và cha còn chữa bệnh miễn phí cho họ.


Trong quá trình chữa bệnh, Lý Thời Trân vận dụng phương pháp “Tứ chẩn”, gọi là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (sờ). Đồng thời, ông kết hợp với 8 loại triệu chứng gọi là “Nhân cương” (gồm âm, dương, bên trong, bên ngoài, hàn, nhiệt, hư, thực) để chẩn đoán bệnh.

Hơn nữa, Lý Thời Trân thích dùng các phương thuốc dân gian để trị bệnh. Bởi vì, cách chữa trị ấy vừa khiến người bệnh tiêu phí ít tiền mà hiệu quả mang lại rất cao. Chính vì thế mà dân chúng rất kính trọng ông, đặc biệt là những người dân nghèo khổ.




[Image: ly-thoi-tran.jpg]

Biên soạn bộ sách quý giá “Bản thảo cương mục” trong suốt hơn 30 năm




Thông qua quá trình chữa bệnh thực tế, Lý Thời Trân cảm nhận một cách sâu sắc rằng, đối với một thầy thuốc thì việc phân biệt thuốc, dùng thuốc như thế nào là một vấn đề vô cùng quan trọng. Ông bắt đầu ra ngoài quan sát thực tế thảo mộc.


Sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, ông đã hoàn thành được những cơ sở căn bản để biên soạn ra tư liệu trực tiếp “Bản thảo cương mục” (sách dược thảo). Năm 1578, Lý Thời Trân cuối cùng đã hoàn thành được bản phác thảo cuốn “Bản thảo cương mục”. Tính đến thời điểm này, Lý Thời Trân đã phải bỏ ra một khoảng thời gian kéo dài đằng đẵng đến 27 năm. Nhưng, là một người có thái độ nghiên cứu nghiêm khắc cẩn thận, Lý Thời Trân cũng chưa dừng lại ở đây. Ông lại tiếp tục chỉnh sửa bộ sách trong hơn 10 năm, chỉnh sửa đến lần thứ 3 mới hoàn thiện bộ sách về dược vật có quy mô lớn chưa từng có này.


“Bản thảo cương mục” có tổng cộng 52 quyển tập hợp 1892 chủng loại cây, con, vật thuốc khác nhau trong đó có 374 loại do đích thân Lý Thời Trân tìm ra. Bộ sách liệt kê 11.096 đơn thuốc, trong đó có 8.000 do Lý Thời Trân sưu tập mới hoặc tự sáng chế. Ước tính toàn bộ sách có tới 190 vạn chữ được chia thành 16 bộ, 60 loại, từng chủng loại cây, con, vật thuốc đều được chú rõ tên, tập tính, lịch sử khai thác, phương pháp chế biến, đặc tính, công dụng.


Bộ sách là tác phẩm có tầm quan trọng bậc nhất trong việc phân loại thuốc của Đông y. Tác phẩm này cũng góp phần chính xác hóa cách sử dụng và tên gọi các loại cây, con thuốc ở Trung Quốc cũng như điều chỉnh các đơn thuốc để tránh những nhầm lẫn xảy ra trong quá trình điều trị. Đồng thời, bộ sách cũng là di sản quý giá của thế giới, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của y dược học thế giới.


Ngoài “Bản thảo cương mục”, trong cả đời, Lý Thời Trân còn viết rất nhiều sách y học khác như: “Chiết hồ mạch học”, “Kỳ kinh bát mạch khảo”, “Tần hồ y án”, “Tập giản phương”, “Ngũ tạng luận đồ”… Nhưng phần lớn những bộ sách này đều đã bị thất lạc. Chỉ còn hai bộ sách được truyền lưu đến ngày nay, đó là: “Chiết hồ mạch học”, “Kỳ kinh bát mạch khảo”. Hai bộ sách này là sách mà những người học tập bắt mạch đều đọc.


“Bản thảo cương mục” không chỉ được người Trung Quốc đón nhận mà được cả người dân thế giới đón nhận. Năm 1606, “Bản thảo cương mục” truyền nhập vào nước Nhật Bản và Triều Tiên. Về sau, cuốn sách còn được phiên dịch ra rất nhiều loại tiếng, như tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức và nhiều loại văn tự khác. Thuận theo thời gian, “Bản thảo cương mục” được truyền rộng ra khắp các nước trên thế giới và trở thành tài sản quý giá của cả thế giới.
An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply