Hiện Tượng gì Xảy Ra sau khi Bạn chết?
#1
Information 
ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI BẠN CHẾT?
Ajahn Brahm

Bài giảng cho đại chúng tại trung tâm Dhammaloka
Ngày 8 tháng Tư năm 2011, Perth, Úc.
Lược dịch: Một nhóm Phật Tử Bắc Mỹ.


Theo đề nghị của một bạn từ Melbourne, hôm nay tôi sẽ nói về “Điều gì xảy ra sau khi bạn chết".

Có một số cách để có thể biết được điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết.

Trước hết là qua công phu thiền định của bạn. Công phu thiền định của tôi rất vững mạnh, đó không phải là trí nhớ, mà là sự hiểu biết cách vận hành của tâm và quan hệ tương giao giữa thân và tâm. Qua công phu hành thiền nhiều năm, bạn có thể có được sự hiểu biết quí báu này. Bạn biết chính xác điều gì sẽ xảy ra bởi vì bạn biết bản chất của tâm, bản chất của thân.

Loại thiền cụ thể mà bao năm qua tôi đã từng hướng dẫn, Thiền na (Jhanas), là loại thiền với những tầng định thâm sâu. Tôi cũng đã thẳng thắn trình bày những gì thực sự xảy ra trong những tầng thiền định đó. Chúng có thể giúp bạn biết được điều gì sẽ xảy ra khi bạn chết. Lát nữa tôi sẽ giải thích lý do tại sao.

Kế nữa, những câu chuyện dựa trên bằng chứng có thật của những người nhớ lại những gì xảy ra giữa các tiền kiếp của họ, và số người này không phải là ít.

Một số người bỗng nhiên nhớ lại, số người khác nhờ được huấn luyện để nhớ lại.

Bằng chứng cuối cùng là những câu chuyện thú vị nhất và cũng vững chắc nhất, gọi là "kinh nghiệm cận tử" -- near-death experiences -- của những người bị tai nạn hoặc trên bàn mổ, hồn lìa khỏi xác, nhưng sau đó đã sống lại. Chủ yếu những câu chuyện cận tử này cho bạn thấy được chuyện gì xẩy ra sau khi bạn chết. Không phải chỉ là Phật Tử mà có cả những người với những niềm tin khác nhau nhưng khi “sống lại” đều có cùng những câu chuyện giống nhau.

Trong bài giảng này, tôi sẽ kết hợp tất cả những điểm trên đây, lấy chúng làm cơ sở để giải thích điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết. Đây không phải là một điều không có dính dáng gì đến đời sống hàng ngày của bạn, mà thực sự, nó làm hiển lộ ra điều quan trọng nhất trong đời sống chính là thái độ sống của bạn, cách bạn phản ứng trước những gì bạn phải trải ngiệm khi này, khi khác.

Với những phương cách thực hành được giảng dậy ở đây, bạn có thể ứng xử tốt đẹp và tích cực trong mọi tình huống. Thế nào là cách ứng xử tích cực? Đó là đón nhận chúng (mọi tình huống) với một tâm bình an, tử tế và hiền hòa. Học hỏi từ chúng, chấp nhận chúng, không kháng cự, không khó chịu, không giận dữ, không sợ hãi. Tất cả những cảm xúc tiêu cực, mà các bạn đã từng chứng nghiệm ngay trong kiếp sống này, đều dẫn đến vô số vấn đề. Chúng cũng là những cảm xúc có thể gây ra vấn đề cho bạn một khi bạn “thực sự chết”.

Hãy kiểm lại xem những gì xảy ra trước khi bạn chết, nó sẽ cho bạn biết những gì sẽ xảy ra sau đó. Bởi vì sự sống là một cái gì liên tục, nó không thể thình lình thay đổi. Ban đêm bạn đi ngủ, sáng dậy bạn cũng không khác lắm, có thể già hơn chút xíu, nhưng gần như không khác, ít nhất là vẫn còn nhận ra được. Bạn không biến thành một cái gì khác. Khi bạn chết cũng vậy. Không có một sự chuyển đổi thình lình thành một cái gì hoàn toàn khác hẳn. Ở đây tôi đang nói đến những trường hợp chết chậm, vì bệnh tật, vì tuổi già, chứ không nói đến những trường hợp chết bất thình lình. Với những trường hợp chết chậm thì thể xác lịm đi từ từ cùng với năm căn: thấy, nghe, ngửi, nếm và sờ đụng.

Là tu sĩ, tôi từng phải ở bên cạnh những người đang hấp hối. Đó là một trong những nhiệm vụ của tôi. Chứng kiến sự chết xảy ra như một tiến trình. Cái người ta cho là sức sống (sinh lực -- life force), thật ra chỉ là thể lực, lụi dần đi.

Rõ ràng không thể nói cái chết xảy ra ở điểm nào, giờ khắc nào. Bạn không thể nói một người chết vào lúc 8 giờ 9 phút. Đó là giờ theo chiếc đồng hồ ở đấy.

Chết là một tiến trình kéo dài nhiều phút. Khi vị bác sĩ tuyên bố "xong rồi", điều này có thể là ở một điểm nào đó giữa lúc nó bắt đầu và lúc nó thật sự chấm dứt. Đây là điều quan trọng cần phải hiểu. Cả cuộc đời là một tiến trình, không phải là một sự cố. 

