VỀ THĂM HÀ NỘI (Ẩm Túy)
#2
Ngày thứ năm: 24-2-2000.

Cho rằng đêm qua ai cũng hết lòng cầu nguyện nhưng Ông Trời vẫn phụ lòng người: sáng nay trời mù sương, còn mưa phùn thì kéo dài từ đêm qua đến giờ vẫn chưa dứt. Bữa ăn sáng trở nên vô vị. Người dẫn đường như cảm thấy có lỗi với mọi người nên cứ nói lời tiếc rẻ mãi. Sau hơn một giờ chần chừ chờ đợi, mưa phùn đã dứt nhưng sương mù vẫn không tan. Mọi người đành phải xuống thuyền ra khơi. Chiếc thuyền này rộng lớn hơn thuyền đi chùa Hương, chạy bằng máy, có bàn ghế, bếp, toilet bên trong khoang. Tuy thuyền dầy đủ tiện nghi nhưng mọi người lại kéo nhau ra đứng ở mũi thuyền để ngắm cảnh, đương nhiên là trừ những cặp vợ chồng già. Nói là ngắm cảnh chứ có ai thấy được gì đâu. Thường thường khi ta đứng trước biển sẽ thấy xa xa là đường chân trời; còn nếu đứng ở vịnh sẽ thấy những dãy núi bao quanh. Thế nhưng hiện tại, đường chân trời chẳng thấy đâu mà núi thì cũng không, chỉ thấy mờ mờ một bức màn trắng khắp mọi chỗ. Thôi "mắt không thấy" thì "tai phải nghe" vậy. Chỉ tội cho cái tai già nua, nghe câu được câu mất nên giờ đây ghi lại chẳng biết có đúng không? 

Hạ Long là nơi rồng đáp xuống (ngược với Thăng Long là nơi rồng bay lên). Khi rồng đáp xuống, vô tình làm vỡ các thiên thạch, rơi xuống thành những hòn núi. Có tất cả 1969 hòn núi lớn nhỏ bao quanh chỗ rồng đáp, tạo thành vịnh. Trông xa, những hòn núi như chấp vào nhau thành 1 dãy núi dài, nhưng đến gần mới thấy những hòn núi ấy nằm xen kẻ nhau, chừa ra những khoảng trống cho tàu bè qua lại. Cạnh Hạ Long còn có những hòn núi mang hình những chú rồng con, đang quỳ lạy Mẹ: đó chính là Bái Tử Long. Cả Hạ Long và Bái Tử Long gọi là vịnh Hạ Long.

Người dẫn đường nói rằng nếu hôm nay trời nắng tốt, mọi người sẽ thấy rõ 1969 hòn núi với nhiều hình thù dị biệt mang các màu sắc rực rỡ: hòn Oản, hòn Rồng, hòn Trinh Nữ, hòn Cóc, hòn Dũa, núi Bình Phong, núi Bài Thơ, núi Yên Ngựa...Hiện tại mọi người chỉ đi ngang hòn Lư Hương (hòn núi giống cái lư hương trên bàn thờ) và hòn Gà Chọi (trông giống 2 con gà đang đa nhau). Vịnh Hạ Long có nhiều hang, động như: hang Bồ Nâu, hang Sửng Sốt, hang Trong; động Tiên, động Thiên Cung, động Dấu Gỗ. Chúng tôi được dẫn vào thăm 2 động Thiên Cung và Dấu Gỗ. Hai động này lớn và đẹp hơn động Hương Tích ở Hà Tây rất nhiều. Động Dấu Gỗ còn có tên là Dấu Gỗ vì ngày xưa Hưng Đạo Vương đã cho quân sĩ dấu nhiều gỗ trong động này, để làm cọc nhọn, ghim xuống lòng sông Bạch Đằng, lập mưu tiêu diệt quân Tàu. 