Khi đã hiểu cả cuộc đời là một tiến trình thì cũng phải hiểu tiến trình đó luôn tiếp diễn chứ không bất ngờ dừng lại. Cái dừng lại chỉ là năm giác quan: không còn thấy, ngửi, nếm, sờ đụng, cảm giác. Đây cũng chính là cách để biết một người còn sống hay đã chết. Kéo, giật, la lớn vào tai "Còn sống không?", chờ xem coi có chuyển động nào trên thân họ không. Nhiều khi các vị y tá, bác sĩ, vạch mí mắt họ ra, chiếu đèn vào xem coi có phản ứng gì không.

Một trong những điều xảy ra khi bạn đạt đến mức định tâm sâu là sự biến mất của năm giác quan. Bạn thấy như tay, chân không còn có cảm giác, như thân thể đang biến đi. Tuy nhiên, trong thiền, bạn không chết, bạn sẽ trở lại hoàn toàn bình thường sau đó. Đối với người sắp chết thì khác, các giác quan của họ dần dần biến mất hẳn. Ít ra trong thiền, bạn kinh nghiệm được cái cảm giác đó (sự biến mất của thân thể) như thế nào. Thứ nhất, khi cơ thể biến mất, bạn thấy dễ chịu.

Không biết các bạn thế nào, chứ tôi thì già rồi, năm nay đã 60 tuổi, trong người có đủ loại đau nhức và chắc là ngày càng trở nên tệ hại thôi. Vậy cho nên, thoát được ra khỏi thân này thì thật là dễ chịu. Khi thân bắt đầu biến đi từ từ, bạn có cảm giác khoan khoái tuyệt diệu của sự tự do. Không còn đau đớn, nhức mỏi. Cả mấy tuần qua, từ ngày đi Nam Dương về, cổ họng tôi thấy rất khó chịu. Hồi nãy, trong khi hành thiền, tôi thấy cảm giác khó chịu đó hoàn toàn biến mất. Thật tuyệt vời. Đây là điều xảy ra khi thân bắt đầu biến đi. Bạn thấy thoải mái tự do. Bạn không còn vướng bận với việc thấy, ngửi, nếm nữa. Thứ thường gây khó chịu cho bạn nhất trong khi hành thiền là âm thanh. Ví dụ như tiếng khóc của trẻ em bên ngoài hồi nãy, hay tiếng động, tiếng ho. Ngay cả Đức Phật cũng công nhận điều này. Ngài dạy, âm thanh là thứ cuối cùng được nhận biết bởi năm giác quan. Cũng vậy, đối với người sắp chết, âm thanh là thứ cuối cùng được nhận biết.

Hiểu như thế thì, khi một người bị hôn mê (coma), nếu nghĩ là họ hấp hối, bạn nên nói chuyện với họ, bởi vì âm thanh là thứ cuối cùng họ có thể nghe được. Đừng mong họ nhận biết khi bạn lay giật hay sờ đụng thân họ.

Nhiều bạn đã kinh nghiệm được điều này khi hành thiền, khi năm giác quan bắt đầu biến đi, bạn cảm thấy thơ thới, nhẹ nhàng, bình an, bởi vì thể xác là thứ nặng nề khó chịu. Vậy, hãy tưởng tượng, khi bạn bệnh nặng và sắp sửa từ trần thì sẽ như thế nào? Đó là giai đoạn thực sự nặng nề. Cũng may là y học hiện đại đã giúp bạn chịu đựng được với thuốc mọt-phin (giảm đau). Có nhiều Phật tử hỏi rằng, "Tôi muốn tỉnh táo vào giờ phút lâm chung, bởi vì đó là thời điểm quan trọng trong cuộc đời tôi, tôi không muốn ở trong trạng thái mê muội lúc đó". Nhưng các bạn đừng lo, cứ dùng mọt-phin đi, bởi vì bình thường thì tâm thức (giác quan thứ sáu) của bạn nương nhờ vào não bộ, nhưng nó sẽ không cần đến não bộ nữa một khi cơ quan này ngừng hoạt động. Nói một cách khác, tâm bạn không còn cần đến não bộ nữa. Nó có thể thoát khỏi não bộ, và điều thực sự xẩy ra là vào một hai phút cuối cùng, có khi lâu hơn hoặc mau hơn, bạn trở nên sáng suốt.

Tôi đã kể về trường hợp mẹ tôi ở Luân Đôn, bà bị bệnh Alzheimer. Cách đây gần hai năm, khi tôi đến thăm, ngồi bên bà nói chuyện hai tiếng mà bà không nhận ra tôi, không biết tôi là ai. Thế rồi, tự nhiên, trong khi đang lẩm bẩm những lời không mạch lạc, bà bỗng thốt ra chữ "tu viện". Thật lạ lùng. Rõ ràng đâu đó bà biết người đang ở trước mặt bà có dính dáng đến sự xuất gia.

Những người bị bệnh Alzheimer nặng, vào giây phút cuối của cuộc đời, họ sẽ sáng suốt, sẽ tỉnh ra, sẽ nhớ lại mọi điều, bởi vì đó là tính tự nhiên của tâm thức, nó xử dụng não bộ hầu như suốt cả cuộc đời, nhưng thực sự nó không cần đến não bộ. Trong vài phút cuối của cuộc đời, tâm thức tách rời khỏi não bộ.

Có một người thường hay đến đây, không biết hôm nay có họ ở đây không. Họ kể cho tôi câu chuyện về ông bố họ, ở thành phố Perth này. Ông bố sắp chết, hai chị em gái mỗi người ngồi một bên giường, nắm tay ông. Ông bị hôn mê, không nói gì đã nhiều giờ, hay nhiều ngày qua, tôi không nhớ.  Họ chỉ ngồi đó, nắm tay ông, chờ đợi giây phút cuối cùng của ông. Dĩ nhiên không ai biết giây phút đó sẽ xảy ra lúc nào. Tôi đã từng ở bên những người sắp chết, có khi phải chờ nhiều tiếng đồng hồ. Có khi tưởng hơi thở của họ đã lịm tắt nhưng bất ngờ họ thở trở lại. Trong trường hợp này, ông bố thở hơi cuối cùng, ông đã ngừng thở, nhưng rồi bỗng lại mở mắt ra. Ông nhướn người ngồi dậy, nhìn hai cô con gái. Hai cô tự động cùng thốt lên một lúc "chúng con thương cha", thế rồi ông nhắm mắt lại và qua đời. Điều thực sự đã làm hai người con gái ngạc nhiên là, mặc dù bị hôn mê đã lâu, đáng lẽ cha họ không thể nhìn hay có cảm giác gì, vậy mà vào giây phút cuối ông đã có thể làm việc đó. Ông đã nhìn vào mắt họ và họ đã có thể nói lời cuối cùng với ông.

Có một ví dụ khác còn hay hơn nữa, đã được đưa lên tuần báo "TIME", trong một bài viết về tâm thức con người. Trường hợp này nói về cái tâm lúc nó tách rời khỏi não bộ. Tôi còn giữ ở tu viện một bản của số báo TIME này, số tháng Giêng năm 2009 hay 2010 gì đó. Bài báo kể chuyện xảy ra bên Mỹ. Có một ông bác sĩ chữa cho một bệnh nhân bị một cục bướu thật to trong não. Bệnh nhân nằm hôn mê trong bệnh viện đã nhiều ngày và chỉ còn chờ chết, bởi vì cục bướu lớn đã xâm lấn những phần còn lại của não bộ. Theo nhận định của bác sĩ thì bệnh nhân sẽ không bao giờ ra khỏi cơn mê. Thế nhưng người này đã tỉnh dậy, mở mắt ra, ngồi lên, nói những lời chia tay cuối cùng với thân nhân trong vòng mười lăm phút, 15’ hoàn toàn tỉnh táo trước khi qua đời. Ông bác sĩ quá đỗi ngạc nhiên, điều đó không thể nào xảy ra được khi trong não bộ chẳng còn gì hoạt động cả. Vậy mà nó đã xảy ra.

Cách đây nhiều năm có lần tôi đã kể câu chuyện về một cậu thanh niên không có não bộ, của giáo sư John Lorber. Cậu thanh niên này là sinh viên Đại học Sheffield, đã đậu tốt nghiệp ngành toán học với hạng danh dự mặc dù cậu được sinh ra với một cái sọ hơi méo và, theo kết quả điện soi cho thấy, trong sọ của cậu tất cả chỉ hiện hữu có một phần trăm chất xám, ngoài ra không có gì nữa cả. Cơ bản, theo giáo sư Lorber, cậu ta không có não. Chỉ một số lượng chất xám nhỏ bé như thế thì không thể nào bù đắp nổi cho những gì thiếu sót. Vậy mà cậu thanh niên này là sinh viên đậu danh dự ngành toán. Thông minh, bình thường, có bạn gái. Không có gì để bạn nghĩ là cậu không có não. Làm sao như vậy được?

Theo như tôi biết, và cũng theo Phật giáo, tâm thức của con người, khả năng nhận biết, hình thành tư tưởng, sử dụng ý chí, không tùy thuộc vào thể xác. Đặc biệt là không tùy thuộc vào não bộ. Điều này được thể hiện vào những giây phút cuối của đời người. Tâm thức được giải phóng khỏi não bộ và thân thể để trở nên sáng suốt hơn. Điều này đã có nhiều tài liệu rõ ràng làm bằng cớ chứng minh. Vào giây phút cuối đời, bạn sẽ sáng suốt hơn.

Vậy bạn làm gì với những giây phút cuối đó? Đó là câu hỏi kế tiếp được đặt ra. Có rất nhiều người kể lại những kinh nghiệm cận tử (NDE: Near Death Experience) của họ. Một trải nghiệm thoát xác, nhưng vẫn có thể thấy và nghe được. Họ có cảm giác như họ đang có cái thân nhưng đồng thời họ lại thấy xác mình nằm trên bàn mổ, hay dưới gầm xe, hay bất cứ chỗ nào họ chết. Và dĩ nhiên, nhiều người đã được giúp hồi sinh và kể lại những kinh nghiệm họ vừa trải qua trước đó. Những người đó đi từ những văn hóa khác nhau trên thế giới chứ không phải chỉ những người theo đạo Phật.  Bạn nào muốn kiểm lại những gì tôi nói có thể vào trang mạng của Giáo sư Pim Van Lommel, ông này dạy y khoa ở Hòa Lan. Trong những công trình nghiên cứu của ông, giáo sư Lommel kể lại không biết bao nhiêu câu chuyện về kinh nghiệm cận tử.