Hai động rộng lớn quá. Di vòng vòng thăm chúng xong thì hai chân đã mỏi nhừ và trời thì đã quá trưa Mọi người được dùng bữa ngay trong chiếc thuyền đang lênh đênh trên vịnh, với những món tôm cua vừa vớt được tại chỗ. Thịt tôm cua tươi rói rất ngon ngọt. Ai nấy dùng tay bốc ăn nhồm nhoàm ngon lành như chưa từng có được bữa ăn nào ngon miệng đến thế. Đã qua 5 ngày gần gũi nhau, lúc này mọi người trong đoàn đã có vẻ thân thiết với nhau như người một nhà. Chúng tôi chia xẻ nhau miếng ăn thức uống, rồi vừa ăn uống vừa đối đáp chọc ghẹo nhau cười giỡn như pháo nổ. Những người trong đoàn cứ hỏi hoài xem có phải tôi là Việt kiều về VN đi chơi với 2 người bạn trai cũ không. Tôi cãi chính mãi mà họ không chịu tin. Tôi nghĩ chắc do mình cao lớn và giao tiếp tự nhiên với mọi người nên họ mới tưởng lầm như thế. Bữa trưa vừa xong thì thuyền cũng vừa cập bến. Mọi người lên xe bus từ biệt Hạ Long.

Về đến Hà Nội, trời đã xế chiều. Xe dừng lại trước chợ Đồng Xuân. Tôi biết Đồng Xuân là một cái chợ nổi tiếng ở Hà Nội ngày xưa tại do bài giảng văn thuở bé đã học: "Nhất vui là  chợ Đồng Xuân...". Ngày nay tuy không còn giữ vị trí số 1 nữa nhưng Đồng Xuân vẫn là cái chợ kỷ niệm để  khách xa quê hương ghé lại  mua sắm.

Trước khi đi Hạ Long, tôi đã hẹn với gia dình Cậu Mợ là khi trở về, tôi sẽ mời Cậu Mợ cùng các em dùng một bữa cơm thân mật. Lý do thứ nhất là theo chương trình du ngoạn tôi chỉ còn ở được Hà Nội tối nay nữa thôi, sáng hôm sau sẽ theo đoàn đi đến tỉnh Vĩnh Phú viếng Đền Hùng xong rồi ra phi trường về Saigon luôn. Lý do thứ hai là hôm sau nhằm sinh nhật của tôi. Thôi thì xem như tối nay, trước là ăn tiệc mừng ngày tôi sắp sửa ra đời; sau là nhân đó sẽ chia tay đầy đủ Cậu Mợ và các em cho tiện. 

Vừa từ Hạ Long về đến khách sạn, đã nhận được phone của mấy đứa em họ gọi sang, bảo sẽ đến dón chúng tôi đi nhà hàng. Tôi hẹn chúng lát nữa vì chúng tôi còn phải tắm rửa sau một ngày lênh đênh trên biển. Tắm xong, N thấy đói nên ăn đôi chút cơm trong khách sạn. RT cũng ăn luôn. Tôi không dám cản, đành ngồi bên ngoài mà sốt cả ruột. Tội nghiệp mấy đứa em chúng nó chờ. Nhà hàng Hương Liên, nơi mà các em đã chọn để tổ chức tiệc cho tôi, chỉ là một quán ăn nhỏ, đơn sơ, nằm ngay bờ hồ Tây. Nếu vào buổi chiều, chắc ngồi ở đây sẽ thú vị lắm vừa được ăn ngon, vừa được ngắm cảnh đẹp hồ Tây qua các cánh cửa bên hông quán. Nhưng giờ này, tối đã lâu, trời lạnh lẽo, các cánh cửa được đóng kín, khách ngồi bên trong chẳng thấy gì ngoài những tấm phên cửa ố vàng. Nhưng tối nay tôi đến đây không phải để ngắm cảnh hồ Tây hay ngắm những tấm phên cửa, mà để họp mặt cùng họ hàng trước khi chia tay trở vào Nam. Vì thế, dù cho nhà hàng có lộng lẫy hay đơn sơ; dù cho các món ăn có đặc biệt hay tầm thường; nhưng tại đó, mảnh đất mà tôi đã được sinh ra đời, lần đầu tiên tôi được hưởng một tối kỷ niệm sinh nhật rất hạnh phúc với đông đủ những người thân thiết vây quanh: này là Mợ, này là các em trai gái dâu rể; này là chồng, này là bạn. Thật thương làm sao, Mợ và các em đã ăn mặc rất trịnh trọng, tay ôm đầy hoa và quà như đi dến một đám cưới. Mợ luôn ôm ấp tôi, miệng suýt xoa thương yêu. Các em trai, em rể chăm sóc tôi miếng ăn, thức uống; còn những đứa em gái, em dâu thì vây quanh lấy tôi đòi chụp hình chung, như thể tôi là một nhân vật nào đặc biệt lắm vậy. Tôi chợt nhớ đến Bố Mẹ đã khuất, và tôi cố kìm nén cảm xúc để hát trọn vẹn một bài hát mà tôi đã sửa lời:

MỜI RƯỢU

Dốc hết tiền này mua bình rượu đầy, 
Dốc hết tình này ta mời mọi người. 
Dành chút thời gian ngồi lại cùng ta.

Tóc đã bạc màu, mắt đã nhạt nhòa, 
Đến cuối cuộc đời ta chẳng còn gì. 
Còn chút rượu ngon và cả tình ta.

Mời uống, mời uống ly ruọu,
Rượu ngon uống chung họ hàng, 
Hỏi ta còn gì vui hơn?

Này gió, gió bay về trời, 
Này hoa, sẽ rơi về cội, 
Còn ta để mặc ta say ...

Anh ơi anh, em không thể, 
Bên bao nhiêu ly rượu đầy, 
Mà không uống ...

Mời uống, mời uống cho cạn,
Cạn cho hết ly rượu đầy,
Cạn xong đời còn hư không.

Này gió, gió bay về trời, 
Này hoa, sẽ rơi về cội, 
Còn ta để mặc ta say ...

Anh ơi xin anh nhớ: 
Tên em, tên em là ... 
Uống... cho ... say ...

Uống Say!

Mẹ tôi kể rằng, tôi ra đời nhằm lúc Bố đang thất nghiệp, buồn, uống rượu say. Vì thế tôi được Bố đặt cho cái tên có một không hai trên đời: Ẩm Túy. Thuở bé đi học, tôi rất khổ sở mỗi khi bạn bè mang cái tên của tôi ra chế giễu: "ẳm một tí". Tôi tức sao tên mình không bình thường như bao người: Mai, Lan, Cúc, Trúc; Xuân, Hạ , Thu, Đông; hay Công, Dung, Ngôn, Hạnh? Đến khi vào Đại Học, dù xấu xí thô kệch nhưng tôi vẫn là "một bông hoa lạc giữa rừng gươm", được các bạn trai ân cần chiều chuộng. Họ lại còn khen ngợi cái tên kỳ quái của tôi. Một người, hai người rồi nhiều người. Dần dần tôi không còn mặc cảm về nó nữa. Sau này, càng lúc tôi càng hãnh diện về cái tên độc nhất vô nhị của mình, nó không đẹp nhưng đã làm cho hầu hết mọi người đàn ông phải thích thú: Uống Say.

Vui chơi hát hò chưa được thỏa lòng thì tất cả chúng tôi phải ra về để nhà hàng còn đóng cửa vì trời đã khuya rồi. Chợt nhớ đúng ngày mai sẽ phải rời xa Hà Nội, rời xa Cậu Mợ, cùng các em không biết bao giờ mới gặp lại, tôi bỗng hoảng hốt. Tôi nghĩ thương Bố Mẹ vào 46 năm về trước, lúc chia tay Cậu Mợ để vào Nam, chắc đã hoảng hốt và đau lòng lắm ...

Ngoài trời rét run nhưng tôi không chịu về khách sạn chung với N và RT bằng xe taxi, mà muốn đi cùng những đứa em trên chiếc xe gắn máy. Tôi muốn hưởng nốt giây phút hạnh phúc cuối cùng của đêm kỷ niệm này: được phơi mình dưới cơn mưa phùn và làn gió Bấc, cạnh những người cùng chung dòng máu với mình, ngay tại quê hương yêu dấu.