Tuy nhiên, điều mà giáo sư Lommel quan tâm muốn biết là, về mặt khoa học, những câu chuyện này có thực hay không? Như đã tường thuật trên ấn bản tháng 12, năm 2001 của tờ Lancet (tạp chí y khoa), nghiên cứu của ông được tiến hành trong ba bệnh viện ở Hòa Lan. Với mỗi trường hợp bị hôn mê vì tai biến tim mạch được đưa vào bệnh viện và sau đó được hồi sinh, ông đưa cho họ một tờ giấy ghi nhiều câu hỏi để họ trả lời. Ông muốn biết xem họ có nhớ những gì đã xảy ra trong thời gian chờ được hồi sinh hay không? Trong thời gian họ "chết".  Đồng thời, trong mỗi trường hợp, ông cũng ghi lại những gì xảy ra trong phòng cấp cứu, trong phòng mổ, để đối chiếu với những gì có thể được mô tả lại bởi người bệnh, xem trí nhớ họ có chính xác hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy, gần 10 phần trăm số người được hồi sinh đã có một hay nhiều kinh nghiệm cận tử điển hình. Lơ lửng bềnh bồng ngoài thể xác nhưng nghe được những gì xảy ra xung quanh. Khi kiểm lại, ông thấy chúng không phải là những ký ức do tưởng tượng mà đó là những ký ức thực. Những điều họ nói đã nghe, đã thấy, đều thực sự đã có xảy ra. Nhưng điều thú vị nhất trong kết quả nghiên cứu này là: những người được hồi sinh có não bộ đã chết. Và đó chính là điều phân biệt giữa những kinh nghiệm cận tử và những người không có kinh nghiệm cận tử. Não bộ ngừng làm việc là khởi điểm của những kinh nghiệm cận tử. Điều này chứng minh cho thấy: tâm thức, ý chí, ký ức, hoạt động khi não bộ đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Và đây cũng là điều xảy ra khi bạn đạt định rất sâu.

Có câu chuyện của một thành viên ở đây, ông không có mặt hôm nay, nhưng ông đã cho phép tôi kể chuyện của ông trong cuốn sách tôi viết "Chánh Niệm, Giác Ngộ và Giải thoát". Câu chuyện là, một bữa nọ, vào ngày cuối tuần, ông ngồi hành thiền trong phòng ngủ. Thấy ông ngồi lâu quá, bà vợ vào gọi ông nhưng ông vẫn bất động và không có dấu hiệu gì chứng tỏ ông còn sống. Hoảng sợ, bà gọi xe cứu thương và họ chở ông vào bệnh viện Sir Charles Gairdner. Ở đó, người ta đo điện tâm đồ và điện não đồ của ông nhưng trên cả hai màn ảnh chỉ thấy một đường thẳng.  Người ta cho điện giật người ông nhưng không có hiệu quả gì. Thật ra thì trong khi đó ông vẫn đang thiền. Và cuối cùng, ông xuất thiền! Ngay khi ông ta xuất thiền, cả hai máy điện tâm và điện não đồ đều chạy lại một cách hoàn hảo. Ông không hiểu tại sao mình lại ở trong bệnh viện? Sau khi được bác sĩ khám lại tổng quát và kết quả cho thấy ông vẫn bình thường, ông đã lội bộ về thẳng nhà. Trong suốt thời gian "chết", ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo, hoàn toàn tỉnh giác, nhưng không hay biết gì về thể xác của mình, hoặc về những gì xảy ra xung quanh. Ông nhập định thật sâu bên trong. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong đời ông ta. Tôi kể câu chuyện này vì nó là kinh nghiệm của một người thường đến đây, là một ví dụ minh chứng những gì xảy ra khi não bộ ngừng hoạt động trong trạng thái thiền định rất sâu.

Khi não bộ ngừng hoạt động, đối với đại đa số, điều đầu tiên được cảm nhận là sự hoàn toàn thoải mái, an lạc. Vì sao? Vì thể xác này là một gánh nặng, cất bỏ được nó sẽ như được giải phóng. Đó là điều xảy ra khi bạn chết. Bạn hoàn toàn được giải phóng khỏi cái thân xác này. Hạnh phúc biết bao!

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Sau khi có những kinh nghiệm cận tử, ai cũng nói: "Bây giờ tôi không sợ chết nữa, vì tôi đã biết nó như thế nào rồi". Nó dễ chịu, ngập tràn hỷ lạc, tự do, an lạc. Biết được điều này, không những bạn không còn sợ chết mà bạn cũng sẽ không buồn khổ quá khi có người thân qua đời.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hạnh phúc sau khi chết. Bạn biết vì sao không? Bởi vì không phải ai cũng hoan hỉ khi được hạnh phúc; có khi bạn cảm thấy mình không xứng đáng hưởng niềm hạnh phúc đó, có khi bạn cho như thế vẫn là chưa đủ.

Chính thái độ của bạn, cách phản ứng trước một việc xảy ra đã ảnh hưởng đến những gì xảy ra cho bạn sau khi chết. Ví dụ như ngay bây giờ, có thể bạn đang có những giây phút tuyệt vời, hạnh phúc, một ngày an bình, một cuối tuần tuyệt diệu. Nhưng có bao nhiêu bạn tự nghĩ: "Ta không xứng đáng hưởng niềm vui này! “ “Điều này không thể được: ta đang cảm thấy thích thú!” và họ để vuột mất hạnh phúc đó. Ví dụ này, có thể hơi qúa đáng, nhưng nó cho ta thấy làn sóng ngầm (ảnh hưởng ngầm) rất mạnh của bản chất con người, gọi là mặc cảm tội lỗi, thái độ tiêu cực, bới lông tìm vết.

Nếu trong đời này bạn luôn nuôi dưỡng những thái độ đó thì bạn sẽ tiếp tục mang theo và phát triển nó sau khi bạn chết. Bạn có được cơ hội tốt đẹp để hưởng hạnh phúc mà bạn chối từ nó. Tại sao vậy? "Tôi không xứng đáng, tôi là người xấu, tôi có tội lỗi!". Chính thái độ tiêu cực, bới lông tìm vết, sẽ ngăn cản không cho bạn được tự do. Bản thân tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ trong những buổi nói chuyện vào mỗi tối thứ Sáu như thế này về đề tài "khắc phục mặc cảm tội lỗi". Hãy có cái nhìn tích cực về bản thân mình. Hãy buông bỏ những đau buồn trong quá khứ. Đừng làm tù nhân trong bất cứ lỗi gì bạn phạm phải. Đừng dán mắt vào hai viên gạch lệch mà quên nhìn 998 viên gạch đẹp còn lại trên bức tường! (1). Hãy chọn thái độ, không phải là tích cực, mà là công bằng, khi nhìn đời. Tôi không thích dùng chữ "thái độ tích cực", bởi vì từ này đã bị lạm dụng qúa nhiều. Công bằng, hợp lý, đúng mực, đối với bản thân mình. Bạn không phải là một người xấu. Tôi chưa bao giờ gặp một người xấu trong đời tôi. Tôi đã từng gặp những kẻ giết người, những kẻ hiếp dâm, trong tù. Nhưng họ không phải là những người thích làm chuyện xấu. Họ không đáng bị ghét bỏ, bị trừ khử. Đó là điều tôi muốn nói, tôi chưa bao giờ thấy người nào đáng bị trừ khử. Trong họ, luôn có một cái gì đó thiện lành, tử tế, đẹp đẽ, và đó là một điều tuyệt vời để nhận ra.

Nhận ra cái tốt nơi bạn, bạn xứng đáng hưởng được hạnh phúc. Nếu bạn muốn biết câu trả lời ngắn gọn về ý nghĩa của cuộc đời thì đó chính là: bạn xứng đáng được hạnh phúc. Đó là ý nghĩa cuộc đời của bạn. Điều này có những hệ qủa rất lớn. Có nghĩa là bạn có thể buông bỏ được những nỗi khổ, niềm đau trong quá khứ, bạn có thể đạt đến hạnh phúc (2), đến sự bình an, sự vui sướng.

Như vậy, sau khi chết rồi, điều quan trọng nhất bạn cần phải làm là từ ái với chính bạn. Chấp nhận những gì xảy đến. Thông thường, cuộc sống của con người bị khống chế bởi sự sợ hãi. Một trong những lý do của buổi nói chuyện tối nay là để tháo gỡ nỗi sợ hãi của bạn. Một khi bạn biết chính xác những gì sẽ tiếp diễn, nhận thức rõ ràng là nó tiếp diễn, và thực sự là nó xảy ra như thế, bạn được chuẩn bị sẵn sàng. Thông thường người ta sợ những cái chưa biết. Khi sự chết được hiểu biết rồi thì nỗi sợ hãi không còn nữa. Nghĩa là bạn có thể thư giãn và thưởng thức toàn bộ tiến trình sau khi chết.

Người ta thường có lắm thứ dính mắc với thế gian này.  Dính mắc với người, dính mắc với vật, những thứ mà họ phải để lại đằng sau. Nhà Phật thường nói "Bạn phải buông bỏ những gì đã qua rồi, những thứ đó bạn không thể mang theo được". Hiển nhiên là như vậy. Tuy nhiên, muốn làm được việc buông bỏ này bạn cần phải học hỏi, phải tu luyện, phải thực hành. Buông bỏ không có nghĩa là bạn không vui hưởng cuộc đời, không thương yêu những người xung quanh. Nhưng, ví như sau một ngày vui chơi, đến cuối ngày, đến giờ bạn cũng phải lên giường đi ngủ, chuẩn bị một ngày mới sẽ đến hôm sau.