Ngày thứ sáu: 25-2-2000

Sáng nay trong đoàn có mấy thanh niên tách ra đi ngược lên miền thượng du thăm đỉnh núi cao nhất VN: đỉnh núi Sapa. Vắng bớt tiếng nói tiếng cười, lại là buổi du ngoạn cuối cùng nên không khí trong đoàn bỗng chùng hẳn lại. Riêng tôi, vừa mới bắt đầu thân với mấy đứa em đã phải xa chúng nên càng thêm nặng nề trong lòng.

Nhớ lại đứa em trai đêm qua chở tôi về khách sạn, nó cứ nấn ná, nói mãi lời từ biệt mà chân thì chẳng chịu lùi bước. Tôi biết nó quyến luyến, không nỡ rời xa chị. Tôi có cảm tưởng như buổi tiệc lúc nãy là tiệc cưới của mình, bây giờ nó đưa tôi về nhà chồng, quyến luyến biết rằng sắp mất chị, nhưng không thể ở lại với chị cũng như không thể mang chị theo cùng. Lúc nó đi rồi, tôi mới thấy thương nó nhiều. Tôi tiếc đã không nói một lời trìu mến nào với nó, để nó ấm lòng khi chạy xe một mình trở về nhà, trên con đường khuya vắng lặng rét buốt.

Một đứa em gái, sáng sớm này trước giờ đi làm đã có đến khách sạn dể từ biệt tôi thêm một lần nữa. Chắc nó hiểu là lâu lắm chị em mới được gặp lại nhau. Đường Saigon - Hà Nội xa quá, chi phí đi lại không rẻ. Nó bận đi làm, lại một thân một mình, chắc khó có dịp vào Saigon. Còn tôi thì phải vài năm nữa mới dành dụm lại để có thể ra Hà Nội lần thứ hai. Tôi tiếc cho thời gian đã mất. Phải chi tối hôm qua tôi đến sớm hơn thì đã được chơi với mấy đứa em nhiều hơn, những đứa em thật dễ thương mà đến gần cuối đời, tôi mới có được. Bây giờ thì mỗi lúc mỗi rời xa chúng.......

Mặc những tình cảm đang rối ren trong lòng tôi, mặc đứa em gái đang chơ vơ bên lề đường giơ tay vẫy chào, chiếc xe lạnh lùng lăn bánh. Bỏ Hà Nội lại phía sau, xe chạy đến  tỉnh Vĩnh Phú để mọi người thăm viếng đền Hùng. Đền Hùng là nơi thờ các vị Vua Hùng Vương. Đền nằm trên đỉnh núi Nghĩa Linh, tọa lạc chính giữa vùng Tây Bắc và thủ đô Hà Nội. Đứng trên đồi Nghĩa Linh, nhìn sang bên phải là đỉnh núi Ba Vì vòi vọi, bên trái là dãy Tam Đảo dài như một bức tường sừng sững. Nhìn ra xa sẽ thấy sông Hồng và sông Lô. Tất cả những cảnh trên chỉ là do hướng dẫn viên tả lại, chứ sáng hôm đó, chắc Ông Trời cũng buồn cho tôi, nên khiến cho mưa phùn và sương mù dày dặc, tôi không thấy gì khác ngoài một bức màn sương trắng xóa. 

Đền Hùng gồm 3 phần: đền Hạ, dền Trung và đền Thượng nằm rải tít dưới chân núi lên trên đỉnh. Nếu đi qua 525 bậc thang, vòng theo sườn núi sẽ gặp đủ cả 3 đền. 

Đền Hạ nằm thấp nhất, là nơi ngày xưa Bà Âu Cơ chuyển dạ, sinh ra một bọc bên trong có 100 quả trứng, nở ra 100 người con. Khi lớn lên, 50 người theo cha xuống biển đánh cá, 49 người theo Mẹ lên rừng săn bắn. Người con cả ở lại, lên ngôi Vua, lấy hiệu là Hùng Vương thứ Nhất, và dặt tên nước là Văn Lang. Vì được sinh ra tại đền Hạ, nên sau này khi mất đi, các vị Vua Hùng cũng được thờ cúng tại đây. Bên cạnh đền Hạ có một cây Vạn Tuế, đã được trồng ngót 100 năm. Tiếc rằng sau khi bị ngã ở chùa Hương hôm trước, chiếc máy ảnh của tôi đã hỏng, cho nên tôi không chụp được ảnh cây Vạn Tuế.

Đền Trung nằm ở lưng chừng núi. Nơi đây có những chiếc ghế đá để các vị Vua Hùng ngồi họp bàn việc nước cùng các lạc hầu, lạc tướng. Chính tại đền Trung, ngày xưa Hoàng Tử Lang Liêu đã dâng bánh dày, bánh chưng lên Vua Cha, được Vua khen thưởng và truyền ngôi cho. Đền Thượng là nơi các Vua Hùng đến tế lễ. Nơi đây có "cột đá thề", do Thục Phán ngày xưa dựng nên, rồi thề quyết muôn đời gìn giữ bờ cõi nước nhà. Tại đây còn có đền Giếng thờ 2 Công Chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Phu quân của Tiên Dung Công Chúa là Chữ Đồng Tử; còn phu quân của Ngọc Hoa Công Chúa là chàng Sơn Tinh. 

Hàng năm, cứ vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, các con Rồng cháu Tiên đang ở trong và ngoài nước, thường trở về đền Hùng để tham gia lễ hội truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương. Tôi nhớ ngày xưa còn bé đi học, cứ đến ngày này là cả trường chúng tôi lại được vào  dự lễ Giỗ Tổ tại đền Kỷ Niệm trong Thảo Cầm Viên.

Viếng đền Hùng xong thì trời đã quá trưa. Xe đưa mọi người đi ăn uống rồi ra phi trường Nội Bài để về Saigon. Ngồi trên máy bay lần này, tôi không còn hồi hộp như trước. Không hiểu vì đã quen với máy bay hay vì mãi lưu luyến Hà Nội mà tôi thờ ơ với mọi việc xảy ra chung quanh. Chắc do nguyên nhân thứ hai nhiều hơn vì tôi đã mấy lần muốn bước xuống máy bay, đón xe trở lại nhà Cậu Mợ. Ôi, tôi nhớ mấy đứa em và tôi muốn khóc...

Buổi tối ở nhà, nhớ những lúc đi dạo trên con đường Hàng Ngang, Hàng Đào, quanh hồ Hoàn Kiếm; hay ngồi sau xe những dứa em chạy ào ào trong bòng tối dưới cơn mưa phùn, tôi lại ngẩn ngẩn, ngơ ngơ...Tình cờ mở valy lấy quần áo ra cất, tôi chợt lặng người khi thấy hai bàn tay mình mát lạnh. Thì ra quần áo nằm kín trong valy nên vẫn lưu lại cái rét của Hà Nội, một cái rét mà Saigon không thể nào có được. Tôi cứ để yên hai bàn tay ở đó, mặc cho nước mắt chảy dài, như vừa đánh mất một cái gì quý giá lắm...

Thế là, dù đã dự định đến Hà Nội với tâm trạng của một viễn khách, cưỡi ngựa xem hoa, nhưng bây giờ đây tôi biết rằng không phải như vậy Hà Nội không chỉ là nơi Bố Mẹ tôi đã lưu lạc đến với hai bàn tay trắng, đã thương yêu đùm bọc nhau, đã tạo nên hình hài tôi, đã sinh ra tôi trong cảnh nghèo khó; mà Hà Nội còn là nơi đang tồn tại những người cùng mang họ với Mẹ tôi, đã nhớ nhiều những kỷ niệm về Bố tôi, và đã cho tôi những tình cảm ruột thịt nóng ấm, tràn dầy. Tôi đã thật sự chìm ngập trong hạnh phúc có nơi chôn nhau cắt rốn đó. Hà Nội đã thiêng liêng trở lại trong tâm hồn tôi, bây giờ và mãi mãi .......

ẨM TÚY Xuân 2000
Reply


Messages In This Thread
VỀ THĂM HÀ NỘI (Ẩm Túy) - by schi - 2022-10-14, 07:27 AM
RE: VỀ THĂM HÀ NỘI (Ẩm Túy) - by schi - 2022-10-14, 07:30 AM