Tôi có thể lấy trường hợp cái chết của cha tôi để làm một ẩn dụ tuyệt vời. Cha tôi mất lúc tôi mới mười sáu tuổi. Mặc dù vậy tôi đã không buồn, không tiếc, rằng ông chỉ sống ở bên tôi có mười sáu năm, bởi vì đó là mười sáu năm tuyệt đẹp. Tôi thấy tôi thật là may mắn. Một bản hoà tấu tuyệt vời. Nhưng buổi hoà tấu nào rồi cũng có hồi kết thúc. Khi một buổi hòa tấu kết thúc, có ai khóc lóc vì buồn khổ không? Dĩ nhiên là không, vì buổi hòa nhạc này hết thì sẽ có một buổi hòa nhạc khác vào tuần sau. Họ đến và đi. Đó là cái đẹp của cuộc đời, cuộc đời là một chuỗi những buổi hòa nhạc nối tiếp. Những giây phút hạnh phúc, những khoảnh khắc hân hoan, chúng ta đều biết sớm muộn gì rồi chúng cũng sẽ qua đi, nhưng chẳng phải vì thế mà chúng ta không thể vui hưởng những khoảnh khắc bên nhau. Ngược lại, chúng ta phải tận hưởng chúng. Và khi chúng kết thúc, chúng ta thấy biết ơn, chúng ta tạ ơn và rồi bước sang buổi hòa nhạc kế tiếp, bước qua một ngày mới, một cuộc đời mới.

Cố gắng thực hành như thế, kể cả trong lúc hành thiền, buông bỏ hoàn toàn những gì đã qua rồi. Buông bỏ chúng bạn mới có thể vui hưởng những gì xảy ra ở hiện tại và để cho tương lai xảy diễn ra sao thì ra. Thực tập buông bỏ trong khi hành thiền bạn sẽ có những buổi hành thiền tốt đẹp, tĩnh lặng, an vui. Tương tợ như thế, khi trút hơi thở cuối cùng, bạn buông bỏ quá khứ, không sợ hãi tương lai. Chấp nhận những gì xảy ra, từ ái, dịu dàng ngay trong phút giây hiện tại. Hãy nhớ kỹ điều này. Trong đời bạn đã trải qua nhiều kinh nghiệm vui sướng, nhiều điều buồn khổ. Nhưng khi bạn chết thì bạn phải bỏ lại tất cả. Bạn không cần đem qúa khứ vào hiện tại. Đây là một giáo lý tuyệt vời nhất trong đạo Phật. Bạn sẽ được tự do. Không ai có thể dày vò bạn vì những gì bạn đã làm, hoặc vì những gì người khác làm cho bạn. Chỉ có chính bạn tự dày vò mình mà thôi. 

Một ví dụ hay về điều này, đó là câu chuyện được khắc lên đá mà tôi đã đọc được ở Borobudur, ngôi đền Phật giáo ở Java. Những hình thể khắc trên đá được trình bày như một hệ thống thế gian, phần dưới đáy giống cảnh giới ở địa ngục. Những gì khắc lên ở đó đã làm tôi chú ý. Tôi có thể nói rằng: "Đây thực sự là những gì diễn ra khi chết” (tiến trình của cái chết). Chuyện cổ tích Phật giáo này kể rằng: có một chàng thanh niên khá hiền lành nhưng anh ta đã làm một việc bất thiện, anh đã xô mẹ khiến bà bị thương. Anh bị dày vò bởi điều đó đến nỗi sau khi chết anh rơi xuống địa ngục. Ở đó anh ta thấy có một gã khác đang bị một bánh xe có lưỡi sắc nhọn cắt vào đầu, hắn bị bánh xe cắt liên tục nhưng rõ ràng là hắn vẫn sống. Hắn ta rất đau đớn, vừa trông thấy chàng thanh niên, hắn nói: "Chao ôi, ngươi đã tới rồi ư! Ta có cái bánh xe này trên đầu đã sáu trăm năm rồi vì ta đã gây thương tích cho mẹ ta. Ta được bảo rằng, sáu trăm năm nữa, sẽ có một gã khác đến đây vì đã đả thương mẹ hắn; khi hắn đến, bánh xe sẽ rời đầu ta để sang đầu hắn và ta sẽ được tự do. Đây là bánh xe cho ngươi! Vừa nói xong, gã ta biến mất và bánh xe truyền qua đầu chàng thanh niên và cắt đầu khiến chàng ta quằn quại đau đớn.

Tuy nhiên, chàng thanh niên này là người có những tư tưởng đầy từ bi, anh ta tự nhủ: "Ta sẽ chịu đựng bánh xe này không những sáu trăm năm mà là ba ngàn năm, để bốn, năm người sau ta sẽ khỏi phải chịu cực hình này. Ta sẽ nhận sự trừng phạt thay cho họ". Lời nguyện vừa dứt thì chiếc bánh xe bể tan tành, chàng thanh niên thoát ra khỏi địa ngục và tái sanh nơi thiên đàng. Chỉ một tư tưởng thiện lành, từ bi đã làm được việc này.

Đây không phải là một huyền thoại mà là một ẩn dụ: chính thái độ của bạn đã tạo nên những gì bạn trải nghiệm. Thái độ của bạn là người sáng tạo, là người tạo ra ý niệm. Vì thế, khi bạn chết, xin đừng có những tư tưởng có tính tiêu cực. Bởi vì lúc đó chính là lúc bạn đang tạo ra thế giới của bạn. Đúng vậy, có những cõi thiên giới và có những cõi địa ngục, nhưng chính bạn đã tạo ra chúng, chính bạn tạo ra cảnh giới mà bạn nghĩ là (cho là) xứng đáng với bạn.

Nếu là người tiêu cực, nếu chỉ nghĩ đến những điều xấu mình đã làm và cảm thấy tội lỗi, không buông bỏ được, thì khi chết bạn sẽ nhớ lại, sẽ nghĩ mình là người xấu đáng bị trừng phạt. Bạn sẽ thiết kế mẫu hình phạt sao cho phù hợp với mình.

Khi chết, thể xác vật lý đã không còn nữa. Thể xác sau đó là thể xác do tâm thức bạn tạo ra. Bạn đi vào cảnh giới do tâm thức bạn tạo ra. Tâm thức là một cái gì rất mạnh mẽ, nó có khả năng tạo ra đủ thứ theo ý bạn muốn (3).

Để minh họa, tôi xin kể ra đây một kinh nghiệm của tôi trong một buổi hành thiền nhiều năm trước. Hôm đó, khi đã đạt định sâu, khi thể xác đã biến mất, tôi thấy một con ác quỉ hiện ra trước mắt, tai nó thật lớn, mắt đỏ, răng nanh lòi ra khỏi miệng, máu tươi đỏ nhỏ giọt. Nó đeo một chuổi đầu lâu, trên đầu đầy gai nhọn, lưỡi thè dài. Nó hiện ra ngay trước mắt, trong khi tôi đang hành thiền. Nếu là bạn, bạn có sợ không? Phần lớn người ta sợ vì không biết phải làm gì. Tôi thì đủ sáng suốt, ngay cả thời đó, biết là tự tâm mình sáng tạo ra thế giới.

Ý thức được chính mình là kẻ sáng tạo, theo bản tánh, việc đầu tiên tôi làm là vẽ lên hai mắt con quỉ hình hai mặt trời. Rồi đeo lên đôi mắt lồi của nó cặp kính Ray Ban, xóa đen vài cái răng nanh, nhét điếu thuốc vào miệng nó theo kiểu một tên quái vật du thủ. Cuối cùng là đội lên đầu nó chiếc nón rơm có cài một cái hoa. Tôi đã tạo nên một con quái vật khôi hài, tôi cười lớn trong tâm và quái vật biến mất, không bao giờ trở lại nữa.

Bởi vì nếu mình đã tạo ra một thứ gì đó thì mình cũng có thể cải tạo nó bằng cái tâm tích cực, từ ái, khôi hài của mình. Thật vậy, cách đây nhiều năm, sự việc tương tự cũng đã xảy ra cho một người có lần đã đến ở trong tu viện vài tháng hay vài tuần gì đó. Anh ta cứ thấy từ mỗi viên gạch lót đường là hình một con quái vật hiện ra khiến anh ta muốn phát khùng. Tôi chỉ cho anh ta phương pháp tôi đã làm và ngày hôm sau đến gặp tôi, anh nói, "Tôi đã trải qua một ngày thật tuyệt. Đúng là mình có thể tạo ra những bức hình ngộ nghĩnh từ những con quái vật đó! Dĩ nhiên sau đó chúng biến mất!".

Đó chính là sức mạnh của tâm sáng tạo trong việc hành thiền, nhất là khi tâm nhập vào định sâu. Và nó cũng gần giống như vậy khi bạn chết. Khi thể xác biến mất, tâm sáng tạo sẽ không còn bị nhiều cản trở bởi những yếu tố vật lý. Vì thế, khi chết, hãy nhớ học cách tạo ra những điều tích cực và tốt đẹp trong tâm bạn. Hãy phát triển một tâm hồn đẹp đẽ, từ ái, tử tế, bởi vì đó là những gì bạn sẽ tạo ra cho cảnh giới tương lai của bạn. Bạn có cơ hội để làm việc này.

Tôi biết có nhiều nơi các thầy được mời đến tụng kinh cho người mới qua đời, mục đích là để giúp cho tâm họ có được một trạng thái tích cực.

Tôi nhớ thời còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi theo bạn bè vào các quán rượu, ở đó thường xảy ra những cuộc đụng độ khi người ta say. Họ đấm đá nhau bên ngoài quán, máu văng tung tóe. Tôi nghĩ, "Tại sao người ta tìm đến những quán rượu?" Lý do là vì họ thích đánh nhau. Họ tìm kiếm sự xung đột. Tôi nghĩ, "Tại sao những người này tạo ra những hoàn cảnh đã dẫn họ đến sự bạo động, sự tiêu cực, đau đớn?" Đó là vì họ muốn như vậy.

Vậy nên, tôi hỏi bạn, "Bạn muốn gì? Bạn thực sự muốn gì? Không phải bạn nghĩ bạn muốn gì, mà từ sâu thẳm trong lòng, thực sự bạn muốn gì?"

Hãy hun đúc một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng từ bi, một đức tính bao dung. Đó là cảnh giới bạn sẽ tạo ra. Bạn tạo ra nó ngay trong đời này. Tôi không biết có người nào trong số các bạn đang gặp khó khăn trong quan hệ tình cảm không? Đừng đổ lỗi cho người kia. Như tôi đã từng nhắc, chẳng phải lỗi của chàng, chẳng phải lỗi của nàng, mà là lỗi của hai chúng ta. Bởi vì cả hai đều ở trong cuộc, luôn luôn có những việc bạn có thể làm được.

Vậy thì thực sự bạn có thể tạo ra một cảnh giới tốt đẹp cho bạn, ngay trong kiếp sống này. Tuy nhiên, khi còn sống thì khó làm hơn, vì có qúa nhiều những hạn chế, những rào cản bởi yếu tố vật lý. Nhưng, mặc dù có những khó khăn như thế, trước giờ các bạn cũng đã làm được khá tốt rồi. Thử tưởng tượng, một khi được giải phóng khỏi thể xác này rồi, nghĩa là khi chết, bạn sẽ có biết bao cơ hội hơn nữa!

Vì thế, đừng tạo cảnh giới địa ngục cho bạn khi bạn qua đời. Làm thế nào để tránh được điều đó? Tha thứ, không mang mặc cảm tội lỗi, không trách mình, không trách người!

Phật giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tha thứ kẻ khác, và tha thứ cho chính mình. Đó là điều tối quan trọng khi bạn chết. Hãy tha thứ! Bởi vậy trong nhiều tang lễ, chúng tôi đã cử hành buổi lễ tha thứ, cho người ở lại, cho người vừa quá vãng. Tôi nói với người đã mất, thay mặt họ, xin người ở lại tha thứ cho những lỗi lầm mà họ có thể đã phạm phải về thân, khẩu, ý, vô tình hay cố ý. Thay mặt người chết, chúng tôi thực sự xin lỗi, xin tha thứ, xin bỏ qua, để không còn đau đớn, không còn mặc cảm tội lỗi, không còn ý muốn trả thù sau đó. 

Chúng ta ai cũng có sai lầm. Ở đây tôi xin nhắc lại một ẩn dụ tôi đã có dịp nói tuần rồi. Đó là ẩn dụ về bài kiểm tra. Một bài kiểm tra mà thí sinh nào cũng đạt điểm 10/10, hoặc 1/10,  thì đó là một bài kiểm tra dở. Thời còn làm nghề thầy giáo, khi cho một bài kiểm tra, điều tôi nhắm đến là học trò đạt điểm 6/10, 7/10, 8/10, bởi vì mục đích của tôi là khuyến khích học trò nhưng đồng thời muốn biết các em yếu kém những mặt nào. Khi các em trả lời sai câu hỏi nào tôi sẽ biết để chú ý giảng kỹ hơn trong lớp học lần tới.

Trong cuộc đời cũng thế. Bạn được khích lệ để đạt được một số thành công. Có thành công bạn sẽ được thêm khích lệ, thêm phấn khởi. Nhưng những thất bại, lỗi lầm, cũng tốt, vì chúng chỉ cho bạn thấy mặt nào bạn còn yếu kém cần sửa đổi và làm cho tốt hơn, bạn sẽ có cơ hội để hiểu mình, hiểu đời hơn.

Nếu đạt được 6/10, 7/10, 8/10 thì đó là bài kiểm tra tối ưu trong đời và đại đa số con người là được như vậy. Hãy vui hưởng cuộc sống, nếu đôi khi gặp điều đau buồn hay thất vọng thì hãy xem như đó là một bài học thử thách, nên đón chào nó hơn là nhìn nó với cái nhìn tiêu cực. Đó là cách để học hỏi, trưởng thành, và khi cuộc sống chấm dứt thì cứ xem như đã học xong, hết phải làm bài kiểm. Có thể bạn chưa tốt nghiệp, bạn còn phải trở lại học năm sau, nhưng bạn cũng đã làm rất tốt rồi.

Thái độ tích cực đối với bản thân, thái độ sáng suốt trước những lỗi lầm và khổ đau của cuộc sống có nghĩa là bạn không tức giận, không nhìn chúng với cái nhìn tiêu cực. Do đó, vào giờ phút lâm chung, những thái độ tiêu cực không có mặt. Tâm thức bạn lúc đó sẽ bình yên và giai đoạn sau khi chết sẽ là một giai đoạn tốt lành. Bạn có thể tạo một cảnh giới thiên đàng cho bạn. Hay nếu muốn, bạn có thể trở lại làm người, sẽ tiếp tục học hỏi thêm, bởi vì nếu chỉ tu tập một đời thôi thì thường không đủ để thực sự phát triển từ tâm, sự hiểu biết, lòng bao dung tha thứ.

Vậy thì, hãy vui với bất cứ chuyện gì bạn phải làm trong cuộc sống. Đó cũng là thái độ bạn nên có lúc cuối đời. Rồi bạn sẽ được tái sanh tốt đẹp, thậm chí không còn tái sanh nữa nếu bạn có thể hoàn toàn buông xả.
 
 
Thư viện Hoa sen

Ghi chú của người dịch:

(1) Ajahn Brahm liên hệ câu chuyện thầy kể trong cuốn sách của thầy có tựa đề: "Who Ordered this Truckload of Dung?", chuyện "Two Bad Bricks" ("Hai viên gạch xấu").
(2) Niết bàn là hạnh phúc tối thượng – Kinh Pháp Cú.
(3) Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác – Kinh Pháp Cú.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3


Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply